Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2853/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025 VÀ KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 3 NĂM 2025 - 2027 TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thực hiện Văn bản số 3635/BTNMT-KHTC ngày 06/6/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm

2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, với các nội dung như sau.

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2023 VÀ NĂM 2024

I. Đánh giá công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở địa phương năm 2023 và năm 2024:

1. Đánh giá thực trạng công tác quản lý môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu:

1.1. Về công tác chỉ đạo:

- Trong các năm qua, công tác quản lý Nhà nước về môi trường đã được chú trọng tăng cường; trong đó, tập trung triển khai tích cực các quy định mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn rà soát, góp ý sửa đổi các quy định bất cập trong công tác quản lý bảo vệ môi trường; không thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vào tỉnh; ban hành các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là Luật Bảo vệ môi trường 2020.

- Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh tăng cường công tác bảo vệ môi trường theo hướng không thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh theo tinh thần chỉ đạo tại các Chỉ thị, Nghị quyết, Chiến lược của Trung ương. Trong đó, đã ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; tăng cường công tác truyền nhận và kiểm soát dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục; tăng cường biện pháp thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải xây dựng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường các dự án trong các Khu, cụm công nghiệp; tăng cường kiểm soát việc thực hiện công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của cơ sở. Chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện tự rà soát, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hướng dẫn UBND cấp huyện triển khai xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố chất thải cấp huyện; hướng dẫn Ban quản lý các Khu công nghiệp, UBND các huyện, thành, thị và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Hướng dẫn UBND các huyện, thành, thị triển khai Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó giao chỉ tiêu thực hiện về “tỷ lệ khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, xử lý rác thải” và “tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung” cho các huyện, thành, thị nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội về môi trường được giao. Tổng hợp báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 06/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1.2. Kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường:

- Công tác thẩm định hồ sơ về môi trường: trong thời gian qua công tác thẩm định hồ sơ về môi trường đã được nâng cao chất lượng, kiểm soát ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, không chấp thuận dự án có loại hình sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường (năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM cho 57 dự án; thẩm định, cấp Giấy phép môi trường cho 82 dự án). Thông qua công tác thẩm định các dự án đầu tư phải tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt thông qua công tác kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nhiều công trình xử lý môi trường của các dự án đã được điều chỉnh để đảm bảo xử lý nước thải, khí thải đáp ứng yêu cầu quy chuẩn trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức.

- Công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản: các dự án khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đều có hồ sơ môi trường và chấp hành đầu tư các công trình, biện pháp xử lý môi trường nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình hoạt động theo nội dung hồ sơ môi trường đã phê duyệt. Các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Tính đến nay có tổng số 225 dự án (của 206 đơn vị) đã thực hiện ký quỹ tại Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ, trong đó có 9 dự án (của 8 đơn vị) đã đóng cửa mỏ khoáng sản được hoàn trả tiền ký quỹ.

- Công tác bảo vệ môi trường nông thôn: UBND tỉnh đã ban hành các văn bản liên quan về công tác bảo vệ môi trường nông thôn nhằm cụ thể hóa các đường lối, chính sách của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quản lý môi trường nói chung hoặc lồng ghép vào các văn bản quản lý sản xuất chuyên ngành. Đẩy mạnh thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

- Về bảo vệ môi trường không khí: xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường trong đó có quan trắc môi trường không khí trong quy hoạch tỉnh; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp không đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý phương tiện vận tải, đặc biệt là các xe chở nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các phương tiện giao thông vận chuyển nguyên vật liệu không có biện pháp che chắn, để rơi vãi ra các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường; xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi địa bàn thành phố Việt Trì; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường không khí... đồng thời thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách pháp luật về quản lý chất lượng không khí qua các phương tiện truyền thông, vận động người dân trên địa bàn không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa, từ đó tăng cường ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư 1 trạm quan trắc không khí tự động, cập nhập liên tục chỉ số chất lượng không khí (AQI) về hệ thống thông tin của Bộ. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng, phần mềm để tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động từ các cơ sở có nguồn thải lớn để tiếp nhận dữ liệu quan trắc khí thải truyền về. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận và theo dõi dữ liệu quan trắc tự động 22 trạm quan trắc của 10 cơ sở doanh nghiệp, Khu công nghiệp (gồm: 15 trạm quan trắc khí thải, 7 trạm quan trắc nước thải).

