ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/CT-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 10 năm 1978 |
CHỈ THỊ
VỀ CHỐNG LÃNG PHÍ, THỰC HÀNH TIẾT KIỆM LAO ĐỘNG, VẬT TƯ TÀI SẢN, TIỀN VỐN.
Trong mấy năm qua, công tác quản lý kinh tế tài chánh của thành phố có những tiến bộ và đạt được những thành tích đáng kể, nhưng cũng còn nhiều tồn tại, khuyết điểm, nhứt là tình trạng lãng phí, tham ô, vi phạm kỷ luật tài chánh rất phổ biến và có nơi rất nghiêm trọng.
Trong năm 1977 và 6 tháng đầu năm 1978 thông qua việc thực hiện NQ 28-29 của Thành ủy, các Sở, Ban ngành có đề ra một số biện pháp để sửa chữa, khắc phục và ngăn chặn tình trạng lãng phí, tham ô, vi phạm kỷ luật tài chánh (trong đó có việc tiến hành kiểm tra tài chánh nội bộ đã và đang được triển khai rộng rãi ở thành phố), và bước đầu tuy có đạt được một số kết quả nhứt định, nhưng chưa phải đã thật có hiệu quả so với yêu cầu tăng cường công tác quản lý tài chánh trong tình hình mới hiện nay. Vì qua thực hiện NQ 28-29, công tác cải tạo, thu đổi tiền đã phát hiện thêm nhiều vụ việc về lãng phí, tham ô, vi phạm kỷ luật tài chánh ở các Sở, Ban ngành và các đơn vị cơ sở trong thành phố, trong đó có những vụ việc rất nghiêm trọng. Chỉ tính sơ bộ trong năm 1977 và 6 tháng đầu năm 1978, số lãng phí về lao động, vật tư, tiền vốn Ngân sách đã tới hằng chục triệu đồng. Đây là một thiệt hại lớn đối với thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc xây dựng kinh tế và ổn định đời sống cho nhân dân lao động và cán bộ - công nhân viên Nhà nước.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng lãng phí nói trên là do thiếu tinh thần trách nhiệm của 1 số cán bộ phụ trách, do công tác tổ chức quản lý kinh tế còn nhiều sơ hở, lỏng lẻo, tùy tiện, …
Trước yêu cầu cầp thiết của tình hình và nhiệm vụ mới, UBND thành phố ban hành Chỉ thị này nhằm yêu cầu các ngành, các cấp phải nghiêm chỉnh thực hiện Nghị quyết của Thành ủy và UBND thành phố, yêu cầu mỗi ngành, mỗi cán bộ - công nhân viên Nhà nước phải triệt để tiết kiệm, tiết kiệm từng kí lô nguyên vật liệu, từng ngày công lao động, từng đồng vốn của Ngân sách để góp phần tích cực và cụ thể vào công cuộc phát triển sản xuất củng cố quốc phòng và tăng thêm tiềm lực kinh tế quốc phòng cho thành phố.
I. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP CHỐNG LÃNG PHÍ, THỰC HÀNH TIẾT KIỆM VỀ TIẾT KIỆM LAO ĐỘNG :
1. Năng suất lao động là chỉ tiêu tổng hợp kết quả của mọi biện pháp tiết kiệm sức lao động.
Xác định lao động cho đơn vị sản xuất (xí nghiệp, công trường, …) phải xuất phát từ định mức lao động và căn cứ trên kế hoạch tăng năng suất lao động, và mọi biện pháp tổ chức kỷ luật nhằm đảm bảo vững chắc cho thực hiện chỉ tiêu năng suất đó. Trong mọi trường hợp tốc độ tăng năng suất lao động phải cao hơn tốc độ tăng quỹ tiền lương.
Áp dụng rộng rãi chế độ lượng sản phẩm nhằm khuyến khích tăng năng suất lao động, đi đôi với việc thực hiện chế độ kiểm tra chặt chẽ bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Lao động sử dụng phải tương ứng với sản lượng sản phẩm làm ra, bảo đảm theo tiêu chuẩn định mức phục vụ. Quỹ lương được chi trả cũng phải đảm bảo dựa trên nguyên tắc này.
