Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

CÔNG ƯỚC GENEVA

BẢO HỘ NHÀ SẢN XUẤT BẢN GHI ÂM CHỐNG VIỆC SAO CHÉP KHÔNG ĐƯỢC PHÉP BẢN GHI ÂM CỦA HỌ (CÓ HIỆU LỰC TẠI VIỆT NAM TỪ NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 2005)

Công ước bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ (29/10/1971)

Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới - GENEVA 1993

Các Quốc gia ký kết,

Lo ngại trước tình trạng tràn lan và tăng nhanh bản sao không được phép của các bản ghi âm và thiệt hại của tình trạng đó gây ra đối với lợi ích của tác giả, người biểu diễn, và nhà sản xuất bản ghi âm;

Nhận thấy rằng việc bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống các hành vi trên còn đem lại lợi ích cho những người biểu diễn có tiết mục biểu diễn, và những tác giả có tác phẩm, được ghi trong bản ghi âm đó;

Công nhận giá trị công việc đạt được trong lĩnh vực này của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hiệp quốc và Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới;

Mong muốn không ảnh hưởng theo bất kỳ cách thức nào tới các thoả thuận quốc tế đang có hiệu lực và đặc biệt là không gây cản trở bằng bất kỳ cách thức nào đến việc chấp nhận rộng rãi hơn nữa Công ước Rome ngày 26/10/1961 quy định về việc bảo hộ người biểu diễn và các tổ chức phát thanh truyền hình cũng như nhà sản xuất bản ghi âm;

Đã thoả thuận như sau:

Điều 1. Định nghĩa*

Trong Công ước này:

(a). "Bản ghi âm" là bất kỳ bản định hình các âm thanh biểu diễn hoặc các âm thanh khác dành riêng cho cơ quan thính giác;

(b). "Nhà sản xuất bản ghi âm" là người, hoặc pháp nhân định hình lần đầu các âm thanh của buổi biểu diễn hoặc các âm thanh khác;

(c). "Bản sao" là vật hàm chứa các âm thanh được sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp từ bản ghi âm và nó biểu hiện toàn bộ hoặc phần chủ yếu của các âm thanh được định hình trong bản ghi âm đó;

(d). "Phân phối tới công chúng" có nghĩa là bất kỳ hành vi nào mà thông qua đó các bản sao của bản ghi âm được đưa ra chào bán trực tiếp hoặc gián tiếp cho rộng rãi công chúng hoặc bất kỳ bộ phận công chúng nào.

Điều 2. Các nghĩa vụ của quốc gia ký kết; các quốc gia ký kết phải bảo hộ những ai và chống lại cái gì

Mỗi quốc gia ký kết sẽ bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm là công dân của các quốc gia ký kết khác chống lại việc làm bản sao mà không được sự đồng ý của nhà sản xuất bản ghi âm đó và chống lại việc nhập khẩu các bản sao đó, với điều kiện là việc làm bản sao hoặc nhập khẩu đó là nhằm mục đích phân phối tới công chúng, và chống lại việc phân phối các bản sao đó tới công chúng.

Điều 3. Phương thức thi hành của các quốc gia ký kết

Phương thức thi hành Công ước này là vấn đề của pháp luật quốc gia của mỗi quốc gia ký kết và gồm một hoặc nhiều phương thức sau: bảo hộ thông qua việc cho hưởng quyền tác giả hoặc quyền cụ thể khác; bảo hộ thông qua luật về cạnh tranh bất chính; bảo hộ thông qua các chế tài hình sự.

Điều 4. Thời hạn bảo hộ

Thời hạn bảo hộ sẽ tuỳ thuộc vào pháp luật quốc gia của mỗi quốc gia ký kết. Tuy nhiên, nếu luật pháp quốc gia quy định một thời hạn cụ thể cho sự bảo hộ này, thì thời hạn đó sẽ không ít hơn hai mươi năm kể từ khi kết thúc của năm mà các âm thanh thể hiện trong bản ghi âm được ghi lần đầu hoặc của năm mà bản ghi âm được công bố lần đầu.

Điều 5. Thủ tục hình thức

Nếu, một quốc gia ký kết, theo pháp luật quốc gia của mình, yêu cầu tuân thủ cácthủ tục hình thức với tư cách là điều kiện cho việc bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm, các thủ tục hình thức này được coi là đã hoàn tất nếu tất cả các bản sao được phép của bản ghi âm được phân phối tới công chúng hoặc bao gói của chúng mang dấu hiệu có biểu tượng (P), cùng với năm công bố lần đầu, được trình bày theo cách thức nhằm tạo ra một dấu hiệu hợp lý chỉ rõ về yêu cầu bảo hộ; và nếu các bản sao hoặc bao gói của chúng không chỉ rõ nhà sản xuất, người thừa kế hợp pháp hoặc người được cấp li-xăng độc quyền (bằng việc đưa tên, nhãn hiệu hàng hoá hoặc các chỉ dẫn phù hợp khác), dấu hiệu cũng có thể gồm tên của nhà sản xuất, người thừa kế hợp pháp hoặc người được cấp li-xăng độc quyền.