- Công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong các Khu, cụm công nghiệp: hiện tại, toàn tỉnh có 7 Khu công nghiệp (KCN) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích là 2.285ha; trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động; 28 Cụm công nghiệp (CCN) tổng diện tích quy hoạch là 1.100ha, trong đó 16 CCN đang hoạt động. Tuy nhiên mới có một số Khu, cụm công nghiệp gồm KCN Thụy Vân, KCN Phú Hà, KCN Cẩm Khê, CCN Việt Nam-Korea, CCN Đồng Lạng, CCN Hoàng Xá, CCN Bãi Ba Đông Thành, CCN thị trấn Sông Thao, CCN Thanh Minh, CCN Bắc Lâm Thao và CCN Vạn Xuân đã và đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các Khu, cụm công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tự chịu trách nhiệm xử lý nước thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.

- Công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu: tỉnh Phú Thọ có 4 đơn vị được phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Công ty cổ phần Giấy Việt Trì, Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp, Công ty cổ phần nhôm Sông Hồng, Công ty cổ phần giấy Lửa Việt) sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Quá trình nhập khẩu được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, giám sát về công tác bảo vệ môi trường. Các đơn vị đã có ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

- Công tác quản lý chất thải:

+ Đối với chất thải rắn sinh hoạt: năm 2023, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh (tính cả đô thị và nông thôn) khoảng 781,28 tấn/ngày. Tại khu vực đô thị: người dân thực hiện tập kết rác thải tại các điểm tập kết ven các trục đường, khu trung tâm, hằng ngày có công nhân vệ sinh đi thu gom bằng xe đẩy tay và tập kết lên xe chuyên dụng vận chuyển rác thải về nơi xử lý. Tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh), thị trấn Lâm Thao, thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao), thị trấn Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng) và một số địa bàn huyện Tam Nông rác thải được thu gom, vận chuyển về Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì xử lý. Tại đây, rác hữu cơ được chế biến thành phân compost theo công nghệ hiếu khí phục vụ cho việc phát triển nông lâm nghiệp; nilon được rửa sạch tái chế lại làm nguyên liệu sản xuất hạt nhựa; nhựa không tái chế, cao su… và rác thải trơ khác được đem chôn lấp tại ô chôn lấp chất thải trơ tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh; gạch đá, sạn sỏi, vỏ sò, hến, thủy tinh xử lý nghiền sàng theo công nghệ hóa rắn sản phẩm thu hồi gạch không nung phục vụ cho xây dựng. Tại khu vực nông thôn, công tác thu gom được người dân tập kết rác thải ven trục đường chính, định kỳ Hợp tác xã, tổ vệ sinh đi thu gom về điểm tập kết của xã, khu.

+ Đối với chất thải rắn công nghiệp: phát sinh từ hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn hiện nay bao gồm các ngành nghề dệt may; chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí, điện tử; chế biến khoáng sản; sản xuất nhựa, hóa chất với một số sản phẩm chính như bao bì PP, PE, nhựa... Thành phần chủ yếu bao gồm các chất hữu cơ, cao su, nhựa, bìa caton, giẻ vụn, kim loại, thủy tinh, gốm, sứ, gạch đá vụn... Tỷ lệ phần trăm thành phần các chất thải không ổn định và có sự biến động giữa các Khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề. Thống kê số liệu tổng hợp thông qua báo cáo công tác bảo vệ môi trường năm 2023 (của 152 cơ sở đã gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường) cho thấy khối lượng CTRCNTT phát sinh là 63.806 tấn bao gồm chất thải tự tái chế và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định (xử lý đạt 100%). Trên địa bản tỉnh Phú Thọ có 2 đơn vị hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường đang hoạt động gồm Công ty cổ phần xử lý chất thải Phú Thọ và Công ty TNHH môi trường Phú Minh Vina.

- Về xử lý các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật: trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 1 khu vực ô nhiễm do tồn lưu hoá chất bảo vệ thực vật. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Cẩm Khê tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thành dự án “xử lý, khắc phục môi trường đất do bị ô nhiễm nghiêm trọng các hóa chất bảo vệ thực vật tại kho thuốc bảo vệ thực vật thuộc khu 2, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ” vào năm 2019.

- Đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học: tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, sử dụng, phát triển rừng. Trong những năm qua, tỉnh đã bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên; phát triển rừng bền vững, nâng cao chất lượng rừng, làm giàu rừng, thực hiện tốt kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên rừng, đảm bảo đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh, gắn bảo vệ và phát triển rừng với an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường và phát triển du lịch sinh thái, độ che phủ rừng tăng dần. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 Khu bảo tồn (khu rừng đặc dụng) với tổng diện tích 17.278,6ha, trong đó 4 khu rừng đặc dụng đã có Ban quản lý (bao gồm: Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc Bộ, Khu rừng bảo vệ cảnh quan Núi Nả huyện Hạ Hòa); 1 khu rừng đặc dụng chưa có Ban quản lý (khu rừng văn hóa lịch sử huyện Yên Lập). Công tác bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đạt được nhiều kết quả, tác động tích cực tới kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế và tiềm năng của tỉnh Phú Thọ; kiểm soát có hiệu quả hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; kiểm soát tốt, diệt trừ kịp thời các loài ngoại lai xâm hại, hiện nay chưa ghi nhận trường hợp bùng phát ảnh hưởng gây hại có liên quan tới sinh vật ngoại lai… Xây dựng Phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tỉnh Phú Thọ giai đoạn

2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh với mục tiêu bảo vệ giá trị của các hệ sinh thái, các loài và các nguồn gen quý hiếm trên địa bàn tỉnh, góp phần định hướng, xây dựng chính sách phát triển kinh tế xã hội bền vững.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được tăng cường: tiếp tục đôn đốc, triển khai Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 22/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện phong trào “chống rác thải nhựa”. Hỗ trợ kinh phí thực hiện tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường cho các hội, đoàn thể cấp tỉnh. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ các tổ chức chính trị, đoàn thể đã chủ động lồng ghép nội dung truyền thông về bảo vệ môi trường vào chương trình, kế hoạch công tác và hoạt động của ngành, lĩnh vực, kết hợp tốt công tác giáo dục tuyên truyền gắn liền với xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng. Chỉ đạo đẩy mạnh thực thi pháp luật và tuyên truyền, phổ biến công tác bảo tồn đa dạng sinh học và các loài hoang dã; triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày đất ngập nước thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình. Báo, Đài và các cơ quan truyền thông liên quan cung cấp, đưa tin về công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải nhựa, hỗ trợ về dụng cụ vệ sinh môi trường, túi thân thiện với môi trường để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trên địa bàn.

1.3. Tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu:

- Trong các năm qua, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành đầy đủ, đồng bộ, triển khai các nội dung theo quy định của Trung ương phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh Phú Thọ. Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã từng bước nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu của các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, các khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Do vậy, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai; chủ động ứng phó với thiên tai có xu hướng gia tăng cả về tần suất và cường độ; sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi; triển khai mô hình nông lâm kết hợp; trồng rừng, bảo vệ rừng, tăng độ che phủ rừng. Lồng ghép sản xuất nông nghiệp, nông thôn với phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai, nhân rộng các mô hình xen canh nông nghiệp phù hợp với điều kiện trồng trọt và chăn nuôi có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Triển khai các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; bố trí cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường; phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, phát triển nhân rộng giống cây trồng và vật nuôi; tăng cường các hình thức nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao; xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu đã quan tâm đầu tư nguồn lực, trong đó chủ yếu tập trung đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn; phòng chống thiên tai; xây dựng nông thôn mới và các hoạt động khác trong sản xuất nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Đánh giá tình hình triển khai, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị:

- Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Trung ương; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ. Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đều đặt nhiệm vụ “Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh cần phải triển khai, thực hiện.

- Giai đoạn 2013-2023, tỉnh Phú Thọ đã từng bước thực hiện mô hình tăng trưởng hướng tới việc giảm lượng khí thải nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm, giảm chất thải, sử dụng tài nguyên hiệu quả...; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng “xanh hóa” các ngành hiện có, đặt mục tiêu phát triển sản xuất phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Từng bước tái cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng chế biến sâu các sản phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa; liên kết vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới; hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và gắn với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Lồng ghép mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Sau khi Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ban hành, tỉnh Phú Thọ đã quán triệt, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 450/QĐ- TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quá trình tổ chức thực hiện phải bám sát các nội dung cơ bản của Chính phủ về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới để đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Phân công nhiệm vụ cụ thể để các ngành, địa phương, đơn vị chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chủ động lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào các quy hoạch tỉnh và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án có liên quan.

- Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 08/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, giao các cơ quan chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985ª/QĐ- TTg ngày 01/6/2016 và triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như: xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh; xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường trong đó có quan trắc môi trường không khí trong quy hoạch tỉnh; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đốt chất thải, phụ phẩm nông nghiệp không đúng quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý phương tiện vận tải, đặc biệt là các xe chở nguyên vật liệu, xử lý nghiêm các phương tiện giao thông vận chuyển nguyên vật liệu không có biện pháp che chắn, để rơi vãi ra các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường; xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi địa bàn thành phố Việt Trì; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường không khí... đồng thời thực hiện tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách pháp luật về quản lý chất lượng không khí qua các phương tiện truyền thông, vận động người dân trên địa bàn không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa, từ đó tăng cường ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Thực hiện chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát ngoại lai xâm hại, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam: tỉnh Phú Thọ đã tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá dứt điểm các tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; thực hiện việc ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các cá nhân, cơ sở kinh doanh có các hành vi vi phạm. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn, không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

3. Đánh giá tình hình triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

- Đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021 về phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021 - 2025: tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, làm cơ sở thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng không khí trên địa bàn. Hiện nhiệm vụ đang trong quá trình triển khai xây dựng, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Sau khi nhiệm vụ được phê duyệt sẽ kiểm kê, xác định các nguồn phát sinh khí thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, triển khai thực hiện điều tra, đánh giá tác động của các nguồn thải đến môi trường không khí; đánh giá diễn biến chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Phú Thọ theo không gian và thời gian; dự báo biến động giá trị các thông số ô nhiễm theo hệ thống kịch bản phát thải, quản lý môi trường khác nhau; từ đó đề xuất hệ thống giải pháp chọn lọc, phù hợp được xây dựng cụ thể, theo lộ trình tổng hợp trong kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí tỉnh Phú Thọ.

- Đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050: tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch số 1786/KH-UBND ngày 29/4/2020 của UBND tỉnh về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2020 - 2025; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh. Triển khai, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện mạng lưới điểm tập kết và đầu tư bổ sung phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt cho địa phương. Xác định địa bàn, tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các điểm tập kết rác tại các xã để thực hiện thu gom, tập kết rác thải trước khi đưa về Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại Trạm Thản xử lý. Kết quả triển khai thực hiện trong năm 2023, cụ thể:

+ Chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh từ hoạt động của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh khối lượng CTRCNTT phát sinh là 63.806 tấn, bao gồm chất thải tự tái chế và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định (xử lý đạt 100%).

+ Chất thải nguy hại phát sinh 7.372,335 tấn trong đó đã chuyển giao cho các đơn vị có chức năng để xử lý 7.368,524 tấn (đạt 99,95 %), số lượng CTNH còn lại đang được các chủ nguồn thải lưu giữ tại cơ sở chưa thực hiện chuyển giao xử lý.

+ Chất thải rắn y tế phát sinh từ các hoạt động y tế tại 25 cơ sở (11 bệnh viện, 13 trung tâm y tế, 1 cơ sở dự phòng) với tổng lượng CTR y tế phát sinh vào khoảng 212,713 tấn. Hiện nay, chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh đã được thu gom, xử lý đạt tỷ lệ 100%.

+ Chất thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh (tính cả đô thị và nông thôn) khoảng 781,28 tấn/ngày, khối lượng được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường 668,59 tấn/ngày.

II. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường và sử dụng kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023 và năm 2024:

1. Tình hình thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2023 và ước thực hiện năm 2024:

- Năm 2023: trên cơ sở Nghị quyết của HĐND tỉnh Phú Thọ về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phương án phân bổ phân bổ ngân sách cấp tỉnh và dự toán thu, chi năm 2023 các huyện, thành, thị. Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2023 là 2,26%, trong đó:

+ Tổng chi ngân sách từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường của địa phương trong năm là: 330,8 tỷ đồng.

+ Tổng chi ngân sách của địa phương trong năm 2023: 14.632 tỷ đồng.

- Ước thực hiện năm 2024: tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường năm 2024 là: 2,59%, trong đó:

+ Tổng chi ngân sách từ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường của địa phương trong năm 2024 là: 398,7 tỷ đồng.

+ Tổng chi ngân sách của địa phương trong năm 2023: 15.388 tỷ đồng.