2. Phải đảm bảo mỗi cán bộ - công nhân viên chức đều có việc làm với ngày công chế độ và giờ công có ích cao, chấp hành đúng kỷ luật lao động, tổ chức bộ máy có hiệu lực, mỗi phòng, mỗi bộ phận có một chức năng : làm tham mưu đắc lực cho lãnh đạo, chỉ đạo nhanh nhạy, thông suốt từ thành đến cơ sở, từ trong cơ quan ra đến dân, hợp tác XHCN tốt giữa các ngành với đơn vị. Đảm bảo tỷ lệ lao động gián tiếp trong các ngành sản xuất tối đa không quá 12% tổng số cán bộ - công nhân việ xí nghiệp. Tất cả mọi ngành đều phải soát xét lại lực lượng gián tiếp và phải đảm bảo không quá tỷ lệ quy định.
Khi cần hình thành một tổ chức, một đơn vị sản xuất mới, trước hết phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ được giao, và phải đảm bảo các yếu tố : lập được phương án sản xuất, xác định được số lao động, với nội dung công tác thiết thực, có định mức, có tính toán hiệu quả kinh tế.
Nguyên tắc chung của việc tăng biên chế tuyển lao động là : khi có yêu cầu công tác mới phải thu xếp sử dụng hết năng lực của số người hiện có, khi còn việc phải làm mới xếp thêm người, tránh tình trạng xếp người rồi mới tìm việc sau.
3. Chỉ tiêu biên chế của 1 cơ quan, 1 bộ phận công tác phải dựa trên những yếu tố sau đây :
- Phải xác định rõ chức năng nhiệm vụ của cơ quan, với sự phân công phân cấp hợp lý trong hệ thống tổ chức ngành từ trên xuống dưới, không dẫm đạp trùng lắp.
- Trên cơ sở đó xác định những bộ phận công tác cần thiết, có nội dung công tác rõ ràng với mối liên hệ công tác giữa các bộ phận, giữa trên với dưới, không chồng chéo trùng lắp công việc nhưng cũng không bỏ sót lỏng lẻo quản lý.
- Biên chế của mỗi bộ phận phải trên cơ sở : làm rõ nhiệm vụ của từng người, với nội dung chương trình hành động cụ thể hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, yêu cầu trình độ - năng lực công tác thích hợp với phương pháp nghiệp tiên tiến, đảm bảo công tác có hiệu suất, có chất lượng.
- Phải cải tiến chế độ lề lối làm việc, cải tiến chế độ hội nghị. Các cuộc hội nghị phải được chuẩn bị chu đáo để đảm bảo giải quyết công việc nhanh gọn, có kết quả thực sự.
Trên những yêu cầu đó, theo tính chất của từng đối tượng phục vụ, mỗi ngành phải xây dựng quy chế lao động phục vụ cho ngành và cho cá nhân. Thường xuyên kiểm tra đưa vào nề nếp.
Đặc biệt, không thể kéo dài tình trạng do tổ chức sộc sệch, yếu kém năng lực, do cán bộ quan liêu, thiếu tinh thần trách nhiệm mà gây trì trệ, cản ngại đến công việc chung, lãng phí nghiêm trọng sức lao động xã hội, gây phiền hà quần chúng.
4. Quá trình từ tiếp quản thành phố mới giải phóng đến cải tạo XHCN và xây dựng CNXH, tổ chức bộ máy quản lý hành chánh và gián tiếp sản xuất có nơi có bộ phận không còn thích hợp trước tình hình mới. Các ngành, các cấp phải nghiên cứu hợp lý hóa tổ chức, bỏ khâu trung gian; mọi hoạt động đều trực tiếp hướng về cơ sở, tăng cường củng cố cho cơ sở vững mạnh.
