Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2021/NQ-HĐND

Điện Biên, ngày 09 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022, TỈNH ĐIỆN BIÊN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15, ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Xét Tờ trình số 4052 /TTr-UBND, ngày 02 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, tỉnh Điện Biên; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

1. Thời điểm áp dụng: Từ năm ngân sách 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Nghị quyết số 35/2016/NQ-HĐND, ngày 10 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XV, kỳ họp thứ Năm thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2021./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lò Văn Phương

 

QUY ĐỊNH

VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022, TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số
06/2021/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 (năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách) đối với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

2. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015 và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách tại Nghị quyết này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thuộc tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện); các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã).

2. Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao.

3. Các đơn vị sự nghiệp công lập.

4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập, phân bổ, chấp hành dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương.

Điều 3. Nguyên tắc phân bổ

1. Việc áp dụng định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương phải đảm bảo góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng giai đoạn 2022-2025 của tỉnh cũng như các huyện. Đảm bảo các đơn vị dự toán, các cấp ngân sách khi thực hiện định mức phân bổ mới không thấp hơn so với dự toán năm 2021 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh giao (sau khi đã giảm trừ các khoản chi hỗ trợ có tính chất không thường xuyên).

2. Hệ thống định mức phân bổ ngân sách địa phương năm 2022 phải phù hợp khả năng cân đối của ngân sách địa phương năm 2022 và giai đoạn 2022-2025. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Việc quyết định các chính sách mới tăng thêm phải trên cơ sở cân đối được nguồn ngân sách.

3. Thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cải cách hành chính nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước; sắp xếp bộ máy, tổ chức bộ máy, đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập. Hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 căn cứ kết quả thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản pháp luật có liên quan, giao Sở Tài chính phối hợp với các ngành, đơn vị, Uỷ ban nhân dân các huyện xác định phần giảm chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện các chế độ chính sách do trung ương ban hành.

4. Tiêu chí, căn cứ của định mức phân bổ ngân sách phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, kiểm tra và giám sát; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

5. Định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương đã bao gồm toàn bộ nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách do Trung ương ban hành đến khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và đảm bảo tính đủ mức tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng. Sắp xếp các khoản chi để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện tốt các chính sách đặc thù của tỉnh đã được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

6. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp huyện đã bao gồm cả dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp xã. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp xã quy định tại Quy định này là cơ sở để Uỷ ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phương án phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp xã.

7. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 là định mức tối thiểu, căn cứ khả năng cân đối ngân sách của các huyện, Ủy ban nhân dân các huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phương án phân bổ dự toán hàng năm ngân sách cấp huyện và cấp xã phù hợp với thực tế địa phương.

Chương II

TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH CẤP TỈNH

Điều 4. Tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể

1. Tiêu chí

Xác định trên chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

2. Định mức

Đơn vị tính: 1.000 đồng/người/năm

Số TT

Chỉ tiêu biên chế

Định mức

1

Đơn vị dưới 30 biên chế

46.200

2

Đơn vị từ 30 đến 50 biên chế

44.000

3

Đơn vị từ 51 đến 70 biên chế

41.800

4

Đơn vị từ 71 biên chế trở lên

41.200

5

Các hội đặc thù (được giao biên chế)

38.500

a) Định mức phân bổ nêu trên đã bao gồm:

- Các khoản chi hành chính phục vụ hoạt động thường xuyên bộ máy các cơ quan: khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, công tác phí, hội nghị, tổng kết, đoàn ra, đoàn vào, vật tư văn phòng, thanh toán dịch vụ công cộng,....

- Các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên phát sinh hàng năm: Chi nghiệp vụ chuyên môn của các ngành, chi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; chi thực hiện công tác quản lý ngành, lĩnh vực; chi thực hiện chỉ đạo kiểm tra; chi công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng, hoàn thiện, kiểm tra, rà soát, cập nhật, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá giám sát đầu tư; chi hỗ trợ hoạt động cho công tác Đảng, Đoàn thể trong cơ quan; công tác cải cách hành chính; chi hoạt động của Trang thông tin điện tử, xuất bản ấn phẩm, bản tin chuyên ngành (nếu có),...

