ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1356/QĐ-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 9 năm 2019 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông;
Căn cứ Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 11/8/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Kế hoạch số 187-KH/TU ngày 24/4/2019 của Tỉnh ủy về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
Thực hiện nội dung Công văn số 8156/BNN-TCTS ngày 18/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường chỉ đạo công tác phát triển nuôi biển;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 2425/TTr-SNNPTNT ngày 09/9/2019 và ý kiến của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 1573/STC-HCSN ngày 27/6/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại địa bàn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch này được bố trí từ ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn; Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
CHỦ TỊCH |
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN BIỂN TẠI ĐỊA BÀN HUYỆN LÝ
SƠN, TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số
1356/QĐ-UBND ngày 19/9/2019 của
Chủ tịch UBND tỉnh)
I. Mục tiêu chung
Hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển bền vững trên địa bàn huyện Lý Sơn theo định hướng, quy hoạch phát triển thủy sản nhằm tạo ra nguồn sản phẩm tốt cung cấp cho nhu cầu thực phẩm tại chỗ và có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản nhằm phát triển tối đa tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên biển, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, có thương hiệu, đồng thời tạo sinh kế, công ăn việc làm, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái biển, phục vụ phát triển du lịch và đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng biển, đảo.
II. Mục tiêu cụ thể
- Hỗ trợ triển khai thực hiện tối đa 10 mô hình nuôi thủy sản (mỗi mô hình khoảng 16-20 ô lồng, với thể tích khoảng 800-1000m3) cho 01 vụ nuôi trong khoảng thời gian năm 2020-2021.
- Tạo công ăn việc làm cho hàng chục người lao động (khoảng 50) bao gồm lao động thường xuyên, lao động thời vụ và dịch vụ cung ứng phục vụ nuôi trồng thủy sản.
- 100% các cá nhân/tổ chức tham gia nuôi trồng thủy sản trên biển nắm được cơ bản những kiến thức, kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, công tác chăm sóc, phòng bệnh và bảo vệ môi trường biển.
1. Quy mô, địa điểm, đối tượng
1. Quy mô, địa điểm
- Quy mô: Hỗ trợ tối đa 10 mô hình nuôi thủy sản (mỗi mô hình khoảng 16-20 ô lồng, với thể tích khoảng 800-1000m3) cho 01 vụ nuôi trong khoảng thời gian năm 2020-2021.
- Địa điểm: Vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản phía Nam đảo Lớn thuộc xã An Hải (Tây Nam vùng neo đậu tàu thuyền).
2. Đối tượng thả nuôi: Là những đối tượng có giá trị kinh tế cao như: Tôm hùm, cá các loại bao gồm cá bớp, cá cam, cá mú, cá hồng, cá bè vẫu, cá chim vây vàng...
II. Đánh giá tính khả thi, dự báo hiệu quả kinh tế
1 Đánh giá tính khả thi
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lý Sơn có 38 bè đang nuôi thủy sản, với tổng thể tích khoảng 36.000 m3, hàng năm sản lượng từ nuôi trồng ở đây khoảng 50 tấn cá các loại. Với tiềm năng và lợi thế từ việc nuôi biển ở Lý Sơn, nhiều người dân địa phương và các cá nhân, tổ chức mong muốn được đầu tư để nuôi trồng thủy sản ở LÝ Sơn nhưng còn ngại do thiếu vốn. Vì vậy, sau khi Kế hoạch này được ban hành sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ để người dân mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển, cũng như thu hút các Doanh nghiệp đầu tư nuôi thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật nuôi tiên tiến nhằm từng bước phát triển nghề nuôi thủy sản biển tại Lý Sơn đạt được mục tiêu định hướng quy hoạch đã được phê duyệt.
2 Dự báo hiệu quả kinh tế
Theo kế hoạch thì hộ dân, Doanh nghiệp có thể chọn đối tượng nuôi phù hợp với khả năng. Tuy nhiên qua thực tế, mỗi bè nuôi thường có xu hướng chọn nuôi khoảng 02 đối tượng nhằm phòng tránh rủi ro; đối tượng nuôi được nhiều hộ dân chọn nuôi trong thời gian qua đó là cá bớp, cá bè vẫu và một số đối tượng khác. Vì vậy, tạm tính hiệu quả kinh tế của Kế hoạch này trên cơ sở tính hiệu quả kinh tế của mỗi bè nuôi (16 ô lồng) điển hình gồm 8 ô lồng nuôi cá bớp và 8 ô lồng nuôi cá bè vẫu.
