Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1258/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 07 tháng 6 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (PHẦN THU NỘI ĐỊA) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 03/9/2010 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015;

Thực hiện Thông báo số 73-TB/TU ngày 21 tháng 4 năm 2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thông báo kết luận về Đề án thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 447/TTr-STC ngày 15 tháng 5 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Thu ngân sách Nhà nước (phần thu nội địa) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015" như sau:

(Chi tiết nội dung Đề án kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế Bình Thuận, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Tiến Phương

 

ĐỀ ÁN

THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC (PHẦN THU NỘI ĐỊA) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THU NGÂN SÁCH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XI, thu ngân sách Nhà nước so với GDP đạt tỷ lệ 16% (chưa tính các khoản thuế thu trực tiếp từ dầu khí), phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm 23%.

1. Kết quả thu ngân sách giai đoạn 2006 - 2010:

Tổng quyết toán thu ngân sách Nhà nước (thu NSNN) giai đoạn 2006 - 2010 là 25.214 tỷ đồng, gấp 7,7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005, bao gồm:

- Thu nội địa là 9.812 tỷ đồng tăng 2,98 lần so với giai đoạn 2001 - 2005 đạt tỷ lệ huy động trên GDP là 11,69%, trong đó các khoản thu từ thuế và phí cân đối ngân sách là 6.008 tỷ đồng, các khoản thu từ biện pháp tài chính cân đối ngân sách là 2.516 tỷ đồng, khoản thu để lại đơn vị quản lý qua NSNN là 1.270 tỷ đồng, thu viện trợ không hoàn lại là 19 tỷ đồng;

- Thu từ dầu thô là 15.262 tỷ đồng;

- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 140 tỷ đồng.

Tốc độ tăng thu nội địa bình quân hàng năm (không kể thu từ dầu khí) giai đoạn 2006 - 2010 là 21,81%. Các khoản thu từ thuế và phí cân đối ngân sách có tốc độ tăng bình quân là 31,13%/năm.

2. Nhận xét, đánh giá kết quả thu NSNN:

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và các bộ, ngành cấp trên; sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp của tỉnh; sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách giai đoạn 2006 - 2010 đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội và chi hoạt động của bộ máy Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, do các yếu tố khách quan như: suy thoái kinh tế, lạm phát, … đã ảnh hưởng không tốt đến thu ngân sách Nhà nước nên tỷ lệ huy động trên GDP của thu NSNN (không kể thu từ dầu thô) giai đoạn 2006 - 2010 là 11,69%, đạt kết quả thấp hơn so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra (16%); tốc độ tăng thu ngân sách giai đoạn 2006

- 2010 là 21,81%, thấp hơn so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra (23%).

3. Nguyên nhân ảnh hưởng đến thu ngân sách giai đoạn 2006 - 2010:

- Theo dự kiến trong giai đoạn 2006 - 2010 các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hàm Kiệm, Khu công nghiệp Tân Đức, Khu công nghiệp Sơn Mỹ ... sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng đem lại nguồn thu lớn, ổn định cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên đến nay chỉ có Khu công nghiệp Phan Thiết 1 đi vào hoạt động, các khu công nghiệp còn lại đang ở giai đoạn đầu tư chưa được khai thác;

- Cơ chế chính sách thu của Nhà nước thay đổi đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của khoản thu từ doanh nghiệp Trung ương như: do điều chỉnh giá bán điện nội bộ của Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi xuống thấp; phân bổ thuế giá trị gia tăng đầu vào của các Chi nhánh điện lực địa phương từ 5% lên 10% làm cho số thu thuế giá trị gia tăng từ đơn vị điện lực giảm; do thực hiện phân chia doanh thu nên số thuế giá trị gia tăng phải nộp của đơn vị bưu điện giảm; giảm thu thuế giá trị gia tăng của Công ty Rượu bia Sài Gòn tại Bình Thuận do chuyển thành đại lý…;

- Một số khoản thu phí không còn, do thay đổi chính sách hoặc một số khoản thu phí không phát sinh so với dự toán (thu phí môi trường đối với hoạt động khai thác dầu khí) đã trực tiếp làm giảm khoản thu từ phí và lệ phí;

- Do thị trường bất động sản đóng băng, những khó khăn vướng mắc trong chính sách đất đai, đền bù giải tỏa và việc thăm dò, khai thác khoáng sản Titan

- Zircon, đã làm cho kết quả thu tiền sử dụng đất của tỉnh đạt rất thấp so với dự toán.

Ngoài ra, công tác quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu trong từng lúc, từng nơi thực hiện chưa tốt. Cơ chế hiện hành là tự khai tự nộp thuế nhưng một số tổ chức, cá nhân chưa kê khai nộp đúng, đủ, kịp thời số thuế phải nộp; tình trạng nợ đọng thuế của một số doanh nghiệp, một số địa bàn vẫn còn đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện thu ngân sách.

Phần II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THU NGÂN SÁCH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

I. MỤC TIÊU

Hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN giai đoạn 2011 - 2015 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII đã đề ra là: huy động GDP vào ngân sách Nhà nước bình quân hàng năm (không kể các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu) là 11 - 12%.