- Chi tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động thường xuyên cho lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định số lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ trong phạm vi mức kinh phí chi thường xuyên tính theo định mức.

- Kinh phí sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn và bảo dưỡng thường xuyên các công trình cơ sở hạ tầng; kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, công chức theo quy định.

- Các khoản chi khác gồm: Chi các khoản phí, lệ phí; chi tiếp khách; bảo hiểm phương tiện; kinh phí thực hiện Luật Dân quân tự vệ, công tác phòng cháy chữa cháy,... và các khoản chi khác phục vụ hoạt động thường xuyên của đơn vị.

b) Định mức phân bổ nêu trên chưa bao gồm:

- Chi lương và các khoản có tính chất tiền lương, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn).

- Chi đặc thù đảm bảo hoạt động của các cơ quan Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chi bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

- Chi đại hội nhiệm kỳ của các đoàn thể.

- Chi kinh phí đối ứng của các dự án.

- Chi hoạt động của các Ban chỉ đạo, ban quản lý, tổ công tác liên ngành, các Hội đồng,... được thành lập theo quyết định của Tỉnh.

- Các khoản chi đặc thù mang tính chất riêng biệt phát sinh thường xuyên hoặc không thường xuyên của các ngành, đơn vị (kinh phí cho các cuộc điều tra thống kê không thường xuyên và đặc thù, trang phục ngành theo quy định, kinh phí trích theo số thu thực nộp ngân sách nhà nước,...).

- Chi mua ô tô; sửa chữa lớn trụ sở; kinh phí mua sắm trang thiết bị và phương tiện làm việc theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các nhiệm vụ đặc thù phát sinh không thường xuyên khác được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Điều 5. Tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên các đơn vị sự nghiệp công lập

1. Tiêu chí

Được xác định trên chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

2. Định mức

Đơn vị tính: 1.000 đồng/người/năm

Số TT

Nội dung

Định mức

1

Sự nghiệp giáo dục

22.000

2

Sự nghiệp đào tạo

 

 

- Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật

20.900

 

- Trường Cao đẳng Sư phạm

27.500

 

- Trường Cao đẳng Y tế

27.500

 

- Đào tạo nghề (Trường Cao đẳng nghề)

24.200

 

- Trường Chính trị

Phân bổ dự toán theo nhiệm vụ chi trên cơ sở chỉ tiêu đào tạo được giao hàng năm

 

- Đào tạo khác

Mức chi cụ thể do Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định

3

Sự nghiệp Y tế, dân số và gia đình

 

 

- Y tế dự phòng

27.500

 

- Khám chữa bệnh

Thực hiện theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế do Bộ Y tế quy định. Ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chi phí chưa kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình quy định.

 

- Y tế xã

11.000

4

Sự nghiệp Văn hoá thông tin, Phát thanh truyền hình, thông tấn

26.400

5

Sự nghiệp kinh tế

25.300

6

Các đơn vị khác

24.200

a) Định mức phân bổ nêu trên đã bao gồm:

- Các khoản chi phục vụ hoạt động thường xuyên của các đơn vị: khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể, thông tin liên lạc, công tác phí, hội nghị, tổng kết, đoàn ra, đoàn vào, văn phòng phẩm, điện nước, xăng dầu,....

- Các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên phát sinh hàng năm: Chi nghiệp vụ chuyên môn của các ngành, chi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, in, mua tài liệu, ấn phẩm, vật tư, hàng hóa,... phục vụ chuyên môn; chi cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật....

- Kinh phí sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn và bảo dưỡng thường xuyên các công trình cơ sở hạ tầng; kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc của cán bộ, viên chức theo quy định.

- Chi tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động thường xuyên cho lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ. Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định số lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ trong phạm vi mức kinh phí chi thường xuyên tính theo định mức.

- Các khoản chi khác gồm: Chi các khoản phí, lệ phí; chi tiếp khách; bảo hiểm tài sản, phương tiện; kinh phí hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng; kinh phí hoạt động của các tổ chức đoàn thể; kinh phí thực hiện Luật Dân quân tự vệ, công tác phòng cháy chữa cháy, hoạt động của Trang thông tin điện tử (nếu có),…. và các khoản chi khác phục vụ hoạt động thường xuyên của đơn vị.

b) Định mức phân bổ nêu trên chưa bao gồm:

- Chi lương và các khoản có tính chất tiền lương, các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) chưa được kết cấu trong giá, phí dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình điều chỉnh giá, phí sự nghiệp công quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ.