Phải kiện toàn và tăng cường chất lượng cho bộ máy quản lý Nhà nước từ thành đến quận, huyện, phát động phong trào thi đua “mỗi người làm việc bằng 2”. Kiên quyết giảm biên chế các bộ phận hành chánh, quản trị, tạp vụ,… Số người thừa lập thành danh sách có quỹ lương riêng và phải giải quyết trong một thời hạn không quá 3 tháng theo các chính sách thích hợp.
5. Hết sức coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực công tác của tổ chức, tinh giản bộ máy. Phấn đấu khắc phục dần tình trạng lấy lượng bù chất, tuyển người không qua đào tạo.
Ngoài việc mởi các trường lớp chính quy, cần mở thêm các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, các lớp học tại chức, đảm bảo mỗi cán bộ, công nhân viên đều được kinh qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn.
Thực hiện chuyên môn hóa cán bộ. Hết sức hạn chế thuyên chuyển cán bộ nhơn viên đã được đào tạo chuyên môn từ ngành này sang ngành khác. Khi cần phải được sự thỏa thuận của cơ quan ngành cấp trên.
6. Mọi nguyên nhân không chánh đáng làm giảm năng suất lao động, hụt kế hoạch sản lượng, gây tổn thất – lãng phí công sức đều phải được thẩm tra xác minh, quy trách nhiệm và xử lý thích đáng, theo Nghị định 49/CP của Hội đồng Chánh phủ, Thủ trưởng đơn vị trực tiếp là người trước tiên phải chịu trách nhiệm về các tình trạng đó.
Tiết kiệm vật tư, sử dụng hợp lý và có hiệu quả các loại tài sản
A- Về tiết kiệm vật tư (nguyên vật liệu, nhiên liệu…)
1. Mọi vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu được sử dụng vào sản xuất đều phải có các định mức tiêu hao vật tư cho một đơn vị sản phẩm.
Việc cung cấp vật tư nguyên liệu, nhiên liệu, việc thu hồi thành phẩm đều phải xuất phát từ các định mức tiêu hao vật tư đã định.
Tận dụng các loại bao bì phế thải … tăng thêm nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Trong các trường hợp có thể thu hồi các cũ để làm lại cái mới thì nên áp dụng trao đổi 2 chiều bắt buộc người mua phải đưa cái cũ theo một tỷ lệ quy định thì được lấy cái mới. Tiền lời bán sản phẩm do tiết kiệm và tận dụng phế liệu phế thải lảm được, tùy trường hợp xí nghiệp có thể được giữ lại toàn bộ để tăng thêm quỹ phát triển sản xuất (50%) và quỹ phúc lợi (50%).
Trong điều kiện tổ chức kỹ thuật sản xuất kinh doanh cụ thể của mỗi ngành – có sụ tham khảo chỉ tiêu chung của Trung ương – không ngừng mở rộng việc áp dụng các định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu cho đơn vị sản phẩm ngày càng tiến bộ với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Các chỉ tiêu định mức này phải được nghiên cứu kỹ và áp dụng thống nhứt cho khâu gia công bên ngoài (đặc biệt phải kiểm tra kỹ chất lượng hàng gia công), cho các đơn vị hành chánh sự nghiệp có sử dụng vật tư (nhiên liệu cho ô tô, xi măng cho xây dựng, v.v…).
UBKH thành phố cùng Ban Khoa học kỹ thuật thành phố và Cty Vật tư tổng hợp thành phố thẩm tra xác định lại các trường hợp định mức tiêu hao vật tư chưa đúng hoặc có khoảng cách chênh lệch không hợp lý giữa các ngành để có kiến nghị điều chỉnh thỏa đáng.
Mọi vật tư nhiên liệu tiêu hao vượt định mức, cùng với việc sản xuất hoặc thu mua sản phẩm không đảm bảo chỉ tiêu quy cách phẩm chất phải được thẩm tra, phân tích nguyên nhân quy trách nhiệm người gây ra và xử lý theo nghị định 49/CP của Hội đồng Chánh phủ.