II. NHIỆM VỤ

1. Nhiệm vụ trước mắt:

Thu ngân sách năm 2011 đạt và vượt dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao đầu năm (2.700 tỷ đồng), đồng thời quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu tăng thu NSNN 7% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao để thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

2. Nhiệm vụ cho cả giai đoạn 2011 - 2015:

Tổng thu ngân sách (không kể các khoản thu trực tiếp từ dầu khí và thuế xuất nhập khẩu) giai đoạn 2011 - 2015 phải đạt từ 20.000 tỷ đồng đến 21.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,1 lần so với giai đoạn 2006 - 2010), bình quân mỗi năm thu nội địa phải đạt từ 4.000 - 4.200 tỷ đồng, trong đó năm cao nhất là 6.000 tỷ đồng. Cụ thể: tổng thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 là 20.826 tỷ đồng, trong đó:

- Thu từ thuế và phí cân đối ngân sách là 16.302 tỷ đồng;

- Thu từ các biện pháp tài chính là 2.847 tỷ đồng, trong đó thu tiền sử dụng đất là 1.450 tỷ đồng;

- Thu để lại quản lý qua NSNN là 1.677 tỷ đồng.

III. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÁC NGUỒN THU VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN THU NGÂN SÁCH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Thực trạng các nguồn thu ngân sách:

Kết quả thu ngân sách năm 2010, thu nội địa từ sản xuất kinh doanh trong nước là 2.669 tỷ đồng, trong đó: thu từ thuế và phí cân đối ngân sách là 1.782 tỷ đồng; thu từ các biện pháp tài chính là 584 tỷ đồng; thu để lại quản lý qua NSNN là 303 tỷ đồng.

Trong các khoản thu từ thuế và phí cân đối ngân sách năm 2010; thu từ doanh nghiệp Nhà nước (Trung ương và địa phương), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thu từ khu vực ngoài quốc doanh là chiếm tỷ trọng cao nhất (72,26%), cụ thể:

- Thu từ DNNN Trung ương và địa phương năm 2010 là 314 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,62% trong tổng thu từ thuế và phí cân đối ngân sách;

- Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2010 là 512 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,73% trong tổng thu từ thuế và phí cân đối ngân sách;

- Thu từ khu vực ngoài quốc doanh năm 2010 là 533 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,91% trong tổng thu từ thuế và phí cân đối ngân sách.

Thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN; tuy nhiên xét tổng thể thu NSNN trên địa bàn những năm qua thì nguồn thu từ thuế vẫn còn nhỏ lẻ, quy mô nhỏ. Đến cuối năm 2010, tổng số đối tượng nộp thuế có đăng ký thuế trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 55.690 đối tượng nhưng chỉ có 42.000 đối tượng có hoạt động sản xuất kinh doanh và thu nhập, trong đó:

+ DNNN Trung ương là 61 đối tượng, DNNN địa phương là 52 đối tượng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tổng vốn kinh doanh của các DNNN là 2.257 tỷ đồng. Nếu loại trừ 3 nhà máy thủy điện nộp ngân sách 80 tỷ đồng năm 2010 thì bình quân 1 doanh nghiệp Nhà nước nộp thuế là 2,1 tỷ đồng/năm, mức đóng góp như trên cho thấy hiệu quả kinh doanh vẫn còn thấp;

+ Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động đến cuối năm 2010 của tỉnh là 62 đối tượng. Tuy nhiên quy mô của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn rất nhỏ, bình quân 1 doanh nghiệp nộp ngân sách 650 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới cần phải quan tâm có biện pháp thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp từ thành phần này vào đầu tư sản xuất kinh doanh trong tỉnh;

+ Một bộ phận khác đóng góp rất lớn cho NSNN và là bộ phận quan trọng để đánh giá nội lực của nền kinh tế tỉnh nhà là kinh tế ngoài quốc doanh. Trong tổng số 42.000 đối tượng nộp thuế (bao gồm 15.261 đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân) thì khu vực ngoài quốc doanh có đến 26.564 đối tượng, chiếm 63% số lượng đối tượng nộp thuế trên địa bàn tỉnh.

Tuy chiếm đa số về số lượng nhưng khu vực ngoài quốc doanh chỉ có 2.824 đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn lại đến 23.740 đối tượng là các hộ cá thể. Trong tổng số 23.740 đối tượng là hộ cá thể thì có đến 8.272 đối tượng là hộ kinh doanh lặt vặt chỉ quản lý thu thuế môn bài. Với số thu ngoài quốc doanh nộp ngân sách năm 2010 là 533 tỷ đồng, bình quân 1 đối tượng nộp ngân sách là 20 triệu đồng/năm (tương đương 1,7 triệu đồng/tháng).

Từ đó cho thấy nền kinh tế tỉnh ta có quy mô nhỏ do xuất phát điểm thấp, chưa có ngành kinh tế chủ lực làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và tăng thu ngân sách nói riêng. Đây là một khó khăn rất lớn đối với công tác thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015, để giải quyết cần phải có sự chỉ đạo tập trung và áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng như quy mô của nền kinh tế.

2. Phân tích một số cơ chế, chính sách tác động đến thu ngân sách:

a) Về quản lý thuế nhà thầu phụ dầu khí:

Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, các khoản thuế và thu khác từ dầu khí phải nộp ngân sách Trung ương, trong đó có thuế tài nguyên dầu khí. Ngân sách địa phương chỉ được điều tiết khoản thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh từ hoạt động thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí của các nhà thầu phụ nước ngoài.

