Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2018/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 30 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY THÁC QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI ĐỂ CHO VAY ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

Căn cứ Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội;

Căn cứ Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19/12/2002 về Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội; Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19/12/2002; Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 về việc tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 03/3/2014 sửa đổi Quyết định 62/2004/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 62/2016/TT-BTC ngày 15/4/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính đối với NHCSXH ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg và Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng Chính sách;

Xét đề nghị của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Văn bản số 528/TTr-NHCS ngày 10/8/2017, Văn bản số 20/TTr-NHCS ngày 24/01/2018; Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 333/BC-STP ngày 04/8/2017; sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tại Văn bản số 343/TT-HĐND ngày 26/10/2017 và Văn bản số 11/HĐND ngày 08/01/2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2018 và thay thế Quyết định số 3678/QĐ-UBND ngày 13/12/2010 của UBND tỉnh Ban hành Quy chế tạo lập và quản lý nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm, cho vay phát triển sản xuất đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Quyết định số 884/QĐ-UBND ngày 16/3/2015 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 3678/QĐ-UBND.

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh, Phó VP.UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Trung tâm Công báo - Tin học tỉnh;
- Lưu: VT, TH1; (20)
- Gửi: Điện tử.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Quốc Khánh

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ỦY THÁC QUA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI ĐỂ CHO VAY ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Kèm theo Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND ngày 30/01/2018 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh và cấp huyện) ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

b) Các đối tượng được quy định tại Điều 2 Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; các đối tượng khác theo chấp thuận của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 2. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác

1. Nguồn vốn ngân sách địa phương trích hàng năm ủy thác qua NHCSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác:

a) Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định trích nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

b) Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách của địa phương, Phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp quyết định trích nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác qua Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

2. Nguồn vốn còn lại tại thời điểm giải thể của Quỹ giải quyết việc làm địa phương thành lập theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với Quỹ dự phòng rủi ro địa phương đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01/8/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm được tiếp tục giao NHCSXH quản lý để xử lý rủi ro theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.

3. Nguồn tiền lãi thu được từ cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được trích hàng năm để bổ sung vào nguồn ủy thác theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.

Chương II

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Ủy quyền ký hợp đồng ủy thác

1. Đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, UBND tỉnh ủy quyền Sở Tài chính ký hợp đồng ủy thác với Chi nhánh NHCSXH tỉnh.

2. Đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện, UBND các huyện, thành phố, thị xã ủy quyền Phòng Tài chính - Kế hoạch ký hợp đồng ủy thác với Phòng Giao dịch NHCSXH cấp huyện.

Điều 4. Quy trình chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương hàng năm bố trí để bổ sung nguồn vốn cho vay

Hàng năm, Sở Tài chính, Phòng Tài chính - kế hoạch cấp huyện tham mưu UBND tỉnh, UBND cấp huyện ban hành Quyết định trích ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hình thức cấp phát bằng lệnh chi tiền; hạch toán chi ngân sách nhà nước theo Mục lục ngân sách nhà nước.

Điều 5. Đối tượng cho vay

1. Người vay vốn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo quy định của pháp luật.

2. Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: Đối tượng cho vay theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư các Bộ, ngành có liên quan về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

3. Người vay vốn cư trú hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh và người vay vốn sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.

4. Người vay vốn để sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

5. Người vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, vận tải, dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa, trong đó ưu tiên cho vay để đầu tư phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực sản xuất theo chuỗi giá trị của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn.

Điều 6. Mục đích sử dụng vốn vay

1. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn: vốn vay được sử dụng để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa.

2. Đối với cho vay Chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn: Vốn vay được sử dụng để mua nguyên vật liệu, chi trả nhân công và các chi phí cần thiết khác cho việc xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường.

3. Đối với người vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, vận tải, dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa: vốn vay được sử dụng vào mục đích:

a) Mua sắm các loại máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, máy kéo, thuyền, bè, ngư lưới cụ phục vụ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các loại sản phẩm, hàng hóa;

b) Mua sắm nguyên liệu, vật liệu để làm mới, sửa chữa, cải tạo nhà xưởng, ki ốt, chuồng trại, ao hồ phục vụ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các loại sản phẩm, hàng hóa;

c) Mua con giống, cây giống, thức ăn, các loại phân bón, các loại thuốc phòng bệnh, dịch bệnh phục vụ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản, trồng các loại rau, củ, quả và các loại cây trồng khác.

Điều 7. Cơ chế cho vay

1. Đối với cho vay chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo: Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, điều kiện cho vay, phương thức cho vay, thủ tục và quy trình cho vay, định kỳ hạn trả nợ, trả lãi, thu nợ, thu lãi, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, kiểm tra đối chiếu nợ thực hiện theo các văn bản hướng dẫn về cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của NHCSXH.

2. Đối với cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về Quỹ Quốc gia về việc làm quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH.

