CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 131/2006/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2006 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢPHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện điều ước quốc tế ngày 24 tháng 5 năm
2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH :
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN
CHÍNH THỨC
(ban hành kèm theo nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09
tháng 11 năm 2006 của chính phủ)
1. Quy Chế Này điều chỉnh công tác quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là ODA) trong Quy chế này được hiểu là hoạt động hợp tác phát triển giữa Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhà tài trợ là chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài trợ song phương và các tổ chức liên quốc gia hoặc liên chính phủ.
2. Hình thức cung cấp ODA bao gồm:
a) ODA không hoàn lại: là hình thức cung cấp ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ;
b) ODA vay ưu đãi (hay còn gọi là tín dụng ưu đãi): là khoản vay với các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ, bảo đảm “yếu tố không hoàn lại” (còn gọi là “thành tố hỗ trợ”) đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc;
c) ODA vay hỗn hợp: là các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay ưu đãi được cung cấp đồng thời với các khoản tín dụng thương mại, nhưng tính chung lại có “yếu tố không hoàn lại” đạt ít nhất 35% đối với các khoản vay có ràng buộc và 25% đối với các khoản vay không ràng buộc.
3. Các phương thức cơ bản cung cấp ODA gồm có:
a) Hỗ trợ dự án;
b) Hỗ trợ ngành;
c) Hỗ trợ chương trình;
d) Hỗ trợ ngân sách.
4. Cơ chế tài chính trong nước đối với việc sử dụng ODA:
a) Cấp phát từ ngân sách nhà nước;
b) Cho vay lại từ ngân sách nhà nước;
c) Cấp phát một phần, cho vay lại một phần từ ngân sách nhà nước.
Điều 2. Nguyên tắc cơ bản trong quản lý và sử dụng ODA
1. ODA là nguồn vốn quan trọng của ngân sách nhà nước, được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA trên cơ sở tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đảm bảo sự phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phát huy tính chủ động của các cấp, các cơ quan quản lý ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện.
3. Thu hút ODA đi đôi với việc nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm khả năng trả nợ nước ngoài, phù hợp với năng lực tiếp nhận và sử dụng ODA của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện.
4. Bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán của các quy định về quản lý và sử dụng ODA; bảo đảm sự tham gia rộng rãi của các bên có liên quan; hài hoà quy trình thủ tục giữa Chính phủ và nhà tài trợ.
5. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về ODA mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp điều ước quốc tế về ODA mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với các quy định của pháp luật Việt Nam thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
Điều 3. Lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA
Vốn ODA được ưu tiên sử dụng cho những chương trình, dự án thuộc các lĩnh vực:
1. Phát triển nông nghiệp và nông thôn (bao gồm nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thủy sản) kết hợp xoá đói, giảm nghèo.
2. Xây dựng hạ tầng kinh tế đồng bộ theo hướng hiện đại.
3. Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục đào tạo, dân số và phát triển và một số lĩnh vực khác).
4. Bảo vệ môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
5. Tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai.
6. Một số lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Các từ ngữ dưới đây được sử dụng trong Quy chế này được hiểu như sau:
1. "Quy trình quản lý, sử dụng ODA" là những hoạt động với các bước cụ thể sau:
a) Xây dựng danh mục chương trình, dự án ODA (sau đây gọi tắt là “chương trình, dự án”) yêu cầu tài trợ đối với từng nhà tài trợ;
b) Chuẩn bị chương trình, dự án, bao gồm cả ký kết chương trình, dự án;
c) Thực hiện chương trình, dự án;
d) Theo dõi và đánh giá chương trình, dự án (bao gồm cả đánh giá sau chương trình, dự án); nghiệm thu, quyết toán và bàn giao kết quả thực hiện chương trình, dự án.
2. "Danh mục yêu cầu tài trợ ODA" là danh mục chương trình, dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp từ các danh mục chương trình, dự án yêu cầu tài trợ ODA của cơ quan chủ quản, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Điều 8 Quy chế này làm cơ sở để vận động tài trợ ODA đối với từng nhà tài trợ.
3. "Danh mục tài trợ chính thức" là Danh mục yêu cầu tài trợ ODA đã được nhà tài trợ chấp thuận về nguyên tắc tài trợ ODA cho chương trình, dự án thuộc danh mục.
4. "Dự án" là một tập hợp các hoạt động có liên quan đến nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu xác định, được thực hiện trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định, dựa trên những nguồn lực xác định. Dự án bao gồm dự án đầu tư và dự án hỗ trợ kỹ thuật.
5. "Dự án đầu tư" là dự án tạo mới, mở rộng hoặc cải tạo những cơ sở vật chất nhất định nhằm đạt được sự tăng trưởng về số lượng hoặc duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ, được thực hiện trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. Dự án đầu tư bao gồm hai loại:
a) "Dự án đầu tư xây dựng công trình" là dự án đầu tư liên quan đến việc xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo những công trình xây dựng nhằm mục đích phát triển, duy trì, nâng cao chất lượng công trình hoặc sản phẩm, dịch vụ.
b) "Dự án đầu tư khác" là dự án đầu tư không thuộc loại "dự án đầu tư xây dựng công trình”.
6. "Dự án hỗ trợ kỹ thuật" là dự án có mục tiêu hỗ trợ phát triển năng lực và thể chế hoặc cung cấp các yếu tố đầu vào kỹ thuật để chuẩn bị, thực hiện các chương trình, dự án thông qua các hoạt động cung cấp chuyên gia, đào tạo, hỗ trợ trang thiết bị, tư liệu và tài liệu, tham quan khảo sát, hội thảo.
7. "Dự án quan trọng quốc gia" là dự án do Quốc hội thông qua và quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.
8. "Chương trình, dự án kèm theo khung chính sách" là chương trình, dự án có các chính sách, biện pháp cải cách kinh tế vĩ mô, ngành, lĩnh vực mà Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cam kết thực hiện theo một lộ trình nhất định, có sự hỗ trợ của về tài chính và (hoặc) kỹ thuật của nhà tài trợ.
9. "Chương trình" là một tập hợp các hoạt động, các dự án có liên quan đến nhau và có thể liên quan đến một hoặc nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều chủ thể khác nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu xác định, có thời hạn thực hiện tương đối dài hoặc theo nhiều giai đoạn, nguồn lực để thực hiện có thể được huy động từ nhiều nguồn ở những thời điểm khác nhau, với nhiều phương thức khác nhau.
10. "Tiếp cận theo chương trình hoặc ngành" là phương thức cung cấp ODA, theo đó các nhà tài trợ dựa vào chương trình phát triển của một ngành, một lĩnh vực để hỗ trợ một cách đồng bộ, bảo đảm sự phát triển bền vững và có hiệu quả của ngành và lĩnh vực đó.
11. "Hỗ trợ ngân sách" là phương thức cung cấp ODA theo đó các khoản hỗ trợ ODA không gắn với một hay một số dự án cụ thể mà được chuyển trực tiếp vào ngân sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được quản lý và sử dụng theo các quy định và thủ tục ngân sách của Việt Nam.
12. "Khoản vay hoặc viện trợ không hoàn lại không ràng buộc" là khoản ODA bằng vốn vay hoặc không hoàn lại không kèm theo những điều khoản ràng buộc liên quan đến cung cấp và mua sắm hàng hóa và dịch vụ.
13. "Khoản vay hoặc viện trợ không hoàn lại có ràng buộc" là khoản ODA bằng vốn vay hoặc không hoàn lại có kèm theo các điều kiện liên quan đến cung cấp và mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ một số nhà cung cấp hoặc quốc gia nhất định do nhà tài trợ quyết định.
14. "Điều ước quốc tế về ODA" là thoả thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều nhà tài trợ về các vấn đề liên quan đến ODA. Điều ước quốc tế về ODA bao gồm:
a) "Điều ước quốc tế khung về ODA" là điều ước quốc tế về ODA thể hiện cam kết về các nguyên tắc và điều kiện chung về hợp tác phát triển, có nội dung liên quan tới: chiến lược, chính sách, khung khổ hợp tác phát triển, phương hướng ưu tiên trong cung cấp và sử dụng ODA; các lĩnh vực, các chương trình hoặc dự án ODA thỏa thuận tài trợ; điều kiện khung và cam kết ODA cho một năm hoặc nhiều năm đối với chương trình, dự án; những nguyên tắc về thể thức và kế hoạch quản lý, thực hiện chương trình, dự án.
b) "Điều ước quốc tế cụ thể về ODA" là điều ước quốc tế về ODA thể hiện cam kết về việc tài trợ cho chương trình, dự án cụ thể hoặc hỗ trợ ngân sách, có nội dung chính bao gồm: mục tiêu, hoạt động, kết quả phải đạt được, kế hoạch thực hiện, điều kiện tài trợ, vốn, cơ cấu vốn, nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi bên, các nguyên tắc, chuẩn mực cần tuân thủ trong quản lý, thực hiện chương trình, dự án và điều kiện giải ngân, điều kiện trả nợ đối với khoản vay cho chương trình, dự án.
15. "Cơ quan chủ quản chương trình, dự án ODA" (Người quyết định đầu tư đối với dự án đầu tư hoặc người quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật) là các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan trực thuộc Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”) có chương trình, dự án.
16. "Chủ chương trình, dự án ODA" (chủ đầu tư đối với chương trình, dự án đầu tư, chủ dự án đối với chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật - sau đây gọi chung là chủ dự án) là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan chủ quản nêu tại khoản 15 Điều này giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn vốn đối ứng để thực hiện chương trình, dự án theo nội dung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, và quản lý, sử dụng công trình sau khi chương trình, dự án kết thúc.
17. "Vốn đối ứng" là khoản đóng góp của phía Việt Nam bằng hiện vật và giá trị để chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án ODA, như được quy định cụ thể tại Điều 26 Quy chế này.
VẬN ĐỘNG ODA, KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ KHUNG VỀ ODA
Vận động ODA được thực hiện trên cơ sở:
1. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
2. Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của cả nước, ngành, vùng và các địa phương.
3. Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói, giảm nghèo (CPRGS).
4. Chiến lược quốc gia vay và trả nợ nước ngoài và Chương trình quản lý nợ trung hạn của quốc gia.
5. Định hướng thu hút và sử dụng ODA.
6. Các chương trình đầu tư công; các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu của các ngành, các địa phương.
7. Chiến lược, chương trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ.
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ về việc chuẩn bị Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (Hội nghị CG) và các diễn đàn quốc tế về ODA cho Việt Nam. Cơ quan cấp Bộ, ngành chủ trì và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị và tổ chức hội nghị điều phối ODA theo ngành. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị vận động ODA của địa phương mình theo sự hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội nghị vận động ODA liên ngành, liên vùng, liên địa phương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hoặc do một cơ quan khác chủ trì theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao tiến hành vận động ODA với nước, tổ chức quốc tế tiếp nhận Cơ quan đại diện đó, trên cơ sở quy định tại Điều 5 Quy chế này.
Điều 7. Danh mục yêu cầu tài trợ ODA
1. Danh mục yêu cầu tài trợ ODA bao gồm các chương trình, dự án được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để vận động từng nhà tài trợ cụ thể.
2. Trình tự xây dựng Danh mục yêu cầu tài trợ ODA gồm các bước sau:
a) Cơ quan chủ quản chủ động xây dựng danh mục yêu cầu tài trợ ODA dựa trên cơ sở quy định tại Điều 5 Quy chế này và có tính đến:
- Nhu cầu hỗ trợ của lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chủ quản; năng lực tiếp nhận và quản lý ODA của các cơ quan chủ quản và của chủ dự án dự kiến được giao thực hiện chương trình, dự án ODA; hệ thống các tiêu chí ưu tiên phân bổ và sử dụng ODA theo lĩnh vực và địa phương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành;
- Chính sách, cam kết nguồn vốn ODA và các điều kiện tài trợ; danh mục chương trình, dự án trong báo cáo kết quả đàm phán thường niên với các nhà tài trợ có liên quan; chương trình tài trợ trung hạn của một số nhà tài trợ; lịch biểu xem xét tài trợ của từng nhà tài trợ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố công khai.
- Bối cảnh, sự cần thiết của chương trình, dự án trong quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, địa phương và đơn vị thụ hưởng;
- Báo cáo về các chương trình, dự án tương tự đã, đang thực hiện và đang chuẩn bị thực hiện trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chủ quản, có đánh giá các chương trình, dự án đã được tiếp nhận trước đó;
- Mục tiêu, quy mô và địa điểm thực hiện của chương trình, dự án;
- Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của nhà tài trợ;
- Nội dung các cấu phần, hạng mục, hoạt động chủ yếu của chương trình, dự án;
- Phân tích, lựa chọn sơ bộ phương án hỗ trợ kỹ thuật, phương án xây dựng và phương án công nghệ (nếu có);
- Phân tích sơ bộ tính khả thi của chương trình, dự án (về kinh tế, tài chính, công nghệ, năng lực tổ chức thực hiện);
- Kiến nghị cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án; kiến nghị phương thức cung cấp ODA phù hợp;
- Phân tích sơ bộ hiệu quả trực tiếp đối với đơn vị thực hiện và tác động kinh tế, môi trường và xã hội của chương trình, dự án đối với ngành, lĩnh vực và địa phương;
- Năng lực của chủ dự án dự kiến sẽ được giao thực hiện chương trình, dự án, kể cả năng lực tài chính (đối với các chương trình, dự án cho vay lại thì phải giải trình khả năng và phương án trả nợ của chủ chương trình, dự án);
- Dự kiến tổng chi phí thực hiện chương trình, dự án bao gồm vốn ODA, nguồn và hình thức cung cấp vốn đối ứng;
- Dự kiến thời gian bắt đầu và kết thúc thực hiện chương trình, dự án;
- Tính bền vững của chương trình, dự án sau khi kết thúc.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, các cơ quan và nhà tài trợ có liên quan lựa chọn các chương trình, dự án ODA đưa vào Danh mục yêu cầu tài trợ ODA trên cơ sở hệ thống các tiêu chí ưu tiên phân bổ và sử dụng ODA theo lĩnh vực và địa phương.