2. Tất cả các loại vật tư nguyên liệu nhiên liệu đều phải được sử dụng hợp lý và bảo quản chu đáo, phải đảm bảo nhà kho đúng quy cách cho từng loại vật tư.
- Công ty Vật tư tổng hợp cùng các ngành có liên quan có trách nhiệm rà lại các định mức hợp lý về hao hụt thích hợp cho mỗi loại vật tư với yêu cầu tổ chức kỹ thuật bảo quản trong điều kiện cụ thể ở thành phố, trình UBND thành phố ban hành cho các ngành thống nhứt thực hiện.
- Việc xuất nhập vật tư nguyên liệu từ kho đều phải tuân thủ theo nguyên tắc quy định, phải đảm bảo đầy đủ chứng tư, sổ sách, thẻ cho từng loại vật tư nguyên liệu… Phải thực hiện cân đong đo đếm rành mạch.
- Phải tiến hành kiểm kê định kỳ : mùng 1 tháng giêng và mùng 1 tháng 7 hằng năm theo quy định của Nhà nước. Phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời các loại vật tư kém mất phẩm chất.
- Tuyệt đối không được giữ lại đơn vị mình những vật tư nguyên liệu không thuộc đối tượng sản xuất, mà phải kịp thời báo cáo cho Sở chủ quản để cùng UBKH điều chuyển cho các đơn vị khác sử dụng.
Trong tình hình đang thiếu nguyên vật liệu, UBKH thành phố có trách nhiệm huy động các loại vật tư nguyên liệu dự trữ quá mức đưa vào sử dụng ở những nơi có nhu cầu, đảm bảo ổn định sản xuất.
3. Tổ chức có hiệu quả thu nhặt phế liệu, phế thải, nguyên liệu thừa, thu hồi các loại bao bì còn có thể sử dụng được (giấy vụ, kim loại, vỏ bút bíc, đồ nhựa, cao su…) trong các cơ quan Nhà nước và trong nhân dân. Các ngành, các đơn vị sản xuất cần bố trí mạng lưới thu mua thuận lợi hoặc có chế độ đỗi thành phẩm lấy phế liệu có tính chất bắt buộc theo tỷ lệ thích hợp (như đổi giấy thành phẩm lấy giấy vụ trong các cơ quan Nhà nước, đổi vỏ xe cũ khi đến nhận vỏ xe mới…).
Công ty Vật tư tổng hợp có trách nhiệm triển khai nhanh mạng lưới Công ty phế liệu thành phố, đảm bảo thu mua phế liệu phế thải, các loại bao bì còn có thể sử dụng được … đến tận phường xã.
Một số loại phế liệu mang tính chất chuyên dùng giao cho xí nghiệp sản xuất trực tiếp tổ chức thu mua. UBKH thành phố có trách nhiệm cùng các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, Công ty vật tư tổng hợp … bàn bạc thống nhứt và trình UBND thành phố duyệt.
B- Sử dụng hợp lý và có hiệu quả các loại tài sản (thiết bị máy móc, phương tiện vận tải, nhà cửa kiến trúc, kho bãi …)
1. Các ngành, các cấp đơn vị có quản lý tài sản công phải có trách nhiệm bảo dưỡng, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài sản theo các chế độ quy định.
Các giám đốc xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có trách nhiệm nắm chắc số lượng và tình trạng thiết bị, phương tiện tại cơ sở phụ trách và có biện pháp tổ chức sử dụng tốt năng lực thiết bị sẵn có. Mỗi cơ sở sản xuất đều phải xây dựng các quy định về bảo dưỡng máy móc thiết bị và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định đó. Nếu có hư hỏng thì phải tổ chức sửa chữa kịp thời.