Số thu từ dầu khí năm 2010 là 5.158 tỷ đồng nhưng thu từ hoạt động nhà thầu phụ dầu khí nước ngoài điều tiết ngân sách địa phương chỉ có 156 tỷ đồng. Đây là khoản thu cần quan tâm khai thác trong thời gian tới.

b) Về giá tính thuế đối với thủy điện:

Trên cùng một địa bàn tỉnh Bình Thuận nhưng giá tính thuế giá trị gia tăng và thuế tài nguyên không thống nhất và có sự chênh lệch quá lớn, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế và thiếu công bằng trong việc thực hiện chính sách thuế tại địa phương.

Nếu có sự thống nhất và không có chênh lệch trong giá tính thuế giá trị gia tăng của các nhà máy thủy điện thì thu ngân sách từ thủy điện sẽ tăng thêm 44 tỷ đồng/năm.

3. Đánh giá công tác quản lý nguồn thu từ đất:

- Công tác quản lý sử dụng đất đúng mục đích, chuyển nhượng đất thời gian qua chưa thực hiện tốt, còn khá nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển nhượng trái phép, không đăng ký kê khai thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất, kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn thực tế để trốn thuế… nhưng chậm phát hiện và chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý;

- Các hành vi vi phạm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất vẫn chưa có chế tài cụ thể, đủ mạnh để răn đe, hướng dẫn rõ ràng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc xử lý thu hồi dự án vi phạm kết quả còn rất hạn chế;

- Thu tiền sử dụng đất ở các dự án trồng rừng, dự án có đất rừng đạt thấp, chủ yếu là thu từ tiền thuê đất. Các dự án này thường có thời gian ưu đãi đầu tư rất dài, từ 15 đến 20 năm, nên trong giai đoạn 2011 - 2015 sẽ không phát sinh khoản thu từ các dự án trồng rừng.

4. Quản lý thu từ các khu công nghiệp:

Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay có 8 khu công nghiệp đang được đầu tư xây dựng, trong đó có 2 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là KCN Phan Thiết 1, KCN Hàm Kiệm 1. Các khu công nghiệp còn lại đang trong quá trình đầu tư là KCN Phan Thiết 2, KCN Hàm Kiệm 2, KCN Sơn Mỹ 1, KCN Sơn Mỹ 2, KCN Tân Đức, KCN Tuy Phong.

Đến nay chỉ mới có 2 khu công nghiệp đi vào hoạt động, trong đó chỉ có KCN Phan Thiết 1 có đóng góp ngân sách (năm 2009 là 30 tỷ đồng, năm 2010 là 25 tỷ đồng) tuy nhiên về lâu dài xác định đây là một nguồn thu ổn định, bền vững và sẽ tăng nhanh trong thời gian đến nếu các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh được lấp đầy diện tích.

5. Quản lý thu đối với một số lĩnh vực cụ thể:

a) Lĩnh vực điện gió và nhiệt điện:

- Về điện gió:

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có 12 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư, lắp đặt khoảng 1.500 MW được chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu.

Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước về điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước. Mặt khác, một số dự án nằm trong ranh giới điều tra khoáng sản titan của Bộ Tài nguyên và Môi trường nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Ngoài ra, do suất đầu tư điện gió cao dẫn đến giá thành sản xuất điện cao nên các chủ đầu tư chưa thỏa thuận được giá bán điện lên lưới với EVN; giá bán điện chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Do đó, trong điều kiện được Nhà nước quan tâm ưu đãi đầu tư thì giai đoạn 2011 - 2015 sẽ không phát sinh nguồn thu từ điện gió, nhưng trong tương lai NSNN sẽ thu được thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp rất ổn định từ lĩnh vực này.

- Về Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân:

Theo Quyết định số 4590/QĐ-BCT ngày 01/9/2010 của Bộ Công thương về việc phê duyệt hiệu chỉnh quy hoạch tổng thể Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, tổng mức đầu tư của các dự án trên 5,4 tỷ USD.

Nếu công tác đầu tư đúng tiến độ, năm 2014 phát điện hòa mạng lưới điện quốc gia đúng công suất thiết kế của nhà máy 1 và nhà máy 2 thì doanh thu dự kiến là 7,9 tỷ USD/năm. Như vậy, từ năm 2015 mới có thể phát sinh khoảng thu ngân sách từ Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân.

- Riêng đối với dự án Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ gồm 3 nhà máy là Sơn Mỹ 1, 2, 3 với tổng công suất 3.600 MW, sản lượng điện dự kiến 23,4 tỷ kwh/năm đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

b) Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản:

Đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có trên 120 tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh (chưa kể cấp huyện) cho phép khai thác khoáng sản như: cát xây dựng, đá xây dựng, sét làm gạch ngói... với trữ lượng và công suất khai thác hàng năm rất lớn; nhưng đối chiếu với số thu từ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường chưa tương ứng với nguồn tài nguyên hiện đang khai thác.

Thu từ khai thác khoáng sản (gồm thuế và phí bảo vệ môi trường) năm 2008 là 9,4 tỷ đồng (trong đó thu từ cát đen là 5,6 tỷ đồng), năm 2009 là 18,5 tỷ đồng (trong đó thu từ cát đen là 11,5 tỷ đồng), năm 2010 là 26,8 tỷ đồng (trong đó thu từ cát đen là 18,6 tỷ đồng).