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA theo các nội dung được quy định tại Điều 8 Quy chế này.
Sau khi có quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho từng nhà tài trợ Danh mục yêu cầu tài trợ ODA.
đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các cơ quan chủ quản Danh mục tài trợ chính thức để triển khai các bước chuẩn bị tiếp theo theo quy định của Chương III Quy chế này.
3. Đối với chương trình, dự án mà cơ quan chủ quản và nhà tài trợ đã thống nhất đề xuất tài trợ nhưng không nằm trong Danh mục yêu cầu tài trợ ODA đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung chương trình, dự án đó vào Danh mục tài trợ chính thức.
Điều 8. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA
Quyết định phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Thủ tướng Chính phủ có các nội dung chính sau:
1. Tên chương trình, dự án và nhà tài trợ.
2. Cơ quan chủ quản chương trình, dự án.
3. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của chương trình, dự án.
4. Dự kiến thời gian bắt đầu và kết thúc chương trình, dự án.
5. Dự kiến hạn mức, loại vốn ODA (viện trợ không hoàn lại, vốn vay) của chương trình, dự án.
6. Nguồn và cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án.
Điều 9. Trách nhiệm đề xuất, trình tự, thủ tục ký kết điều ước quốc tế khung về ODA
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào yêu cầu, kết quả vận động ODA, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế khung về ODA.
2. Trình tự, thủ tục trình, quyết định về việc ký kết điều ước quốc tế khung về ODA được thực hiện theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
3. Sau khi có quyết định đồng ý bằng văn bản của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành đàm phán, ký điều ước quốc tế khung về ODA.
CHUẨN BỊ, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA
Sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo Danh mục tài trợ chính thức, cơ quan chủ quản có nhiệm vụ:
1. Ra quyết định về chủ dự án theo các quy định dưới đây:
a) Đối với chương trình, dự án đầu tư, chủ dự án phải bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng;
b) Đối với các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, chủ dự án phải bảo đảm :
- Có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật;
- Có các điều kiện cần thiết khác theo quy định của pháp luật.
2. Hỗ trợ, hướng dẫn chủ dự án thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
b) Tổ chức huy động các nguồn lực thích hợp cho việc chuẩn bị chương trình, dự án;
c) Lập kế hoạch chuẩn bị chương trình, dự án với các nội dung chủ yếu sau:
- Mục tiêu và kết quả phải đạt được của quá trình chuẩn bị, kèm theo đề cương chi tiết và yêu cầu về nội dung đối với văn kiện chương trình, dự án;
- Trình tự các bước chuẩn bị, kết quả chủ yếu của mỗi bước, hoạt động chủ yếu phục vụ cho từng kết quả;
- Phân công tổ chức thực hiện và xác định các đối tượng cần được thu hút tham gia quá trình chuẩn bị;
- Xác định rõ những khác biệt về quy định và thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ, biện pháp cần thực hiện để thực hiện các quy định và thủ tục của cả hai phía;
- Thời biểu hoàn thành các hoạt động, kết quả của quá trình chuẩn bị và lịch biểu huy động các đầu vào tương ứng; xác định rõ yêu cầu về nhân sự, đào tạo, kinh phí, phương tiện làm việc, kể cả yêu cầu đào tạo cho quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án.
3. Thẩm định và ra quyết định đầu tư (hoặc phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật) theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng và quản lý và sử dụng ODA.
1. Chuẩn bị dự án đầu tư:
a) Đối với dự án quan trọng quốc gia: chủ dự án thực hiện theo những quy định hiện hành của pháp luật đối với dự án quan trọng quốc gia;
b) Đối với các dự án còn lại: chủ dự án tuyển chọn tư vấn lập dự án đầu tư; kiểm tra đánh giá, chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ dự án khi trình duyệt; xin ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn chỉnh dự án; trình cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư dự án.
Trong trường hợp nhà tài trợ hỗ trợ phía Việt Nam chuẩn bị dự án đầu tư thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật, ngoài việc tuân thủ những quy định nêu trên, chủ dự án còn phải tuân thủ những thoả thuận trong văn kiện hỗ trợ kỹ thuật theo những nguyên tắc quy định tại khoản 5 Điều 2 Quy chế này.
2. Chuẩn bị chương trình:
- Chủ dự án lập chương trình sử dụng nguồn vốn ODA; kiểm tra đánh giá, chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung chương trình; lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và những chủ thể khác liên quan hoặc tham gia thực hiện và thụ hưởng lợi ích của chương trình;
- Chủ dự án thoả thuận với nhà tài trợ về nội dung văn kiện chương trình và triển khai quy trình và thủ tục về thẩm định và phê duyệt chương trình phù hợp Điều 19 Quy chế này.
3. Chuẩn bị dự án hỗ trợ kỹ thuật:
- Chủ dự án chủ động hoặc với sự hỗ trợ của nhà tài trợ lập văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật; xin ý kiến các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan quản lý ngành, về những nội dung của chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật;
- Chủ dự án thoả thuận với nhà tài trợ về nội dung văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật và trình cơ quan có thẩm quyền để tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án.
Điều 12. Vốn chuẩn bị chương trình, dự án
1. Các chương trình, dự án thuộc Danh mục tài trợ chính thức là cơ sở để lập kế hoạch vốn chuẩn bị chương trình, dự án. Vốn chuẩn bị chương trình, dự án có thể bao gồm các khoản dưới đây:
a) Chi phí nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thu thập, phân tích và tổng hợp số liệu ban đầu;
b) Chi phí lập văn kiện chương trình, dự án;
c) Chi phí thẩm định, bổ sung, hoàn chỉnh văn kiện chương trình, dự án cho đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Chi phí cần thiết để đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho Ban quản lý chương trình, dự án.
2. Đối với chương trình, dự án thuộc diện được Nhà nước cấp phát từ ngân sách, chủ dự án lập kế hoạch vốn chuẩn bị để tổng hợp vào kế hoạch ngân sách chung hàng năm của cơ quan chủ quản. Quy trình phê duyệt, phân bổ vốn chuẩn bị chương trình, dự án cấp phát thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Trường hợp thời điểm lập kế hoạch vốn chuẩn bị chương trình, dự án được xem xét tài trợ không trùng với kỳ lập kế hoạch ngân sách hàng năm, cơ quan chủ quản cân đối trong tổng vốn chuẩn bị chương trình, dự án đã được phân bổ; trong trường hợp không tự cân đối được phải có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu xem xét, quyết định tạm ứng vốn và sau đó sẽ khấu trừ vào kế hoạch ngân sách cấp vốn chuẩn bị chương trình, dự án của năm tài chính tiếp sau.
3. Các chương trình, dự án thuộc diện Nhà nước cho vay lại từ ngân sách hoặc một phần cấp phát, một phần cho vay lại thì chủ dự án tự cân đối và bố trí vốn chuẩn bị chương trình, dự án.
4. Trường hợp nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị chương trình, dự án, chủ dự án có trách nhiệm báo cáo để đưa vào kế hoạch vốn chuẩn bị chương trình, dự án hàng năm của cơ quan chủ quản.
Điều 13. Văn kiện dự án đầu tư sử dụng vốn ODA
Văn kiện dự án đầu tư sử dụng vốn ODA phải được xây dựng theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng, có tính đến những nội dung dưới đây trên cơ sở tính đặc thù và yêu cầu của nguồn vốn ODA:
1. Vị trí, vai trò của dự án trong quy hoạch phát triển ngành, địa phương.
2. Lý do sử dụng vốn ODA, thế mạnh của nhà tài trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được tài trợ.
3. Cơ chế tài chính trong nước đối với dự án ODA, phân tích hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của chương trình, dự án có sử dụng vốn ODA, tính đến các ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ, xác định phương án trả nợ đối với vốn ODA vay lại.
4. Khả năng và nguồn cân đối vốn đối ứng.
5. Dự kiến kế hoạch tổng thể và kế hoạch thực hiện dự án trong năm đầu tiên, bao gồm cả kế hoạch mua sắm, đào tạo, nâng cao năng lực, kế hoạch giải phóng mặt bằng (nếu có).
6. Đánh giá các rủi ro và đề ra những biện pháp để khắc phục.
7. Kế hoạch theo dõi và đánh giá dự án.
8. Tính bền vững của dự án sau khi kết thúc.
9. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện dự án (bao gồm cả năng lực về tài chính) của chủ dự án.
Trong trường hợp văn kiện dự án đầu tư được xây dựng theo mẫu của nhà tài trợ, các nội dung nêu trên phải được tính đến trong quá trình hợp tác với nhà tài trợ xây dựng văn kiện này bảo đảm sự hài hoà giữa quy trình, thủ tục của Việt Nam và của nhà tài trợ.
Điều 14. Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA
Văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA có những nội dung chủ yếu sau:
1. Bối cảnh và sự cần thiết của dự án trong khung khổ quy hoạch, kế hoạch dài hạn phát triển của đơn vị thụ hưởng ODA (cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương).
2. Mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn của hỗ trợ kỹ thuật.
3. Những kết quả chủ yếu của hỗ trợ kỹ thuật và đánh giá khả năng vận dụng vào thực tế.
4. Những hoạt động chủ yếu của hỗ trợ kỹ thuật.
5. Nghĩa vụ phía Việt Nam cam kết thực hiện.
6. Tổng giá trị tài trợ, kế hoạch sử dụng vốn tài trợ, cách thức phân bổ vốn cho từng hoạt động theo những tiêu chí đã xác định, cơ chế tài chính của dự án, các quy định về giải ngân, thanh quyết toán, kế toán và trách nhiệm quản lý vốn.
7. Vốn đối ứng và nguồn đảm bảo.
8. Phương thức tổ chức quản lý dự án.
9. Dự kiến kế hoạch tổng thể và kế hoạch thực hiện dự án trong năm đầu tiên.
10. Đánh giá các rủi ro và đề ra những biện pháp để khắc phục.
11. Kế hoạch theo dõi và đánh giá dự án.
12. Tính bền vững của dự án sau khi kết thúc.
13. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện dự án của chủ dự án.
Trong trường hợp văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật được xây dựng theo mẫu của nhà tài trợ, các nội dung nêu trên phải được tính đến trong quá trình hợp tác với nhà tài trợ xây dựng văn kiện này bảo đảm sự hài hoà giữa quy trình, thủ tục của Việt Nam và của nhà tài trợ.
Điều 15. Văn kiện chương trình sử dụng vốn ODA
Văn kiện chương trình sử dụng vốn ODA có những nội dung chủ yếu sau:
1. Bối cảnh và sự cần thiết của chương trình trong khung khổ quy hoạch, kế hoạch dài hạn phát triển của đơn vị thụ hưởng ODA (cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương).
2. Mục tiêu tổng thể, mục tiêu thành phần, nội dung các dự án thành phần (nếu có) hoặc nội dung các cấu phần và các hoạt động chính.
3. Đề cương chi tiết cho từng dự án thành phần hoặc cấu phần.
4. Tổng vốn và nguồn vốn dự kiến cho chương trình, kế hoạch sử dụng vốn tài trợ; cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình.
5. Cấu trúc tổ chức thực hiện chương trình.
6. Phương thức quản lý các nguồn lực.
7. Dự kiến kế hoạch tổng thể và kế hoạch thực hiện chương trình trong năm đầu tiên.
8. Đánh giá các rủi ro và đề ra những biện pháp để khắc phục.
9. Kế hoạch theo dõi và đánh giá chương trình.
10. Tính bền vững của chương trình sau khi kết thúc.
11. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện chương trình (bao gồm cả năng lực về tài chính) của chủ chương trình; năng lực tổ chức, quản lý thực hiện dự án của các chủ dự án thành phần.
Trong trường hợp văn kiện chương trình được xây dựng theo mẫu của nhà tài trợ, các nội dung nêu trên phải được tính đến trong quá trình hợp tác với nhà tài trợ xây dựng văn kiện này bảo đảm sự hài hoà giữa quy trình, thủ tục của Việt Nam và của nhà tài trợ.
Điều 16. Thẩm định chương trình, dự án
1. Văn kiện chương trình, dự án trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định phải phù hợp với những nội dung của chương trình, dự án trong Danh mục tài trợ chính thức.
