Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 845/CT-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THỰC THI QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP

Thực thi quyền sở hữu công nghiệp là vấn đề ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Những năm qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp thực thi quyền sở hữu công nghiệp và đã đạt được kết quả khả quan, được quốc tế ghi nhận. Số lượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý... được bảo hộ ngày càng tăng. Các cơ quan chức năng đã xử lý ngày càng nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Tuy nhiên, việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn diễn biến phức tạp, kéo dài và còn khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại cho chủ sở hữu và người tiêu dùng, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như uy tín quốc gia.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do vẫn còn nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự coi trọng công tác quản lý và thực thi quyền sở hữu công nghiệp, chưa tích cực chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, công tác quản lý chuyên ngành trong lĩnh vực này cũng chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời.

Để đẩy mạnh việc thực hiện các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp; thiết lập mạng thông tin quốc gia về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu khả năng ký kết các văn kiện hợp tác về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp với các nước trong khu vực và quốc tế.

c) Hỗ trợ việc liên kết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

d) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về sở hữu công nghiệp và xử lý vi phạm theo đúng thẩm quyền; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu công nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng và bằng các biện pháp tiên tiến khác.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm, hàng hoá được phân công quản lý, đặc biệt đối với các sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn cho người, động vật, thực vật, môi trường.

b) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

c) Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cơ quan và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

d) Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ tình hình thực thi quyền sở hữu công nghiệp của Bộ, ngành mình, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ việc bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm, hàng hoá của địa phương.

b) Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

c) Tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại địa phương, đặc biệt chú trọng việc ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý có tính phổ biến, gây bức xúc cho dư luận.

d) Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ tình hình thực thi quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, KGVX (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Chỉ thị 845/CT-TTg năm 2011 về tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 845/CT-TTg
Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
Ngày ban hành: 02/06/2011
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Chỉ thị 845/CT-TTg năm 2011 về tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…