3. Đối với cho vay chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn: Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, điều kiện cho vay, phương thức cho vay, thủ tục và quy trình cho vay, định kỳ hạn trả nợ, trả lãi, thu nợ, thu lãi, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, kiểm tra đối chiếu nợ thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ về tín dụng thực hiện chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường và các văn bản hướng dẫn về cho vay của NHCSXH.

4. Đối với cho vay chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại các xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn: Mức cho vay, điều kiện cho vay, nguyên tắc vay vốn, lãi suất, thời hạn, phương thức cho vay, hồ sơ vay vốn, quy trình cho vay, tổ chức giải ngân, thu nợ, thu lãi, gia hạn nợ, cho vay lưu vụ, chuyển nợ quá hạn, kiểm tra giám sát và xử lý nợ vay, lưu giữ hồ sơ vay vốn, hạch toán kế toán, chế độ báo cáo thống kê thực hiện theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chính sách cho vay và danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trong từng thời kỳ và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay của NHCSXH.

5. Đối với người vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, vận tải, dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa... ưu tiên cho vay để đầu tư phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực sản xuất theo chuỗi giá trị, các huyện, thành phố, thị xã và các xã, phường, thị trấn: Mức cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, điều kiện cho vay, phương thức cho vay, thủ tục và quy trình cho vay, định kỳ hạn trả nợ, trả lãi, thu nợ, thu lãi, gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn, kiểm tra đối chiếu nợ được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ cho vay đối với hộ cận nghèo của NHCSXH.

Điều 8. Quản lý, phân phối và sử dụng tiền lãi cho vay

1. NHCSXH quản lý và hạch toán số tiền lãi thu được từ hoạt động cho vay bằng nguồn vốn ngân sách địa phương vào thu nhập của NHCSXH và quản lý, phân bổ sử dụng như sau:

a) Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chung theo quy định tại Quyết định số 30/2015/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý tài chính đối với NHCSXH ban hành kèm theo Quyết định số 180/2002/QĐ-TTg ngày 19/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài Chính. Tại thời điểm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (ngày 31/12 hàng năm):

Nếu tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh thấp hơn 0,75% thì số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng trích tối đa bằng 0,75% số dư nợ cho vay (không bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh);

Nếu tại thời điểm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (ngày 31/12 hàng năm) tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh lớn hơn 0,75% thì mỗi năm trích 0,75% tính trên dư nợ cho vay cho đến khi số dư quỹ dự phòng rủi ro bằng tổng nợ quá hạn và nợ khoanh.

b) Trích phí quản lý nguồn vốn ủy thác cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh, Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện: Mức trích 80% số lãi thu được (Trong đó đã bao gồm phần chi trả hoa hồng cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và phí ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và phí quản lý của của NHCSXH theo quy định). Mức phí quản lý tối thiểu bằng mức phí quản lý Thủ tướng Chính phủ giao cho NHCSXH trong từng thời kỳ. Trường hợp lãi thu được sau khi trích quỹ dự phòng rủi ro tín dụng chung không đủ trích phí quản lý cho NHCSXH theo quy định, ngân sách địa phương cấp bù phần còn thiếu cho NHCSXH nơi nhận ủy thác.

c) Trích phí chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện, các ngành liên quan đến hoạt động cho vay bằng nguồn vốn NHCSXH nhận ủy thác từ ngân sách địa phương. Mức trích 10% số tiền lãi thu được, mức phí này được phân bổ như sau:

Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác cho NHCSXH tỉnh: Trích 6% số lãi thực thu để chi cho hoạt động và khen thưởng của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh; trích 4% số lãi thực thu để chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát của Sở Tài chính đối với công tác cho vay.

Đối với nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác cho NHCSXH huyện: Trích 6% số lãi thực thu để chi cho hoạt động và khen thưởng của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện; trích 4% số lãi thực thu để chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp kiểm tra, giám sát của Phòng Tài chính - kế hoạch cấp huyện đối với công tác cho vay.

d) Phần còn lại (nếu có) được bổ sung vào nguồn vốn cho vay.

2. Nội dung và mức chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng quy định tại khoản 1 điều này thực hiện theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành đối với cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập và tình hình thực tế của địa phương.

Điều 9. Xử lý rủi ro tín dụng

1. Đối với các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân chủ quan của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan: Đối tượng được xem xét xử lý rủi ro, nguyên nhân khách quan làm thiệt hại trực tiếp đến vốn và tài sản của khách hàng. Biện pháp xử lý, hồ sơ pháp lý để xem xét xử lý nợ bị rủi ro được áp dụng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH và các văn bản hướng dẫn của NHCSXH.

