Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 01 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH LẠNG SƠN NĂM 2022

Thực hiện Công văn số 718/BKHCN-KHTC ngày 31/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch KH&CN và đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH&CN năm 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng Kế hoạch KH&CN và đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH&CN năm 2022 như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KH&CN NĂM 2020 VÀ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2021

I. Kết quả hoạt động KH&CN

1. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ

1.1. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ

Đã triển khai thực hiện 03 đề tài, dự án KH&CN cấp bộ1. Các đề tài, dự án mới thực hiện nhưng cũng đã mang lại một số kết quả bước đầu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.2. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh

Trong kỳ đã tổ chức triển khai thực hiện 64 đề tài, dự án KH&CN2, cụ thể:

- Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Trong lĩnh vực KH&CN phục vụ nông nghiệp và nông thôn3 tập trung nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN về giống và quy trình kỹ thuật canh tác, chăn nuôi mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các cây trồng vật nuôi chủ lực, đặc sản có thế mạnh của địa phương; các giống cây trồng, vật nuôi mới, có lợi thế cạnh tranh; nghiên cứu ứng dụng KH&CN xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả phục vụ sản xuất đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Các nghiên cứu đối với các giống cây trồng mới (cây ăn quả, rau, hoa,...): nghiên cứu trồng thử nghiệm một số dòng, giống Bơ trong nước và nhập nội, xây dựng mô hình trồng mới theo hướng sản xuất hàng hóa tại các huyện Tràng Định, Đình Lập, Bình Gia và thành phố Lạng Sơn; xây dựng mô hình sản xuất Măng tây xanh gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Lộc Bình,...

Các nghiên cứu ứng dụng KH&CN theo chương trình, đề án như: Đề án khung nhiệm vụ KH&CN bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025 với 08 đề tài bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh đối với các nguồn gen: chanh rừng, mận cơm, cam thổng, đào cảnh, dược liệu, cá mó, vịt cổ xanh, lan một lá; chương trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nâng cao giá trị và phát triển bền vững một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025 đối với một số sản phẩm: Hồng Vành khuyên, Quýt Tràng Định, hạt Dẻ tại thành phố Lạng Sơn, chè dưới tán hồi huyện Bình Gia, khoai lang Lộc Bình, lúa Bao Thai Hồng Tràng Định, gà sáu ngón Mẫu Sơn, gà Vạn Linh.

- Lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn

Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp chỉ đạo, định hướng và quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh như: nghiên cứu xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn; nghiên cứu quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn huyện Chi Lăng và Hữu Lũng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh và ảnh hưởng của nó đến phong trào chống thực dân Pháp của Nhân dân ta; giải pháp nâng cao hiệu quả công tác sáp nhập thôn, xã...

- Lĩnh vực y dược

Các hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN tiếp tục tập trung cho công tác điều trị và phòng chống dịch bệnh, góp phần hạ thấp tỷ lệ tử vong, tiết kiệm chi phí, nâng hiệu quả điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân4.

- Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ: nghiên cứu, triển khai, đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị công nghệ và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm5.

2. Công tác quản lý công nghệ

UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển giao công nghệ, thị trường KH&CN; tư vấn hướng dẫn hình thành doanh nghiệp KH&CN, các chính sách mà doanh nghiệp KH&CN được hưởng; hướng dẫn giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thương mại hóa kết quả nghiên cứu trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng và những thành tựu KH&CN tới người dân và doanh nghiệp bằng các hình thức đăng trang thông tin điện tử, website...

Tổ chức thẩm định công nghệ, có ý kiến về công nghệ trong các dự án đầu tư theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ. Trong kỳ báo cáo đã tổ chức thẩm định công nghệ thuộc 56 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác thẩm định công nghệ đã kịp thời ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật đối với hoạt động chuyển giao công nghệ. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

3. Công tác ứng dụng và an toàn bức xạ, hạt nhân

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức các hoạt động nhằm quản lý an toàn bức xạ, phóng xạ môi trường, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, an ninh hạt nhân trên địa bàn tỉnh. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ thưc hiện quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân. Trong kỳ đã tiến hành thẩm định cấp 34 giấy phép sử dụng thiết bị x quang chẩn đoán y tế. Tổ chức 02 lớp đào tạo về kiến thức về an toàn bức xạ cho các cán bộ, nhân viên bức xạ trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn tỉnh6; năm 2020, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng Kế hoạch tổ chức diễn tập các kịch bản ứng phó sự cố cấp tỉnh; năm 2021 đã nghiên cứu, rà soát cập nhật nội dung Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân cấp tỉnh đảm bảo phù hợp thực tế hiện nay, xây dựng Kế hoạch tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kiến thức tổng quan về đảm bảo an toàn, an ninh nguồn phóng xạ và những kiến thức về ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cho các thành viên Ban Chỉ huy và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thực hiện Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đến năm 2020 và hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2012, UBND tỉnh đã lập dự án đầu tư, xây dựng Nhà trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tại Lạng Sơn, hiện nay đã hoàn thiện và có thể đưa vào sử dụng.