- Các chế độ học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, học bổng chính sách, trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách, chế độ cho học sinh bán trú theo chế độ quy định, chính sách ưu tiên đối với lĩnh vực giáo dục đã ban hành, cụ thể:

+ Kinh phí hỗ trợ học bổng cho học sinh dân tộc nội trú theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục.

+ Chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn.

+ Hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Hỗ trợ kinh phí miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ.

+ Chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ

+ Kinh phí hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh dân tộc nội trú (1.800.000 đồng/học sinh/năm) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học.

- Kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho: người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên, hộ cận nghèo, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng chính sách khác.

- Chi kinh phí đối ứng của các dự án.

- Các khoản chi đặc thù mang tính chất riêng biệt phát sinh thường xuyên hoặc không thường xuyên của các đơn vị, các lĩnh vực chi (Quỹ nhuận bút của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, trang phục ngành theo quy định...).

- Chi mua ô tô; sửa chữa lớn trụ sở; kinh phí mua sắm trang thiết bị và phương tiện làm việc theo Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Các nhiệm vụ đặc thù phát sinh không thường xuyên khác.

c) Các định mức chi sự nghiệp nêu trên là mức trần tối đa làm căn cứ xác định mức chi bổ sung từ ngân sách địa phương cho các đơn vị sự nghiệp khi thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ. Ngân sách nhà nước giảm cấp chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công đối với các khoản chi đã được kết cấu vào giá dịch vụ theo lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ đối với từng lĩnh vực sự nghiệp công. Thủ trưởng các ngành, đơn vị thuộc tỉnh có trách nhiệm xây dựng định mức phân bổ chi tiết để áp dụng cho các đơn vị trực thuộc, phù hợp với đặc điểm thực tế và nguồn thu từng đơn vị, đảm bảo khớp đúng về tổng mức, công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật. Hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, căn cứ kết quả thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan, giao Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị liên quan xác định phần giảm chi ngân sách nhà nước hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công để bổ sung nguồn thực hiện các chính sách chế độ trung ương ban hành trên địa bàn tỉnh.

d) Thực hiện phân bổ chi thường xuyên cho lĩnh vực sự nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, định hướng đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định của pháp luật về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công. Trong đó:

- Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên: Ngân sách địa phương không hỗ trợ.

- Đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một phần chi thường xuyên: ngân sách địa phương hỗ trợ chi thường xuyên sau khi đơn vị đã sử dụng nguồn thu sự nghiệp, nguồn thu phí được để lại chi để thực hiện nhiệm vụ, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công chưa tính đủ chi phí. Thực hiện khoán chi ngân sách hỗ trợ giai đoạn 2022-2025 và yêu cầu giảm tối thiểu 15% so với giai đoạn 2017-2021. Đồng thời, yêu cầu dành nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị để thực hiện cải cách tiền lương, ngân sách chỉ hỗ trợ kinh phí thực hiện cải cách tiền lương tối đa theo tỷ lệ ngân sách hỗ trợ chi thường xuyên.

- Đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Được vận dụng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ như đối với lĩnh vực chi quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách địa phương so với giai đoạn 2017-2020 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; đồng thời, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên nguồn ngân sách tăng thêm hằng năm và sắp xếp từ nguồn dự toán ngân sách địa phương được giao để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Điều 6. Đối với các hội đặc thù, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các lĩnh vực chi khác

1. Đối với các hội đặc thù, các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp được ngân sách địa phương hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các lĩnh vực chi khác (khoa học công nghệ, đảm bảo xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, sự nghiệp môi trường)

Không xây dựng định mức phân bổ do mỗi lĩnh vực chỉ có một ngành thực hiện nhiệm vụ hoặc trong lĩnh vực lại có nhiều nhiệm vụ chi và mỗi nhiệm vụ chi lại có đặc thù khác nhau, không thể xây dựng được định mức phân bổ chung. Căn cứ quy định hiện hành về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và khả năng cân đối ngân sách, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định mức chi cụ thể của từng lĩnh vực.