3. Đối với các khoản nợ bị rủi ro do các nguyên nhân không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 điều này:

a) Người vay vốn sản xuất kinh doanh nhưng gặp khó khăn do: Sản xuất kinh doanh thua lỗ, có thành viên trong gia đình ốm đau thường xuyên, bị tai nạn, bị bệnh tật phát sinh, người vay bị rủi ro do nguyên nhân khác dẫn đến khó khăn không có khả năng trả nợ;

b) Người vay bỏ đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế không có khả năng trả nợ; người vay đi tù không có người thừa kế hoặc người thừa kế không có khả năng trả nợ hoặc người thừa kế bỏ đi khỏi địa phương dẫn đến không có khả năng trả nợ;

c) Khoản vay bị chiếm dụng nhưng người chiếm dụng bị chết, mất tích, đi tù, bỏ đi khỏi địa phương, già cả, ốm đau, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn không có người thừa kế hoặc người thừa kế không có khả năng trả nợ;

d) Khách hàng vay vốn là cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ dự án hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ dẫn đến không có khả năng trả nợ; đã ngừng hoạt động, tự tan rã, giải thể, phá sản nhưng không có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hoặc không có hồ sơ, giấy tờ chứng minh, không có người làm thủ tục giải thể, phá sản;

e) Người vay mắc các tệ nạn xã hội: Nhiễm HIV, nghiện ma túy không còn khả năng lao động, không có khả năng trả nợ;

f) Các trường hợp bị rủi ro do các nguyên nhân khác dẫn đến không trả được nợ.

Các trường hợp bị rủi ro do các nguyên nhân nêu trên, NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp với Sở Tài chính, Phòng Tài chính - kế hoạch cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, UBND cấp xã và các ngành liên quan kiểm tra xem xét, lập hồ sơ đề nghị xử lý theo quy định của NHCSXH đối với từng trường hợp cụ thể để báo cáo Chủ tịch UBND các cấp xem xét, quyết định xử lý theo quy định.

4. Thẩm quyền xử lý rủi ro:

a) Đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh:

Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc xóa nợ gốc và lãi cho khách hàng trên cơ sở đề nghị của Giám đốc NHCSXH tỉnh đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ vượt quá số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn ủy thác ngân sách cấp tỉnh;

Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh quyết định việc khoanh nợ và xóa nợ cho khách hàng trên cơ sở đề nghị của Giám đốc NHCSXH tỉnh đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ không vượt quá số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn ủy thác ngân sách tỉnh;

Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền Giám đốc NHCSXH nơi cho vay thực hiện cho gia hạn nợ theo quy trình, quy định hiện hành của NHCSXH; soát xét, tổng hợp, kiểm tra hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ, xóa nợ trình Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh quyết định.

b) Đối với nguồn vốn ngân sách cấp huyện:

Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định việc xóa nợ gốc và lãi cho khách hàng trên cơ sở đề nghị của Giám đốc NHCSXH cấp huyện đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ vượt quá số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn ủy thác ngân sách cấp huyện;

Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện quyết định việc khoanh nợ và xóa nợ cho khách hàng trên cơ sở đề nghị của Giám đốc NHCSXH cấp huyện đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ không vượt quá số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn ủy thác ngân sách huyện;

Chủ tịch UBND cấp huyện ủy quyền Giám đốc NHCSXH cấp huyện thực hiện cho gia hạn nợ theo quy trình, quy định hiện hành của NHCSXH; soát xét, tổng hợp, kiểm tra hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ, xóa nợ trình Chủ tịch UBND cấp huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện quyết định.

5. Nguồn vốn xử lý nợ rủi ro:

a) Nguồn vốn để xử lý nợ bị rủi ro được sử dụng từ Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã được NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện trích lập đối với cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác từ nguồn ngân sách địa phương.

b) Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro được trích lập không đủ để xử lý nợ bị rủi ro, căn cứ vào tình hình thực tế khoản vay bị rủi ro thuộc nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện, Sở Tài chính, Phòng Tài chính - kế hoạch cấp huyện chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện và các đơn vị liên quan báo cáo UBND tỉnh, UBND cấp huyện bổ sung ngân sách tỉnh, ngân sách huyện để xử lý hoặc giảm trực tiếp vào nguồn vốn ủy thác của ngân sách tỉnh, ngân sách huyện đã chuyển qua NHCSXH.

6. Trường hợp Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng sau khi được sử dụng để xử lý các khoản nợ bị rủi ro lớn hơn số Quỹ dự phòng rủi ro tối đa, được bổ sung vào nguồn vốn ủy thác để cho vay theo quy định, NHCSXH chủ động cân đối, chuyển số quỹ dự phòng rủi ro vượt mức tối đa bổ sung nguồn vốn ủy thác để cho vay.

