Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày     tháng    năm 2016

DỰ THẢO

 

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỀ TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật quản lý nợ công số 29/2009/QH13 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách đối với thành phố Hải Phòng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định một số cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách đối với thành phố Hải Phòng (viết tắt là Thành phố).

2. Những nội dung khác về tài chính, ngân sách không quy định tại Nghị định này, thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng ngân sách thành phố Hải Phòng.

2. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách thành phố Hải Phòng.

Điều 3. Mục tiêu, yêu cầu xây dựng cơ chế đặc thù

Cơ chế đặc thù này nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của Thành phố; tạo điều kiện để Thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại, trung tâm dịch vụ, công nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao; là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước; trung tâm giáo dục – đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của khu vực phía Bắc và hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.Qua đó làm đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước nói chung.

Chương II

HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Điều 4. Huy động vốn đầu tư phát triển

1. Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại. Mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định.

2. Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) mang tính chất phục vụ cấp Vùng trên địa bàn thành phố và các dự án lớn, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Điều 5. Huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

1. Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho thành phố Hải Phòng để đầu tư các chương trình, dự án hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố. Việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án này do ngân sách Thành phố bảo đảm.

2. Chính phủ ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án PPP trên địa bàn Thành phố.

3. Đối với nhu cầu vay vốn nước ngoài để thực hiện những dự án quan trọng, thực hiện theo nguyên tắc: Trên cơ sở các dự án đã được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua và ý kiến chính thức của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hải Phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định theo cơ chế Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại để thực hiện các dự án, công trình theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân Thành phố. Thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm bố trí từ ngân sách Thành phố để hoàn trả theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân Thành phố được phê duyệt danh mục dự án, quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ ODA không hoàn lại đối với các dự án, chương trình dự án không phụ thuộc vào quy mô viện trợ, trừ các khoản viện trợ hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thể chế, tôn giáo, chính sách pháp luật, cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ này, thực hiện chế độ hạch toán, kế toán, quyết toán theo đúng quy định của pháp luật; hàng năm, báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH

Điều 6. Ưu đãi về ngân sách

1. Căn cứ tổng mức dự toán ngân sách được duyệt, tiến độ thực hiện các dự án, khả năng bố trí của ngân sách thành phố, khả năng cân đối ngân sách trung ương, nguyên tắc bố trí vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy định Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội quyết định bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố Hải Phòng để hỗ trợ thực hiện các dự án quan trọng, có ý nghĩa đối với thành phố Hải Phòng và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc như:

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng trường Đại học Hải Phòng thành trường đại học khu vực đa ngành; hỗ trợ xây dựng Bệnh viện Việt - Tiệp thành bệnh viện đa khoa khu vực với các chuyên khoa sâu, chất lượng cao phục vụ cho cả vùng Duyên hải Bắc Bộ.

- Hỗ trợ Dự án đầu tư xây dựng Đường Đông Khê 2; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục Hồ Sen – Cầu Rào 2 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến Ngã ba Chợ Con); Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Khu bay – Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi.

- Hỗ trợ Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê bao lấn biển và phòng hộ phía Tây Nam quận Đồ Sơn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hạ tầng khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, Khu trung tâm hành chính – chính trị mới của thành phố; các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải; hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ thông tin tập trung; hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp thể dục thể thao Hải Phòng.

2. Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố Hải Phòng 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13) và các khoản thu ngân sách Trung ương hưởng 100% (không kể khoản thu: thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu; các khoản thu không phát sinh trên địa bàn mà chỉ hạch toán ở Thành phố; các khoản hạch toán ghi thu, ghi chi và các khoản thu được để lại đơn vị chi quản lý qua ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật).

Số bổ sung có mục tiêu tối đa không vượt quá số tăng thu ngân sách Trung ương trên địa bàn so với thực hiện năm trước.

Căn cứ tổng số vượt thu ngân sách trung ương và cân đối chung, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định mức bổ sung có mục tiêu cho thành phố Hải Phòng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 và cơ chế đặc thù của thành phố Hải Phòng quy định tại Điều này.

3. Số bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu quy định tại khoản 2 Điều này, Thành phố sử dụng: Ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng; bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA;chi trả nợ các khoản vốn vay; thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Thành phố và thưởng cho ngân sách cấp dưới. Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định mức vốn cụ thể cho từng mục tiêu, nhiệm vụ và thưởng cho ngân sách cấp dưới.

4. Cơ chế ứng trước dự toán năm sau từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ: Căn cứ quy định hiện hành và khả năng cân đối nguồn vốn, thành phố Hải Phòng được xem xét ứng trước dự toán ngân sách năm sau liền kề để thực hiện các dự án đặc biệt, quan trọng, cấp bách thuộc đối tượng hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 7. Thành phố được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách Thành phố và theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Bãi bỏ Quyết định số 54/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố Hải Phòng.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vướng mắc cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc phát sinh những vấn đề mới cần phải có cơ chế đặc thù để xử lý; Chính phủ xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với những vấn đề có liên quan đến thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi ban hành.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (5b).

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách đối với thành phố Hải Phòng

Số hiệu: Khongso
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: ***
Ngày ban hành: 14/09/2016
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [1]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Dự thảo Nghị định quy định cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách đối với thành phố Hải Phòng

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…