2. Văn kiện chương trình, dự án nêu tại Điều 13, 14 và 15 Quy chế này và các tài liệu kèm theo (kể cả các văn bản điều chỉnh, bổ sung) phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt làm cơ sở để đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế cụ thể về ODA với nhà tài trợ.
3. Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại khoản 1 Điều 19 Quy chế này:
- Đối với điểm a): việc thẩm định thực hiện theo những quy định hiện hành của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và pháp luật hiện hành về dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
- Đối với điểm b): cơ quan chủ quản thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện chương trình, dự án và cho phép thực hiện chương trình, dự án.
4. Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng cơ quan chủ quản quy định tại khoản 2 Điều 19 Quy chế này: trình tự, thủ tục, nội dung thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định có thể yêu cầu các cơ quan chuyên môn ở trung ương và địa phương, các tổ chức tư vấn và chuyên gia tư vấn độc lập hỗ trợ thẩm định chương trình, dự án.
6. Hồ sơ thẩm định được lập thành 08 bộ đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có ít nhất 01 bộ gốc. Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải có bản dịch tiếng Việt kèm theo.
7. Trong quá trình thẩm định, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định phải xem xét trình tự, thủ tục và tiến độ thẩm định của nhà tài trợ để đảm bảo sự phối hợp và hài hòa cần thiết, xem xét các nội dung đã thoả thuận với nhà tài trợ, ý kiến thẩm định của nhà tài trợ hoặc đại diện của nhà tài trợ. Ý kiến đồng thuận hoặc ý kiến khác nhau giữa các bên phải được phản ánh trong báo cáo thẩm định.
8. Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định phải lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, lập báo cáo thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung văn kiện chương trình, dự án. Báo cáo thẩm định phải kèm theo dự thảo quyết định phê duyệt nội dung chương trình, dự án.
9. Các cơ quan hữu quan tham gia thẩm định chịu trách nhiệm về nội dung chương trình, dự án liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Hồ sơ thẩm định chương trình, dự án
Hồ sơ thẩm định bao gồm:
1. Tờ trình đề nghị phê duyệt chương trình, dự án của cơ quan chủ quản (đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ); của chủ dự án (đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản);
2. Thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục tài trợ chính thức;
3. Văn kiện chương trình, dự án (bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài, nếu có);
4. Các văn bản và ý kiến trả lời của các cơ quan liên quan trong quá trình chuẩn bị chương trình, dự án và các văn bản thoả thuận, bản ghi nhớ với nhà tài trợ hoặc đại diện của nhà tài trợ, báo cáo của đoàn chuyên gia thẩm định thực hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ (nếu có);
5. Báo cáo tài chính của chủ dự án trong ba năm gần nhất, có xác nhận của cơ quan chủ quản (đối với chương trình, dự án theo cơ chế cho vay lại).
Điều 18. Nội dung, quy trình và thời hạn thẩm định chương trình, dự án
1. Nội dung, quy trình và thời hạn thẩm định chương trình, dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung, quy trình và thời hạn thẩm định chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật.
Thời hạn thẩm định không quá 45 ngày làm việc đối với chương trình, dự án đầu tư và không quá 15 ngày làm việc đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo Điều 17 Quy chế này,
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Điều 19 Quy chế này, cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính báo cáo thẩm định chương trình, dự án và quyết định phê duyệt chương trình, dự án (bản sao có công chứng), kèm theo văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt có đóng dấu giáp lai.
Điều 19. Thẩm quyền phê duyệt chương trình, dự án ODA
1. Thủ tướng Chính phủ:
a) Quyết định đầu tư chương trình, dự án quan trọng quốc gia;
b) Phê duyệt chương trình, dự án kèm theo khung chính sách và chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
2. Thủ trưởng cơ quan chủ quản chương trình, dự án quyết định đầu tư các chương trình, dự án đầu tư và phê duyệt các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định, Thủ trưởng cơ quan chủ quản ra quyết định phê duyệt đối với các chương trình, dự án quy định tại khoản 2 Điều này.
KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỤ THỂ VỀ ODA
Điều 20. Cơ sở đề xuất ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA
Cơ sở đề xuất ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA là văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại các Điều 13, 14, 15 và 19 Quy chế này.
Điều 21. Trách nhiệm trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA
1. Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA cho chương trình, dự án thuộc cơ quan mình, sau khi có đề nghị của chủ dự án.
Sau khi có đề nghị của cơ quan chủ quản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA với các tổ chức tài chính quốc tế nêu tại khoản 1 Điều 42 Quy chế này; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA vốn vay khác.
Điều 22. Trình tự, thủ tục ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA
1. Trình tự, thủ tục ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
2. Cơ quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế quy định tại khoản 1 Điều 21 Quy chế này chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành đàm phán, ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA sau khi có quyết định uỷ quyền bằng văn bản của Chính phủ.
3. Sau khi có quyết định ủy quyền bằng văn bản của Chính phủ về đàm phán, ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ quản không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 21 và các cơ quan liên quan tiến hành đàm phán, ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA cho chương trình, dự án thuộc lĩnh vực phụ trách của cơ quan chủ quản.
QUẢN LÝ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA
Điều 23. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan chủ quản
1. Đảm bảo quyết định đầu tư chương trình, dự án đúng mục tiêu, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, đúng luật pháp, có hiệu quả; đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư và hoàn trả vốn vay (đối với chương trình, dự án ODA cho vay lại); đảm bảo đủ vốn đối ứng theo tiến độ đã thoả thuận với nhà tài trợ. Đảm bảo chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật đạt được mục tiêu tăng cường năng lực và thể chế thuộc lĩnh vực quản lý.
2. Phê duyệt các nội dung trong quá trình lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu.
3. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, dự án của chủ dự án trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.
4. Xây dựng và triển khai các biện pháp theo quy định của pháp luật hiện hành về phòng và chống tham nhũng, lãng phí, sử dụng vốn sai mục đích làm ảnh hưởng đến mục tiêu của chương trình, dự án và uy tín quốc gia.
5. Chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành về các hành vi vi phạm các quy định về thẩm quyền trong quá trình lựa chọn chủ dự án, thẩm định, ra quyết định đầu tư và phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật cũng như giám sát quá trình thực hiện chương trình, dự án.
6. Chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về việc triển khai chậm, không đúng với quyết định đầu tư và quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật; về việc có sai phạm trong quá trình triển khai chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
7. Các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của chủ dự án
1. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn chung:
a) Tổ chức bộ máy quản lý và thực hiện chương trình, dự án; ký kết các hợp đồng theo quy định của pháp luật. Nếu trực tiếp quản lý chương trình, dự án, chủ dự án phải đảm bảo có đủ bộ máy, đủ năng lực quản lý dự án, được cơ quan có thẩm quyền cho phép và được ghi trong quyết định đầu tư hoặc quyết định phê duyệt chương trình, dự án;
b) Tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự toán các hạng mục công trình;
c) Đàm phán, ký kết, giám sát việc thực hiện các hợp đồng và xử lý các vi phạm hợp đồng;
d) Kiến nghị với cơ quan chủ quản về cơ chế, chính sách bảo đảm việc thực hiện chương trình, dự án phù hợp với cam kết quốc tế;
đ) Các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
2. Nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn cụ thể:
a) Thực hiện công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho các bên hợp đồng và tư vấn lập và thực hiện chương trình, dự án; chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý và độ tin cậy của các thông tin, tài liệu đã cung cấp; lưu trữ hồ sơ, tài liệu về chương trình, dự án theo quy định của pháp luật;
c) Chịu trách nhiệm toàn diện, liên tục về quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư từ khi chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và đưa chương trình, dự án vào khai thác sử dụng, thu hồi và hoàn trả vốn vay ODA (trường hợp cho vay lại).
d) Thực hiện giám sát, đánh giá dự án, quản lý khai thác chương trình, dự án;
đ) Chịu trách nhiệm toàn diện về những sai phạm trong quá trình quản lý chương trình, dự án gây ra những hậu quả có hại đến kinh tế, xã hội, môi sinh, môi trường và uy tín quốc gia;
e) Chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật, có thể phải bồi thường thiệt hại về kinh tế hoặc phải thay đổi chủ dự án, đối với việc triển khai chậm, không đúng với quyết định đầu tư và quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, gây thất thoát, lãng phí và tham nhũng, ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả chung của chương trình, dự án;
g) Các quyền và trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
3. Khi thay đổi chủ dự án thì chủ dự án mới thay thế phải chịu trách nhiệm kế thừa toàn bộ quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ dự án trước, trừ những trách nhiệm do sai phạm của chủ dự án trước.
Điều 25. Thành lập Ban quản lý chương trình, dự án (Ban quản lý dự án)
1. Căn cứ khoản 3 Điều này, chủ dự án ban hành quyết định thành lập Ban quản lý dự án ngay sau khi văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Căn cứ khoản 3 Điều này, cơ quan chủ quản ban hành quyết định thành lập Ban quản lý dự án đối với chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật ngay sau khi văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Chủ dự án có thể thuê tư vấn quản lý dự án theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án
1. Các chương trình, dự án phải được đảm bảo đủ vốn đối ứng để chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án. Nguồn, mức vốn và cơ chế vốn đối ứng phù hợp với nội dung nêu trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ theo quy định tại Điều 8 Quy chế này.
2. Vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án có thể bao gồm các khoản sau:
a) Chi phí cho Ban quản lý chương trình, dự án (lương, thưởng, phụ cấp, văn phòng, phương tiện làm việc, chi phí hành chính, theo dõi, đánh giá dự án, giám sát chất lượng, nghiệm thu, bàn giao, quyết toán);
b) Chi phí thẩm định thiết kế, duyệt tổng dự toán, hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng và thủ tục hành chính cần thiết khác;
c) Chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu;
d) Chi phí cho hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý và thực hiện chương trình, dự án;
đ) Chi phí tiếp nhận và phổ biến công nghệ, kinh nghiệm, kỹ năng quốc tế;
e) Chi phí tuyên truyền, quảng cáo chương trình, dự án và các hoạt động tham dự của cộng đồng;]
g) Chi phí dịch vụ và phương tiện trong nước cung cấp cho các nhà thầu nước ngoài làm việc theo hợp đồng tại Việt Nam;
h) Chi phí thuê tổ chức, cá nhân thẩm định, theo dõi, đánh giá chương trình, dự án;
i) Chi trả các loại thuế gián thu, phí hải quan, phí bảo hiểm theo quy định hiện hành;
k) Tiền trả lãi, tiền đặt cọc, phí cam kết và các loại phí liên quan khác phải trả cho phía nước ngoài trong thời gian xây dựng;
l) Chi phí tiếp nhận thiết bị và vận chuyển nội địa;
m) Chi phí kiểm toán;
n) Chi phí thực hiện một số hoạt động cơ bản của chương trình, dự án (khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thi công; đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây dựng một số hạng mục công trình, mua sắm một số trang, thiết bị);
o) Chi phí dự phòng và các chi phí hợp lý khác.
3. Đối với chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách nhà nước, cơ quan chủ quản có trách nhiệm cân đối vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách hàng năm theo quy định của pháp luật hiện hành; đảm bảo vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, phù hợp với tiến độ quy định trong văn kiện chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và điều ước quốc tế về ODA mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
4. Đối với các chương trình, dự án cho vay lại từ ngân sách nhà nước và các chương trình, dự án một phần cấp phát, một phần cho vay lại: chủ dự án phải tự lo toàn bộ vốn đối ứng và phải giải trình đầy đủ về khả năng và kế hoạch đảm bảo vốn đối ứng trước khi ký hợp đồng vay lại. Trong trường hợp này, chủ dự án được ưu tiên vay từ các nguồn tín dụng của Nhà nước cho khoản vốn đối ứng.
Trường hợp gặp khó khăn đột xuất về vốn đối ứng, chủ dự án phải báo cáo cơ quan chủ quản để có biện pháp giải quyết.
5. Đối với các chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách nhà nước nhưng chưa kịp bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách hàng năm, hoặc có nhu cầu đột xuất về vốn đối ứng, theo đề nghị bằng văn bản của cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định ứng trước dự toán ngân sách năm sau để thực hiện. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan bố trí dự toán ngân sách năm sau hoàn trả vốn ngân sách nhà nước đã ứng.
6. Cơ quan chủ quản được phép điều chuyển vốn đối ứng đã được phân bổ trong năm kế hoạch từ chương trình, dự án không sử dụng hết vốn đối ứng đã được bố trí theo kế hoạch trong năm sang chương trình, dự án khác có nhu cầu về vốn đối ứng nhưng số vốn đã bố trí theo kế hoạch năm không đáp ứng đủ.
Điều 27. Vốn ứng trước để thực hiện chương trình, dự án
Trường hợp có nhu cầu cấp thiết về vốn ứng trước để thực hiện một số hạng mục của chương trình, dự án thuộc diện cấp phát từ ngân sách nhà nước đã được cam kết tài trợ từ nguồn vốn ODA và đã được ghi kế hoạch tài chính năm mà chưa rút được vốn ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, quyết định tạm ứng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước trên cơ sở văn bản giải trình của cơ quan chủ quản và văn bản thoả thuận của nhà tài trợ. Phần vốn này sẽ được Kho bạc nhà nước các cấp thu hồi lại khi giải ngân vốn ODA phân bổ cho các hạng mục đó.
