CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2023/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày tháng năm 2023 |
DỰ THẢO LẦN 1 |
|
QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 15 tháng 11 năm 2022;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.
Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Phòng, chống rửa tiền về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; nhận biết khách hàng; chủ sở hữu hưởng lợi; giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp; trách nhiệm cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo; thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền; trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước trì hoãn giao dịch.
Nghị định này áp dụng đối với các đối tượng, bao gồm:
a) Tổ chức tài chính.
b) Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan.
c) Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan.
d) Tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan có liên quan đến phòng, chống rửa tiền.
Mục I. ĐÁNH GIÁ RỦI RO QUỐC GIA
Điều 3. Nguyên tắc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền
1. Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền phải xác định được mức độ rủi ro về rửa tiền của quốc gia.
2. Kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được sử dụng để xây dựng, cập nhật chính sách, chiến lược và kế hoạch thực hiện sau đánh giá về phòng, chống rửa tiền tương ứng trong từng thời kỳ.
3. Đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện trên cơ sở quy định pháp luật phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của quốc gia.
Điều 4. Phương pháp, tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền
1. Phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền sử dụng kết hợp phương pháp tính điểm và phương pháp chuyên gia để đo lường rủi ro rửa tiền thông qua việc đánh giá nguy cơ rửa tiền quốc gia và đánh giá mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền.
2. Tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền bao gồm tiêu chí nguy cơ rửa tiền, tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách, biện pháp phòng, chống rửa tiền và tiêu chí hậu quả của nguy cơ và mức độ phù hợp:
a. Tiêu chí nguy cơ rửa tiền bao gồm nguy cơ rửa tiền trong nước và nguy cơ rửa tiền xuyên biên giới.
Đánh giá nguy cơ rửa tiền trong nước được xác định thông qua thông tin, dữ liệu sau: số lượng các vụ việc rửa tiền và tội phạm nguồn phổ biến của tội rửa tiền trong nước được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử; số tiền, tài sản bị kê biên, phong tỏa, tịch thu; số lượng các báo cáo giao dịch đáng ngờ nhận được và chuyển giao; các thông tin, dữ liệu khác phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của quốc gia.
Nguy cơ rửa tiền xuyên biên giới được xác định thông qua thông tin, dữ liệu sau: số lượng các vụ việc rửa tiền và tội phạm nguồn phổ biến của tội rửa tiền xuyên biên giới được khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử; số tiền, tài sản bị kê biên, phong tỏa, tịch thu; số lượng các báo cáo giao dịch đáng ngờ nhận được và chuyển giao; số lượng yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của tội rửa tiền và tội phạm nguồn phổ biến của tội rửa tiền, tổng số tiền liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước ngoài gửi đi và nhận được; số lượng các vụ việc trao đổi với cơ quan tình báo tài chính nước ngoài; giá trị ngoại tệ chuyển ra và vào quốc gia; số lượng yêu cầu trao đổi thông tin thuế gửi đi và nhận được có liên quan đến tội rửa tiền và tội phạm nguồn phổ biến của tội rửa tiền ; số lượng ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng khai báo khi xuất cảnh, nhập cảnh; số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng qua biên giới; số tiền mặt, kim khí quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng bị kê biên, thu giữ trong các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới; các thông tin, dữ liệu khác phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của quốc gia.
Nguy cơ rửa tiền trong nước và xuyên biên giới được xác định thông qua đánh giá thông tin, dữ liệu được thu thập từ báo cáo của cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan tiến hành tố tụng, các tài liệu nghiên cứu học thuật, báo cáo của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận và các nguồn thông tin đáng tin cậy khác liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm nguồn phổ biến và tội phạm rửa tiền. Các thông tin, dữ liệu khác phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của quốc gia.
b. Tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách biện pháp phòng, chống rửa tiền bao gồm việc đánh giá thông tin, dữ liệu gồm: khuôn khổ pháp lý về phòng, chống rửa tiền; hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa rửa tiền, hoạt động đăng ký, cấp phép, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản về tội rửa tiền và tội phạm nguồn phổ biến của tội rửa tiền; mức độ hiểu biết, việc tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực nghề nghiệp của các cán bộ thuộc ngành, lĩnh vực có liên quan về phòng, chống rửa tiền; các nguồn thông tin sẵn có và khả năng tiếp cận của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống rửa tiền. Các thông tin, dữ liệu khác phù hợp với chuẩn mực quốc tế và điều kiện thực tiễn của quốc gia.