Điều 7. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách

Dự toán các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định ngân sách đối với các lĩnh vực chi thuộc ngân sách cấp tỉnh được điều chỉnh tăng thêm hàng năm trong phương án phân bổ ngân sách địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định căn cứ nguồn bổ sung của ngân sách trung ương.

Chương III

TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH CẤP HUYỆN

Điều 8. Tiêu chí phân bổ

Phương pháp xác định một số tiêu chí, căn cứ của định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2022.

1. Về dân số: Dân số của các huyện được xác định theo số liệu công bố năm 2022 của Cục Thống kê tỉnh.

2. Số lượng xã, bản

a) Số lượng xã được xác định trên cơ sở các văn bản của Chính phủ.

b) Số lượng thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư được xác định trên cơ sở các quyết định công nhận thành lập của cấp có thẩm quyền.

3. Số người nghèo: được xác định theo chuẩn nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Số người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo các văn bản của cấp có thẩm quyền.

Điều 9. Định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục

1. Phân bổ theo chỉ tiêu biên chế: Đảm bảo tính đủ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn). Tiền lương tính theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. Các khoản phụ cấp lương theo quy định hiện hành.

2. Đảm bảo tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương là 86%; các nội dung chi thường xuyên khác để chi thực hiện nhiệm vụ giáo dục 14% trong tổng chi sự nghiệp giáo dục các huyện (chưa kể nguồn thu học phí). Tỷ lệ này chỉ áp dụng đối với năm 2022, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025 giữa ngân sách tỉnh và ngân sách các huyện; từng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong phương án phân bổ ngân sách địa phương phù hợp khả năng ngân sách và điều kiện thực tế của tỉnh.

3. Định mức phân bổ nêu trên đã bao gồm:

a) Các khoản chi phục vụ hoạt động thường xuyên: khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể, thông tin liên lạc, công tác phí, hội nghị, tổng kết, văn phòng phẩm, điện nước, xăng dầu,...

b) Các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên phát sinh hàng năm: Chi nghiệp vụ chuyên môn của các ngành, chi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, in, mua tài liệu, ấn phẩm, vật tư, hàng hóa,... phục vụ chuyên môn.

c) Kinh phí sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn và bảo dưỡng thường xuyên các công trình cơ sở hạ tầng; kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định.

d) Chi tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động thường xuyên cho lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ.

đ) Các chi thường xuyên khác theo quy định phục vụ hoạt động của đơn vị.

4. Định mức phân bổ nêu trên chưa bao gồm kinh phí để thực hiện các chính sách trên cơ sở đối tượng năm 2021 và mức hỗ trợ theo chế độ, cụ thể:

a) Chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ.

b) Chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn.

c) Hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Hỗ trợ kinh phí miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ.

đ) Chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ.

Điều 10. Định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số trên 18 tuổi.

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Dân số

Định mức phân bổ

1

2

Dưới 20.000 người (Thị xã Mường Lay)

275.000

Từ 20.000 người đến dưới 35.000 người (Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà)

145.000

Từ 35.000 người đến dưới 55.000 người (Điện Biên Đông)

130.000

Từ 55.000 người đến dưới 65.000 người (thành phố Điện Biên Phủ, Tuần Giáo)

115.000

Từ 65.000 người trở lên (Điện Biên)

100.000

2. Định mức phân bổ trên đã bao gồm kinh phí thực hiện các loại hình đào tạo, dạy nghề, các cấp đào tạo, dạy nghề; hoạt động của các Trung tâm bồi dưỡng chính trị, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề các huyện và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Trung tâm học tập cộng đồng các xã.

3. Các huyện có dân số trên 18 tuổi dưới 30.000 người được phân bổ thêm 10% số chi tính theo định mức dân số nêu trên.

4. Định mức phân bổ trên chưa bao gồm:

a) Chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật theo quy định tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn.

b) Hỗ trợ kinh phí miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ.

c) Chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người theo Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ.

