Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2024/NQ-HĐND

Lai Châu, ngày 30 tháng 9 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

PHÂN ĐỊNH CÁC NHIỆM VỤ CHI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỬ DỤNG NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ HAI MƯƠI BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính: Số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường; số 31/2023/TT-BTC ngày 25 tháng 5 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Xét Tờ trình số 3699/TTr-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị ban hành Nghị quyết quy định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường sử dụng ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Báo cáo thẩm tra số 437/BC-HĐND ngày 24 tháng 9 năm 2024 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường sử dụng ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

2. Đối tượng áp dụng

a) Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã).

b) Các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện; công chức chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp xã; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Điều 2. Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm cấp tỉnh

1. Quản lý chất thải, hỗ trợ xử lý chất thải bao gồm: Điều tra, thống kê, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, lập danh mục chất ô nhiễm, chất thải rắn, nguồn ô nhiễm; đánh giá, dự báo tình hình phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

2. Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường thuộc địa giới từ hai (02) đơn vị hành chính cấp huyện trở lên đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, gồm: khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất trong chiến tranh; khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; khu vực đất bị ô nhiễm khác; xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt sông, hồ.

3. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; trang thiết bị để bảo vệ môi trường; quan trắc môi trường bao gồm:

a) Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, lưu giữ, trạm trung chuyển, khu tập kết, hạ tầng kỹ thuật của khu xử lý chất thải rắn tập trung, chất thải nguy hại do cấp tỉnh quản lý;

b) Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường, biến đổi khí hậu; hạ tầng kỹ thuật quan trắc môi trường của địa phương;

c) Mua sắm trang thiết bị; thay thế, duy trì, vận hành trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ môi trường;

d) Hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường theo quy hoạch tỉnh (bao gồm cả vận hành, bảo dưỡng, bảo trì, sửa chữa, hiệu chuẩn, kiểm định).

4. Kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc nhiệm vụ của cấp tỉnh và theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm:

a) Điều tra, khảo sát, đánh giá, quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; xác lập, thẩm định và công nhận di sản thiên nhiên cấp tỉnh;

b) Hoạt động, đầu tư bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 73 Luật Đa dạng sinh học (trừ lập, thẩm định quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học);

c) Điều tra, khảo sát, thống kê số liệu hoạt động phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành; cập nhật danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; xây dựng và vận hành hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp tỉnh;

d) Hoạt động phát triển thị trường các-bon trong nước;

đ) Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp tỉnh; xây dựng báo cáo đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu cấp tỉnh;

e) Điều tra, thống kê, giám sát, đánh giá, lập danh mục chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính thuộc nhiệm vụ tại địa bàn tỉnh;

g) Đầu tư dự án phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ loại trừ, giảm thiểu sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

6. Nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, pháp luật về chuyển giao công nghệ.

7. Truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; giáo dục môi trường; phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức về bảo vệ môi trường; phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức và trao giải thưởng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cấp tỉnh cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng theo quy định của pháp luật;

b) Đánh giá, tổng kết và theo dõi thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường;

c) Giáo dục, đào tạo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

8. Hoạt động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, bao gồm:

a) Phối hợp trong việc ký kết, thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo đề xuất của cơ quan trung ương có thẩm quyền; ký kết, thực hiện các thỏa thuận quốc tế về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn;

b) Vốn đối ứng chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, viện trợ về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tầng ô-dôn theo quy định của pháp luật.

9. Các hoạt động quản lý nhà nước khác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, bao gồm:

a) Xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật, chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

b) Đánh giá việc thực hiện phương án bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh;

c) Đánh giá, dự báo chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ; kiểm kê, đánh giá nguồn thải, mức độ ô nhiễm sông, hồ; đánh giá, dự báo chất lượng môi trường không khí; điều tra, đánh giá, xác định và khoanh vùng các khu vực có nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, khu vực ô nhiễm môi trường đất;

d) Tiếp nhận, xác minh, xử lý phản ảnh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường; hội thảo phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

đ) Phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố môi trường;

e) Quản lý, công bố thông tin về môi trường; vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (bao gồm cả thu nhận, xử lý, trao đổi thông tin, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị lưu trữ hệ thống thông tin, dữ liệu); cập nhật, đánh giá chỉ tiêu thống kê và xây dựng báo cáo về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường;

g) Hoạt động đánh giá phục vụ việc xác nhận về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

h) Hoạt động của Ban điều hành, Văn phòng thường trực về bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền quyết định;

i) Hoạt động của Ban chỉ đạo, tổ chức các hội nghị về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quyết định của cấp có thẩm quyền và các nhiệm vụ khác có tính chất quản lý hành chính phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

k) Cấp vốn điều lệ, bổ sung vốn điều lệ cho quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh;

l) Các hoạt động quản lý nhà nước khác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có tính chất chi thường xuyên theo quy định của pháp luật; các hoạt động bảo vệ môi trường khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 3. Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm cấp huyện

1. Quản lý chất thải, hỗ trợ xử lý chất thải bao gồm:

a) Điều tra, thống kê, đánh giá, dự báo tình hình phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt;

b) Hỗ trợ phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và xử lý các loại chất thải khác phát sinh;

c) Xây dựng, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải khu vực công cộng; công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, chất thải thuộc trách nhiệm quản lý;

d) Xây dựng, sửa chữa, cải tạo hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề.

2. Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường trên địa bàn đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất do lịch sử để lại hoặc không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, gồm: khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất trong chiến tranh; khu vực bị ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật; khu vực đất bị ô nhiễm khác thuộc địa giới từ hai (02) đơn vị hành chính cấp xã trở lên; xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt sông, hồ.

3. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; trang thiết bị để bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, lưu giữ, trạm trung chuyển, khu tập kết, hạ tầng kỹ thuật của khu xử lý chất thải rắn tập trung, chất thải nguy hại, hệ thống xử lý nước thải, bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt; hệ thống các công trình, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư công trình vệ sinh công cộng, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do cấp huyện quản lý. Đối với các dự án thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quản lý thì kinh phí thực hiện do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chi trả, ngân sách nhà nước không hỗ trợ;

b) Mua sắm, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm theo dự án đầu tư;

c) Mua sắm trang thiết bị thay thế; duy trì, vận hành trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ môi trường.

4. Kiểm tra, thanh tra, giám sát về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc nhiệm vụ của cấp huyện và theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

5. Hoạt động, đầu tư bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 2 Điều 73 Luật Đa dạng sinh học.

6. Truyền thông, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; giáo dục môi trường; phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức về bảo vệ môi trường; phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học;

b) Giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

7. Các hoạt động quản lý nhà nước khác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật bao gồm:

a) Tiếp nhận, xác minh, xử lý phản ảnh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường;

b) Phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố môi trường;

c) Cập nhật, đánh giá chỉ tiêu thống kê và xây dựng báo cáo về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

d) Xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

đ) Hoạt động đánh giá phục vụ việc xác nhận về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

e) Hoạt động của Ban chỉ đạo, tổ chức các hội nghị về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quyết định của cấp có thẩm quyền và các nhiệm vụ khác có tính chất quản lý hành chính phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

g) Các hoạt động quản lý nhà nước khác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có tính chất chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường khi được cấp có thẩm quyền ủy quyền.

Điều 4. Nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm cấp xã

1. Quản lý chất thải, hỗ trợ xử lý chất thải bao gồm:

a) Đánh giá, dự báo tình hình phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt;

b) Hỗ trợ phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và xử lý các loại chất thải khác phát sinh;

c) Xây dựng, hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh công cộng, phương tiện, thiết bị thu gom, quản lý, xử lý chất thải khu vực công cộng; công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ, chất thải cấp xã.

2. Cải tạo, phục hồi môi trường trên địa bàn cấp xã đối với khu vực ô nhiễm môi trường đất khác không xác định được tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm.

3. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; trang thiết bị để bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống thu gom, lưu giữ, trạm trung chuyển, khu tập kết chất thải sinh hoạt, công trình xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do cấp xã quản lý. Đối với các dự án thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quản lý thì kinh phí thực hiện do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chi trả, ngân sách nhà nước không hỗ trợ;

b) Mua sắm, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ môi trường theo dự án đầu tư;

c) Mua sắm trang thiết bị thay thế; duy trì, vận hành trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ môi trường.

4. Kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo thẩm quyền.

5. Hoạt động, đầu tư bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 2 Điều 73 của Luật Đa dạng sinh học.

6. Truyền thông, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học.

7. Các hoạt động quản lý nhà nước khác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, bao gồm:

a) Tiếp nhận, xác minh, xử lý phản ảnh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường;

b) Phòng ngừa, ứng phó khắc phục sự cố môi trường;

c) Hoạt động đánh giá phục vụ việc xác nhận về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

d) Hoạt động của Ban chỉ đạo, tổ chức các hội nghị về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu theo quyết định của cấp có thẩm quyền và các nhiệm vụ khác có tính chất quản lý hành chính phục vụ hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu;

đ) Các hoạt động quản lý nhà nước khác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu có tính chất chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường khi được cấp có thẩm quyền ủy quyền.

Điều 5. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu phân định cụ thể các nhiệm vụ chi về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng theo quy định của văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

3. Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khóa XV, kỳ họp thứ hai mươi ba thông qua ngày 30 tháng 9 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2024./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Giàng Páo Mỷ

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 47/2024/NQ-HĐND phân định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường sử dụng ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Số hiệu: 47/2024/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
Người ký: Giàng Páo Mỷ
Ngày ban hành: 30/09/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [12]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 47/2024/NQ-HĐND phân định các nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường sử dụng ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…