Đơn vị có máy móc thiết bị thừa có trách nhiệm báo cáo với cấp trên để điều đến những cơ sở có nhu cầu, tránh vì lý do không cần đến mà để máy móc nằm im dẫn đến hư hỏng, mất phẩm chất. Mọi máy móc thiết bị hiện có tại các cơ sở sản xuất kinh doanh đều phải được xác định giá hợp lý và trích khấu hao theo chế độ quy định (trừ các loại thiết bị máy móc dự trữ theo quyết định của UBND thành phố).
2. Đảm bảo chế độ kiểm kê thường kỳ theo quy định đối với toàn bộ tài sản trong cơ quan xí nghiệp qua đó nắm chắc tình hình tài sản trong từng cơ sở, từng đơn vị. Các ngành chức năng phải có biện phạp có hiệu quả huy động tài sản “thừa”, tài sản sử dụng không hợp lý vào phục vụ cho sản xuất, đời sống nhân dân. Những ngành có tài sản thừa, tài sản sử dụng không hợp lý phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định điều động của UBND thành phố.
3. Các ngành sản xuất công nghiệp, các ngành phục vụ phải có kế hoạch tổ chức sản xuất linh kiện phụ tùng thay thế, tổ chức các cơ sở sửa chữa nhằm phục hồi chức năng các máy móc, phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu phục vụ sửa chữa tài sản hư hỏng cho các cơ quan và nhân dân, tiết kiệm của cải xã hội.
Các ngành, cơ quan có nhiều tài sản có thể tổ chức tổ bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ tài sản tại cơ quan đơn vị.
Trong cân đối vật tư kỹ thuật hàng năm, UBKH thành phố cần dành phần thích đáng cho các nhu cầu bảo dưỡng sửa chữa tài sản ở các ngành, các cấp, các đơn vị.
Thành lập Ban thanh lý tài sản thành phố trực thuộc UBND thành phố nhằm thanh lý tài sản hư hỏng không có khả năng khôi phục giá trị sử dụng để thu hồi nguyên liệu và tận dụng linh kiện phụ tùng còn dùng được.
4. Phải coi trọng tổ chức kỹ thuật kho tàng bến bãi cho bảo quản tài sản. Hết sức tận dụng và sử dụng hợp lý diện tích kho tàng bến bãi sẵn có.
Sở Quản lý Nhà đất, UBKH thành phố nắm lại tình hình kho bãi với khối lượng dự trữ tài sản hàng hóa của các cơ quan đơn vị, có kiến nghị điều chỉnh hợp lý.
5. Mọi biểu hiện thất thoát tài sản, hư hỏng tài sản phải được thẩm tra xác minh quy trách nhiệm và xử lý thích đáng và xử lý theo nghị định số 49/CP của Hội đồng Chánh phủ.
Tiết kiệm tiền vốn :
1. “Mức doanh lợi trên I đồng vốn” là chỉ tiêu thể hiện hiệu quả sử dụng tiền vốn trong sản xuất kinh doanh. Đầu tư vốn để làm gì, bao nhiêu, đều phải tính toán trên mức doanh lợi đó.
Tiết kiệm tiền vốn là phải sử dụng vốn sao cho hợp lý có tiền vốn bỏ ra thì phải mang về được sản phẩm tương ứng, tiền vốn bỏ ra ít nhưng làm được nhiều việc lợi.
2. Quản lý tiết kiệm vốn phải gắn với quản lý tiết kiệm lao động, vật tư, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài sản, chấp hành đúng chế độ chi tiêu tài chánh. Kế hoạch tài chánh phải xuất phát từ KH kinh tế và kết quả của hoạt động tài chánh là thước đo kết quả hoạt động kinh tế. Do đó khi có yêu cầu số vốn hoạt động thì phải có chứng minh những kết quả do số vốn đó mang lại :
* Trong các cơ sở sản xuất kinh doanh phải lập kế hoạch sản xuất kỹ thuật tài chánh.
* Trong các cơ quan HCSN phải lập được dự toán thu chi.
* Trong xây dựng phải lập được dự toán trên cơ sở thiết kế kỹ thuật cho mỗi công trình.
