UỶ BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Quảng Bình, ngày 25 tháng 5 năm 2015 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG, CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2015
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2015; Nghị quyết số 95/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 20/01/2015 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Nhờ sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những tháng đầu năm tiếp tục duy trì ổn định, một số khoản thu đạt cao so với dự toán, tạo đà phát triển cho các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, số thu từ các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhưng chưa đạt tiến độ đề ra, một số khoản thu chưa bền vững, nợ đọng thuế vẫn ở mức cao v.v...
Ngày 21/04/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015 và Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 3695/BTC-HCSN ngày 20/3/2015 về việc thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2015, để đảm bảo sự chủ động trong điều hành các nhiệm vụ thu, chi NSNN theo dự toán đã được HĐND tỉnh thông qua, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo kế hoạch hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, đồng thời tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến tài chính - ngân sách như sau:
1. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có số thu lớn; tiếp tục khơi thông nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục vay vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên cho vay các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng thu cho NSNN.
2. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2015, cụ thể:
- Cơ quan Thuế, Tài chính các cấp, Cục Hải quan và các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước. Trong đó, tập trung rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước, chống thất thu thuế, nhất là đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân, lĩnh vực XDCB, dịch vụ, du lịch, nhà hàng, khách sạn; đôn đốc các khoản phải thu theo kết quả kiểm toán, thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật; đẩy mạnh công tác phòng, chống gian lận thương mại; tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật thuế mới đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục hành chính thuế, hải quan;
- Đẩy mạnh việc xử lý thu hồi để giảm nợ đọng thuế; tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chậm thanh toán nợ thuế; định kỳ công khai số thuế nợ đọng của từng địa phương, doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước.
3. Tiếp tục đẩy mạnh thu từ nguồn cấp quyền sử dụng đất, giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu, đề xuất phân cấp thẩm quyền xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định để rút ngắn thời gian đấu giá đất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần tăng thu cho NSNN.
1. Về việc dừng thực hiện và hủy bỏ đối với các khoản chi thường xuyên
1.1. Dừng thực hiện và hủy bỏ đối với các khoản chi thường xuyên được giao mà sau ngày 30/6/2015 các đơn vị dự toán cấp I chưa lập phương án phân bổ gửi cơ quan Tài chính thẩm định trình UBND cùng cấp quyết định (trừ các khoản được phép thực hiện phân bổ, cấp phát theo tiến độ quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép).
Sau ngày 30/6/2015, cơ quan tài chính các cấp không thẩm tra phân bổ dự toán đối với các khoản chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị (trừ các khoản được phép thực hiện phân bổ, cấp phát theo tiến độ quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và các trường hợp khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép).
Các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát các khoản chưa phân bổ và chịu trách nhiệm về kết quả rà soát của đơn vị, báo cáo UBND tỉnh (qua sở Tài chính) để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.
1.2. Dừng thực hiện và hủy bỏ đối với các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán ngân sách giao đầu năm, nhưng đến ngày 30/6/2015 chưa được phê duyệt dự toán, chưa thực hiện bất kỳ công việc nào của công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan (trừ một số trường hợp: kinh phí phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai; kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; các khoản kinh phí được phép thực hiện theo tiến độ quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định), cụ thể:
- Các cơ quan, đơn vị dự toán cấp tỉnh thực hiện rà soát và gửi kết quả rà soát cắt giảm kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán ngân sách giao đầu năm (nếu có), nhưng đến ngày 30/6/2015 chưa thực hiện về Sở Tài chính để tham mưu UBND tỉnh quyết định điều chỉnh giảm dự toán của cơ quan, đơn vị, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh (nơi kiểm soát, thanh toán) để thực hiện kiểm soát chi.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn thực hiện rà soát kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán ngân sách giao đầu năm (nếu có), nhưng đến ngày 30/6/2015 chưa thực hiện và gửi kết quả rà soát về Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố, thị xã để tham mưu cho UBND cấp huyện quyết định điều chỉnh giảm dự toán của cơ quan, đơn vị trên địa bàn và gửi báo cáo về Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước (nơi kiểm soát, thanh toán) để thực hiện kiểm soát chi.
- Trường hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương không gửi kết quả rà soát, cắt giảm thì Kho bạc nhà nước (nơi kiểm soát, thanh toán) phải thực hiện kiểm soát thanh toán chặt chẽ cho đơn vị theo dự toán ngân sách nhà nước đã giao theo quy định hiện hành. Trong quá trình kiểm soát chi, trường hợp Kho bạc nhà nước phát hiện các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán ngân sách giao đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2015 chưa được phê duyệt dự toán, chưa thực hiện bất kỳ công việc nào của công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu, thì Kho bạc nhà nước phải tạm dừng thanh toán, đồng thời báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
1.3. Đối với việc mua sắm xe ô tô thực hiện theo Công văn số 1438/BTC-QLCS ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2015; thực hiện nghiêm quy định không mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác.
2. Về tiết kiệm các khoản chi thường xuyên
2.1. Thực hiện tạm giữ lại tại Kho bạc nhà nước 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách, không bao gồm các khoản: chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ; tiết kiệm chi 10% để tạo nguồn cải cách tiền lương theo dự toán giao đầu năm; chi đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Giao Sở Tài chính hướng dẫn xác định số tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên nêu trên. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi trong dự toán được giao, xác định cụ thể số kinh phí tạm giữ, gửi Sở Tài chính tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Bộ Tài chính trước 10/06/2015.