4. Công tác sở hữu trí tuệ

Các hoạt động hỗ trợ để tạo lập, phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai một cách tích cực: tư vấn, hướng dẫn 70 tổ chức, cá nhân xác lập và bảo vệ quyền SHTT (SHTT); tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức về SHTT, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về TSTT; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiệm thu 08 dự án7.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án triển khai chiến lược SHTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm đặc trưng của tỉnh và góp phần đưa SHTT trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn tỉnh: tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện 02 dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Thạch đen Tràng Định, Mật ong hoa ngũ gia bì Vân Thủy Chi Lăng; 03 Dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Lợn quay Lạng Sơn, Vịt quay Lạng Sơn và Gà 6 ngón Mẫu Sơn; 03 Dự án xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho 03 sản phẩm Lạp sườn Bình Gia, Cá lồng Văn Quan, Bánh phồng Tràng Định. Xem xét xác định nhiệm vụ thực hiện 02 dự án: duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “Hồng Bảo Lâm”; quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể “Hoa quả tươi Hữu Lũng”. Đề xuất 03 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc chương trình phát triển TSTT thực hiện từ năm 2022, gồm: xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Chi Lăng” cho sản phẩm Na tại huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” cho sản phẩm mác mật tỉnh Lạng Sơn.

Thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân thực hiện 02 nhiệm vụ: nghiên cứu công nghệ bảo quản và liên kết tiêu thụ sản phẩm vịt quay Lạng Sơn; nghiên cứu quy trình chế biến một số sản phẩm từ quả Sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đăng kí bảo hộ chỉ dẫn địa lý hoa hồi Lạng Sơn tại Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ và Hàn Quốc.

5. Công tác thúc đẩy hoạt động phát huy sáng kiến, sáng tạo

Công tác sáng kiến: thành lập và tổ chức họp Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh, chấm đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Tổ chức 06 Hội nghị phổ biến sáng kiến và hướng dẫn triển khai thúc đẩy hoạt động sáng kiến tại huyện Chi Lăng, Văn Quan và Hữu Lũng, Bình Gia, Tràng Định, Bắc Sơn cho trên 1000 người tham dự; tham gia Hội thảo công tác nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học cho hơn 400 người tham dự.

Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật: thành lập Ban Tổ chức, Ban Thư ký Hội thi Sáng tạo kỹ thuật; Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Lạng Sơn; xây dựng kế hoạch triển khai, thể lệ các Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật năm 2020, 2021. Năm 2020 đã trao 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba và 15 giải khuyến khích cho các tác giả nhóm tác giả. Có 01 mô hình, sản phẩm đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc. Triển khai phát động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn lần thứ 6 và Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ 13 năm 2021. Triển khai các hoạt động tuyên truyền Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng bằng nhiều hình thức, như: văn bản phát động tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, xây dựng trailer trên Đài truyền hình, viết bài trên Báo Lạng Sơn, phát tờ rơi8.

Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: năm 2020 đã tổ chức thành công Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn9; ban hành Kế hoạch về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năm 2021 - 2025 và Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năm 2021; Quyết định thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST tỉnh Lạng Sơn và Kế hoạch tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST năm 2021. In, phát hành 3.400 tờ rơi, chuyển cho các cơ quan, đơn vị trong Ban Tổ chức Cuộc thi tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh về Cuộc thi KNĐMST tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Tiếp tục triển khai xây dựng Khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

6. Công tác thông tin, thống kê KH&CN

Lĩnh vực thông tin và thống kê KH&CN trên địa bàn tỉnh được thực hiện đầy đủ và kịp thời theo quy định. Xuất bản, phát hành lịch KHCN hằng năm. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước10. Thực hiện rà soát, thu thập thông tin các nhiệm vụ KH&CN và cập nhật lên CSDL quốc gia về KH&CN11. Thực hiện chuyên mục trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn. Quản trị Trang thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lạng Sơn và Trang thông tin điện tử của Sở Khoa học và Công nghệ. Duy trì vận hành hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

7. Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 23/7/2019 của UBND tỉnh thực hiện Đề án Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trên địa bàn tỉnh. Bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường. Tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc của các cơ quan, tổ chức nhà nước, doanh nghiệp, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp về đo lường.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 05/4/2021 về việc triển khai Kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025; thông qua việc thực hiện Kế hoạch đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực. Nâng cao năng suất và chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua việc nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tiến hành khảo sát chất lượng đối với các mặt hàng thực phẩm, xăng, đồ chơi trẻ em; hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động công bố hợp quy, kiểm tra sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 trong sản xuất, nhập khẩu; đôn đốc các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh nghiêm túc chấp hành các quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Theo dõi, quản lý hoạt động của 30 điểm cân đối chứng, tuyên truyền, hướng dẫn ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại về trang bị, quản lí, vận hành các điểm cân đối chứng; tăng cường phối hợp để thực hiện công tác kiểm tra hoạt động các điểm cân đối chứng, các hộ kinh doanh có sử dụng cân tại các chợ, trung tâm thương mại12.

8. Công tác thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.

Tổ chức triển khai 06 cuộc thanh tra với 25 tổ chức13. Cơ bản các đơn vị được thanh tra đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực được thanh tra, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 07 tổ chức vi phạm liên quan đến an toàn bức xạ trong sử dụng thiết bị x quang chuẩn đoán y tế và đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 sử dụng trong y tế với tổng số tiền là 54.500.000 đồng.

Tổ chức 07 cuộc kiểm tra với 63 cơ sở14. Cơ bản các cơ sở được kiểm tra đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, còn một số cơ sở chưa tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn; sử dụng phương tiện đo đã hết hạn kiểm định để định lượng trong mua bán hàng hóa, kinh doanh hàng hóa đã quá hạn sử dụng, kinh doanh hàng hóa có nhãn nhưng không ghi đủ nội dung bắt buộc, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ... ban hành 03 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 03 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 42.550.000 đồng.

Triển khai, theo dõi, cập nhật công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo theo quy định. Trong kỳ không phát hiện dấu hiệu tham nhũng, lãng phí.

9. Hoạt động sự nghiệp

Duy trì, lưu giữ và sản xuất một số giống cây bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Vịt Thất Khê, Tràng Định; Mật ong Vân Thủy, Chi Lăng; Măng nứa Vĩnh Yên, Bình Gia. Xây dựng các mô hình nhân giống khoai tây bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong phong thí nghiêm và mô hình sản xuất khoai tây cấp giống gốc (khí canh), siêu nguyên chủng, nguyên chủng để phục vụ việc duy trì sản xuất khoai tây tại Lạng Sơn. Thực hiện các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới của tỉnh.

Duy trì hệ thống phòng kiểm định - hiệu chuẩn theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, thực hiện sửa đổi lại hệ thống quản lý ISO/IEC 17025:2017. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn được 12.414 phương tiện đo, thử nghiệm các thiết bị điện, điện tử. Quản lý, duy trì phòng thử nghiệm hóa, vi sinh theo TCVN ISO/IEC 17025:2017, chuyên ngành xây dựng LAS-XD 1172 theo quy định: phân tích được 333 mẫu hóa - vi sinh.

10. Tình hình thực hiện các cơ chế và chính sách quản lý KH&CN, đổi mới sáng tạo

10.1. Kết quả thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước;cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 12/4/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 674/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ và đo lường, chất lượng sản phẩm (Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN với Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; đồng thời ban hành Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 21/12/2020 về việc phân loại đơn vị sự nghiệp công lập và giao quyền tự chủ về tài chính cho các tổ chức KH&CN công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2023. Trung tâm là tổ chức KH&CN công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thực hiện tự chủ tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 5 Thông tư số 90/2017/TT-BTC ngày 30/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

10.2. Việc thực hiện Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính, Bộ KH&CN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 22/01/2016 về việc ban hành quy định nội dung và định mức xây dựng dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn với các định mức chi tương đương 80% so với quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN. Từ năm 2016 đến nay có 57 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh được xây dựng và phân bổ dự toán theo quy định tại Thông tư liên tịch và Quyết định của UBND tỉnh. Việc phân bổ và xây dựng dự toán cho các nhiệm vụ KH&CN được xây dựng bảo đảm theo đúng quy định.