Điều 11. Định mức phân bổ chi y tế, dân số và gia đình

Để thực hiện nhiệm vụ chi bảo vệ chăm sóc sức khỏe đối với các cán bộ, đối tượng chính sách do các huyện quản lý (theo chính sách quy định của tỉnh). Mức phân bổ do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong phương án phân bổ ngân sách địa phương trên cơ sở số đối tượng quản lý của từng huyện.

Điều 12. Định mức phân bổ chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể

1. Đảm bảo chi tiền lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn,...) theo quy định hiện hành.

2. Đảm bảo tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương là 80%; các nội dung chi thường xuyên khác để đảm bảo hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể cấp huyện, cấp xã là 20% trong tổng chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể các huyện.

3. Định mức phân bổ nêu trên đã bao gồm:

a) Kinh phí chi hoạt động đặc thù của các cấp ủy Đảng, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện, các tổ chức chính trị xã hội; kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; kinh phí hoạt động của các Ban chỉ đạo do các huyện thành lập; chi hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm; chi công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng, hoàn thiện, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; công tác cải cách hành chính; kinh phí thực hiện Luật Dân quân tự vệ; kinh phí hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng; Đại hội theo nhiệm kỳ của các tổ chức chính trị xã hội; Kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cấp xã với mức hỗ trợ 05 triệu đồng/Ban/năm ...

b) Chi tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động thường xuyên cho lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ. Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định số lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ trong phạm vi mức kinh phí chi thường xuyên tính theo định mức.

c) Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định.

Điều 13. Định mức phân bổ chi văn hóa thông tin

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Dân số

Định mức phân bổ

1

2

Dưới 40.000 dân (Thị xã Mường Lay)

50.400

Từ 40.000 dân đến dưới 65.000 dân (Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà)

42.200

Từ 65.000 dân đến dưới 95.000 dân (thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Tuần Giáo)

34.700

Từ 95.000 dân trở lên (Điện Biên)

29.200

2. Định mức phân bổ theo tiêu chí bổ sung:

a) Các huyện có đội thông tin lưu động được phân bổ thêm 250 triệu đồng/đội thông tin lưu động.

b) Phân bổ kinh phí hỗ trợ Ban công tác mặt trận ở khu dân cư theo Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đối với Uỷ ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Danh sách các xã thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1010/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn và các quyết định sửa đổi, bổ sung (nếu có). Riêng kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" các cấp đã được phân bổ trong định mức chi theo dân số nêu trên.

c) Thành phố Điện Biên Phủ ngoài việc được phân bổ theo định mức nêu trên còn được tính bổ sung một số nhiệm vụ chi phục vụ yêu cầu chung của tỉnh. Mức phân bổ cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong phương án phân bổ ngân sách địa phương.

Điều 14. Định mức phân bổ chi phát thanh truyền hình, thông tấn

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Dân số

Định mức phân bổ

1

2

Dưới 40.000 dân (Thị xã Mường Lay)

152.500

Từ 40.000 dân đến dưới 65.000 dân (Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà)

33.300

Từ 65.000 dân đến dưới 95.000 dân (thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Tuần Giáo)

29.700

Từ 95.000 dân trở lên (Điện Biên)

20.700

2. Định mức phân bổ nêu trên đã bao gồm kinh phí tăng thời lượng phát sóng phát thanh truyền hình bằng tiếng đồng bào dân tộc.

Điều 15. Định mức phân bổ chi thể dục thể thao

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Dân số

Định mức phân bổ

1

2

Dưới 40.000 dân (Thị xã Mường Lay)

33.900

Từ 40.000 dân đến dưới 65.000 dân (Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà)

14.800

Từ 65.000 dân đến dưới 95.000 dân (thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Tuần Giáo)

13.200

Từ 95.000 dân trở lên (Điện Biên)

10.800

2. Định mức phân bổ nêu trên đã bao gồm các khoản kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên và các giải thể thao theo quyết định của tỉnh, kinh phí tổ chức các hội thao, đại hội thể dục thể thao phạm vi toàn tỉnh.