Nguyên nhân của việc thất thu thuế và phí trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản là do công tác phối hợp quản lý của các cơ quan Nhà nước chưa được chặt chẽ; việc kê khai nộp thuế của các tổ chức, cá nhân nhiều nơi chưa kịp thời và không đúng theo sản lượng thực tế tài nguyên khoáng sản đã khai thác; nhiều tổ chức, cá nhân có giấy phép nhưng không khai thác hoặc chậm khai thác theo thời gian ghi trên giấy phép...

c) Đối với cây cao su:

Đến năm 2010, toàn tỉnh có 32.618 ha cây cao su đang chăm sóc. Trong đó có 14.131 ha cao su đang khai thác, tổng sản lượng khai thác đã quy chuẩn trong năm 2010 là 19.308 tấn (sản lượng bình quân là 1,37 tấn/ha).

Bình quân 01 tấn mũ qua chế biến đã quy chuẩn mang đi tiêu thụ nộp ngân sách là 5,2 triệu đồng, số phải thu ước tính năm 2010 là 100,4 tỷ đồng (19.308 tấn x 5,2 triệu đồng/tấn); nhưng thực tế năm 2010 chỉ thu được là 54,2 tỷ đồng (bao gồm thu từ Công ty Cao su Bình Thuận, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh khấu trừ hoạt động khai thác chế biến cao su).

Nguyên nhân đạt thấp là do thiếu nhà máy chế biến mũ để sản xuất sản phẩm cao su có giá trị kinh tế cao, sản lượng cao su khai thác được chủ yếu do tư thương ngoài tỉnh vào mua nguyên liệu thô để chế biến tại tỉnh Đồng Nai hoặc thành phố Hồ Chí Minh.

d) Lĩnh vực kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, du lịch:

- Theo số liệu quản lý thuế tính đến thời điểm 31/12/2010 đã có 343 đơn vị đăng ký hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống, khách sạn và dịch vụ du lịch. Phần lớn các doanh nghiệp đang đầu tư, nên trong năm 2010 chỉ có 123 doanh nghiệp đi vào hoạt động kinh doanh.

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh du lịch - khách sạn kê khai nộp thuế trong năm 2010 bằng năm 2009 nhưng doanh thu thực hiện năm 2010 tăng 19%; Số thu nộp ngân sách 2010 là 104 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2009. Số thuế đã nộp trên doanh thu thực hiện trong năm 2009 đạt tỷ trọng 10%; năm 2010 là 8,7%;

- Tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh du lịch - khách sạn là tính tự giác chấp hành pháp luật thuế ở một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch - khách sạn chưa cao, tình trạng trốn lậu thuế, nợ thuế dây dưa kéo dài vẫn còn diễn ra. Tình trạng ẩn lậu thuế, không xuất hóa đơn để dấu doanh thu tính thuế … tồn tại nhiều năm nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý. Thậm chí còn có trường hợp doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng từ NSNN do kê khai thua lỗ kéo dài.

e) Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu:

Số thu từ thuế và phí xăng dầu thời gian qua chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu nội địa (trừ đất đai, thuế xuất nhập khẩu và dầu thô) tuy nhiên số thu thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu ở những doanh nghiệp còn thấp. Một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu là:

+ Trong thời gian qua các thương nhân kinh doanh xăng dầu chưa thực hiện đúng quy định công khai giá bán lẻ và hoa hồng trên hợp đồng đại lý việc quản lý thuế xăng dầu chưa được thực hiện chặt chẽ, kịp thời do không có đầy đủ thông tin về lượng và giá bán xăng dầu thực tế;

+ Một số Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu lợi dụng chính sách bán xăng dầu cho Hộ công nghiệp (được bán ra với giá thấp hơn giá bán lẻ theo quy định) để xuất hóa đơn bán ra với giá thấp làm cho số thuế phát sinh thấp hoặc không phát sinh thuế phải nộp;

+ Hiện tượng bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn (do người mua không yêu cầu); mua bán xăng dầu lòng vòng; mua bán thẳng cho người tiêu dùng, không qua nhập kho; bán hàng ghi hóa đơn chênh lệch giữa liên 1 và liên 2; bán hóa đơn khống dưới hình thức báo mất hóa đơn chưa sử dụng … để trốn thuế và tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng còn phổ biến, chưa có biện pháp xử lý.

Tóm lại, xét về cơ cấu thu ngân sách Nhà nước thì các nguồn thu từ thuế và phí chiếm tỷ trọng lớn, ổn định và có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn các nguồn thu từ biện pháp tài chính. Thu từ biện pháp tài chính (như thu tiền sử dụng đất, thu tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước, thu khác ngân sách…) tiếp tục có xu hướng ngày càng giảm (thu từ thuế, phí giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân hàng năm là 24,15% và giai đoạn 2006 - 2010 là 31,13% nhưng thu từ biện pháp tài chính giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân hàng năm là 59,06% và giai đoạn 2006 - 2010 là 11,12%), lý do là các khoản thu này ít chịu ảnh hưởng bởi tăng trưởng của nền kinh tế (tăng trưởng GDP) mà chủ yếu là bán tài sản, đất đai và thu từ những biện pháp xử lý tài chính (tài sản Nhà nước, đất đai… không phải là vô hạn). Để đảm bảo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững phục vụ cho nhu cầu chi của Nhà nước, vấn đề cơ bản nhất là tạo nguồn thu ngân sách từ thuế, phí thông qua việc mở rộng và tăng quy mô của nền kinh tế, phát triển sản xuất - kinh doanh, quản lý chặt chẽ các nguồn thu từ thuế và phí. Vì vậy UBND tỉnh dự kiến số thu ngân sách từ thuế, phí giai đoạn 2011 - 2015 là 16.302 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm là 23,05%; các khoản thu từ biện pháp tài chính là 2.847 tỷ đồng; trong đó thu tiền sử dụng đất có xu hướng giảm trong những năm 2014, 2015. (Tổng thu nội địa dự kiến là 20.826 tỷ đồng, trong đó: thu cân đối là 19.149 tỷ đồng, còn lại là thu để lại quản lý qua NSNN).