2.2. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác trong và ngoài nước từ NSNN..., trong đó:
a) Chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, các khoản chi mua sắm trang thiết bị; tiết giảm tối đa các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, chi hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, nhất là các khoản chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí, xăng dầu.., cụ thể:
- Chi phí văn phòng phẩm: Triệt để tiết kiệm trong sử dụng văn phòng phẩm, thực hiện nhận văn bản chỉ đạo qua mạng công nghệ thông tin để hạn chế in, sao chụp giấy tờ không cần thiết, tăng cường tận dụng giấy in 2 mặt.
- Chi phí sử dụng điện: Thực hiện tiết kiệm điện theo Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT-BTC-BCT ngày 01/6/2009 của liên Bộ Tài chính - Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ kỷ niệm, động thổ, khởi công, khánh thành công trình:
+ Thực hiện nghiêm túc quy định về chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo; chế độ tiếp khách trong nước và quốc tế; hạn chế tình trạng phô trương, hình thức, tiếp khách tràn lan gây lãng phí ngân sách nhà nước. Cắt giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổ chức các lễ kỷ niệm, lễ khởi công, lễ khánh thành; không tổ chức các hội nghị, hội thảo có nội dung không thiết thực.
+ Thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý và kết hợp hợp lý các loại cuộc họp; chuẩn bị kỹ đầy đủ đúng yêu cầu, nội dung cuộc họp, tuỳ theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng người tham dự cuộc họp cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
+ Hạn chế tối đa việc tổ chức họp tập trung (trừ các cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước); đối với các cuộc họp do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh triệu tập phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh, cuộc họp do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện triệu tập phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND cấp huyện.
b) Chi đi công tác nước ngoài: Thực hiện rà soát để dừng các đoàn đi công tác nước ngoài không thực sự cần thiết theo đúng tinh thần Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài.
c) Chi phí đi công tác trong nước: Rà soát việc tổ chức các đoàn công tác theo tinh thần triệt để tiết kiệm, nắm thông tin trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị. Trường hợp cần thiết phải tổ chức đoàn công tác, phải xác định cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên trong đoàn, triệt để ngăn chặn việc kết hợp đi công tác với tham quan, du lịch. Rà soát kỹ các chương trình kiểm tra, thanh tra, các đoàn công tác từ cấp trên xuống cấp dưới, bảo đảm gọn nhẹ, tiết kiệm, hiệu quả; không tổ chức đón tiếp gây tốn kém chi phí đối với cấp dưới và các cơ quan có liên quan.
2.3. Thực hiện các yêu cầu về tiết kiệm, chống lãng phí theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Thông tư số 188/2014/TT-BTC ngày 10/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2.4. Thực hiện công khai đối với các khoản chi phí khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài từ ngân sách nhà nước. Cụ thể như sau:
- Nội dung công khai: Dự toán đã bố trí, kinh phí đã phân bổ, sử dụng, số lượng đoàn đi công tác nước ngoài.
- Hình thức công khai: Phù hợp với hoạt động của đơn vị (niêm yết công khai tại trụ sở làm việc, trên trang thông tin điện tử...).
3. Về quản lý và điều hành ngân sách
3.1. Không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn đảm bảo.
3.2. Kiên quyết dừng triển khai và thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương đối với kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, thị xã nhưng đến 30/6/2015 chưa phân bổ, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật và trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định).
3.3. Không ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt (thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách...) thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3.4. Rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
3.5. Điều hành ngân sách chủ động, tích cực đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, tổ chức điều hành chi NSNN theo nguyên tắc:
a) Quản lý chặt chẽ, trước mắt điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, như: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...; 50% nguồn dự phòng ngân sách còn lại tạm giữ lại để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán được giao (mua sắm, sửa chữa....).
b) Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề ra các giải pháp nhằm hoàn thành và vượt dự toán thu NSNN năm 2015 để đảm bảo dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.
c) Đối với số thu tiền sử dụng đất, trường hợp giảm thu so với dự toán, đồng thời ngân sách địa phương cũng bị giảm thu tổng thể thì thực hiện cắt giảm, hoặc giãn tiến độ thực hiện của công trình, dự án được bố trí chi từ nguồn thu này.
3.6. Việc sử dụng các nguồn kinh phí tạm giữ lại nêu trên (gồm: 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách, 50% dự phòng ngân sách các cấp) được căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách địa phương, theo nguyên tắc:
a) Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) đạt dự toán, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định.
b) Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán: các nguồn kinh phí tạm giữ lại được sử dụng để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; nếu vẫn còn thiếu nguồn thì sử dụng thêm nguồn lực tài chính ngân sách của địa phương (kết dư ngân sách địa phương năm 2014...); kết hợp với rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết,... để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung của Chỉ thị này khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện ở cấp dưới, các đơn vị trực thuộc để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2015; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật liên quan đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm.
- Giao Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị dự toán rà soát các khoản chi thường xuyên chưa phân bổ, các khoản mua sắm, sửa chữa chưa thực hiện theo quy định. Định kỳ hàng quý các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo tình hình thực hiện gửi về Sở Tài chính trước ngày 20 của tháng cuối các quý II, III, IV; Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND tỉnh trước ngày 25 của tháng cuối các quý II, III, IV để UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính trước ngày 30 của tháng cuối quý theo quy định.
- Giao Sở Tài chính tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai các nội dung tại Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh các khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) để xem xét xử lý theo quy định./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 08/CT-UBND về tăng cường, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015 do tỉnh Quảng Bình ban hành
Số hiệu: | 08/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Bình |
Người ký: | Nguyễn Văn Quang |
Ngày ban hành: | 25/05/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 08/CT-UBND về tăng cường, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015 do tỉnh Quảng Bình ban hành
Chưa có Video