10.3. Việc thực hiện Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC ngày 30/12/2015 của Bộ KH&CN, Bộ Tài chính quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước

Hiện nay các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh triển khai trên địa bàn tỉnh được thực hiện khoán chi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT- BKHCN-BTC. Tuy nhiên, hiện nay các nhiệm vụ mới thực hiện được khoán chi một phần do một số nội dung về tiến hành thí nghiệm, thử nghiệm, chế tạo, sản xuất nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nghiên cứu,... chưa có định mức kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền quy định mặc dù các nhiệm vụ đã được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được, số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra, địa chỉ ứng dụng.

10.4. Việc thực hiện Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước

Hiện nay Thông tư số 63/2018/TT-BTC ngày 30/7/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn Nhà nước mới chỉ quy định xử lý đối với tài sản đủ điều kiện là tài sản cố định; còn thiếu quy định xử lý đối với các tài sản được hình thành thông qua triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN nhưng không đủ điều kiện là tài sản cố định.

11. Những khó khăn, vướng mắc

Công tác triển khai ứng dụng KH&CN còn hạn chế, chưa đáp ứng các nhu cầu thực tiễn, số lượng mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN chưa lớn, chưa tạo sức lan tỏa rộng rãi, sự thay đổi rõ nét trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cơ sở vật chất còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, thiết bị hiện có chủ yếu được trang bị thông qua thực hiện các nhiệm vụ KH&CN do vậy quy mô nhỏ, không đồng bộ. Chưa có trại thực nghiệm để phục vụ công tác thử nghiệm, khảo nghiệm trước khi triển khai kết quả nghiên cứu ra diện rộng, thiếu trang thiết bị máy móc, thiếu phương tiện đi lại phục vụ công tác nghiên cứu, triển khai ứng dụng KH&CN.

Công tác kiểm tra về đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở tuyến huyện, xã do lực lượng mỏng. Thiết bị phục vụ công tác kiểm tra đã lỗi thời, chưa đáp nhu cầu thực tế, dẫn tới chưa kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về chất lượng.

Một số văn bản hướng dẫn thực hiện, quy định quản lý chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ dẫn đến khó khăn trong triển khai, thực hiện tại địa phương do chưa đủ cơ sở.

12. Kiến nghị

Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét hoặc phối hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét:

- Hỗ trợ các trang thiết bị, hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như phương án đào tạo nhân lực phục vụ công tác vận hành, triển khai các nhiệm vụ của Trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tỉnh Lạng Sơn, đáp ứng yêu cầu Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh; tiếp tục quan tâm chỉ đạo tăng cường nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để công tác quản nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng phát triển.

- Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

II. Các hoạt động KH&CN khác

1. Tình hình và kết quả thực hiện việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật và tác động của việc thực hiện các tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật, các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa đến sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu

Việc quản lý sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BTC ngày 17/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật. Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức chi xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Lạng Sơn và quy định của Trung ương, hoàn thiện hệ thống pháp lý trong công tác tham mưu lập kế hoạch, rà soát, xây dựng, thẩm định quy chuẩn địa phương.

2. Tình hình và kết quả thực hiện các dự án đầu tư cho KH&CN

Theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 10/5/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về dự kiến kế hoạch và phương án phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 đối với KH&CN gồm 02 dự án với tổng kinh phí 65 tỷ đồng, cụ thể:

- Dự án Đầu tư trang thiết bị trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường với tổng mức đầu tư dự kiến15 tỷ đồng. Năm 2021 thực hiện chuẩn bị đầu tư.

- Dự án Trại thực nghiệm và các trang thiết bị kỹ thuật với quy mô dự kiến 5,5 ha; tổng mức đầu tư dự kiến 50 tỷ đồng. Năm 2021 thực hiện chuẩn bị đầu tư.

B. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KH&CN NĂM 2022

I. Kế hoạch hoạt động KH&CN năm 2022

1. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ

Năm 2022, tiếp tục chỉ đạo, triển khai khoảng 40 đề tài, dự án và tổ chức nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án đã được nghiệm thu vào đời sống sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực như sau:

- Lĩnh vực khoa học nông nghiệp: ứng dụng tiến bộ KH&CN để chọn lọc và phát triển giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng các mô hình theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; nghiên cứu phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong thu hoạch, chế biến, bảo quản nông, lâm sản đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao năng suất, chất lượng thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp của tỉnh. Xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh. Phục tráng, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen các giống cây trồng, vật nuôi quý hiểm, đặc sản của giá trị của địa phương.

- Lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ: nghiên cứu cải tiến và đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trong nước và xuất khẩu; nghiên cứu, ứng dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; các biện pháp sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm; ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến trong việc giảm thiểu ô nhiễm, khắc phục sự cố môi trường... Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên môi trường.

- Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: nghiên cứu cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn trong việc hoạch định, thực hiện các chủ trương, nghị quyết trong phát triển kinh tế - xa hôi của tỉnh và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Lạng Sơn; nghiên cứu cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn để đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,... nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, phát triển khu kinh tế cửa khẩu và các khu chức năng; nghiên cứu, phát triển các dịch vụ logictics nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; nghiên cứu, phát triển du lịch theo hướng bền vững và toàn diện; tập trung nghiên cứu phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, lễ hội, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biên giới cửa khẩu kết hợp với mua sắm, du lịch cộng đồng; nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá của tỉnh; nghiên cứu các giải pháp phát triển giáo dục, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo học sinh, sinh viên và khuyến khích phong trào nghiên cứu khoa học, sáng tạo, sáng kiến trong hệ thống trường học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.

- Lĩnh vực KH&CN phục vụ y dược: nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị bệnh tại Lạng Sơn; nghiên cứu các giải pháp điều trị bệnh kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền; mô hình, giải pháp quản lý sức khỏe cộng đồng; nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, công nghệ sinh học trong phát triển sản xuất, chế biến các loại cây dược liệu và các sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác quản lý công nghệ

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định về công nghệ nhằm ngăn ngừa công nghệ lạc hậu, công nghệ có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; thẩm định cơ sở khoa học các đồ án quy hoạch, chủ trương đầu tư, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo nghiên cứu khả thi..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng bền vững.

Tăng cường tập huấn đào tạo nâng cao nhận thức và chuyên môn nghiệp vụ trong công tác chuyển giao công nghệ. Hướng dẫn, hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, phát triển doanh nghiệp KH&CN. Triển khai các hoạt động giới thiệu, trưng bày, quảng bá các sản phẩm KH&CN như tổ chức các ngày hội, tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm; xây dựng các chương trình tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Công tác ứng dụng và an toàn bức xạ và hạt nhân

Triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân tỉnh Lạng Sơn và Quyết định số 104/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2019 - 2025.

Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sư dung thiết bi x quang chẩn đoán y tế thưc hiên thủ tục đăng ký đào tạo, khai báo và thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Tiến hành thẩm định, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ; cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, xây dựng bản đồ phông phóng xạ; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh.

4. Công tác SHTT

Tiếp tục thực hiện Đề án triển khai chiến lược SHTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền SHTT, hướng dẫn lập hồ sơ, thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý và hướng dẫn đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu công nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh đã được bảo hộ quyền SHTT; tư vấn, hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển TSTT cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu.

5. Thông tin, thống kê KH&CN

Chỉ đạo Sở KH&CN phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền hoạt động KH&CN theo kế hoạch. Đẩy mạnh hoạt động phát triển nguồn tin KH&CN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thực hiện các quy định về báo cáo, thống kê KH&CN theo quy định. Cập nhật, duy trì hoạt động Trang thông tin điện tử.

6. Công tác thúc đẩy hoạt động phát huy sáng kiến, sáng tạo

Công tác sáng kiến: thành lập và tổ chức họp Hội đồng Sáng kiến cấp tỉnh năm 2022, chấm đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận sáng kiến cấp tỉnh. Tổ chức các Hội nghị phổ biến sáng kiến và hướng dẫn triển khai thúc đẩy hoạt động sáng kiến tại các huyện, thành phố.

Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật: tổ chức các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật đối với các em học sinh, sinh viên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về hoạt động sáng tạo kỹ thuật.

Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST: tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục triển khai xây dựng Khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh theo đề án đã được phê duyệt; duy trì hoạt động của Trang thông tin điện tử khởi nghiệp ĐMST; tổ chức đào tạo tập huấn kiến thức về khởi nghiệp ĐMST; nghiên cứu xây dựng, thành lập, duy trì hoạt động vườn ươm khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh; tổ chức, tham gia ngày hội khởi nghiệp quốc gia, vùng, địa phương...

7. Lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng

Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa lưu thông, hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN; tiếp tục tăng cường công tác khảo sát đo lường, chất lượng; lấy mẫu thử nghiệm chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nhằm phát hiện kịp thời những vi phạm, đề xuất xử lý vi phạm, thông tin cảnh báo kịp thời tình hình vi phạm về chất lượng đến cơ quan chức năng và người tiêu dùng; tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng sản phẩm Hồi đã được bảo hộ SHTT; thực hiện nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 tại các cơ quan hành chính nhà nước; triển khai hoạt động về Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.

8. Công tác thanh tra

Chỉ đạo triển khai kế hoạch thanh tra KH&CN theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ; tổ chức thanh tra định kỳ, đột xuất các lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN, việc thi hành Luật KH&CN, Luật SHTT, Luật Đo lường, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các đề tài/dự án, chuyển giao công nghệ và an toàn bức xạ nhằm góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh.

9. Hoạt động sự nghiệp KH&CN

Duy trì các công nghệ đã nhận chuyển giao trong việc nhân nhanh giống cây trồng; nhân giống khoai tây bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào trong phòng thí nghiệm và xây dựng mô hình sản xuất khoai tây giống cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng tại Lạng Sơn; các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; chăm sóc vườn thực nghiệm.

Tăng cường kiểm định, kiểm tra các cơ sở sử dụng máy x quang, đồng hồ taximet, cột đo xăng dầu, công tơ điện. Duy trì và cải tiến hệ thống quản lý phòng thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 và hệ thống phòng thử nghiệm xây dựng LAS 1172 phục vụ công tác quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân.

II. Kế hoạch kinh phí và dự toán ngân sách năm 2022

1. Kinh phí đầu tư cho phát triển KH&CN

Tổng kinh phí dự kiến: 47.267 triệu đồng, trong đó:

- Dự án Trại thực nghiệm và các trang thiết bị kỹ thuật: 12.000 triệu đồng.

- Dự án Đầu tư bổ sung, nâng cấp cải tạo phòng thí nghiệm, nhà xưởng và tăng cường trang thiết bị kỹ thuật trung tâm ứng dụng, phát triển KH&CN và đo lường chất lượng sản phẩm: 20.267 triệu đồng.

- Dự án Đầu tư trang thiết bị trạm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường: 15.000 triệu đồng.

2. Kinh phí sự nghiệp KH&CN

Tổng kinh phí dự kiến: 25.525 triệu đồng, trong đó:

- Chi nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: 18.000 triệu đồng.

- Chi nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng: 3.500 triệu đồng.

- Chi hoạt động KH&CN phục vụ quản lý nhà nước: 3.525 triệu đồng.

- Chi hoạt động KH&CN cấp huyện: 500 triệu đồng.

(Chi tiết tại các phụ lục kèm theo).

Trên đây là Kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH&CN năm 2022, UBND tỉnh Lạng Sơn rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện giúp đỡ của Bộ Khoa học và Công nghệ./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: KHCN, KHĐT, TC;
- C, PVP UBND tỉnh, các phòng CV, TTTHCB;
- Lưu: VT, KGVX(HTHT).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Trọng Quỳnh

 



1 Gồm: (1) Ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất gạch xi măng cốt liệu từ các nguyên liệu sẵn có ở tỉnh Lạng Sơn; (2) Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá trắng tại tỉnh Lạng Sơn; (3) Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi Ngựa Bạch tại tỉnh Lạng Sơn.

2 Trong đó: lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn 34 đề tài, dự án; lĩnh vực xã hội - nhân văn 14 đề tài, dự án; lĩnh vực y dược 6 đề tài, dự án; lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ là 10 đề tài, dự án.

3 Một số đề tài, dự án điển hình đang triển khai như: nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác rải vụ Na; nghiên cứu ứng dụng chế phẩm sinh học AVG (Retain) để kéo dài thời gian chín của quả Na tại huyện Chi Lăng; ứng dụng tiến bộ KH&CN nhân giống và xây dựng mô hình trồng Sa nhân tím tại huyện Đình Lập; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục tráng và phát triển giống Mít bản địa tại huyện Hữu Lũng; nghiên cứu nhân giống, trồng thâm canh và chế biến Măng Bát Độ tại huyện Hữu Lũng; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phục tráng và phát triển giống Dứa bản địa tại huyện Hữu Lũng; nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất cây Lan Kim Tuyến theo hướng hàng hóa tại huyện Đình Lập; nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao giá trị cây Trà Hoa Vàng của huyện Đình Lập; nghiên cứu, phát triển cây Đào Chuông tại huyện Đình Lập; nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, dược học của cây Mác mật và sản xuất một số sản phẩm từ cây Mác mật; mô hình nuôi ếch hương sinh sản và thương phẩm tại Mẫu Sơn; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phục tráng và chọn giống Sở phù hợp với điều kiện lập địa tại tỉnh...