IV. GIẢI PHÁP

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015 đã đề ra, cần triển khai thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau:

1. Giải pháp chung cho cả giai đoạn:

a) Thực hiện các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh tạo nguồn thu lớn, ổn định từ nội lực của nền kinh tế tỉnh nhà:

Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hiện có (Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hàm Kiệm, Khu công nghiệp Sơn Mỹ, …) và phát triển các khu công nghiệp đã được quy hoạch; phát triển mạnh cụm công nghiệp và làng nghề nông thôn ở các huyện, nhanh chóng đưa vào khai thác nhằm tạo nguồn thu lớn, ổn định cho ngân sách. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong giai đoạn 2011 - 2015 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII đã xác định.

Tập trung phát triển mạnh các nhóm ngành sản phẩm thế mạnh như năng lượng (phong điện, thuỷ điện, nhiệt điện); dầu khí và vật liệu xây dựng; các sản phẩm công nghiệp khai khoáng; các nhóm ngành công nghiệp kinh tế biển, phát triển công nghiệp nông thôn đi đôi với bảo vệ môi trường qua đó góp phần tích luỹ, bồi dưỡng nguồn thu tạo nguồn lực phát triển bền vững cho địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển các loại nông sản hàng hóa lợi thế của tỉnh như thanh long, cao su, …; đi đôi với thực hiện các biện pháp sản xuất sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, hoàn thiện các công trình thủy lợi (kênh tiếp nước 812 - Châu Tá, kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân, kênh tiếp nước cho Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân…) đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm sạch phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đem lại nguồn thu cho địa phương và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng nông thôn.

Đẩy mạnh phát triển du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tăng cường liên kết, tiếp thị quảng bá, nâng cao du lịch biển địa phương ngang tầm quốc tế… để du lịch thành một ngành kinh tế trọng điểm và nâng dần tỷ trọng (%) đóng góp cho ngân sách của địa phương.

Bằng nhiều nguồn vốn, đẩy mạnh đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phát triển dịch vụ vận tải, thương mại và kinh doanh xuất nhập khẩu theo hướng hiện đại hóa, gia tăng hàm lượng công nghệ đảm bảo lưu thông hàng hóa nhanh thuận tiện (đề nghị Trung ương triển khai sớm xây dựng sân bay, cảng chuyên dùng Vĩnh Tân, cảng nước sâu Kê Gà, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Quốc lộ 55), góp phần kích thích sản xuất phát triển tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giao thông nông thôn, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các lĩnh vực này.

Quan tâm phát triển các ngành dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn, công nghệ thông tin, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

b) Quản lý, khai thác tốt các nguồn thu ngân sách:

Tiếp tục đề xuất với Trung ương các cơ chế chính sách thu, như phân cấp nhiều hơn cho ngân sách địa phương các nguồn thu (đối tượng chịu thuế, phí, tiền thuê mặt biển, …) liên quan đến khai thác dầu, khí, titan; nhất là thuế tài nguyên từ dầu khí, từ khoáng sản (titan); đề nghị điều chỉnh giá tính thuế giá trị gia tăng và thuế tài nguyên của Công ty Thủy điện Đa Mi - Hàm Thuận - Đa Nhim cho thống nhất trên địa bàn tỉnh và phù hợp với giá điện thương phẩm.

Khảo sát, đánh giá xác định toàn bộ nguồn khoáng sản hiện có trên địa bàn tỉnh về chủng loại, trữ lượng, chất lượng, địa điểm để đưa vào quản lý theo danh mục; trên cơ sở đó lập bản đồ quy hoạch tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý thu thuế.

Các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ quỹ đất, tiếp tục rà soát quỹ đất trên địa bàn, thực hiện tốt công tác đo đạc, thu hồi, giao thuê đất, chuyển quyền, chuyển mục đích sử dụng đất; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc khai thác quỹ đất để thực hiện các dự án khu dân cư, dự án các khu du lịch. Xây dựng và hoàn thiện giá các loại đất trên địa bàn theo lộ trình tiến đến sát với giá thị trường.