….
Khi xác định vốn và cấp vốn cho các đơn vị, cơ quan tài chánh phải kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo :
* Số dự trù chi ăn khớp với mục tiêu phải thực hiện đã ghi trong kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí.
* Số tiền cấp phát lần trước đã được sử dụng đúng với mục tiêu phải thực hiện.
* Kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí được chấp hành tốt.
Cơ quan Tài chánh được quyền từ chối cấp phát những đơn vị không thực hiện đúng các yêu cầu trên đây.
Việc cấp phát vốn phải được thực hiện trực tiếp với đơn vị cơ sở được quyết định của UBND thành phố là một đơn vị hạch toán kinh tế độc lập mà không phải thông qua cấp trung gian nào khác.
3. Phải thực hiện đầy đủ chế độ quyết toán chi tiêu sau mỗi khoản chi đột xuất hoặc theo định kỳ hàng tháng, quý, năm theo quy định.
Báo cáo quyết toán phải kèm theo bản phân tích tình hình chấp hành kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí, phân tích sâu sắc các mặt hoạt động kinh tế nhằm rút kinh nghiệm để tăng cường công tác quản lý tài chánh, kiểm tra tình hình chấp hành kế hoạch tài vụ và dự toán kinh phí, kiểm tra sự tôn trọng chế độ và kỷ luật tài chánh của Nhà nước, kiểm tra mức độ hoàn thành kế hoạch kinh tế quốc dân.
Cơ quan Tài chánh được quyền đình chỉ cấp phát hoạt động phí đối với những đơn vị không đảm bảo quyết toán và báo cáo cho TV. Thành ủy và Thường trực UBND thành phố nếu xét thấy có tình trạng sử dụng tiền cấp phát không đúng với mục tiêu phải thực hiện đã quy định hoặc có tình trạng vi phạm kỷ luật tài chánh.
4. Quá trình thực hiện KH tài chánh đạt hiệu quả cao cũng là quá trình tài chánh giám sát thực hiện KH kinh tế, quản lý các mặt lao động, vật tư, tài sản, tiền vốn.
Trong chỉ tiêu KH giao cho các ngành hàng năm cần có chỉ tiêu tiết kiệm – hạ giá thành – hạ phí lưu thông hợp lý, và trong xét khen thưởng hoàn thành KH cuối năm đây là một chỉ tiêu quan trọng không được bỏ qua. Những đơn vị làm tốt và vượt mức chỉ tiêu này thì được thưởng vượt mức theo tỷ lệ hoàn thành vượt mức kế hoạch.
5. Tiết kiệm tài chánh trong các cơ quan HCSN là phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ thu chi tài chánh thống nhứt, gắn với việc quản lý tiết kiệm lao động, vật tư, sử dụng hợp lý tài sản : nhà cửa, kiến trúc, phương tiện vận tải, xăng dầu, điện nước, văn phòng phẩm, … theo chế độ hiện hành của Trung ương và UBND thành phố và dự toán kinh phí được duyệt đúng mục đích, cắt giảm những khoản chi không thiết thực, phô trương hình thức, cắt bỏ các khoản liên hoan ăn uống hội nghị, giảm bớt chi tiêu cho tiếp tân, mua sắm. Cơ quan Tài chánh được quyền xuất toán đối với các trường hợp vi phạm.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ thu đủ trong các cơ quan sự nghiệp có thu : tất cả các khoản thu được thực hiện theo kế hoạch được duyệt đều phải nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố, tất cả các khoản chi theo chế độ đều được xác định trong kế hoạch chi được UBND thành phố xét duyệt và được NS thành phố cấp phát theo định kỳ hằng quý, tuyệt đối không được giữ sổ thu được để chi bất kỳ cho một nhu cầu nào.
- Thực hiện đúng quy định về sử dụng xăng, xe theo chỉ thị số 52 của UBND thành phố.