Điều 16. Định mức phân bổ chi đảm bảo xã hội

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Dân số

Định mức phân bổ

1

2

Dưới 40.000 dân (Thị xã Mường Lay)

197.200

Từ 40.000 dân đến dưới 65.000 dân (Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà)

40.200

Từ 65.000 dân đến dưới 95.000 dân (thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Tuần Giáo)

35.400

Từ 95.000 dân trở lên (Điện Biên)

29.900

2. Định mức phân bổ trên đã bao gồm:

a) Kinh phí thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách như: gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng, ... vào các ngày lễ, tết.

b) Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo xã hội khác trên địa bàn như: tổ chức chúc thọ, mừng thọ theo quy định; mai táng phí đối với người có công với cách mạng, dân công hoả tuyến; hỗ trợ cứu đói giáp hạt; hỗ trợ đột xuất do thiên tai, dịch bệnh,...

3. Định mức phân bổ trên chưa bao gồm:

a) Kinh phí để thực hiện chế độ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã, Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.

b) Kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, mức hỗ trợ theo quy định.

c) Kinh phí hỗ trợ cho Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

d) Kinh phí thực hiện chế độ hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiền điện, mức hỗ trợ theo chế độ quy định.

Điều 17. Định mức phân bổ chi quốc phòng

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Dân số

Định mức phân bổ

1

2

Dưới 40.000 dân (Thị xã Mường Lay)

163.800

Từ 40.000 dân đến dưới 65.000 dân (Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà)

83.900

Từ 65.000 dân đến dưới 95.000 dân (thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Tuần Giáo)

52.600

Từ 95.000 dân trở lên (Điện Biên)

44.200

2. Định mức phân bổ trên đã bao gồm: các khoản kinh phí thực hiện nhiệm vụ quốc phòng địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, kinh phí thực hiện Luật Dân quân Tự vệ (không bao gồm kinh phí mua sắm trang phục theo niên hạn, do ngân sách tỉnh chi; chế độ phụ cấp hàng tháng đối với các chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã đã tính trong định mức phân bổ chi quản lý hành chính); trợ cấp cho lực lượng Dân quân tự vệ khi làm nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND ngày 22 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Các huyện có xã biên giới được phân bổ thêm kinh phí với mức 500 triệu đồng/xã biên giới; đối với huyện có xã tiếp giáp với 02 tỉnh nước bạn (hoặc 02 nước bạn) trở lên được phân bổ 650 triệu đồng/xã biên giới.

4. Định mức phân bổ nêu trên chưa bao gồm:

a) Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp cho Thôn đội trưởng theo Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND ngày 22/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

b) Các khoản kinh phí đặc thù thực hiện nhiệm vụ quốc phòng được tỉnh giao (kinh phí diễn tập phòng thủ khu vực hàng năm, các nhiệm vụ đặc biệt về quốc phòng phát sinh đột xuất v.v..).

Điều 18. Định mức phân bổ chi an ninh và trật tự, an toàn xã hội

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Dân số

Định mức phân bổ

1

2

Dưới 40.000 dân (Thị xã Mường Lay)

87.800

Từ 40.000 dân đến dưới 65.000 dân (Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà)

26.900

Từ 65.000 dân đến dưới 95.000 dân (thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Tuần Giáo)

18.600

Từ 95.000 dân trở lên (Điện Biên)

13.200

2. Định mức phân bổ trên đã bao gồm: các khoản kinh phí thực hiện nhiệm vụ an ninh địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Định mức phân bổ trên chưa bao gồm: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp cho Công an xã bán chuyên trách và Bảo vệ Tổ dân phố theo quy định.

4. Các huyện có xã biên giới được phân bổ thêm kinh phí với mức 500 triệu đồng/xã biên giới. Đối với các huyện có xã tiếp giáp với 02 tỉnh nước bạn (hoặc 02 nước bạn) trở lên được phân bổ 650 triệu đồng/xã biên giới.

5. Trường hợp phát sinh các nhiệm vụ đặc biệt đảm bảo an ninh biên giới, thực hiện cơ chế ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho các huyện để thực hiện nhiệm vụ.

Điều 19. Định mức phân bổ chi sự nghiệp khoa học và công nghệ

Để thực hiện nhiệm vụ ứng dụng khoa học và công nghệ, các hoạt động sự nghiệp khoa học công nghệ khác. Căn cứ dự toán trung ương giao, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong phương án phân bổ ngân sách địa phương.