Thực hiện tốt chính sách quản lý đất đai và thu tiền thuê đất, tiền giao đất tại tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 120/2010/NĐ-CP và Nghị định số 121/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời kiên quyết xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng nhất là các trường hợp đầu cơ dự án để chuyển nhượng.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án có năng lực thực sự, dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến; kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài; tranh thủ nguồn vốn viện trợ; xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn và công bằng cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư phát triển.

c) Triển khai và thực hiện tốt chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 nhằm mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa:

- Triển khai thực hiện kịp thời các chính sách thuế do Trung ương ban hành, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; công khai các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế;

- Nâng cao hoạt động tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế; khuyến khích hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. Khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt nghĩa vụ thuế;

- Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế. Hoàn thiện ứng dụng cơ chế quản lý thuế theo phương thức tự khai tự nộp;

- Chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ, công chức. Thực hiện tốt việc sắp xếp, điều động luân chuyển, quy hoạch, đào tạo đối với đội ngũ cán bộ nguồn.

d) Tích cực phối hợp giữa ngành thuế cùng các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác quản lý hành thu, tăng cường kiểm tra chống thất thu ngân sách:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chính sách thuế và các thủ tục về kê khai nộp thuế;

- Tập trung rà soát, xử lý và phân loại nợ đọng thuế theo quy định hiện hành, kiên quyết thu dứt điểm đối với các khoản nợ có khả năng thu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; tập trung quản lý các lĩnh vực còn thất thu như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, kinh doanh xăng dầu …;

- Tăng cường cải cách hành chính trong công tác quản lý Nhà nước, rút ngắn thời gian xử lý, luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan. Xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong công tác quản lý, xử lý đối tượng nộp thuế, nhất là lĩnh vực đất đai, nhằm nâng cao tính pháp chế trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất và chính sách thuế trên địa bàn.

2. Giải pháp trước mắt và cụ thể:

a) Các ngành, các cấp đẩy mạnh thực hiện thu ngân sách năm 2011:

Khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2011 ngay từ đầu năm, tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2011 (trừ thu dầu khí và xuất nhập khẩu) được UBND tỉnh giao (bao gồm cả chỉ tiêu phấn đấu 7%) là 2.889 tỷ đồng.

Thường xuyên theo dõi sát tình hình kinh tế - xã hội và những nhân tố ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

b) Làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ những bất cập trong cơ chế chính sách:

- Kiến nghị Trung ương sửa đổi Luật Dầu khí và Luật Ngân sách Nhà nước theo hướng phân cấp và phân chia các khoản thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển tỉnh Bình Thuận tại các mỏ như: mỏ Sư tử đen - Lô 15.1, mỏ Rubi, mỏ Rạng Đông, mỏ 01/97, mỏ 02/97… đối với các khoản thuế (thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), phí bảo vệ môi trường, tiền thuê mặt biển… để địa phương có nguồn cân đối chi cho đầu tư phát triển kinh tế biển và đảm bảo an sinh xã hội những vùng sâu, vùng xa, hải đảo và ngư dân bị ảnh hưởng bởi ngư trường khai thác bị thu hẹp do thăm dò, khai thác dầu khí;

- Kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách cho phép tỉnh Bình Thuận được thu thuế GTGT là 2% trên doanh thu chưa thuế đối với các Nhà thầu phụ Việt Nam có hoạt động cho thuê giàn khoan và thực hiện dịch vụ khoan trên vùng biển khai thác dầu khí thuộc Lô 15.1;

- Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn thực hiện thống nhất giá tính thuế giá trị gia tăng và thuế tài nguyên từ thủy điện theo Thông tư số 45/2009/TT-BTC ngày 11/3/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ sở sản xuất thủy điện.

c) Tăng cường quản lý, khai thác các khoản thu từ đất:

- Tổng kết, đánh giá công tác quản lý, khai thác nguồn thu từ đất đai và khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là dự án dịch vụ - du lịch. Từ đó, đề ra các biện pháp khắc phục những yếu kém, sơ hở, chống thất thu trong lĩnh vực này. Nghiên cứu, đề xuất mở rộng hình thức đấu giá giao đất có thu tiền sử dụng đất (kể cả thuê mặt đất, mặt nước) tạo thế cạnh tranh trong đầu tư, tăng thu NSNN.

Đối với các dự án du lịch, dự án xây dựng nhà để bán có sử dụng đất tại các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, không thực hiện thuê hoặc giao đất không qua đấu giá mà phải thực hiện đấu giá đất hoặc kêu gọi đầu tư theo Thông tư số 03/2009/TT- BKH ngày 16/4/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất;

- Tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách giải tỏa đền bù thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy triển khai các dự án đã được chấp thuận đầu tư và thu hút các dự án mới;

- Theo dõi, quản lý chặt chẽ và có biện pháp xử lý kiên quyết theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất không đăng ký, chuyển nhượng bất động sản không đăng ký, chuyển nhượng dự án trái phép, cố tình trốn thuế. Những hoạt động chuyển nhượng hợp pháp phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước;

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng, chuyên môn; tăng cường kiểm tra, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai nhưng không có lý do chính đáng;

- Tích cực triển khai thực hiện việc ký quỹ đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, dự án nào chưa thực hiện ký quỹ thì chưa giao đất;

- Trong năm 2011, rà soát, xây dựng mới hoặc củng cố, hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp để quản lý kịp thời, đầy đủ các trường hợp phát sinh nghĩa vụ tài chính. Trong đó, xác định rõ thời gian luân chuyển hồ sơ từ khi có quyết định giao, cho thuê đất của cấp thẩm quyền, chế tài xử lý vi phạm, ...

d) Khai thác tốt nguồn thu từ các khu công nghiệp:

- Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, bao gồm nguồn vốn NSNN, nguồn vốn huy động hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm sớm đưa các khu công nghiệp vào hoạt động, kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất lấp đầy diện tích xây dựng. Trước mắt là tập trung vào Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1, 2 và Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2;

- Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào các cụm công nghiệp.

e) Tăng cường quản lý đối với một số lĩnh vực cụ thể: - Lĩnh vực điện gió và nhiệt điện:

Tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình điện như Dự án điện gió Tuy Phong 1 giai đoạn 2, điện gió Phước Thể, điện gió Phú Quý, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và 3, thủy điện Sông Lũy, thủy điện Đan Sách 2 và 3, …

Tác động với Bộ Công thương trình Chính phủ sớm phê duyệt giá bán điện lên lưới EVN đối với các dự án phong điện và đề nghị sớm ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước về điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung để thu hút đầu tư của các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước;

- Lĩnh vực tài nguyên khoáng sản:

Đề nghị Chính phủ sớm ban hành quy hoạch khai thác cát đen, titan; đồng thời tích cực kiến nghị Chính phủ có chủ trương xử lý phù hợp về khai thác cát đen, về đầu tư dự án mới theo tinh thần Công văn số 259/TTg-KTN ngày 22/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với những dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản đang triển khai phải theo dõi chặt chẽ khối lượng khai thác để thực hiện thu nộp thuế; đối với dự án đã cấp phép, đã hết hạn nhưng chưa triển khai thì kiên quyết thu hồi để tổ chức đấu thầu; những dự án mới phải tổ chức đấu thầu.

Xây dựng, ban hành quy chế đấu thầu khai thác mỏ; trong đó có xây dựng đơn giá khai thác loại khoáng sản, tiền đặt cọc, ...

Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong tỉnh để quản lý chặt chẽ việc khai thác tài nguyên khoáng sản. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định số 670/QĐ-UBND ngày 26/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý thu thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó thực hiện nghiêm túc việc kê khai theo sản lượng được cấp phép khai thác, kiên quyết thu hồi và không gia hạn các trường hợp không thực hiện.

- Đối với cây cao su:

Kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến mũ để sản xuất ra sản phẩm cao su có giá trị kinh tế cao, đồng thời góp phần tiêu thụ lượng mũ cao su nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, tăng thu ngân sách;

- Đối với lĩnh vực kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, du lịch:

Tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức và công dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định về quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử lý mang tính răn đe đối với các đơn vị không chấp hành đúng quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá của các doanh nghiệp hoạt động nhà hàng, khách sạn, du lịch;

- Đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu:

Làm việc với các Tổng công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu để xuất bán xăng dầu cho các chi nhánh đầu mối hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Thuận bằng giá bán buôn của Tổng công ty, theo quy định của Nhà nước.

Nghiên cứu các quy định hiện hành để xử lý và hướng dẫn các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa thực hiện đúng việc ghi giá bán và hoa hồng cho đại lý và hệ thống bán lẻ xăng dầu.

Thực hiện điều tra, xác minh việc bán xăng dầu cho các hộ công nghiệp có dấu hiệu trốn thuế; thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá bán lẻ các loại xăng dầu theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nghiên cứu xây dựng phần mềm kê khai thuế qua internet kết hợp với tự in hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

f) Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế:

- Tập trung thu thập cơ sở dữ liệu, phân tích kỹ các thông tin để đánh giá mức độ tuân thủ, từ đó lựa chọn doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế hàng năm. Đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp có số lỗ lớn, hoàn thuế lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lỗ nhiều năm liên tục nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh;

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra thuế trên cơ sở thu thập, phân tích thông tin quản lý rủi ro, khi thực hiện tại trụ sở người nộp thuế. Áp dụng công nghệ tin học kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và phát hiện kịp thời những trường hợp khai man, ẩn lậu thuế;

- Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề: chống thất thu thuế, chống chuyển giá, hoàn thuế... Đôn đốc thu hồi kịp thời đối với số tiền phát hiện qua thanh tra, kiểm tra vào ngân sách theo kết luận của cơ quan thuế, thanh tra, kiểm toán;

- Đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp với cơ quan công an, cơ quan quản lý thị trường về đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế nhất là các hành vi buôn bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp;

- Áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế nợ mới phát sinh lớn. Tập trung xử lý số nợ đọng thuế, phấn đấu tổng nợ đến cuối năm so với số thuế phải thu không quá 5% tổng thu ngân sách (trừ dầu và xuất nhập khẩu);

- Trong năm 2011, rà soát và có biện pháp kiên quyết thu hồi dứt điểm toàn bộ số nợ đọng của các tổ chức, cá nhân. Đẩy mạnh công tác kiểm tra chống thất thu thuế đối với các lĩnh vực kinh doanh du lịch; ăn uống, nhà hàng, khách sạn; mua bán trái thanh long; các dự án trồng cao su, trồng rừng. Xử lý nghiêm theo đúng quy định những trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.

g) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế:

- Đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền có tính giáo dục, thuyết phục cao; nội dung tuyên truyền hướng trọng tâm vào cộng đồng dân cư. Tổ chức tuyên truyền thực hiện tốt quy định mới về quản lý hóa đơn theo tinh thần của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ;

- Thường xuyên tổ chức đối thoại với người nộp thuế theo quy chế đã ban hành; nâng cao chất lượng trang điện tử của ngành thuế có đầy đủ thông tin, chính xác, dễ truy cập đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp;

- Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thuế. Tuyên dương kịp thời thành tích của các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế, đóng góp số thu lớn cho NSNN; lên án mạnh mẽ các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân trong công tác thuế.

h) Đẩy mạnh thực hiện tiến trình cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế:

- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án 30/CP về đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế, tập trung vào thủ tục đăng ký thuế và thủ tục kê khai thuế. Gắn việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính với công tác giám sát, thực hiện cải cách thủ tục hành chính;

- Tiếp tục triển khai hệ thống các quy trình quản lý thuế: quy trình nghiệp vụ quản lý Thuế thu nhập cá nhân; quy trình kiểm tra, thanh tra; quy trình thu nợ theo nguyên tắc phân loại người nộp thuế theo mức độ rủi ro nhằm tập trung nâng cao hiệu quả chức năng quản lý thu nợ và thanh tra thuế;

- Tiếp tục triển khai mở rộng dự án kê khai thuế qua mạng internet; dự án tập trung thu NSNN qua việc ứng dụng và kết nối thông tin giữa cơ quan thuế, hải quan, kho bạc và tài chính theo chỉ đạo của Bộ Tài chính;

- Tiếp tục triển khai diện rộng dự án nộp thuế qua ngân hàng; mở rộng các hình thức nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, triển khai nộp thuế qua ATM đối với các ngân hàng có đủ điều kiện và chuẩn bị điều kiện để tiếp tục mở rộng phạm vi trao đổi, kết nối thông tin qua mạng giữa cơ quan thuế với ngân hàng để phục vụ cho mục đích quản lý thuế (thông tin về tình hình thanh toán, giao dịch tài khoản tại ngân hàng...);

- Tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin người nộp thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế.

i) Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ:

- Đề xuất với Bộ Tài chính tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực ngành tài chính tại địa phương, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo từng chức năng quản lý cho cán bộ, công chức, nhất là cán bộ ngành thuế;

- Hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Trung tâm Phát triển quỹ đất và ngành thuế các cấp; làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, luân phiên, luân chuyển hợp lý đội ngũ cán bộ thuế; giáo dục về tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, kỷ luật nghiêm minh để xây dựng đội ngũ cán bộ thuế đủ năng lực chuyên môn, trong sạch vững mạnh;

- Thực hiện tốt chính sách đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước đủ trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của nền kinh tế.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở các giải pháp tại Đề án này, căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình, từng sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu của Đề án trong từng năm và cả giai đoạn, cụ thể:

1. Các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh:

- Xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm và 5 năm (2011 - 2015) của ngành mình phục vụ Đề án thu ngân sách, trong đó tập trung vào các giải pháp phát triển sản xuất - kinh doanh và một số lĩnh vực cụ thể sau:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư: xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý các dự án có sử dụng đất trên cơ sở quy hoạch được duyệt để tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá đất hoặc kêu gọi đầu tư theo Thông tư số 03/2009/TT-BKH ngày 16/4/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất và Công văn số 5468/UBND- ĐTQH ngày 12/12/2006 của UBND tỉnh về việc đấu giá quyền sử dụng đất tại địa bàn ưu đãi đầu tư;

+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: xây dựng kế hoạch thu ngân sách hàng năm từ các dự án giao hoặc thuê đất trồng rừng; thu từ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là cây cao su và trái thanh long;

+ Sở Công thương: xây dựng kế hoạch thu ngân sách hàng năm từ hoạt động kinh doanh thương mại, xăng dầu, lĩnh vực điện;

+ Sở Tài nguyên và Môi trường: xây dựng kế hoạch thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh, khai thác tài nguyên, khoáng sản; phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất;

+ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: xây dựng kế hoạch thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành.

- Trước ngày 20 tháng 11 hàng năm tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án này của ngành mình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính tổng hợp);

- Riêng đối với năm 2011, các đơn vị xây dựng kế hoạch gửi Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính) trước ngày 20/8/2011.

2. Cục Thuế tỉnh:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thu ngân sách hàng năm, kế hoạch thực hiện chiến lược cải cách thuế, kế hoạch tăng cường kiểm tra chống thất thu ngân sách, kế hoạch tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế;

- Trước ngày 20 tháng 11 hàng năm tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án này của ngành mình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính tổng hợp);

- Riêng đối với năm 2011, các đơn vị xây dựng kế hoạch gửi Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính) trước ngày 20/8/2011.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Căn cứ Đề án thu ngân sách của tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch thu ngân sách hàng năm, trong đó chú trọng đến các giải pháp phát triển kinh tế gắn với công tác thu ngân sách, các biện pháp phát triển sản xuất, các sản phẩm lợi thế, đặc thù của địa phương mình. Phấn đấu tốc độ thu NSNN (phần thu cân đối) hàng năm là 18%;

- Trước ngày 20 tháng 11 hàng năm tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án này của địa phương mình báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính tổng hợp);

- Riêng đối với năm 2011, các địa phương xây dựng kế hoạch gửi Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài chính) trước ngày 20/8/2011.

4. Sở Tài chính:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thu ngân sách từ các biện pháp tài chính phục vụ công tác thu ngân sách hàng năm;

- Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh xây dựng kế hoạch thu ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh đảm bảo tốc độ tăng thu ngân sách theo Đề án đã được phê duyệt;

- Theo dõi, tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Đề án của các ngành và các địa phương hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 1258/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án "Thu ngân sách Nhà nước (phần thu nội địa) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015"

Số hiệu: 1258/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
Người ký: Lê Tiến Phương
Ngày ban hành: 07/06/2011
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [9]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 1258/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án "Thu ngân sách Nhà nước (phần thu nội địa) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011-2015"

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…