2. Phân tích, đánh giá các mặt thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu:

2.1. Thuận lợi:

- Trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường đã đi vào nền nếp, ổn định và phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn, do đó nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Nhận thức của các doanh nghiệp về trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã chuyển biến rõ rệt, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm; tăng cường công tác giám sát môi trường. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được kiểm soát, chất lượng môi trường sống của người dân được đảm bảo; các phản ánh về môi trường được giải quyết nhanh, dứt điểm. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu đô thị và khu dân cư, chất thải công nghiệp nguy hại, y tế đã thu được những kết quả tích cực.

2.2. Tồn tại, khó khăn vướng mắc:

- Việc triển khai thực hiện một số quy định về bảo vệ môi trường theo quy định mới Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành đôi lúc còn lúng túng, khó khăn do một số nội dung chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể…; chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật thực hiện một số nhiệm vụ cấp tỉnh nên gặp khó khăn trong xây dựng, thẩm định nhiệm vụ, dự toán kinh phí (các kế hoạch bảo vệ môi trường không khí, nước mặt); chưa có quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn…

- Nguồn ngân sách chi sự nghiệp bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa đáp ứng hoàn toàn theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường vẫn chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách (ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách (ODA), trong khi huy động nguồn lực tài chính khác còn hạn chế; bên cạnh đó, chưa xây dựng được các quy định pháp lý để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu hơn nữa vào bảo vệ môi trường.

- Nguồn nhân lực quản lý Nhà nước về môi trường còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt ở cấp huyện, xã, trong khi khối lượng công việc và mức độ phức tạp của lĩnh vực ngày càng lớn, yêu cầu chất lượng công việc ngày càng cao, đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu kịp thời đặc biệt là yêu cầu về cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ.

- Hạ tầng môi trường Khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ; hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại một số Khu, cụm công nghiệp và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt chưa được đầu tư xây dựng hoàn thành.

- Hạ tầng thiết yếu trong việc thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và xử lý rác thải còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hoàn thiện việc đầu tư các hạng mục công trình của Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại tại Khu xử lý chất thải rắn Trạm Thản, huyện Phù Ninh. Đối với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn ở vùng sâu, vùng xa chưa có mô hình quản lý, thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý phù hợp; vẫn còn 2 cơ sở chưa hoàn thành xử lý triệt để, dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

3. Kiến nghị, đề xuất:

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Tiếp tục rà soát, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Ban hành các quy định, hướng dẫn thuộc thẩm quyền theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khoẻ con người; quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật các nhiệm vụ, dự án lĩnh vực môi trường.

- Chỉ đạo xử lý dứt điểm các hành vi gây ô nhiễm môi trường liên tỉnh; xem xét hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các tỉnh còn nhận cân đối ngân sách trung ương đầu tư trang thiết quan trắc, giám sát môi trường cho địa phương. Quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh kinh phí thực hiện dự án cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì (hiện nay đã quá tải, sẽ đóng cửa sau khi Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh đi vào hoạt động).

- Hỗ trợ địa phương đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao năng lực quản lý môi trường, đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị quan trắc, phân tích môi trường phục vụ công tác quản lý. Quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý về môi trường ở địa phương. Mở các lớp đào tạo hoặc hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về biến đổi khí hậu để thực hiện công tác thẩm định, kiểm kê khí nhà kính. Mở các lớp hướng dẫn cho cơ sở phát thải khí nhà kính về cách đo đạc phát thải khí nhà kính tại các doanh nghiệp để có số liệu chính xác cung cấp phục vụ công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Phú Thọ, đồng thời giúp tỉnh trong việc thu hút nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ nhằm thực hiện các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025, KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 3 NĂM 2025 - 2027 TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đề xuất các dự án, nhiệm vụ năm 2025, giai đoạn 2025 - 2027:

1.1 Hỗ trợ xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường bức xúc:

- Chỉ đạo, khuyến khích các cơ sở sản xuất đổi mới quy trình công nghệ, áp dụng các công nghệ sạch, đầu tư các công trình xử lý chất thải nhằm hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường, không để phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

1.2. Phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường:

- Tăng cường kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở, khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống dân cư khu vực để yêu cầu các đơn vị khắc phục, xử lý theo quy định.