7. Đối với Quỹ dự phòng rủi ro địa phương đã trích lập theo quy định tại Thông tư số 73/2008/TT-BTC ngày 01/8/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng Quỹ giải quyết việc làm địa phương và kinh phí quản lý Quỹ quốc gia về việc làm được tiếp tục giao NHCSXH quản lý để xử lý rủi ro theo quy định, chủ động chuyển số quỹ dự phòng rủi ro bổ sung nguồn vốn ủy thác để cho vay nếu số dư lớn hơn Quỹ dự phòng rủi ro tối đa quy định.

Điều 10. Chế độ báo cáo

1. Đối với nguồn vốn do ngân sách tỉnh ủy thác qua NHCSXH tỉnh: Định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, Chi nhánh NHCSXH tỉnh báo cáo tổng nguồn vốn, kết quả cho vay từ nguồn vốn ủy thác gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính.

2. Đối với nguồn vốn do ngân sách cấp huyện ủy thác qua Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện: Định kỳ 06 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, Phòng giao dịch NHCSXH cùng cấp báo cáo tổng nguồn vốn, kết quả cho vay từ nguồn vốn ủy thác gửi UBND cấp huyện, Phòng Tài chính- kế hoạch.

Điều 11. Hạch toán, theo dõi cho vay, chế độ báo cáo quyết toán

Việc ghi chép, hạch toán kế toán đối với nguồn vốn ủy thác và dư nợ cho vay được theo dõi, hạch toán vào tài khoản kế toán riêng theo các văn bản hướng dẫn của Tổng Giám đốc NHCSXH.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương

1. Sở Tài chính, Phòng Tài chính - kế hoạch cấp huyện chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất với UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

a) Bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và ngân sách huyện ủy thác cho NHCSXH, đảm bảo chuyển vốn đầy đủ, kịp thời cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Thực hiện kiểm tra kết quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ủy thác tại NHCSXH;

b) Căn cứ tình hình thực tế khoản vay bị rủi ro thuộc nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện thì Sở Tài chính, Phòng Kế hoạch-tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc NHCSXH tỉnh, huyện đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ vượt quá số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn ủy thác cấp tỉnh, cấp huyện;

c) Phối hợp NHCSXH kiểm tra, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý nợ bị rủi ro đối với những trường hợp bị rủi ro ngoài cơ chế theo quy định tại khoản 3 Điều 9 quy chế này;

d) Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định nội dung và mức chi cho công tác chỉ đạo, quản lý, tổng hợp, kiểm tra, giám sát, khen thưởng quy định tại khoản 2 Điều 8 Quy chế này;

e) Kiểm tra việc phân phối, sử dụng lãi cho vay thu được theo Điều 8 Quy chế này.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác

a) Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn để thực hiện ủy thác cho vay;

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động tín dụng theo văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác đã ký với NHCSXH.

3. Ngân hàng chính sách xã hội các cấp

a) Tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện chuyển sang NHCSXH theo đúng quy định của pháp luật và các quy định tại Quy chế này;

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra vốn vay, xử lý nợ theo quy định;

c) Chủ trì thẩm định và chịu trách nhiệm đối với các hồ sơ vay vốn bị rủi ro; lập hồ sơ xử lý nợ bị rủi ro trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; phối hợp cơ quan liên quan tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án xử lý đối với trường hợp quy mô của đợt xóa nợ vượt quá số dư Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng được tạo lập từ nguồn vốn ủy thác địa phương;

d) Chủ trì thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý nợ bị rủi ro đối với những trường hợp bị rủi ro ngoài cơ chế theo quy định tại khoản 3, điều 9 quy chế này.

đ) Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh đối tượng chính sách khác ngoài đối tượng quy định, Ngân hàng chính sách xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung đối tượng.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

Chỉ đạo và phối hợp với NHCSXH cấp huyện và các cơ quan có liên quan thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này.

5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn

a) Chịu trách nhiệm xác nhận đối tượng vay vốn theo từng chương trình cho vay theo Quy chế này;

b) Phối hợp với NHCSXH, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ, trả lãi; kiểm tra, phúc tra người vay vốn bị rủi ro trên địa bàn;

c) Tham gia đôn đốc, xử lý các trường hợp không trả lãi, không trả gốc đúng hạn;

d) Hướng dẫn người vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan; tham gia tổ đôn đốc thu hồi nợ.

6. Trách nhiệm của người vay

a) Kê khai hồ sơ đầy đủ, trung thực, chính xác;

b) Sử dụng vốn vay đúng mục đích;

c) Hoàn trả gốc, lãi đầy đủ, đúng quy định.

Điều 13. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các đơn vị liên quan có văn bản phản ánh, gửi NHCSXH và Sở Tài chính để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo sử dụng vốn ngân sách tỉnh chuyển qua NHCSXH đúng mục đích, có hiệu quả./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 04/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu: 04/2018/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký: Đặng Quốc Khánh
Ngày ban hành: 30/01/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [14]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 04/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [2]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…