Điều 28. Thuế đối với các chương trình, dự án
Thuế áp dụng đối với các chương trình, dự án được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật hiện hành về thuế và điều ước quốc tế về ODA mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 29. Đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư
1. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trong các chương trình, dự án thực hiện theo pháp luật hiện hành và điều ước quốc tế về ODA mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Hồ sơ trình duyệt kế hoạch đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư của chương trình, dự án phải có cam kết chính thức bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải phóng mặt bằng và tái định cư về tiến độ, thời hạn hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư phù hợp với tiến độ thực hiện của từng gói thầu thuộc chương trình, dự án.
Việc đấu thầu để thực hiện chương trình, dự án phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu và điều ước quốc tế về ODA mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điều 31. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án trong quá trình thực hiện
1. Trong trường hợp những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án trong quá trình thực hiện dẫn đến:
b) Sự thay đổi về cơ chế tài chính trong nước hoặc điều kiện cho vay lại trong nước áp dụng cho chương trình, dự án: cơ quan chủ quản báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Trong trường hợp nhà tài trợ chấp thuận cho sử dụng phần vốn dư sau đấu thầu của chương trình, dự án vốn vay (vốn dư là phần chênh lệch giữa tổng giá trị tài trợ quy định trong điều ước quốc tế về ODA đã ký và tổng giá trị kết quả lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt):
a) Nếu việc sử dụng phần vốn đó để thực hiện chương trình, dự án mới theo hướng ưu tiên nhằm phát huy hiệu quả của chương trình, dự án đang thực hiện: cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo giải trình kèm theo văn kiện chương trình, dự án dự kiến sử dụng phần vốn dư này để Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng vốn dư;
b) Nếu việc sử dụng vốn dư để bổ sung khối lượng trong phạm vi chương trình, dự án đang thực hiện: cơ quan chủ quản quyết định việc sử dụng vốn dư.
Điều 32. Quản lý xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, quyết toán
1. Đối với dự án đầu tư, việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo hiểm công trình xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.
2. Đối với chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, sau khi hoàn thành, cơ quản chủ quản tổ chức nghiệm thu và tiến hành các biện pháp cần thiết để tiếp tục khai thác và phát huy kết quả đạt được cũng như thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài chính và tài sản của chương trình, dự án.
3. Việc quyết toán chương trình, dự án phải được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế về ODA đang có hiệu lực đối với Việt Nam.
THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA
Điều 33. Theo dõi chương trình, dự án
Theo dõi chương trình, dự án là hoạt động thường xuyên và định kỳ cập nhật toàn bộ các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện chương trình, dự án; phân loại và phân tích thông tin; kịp thời đề xuất các phương án phục vụ việc ra quyết định của các cấp quản lý nhằm đảm bảo chương trình, dự án được thực hiện đúng mục tiêu, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và trong khuôn khổ các nguồn lực đã được xác định.
Điều 34. Đánh giá chương trình, dự án
1. Đánh giá dự án là hoạt động định kỳ, xem xét toàn diện, có hệ thống và khách quan về tính phù hợp, hiệu quả, hiệu suất, tác động và mức độ bền vững của chương trình, dự án để có những điều chỉnh cần thiết và rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho giai đoạn thực hiện tiếp theo và áp dụng cho các chương trình, dự án khác.
2. Công tác đánh giá được tiến hành định kỳ và đột xuất (khi cần thiết). Công tác đánh giá định kỳ được tiến hành theo 4 giai đoạn chủ yếu sau:
a) Đánh giá ban đầu: tiến hành ngay sau khi bắt đầu thực hiện chương trình, dự án nhằm xem xét tình hình thực tế của chương trình, dự án so với văn kiện được duyệt để có biện pháp xử lý ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật và lập kế hoạch thực hiện chi tiết;
b) Đánh giá giữa kỳ: tiến hành vào giữa thời gian thực hiện chương trình, dự án nhằm xem xét quá trình thực hiện từ khi bắt đầu và đề xuất các điều chỉnh cần thiết;
c) Đánh giá kết thúc: tiến hành ngay sau kết thúc thực hiện chương trình, dự án nhằm xem xét các kết quả đạt được và tổng kết toàn bộ quá trình thực hiện, rút ra các kinh nghiệm cần thiết làm cơ sở lập báo cáo kết thúc chương trình, dự án;
d) Đánh giá tác động: tiến hành vào một thời điểm thích hợp trong vòng 3 năm, kể từ ngày đưa chương trình, dự án vào khai thác, sử dụng nhằm làm rõ hiệu quả, tính bền vững và tác động kinh tế - xã hội của chương trình, dự án so với mục tiêu đặt ra ban đầu.
3. Kế hoạch, tổ chức thực hiện và kinh phí cho công tác đánh giá trích từ nguồn vốn ODA, nguồn vốn đối ứng hoặc nguồn vốn khác, phải được quy định và xác định trước trong văn kiện chương trình, dự án và phải phù hợp với tính chất của từng loại chương trình, dự án.
Điều 35. Trách nhiệm theo dõi, đánh giá chương trình, dự án
1. Ban quản lý dự án có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đánh giá chương trình, dự án theo các quy định dưới đây:
b) Thiết lập hệ thống thông tin nội bộ, thu thập và lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu, hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ của chương trình, dự án, báo cáo của các nhà thầu, những thay đổi trong chính sách, luật pháp của Nhà nước và các quy định của nhà tài trợ liên quan đến việc quản lý thực hiện;
c) Lập báo cáo thực hiện theo quy định, cung cấp, chia sẻ thông tin thông qua hệ thống thông tin theo dõi, đánh giá cấp ngành, địa phương và cấp quốc gia;
d) Thuê tư vấn tiến hành đánh giá ban đầu, giữa kỳ và kết thúc theo nội dung báo cáo khả thi hoặc văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt; làm đầu mối phối hợp với nhà tài trợ hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền để đánh giá chương trình, dự án.
2. Chủ dự án có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ Ban quản lý dự án trong việc theo dõi, đánh giá chương trình, dự án. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc mà không tự xử lý được, chủ dự án phải kịp thời đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết.
3. Chủ dự án có trách nhiệm công bố công khai với các tổ chức chính trị, xã hội, chính quyền địa phương và các cơ quan dân cử tại địa bàn có chương trình, dự án về mục đích, nội dung các hoạt động, quy mô vốn ODA và vốn đối ứng của chương trình, dự án; cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Ban quản lý dự án để tranh thủ sự giám sát của cộng đồng trong quá trình thực hiện.
4. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý; phản hồi đầy đủ và kịp thời các báo cáo của chủ dự án; tiến hành phân tích danh mục các chương trình, dự án để xác định mức độ thực hiện.
5. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm xem xét các kết quả đánh giá các chương trình, dự án do các chủ dự án thuộc thẩm quyền quản lý tiến hành. Trong những trường hợp cần thiết cơ quan chủ quản phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá đột xuất các chương trình, dự án.
6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quy định tại Chương VII Quy chế này, thực hiện việc giám sát đánh giá năng lực quản lý thực hiện các chương trình, dự án tại cơ quan chủ quản và theo dõi, đánh giá ở cấp quốc gia về các chương trình, dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phản hồi các báo cáo nhận được từ các cơ quan chủ quản để không ngừng hoàn thiện công tác quản lý và thực hiện nguồn vốn ODA.
Trong trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành và địa phương thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc trực tiếp với chủ dự án và Ban Quản lý dự án để xem xét, đánh giá và giải quyết theo thẩm quyền những kiến nghị liên quan đến chương trình, dự án đó. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ODA để phục vụ công tác theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA cũng như phục vụ nhu cầu về thông tin đối với nguồn vốn này.
8. Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và tổng hợp các chỉ tiêu thống kê định kỳ về tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn ODA để phản ánh vào hệ thống số liệu thống kê quốc gia về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 36. Báo cáo thực hiện chương trình, dự án
1. Trong quá trình thực hiện chương trình, dự án, Ban quản lý dự án phải xây dựng và gửi các báo cáo quy định dưới đây cho chủ dự án, để chủ dự án gửi cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án:
a) Báo cáo tháng, chậm nhất 10 ngày sau khi hết tháng (chỉ áp dụng đối với chương trình, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ);
b) Báo cáo quý, chậm nhất 15 ngày sau khi hết quý;
c) Báo cáo năm, chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm sau;
d) Báo cáo kết thúc, chậm nhất 6 tháng sau khi kết thúc thực hiện chương trình, dự án;
đ) Báo cáo về những thay đổi (nếu có) so với các nội dung của điều ước quốc tế cụ thể về ODA đã ký kết.
Các báo cáo cho nhà tài trợ được thực hiện theo thoả thuận trong điều ước quốc tế về ODA có liên quan.
2. Chậm nhất 20 ngày sau mỗi quý, cơ quan chủ quản lập báo cáo tổng hợp về kết quả vận động ODA, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý và gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo tổng hợp 6 tháng và báo cáo năm về tình hình thu hút và sử dụng ODA trong cả nước trình Thủ tướng Chính phủ.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn chế độ báo cáo và mẫu báo cáo thống nhất về ODA, từng bước hài hoà hoá mẫu báo cáo về ODA với các nhà tài trợ; giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo ODA ở các cấp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện công tác này.
Điều 37. Kiểm tra, thanh tra và giám sát việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA
Việc kiểm tra, thanh tra và giám sát việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng ODA được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 38. Quản lý nhà nước về ODA
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA bao gồm các nội dung sau:
1. Quyết định chiến lược, chính sách, quy hoạch, định hướng thu hút và sử dụng ODA cho từng thời kỳ; ủy quyền cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA và những sửa đổi, bổ sung (nếu có) của Danh mục;
2. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng ODA theo thẩm quyền;
3. Điều hành vĩ mô công tác quản lý và sử dụng ODA.
Điều 39. Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA, có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Là cơ quan đầu mối trong việc thu hút, điều phối, quản lý ODA; chủ trì soạn thảo chiến lược, chính sách, quy hoạch thu hút và sử dụng ODA; hướng dẫn cơ quan chủ quản xây dựng danh mục chương trình, dự án yêu cầu tài trợ ODA của từng cơ quan để tổng hợp thành Danh mục yêu cầu tài trợ ODA trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
2. Chủ trì soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng ODA;
3. Chủ trì việc chuẩn bị nội dung, tổ chức vận động và điều phối các nguồn ODA theo thẩm quyền;
4. Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan trình Chính phủ về việc ký kết, tiến hành đàm phán, ký điều ước quốc tế khung về ODA; trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA cho chương trình, dự án quy định tại khoản 2 Điều 21 Quy chế này;
5. Hướng dẫn các đơn vị, tổ chức liên quan chuẩn bị chương trình, dự án; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xác định cơ chế tài chính trong nước sử dụng vốn ODA;
6. Hỗ trợ các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung và theo dõi quá trình đàm phán điều ước quốc tế cụ thể về ODA với nhà tài trợ;
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xử lý các nhu cầu đột xuất về vốn đối ứng và nhu cầu vốn ứng trước cho chương trình, dự án theo quy định tại khoản 5, Điều 26 và Điều 27 Quy chế này.
8. Theo dõi, kiểm tra việc quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án; đôn đốc, hỗ trợ việc thực hiện các chương trình, dự án.
Xây dựng, vận hành và hoàn thiện hệ thống quốc gia về theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án; chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ, khai thác có hiệu quả hệ thống này.
9. Đánh giá chung về hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA; báo cáo tổng hợp theo định kỳ (6 tháng, một năm), đột xuất và theo yêu cầu đặc biệt của Đảng và Nhà nước về tình hình quản lý, thực hiện các chương trình, dự án và hiệu quả thu hút, sử dụng nguồn vốn ODA.
10. Làm đầu mối xử lý các vấn đề liên quan đến nhiều Bộ, ngành; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp xử lý các vấn đề về ODA thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
11. Biên soạn và phổ biến các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về vận động, chuẩn bị, thẩm định, quản lý thực hiện, theo dõi, đánh giá chương trình, dự án có tính đến yêu cầu hài hoà thủ tục với các nhà tài trợ; hỗ trợ công tác đào tạo quản lý chương trình, dự án theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
12. Chủ trì tổ chức thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA.
Điều 40. Nhiệm vụ của Bộ Tài chính
Bộ Tài chính có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút, sử dụng ODA và điều phối các nguồn vốn ODA; hướng dẫn chuẩn bị nội dung chương trình, dự án liên quan đến điều kiện sử dụng vốn, quản lý tài chính, phân tích và đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ODA.
2. Chuẩn bị nội dung đàm phán chương trình, dự án vốn vay với nhà tài trợ; theo ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, tiến hành đàm phán các điều ước quốc tế cụ thể về ODA vốn vay theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Quy chế này.