Điều 6. Hạn chế bảo hộ

Bất kỳ quốc gia ký kết nào dành sự bảo hộ thông qua phương thức quyền tác giả hoặc quyền cụ thể khác, hoặc sự bảo hộ thông qua phương thức các chế tài hình sự, đều có thể quy định trong pháp luật quốc gia của quốc gia mình, liên quan tới việc bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm, về các loại hạn chế tương tự như đã quy định đối với việc bảo hộ các tác giả của các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Tuy nhiên, không cho phép bất kỳ một li-xăng cưỡng bức trừ khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây:

(a). Việc sao chép chỉ dành cho việc sử dụng nhằm mục đích giảng dạy và nghiên cứu khoa học;

(b). Li-xăng chỉ có hiệu lực đối với việc sao chép trong phạm vi lãnh thổ quốc gia ký kết có cơ quan có thẩm quyền đã cấp li-xăng đó và không mở rộng áp dụng đối với việc xuất khẩu các bản sao;

(c). Việc sao chép thực hiện theo li-xăng là cơ sở của khoản thù lao thoả đáng do cơ quan có thẩm quyền nói trên ấn định có tính tới, ngoài các vấn đề khác, số lượng bản sao sẽ được tạo ra;

Điều 7. Ghi nhận: 1. Bảo vệ quyền tác giả và quyền kề cận; 2. Bảo hộ người biểu diễn; 3. Không hồi tố; 4. Thay thế tiêu chuẩn ghi âm

(1). Không được giải thích Công ước này bằng bất kỳ cách thức nào để hạn chế hoặc ảnh hưởng tới sự bảo hộ khác được bảo đảm đối với tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm hoặc tổ chức phát sóng theo bất kỳ pháp luật quốc gia hoặc thoả thuận quốc tế nào.

(2). Pháp luật quốc gia của mỗi quốc gia ký kết có thể quy định phạm vi, nếu có, mà trong đó những người biểu diễn có các tiết mục biểu diễn đã được ghi trong bản ghi âm phải được quyền hưởng sự bảo hộ và các điều kiện cho việc hưởng sự bảo hộ đó.

(3). Không một quốc gia ký kết nào bị bắt buộc áp dụng các quy định của Công ước này đối với bất kỳ bản ghi âm nào được ghi trước khi Công ước này có hiệu lực đối với quốc gia đó.

(4). Bất kỳ quốc gia ký kết nào mà vào ngày 29/10/1971, chỉ dành sự bảo hộ đối với nhà sản xuất bản ghi âm trên cơ sở nơi ghi âm lần đầu, có thể thông qua một thông báo nộp tới Tổng thư ký của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới,tuyên bố là quốc gia đó áp dụng tiêu chuẩn nơi ghi âm lần đầu này thay vì áp dụng tiêu chuẩn quốc tịch của nhà sản xuất bản ghi âm.

Điều 8. Ban thư ký

(1). Vụ quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới họp và công bố thông tin về việc bảo hộ bản ghi âm. Mỗi quốc gia ký kết gửi trực tiếp tới Vụ quốc tế tất cả các luật và các văn bản mới chính thức về vấn đề này.

(2). Vụ quốc tế, theo yêu cầu, cung cấp thông tin cho bất kỳ quốc gia ký kết nào về các vấn đề liên quan tới Công ước này, và tổ chức nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho sự bảo hộ được quy định trong Công ước này.

(3). Vụ quốc tế thực hiện các chức năng nêu tại Khoản (1) và (2) trên với sự hợp tác với Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hiệp quốc và Tổ chức Lao động quốc tế về các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của các tổ chức đó.

Điều 9. Tham gia Công ước: 1. Ký và nộp lưu chiểu; 2&3. Phê chuẩn và gia nhập; 4. Các nghĩa vụ của các quốc gia thông qua luật quốc gia của quốc gia đó

(1). Công ước này được nộp cho Tổng thư ký của Liên hiệp quốc. Công ước này được để ngỏ cho việc ký kết tới ngày 30/04/1972 của bất kỳ quốc gia nào là thành viên của Liên hiệp quốc hoặc các cơ quan chuyên môn có quan hệ với Liên hiệp quốc, hoặc Cơ quan năng lượng quốc tế hoặc là một bên ký kết của Quy chế về Toà án quốc tế.