Điều 20. Định mức phân bổ chi hoạt động kinh tế

1. Định mức phân bổ theo tiêu chí dân số

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Dân số

Định mức phân bổ

1

2

Dưới 40.000 dân (Thị xã Mường Lay)

485.000

Từ 40.000 dân đến dưới 65.000 dân (Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà)

322.500

Từ 65.000 dân đến dưới 95.000 dân (thành phố Điện Biên Phủ, Điện Biên Đông, Tuần Giáo)

250.000

Từ 95.000 dân trở lên (Điện Biên)

218.500

2. Định mức trên đã bao gồm chi cho các nhiệm vụ, dự án quy hoạch được tỉnh phân cấp, kinh phí chi hỗ trợ khuyến nông viên, thú y thôn bản.

3. Phân bổ cho các huyện có các đơn vị hành chính đô thị theo Quyết định công nhận của cấp có thẩm quyền theo mức: 24.000 triệu đồng/đô thị loại III/năm; 17.000 triệu đồng/đô thị loại IV/năm; 8.500 triệu đồng/đô thị loại V/năm. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách, các huyện, thị xã, thành phố được cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương, Tỉnh công nhận nâng cấp đô thị, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ cho các huyện từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung theo mức hỗ trợ đô thị nêu trên.

4. Kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng dịch vụ công ích thuỷ lợi được phân bổ trên cơ sở kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng dịch vụ công ích thuỷ lợi của các đơn vị năm 2021 từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ.

5. Kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa được xác định trên cơ sở diện tích đất trồng lúa do Sở Tài nguyên và môi trường cung cấp và mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ.

6. Định mức phân bổ trên chưa bao gồm kinh phí chi thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Mức phân bổ cụ thể cho các huyện do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong phương án phân bổ ngân sách địa phương.

Điều 21. Định mức phân bổ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường

Để thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chất độc gây ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực; duy tu, sửa chữa các công trình phục vụ công tác bảo vệ môi trường… Căn cứ dự toán trung ương giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong phương án phân bổ ngân sách địa phương.

Điều 22. Định mức phân bổ chi thường xuyên khác

1. Phân bổ theo tỷ trọng (bằng 0,5%) tổng các khoản chi thường xuyên đã tính được theo định mức phân bổ ở trên (từ mục 2.1 đến mục 2.13).

2. Các huyện biên giới được bổ sung kinh phí theo mức 500 triệu đồng/xã biên giới để thực hiện nhiệm vụ quan hệ với các địa phương nước bạn; đối với các huyện tiếp giáp với 02 tỉnh nước bạn trở lên được phân bổ 650 triệu đồng/xã biên giới.

Điều 23. Đối với các huyện có dân số thấp

Các huyện có dân số dưới 55.000 dân được phân bổ thêm 10% số chi tính theo định mức dân số nêu trên (trừ sự nghiệp đào tạo và dạy nghề).

Điều 24. Dự phòng ngân sách

Ngân sách cấp huyện được phân bổ dự phòng tối thiểu bằng 2% chi cân đối, không kể các khoản chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên ngoài định mức để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội.

Điều 25. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách

1. Căn cứ khả năng tăng thu ngân sách địa phương và các nguồn bổ sung, hỗ trợ thêm của ngân sách trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh cho các huyện so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Các chế độ chính sách đã ban hành và tính năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định ngân sách mới có phát sinh tăng hoặc giảm đối tượng các chính sách, các huyện chủ động bố trí ngân sách để thực hiện, đồng thời báo cáo tình hình thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính để bổ sung kinh phí (nếu thiếu). Các chính sách ban hành sau thời điểm ban hành định mức (thay đổi mức hỗ trợ, đối tượng chính sách mới) các huyện có báo cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ báo cáo Bộ Tài chính bổ sung dự toán để các huyện có nguồn thực hiện.

3. Hàng năm, căn cứ kết quả thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan, giao Sở Tài chính phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện xác định phần giảm chi ngân sách nhà nước hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công theo lộ trình điều chỉnh giá, phí sự nghiệp công để bổ sung nguồn thực hiện các chính sách chế độ trung ương ban hành trên địa bàn.