3. Đại diện chính thức cho “người vay” là Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các điều ước quốc tế cụ thể về ODA vốn vay, kể cả trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho một cơ quan khác chủ trì đàm phán các điều ước quốc tế nêu trên.
4. Quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án:
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại trong nước áp dụng cho các chương trình, dự án;
c) Quy định cụ thể thủ tục rút vốn và quản lý rút vốn của các chương trình, dự án trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại các điều ước quốc tế về ODA đã ký với nhà tài trợ;
d) Chủ trì hướng dẫn thực hiện chính sách thuế đối với các chương trình, dự án; giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến thuế;
đ) Bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác (nếu có) để trả nợ các khoản ODA vốn vay khi đến hạn;
e) Theo dõi, kiểm tra công tác quản lý tài chính trong việc sử dụng vốn ODA; tổ chức hạch toán kế toán ngân sách nhà nước đối với nguồn vốn ODA; tổng hợp số liệu rút vốn, thanh toán và trả nợ đối với chương trình, dự án báo cáo Chính phủ và thông báo cho các cơ quan liên quan;
g) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và lập kế hoạch giải ngân nguồn vốn ODA, bố trí đầy đủ và kịp thời vốn chuẩn bị chương trình, dự án, vốn đối ứng chuẩn bị thực hiện và thực hiện đối với các chương trình, dự án thuộc diện được Nhà nước cấp phát từ ngân sách trong dự toán ngân sách hàng năm; cấp phát đầy đủ, đúng tiến độ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án thuộc diện được Nhà nước cấp phát từ ngân sách; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các nhu cầu đột xuất về vốn đối ứng và nhu cầu về vốn ứng trước cho chương trình, dự án theo quy định tại khoản 5, Điều 26 và Điều 27 Quy chế này;
h) Tổ chức cho vay lại và thu hồi phần vốn cho vay lại của các chương trình, dự án cho vay lại từ ngân sách nhà nước.
Điều 41. Nhiệm vụ của Bộ Tư pháp
Bộ Tư pháp có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Thẩm định các điều ước quốc tế về ODA theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
2. Cung cấp ý kiến pháp lý đối với các điều ước quốc tế về ODA hoặc các vấn đề pháp lý khác theo đề nghị của cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế;
3. Thẩm định về nội dung đối với các dự án hợp tác trong lĩnh vực pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 42. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung đàm phán; theo sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành đàm phán và ký các điều ước quốc tế cụ thể về ODA với các tổ chức tài chính quốc tế: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); bàn giao vốn và toàn bộ các thông tin liên quan đến chương trình, dự án cho Bộ Tài chính sau khi các điều ước quốc tế cụ thể về ODA có hiệu lực, trừ thoả thuận vay với IMF;
2. Phối hợp với Bộ Tài chính xác định và công bố danh sách các ngân hàng thương mại đủ tiêu chuẩn để ủy quyền thực hiện việc giao dịch thanh toán đối ngoại đối với nguồn vốn ODA, ủy quyền cho vay lại và thu hồi vốn trả nợ ngân sách trong trường hợp cần thiết;
3. Tổng hợp theo định kỳ (6 tháng, một năm) và thông báo cho Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan về tình hình rút vốn và thanh toán thông qua hệ thống tài khoản của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA mở tại các ngân hàng.
Điều 43. Nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao
Bộ Ngoại giao có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và thực hiện chủ trương, phương hướng vận động ODA cũng như chính sách đối tác trên cơ sở chính sách đối ngoại chung; tham gia vận động ODA;
2. Tham gia đàm phán, góp ý kiến xây dựng nội dung dự thảo điều ước quốc tế về ODA; kiểm tra việc đề xuất đàm phán, ký điều ước quốc tế về ODA; thực hiện các thủ tục đối ngoại về việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế về ODA;
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài tiến hành vận động ODA phù hợp với quy hoạch, kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA trong từng thời kỳ.
Điều 44. Nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ
Văn phòng Chính phủ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất quản lý nhà nước về ODA;
2. Tham gia ý kiến về nội dung trong quá trình chuẩn bị chương trình, dự án theo yêu cầu của cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án; thẩm tra và đề xuất kiến nghị về chính sách, cơ chế, cách thức tổ chức thực hiện chương trình, dự án trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
3. Giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.
Điều 45. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ:
a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch định hướng thu hút và sử dụng ODA; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng ODA thuộc lĩnh vực phụ trách;
b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA cho chương trình, dự án thuộc lĩnh vực phụ trách theo quy định của Quy chế này;
c) Bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA thuộc lĩnh vực phụ trách;
d) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với chương trình, dự án theo quy định của pháp luật. Khi có yêu cầu, chịu trách nhiệm xem xét và có ý kiến bằng văn bản về các vấn đề liên quan đến chương trình, dự án trong thời gian quy định.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ:
a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng ODA; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng ODA trên địa bàn tỉnh, thành phố;
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA cho chương trình, dự án thuộc lĩnh vực phụ trách theo quy định của Quy chế này;
c) Bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA do địa phương trực tiếp quản lý và thực hiện;
d) Chịu trách nhiệm thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách đền bù, tái định cư cho chương trình, dự án trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Điều 46. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy chế này được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.
THE
GOVERNMENT |
|
No: 131/2006/ND-CP |
|
PROMULGATING THE REGULATION ON MANAGEMENT AND USE OF
OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE
THE GOVERNMENT
Pursuant to the December 25, 2001 Law on
Organization of the Government;
Pursuant to the December 16, 2002 State Budget Law;
Pursuant to the May 24, 2005 Law on Conclusion, Accession to and Implementation
of Treaties;
At the proposal of the Minister of Planning and Investment,
DECREES:
...
...
...
ON
BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER
Nguyen Tan Dung
ON MANAGEMENT AND USE OF OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE
(Issued together with the Government's Decree No. 131/2006/ND-CP of
November 9, 2006)
Article 1.- Scope of regulation
...
...
...
Official development assistance (hereinafter abbreviated to ODA) in this Regulation is understood as development cooperation between the State or the Government of the Socialist Republic of Vietnam and donors which are foreign governments, bilateral financing organizations and inter-state or inter-governmental organizations.
2. Forms of ODA provision include:
a/ Provision of non-refundable ODA, which means the provision of ODA which is not refundable to the donor;
b/ Provision of concessional ODA loans (also referred to as concessional credit), which means the provision of loans under concessional conditions on interest rates, grace periods and repayment durations with the non-refundable element (also referred to as "assistance element") accounting for at least 35 per cent of the value of binding loans or for at least 25% of the value of non-binding loans;
c/ Provision of mixed ODA loans, which means the provision of non-refundable loans or concessional loans together with commercial credits with the non-refundable element accounting for at least 35 per cent of the value of binding loans or for at least 25% of the value of non-binding loans.
3. Basic modes of ODA provision include:
a/ Support for project;
b/ Support for branches;
c/ Support for programs;
...
...
...
4. Domestic financial mechanisms applicable to the use of ODA:
a/ Allocation from the state budget;
b/ Re-lending from the state budget;
c/ Partial allocation and partial re-lending from the state budget.
Article 2.- Basic principles in management and use of ODA
1. ODA constitutes an important source of the state budget and is used to support the implementation of priority socio-economic development programs and projects of the Government.
2. The Government performs the uniform state management of ODA on the basis of democratic centralism, publicity, transparency, responsibility assignment and decentralization, combination of power with responsibility, ensures coordinated management and close inspection and supervision and promotes the initiative of all levels, branch-managing agencies, localities and implementing units.
3. The attraction of ODA is associated with the improvement of the efficiency of ODA use and the assurance of the repayment of foreign debts and is compatible with the ODA receipt and use capacity of ministries, branches, localities and implementing units.
4. The uniformity and consistency of regulations on management and use of ODA, the wide participation of concerned parties and the harmony between the Government's and donors' procedures are ensured.
...
...
...
Article 3.- Priority domains for ODA use
ODA capital shall be used for programs and projects in the following priority domains:
1. Agricultural and rural development (including agriculture, irrigation, forestry and aquaculture) in combination with hunger elimination and poverty alleviation.
2. Construction of synchronous and modernity-oriented economic infrastructure;
3. Construction of social infrastructure (in health, education and training, population and development and some other domains);
4. Protection of the environment and natural resources;
5. Enhancement of institutional capacity and development of human resources; technology transfer and improvement of research and development capacity.
6. Other domains as decided by the Prime Minister.
Article 4.- Interpretation of terms
...
...
...
1. "Process of ODA management and use" means activities with the following specific steps:
a/ Formulation of lists of ODA programs and projects (hereinafter referred to as programs and projects for short) calling for financial support from each donor;
b/ Preparation of programs and projects, including signing of programs and projects;
c/ Implementation of programs and projects;
d/ Monitoring and evaluation of programs and projects (including post-program or -project evaluation); pre-acceptance test, financial settlement and hand-over of the implementation outcomes of programs and projects.
2. "ODA calling list" means a list of programs and projects summed up by the Ministry of Planning and Investment from the lists of programs and projects calling for ODA prepared by concerned agencies, which is approved by the Prime Minister under Article 8 of this Regulation and serves as a basis for the mobilization of ODA from each donor.
3. "Official financing list" means an ODA calling list that has been approved in principle by donors to provide ODA for programs and projects on the list.
4. "Project" means a combination of interrelated activities aiming to achieve one or several specified objectives and carried out in a given geographical area and within a given period of time on the basis of certain resources. Projects include investment projects and technical support projects.
5. "Investment project" means a project to create, expand or renovate certain physical bases in order to achieve a quantitative growth or to maintain, improve and raise the quality of products or services and to be carried out in a given geographical area and within a given period of time. Investment projects are of two types below:
...
...
...
b/ Other investment projects, which are other than construction investment projects.
6. "Technical assistance project" means a project targeting at supporting institutional and capacity development or supplying technical input factors to prepare and implement investment programs or projects through activities of supplying experts, providing training, supporting equipment, data and records and organizing field visits and seminars.
7. "Important national project" means a project in which investment is approved and decided by the National Assembly in accordance with current law.
8. "Program or project associated with a policy framework" means a program or project involving policies and measures to reform the macro economy, a branch or domain which the Government of the Socialist Republic of Vietnam commits to implement according to a given roadmap with the financial and/or technical assistance of a donor.
9. "Program" means a combination of interrelated activities or projects which may relate to one or many different economic and technical branches, different geographical areas and different subjects, aim to achieve one or several specified objectives over a relatively long period or through many stages, and are carried out with resources possibly mobilized from different sources, at different points of time and by different modes.
10. "Program- or branch-based approach" means a mode of ODA provision whereby donors base themselves on the development program of a branch or domain to provide coordinated support to ensure the sustainable and effective development of that branch or domain.
11. "Budget support" means a mode of ODA provision whereby ODA loans are not connected to one or several specific projects but are transferred directly into the budget of the Socialist Republic of Vietnam, are managed and used according to regulations and budget procedures of Vietnam.
12. "Non-binding loan or non-refundable aid" means ODA loan or non-refundable ODA without accompanying conditions related to the supply and procurement of goods and services.
13. "Binding loan or non-refundable aid" means ODA loan or non-refundable ODA with accompanying conditions related to the supply and procurement of goods and services from certain suppliers or states designated by donors.
...
...
...
a/ "Framework international agreement on ODA," which means an international agreement on ODA expressing commitments on general principles and conditions for development cooperation and containing contents on the strategy, policies, development cooperation framework, priority orientations in the ODA provision and use; domains, ODA programs or projects approved to be financed; ODA framework conditions and commitments for programs or projects for one or many years; principles regarding procedures and plans for the management and implementation of programs or projects.
b/"Specific international agreement on ODA," which means an international agreement on ODA expressing commitments on financing a specific program or project or supporting the budget and containing major contents on objectives, activities and outcomes to be achieved, implementation plan, financing conditions, capital, capital structure, obligations, powers and responsibilities of each party, principles and standards to be complied with in the program or project management and implementation, and disbursement and payment conditions of loans for the program or project.
14. "ODA program or project-managing agencies" (investment deciders for investment projects or approval deciders for technical assistance projects) means ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies, central agencies of socio-political organizations, professional organizations, National Assembly agencies, the Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy and People's Committees of provinces or centrally run cities (hereinafter referred to as provincial-level People's Committees for short) having ODA programs or projects.
16. "ODA program or project owners" (investors for investment programs or projects or project owners for technical assistance programs or projects, hereinafter collectively referred to as project owners) means units assigned by the Prime Minister or managing agencies mentioned in Clause 15 of this Article the responsibility to directly manage and use the sources of ODA capital and domestic contributed capital for implementing programs or projects according to the contents approved by competent authorities, and to manage and use related works after the completion of programs or projects.
17. "Domestic contributed capital" means contributions made by the Vietnamese party in kind and value for preparing and implementing ODA programs or projects as specified in Article 26 of this Regulation.
ODA MOBILIZATION, SIGNING OF FRAMEWORK INTERNATIONAL AGREEMENTS ON ODA
Article 5.- Bases for ODA mobilization
ODA mobilization is carried out on the following bases:
...
...
...