(2). Công ước này phải được sự phê chuẩn hoặc chấp thuận của các quốc gia ký kết. Công ước sẽ mở rộng cho việc gia nhập của bất kỳ quốc gia nào nêu tại Khoản (1) của Điều này.

(3). Các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập được nộp cho Tổng thư ký của Liên hiệp quốc.

(4). Được hiểu là vào thời điểm một quốc gia bị ràng buộc bởi Công ước này thì Quốc gia đó, theo pháp luật quốc gia của mình, phải làm cho các quy định của Công ước này có hiệu lực.

Điều 10. Bảo lưu

Không cho phép bất cứ bảo lưu nào đối với Công ước này.

Điều 11. Hiệu lực và khả năng áp dụng: 1&2. Hiệu lực của Công ước; 3&4. Khả năng áp dụng Công ước đối với các vùng lãnh thổ nhất định

(1). Công ước này có hiệu lực ba tháng sau khi nộp văn kiện thứ 5 về việc phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập.

(2). Đối với mỗi quốc gia phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập Công ước này sau ngày nộp văn kiện thứ 5 về việc phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập, Công ước này sẽ có hiệu lực 3 tháng sau ngày Tổng giám đốc của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới thông báo tới các quốc gia, về việc nộp các văn kiện của nước đó, theo quy định tại Khoản 4 Điều 13.

(3). Bất kỳ quốc gia nào, vào thời điểm phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập hoặc vào bất kỳ thời điểm nào sau đó, đều có thể tuyên bố bằng thông báo gửi tới Tổng thư ký của Liên hiệp quốc rằng Công ước này được áp dụng đối với tất cả hoặc bất kỳ một vùng lãnh thổ nào mà hoạt động ngoại giao của vùng đó do quốc gia này chịu trách nhiệm. Thông báo này có hiệu lực 3 tháng sau ngày mà thông báo được nhận.

(4). Tuy nhiên, không được hiểu Khoản trên theo bất kỳ cách thức nào là nó ngụ ý về sự thừa nhận hoặc chấp nhận ngầm của một quốc gia ký kết về tình trạng thực tế liên quan đến một vùng lãnh thổ mà Công ước này được áp dụng theo thông báo của một quốc gia ký kết khác theo Khoản trên.

Điều 12. Rút khỏi Công ước

(1). Bất kỳ quốc gia ký kết nào đều có thể rút khỏi Công ước này, trên danh nghĩa của chính quốc gia mình hoặc trên danh nghĩa của các vùng lãnh thổ nêu tại Điều 11 Khoản (3), thông qua một thông báo bằng văn bản gửi tới Tổng thư ký của Liên hiệp quốc.

(2). Việc rút khỏi Công ước có hiệu lực sau 12 tháng, kể từ ngày Tổng thư ký Liên hiệp quốc nhận được thông báo.

Điều 13. Ngôn ngữ và thông báo

(1). Công ước này được ký trên đơn bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, và tiếng Tây Ban Nha, 4 bản này có giá trị ngang nhau.

(2). Văn bản chính thức của Công ước cũng được Tổng giám đốc của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới soạn, sau khi tham khảo ý kiến của các nước hữu quan, bằng ngôn ngữ ả Rập, Đan mạch, Đức, ý, Bồ Đào Nha.

(3). Tổng thư ký của Liên hiệp quốc sẽ thông báo tới Tổng giám đốc của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, Tổng giám đốc của Tổ chức văn hoá khoa học  và giáo dục Liên hiệp quốc và Tổng giám đốc của Tổ chức lao động quốc tế về:

(a). Việc ký kết Công ước;

(b). Việc nộp các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập;

(c). Ngày có hiệu lực của Công ước;

(d). Bất kỳ tuyên bố nào được gửi theo Khoản (3) Điều 11;

(e). Việc nhận các thông báo về việc rút khỏi Công ước.

(4). Tổng giám đốc của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới sẽ thông báo cho quốc gia nêu tại Khoản (1) Điều 9, về việc nhận được thông báo theo Khoản trên và về bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra theo Khoản (4) Điều 7. Tổng giám đốc của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới cũng thông báo cho Tổng giám đốc của Tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục Liên hiệp quốc và Tổng giám đốc của Tổ chức lao động quốc tế về các tuyên bố đó.

(5). Tổng thư ký của Liên hiệp quốc chuyển hai bản sao có xác nhận của Công ước tới các quốc gia nêu tại Khoản (1) Điều 9.


* các Điều đã được đặt tiêu đề để thuận tiện cho việc tra cứu. Không có tiêu đề trong văn bản đã được ký gốc.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ

Số hiệu: Khongso
Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: ***
Người ký: ***
Ngày ban hành: 29/10/1971
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Công ước Geneva bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…