Dự báo hiệu quả kinh tế cho 01 bè nuôi (16 ô lồng nuôi - thể tích 800m3) trong đó bao gồm 8 ô lồng (400m3) nuôi cá bớp và 8 ô lồng (400m3) nuôi cá bè vẫu như sau:
TT |
Nội dung |
ĐVT |
Số lượng |
Đơn giá (đ) |
Thành tiền (đ) |
I |
Tổng chi |
|
|
|
1.526.400.000 |
1 |
Cá Bớp |
|
|
|
886.400.000 |
1.1 |
Con giống (mật độ 8 con/m3) |
con |
3.200 |
25.000 |
80.000.000 |
1.2 |
Thức ăn |
kg |
53.760 |
15.000 |
806.400.000 |
2 |
Cá Bè vẫu |
|
|
|
514.000.000 |
2.1 |
Con giống (mật độ 25 con/m3) |
con |
10.000 |
22.000 |
220.000.000 |
2.2 |
Thức ăn |
kg |
19.600 |
15.000 |
294.000.000 |
3 |
Chi phí khác |
|
|
|
126.000.000 |
1.3 |
Thuốc, hóa chất |
|
|
|
30.000.000 |
1.4 |
Công chăm sóc |
tháng |
8 |
6.000.000 |
48.000.000 |
1.5 |
Khấu hao TSCĐ cho mỗi vụ nuôi |
|
|
48.000.000 |
48.000.000 |
II |
Tổng thu |
|
|
|
1.850.800.000 |
1 |
Cá bớp thương phẩm (4kg/con) |
kg |
8.960 |
130.000 |
1.164.800.000 |
2 |
Cá bè vẫu thương phẩm (0,7kg/con) |
kg |
4.900 |
140.000 |
686.000.000 |
III |
Lãi |
|
|
|
324.400.000 |
Theo kết quả tính toán trên, đối với 01 mô hình bè nuôi trung bình từ 16-20 ô lồng có thể lãi trên 300 triệu đồng/vụ. Như vậy, tính cho cả kế hoạch này, một vụ nuôi (10 mô hình) có thể lãi trên 03 tỷ đồng. Ngoài việc góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thì nuôi biển còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm tại địa phương, phục vụ du lịch và xuất khẩu, từng bước nâng cao đời sống kinh tế - xã hội trên huyện đảo Lý Sơn.
III. Rủi ro, biện pháp khắc phục
* Những rủi ro trong nuôi biển: Bên cạnh hiệu quả đạt được thì nuôi lồng bè trên biển phải đối mặt với những khó khăn, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản gây ra, có nhiều nguyên nhân, cụ thể:
- Nguyên nhân do dịch bệnh trên thủy sản nuôi:
+ Con giống không đảm bảo chất lượng, ô nhiễm nguồn nước nuôi, thay đổi môi trường nước nuôi nóng lạnh đột ngột, người nuôi áp dụng chưa đúng quy trình kỹ thuật trong khâu chuẩn bị lồng bè và quy trình nuôi làm phát sinh dịch bệnh và lây lan. Thức ăn cho cá hoàn toàn là cá tạp nên không chủ động, khó bảo quản, gây ô nhiễm môi trường khi nuôi tập trung.
+ Việc bố trí các lồng bè nuôi sát nhau với số lượng lớn làm giảm sự trao đổi nước dẫn đến ô nhiễm môi trường biển, gia tăng nguy cơ lây lan và phát tán mầm bệnh ở các bè nuôi gần nhau.
- Nguyên nhân do thiên tai: Sự biến động lớn, thất thường của thời tiết, khí hậu, có những đợt mưa bão lớn làm cho các lồng bè dễ bị nhấn chìm hoặc cuốn trôi ra biển...
* Biện pháp khắc phục:
- Thực hiện giao, cho thuê mặt nước biển đúng theo quy định, hình thành vùng nuôi cá lồng bè tập trung.
- Khuyến khích người nuôi sử dụng nhựa HDPE làm khung lồng kiểu Na Uy, có khả năng chịu được bão đến cấp 12 và thiết kế lồng có thể đánh chìm khi xảy ra bão lớn giúp giảm rủi ro do thiên tai gây ra.
- Khuyến khích áp dụng quy trình nuôi 2 giai đoạn, nghĩa là ương con giống cỡ lớn rồi mới thả nuôi thương phẩm nhằm rút ngắn thời gian nuôi, phòng tránh rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.
- Tăng cường, các lớp tập huấn để hướng dẫn người nuôi các mô hình ứng dụng công nghệ mới, hiện đại phù hợp với điều kiện của vùng nuôi, khuyến cáo người nuôi chuyển dần sang hướng sử dụng thức ăn công nghiệp; hướng dẫn người nuôi sử dụng con giống tốt, đảm bảo chất lượng, giống đã được kiểm dịch và có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng.