2. National, branch, regional and local five-year and annual socio-economic development plannings and plans.
3. The comprehensive strategy on growth, hunger elimination and poverty alleviation.
4. The national strategy for borrowing and repayment of foreign debts and the national program on management of medium-term debts.
5. The orientation for ODA attraction and use.
6. Public investment programs; national target programs and target programs of branches and localities.
7. Strategies and programs on development
cooperation between
Article 6.- Coordination in ODA mobilization
1. The Ministry of Planning and Investment shall
be the sole agency assisting the Government in making preparations for CG
conferences and international forums on ODA for
2. Overseas diplomatic missions of the Socialist Republic of Vietnam shall coordinate with the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Foreign Affairs in mobilizing ODA in the host countries or international organizations in accordance with the provisions of Article 5 of this Regulation.
...
...
...
1. The ODA calling list covers programs and projects selected and arranged in the priority order for calling ODA from each specific donor.
2. An ODA calling list is formulated through the following steps:
a/ The managing agency takes the initiative in formulating an ODA calling list in accordance with the provisions of Article 5 of this Regulation and takes into account:
- The support demands of the domain under its management; the ODA receipt and management capacity of the managing agency and project owners expected to be assigned ODA programs or projects for implementation; the system of priority criteria for allocation and use of ODA for each domain and locality promulgated by the Ministry of Planning and Investment;
- ODA policies and commitments and financing conditions; the list of programs and projects included in the report on the results of annual negotiations with related donors; the medium-term financing programs of several donors; and the donors' timetables for financing consideration publicized by the Ministry of Planning and Investment.
b/ The managing agency sends to the Ministry of Planning and Investment the ODA calling list together with the detailed outline of each program and project with the following principal contents:
- The background and necessity of the program or project within the development planning and plan of the beneficiary branch, locality or unit;
- A report on similar programs or projects which have been, are being and are prepared to be implemented in the domain under the management of the managing agency, including an evaluation of the previously implemented programs and projects;
- The objectives, scope and location of implementation of the program or project;
...
...
...
- Contents of major components, items and activities of the program or project;
- Preliminary analysis and selection of technical assistance plan, the construction plan and the technology plan (if any);
- Preliminary analysis of the feasibility of the program or project (regarding economic, financial, technological aspects and implementation capacity);
- Proposed domestic financial mechanism of the program or project; proposed ODA provision mode as appropriate;
- Preliminary analysis of direct benefits for the implementing unit and economic, environmental and social impacts of the program or project on the branch, domain and locality;
- Capabilities of the project owner expected to be assigned the program or project for implementation, including its financial capability (for programs or projects funded with re-lent loans, an explanation of the debt repayment capability and plan of the program or project owner is also required);
- Estimated total fund for the program or project implementation, including ODA capital, source and form of supply of domestic contributed capital;
- Expected time of commencement and termination of the program or project;
- Sustainability of the program or project after it is completed.
...
...
...
d/ The Ministry of Planning and Investment submits to the Prime Minister for approval the ODA calling list with the contents stipulated in Article 8 of this Regulation.
After obtaining the approval decision of the Prime Minister, the Ministry of Planning and Investment shall notify the ODA calling list to every donor.
e/ The Ministry of Planning and Investment notifies the official financing list to the managing agencies for proceeding with subsequent preparatory steps under the provisions of Chapter III of this Regulation.
3. For programs and projects which the managing agencies and donors have agreed with their financing proposals but are not on the ODA calling list already approved by the Prime Minister, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the concerned agencies in, considering and submitting to the Prime Minister for permission the additional inclusion of those programs or projects in the official financing list.
Article 8.- Prime Minister's decision approving the ODA calling list
A Prime Minister's decision approving the ODA calling list contains the following principal contents:
1. The names of the programs and projects and the donors.
2. The program- or project-managing agencies.
3. Main objectives and outcomes of the programs and projects.
...
...
...
5. Expected ODA limit and type (non-refundable aid, loans) of the programs and projects.
6. Domestic capital source and financial mechanism applicable to the programs and projects.
1. The Ministry of Planning and Investment shall base itself on the ODA mobilization requirements and results to assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies in, submitting the signing of framework international agreements on ODA to the Government.
2. The order and procedures for submission of and decision on the signing of framework international agreements on ODA shall comply with the law on conclusion, accession to and implementation of treaties.
3. After obtaining written approval of the Government, the Ministry of Planning and Investment shall negotiate and sign framework international agreements on ODA.
PREPARATION, APPRAISAL AND APPROVAL OF CONTENTS OF ODA PROGRAMS AND PROJECTS
...
...
...
1. Issuing decisions on project owners according to the following provisions:
a/ For investment programs and projects, project owners must satisfy the conditions required by the current law on investment and construction management;
b/ For technical assistance programs and projects, project owners must have:
- Functions, tasks and activities relevant to the objectives and contents of technical assistance programs or projects;
- Other necessary conditions as required by law.
2. Supporting and guiding project owners to perform the following duties:
a/ Preparing the compilation of program or project documents on the basis of the official financing list; ensuring the timeliness and quality of those documents;
b/ Mobilizing appropriate resources for the preparation of programs or projects;
c/ Making plans for the preparation of programs or projects with the following principal contents:
...
...
...
- The order of preparatory steps, major outcomes of each step, major activities to achieve each outcome;
- Assignment of implementation and organization responsibilities and identification of subjects to be involved in the preparatory process;
- Clear identification of discrepancies between
- The timetable for completion of activities, outcomes of the preparatory process and the schedule for mobilization of relevant inputs, clearly identifying requirements on personnel, training, funding, working equipment, including training requirements for the process of preparation and implementation of projects.
3. Appraising and issuing investment decisions (or approving documents of technical assistance programs or projects) according to current regulations on investment and construction management and on ODA management and use.
1. Preparing investment projects:
a/ For important national projects: Project owners shall observe current legal provisions applicable to important national projects;
b/ For other projects: Project owners shall select consultants to formulate investment projects; inspect, appraise and take overall responsibility for project dossiers submitted for approval; consult concerned ministries, branches and localities before finalizing projects; and submit them to competent agencies for appraisal and decision on investment therein.
...
...
...
2. Preparing programs:
- Project owners shall formulate programs on the use of ODA capital sources; inspect, appraise and take overall responsibility for the programs; consult concerned ministries, branches, localities and other subjects involved in implementing and benefiting from the programs;
- Project owners shall reach agreement with donors on the contents of program documents and carry out the appraisal and approval of programs according to the process and procedures provided for in Article 19 of this Regulation.
3. Preparing technical assistance projects:
- Project owners shall by themselves or with the support of the donors make documents of technical assistance projects and consult concerned agencies, especially branch-managing agencies, on the contents of technical assistance programs or projects;
- Project owners shall reach agreement with the donors on the contents of documents of technical assistance projects and submit them to competent agencies for appraisal and approval of projects.
Article 12.- Funds for program and project preparation
1. Programs and projects on the official financing list shall serve as a basis for planning funds for program and project preparation. Program or project preparation funds may cover the following expenses:
a/ Expenses for research, investigation, survey, gathering, analysis and synthesis of initial data;
...
...
...
c/ Expenses for appraisal, supplementation and finalization of program or project documents till they are approved by competent authorities;
d/ Necessary expenses for training and raising the capabilities of personnel to work as the core in program or project management units.
2. For programs and projects funded by the State with state budget grants, the project owners shall make plans on preparation funds for incorporation in annual general budget plans of the managing agencies. The process of approval and allocation of funds for the preparation of programs or projects funded with grants shall comply with the law on the state budget.
When the time of planning funds for the preparation of a program or project eligible for financing does not fall within the annual budget planning period, the managing agency shall arrange such funds in the total budget already allocated for program and project preparation; if unable to arrange such funds, it shall send to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance a written request for consideration and decision on advancing capital, which shall be later deducted from the subsequent fiscal year's budget allocated for program and project preparation.
3. For programs and projects funded with loans re-lent by the State from the budget or funded with both grants and re-lent loans, the project owners shall balance and arrange by themselves funds for program and project preparation.
4. When a donor provides financial supports through a technical assistance project for program or project preparation, the project owner shall report it to the managing agency for incorporation into the latter's annual program and project preparation funding plan.
Article 13.- Documents of ODA-funded investment projects
Documents of ODA-funded investment projects must be elaborated according to current regulations on investment and construction management and added with the following contents, depending on the particularities and requirements of ODA capital sources:
1. The position and role of the project in the development planning of the branch or locality.
...
...
...
3. The domestic financial mechanism applicable to the ODA project, an analysis of the financial efficiency and socio-economic benefits of the ODA-funded program or project, taking into consideration the binding conditions required by the donor and making a debt repayment plan for re-lent ODA capital.
4. Capability and source of domestic contributed capital.
5. The tentative general plan and project implementation plan for the first year, covering also the procurement, training, capacity building and ground clearance (if any).
6. Assessment of risks and proposed remedies.
7. The project monitoring and evaluation plan.
8. Sustainability of the project after completion.
9. Project implementation organization and management capabilities (including the financial capability) of the project owner.
If the document of an investment project is formulated according to a form set by the donor, the above contents must be taken into account in the process of cooperation with the donor in formulating this document in order to ensure the harmony between Vietnam's and the donor's processes and procedures.
Article 14.- Documents of ODA-funded technical assistance projects
...
...
...
1. The background and necessity of the project within the framework of the long-term development planning and plans of the ODA-benefiting unit (agency, branch, domain or locality).
2. Short-term and long-term objectives of technical assistance.
3. Major outcomes of technical assistance and assessment of their applicability.
4. Major activities of technical assistance.
5. Obligations the Vietnamese side is committed to fulfill.
6. Total aid amount, plan on the use of the aid capital, way of allocating such capital to each activity according to given criteria, financial mechanism of the projects, regulations on disbursement, payment and financial finalization, accounting and capital management responsibility.
7. Domestic contributed capital and its source.
8. Mode of organizing the project implementation.
9. The tentative overall plan and project implementation plan for the first year.
...
...
...
11. The project monitoring and evaluation plan.
12. Sustainability of the project after completion.
13. Project implementation organization and management capabilities of the project owner.
If the document of a technical assistance project is formulated according to a form set by the donor, the above contents must be taken into account in the process of cooperation with the donor in formulating this document in order to ensure the harmony between Vietnam's and the donor's processes and procedures.
Article 15.- Documents of ODA-funded programs
A document of an ODA-funded program contains the following principal contents:
1. The background and necessity of the program within the framework of the long-term development planning and plans of the ODA-benefiting unit (agency, branch, domain or locality).
2. Overall objectives, component objectives, contents of component projects (if any) or contents of main components and activities.
3. Detailed outlines of each component project or component.
...
...
...
5. Structure of organizing the program implementation.
6. Mode of managing resources.
7. The tentative overall plan and program implementation plan for the first year.
8. Assessment of risks and proposed remedies.
9. The program monitoring and evaluation plan.
10. Sustainability of the program after completion.
11. Program implementation organization and management capabilities (including the financial capability) of the program owner; project implementation organization and management capabilities of component project owners.
If the document of a program is formulated according to a form set by the donor, the above contents must be taken into account in the process of cooperation with the donor in formulating this document in order to ensure the harmony between Vietnam's and the donor's processes and procedures.
Article 16.- Appraisal of programs and projects
...
...
...
2. Documents of programs and projects specified in Articles 13, 14 and 15 of this Regulation and enclosed materials (including documents on adjustments and supplements thereto) must be appraised and approved by competent authorities to serve as a basis for negotiation, signing and implementation of specific international agreements on ODA with the donors.
3. For programs and projects subject to approval by the Prime Minister as stipulated in Clause 1, Article 19 of this Regulation:
- For those at Point a/: The appraisal shall comply with current regulations of the National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam and current laws on important national projects and works in which investment is decided by the National Assembly;
- For those at Point b/: The managing agencies shall appraise program and project documents and submit them to the Prime Minister for approval and for permission on program or project implementation.
4. For programs and projects subject to approval by the heads of the managing agencies as stipulated in Clause 2, Article 19 of this Regulation, the order, procedures and contents of appraisal shall comply with current provisions of law.
5. Agencies in charge of appraisal may request specialized bodies at the central and local levels, independent consultancy organizations and consultants to assist in the appraisal of programs and projects.
6. Appraisal documents shall be made in 08 sets for programs and projects subject to approval by the Prime Minister, including at least 01 original set. Foreign language documents must be enclosed with Vietnamese translations.
7. In the course of appraisal, the agencies in charge of appraisal shall take into account the donors' appraisal order, procedures and contents to ensure necessary coordination and harmony, the contents already agreed upon with the donors, the appraisal opinions of the donors or their representatives. Similar or divergent opinions of the concerned parties must be reflected in the appraisal reports.
8. Agencies in charge of appraisal shall consult concerned agencies, make appraisal reports and submit to competent authorities for approval program or project documents. An appraisal report must be enclosed with a draft decision approving the program or project content.
...
...
...
Article 17.- Dossiers of appraisal of programs or projects
An appraisal dossier comprises:
1. The written request for the appraisal of the program or project, made by the managing agency (for programs and projects subject to approval by the Prime Minister) or by the project owners (for programs or projects subject to approval by managing agencies);
2. The Ministry of Planning and Investment's notice on the official financing list;
3. The program or project document (in both Vietnamese and foreign language, if any).
4. All documents and replies given by the concerned agencies in the process of preparing the program or project and documents of agreement and memoranda of understanding with the donor or its representative, reports prepared by the team of appraising specialists at the donor's request (if any).
