Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Nghị quyết số: 159/2024/QH15

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 40/BC-CP ngày 16 tháng 10 năm 2024, Báo cáo số 652/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2024, Tờ trình số 682/TTr-CP ngày 19 tháng 10 năm 2024, Tờ trình số 697/TTr-CP ngày 23 tháng 10 năm 2024, Tờ trình số 701/TTr-CP ngày 24 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra số 155/BC-UBTCNS15-m ngày 20 tháng 10 năm 2024, Báo cáo thẩm tra số 2540/BC-UBTCNS15 ngày 20 tháng 10 năm 2024, Báo cáo thẩm tra số 2562/BC-UBTCNS15 ngày 25 tháng 10 năm 2024, Báo cáo thẩm tra số 2563/BC-UBTCNS15 ngày 25 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Báo cáo tiếp thu, giải trình số 1052/BC-UBTVQH15 ngày 12 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2025

1. Số thu ngân sách nhà nước là 1.966.839 tỷ đồng (một triệu, chín trăm sáu mươi sáu nghìn, tám trăm ba mươi chín tỷ đồng).

2. Sử dụng 60.000 tỷ đồng (sáu mươi nghìn tỷ đồng) nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng (năm mươi nghìn, sáu trăm mười chín tỷ đồng) nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

3. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.548.958 tỷ đồng (hai triệu, năm trăm bốn mươi tám nghìn, chín trăm năm mươi tám tỷ đồng).

4. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 471.500 tỷ đồng (bốn trăm bảy mươi mốt nghìn, năm trăm tỷ đồng), tương đương 3,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm:

Bội chi ngân sách trung ương là 443.100 tỷ đồng (bốn trăm bốn mươi ba nghìn, một trăm tỷ đồng), tương đương 3,6%GDP;

Bội chi ngân sách địa phương là 28.400 tỷ đồng (hai mươi tám nghìn bốn trăm tỷ đồng), tương đương 0,2%GDP.

5. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 835.965 tỷ đồng (tám trăm ba mươi lăm nghìn, chín trăm sáu mươi lăm tỷ đồng).

(Kèm theo các phụ lục số I, II, III và IV)

Điều 2. Về điều hành ngân sách nhà nước năm 2024

1. Bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21,284 tỷ đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21,284 tỷ đồng cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, gồm: (i) Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam là 2,115 tỷ đồng chi sự nghiệp quản lý hành chính; (ii) Bộ Giao thông vận tải là 0,567 tỷ đồng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; (iii) Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình là 18,602 tỷ đồng chi sự nghiệp kinh tế.

 Điều chỉnh dự toán chi thường xuyên nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nước ngoài năm 2024 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như sau: (i) Giảm 54,004 tỷ đồng chi sự nghiệp kinh tế; (ii) Tăng 40,513 tỷ đồng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề; (iii) Tăng 12,74 tỷ đồng chi sự nghiệp bảo đảm xã hội; (iv) Tăng 0,751 tỷ đồng chi sự nghiệp khoa học công nghệ.

2. Điều chỉnh tăng 360,245 tỷ đồng vốn vay lại nước ngoài năm 2024 cho 07 địa phương; đồng thời điều chỉnh giảm 406,035 tỷ đồng dự toán vốn vay lại nước ngoài năm 2024 của 12 địa phương như Tờ trình số 697/TTr-CP ngày 23 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.

3. Bổ sung dự toán thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa năm 2024 do Bộ Công Thương tổ chức thu là 118,591 tỷ đồng, trong đó: số nộp ngân sách trung ương năm 2024 là 75,341 tỷ đồng; số thu phí để lại cho Bộ Công Thương là 43,25 tỷ đồng.