c. Tiêu chí hậu quả của nguy cơ và mức độ phù hợp bao gồm: những tác động tiêu cực do nguy cơ rửa tiền và việc không thực hiện đầy đủ các chính sách, biện pháp phòng chống rửa tiền xảy ra đối với hệ thống tài chính và với ngành, lĩnh vực có liên quan.
d. Tiêu chí đánh giá rủi ro rửa tiền đối với ngành, lĩnh vực bao gồm: tiêu chí nguy cơ rửa tiền và tiêu chí mức độ phù hợp của các chính sách biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với ngành, lĩnh vực và gắn với sản phẩm chính của ngành, lĩnh vực. Việc thu thập thông tin, số liệu, dữ liệu để đánh giá tiêu chí này theo quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều này.
Mục II. NHẬN BIẾT, BÁO CÁO VÀ LƯU GIỮ THÔNG TIN KHÁCH HÀNG
1. Tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau:
a) Khi khách hàng lần đầu mở tài khoản, bao gồm tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, tài khoản thẻ và các loại tài khoản khác;
b) Khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp;
c) Khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có tổng giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên trong một ngày. Giao dịch không thường xuyên là giao dịch thực hiện bởi khách hàng không có tài khoản hoặc có tài khoản, ví điện tử giao dịch sau thời gian 6 tháng không thực hiện bất kỳ giao dịch nào;
d) Khi thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu một trong số thông tin về tên, địa chỉ của người khởi tạo, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản;
đ) Khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền;
e) Khi nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng bao gồm trò chơi điện tử có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, mạng internet; casino; xổ số; đặt cược phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch với tổng giá trị từ 60.000.000 (sáu mươi triệu) đồng trở lên trong một ngày.
3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản phải nhận biết khách hàng đối với bên mua, bên bán trong hoạt động môi giới mua, bán bất động sản; đối với chủ sở hữu tài sản trong việc cung cấp dịch vụ quản lý bất động sản.
4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim khí quý và đá quý phải nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt mua hoặc bán kim khí quý, đá quý có giá trị từ 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng trở lên trong một ngày.
5. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kế toán; cung cấp dịch vụ công chứng; cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải nhận biết khách hàng khi kinh doanh dịch vụ kế toán; thực hiện thủ tục công chứng, thay mặt khách hàng chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc thay mặt khách hàng thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản khác gắn liền với đất; quản lý tiền, chứng khoán hoặc tài sản khác của khách hàng; quản lý tài khoản của khách hàng tại ngân hàng, công ty chứng khoán; điều hành, quản lý công ty; tham gia vào hoạt động mua, bán doanh nghiệp.
6. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý phải nhận biết khách hàng đối với bên ủy thác, người thụ hưởng của thỏa thuận pháp lý khi nhận tiền hoặc tài sản từ bên ủy thác để thực hiện giao dịch theo thỏa thuận pháp lý.
7. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp phải nhận biết khách hàng khi khách hàng sử dụng hoặc yêu cầu các dịch vụ đó.
8. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ giám đốc, thư ký công ty cho bên thứ ba phải nhận biết khách hàng đối với bên thứ ba và người giám đốc hoặc thư ký đó.
1. Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với khách hàng là cá nhân như sau:
a) Xác định khách hàng thực hiện giao dịch nhân danh chính họ hoặc thực hiện giao dịch thay mặt người khác.
b) Trường hợp khách hàng thực hiện giao dịch nhân danh chính họ, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân thực hiện giao dịch.
c) Trường hợp khách hàng thực hiện giao dịch thay mặt người khác, đối tượng báo cáo phải xác minh thông tin uỷ quyền và xác minh thông tin khách hàng để xác định chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân chi phối giao dịch hoặc thụ hưởng từ giao dịch đó.
2. Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với khách hàng là tổ chức như sau:
a) Thu thập đầy đủ thông tin khách hàng để hiểu được bản chất hoạt động kinh doanh của khách hàng và quyền sở hữu, cơ cấu kiểm soát của khách hàng.
b) Chủ sở hữu hưởng lợi được xác định là cá nhân cuối cùng có quyền chi phối đối với khách hàng tổ chức. Cá nhân cuối cùng có quyền chi phối đối với khách hàng tổ chức là cá nhân nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên của tổ chức đó.
c) Trường hợp có bất kỳ nghi ngờ nào về chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân quy định tại Điểm b Khoản này hoặc khi không có cá nhân nào chi phối pháp nhân thông qua tỷ lệ sở hữu, thì chủ sở hữu hưởng lợi sẽ là cá nhân hoặc những người thực hiện chi phối pháp nhân bằng các phương thức khác.
d) Trường hợp không có cá nhân nào được xác định là chủ sở hữu hưởng lợi của khách hàng tổ chức quy định tại các tiết Điểm b, Điểm c Khoản này thì chủ sở hữu hưởng lợi sẽ là cá nhân nắm giữ vị trí quản lý cấp cao của tổ chức.
3. Đối tượng báo cáo xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với khách hàng là đại diện cho thỏa thuận pháp lý như sau:
a) Thu thập đầy đủ thông tin khách hàng để hiểu được bản chất của hoạt động kinh doanh của thỏa thuận pháp lý và quyền sở hữu, cơ cấu kiểm soát của thoả thuận pháp lý.
b) Trường hợp thỏa thuận pháp lý là một ủy thác, cần thu thập thông tin danh tính của bên uỷ thác, bên được ủy thác, người thụ hưởng hoặc nhóm người thụ hưởng và bất kỳ cá nhân nào khác thực hiện quyền kiểm soát cuối cùng đối với ủy thác.
c) Trường hợp thỏa thuận pháp lý dưới hình thức khác, cần thu thập thông tin danh tính của các cá nhân nắm giữ các vị trí tương đương với những cá nhân được đề cập tại Điểm b Khoản này.
Điều 7. Giao dịch với giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp
1. Giao dịch có giá trị lớn bất thường là giao dịch vượt quá mức thu nhập hoặc mức giá trị giao dịch thường xuyên của khách hàng với đối tượng báo cáo;
2. Giao dịch phức tạp là giao dịch được thực hiện thông qua phương thức không phù hợp với bản chất của giao dịch như: Giao dịch được thực hiện thông qua nhiều bên trung gian, nhiều tài khoản không cần thiết; giao dịch được thực hiện giữa nhiều tài khoản khác nhau của cùng một chủ tài khoản tại các khu vực địa lý khác nhau; bất kỳ giao dịch nào do đối tượng báo cáo nhận định không bình thường và cần có sự giám sát chặt chẽ.
Điều 8. Trách nhiệm cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo
Đối tượng báo cáo phải cung cấp kịp thời thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Phòng, chống rửa tiền cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau:
a) Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các giao dịch được báo cáo theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền.
b) Cơ quan công an hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp quận, huyện trở lên nếu giao dịch liên quan tới tội phạm được báo cáo theo Khoản 3 Điều 37 Luật phòng, chống rửa tiền;
c) Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân các cấp nếu giao dịch liên quan tới vụ việc và khách hàng đã có quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can. Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng các cơ quan này là người ký yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và thông tin liên quan;
d) Cơ quan an ninh điều tra nếu giao dịch liên quan tới các đối tượng bị nghi ngờ phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan này là người ký yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và thông tin liên quan;
đ) Cơ quan thuế, cơ quan có chức năng điều tra ban đầu nếu giao dịch liên quan tới cá nhân, tổ chức bị nghi ngờ vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan hoặc pháp luật khác liên quan. Yêu cầu cung cấp thông tin phải được Thủ trưởng, Phó Thủ Trưởng cơ quan Thuế, cơ quan có chức năng điều tra ban đầu ký yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và thông tin liên quan;
e) Cơ quan thanh tra nhà nước, Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ theo các quyết định thanh tra, kiểm tra do cấp có thẩm quyền ban hành ký yêu cầu cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo và thông tin liên quan.
Điều 9. Thu thập, xử lý và phân tích thông tin phòng, chống rửa tiền
1. Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu hiện lưu trữ tại tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật và thông tin, hồ sơ, tài liệu tổ chức, cá nhân tiếp nhận, thu thập được trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Các thông tin, tài liệu yêu cầu cung cấp trong phạm vi phục vụ công tác thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền.
2. Tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo đúng thời hạn yêu cầu.
3. Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện xử lý, phân tích thông tin, báo cáo nhận được, bao gồm:
a) Phân tích và xử lý thông tin dựa trên nguồn thông tin sẵn có và thu thập bổ sung để xác định các xu hướng và mô hình rửa tiền. Các thông tin phân tích này sử dụng để xác định các nguy cơ của hoạt động rửa tiền và các biện pháp phòng, chống rửa tiền được áp dụng về rửa tiền trong từng ngành, lĩnh vực và ở phạm vi toàn quốc nhằm xây dựng các chiến lược và mục tiêu phòng, chống rửa tiền trong từng giai đoạn nhất định;
b) Phân tích và xử lý thông tin dựa trên nguồn thông tin sẵn có và thu thập bổ sung để lần theo dấu giao dịch hoặc hoạt động cụ thể có nghi ngờ liên quan đến rửa tiền hoặc hoạt động tội phạm khác nhằm xác định mối liên hệ của hoạt động hoặc giao dịch có liên quan tới rửa tiền hoặc hoạt động tội phạm khác.
1. Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền trong các trường hợp sau:
a) Trao đổi, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, bao gồm: cơ quan điều tra; viện kiểm sát nhân dân các cấp; viện kiểm sát quân sự các cấp; tòa án nhân dân các cấp; tòa án quân sự các cấp;
b) Chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch được nêu trong các thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền.
2. Thông tin trao đổi, cung cấp theo quy định tại Khoản 1 Điểm a Điều này bao gồm:
a) Thông tin về giao dịch, tổ chức, cá nhân nghi ngờ có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền;
b) Thông tin về những bất cập trong cơ chế, chính sách, hoạt động quản lý nhà nước nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.
3. Cơ sở hợp lý để nghi ngờ giao dịch nêu trong thông tin, báo cáo liên quan đến rửa tiền theo quy định tại Khoản 1 Điểm b Điều này bao gồm:
a) Giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân đang là đối tượng bị điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng của Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới;
b) Giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân nằm trong danh sách cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới;
c) Giao dịch liên quan đến bị can, bị cáo, người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;
d) Giao dịch được thực hiện trong thời gian rất ngắn liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau nhưng không có cơ sở kinh tế hoặc không đủ chứng từ giao dịch;
đ) Giao dịch khác mà Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dựa trên kinh nghiệm thực tế và kinh nghiệm quốc tế nhận thấy có thể liên quan đến các hoạt động phạm tội.
4. Cơ quan điều tra nêu tại Khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;
b) Cơ quan điều tra của Quân đội nhân dân;
c) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
5. Cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điểm a Điều này có trách nhiệm lưu giữ các thông tin, báo cáo, tài liệu nhận được theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý có liên quan cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
6. Cơ quan điều tra khi tiếp nhận thông tin hoặc hồ sơ vụ việc theo quy định tại Khoản 1 Điểm b Điều này có trách nhiệm phân loại, giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và lưu giữ các thông tin, báo cáo, tài liệu nhận được theo chế độ mật và phản hồi ngay kết quả và hiệu quả xử lý thông tin cho Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
7. Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan theo quy định tại Điều này có thể ký kết quy chế phối hợp để tạo điều kiện cho việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin được nhanh chóng, hiệu quả.
Mục IV. ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TẠM THỜI
Điều 11. Áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch
1. Căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan tới giao dịch thuộc danh sách đen bao gồm:
a) Cá nhân, tổ chức có giao dịch với đối tượng báo cáo có thông tin trùng khớp toàn bộ với thông tin của tổ chức, cá nhân thuộc Danh sách đen;
b) Cá nhân, tổ chức có giao dịch với đối tượng báo cáo có thông tin trùng khớp một phần với thông tin của tổ chức, cá nhân thuộc Danh sách đen mà đối tượng báo cáo trên cơ sở các thông tin thu thập được tin rằng cá nhân, tổ chức liên quan tới khủng bố, tài trợ khủng bố, phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
2. Khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay qua fax, điện thoại, thư điện tử và xác nhận lại bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan tại Khoản 3 của Điều này, đồng thời thông báo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Phòng, chống rửa tiền, bao gồm:
a) Lực lượng chống khủng bố và đơn vị đầu mối về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt đối với trường hợp báo cáo việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch đối với tổ chức, cá nhân thuộc Danh sách đen;
b) Cơ quan điều tra đối với trường hợp báo cáo việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động phạm tội.
4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Khoản 3 Điều này có trách nhiệm kịp thời xử lý báo cáo về việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phòng, chống khủng bố và phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2023.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền; Nghi định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM.
CHÍNH PHỦ |
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền
Số hiệu: | Khongso |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Người ký: | *** |
Ngày ban hành: | 07/12/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống rửa tiền
Chưa có Video