5. The project owner's financial statements of the latest three years, with the managing agency's certification (for programs or projects funded under the re-lending mechanism).
Article 18.- Contents and process of and time limit for appraisal of programs or projects
1. The contents and process of and time limit for appraisal of investment programs or projects shall comply with the current provisions of law on investment and construction management.
...
...
...
The appraisal time limit must not exceed 45 working days for investment programs and projects and 15 working days for technical assistance projects, counting from the date of receipt of complete and valid dossiers as stipulated in Article 17 of this Regulation.
Within 10 days after the date of approval of a program or project by competent authorities under Article 19 of this Regulation, the managing agency shall send to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance the program or project appraisal report and the approval decision (notarized copies), enclosed with the program or project documents which are affixed with authentication stamps.
Article 19.- Competence to approve ODA programs and projects
1. The Prime Minister shall:
a/ Approve investment in important national programs and projects;
b/ Approve programs and projects associated with policy frameworks, and technical assistance programs and projects in the security and defense domains.
2. The heads of the managing agencies shall decide on investment in investment programs or projects and approve technical assistance programs and projects not stipulated in Clause 1 of this Article.
Within 10 days after the date of receipt of the appraisal report of the agency in charge of appraisal, the head of the managing agency shall issue a decision to approve the program or project stipulated in Clause 2 of this Article.
...
...
...
Article 20.- Bases for proposing the signing of specific international agreements on ODA
Bases for proposing the signing of specific international agreements on ODA are program and project documents already approved by competent authorities under the provisions of Articles 13, 14, 15 and 19 of this Regulation.
1. The Supreme People's Court, the Supreme People's Procuracy, ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies shall submit to the Government the signing of specific international agreements on ODA for programs and projects under their respective management after receiving the proposals of project owners.
After receiving the proposals of the managing agencies, the State Bank of Vietnam shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the concerned agencies in, submitting to the Government the signing of specific international agreements on ODA with international financial institutions specified in Clause 1, Article 42 of this Regulation; the Ministry of Finance shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the concerned agencies in, submitting to the Government the signing of specific international agreements on ODA with respect to other loans.
2. The responsibility to submit to the Government the signing of specific international agreements on ODA for programs and projects managed by agencies other than those specified in Clause 1 of this Article shall rest with the Ministry of Planning and Investment after receiving the proposals of the agencies managing ODA programs or projects.
Article 22.- Order and procedures for signing specific international agreements on ODA
1. The order and procedures for signing specific international agreements on ODA shall comply with the current law on the conclusion, accession to and implementation of treaties.
2. The agencies that submit to the Government the signing of international agreements specified in Clause 1, Article 21 of this Regulation shall, after receiving the written authorization decisions of the Government, assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies in, negotiating and signing specific international agreements on ODA.
...
...
...
MANAGEMENT OF IMPLEMENTATION OF ODA PROGRAMS AND PROJECTS
Article 23.- Tasks, responsibilities and powers of managing agencies
1. Ensuring that their decisions on investment in programs and projects are for proper objectives, in line with plannings, plans, lawful and effective; ensuring the recoverability of investment capital and the repayment of loans (for ODA programs and projects funded with re-lent loans); ensuring the supply of sufficient domestic contributed capital according to the schedule agreed with donors. Ensuring that technical assistance programs and projects achieve the objective of capacity and institution enhancement in the domains under their management.
2. Approving issues related to the process of selecting contractors in accordance with the current law on biding.
3. Inspecting and supervising the program and project implementation by project owners in the process of project and program implementation.
4. Developing and implementing measures in accordance with the current law on prevention and combat of corruption, waste and misuse of capital which affect the program and project objectives and the national prestige.
5. Taking responsibility according to the current provisions of law for violations of regulations on the competence in the process of selecting project owners, appraising, issuing investment decisions, approving documents of technical assistance projects and supervising the program and project implementation.
6. Taking responsibility according to the current provisions of law for delayed or improper implementation of technical assistance programs or projects as compared with their investment decisions and decisions approving their documents, and for wrongdoings committed in the process of program and project implementation, causing loss, waste or corruption.
...
...
...
Article 24.- Tasks, responsibilities and powers of project owners
1. General tasks, responsibilities and powers:
a/ Organizing the program or project management and implementation apparatus; signing contracts in accordance with law. If directly managing a program or project, the project owner shall ensure an adequate apparatus and capability to manage the project, and obtain the permission of a competent agency which is indicated in the investment decision or approval decision of the program or project.
b/ Appraising and approving technical designs, total cost estimates and estimates of construction items;
c/ Negotiating, signing and supervising the performance of contracts and handling contract breaches;
d/ Proposing to their managing agencies mechanisms and policies to ensure the program and project implementation in conformity with international commitments;
e/ Other rights and responsibilities as provided for by law.
2. Specific tasks, responsibilities and powers:
a/ Carrying out biddings in accordance with the current law on bidding;
...
...
...
c/ Taking overall and continuous responsibility for managing the use of investment capital sources from the investment preparation and execution, the commission of programs or projects to the recovery and repayment of ODA loans (for cases of re-lending).
d/ Monitoring and evaluating projects and managing the operation of programs or projects;
e/ Taking overall responsibility for wrongdoings committed in the process of program and project management which cause adverse consequences to the economy, society, ecology, environment and national prestige;
f/ Taking responsibility as provided for by law, possibly paying compensation for economic losses or changing project owners, for the delayed or improper implementation of technical assistance programs or projects as compared with their investment decisions and decisions approving their documents, causing loss, waste or corruption and affecting the general objectives and effectiveness of programs or projects.
g/ Other rights and responsibilities as provided for by law.
3. When a project owner is changed, the new project owner shall take over all the rights, responsibilities and obligations of the predecessor, except liabilities due to the predecessors' wrongdoings.
Article 25.- Establishment of program or project management units (project management units)
1. Pursuant to Clause 4 of this Article, project owners shall issue decisions to establish project management units immediately after the program or project documents are approved by competent authorities.
2. Pursuant to Clause 4 of this Article, managing agencies shall issue decisions to establish project management units for technical assistance programs or projects immediately after their documents are approved by competent authorities.
...
...
...
4. The Ministry of Planning and Investment shall issue a circular guiding the organizational structure, functions and tasks of project management units.
1. Programs and projects must be ensured with adequate domestic contributed capital for their implementation preparation and implementation. The source, level and mechanism applicable to domestic contributed capital shall comply with the contents of the Prime Minister's decision approving the ODA calling list stipulated in Article 8 of this Regulation.
2. Domestic contributed capital for implementation preparation and implementation may cover the following expenses:
a/ Expenses for the program or project management units (salaries, bonuses, allowances, working offices and facilities, administrative expenses, project monitoring and evaluation, quality supervision, pre-acceptance test, hand-over and financial finalization);
b/ Expenses for design appraisal, approval of total cost estimates, completion of investment, construction and other necessary administrative procedures;
c/ Expenses related to the selection of contractors;
d/ Expenses for meetings, seminars and training in program and project management and implementation knowledge and skills;
e/ Expenses for receipt and dissemination of international technologies, experience and skills;
...
...
...
g/ Expenses for domestic services and facilities
supplied to foreign contractors to work under contracts in
h/ Expenses for hiring organizations and individuals to appraise, monitor and evaluate programs and projects;
i/ Expenses for payment of indirect taxes, customs charges and insurance premiums according to current regulations;
j/ Interests, deposits, commitment fees and other related fees payable to foreign parties during the construction period;
k/ Expenses for receipt of equipment and domestic transportation;
l/ Auditing expenses;
m/ Expenses for carrying out a number of basic activities of the programs and projects (survey, technical and construction design; compensation and ground clearance and resettlement, construction of several construction items, procurement of some equipment);
n/ Provisions and other reasonable expenses.
3. For programs and projects funded with state budget grants, the managing agencies shall arrange domestic contributed capital in their annual budgetary plans in accordance with current law; ensure the full and timely supply of such capital in accordance with the schedule set in the program and project documents already approved by competent authorities and with the law on the state budget and the ODA-related treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.
...
...
...
If meeting with unforeseen difficulties in acquiring domestic contributed capital, the project owners shall report them to the managing agencies for solution.
5. For programs and projects which are funded with state budget grants but for which domestic contributed capital has not yet been arranged in the annual budgetary plan or which have unexpected needs of domestic contributed capital, upon written request of the managing agencies, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance in, making handling decisions according to its competence or submit to competent authorities for decision the advance of the domestic contributed capital taken from the subsequent year's estimated budget for implementation. The managing agencies shall coordinate with concerned agencies in arranging the subsequent year's estimated budget to repay the capital advanced from the state budget.
6. The managing agency may transfer the unused portion of the domestic contributed capital already allocated in the plan year to a program or project to another program or project that needs more domestic contributed capital than the amount already distributed to it in the annual plan.
Article 27.- Advance capital for program or project implementation
For programs or projects for which ODA-financing commitments have been made and which have been included in the annual financial plan but ODA capital cannot be withdrawn yet, if they have urgent needs for advance capital for executing some items, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance in, considering and deciding on the advance of capital from the state budget source on the basis of the managing agencies' written explanations and the donors' written agreements. This advanced capital shall be recovered by state treasuries at all levels upon disbursement of ODA capital allocated to those items.
Article 28.- Taxes on programs and projects
Taxes on programs and projects shall comply with the current tax laws and ODA treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.
Article 29.- Compensation, ground clearance and resettlement
1. The compensation, ground clearance and resettlement under programs and projects shall comply with the current laws and ODA treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.
...
...
...
The bidding for implementation of a program or project shall comply with the current law on bidding and ODA treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.
1. If adjustments, amendments and supplements to the contents of a program or project during the course of its implementation result in:
a/ Changes in the signed specific international agreement on ODA: The managing agency shall comply with the law on conclusion, accession to, and implementation of treaties;
b/ Changes in the domestic financial mechanism or domestic re-lending conditions applicable to the program or project: The managing agency shall report them to the Ministry of Finance and the Ministry of Planning and Investment for submission to the Prime Minister for decision.
2. If a donor agrees on the use of post-bidding surplus capital amount of the program or project (surplus capital means the difference between the total financing value committed in the signed international agreement on ODA and the total value of the approved bid):
a/ If the surplus capital amount is to be used for implementing a new program or project in the direction of prioritizing the promotion of the efficiency of the ongoing program or project: The managing agency shall send to the Ministry of Planning and Investment an explanatory report enclosed with the document of the project or program expected to use the surplus capital amount so that the latter can coordinate with concerned agencies in examining and submitting to the Prime Minister for consideration and decision the use of the surplus capital amount.
b/ If the surplus capital amount is to be used for supplementing the capital of the ongoing program or project: The managing agency shall decide on the use of the surplus capital amount.
...
...
...
1. For investment projects, the appraisal and approval of technical designs and total cost estimates, the grant of construction permits, the management of the quality of works, the pre-acceptance test, hand-over, warranty and insurance of construction works shall comply with the current law on investment and construction management.
2. For technical assistance programs and projects, after completion, the managing agencies shall organize pre-acceptance tests and take necessary measures to continue exploiting and promoting the attained outcomes and comply with the current provisions of law on management of finance and assets of programs and projects.
3. The financial settlement of programs and
projects shall comply with the current laws and the international agreements on
ODA effective in
MONITORING AND EVALUATION OF ODA PROGRAMS AND PROJECTS
Article 33.- Monitoring of ODA programs and projects
Monitoring of programs and projects means regular and periodical updating of all information on the implementation of programs and projects; classification and analysis of information; timely proposal of options to serve the decision making of management authorities at different levels in order to ensure the program or project implementation for proper purposes, according to schedule, with quality and within the limits of specified resources.
Article 34.- Evaluation of programs and projects
1. Evaluation of projects means regular, comprehensive, systematic and objective examination of the relevance, efficiency, effectiveness, impacts and sustainability of a program or project so as to make necessary adjustments and draw lessons for application at subsequent implementation stages and to other programs and projects.
...
...
...
a/ Initial evaluation: to be conducted immediately after starting the implementation of the program or project with a view to considering the practical situation of the program or project as compared with the approved document so as to apply handling measures right at the stage of technical design and making detailed implementation plans;
b/ Mid-term evaluation: to be conducted by the middle of the program or project implementation duration in order to review the implementation process from the start and propose necessary adjustments;
c/ Final evaluation: to be conducted immediately after the completion of the program or project implementation in order to assess the obtained outcomes and sum up the whole implementation process, and draw necessary experience as a basis for making final reports on the program or project completion;
d/ Impact evaluation: to be conducted at an appropriate time within three years after the date the program or project is put into exploitation and use so as to clearly assess their efficiency, sustainability and socio-economic impacts against the objectives set at the beginning.
3. The evaluation plan, the organization of evaluation activities and evaluation funds which are deducted from the ODA capital or domestic contributed capital source must be pre-determined in the program or project document and be compatible with the nature of each type of program or project.