- Tuân thủ theo Lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản đã được Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành, trong đó có quy định thời gian thu hoạch trước mùa mưa bão (trước 30/10) hàng năm để tránh rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong trường hợp bão xuất hiện sớm mà thủy sản nuôi chưa đạt kích cỡ thu hoạch thì địa phương hướng dẫn hộ nuôi di chuyển lồng bè vào khu neo tránh trú bão tàu thuyền Lý Sơn để phòng tránh thiệt hại.
- Thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi nhằm cảnh báo kịp thời môi trường trong nuôi trồng thủy sản để chủ động phòng tránh nhằm giảm thiệt hại do dịch bệnh cho người nuôi.
IV. Kinh phí hỗ trợ
1. Hình thức hỗ trợ: Để khuyến khích việc phát triển nuôi biển trên địa bàn huyện Lý Sơn, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ thực hiện mô hình, cụ thể như sau:
a) Đối tượng hỗ trợ: Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có mong muốn đầu tư nuôi thủy sản trên biển. Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được hỗ trợ một lần.
b) Điều kiện hỗ trợ: Các tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện mô hình nuôi biển đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có đơn đăng ký thực hiện mô hình nuôi thủy sản biển đã được xác nhận của chính quyền địa phương;
- Được ký kết Hợp đồng thực hiện mô hình với cơ quan chuyên môn thủy sản;
- Thực hiện nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt, có thái độ tích cực, hợp tác và trung thực trong báo cáo, tâm huyết thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản ở địa phương phát triển;
- Ưu tiên khuyến khích các mô hình ứng dụng công nghệ cao làm lồng nuôi bằng nhựa HDPE, composite chịu được sóng gió.
c) Căn cứ hỗ trợ:
- Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông
- Quyết định số 3276/QĐ-BNN-KHCN ngày 24/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành định mức tạm thời áp dụng cho các chương trình khuyến ngư;
- Quyết định số 3070/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/10/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành định mức tạm thời áp dụng cho các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến ngư;
d) Mức hỗ trợ: Trong khi chờ Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ, căn cứ theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 83/2018/NĐ-CP:
- Về mô hình trình diễn ở địa bàn hải đảo được hỗ trợ tối đa 100% chi phí về giống, thiết bị, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình nhưng không quá 200.000.000 đồng/mô hình.
- Đối với mô hình ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ tối đa 40% tổng kinh phí thực hiện mô hình, nhưng không quá 200.000.000 đồng/mô hình.
2. Nguồn kinh phí hỗ trợ
a) Kinh phí hỗ trợ: Tổng kinh phí hỗ trợ theo kế hoạch tối đa không quá 02 tỷ đồng cho 01 vụ nuôi, bao gồm: Hỗ trợ con giống, hỗ trợ mua thiết bị, vật tư thiết yếu, kinh phí khác thực hiện mô hình.
b) Nguồn kinh phí: Được bố trí trong dự toán chi ngân sách cấp tỉnh hàng năm; nguồn kinh phí tài trợ và đóng góp hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu hợp pháp khác theo quy định.
V. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương các cấp có liên quan triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các nội dung của Kế hoạch; đồng thời triển khai các phương án cân đối đảm bảo nuôi trồng thủy sản phù hợp với các hoạt động sản xuất khác trên biển.
- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Trung ương và địa phương; huy động ngoài nguồn lực ngân sách của tỉnh để thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Kế hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các mô hình, dự án đủ điều kiện theo Kế hoạch này.
3. Sở Tài chính:
Trên cơ sở nhu cầu kinh phí sự nghiệp do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, đề xuất, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ chế độ hiện hành và khả năng cân đối ngân sách, tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ theo quy định.
4. Các sở, ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, địa phương có liên quan tổ chức triển khai các nội dung của Kế hoạch này.
5. Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan để chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này, cụ thể:
- Vận động tuyên truyền nhân dân đăng ký để được hỗ trợ phát triển nuôi biển theo Kế hoạch này;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhân dân để được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè theo quy định;
- Tổng hợp nhu cầu đăng ký, xem xét lựa chọn, đề xuất hộ thực hiện mô hình, cùng với nhu cầu kinh phí hỗ trợ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở ngành liên quan, để tham mưu UBND tỉnh xem, xét bố trí kinh phí thực hiện.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với nuôi trồng gắn với bảo vệ môi trường ở địa phương theo các quy định của pháp luật;
- Chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân phát triển nghề nuôi thủy sản theo quy hoạch, mùa vụ, hình thức nuôi, đối tượng nuôi phù hợp và công tác chăm sóc, phòng trị bệnh.
- Phối hợp với các ngành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường biển./.
Quyết định 1356/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại địa bàn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Số hiệu: | 1356/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Ngãi |
Người ký: | Trần Ngọc Căng |
Ngày ban hành: | 19/09/2019 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1356/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tại địa bàn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Chưa có Video