4 Đề tài nghiên cứu cụ thể: ứng dụng kỹ thuật kết hợp dẫn lưu não thất và sử dụng thuốc tiêu huyết khối Alteplaser trong điều trị giãn não thất cấp do chảy máu não thất; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật điều trị tán sỏi đường mật qua da bằng laser tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

5 Một số đề tài nghiên cứu như: ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn; nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, dược học của cây Mác Mật và sản xuất một số sản phẩm từ cây Mác Mật tại tỉnh Lạng Sơn; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp KH&CN sản xuất vật liệu composite từ nguồn phế phụ phẩm sau chế biến gỗ rừng trồng tại tỉnh Lạng Sơn; xây dựng mô hình bảo quản chế biến quả Trám đen...

6 Được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 1563/QĐ-BKHCN ngày 09/7/2012.

7 Gồm: Xây dựng nhãn hiệu tập thể (Măng Bát độ Hữu Lũng, Nem nướng Hữu Lũng, Cao khô Chợ Bãi, Thanh long Bình Gia, Trám đen Văn Quan), nhãn hiệu chứng nhận Rau thành phố Lạng Sơn; quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Hồng vành khuyên Văn Lãng, Quýt vàng Bắc Sơn.

8 3500 tờ rơi Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, 6000 tờ rơi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật.

9 Kết quả đã trao 01 giải nhất, 01 giải nhì, 02 giải ba và 04 giải khuyến khích.

10 Nhiệm vụ: “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2018 - 2025”); “ Ứng dụng màng sinh học chitosan-nano bạc nhằm kéo dài thời gian bảo quản quả Quýt của tỉnh lạng Sơn”; “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật thâm canh, xử lý giảm hạt nâng cao năng suất và chất lượng Quýt Bắc Sơn, tại huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn”; “Nghiên cứu giá trị dinh dưỡng, dược học của mật ong hoa ngũ gia bì tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”.

11 20 nhiệm vụ đang thực hiện, 41 nhiệm vụ đăng ký kết quả, kết quả ứng dụng của 26 nhiệm vụ đã nghiệm thu.

12 Tổ chức triển khai 07 đợt tại 48 cơ sở, lấy 36 mẫu mang đi thử nghiệm chất lượng và thực hiện phá 49 mẫu để kiểm tra về đo lường đối với các mặt hàng là thực phẩm, đồ uống: nem nướng, quả tươi, chè, rượu trắng, bánh trung thu; đồ điện điện tử; xăng dầu, hàng đóng gói sẵn,...và gửi kết quả khảo sát tới các cơ quan Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389 tỉnh để cảnh báo tới người dân về các sản phẩm thiếu định lượng, ghi nhãn chưa đúng quy định.

13 Nội dung thanh tra gồm: thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ (ATBX) trong sử dụng thiết bị x quang chẩn đoán y tế và đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 sử dụng trong y tế; kiểm tra hành nghề y tại 19 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; thanh tra chuyên ngành về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học 05 đề tài, dự án; thanh tra phòng chống tham nhũng 01 đơn vị.

14 Nội dung kiểm tra về đo lường, chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với hàng đóng gói sẵn và các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN; kiểm tra Nhà nước về đo lường, chất lượng đối với các cơ sở kinh doanh xăng, nhiên liệu điezen, dầu nhờn động cơ đốt trong; kinh doanh vàng, chất lượng và nhãn hàng hóa đối với vàng trang sức mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh; đo lường đối với các đơn vị quản lý và sử dụng phương tiện đo nhóm 2; kiểm tra lấy 06 mẫu (xăng RON95-IV và diezen DO 0,05S-II) để thử nghiệm chất lượng.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2021 về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ tỉnh Lạng Sơn năm 2022

Số hiệu: 149/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
Người ký: Lương Trọng Quỳnh
Ngày ban hành: 01/07/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [22]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2021 về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách khoa học và công nghệ tỉnh Lạng Sơn năm 2022

Văn bản liên quan cùng nội dung - [7]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…