Article 35.- Responsibilities to monitor and evaluate programs and projects
1. Project management units shall regularly monitor and evaluate programs and projects according to the following provisions:
a/ Formulating master plans and annual detailed plans on the implementation of their programs or projects, clearly identify resources to be utilized, the implementation schedule, the completion deadline, quality objectives and criteria for acceptance of the outcomes of each activity of their programs or projects, for use as a basis for monitoring and evaluation. The master plans on the implementation of projects shall be prepared by the project management units 3 months before the beginning of the programs or projects and be approved by project owners. Annual detailed plans shall be made on the basis of the agreement of the donors and be submitted to project owners for approval in accordance with the annual planning schedules of the managing agencies.
b/ Establishing an internal information system, gathering and storing fully information, data, dossiers, materials, books and vouchers of programs or projects, reports of contractors, changes in the State's policies and laws, and the donors' regulations related to the implementation management;
...
...
...
d/ Hiring consultants to conduct initial, mid-term and final evaluations according to the contents of the approved program or project documents; acting as coordinators with the donors or competent management agencies in evaluating the programs and projects.
2. Project owners shall direct, urge and assist project management units in monitoring and evaluating programs and projects. If facing difficulties or obstacles which they are unable to solve by themselves, project owners shall promptly report them to competent authorities for settlement.
3. Project owners shall publicly announce to socio-political organizations, local administrations and elected bodies located in the geographical areas where their programs or projects exist the purposes, contents of activities, ODA capital and domestic contributed capital amounts; the organizational structures and operation regulations of the project management units so as to make use of community supervision during the course of program or project implementation.
4. Managing agencies shall monitor the implementation of programs and projects under their management; fully and promptly respond to project owners' reports; and analyze the lists of programs and projects so as to determine the implementation thereof.
5. Managing agencies shall examine the results of evaluation of programs and projects conducted by project owners under their respective management. In case of necessity, they shall coordinate with donors and concerned agencies in conducting irregular evaluations of programs or projects.
6. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with state management agencies in charge of ODA, on the basis of their functions and tasks specified in Chapter VII of this Regulation, in, monitoring and evaluating the program and project implementation management capabilities of managing agencies and conduct national monitoring and evaluation of programs and projects.
The Ministry of Planning and Investment shall respond to reports of managing agencies so as to continuously improve the management and use of ODA capital.
In case of necessity, the Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Finance, branch-managing ministries and localities in, setting up inter-branch working teams to work directly with the project owners and project management units in considering, assessing and settling according to their competence the proposals related to those programs and projects. For matters falling beyond its competence, the Ministry of Planning and Investment shall sum up opinions of the concerned agencies and submit them to the Prime Minister for consideration and decision.
7. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies and donors in, building a national database on ODA to serve the monitoring and evaluation of ODA programs and projects and meet the demands for information on this capital source.
...
...
...
Article 36.- Reporting on implementation of programs and projects
1. During the course of implementing programs or projects, the project management units shall make and send the following reports to the project owners for the later to send them to the managing agencies, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and the provincial-level People's Committees of the localities where the programs or projects are implemented:
a/ Monthly reports, within 10 working days after the month's end (applicable only to investment programs and projects approved by the Prime Minister);
b/ Quarterly reports, within 15 days after the quarter's end;
c/ Annual reports, not later than January 31 of the subsequent year;
d/ Final report, within 6 months after the conclusion of implementation of the program or project.
e/ Reports on changes (if any) compared with the contents of the signed specific international agreements on ODA.
Reports addressed to the donors shall be made as agreed upon in the relevant international agreements on ODA.
2. Within 20 days after the end of each quarter, the managing agencies shall make wrap-up reports on the results of the ODA mobilization and reports on the evaluation of the implementation of programs and projects under their management and send them to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance.
...
...
...
4. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies in, guiding the reporting regime and forms of reports on ODA, step by step harmonize ODA report forms with those of donors; supervise the observance of the reporting regime at all levels and periodically report to the Prime Minister on the performance of this work.
Article 37.- Examination, inspection and supervision of ODA receipt, management and use
The examination, inspection and supervision of the ODA receipt, management and use shall comply with current laws.
The Government shall perform the uniform state management of ODA, including:
1. Deciding on the strategy, policies, plannings, plans and orientation for the ODA attraction and use in each period; authorizing the Prime Minister to approve lists of programs and projects calling for ODA and amendments and supplements thereto (if any);
2. Promulgating legal documents on ODA management and use according to its competence;
...
...
...
Article 39.- Tasks of the Ministry of Planning and Investment
The Ministry of Planning and Investment shall assist the Government in performing the uniform state management of ODA. It has the following tasks and powers:
1. Acting as the sole body in the ODA attraction, coordination and management; assuming the prime responsibility for drafting the strategy, policies and plannings for ODA attraction and use; guiding managing agencies in making lists of programs and projects calling for ODA and synthesizing them into an ODA calling list for submission to the Prime Minister for approval.
2. Assuming the prime responsibility for drafting and submitting for promulgation or promulgating according to its competence legal documents on ODA management and use.
3. Assuming the prime responsibility for preparing and organizing the mobilization and coordination of ODA sources according to its competence;
4. Assuming the prime responsibility for, and coordinating with concerned agencies in, submitting to the Government the signing of, negotiating and signing framework international agreements on ODA; submitting to the Government the signing of specific international agreements on ODA for programs and projects specified in Clause 2, Article 21 of this Regulation.
5. Guiding concerned units and organizations in preparing programs and projects; assuming the prime responsibility for, and coordinating with the Ministry of Finance in, identifying the domestic financial mechanism applicable to the use of ODA capital;
6. Assisting concerned agencies in preparing the contents and monitoring the process of negotiating specific international agreements on ODA with donors;
7. Assuming the prime responsibility for, and coordinating with the Ministry of Finance in, synthesizing and making plans on the disbursement of ODA capital, arranging in time enough capital for the preparation of programs and projects, domestic contributed capital for implementation preparation and implementation of ODA programs and projects funded with state budget grants in annual capital plans.
...
...
...
8. Monitoring and supervising the management and organization of implementation of programs and projects; urging and assisting the implementation of programs and projects.
Establishing, operating and perfecting a national system for monitoring and evaluation of programs and projects; sharing information with concerned agencies and donors, and effectively exploiting this system;
9. Conducting a general evaluation of the efficiency of the use of ODA capital; making periodical (biannual and annual) wrap-up reports and reports at the special request of the Party and the State on the management and implementation of ODA programs and projects and the effectiveness of ODA attraction and use.
10. Acting as the key agency in handling matters related to many ministries and branches; proposing to the Prime Minister for decision measures to deal with ODA-related matters falling within the competence of the Prime Minister;
11. Compiling and disseminating professional instruction materials on the mobilization, preparation, appraisal, implementation management, monitoring and evaluation of programs and projects, taking into account the requirement for harmonization with donors' procedures; assisting the training in program and project management toward professionalization and sustainability.
12. Assuming the prime responsibility for implementing coordinated measures to improve the effectiveness of ODA management and use.
Article 40.- Tasks of the Ministry of Finance
The Ministry of Finance has the following tasks and powers:
1. Coordinating with concerned agencies in formulating the ODA attraction and use strategy and planning, and coordinating ODA sources; guiding the preparation of the contents of programs and projects related to the conditions for capital use, financial management, analysis and evaluation of the efficiency of the use of ODA capital.
...
...
...
3. Officially representing the "borrower" being the State or the Government of the Socialist Republic of Vietnam in specific international agreements on ODA loans, even in the case where the Prime Minister authorizes another agency to assume the prime responsibility for negotiating those international agreements.
4. Performing the financial management of programs and projects:
a/ Assuming the prime responsibility for, and coordinating with concerned agencies in, guiding the application of financial management regulations to programs and projects;
b/ Assuming the prime responsibility for, and coordinating with the Ministry of Planning and Investment and concerned agencies in, submitting to the Prime Minister for approval the domestic re-lending conditions applicable to programs and projects;
c/ Specifying the procedures for capital withdrawal and capital withdrawal management to be complied with by programs and projects in accordance with current laws and international agreements on ODA already signed with donors;
d/ Assuming the prime responsibility for guiding tax policies applicable to programs and projects; settling tax-related problems;
e/ Arranging state budget capital and capital of other sources (if any) for the repayment of ODA loans when they are due;
f/ Monitoring and supervising the financial management of the use of ODA capital; organizing the state budget accounting of ODA capital; synthesizing data on capital withdrawal, payment and debt repayment related to programs and projects, reporting them to the Government and notifying them to concerned agencies;
g/ Coordinating with the Ministry of Planning and Investment in synthesizing and making ODA capital disbursement plans, arranging enough capital in time for program and project preparation, domestic contributed capital for implementation preparation and implementation of programs and projects funded with state budget grants in annual budget estimates; allocating enough domestic contributed capital according to schedule to programs and projects funded with state budget grants; coordinating with the Ministry of Planning and Investment in handling unexpected needs for domestic contributed capital and needs for advance capital for programs and projects according to the provisions of Clause 5, Article 26 and of Article 27 of this Regulation;
...
...
...
Article 41.- Tasks of the Ministry of Justice
The Ministry of Justice has the following tasks and powers:
1. Appraising international agreements on ODA in accordance with the law on signing, accession to and implementation of treaties;
2. Providing legal opinions on international agreements on ODA or other legal matters at the request of the agencies proposing the signing of international agreements;
4. Appraising the contents of cooperation projects in the legal domain in accordance with current law.
Article 42.- Tasks of
the State Bank of
The State Bank of
1. Coordinating with concerned agencies in preparing the negotiation contents; under the authorization of the Prime Minister, negotiating and signing specific international agreements on ODA with international financial institutions: the World Bank (WB), the International Monetary Fund (IMF) and the Asian Development Bank (ADB); handing over capital and all information relating to programs and projects to the Ministry of Finance after the specific international agreements on ODA take effect, except loans agreements with the IMF;
2. Coordinating with the Ministry of Finance in selecting and designating qualified commercial banks for authorized external payment transactions related to ODA capital sources, for authorized re-lending and recovery of capital for repayment of debts to the budget when necessary;
...
...
...
Article 43.- Tasks of the Ministry of Foreign Affairs
The Ministry of Foreign Affairs has the following tasks and powers:
1. Coordinating with concerned agencies in elaborating and implementing guidelines and directions for ODA mobilization as well as cooperation policies on the basis of the general external relation policies; participating in ODA mobilization;
2. Participating in negotiating and contributing opinions on draft international agreements on ODA; supervising the proposals on negotiation and signing of international agreements on ODA; carrying out external procedures related to the signing and implementation of international agreements on ODA;
3. Assuming the prime responsibility for, and coordinating with the Ministry of Planning and Investment in, directing overseas Vietnamese diplomatic missions to mobilize ODA in line with the planning and plans on attraction and use of ODA capital in each period.
Article 44.- Tasks of the Government Office
The Government Office has the following tasks and powers:
1. Assisting the Government and the Prime Minister in leading, directing and administering the uniform state management over ODA;
2. Contributing opinions on the contents of programs and projects in the process of their preparation at the request of managing agencies or project owners; verifying and making proposals concerning policies, mechanism and ways of organizing the implementation of programs and projects before submitting them to the Government or the Prime Minister for consideration and decision.
...
...
...
Article 45.- Tasks of other ministries, branches and provincial-level People's Committees
1. Other ministries, ministerial-level agencies and government-attached agencies have the following tasks:
a/ Coordinating with the Ministry of Planning and Investment and concerned agencies in formulating the ODA attraction and use strategy and plannings; formulating policies and measures to coordinate and raise the efficiency of the use of ODA in their respective domains;
b/ Assuming the prime responsibility for, and coordinating with concerned agencies in, submitting to the Government the signing of specific international agreements on ODA for programs and projects in the domains under their respective management in accordance with this Regulation;
c/ Ensuring the quality and efficiency of the use of ODA capital in the domains under their respective management;
d/ Discharging their function of state management of programs and projects in accordance with law. When requested, considering and making written opinions on matters related to programs and projects within the set time limit.
2. Provincial-level People's Committees have the following tasks:
a/ Coordinating with the Ministry of Planning and Investment, other ministries, branches and concerned agencies in formulating the ODA attraction and use strategy and plannings; formulating policies and measures to coordinate and raise the efficiency of the use of ODA in their respective provinces or cities;
b/ Coordinating with the Ministry of Planning and Investment in submitting to the Government the signing of specific international agreements on ODA for programs and projects under their respective management in accordance with this Regulation;
...
...
...
d/ Taking responsibility for the land recovery and ground clearance and implementing compensation and resettlement policies for programs and projects in their respective localities in accordance with law.
Article 46.- Commendation, handling of violations
1. Organizations and individuals that make outstanding achievements in the implementation of this Regulation shall be commended and rewarded in accordance with the law on emulation and commendation.
2. Organizations and individuals that violate the provisions of this Regulation shall, depending on the nature and severity of their violations, be handled in accordance with law.
;Nghị định 131/2006/NĐ-CP ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
Số hiệu: | 131/2006/NĐ-CP |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 09/11/2006 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị định 131/2006/NĐ-CP ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
Chưa có Video