ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1183/2006/QĐ-UBND |
Huế, ngày 05 tháng 5 năm 2006 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN CHÍNH SÁCH BẢO VỆ NHÀ VƯỜN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006 – 2010”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND các cấp ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 3i/2006/NQBT-HĐND5 ngày 10/4/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh
khóa V, kỳ họp Bất thường lần 3;
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND thành phố Huế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006 – 2010, với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu:
1.1. Hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo và khai thác có chọn lọc, ưu tiên các nhà vườn ở các địa bàn, tuyến phố, khu vực, cụm dân cư có khả năng khai thác hoạt động dịch vụ, du lịch.
1.2. Giai đoạn trước mắt (2006 - 2010) tập trung hỗ trợ cho khoảng 150 nhà vườn nằm trong danh sách được phê duyệt. Kết quả thực hiện của giai đoạn này sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để đề ra các cơ chế, chính sách phù hợp cho các giai đoạn tiếp theo nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát huy các giá trị của nhà vườn truyền thống Huế.
2. Các chính sách cụ thể:
2.1. Chính sách hỗ trợ về tài chính:
a) Hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà:
- Hỗ trợ 100% chi phí khảo sát, thiết kế trùng tu nhà vườn cho tất cả các đối tượng nhà vườn thuộc danh mục cần phải bảo tồn.
- Khuyến khích các chủ nhà vườn tự bỏ vốn trùng tu. Đối với các nhà vườn không đủ điều kiện tự bỏ vốn trùng tu được xem xét cho vay không lãi vốn trùng tu nhà vườn từ quỹ bảo tồn nhà vườn; mức vốn cho vay từ 60 - 70% dự toán trùng tu được duyệt, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng và chủ nhà vườn phải có 30 - 40 % vốn đối ứng để thực hiện trùng tu. Thời gian vay từ 5 - 10 năm.
- Đối với một số nhà vườn thật sự có giá trị tiêu biểu, mang đậm nét văn hoá nhà vườn xứ Huế nhất thiết phải bảo tồn (số lượng hạn chế 3 - 5 nhà/năm) tuỳ theo điều kiện cụ thể để xét hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo nhà; mức hỗ trợ từ 50 – 80% giá trị dự toán trùng tu, nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng /nhà.
b) Hỗ trợ lập vườn:
Các hộ có nhu cầu lập vườn tạo cảnh quan sinh thái, nâng cao giá trị nhà vườn phục vụ dịch vụ, du lịch được xem xét hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ 100% tiền mua cây giống, nhưng tối đa không quá 5 triệu đồng/hộ.
- Được xét cho vay vốn không tính lãi suất từ quỹ bảo tồn nhà vườn, mức vay theo phương án được duyệt, nhưng không quá 30 triệu đồng/hộ. Thời gian vay không quá 5 năm.
2.2. Chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, mua lại nhà vườn:
a) Hỗ trợ tiền mua đất ở, nhà ở chung cư:
Các hộ nhà vườn Huế nằm trong danh sách được duyệt khi có nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở (cần phải tách hộ) sẽ được Nhà nước xem xét hỗ trợ tiền để mua đất ở, nhà ở chung cư nhằm bảo vệ nguyên trạng khối nhà vườn của gia đình. Hình thức hỗ trợ bằng tiền, cụ thể:
- Mức hỗ trợ mua nhà chung cư: ngoài việc được xem xét giảm giá đất và giá bán nhà trong các dự án xây dựng nhà chung cư cho người có thu nhập thấp còn được hỗ trợ tiền mua nhà chung cư với mức 50.000.000 đồng/hộ (Năm mươi triệu đồng).
- Hỗ trợ mua đất phân lô: với mức 30.000.000 đồng/hộ (Ba mươi triệu đồng). Trường hợp hộ gia đình khó khăn về kinh tế không có khả năng nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước một lần, thì được xem xét cho trả dần số tiền sử dụng đất còn lại trong thời gian 5 năm kể từ ngày được giao đất.
b) Hỗ trợ mua lại nhà vườn:
Đối với những nhà vườn thực sự có giá trị tiêu biểu cần phải gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng mà chủ nhân nhà vườn không có khả năng tiếp tục bảo tồn, có nhu cầu bán toàn bộ nhà vườn để cải thiện đời sống gia đình hoặc để phân chia, thừa kế bằng tiền cho con cháu, anh em trong dòng tộc thì áp dụng chính sách mua lại nhà vườn như sau:
- Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân có điều kiện quản lý, bảo vệ và sử dụng nhà vườn có hiệu quả mua lại nguyên trạng trên cơ sở bàn bạc, thỏa thuận giữa các bên liên quan. Các doanh nghiệp và cá nhân này phải tiếp tục thực hiện các quy định về bảo vệ nhà vườn Huế và sẽ được hưởng các chính sách bảo vệ nhà vườn Huế.
- Trường hợp giải pháp trên không thực hiện được thì UBND thành phố Huế xem xét hỗ trợ cho các cơ quan, các đơn vị chức năng mua lại nguyên trạng nhà vườn theo giá thỏa thuận. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục quản lý, bảo tồn và khai thác nhà vườn theo quy chế về bảo vệ nhà vườn Huế.
Chính sách hỗ trợ tiền mua đất ở, mua nhà ở chung cư cho các hộ gia đình có nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở chỉ được thực hiện một lần và phải có cam kết của chủ nhân nhà vườn, kể cả khi chuyển đổi quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất theo nguyên trạng, thì chủ nhân nhà vườn nhận chuyển nhượng (chủ nhân mới) phải tuân thủ cam kết đó.
2.3. Chính sách hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh:
a) Về hoạt động tham quan, du lịch:
- Thiết lập và đưa các điểm tham quan du lịch nhà vườn vào các tuyến du lịch cụ thể.