4. Trong thời kỳ ổn định ngân sách, khi có đơn vị hành chính mới thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ mức hỗ trợ bổ sung của trung ương ngân sách tỉnh sẽ thực hiện bổ sung có mục tiêu cho các huyện để hỗ trợ các đơn vị mới được thành lập (kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác di chuyển, thuê chỗ làm việc, sửa chữa, mua sắm bổ sung phương tiện làm việc; chi trả tiền lương, phụ cấp lương cho số biên chế mới tăng thêm,…).

Chương IV

TIÊU CHÍ, ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH CẤP XÃ

Điều 26. Tiêu chí phân bổ

Phương pháp xác định một số tiêu chí, căn cứ của định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2022.

1. Biên chế được giao theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

2. Số lượng thôn, bản, tổ dân phố

Số lượng thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư được xác định trên cơ sở các quyết định công nhận thành lập của cấp có thẩm quyền.

Điều 27. Định mức phân bổ chi hoạt động quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể

1. Đảm bảo chi tiền lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn,..) theo quy định hiện hành. Bao gồm cả chi phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, bản, tổ dân phố.

2. Đảm bảo tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương tối đa là 83%; các nội dung chi thường xuyên khác để đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể tối thiểu là 17%. Định mức phân bổ chi thường xuyên đã bao gồm:

a) Các khoản chi nghiệp vụ mang tính thường xuyên hàng năm như: Khen thưởng theo chế độ, thông tin liên lạc, công tác phí, hội nghị, văn phòng phẩm, thanh toán dịch vụ công cộng; đi tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chi thực hiện việc chỉ đạo kiểm tra, chi cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng và hoàn thiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, công tác cải cách hành chính.

b) Các khoản kinh phí mua sắm, thay thế, sửa chữa thường xuyên tài sản, công cụ, dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện làm việc của đơn vị.

c) Kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cấp xã với mức hỗ trợ 05 triệu đồng/Ban/năm.

d) Các khoản chi khác bao gồm: Kinh phí chi hoạt động đặc thù của cấp ủy Đảng, kinh phí hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã; Chi các khoản phí, lệ phí; kinh phí hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể, hỗ trợ hoạt động công tác đảng theo Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 30 tháng 5 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI về ban hành quy định chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng, đảng bộ cấp trên trực tiếp cơ sở; Đại hội theo nhiệm kỳ của các tổ chức chính trị xã hội và tất cả các khoản chi khác phục vụ hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị cấp xã.

3. Định mức phân bổ bổ sung:

a) Kinh phí để thực hiện chế độ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130-CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ bổ sung chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ xã, Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng về việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách, chế độ đối với cán bộ xã, phường.

b) Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp cho Thôn đội trưởng theo Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND ngày 22/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định số lượng Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã; mức hưởng phụ cấp hằng tháng đối với Thôn đội trưởng; mức trợ cấp ngày công lao động đối với lực lượng Dân quân tự vệ khi thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

c) Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp cho Công an xã bán chuyên trách và Bảo vệ Tổ dân phố theo quy định.

d) Kinh phí hỗ trợ Ban công tác mặt trận ở khu dân cư theo Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi hỗ trợ đối với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban công tác mặt trận ở khu dân cư thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Danh sách các xã thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 1010/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn và các quyết định sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Điều 28. Đối với phân bổ chi cho các sự nghiệp khác (giáo dục, đào tạo và dạy nghề, văn hoá thông tin, phát thanh truyền hình thông tấn, thể dục thể thao, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, đảm bảo xã hội, bảo vệ môi trường, sự nghiệp kinh tế)

Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ kinh phí chi thường xuyên cho cấp xã phù hợp với tình hình thực tế địa phương và đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chi của các xã.

Điều 29. Dự phòng ngân sách

Ngân sách cấp xã được bố trí dự phòng tối thiểu bằng 2% tổng chi cân đối ngân sách cấp xã./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, tỉnh Điện Biên

Số hiệu: 06/2021/NQ-HĐND
Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
Người ký: Lò Văn Phương
Ngày ban hành: 09/12/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [22]
Văn bản được căn cứ - [8]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, tỉnh Điện Biên

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…