Giao Chính phủ bổ sung dự toán chi cho Bộ Công Thương từ nguồn thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa để lại năm 2024 là 43,25 tỷ đồng để chi cho nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

4. Dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022

a) Cho phép chuyển nguồn 56.136,146 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 còn lại chưa phân bổ để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án được Quốc hội cho phép sử dụng dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 112/2024/QH15 ngày 18 tháng 01 năm 2024 của Quốc hội, trong đó:

+ Phân bổ 47.601,121 tỷ đồng dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án đã được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung theo Báo cáo số 652/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.

+ Số vốn còn lại chưa phân bổ là 8.535,025 tỷ đồng, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

b) Cho phép kéo dài sang năm 2025 việc thực hiện và giải ngân tối đa 579,306 tỷ đồng kế hoạch vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 chưa giải ngân hết để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng (bao gồm cả phần chậm trả) của các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An thuộc nhiệm vụ ngân sách trung ương phát sinh sau khi các dự án này đã quyết toán.

5. Dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023

Cho phép chuyển nguồn 18.220 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 còn lại chưa phân bổ để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án được Quốc hội cho phép sử dụng dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội, trong đó:

a) Phân bổ 4.900 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện nhiệm vụ, dự án đủ thủ tục đầu tư đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và tại Báo cáo số 652/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.

b) Số vốn còn lại chưa phân bổ là 13.320 tỷ đồng, giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

6. Phân bổ, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

a) Phân bổ dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương năm 2024 là 2.920,7 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các Bộ, cơ quan trung ương để thực hiện các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội tại Báo cáo số 652/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.

b) Cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân tối đa 9.204,133 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa giải ngân hết đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025 của 33 dự án, 02 nhiệm vụ theo danh mục dự án, nhiệm vụ tại Báo cáo số 652/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2024 của Chính phủ.

7. Cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ địa phương khác thực hiện nhiệm vụ này trong trường hợp địa phương không sử dụng hết nguồn; thực hiện chuyển nguồn số kinh phí chưa sử dụng hết sang năm 2025. Giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội

1. Chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.

2. Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13 tháng 11 năm 2021 của Quốc hội.

3. Cho phép từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.

4. Cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.

Điều 4. Giao Chính phủ

1. Tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; khẩn trương có giải pháp khắc phục đà suy giảm các chỉ tiêu về tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP và tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào ngân sách nhà nước.

2. Quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; mở rộng cơ sở thu; chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm xây dựng phương án sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, gắn với việc sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi một cách tổng thể, thận trọng, có đánh giá tác động đầy đủ nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 3. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế; phấn đấu tăng cao hơn nữa tỉ lệ chi đầu tư phát triển; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn. Có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, tránh gây thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án sử dụng vốn ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện. Xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp. Nghiên cứu, có chế tài xử lý đối với các trường hợp trả lại kế hoạch vốn hằng năm do nguyên nhân chủ quan.

4. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất việc xử lý các bất hợp lý phát sinh trong chế độ cho một số đối tượng, ngành nghề (viên chức ngành giáo dục, y tế,...); đề xuất việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong trường hợp tình hình kinh tế - xã hội năm 2025 thuận lợi hơn và cân đối được nguồn, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

5. Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

6. Chỉ đạo triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Chú trọng tổ chức thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

7. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ; đánh giá, dự báo rủi ro về khả năng vay, khả năng trả nợ để có phương án quản lý, điều hành hiệu quả ngân sách nhà nước; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công; bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả khi mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ; điều hành kinh phí chi trả chi phí phát hành, mua lại, hoán đổi, thanh toán trái phiếu Chính phủ trong phạm vi dự toán chi trả nợ lãi của ngân sách trung ương năm 2025 được Quốc hội quyết định.

Điều 5. Giám sát và kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết

1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

2. Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiến hành kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2024.

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Trần Thanh Mẫn

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 159/2024/QH15 dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 do Quốc hội ban hành

Số hiệu: 159/2024/QH15
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Quốc hội
Người ký: Trần Thanh Mẫn
Ngày ban hành: 13/11/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [6]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 159/2024/QH15 dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 do Quốc hội ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…