- Có phương án tổ chức bán vé tham quan các nhà vườn trong các tuyến tham quan để tạo nguồn thu cho các hộ gia đình cải thiện đời sống và tiếp tục công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo nhà vườn truyền thống Huế.
b) Hỗ trợ các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn:
- Đối với các nhà vườn hoạt động kinh doanh ẩm thực Huế, ca nhạc truyền thống Huế, dịch vụ lưu trú tại nhà vườn có thời hạn trên 1 năm được hỗ trợ 15.000.000đồng/hộ để xây mới nhà vệ sinh và trang bị phòng ngủ cho khách lưu trú.
- Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhà vườn. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 triệu đồng/ hộ.
c) Cho vay vốn kinh doanh:
Các hộ nhà vườn có nhu cầu vay vốn kinh doanh, có phương án kinh doanh hiệu quả sẽ được xem xét cho vay vốn kinh doanh từ quỹ bảo tồn nhà vườn và không tính lãi suất. Thời hạn vay không quá 3 năm. Mức vốn vay tối đa không quá 30 triệu đồng/hộ.
3. Giải pháp tổ chức thực hiện:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để chủ nhà vườn, cộng đồng và toàn xã hội nhận thức giá trị lịch sử, văn hoá to lớn của nhà vườn, nhà vườn Huế là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của quần thể di tích cố đô Huế.
b) Triển khai quy hoạch một số khu đất ở, xây dựng một số khu chung cư phục vụ việc hỗ trợ nhà ở, đất ở theo Đề án.
c) Thành lập Quỹ bảo tồn nhà vườn Huế với lượng quỹ thường xuyên khoảng 4 - 5 tỷ đồng, trong đó: Trích một phần từ nguồn ngân sách theo kế hoạch hàng năm: 3 - 4 tỷ đồng, vận động các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước: 1 đến 2 tỷ đồng/năm.
d) Thành lập Ban quản lý tổ chức thực hiện Đề án trực thuộc UBND thành phố Huế và Hội đồng điều tra, đánh giá, thẩm định, phân loại nhà vườn Huế trực thuộc UBND Tỉnh.
e) Tăng cường quảng bá nhà vườn Huế trên các phương tiện thông tin đại chúng, vận động thu hút ngày càng nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác nhà vườn Huế, từng bước xã hội hoá công tác bảo tồn, tôn tạo nhà vườn Huế.
g) Chủ nhân các nhà vườn ngoài việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật chung, còn có trách nhiệm chấp hành và được hưởng đầy đủ các quyền lợi ưu đãi theo Đề án.
h) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhà tham gia sinh hoạt và thành lập các Câu lạc bộ, Hội nhà vườn, các hội đoàn nghề nghiệp trong và ngoài nước trong khuôn khổ luật pháp hiện hành nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế.
Điều 2. Căn cứ vào Điều 1 của Quyết định này, giao trách nhiệm cho các cơ quan thực hiện các công việc sau:
1. UBND thành phố Huế:
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định chính sách quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan để thống nhất đề xuất UBND tỉnh thành lập Ban Quản lý thực hiện Đề án thuộc UBND thành phố Huế và Hội đồng điều tra, đánh giá, thẩm định, phân loại nhà vườn Huế thuộc UBND tỉnh. Hội đồng điều tra, đánh giá, thẩm định, phân loại nhà vườn Huế thực hiện nhiệm vụ điều tra, đánh giá, thẩm định và phân loại nhà vườn Huế; lập và trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục 150 nhà vườn tiêu biểu để đưa vào hỗ trợ trong giai đoạn 2006 – 2010; nghiên cứu đề xuất việc giải quyết các thủ tục để áp dụng chính sách bảo vệ nhà vườn Huế theo đúng quy định.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tạo quỹ nhà, đất để giải quyết cho các hộ gia đình nhà vườn Huế có nhu cầu tách hộ.
- Chỉ đạo các phòng ban chức năng và các phường, xã nghiêm túc triển khai thực hiện Đề án chính sách bảo vệ nhà vườn Huế; đồng thời, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các sở, ban ngành liên quan trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị nhà vườn Huế.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động chủ nhà vườn chấp hành chính sách của Nhà nước và của Tỉnh, chấp hành chủ trương đưa nhà vườn vào diện bảo vệ.
2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND thành phố Huế đề xuất việc thành lập Quỹ bảo tồn nhà vườn Huế, dự thảo quy định quản lý và sử dụng quỹ; nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan ban hành cơ chế đặc thù về việc miễn giảm nộp các loại thuế đối với các nhà vườn Huế, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ bổ sung đối tượng các hộ gia đình nhà vườn Huế vào diện được xem xét miễn giảm tiền sử dụng đất khi giao đất ở tại nơi mới để không tăng hộ tại chỗ nhằm bảo vệ nhà vườn Huế.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí đủ kinh phí trong kế hoạch hằng năm cho UBND thành phố Huế để tổ chức thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả các nội dung của Đề án.
4. Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Huế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, thiết kế, tổ chức đưa các tuyến du lịch nhà vườn truyền thống Huế vào trong các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch Huế.
5. Các cấp, các ngành thực hiện khẩn trương và có hiệu quả các công việc liên quan đến cấp mình, ngành mình, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Đề án đã đề ra, làm tiền đề để thực hiện tốt việc bảo tồn, tôn tạo và khai thác có hiệu quả các giá trị lịch sử - văn hoá của nhà vườn Huế.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành cấp Tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Huế và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 1183/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006 – 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: | 1183/2006/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký: | Ngô Hòa |
Ngày ban hành: | 05/05/2006 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 1183/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Chính sách bảo vệ nhà vườn Huế giai đoạn 2006 – 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Chưa có Video