- Chỉ đạo thực hiện các nội dung, chương trình về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường kiểm soát, thanh kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, bao gồm cả kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường.

- Thực hiện dự án “thực hiện lưới quan trắc, phân tích, cảnh báo ô nhiễm môi trường hằng năm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ năm 2021 đến năm 2025” theo tiến độ, đề xuất tiếp tục thực hiện dự án trên giai đoạn 2026 - 2030.

- Triển khai xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt làm cơ sở thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng không khí, nước mặt trên địa bàn.

- Xây dựng báo cáo Hiện trạng môi trường giai đoạn 2021 - 2025 và báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ- CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

- Chú trọng hỗ trợ đầu tư cho sản xuất sạch, sản xuất tiết kiệm năng lượng, tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

1.3. Quản lý chất thải:

- Hướng dẫn công tác thu gom, phân loại và duy trì xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các cơ sở xử lý trong thời gian chờ hoàn thành Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh đi vào hoạt động.

1.4. Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:

- Chú trọng công tác giám sát, bảo vệ các vùng đất ngập nước, các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao năng lực quản lý và thực thi Luật Đa dạng sinh học đến các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

- Tiếp tục triển khai Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 08/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

- Quản lý bảo vệ các khu bảo tồn, khu vực đa dạng sinh học cao, hành lang đa dạng sinh học và các khu vực chưa đủ điều kiện thành lập khu bao tồn; phát triển và mở rộng các khu bảo tồn thiên nhiên.

1.5. Tăng cường năng lực quản lý môi trường:

- Rà soát, xem xét kiện toàn, tăng cường năng lực quản lý bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã.

- Hỗ trợ kinh cho các tổ chức chính trị xã hội để tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về môi trường cho cán bộ, hội viên; xây dựng và triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, mô hình tự quản tiên tiến trên địa bàn tỉnh...

- Sử dụng, phân bổ nguồn ngân sách chi cho sự nghiệp môi trường hằng năm theo đúng quy định, đúng mục đích, có hiệu quả, đáp ứng các nội dung định hướng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của tỉnh.

1.6. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường:

- Tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường... Xây dựng các chương trình truyền thông, các chuyên mục, phóng sự thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh truyền hình cấp huyện, xã...). Tổ chức các sự kiện lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới, Ngày quốc tế đa dạng sinh học, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn... mít tinh, trồng cây xanh, làm vệ sinh và phát thông điệp toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; tiếp tục tuyên truyền, phát động hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa” và không sử dụng túi nilon dùng một lần trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

1.7. Ứng phó với biến đổi khí hậu:

- Ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các quy định về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tiễn.

- Rà soát, cập nhật, điều chỉnh danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn tỉnh.

- Theo dõi việc triển khai thực hiện Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn và yêu cầu các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn.

- Tổ chức đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT, tổng hợp định kỳ gửi báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Đôn đốc các tổ chức trên địa bàn quản lý thuộc đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 24 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP thực hiện đăng ký sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.

- Kiểm tra, giám sát các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các cơ sở phát thải khí nhà kính; việc thực hiện loại trừ các chất được kiểm soát và tuân thủ các quy định về thu gom, tái chế, tái sử dụng hoặc tiêu hủy các chất được kiểm soát.

- Ban hành các Quyết định về việc phân công theo dõi, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2025 - 2027 và Quyết định về việc thành lập Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành trong giai đoạn 2025 -2027.

- Tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 81-KL/TW ngày 4/6/2021 của Bộ chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

2. Đối với dự án đề nghị hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường ngân sách trung ương:

- Đề nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện đóng cửa, phục hồi môi trường Nhà máy xử lý chất thải đô thị Việt Trì với tổng số tiền là 93.805 triệu đồng.

3. Đối với kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường ngân sách địa phương: (theo Phụ lục đính kèm).

Trên đây là Kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổng hợp vào kế hoạch và dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường chung của cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ TN&MT;
- Vụ Kế hoạch - Bộ TN&MT;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở: TN&MT, KH&ĐT, TC, NN&PTNT, Y tế, CT, TT&TT;
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, TN3 (Tr-25b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Trọng Tấn

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 2853/KH-UBND năm 2024 về Kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu: 2853/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
Người ký: Phan Trọng Tấn
Ngày ban hành: 17/07/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [20]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 2853/KH-UBND năm 2024 về Kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027 từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường do tỉnh Phú Thọ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…