- Tiến hành thu tiền nhà, điện nước đối với số cán bộ ở nhà do cơ quan quản lý theo tỷ lệ % trên mức lương được hưởng (theo quy định của Trung ương) nhưng có khống chế mức tiêu dùng điện nước.
- Giao cho Sở Tài chánh chủ trì bàn với các ngành có liên quan chuẩn bị phương án trình UBND thành phố về việc nhượng lại cho cán bộ - công nhân viên chức các tài sản tiếp quản (thuộc tư liệu sanh hoạt) trong các nhà do cơ quan quản lý.
6. Cơ quan Tài chánh một mặt phải quản lý chặt chẽ chế độ chi tiêu tài chánh, mặt khác phải quan tâm tạo điều kiện cho các ngành các cấp có phương tiện làm việc thích hợp nâng cao được hiệu quả suất lao động.
II. MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU TIẾT KIỆM TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 1978 :
Căn cứ nội dung biện pháp tiết kiệm chung từ nay đến cuối năm phấn đấu thực hiện một số chỉ tiêu cụ thể như sau :
1. Thực hiện đúng định mức xăng dầu quy định trong vận tải, trong sử dụng xe công phục vụ công tác theo chỉ thị 52 của UBND thành phố, đảm bảo tiết kiệm xăng dầu phục vụ cho sản xuất công, nông nghiệp.
2. Tận dụng các phương tiện dụng cụ văn phòng sẵn có (giấy, mực, bàn ghế, máy chữ, máy tính …) hạn chế đến mức tối đa việc mua ngoài, tiết kiệm việc sử dụng điện nước trong cơ quan đảm bảo theo định mức, phấn đấu tiết kiệm 10% chi phí hành chánh. Tiến hành thanh toán tiền nhà, điện, nước đối với số hộ ở nhà tập thể do cơ quan quản lý.
3. Tính toán kỹ lại dự toán các công trình xây dựng, đảm bảo đúng đơn giá, đúng định mức tiêu hao vật liệu, cắt các khoản tăng không hợp lý (đơn giá vật liệu, tiền công, tiêu hao vật liệu …) trên cơ sở đó thực hiện giảm 10% mức cấp phát so dự toán công trình.
4. Rà lại tất cả kho tàng, hoàn thành việc kiểm kê, phân loại phần cấp sổ vật tư hàng hóa thu mua trong cải tạo tư sản thương nghiệp để tăng doanh số hàng bán ra trên mức chỉ tiêu kế hoạch quý 4/1978 là 50.000.000đ (theo giá bán) phục vụ sản xuất và đời sống. Có kế hoạch giải quyết bằng hết số vật tư hàng hóa kém, mất phẩm chất.
5. Tiến hành thu gom đầy đủ (phát hiện đến đâu thu gom đến đó) các loại tài sản quý ở các hộ vắng chủ, bảo quản chu đáo, đánh giá kịp thời và có phương thức phân phối không để đọng trong kho.
Tiến hành thanh lý toàn bộ các loại dụng cụ hư hỏng không sử dụng trong các cơ quan, xí nghiệp. Riêng xe hơi đảm bảo thanh lý 30% số xe hư hỏng để tận dụng phụ tùng cho sửa chữa, tạo thêm nguyên liệu cho sản xuất.
6. Có biện pháp vận động và đặt kế hoạch cho mỗi nhà, mỗi cơ quan thực hiện đều khắp “sọt phế liệu phế thải tiết kiệm” để bán cho mạng lưới thu mua phế liệu.
7. Đối với những cơ quan, đơn vị chưa xây dựng xong định mức lao động, định mức vật tư kỹ thuật trong sản xuất thì phấn đấu xây dựng xong trong từng đơn vị.
8. Phấn đấu giải quyết hết lao động thừa trong các cơ quan HCSN so với chỉ tiêu được giao trong năm 1978. Trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, ở những nơi có bộ máy gián tiếp vượt qua mức tỷ lệ quy định (từ 12 đến 18%) cần thu xếp chuyển ngay sang sản xuất.
III. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở học tập NQ 4 của TW và thực hiện NQ hội nghị BCH Đảng bộ lần thứ 6 gắn với các cuộc sinh hoạt đoàn thể, đơn vị chuyên môn mà giáo dục cán bộ - công nhân viên chức phát huy tinh thần làm chủ tập thể, tạo một khí thế lao động công tác với ý thức tiết kiệm chống lãng phí để xây dựng chủ nghĩa xã hội phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Có kế hoạch huy động lực lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật tham gia tích cực vào công tác xây dựng các chỉ tiêu định mức có kỹ thuật tiên tiến, định mức lao động hợp lý, xây dựng chương trình công tác đảm bảo ngày công giờ công có ích và các biện pháp thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu định mức đó trong các xí nghiệp, cơ quan. Mặt khác phải đề cao ý thức tổ chức kỷ luật trong chấp hành chế độ tiết kiệm chống lãng phí trong các cơ quan đơn vị. Thực hiện chế độ khuyến khích vật chất đối với những cá nhân, tập thể có thành tích trong tiết kiệm.
2. Trên cơ sở phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ - công nhân viên cơ quan, xí nghiệp, căn cứ vào nội dưng và chỉ tiêu phấn đấu chung của thành phố, mỗi cơ quan đơn vị phải xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể trong cơ quan đơn vị mình từ nay đến cuối năm 1978 thể hiện bằng các con số cụ thể và các biện pháp đảm bảo thực hiện bằng được các chỉ tiêu đề ra gởi cho UBND thành phố và Ban chỉ đạo NQ 28-29 chậm nhất là ngày 15/10/1978.
3. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi liên tục trên đài, trên báo về thành tích tiết kiệm và phê phán các hiện tượng lãng phí (trên báo Đảng càn mở rộng một mục riêng về vấn đề này).
Các Sở, Ban Ngành, các Quận Huyện cần nghiên cứu áp dụng NĐ số 49/CP của Hội đồng Chánh phủ ban hành chế độ trách nhiệm vật chất của công nhân viên chức đối với tài sản Nhà nước. Thủ trưởng các ngành phải là người gương mẫu lãnh đạo có hiệu quả chế độ tiết kiệm, và chịu trách nhiệm về tình hình lãng phí tham ô trong cơ quan, xí nghiệp mình.
4. Các cơ quan chức năng như : Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Sở Tài chánh, Sở Lao động, Ban Tổ chức chánh quyền … cần có kế hoạch theo dõi giúp Thường trực UBND thành phố trong việc kiểm tra thi hành các chế độ tiết kiệm và đề nghị khen thưởng kết quả tiết kiệm (gắn với đánh giá hoàn thành kế hoạch năm 1978), có kiến nghị xử lý thích đáng việc vi phạm chế độ tiết kiệm gây lãng phí sức lao động, vật tư, tài sản, tiền vốn.
5. Hằng tháng : vào cuối tháng 10, tháng 11, tháng 12/1978 các Sở, Ban Ngành, Quận Huyện sơ kết kết quả thực hiện tiết kiệm báo cáo cho Thường trực UBND thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, Ban Ngành, các Quận Huyện tổ chức nghiên cứu toàn bộ chỉ thị này, có biện pháp cụ thể thực phù hợp với hoàn cảnh của từng nơi nhằm thực hiện một các tốt nhất các điểm đề ra, đặc biệt phấn đấu đạt được các mục tiêu từ nay đến cuối năm 1978.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Chỉ thị 54/CT-UB năm 1978 về chống lãng phí, thực hành tiết kiệm lao động, vật tư tài sản, tiền vốn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 54/CT-UB |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký: | Vũ Đình Liệu |
Ngày ban hành: | 16/10/1978 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 54/CT-UB năm 1978 về chống lãng phí, thực hành tiết kiệm lao động, vật tư tài sản, tiền vốn do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chưa có Video