Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 4204/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM NĂM 2008

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 13 tháng 12 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 ;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ ngành có liên quan;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các đồng chí Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Ngoại giao;
- Bộ Công an;
- Bộ Giáo dục và đào tạo;
- Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, Vụ HCTP.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM NĂM 2008
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4204/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Luật quốc tịch Việt Nam được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 13 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 và thay thế Luật quốc tịch Việt Nam năm 1998. Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Ngoại Giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sau đây gọi tắt là Luật quốc tịch), bao gồm các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Thực hiện tốt việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch Việt Nam; chuẩn bị nội dung và các biện pháp cần thiết để thi hành có hiệu quả Luật quốc tịch ngay từ khi có hiệu lực pháp luật (ngày 01/7/2009).

2. Tuyên truyền Luật quốc tịch, nâng cao nhận thức trong nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao kỹ năng nghiệp vụ giải quyết các việc về quốc tịch cho cán bộ công chức làm công tác quốc tịch ở trong và ngoài nước.

3. Xây dựng cơ chế đồng bộ giữa các bộ ngành bảo đảm quyền có quốc tịch của công dân, tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quốc tịch, bảo vệ và bảo hộ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam cũng như ở nước ngoài;

4. Giải quyết nhanh chóng, thuận lợi các yêu cầu của người dân về xin nhập, xin thôi, xin trở lại quốc tịch Việt Nam, đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam; sớm chấm dứt tình trạng người không quốc tịch sống trên lãnh thổ Việt Nam; bảo đảm thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT QUỐC TỊCH

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch

1.1. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thành lập Ban soạn thảo: do Thứ trưởng Bộ Tư pháp làm Trưởng ban, các thành viên là đại diện các cơ quan như Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số chuyên gia, nhà khoa học.

Thành lập Tổ biên tập: do Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp làm Tổ trưởng, các thành viên là cán bộ của Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Cục Con nuôi (Bộ Tư Pháp); Vụ Pháp luật (Văn phòng Chủ tịch nước); Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính Phủ); Cục Lãnh sự, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao); Cục A-18, Cục C-13 (Bộ Công an); và cán bộ của các đơn vị chuyên môn (Ủy ban dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Nội dung cơ bản của Nghị định: Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành 11 điều trong Luật quốc tịch: Trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam (Điều 13); Các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 19); Các giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 20); Trình tự, thủ tục và hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch mà không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng đã cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày 01/7/2009 (Điều 22); Các điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam (Điều 23); Các giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam (Điều 24); Các điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam (Điều 27); Các giấy tờ trong hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam (Điều 28); Các giấy tờ trong hồ sơ xin kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam (Điều 32); Các giấy tờ trong hồ sơ xin kiến nghị huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (Điều 32); Hướng dẫn một số nội dung quy định của Luật về quản lý nhà nước về quốc tịch (Điều 44).

Tiến độ thực hiện:

- Từ ngày 01/01/2009 đến ngày 05/01/2009: thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập;

- Ngày 06/1/2009: Tổ biên tập họp phân công chuẩn bị Đề cương dự thảo Nghị định;

- Từ ngày 07/01/2009 đến 15/01/2009: Tổ biên tập chuẩn bị Đề cương dự thảo Nghị định;

- Ngày 16/01/2009: họp Ban soạn thảo để thảo luận Đề cương dự thảo Nghị định;

- Từ ngày 17/01/2009 đến 31/1/2009: Tổ biên tập chuẩn bị dự thảo Nghị định;

- Ngày 03/02/2009: họp Ban soạn thảo để thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định lần thứ nhất;

- Từ 04/02/2009 đến 15/3/2009: Tổ biên tập tổ chức khảo sát tại một số địa phương và chỉnh lý dự thảo Nghị định;

- Ngày 16/3/2009: họp Ban soạn thảo Nghị định thảo luận, cho ý kiến dự thảo Nghị định lần thứ hai;

- Từ ngày 17/3/2009 đến ngày 25/3 2009: Tổ biên tập chỉnh lý dự thảo Nghị định, trình Trưởng ban soạn thảo và Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

- Ngày 26/3/2009 đến 10/4/2009: Lấy ý kiến các Bộ ngành, một số địa phương và Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp;

- Từ 10/4/2009 đến 20/4/2009: tổng hợp ý kiến các bộ ngành, tổ chức thẩm định dự thảo;

- Đầu tháng 5/2009: Trình Chính phủ dự thảo Nghị định.

1.2. Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam.

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an.

Tham gia Tổ biên tập: cán bộ cấp vụ và chuyên viên (chủ yếu là các thành viên của Tổ biên tập Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch) của Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính (Bộ Tư Pháp); Cục Lãnh sự, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao); Cục A-18, Cục C-13 (Bộ Công an).

Nội dung: Hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam.

Tiến độ thực hiện:

- Từ ngày 10/01/2009 đến ngày 15/01/2009: họp Tổ biên tập;

- Từ ngày 16/01/2009 đến ngày 30/4/2009: nghiên cứu tài liệu, tổ chức khảo sát thực tế ở một số nước có đông người Việt Nam sinh sống, chuẩn bị và hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch;

- Từ ngày 01/5/2009 đến ngày 10/05/2009: trình xin ý kiến Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an về dự thảo Thông tư liên tịch;

- Từ ngày 11/5/2009 đến ngày 19/05/2009: tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch;

- Từ ngày 20/5/2009 đến ngày 30/5/2009: trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an ký ban hành Thông tư liên tịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009.

1.3 Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao hướng dẫn mức thu nộp, quản lý và sử dụng lệ phí giải quyết các việc về quốc tịch

Cơ quan chủ trì: Bộ Tài chính.

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp (Vụ Hành chính tư pháp), Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự và Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài).

Tham gia Tổ biên tập: cán bộ cấp vụ và chuyên viên của các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính, Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư Pháp); Cục Lãnh sự, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao);

Nội dung: Trên cơ sở rà soát Thông tư liên tịch số 08/TTLT-BTC-BTP-BNG ngày 31/12/1998 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao; Thông tư số 134/2004/TT-BTC ngày 31/12/2004 của Bộ Tài chính, 3 Bộ sẽ thống nhất quy định mức thu mới đối với các việc về quốc tịch cho phù hợp với điều kiện và tình hình hiện nay, đồng thời thống nhất quy định việc quản lý, sử dụng lệ phí quốc tịch ở trong nước và ngoài nước.

Tiến độ thực hiện:

- Từ ngày 10/02/2009 đến ngày 15/02/2009: họp Tổ biên tập;

- Từ ngày 16/02/2009 đến ngày 19/02/2009: họp liên ngành cấp vụ và chuyên viên để trao đổi thống nhất về nội dung Thông tư liên tịch;

- Từ ngày 20/02/2009 đến ngày 30/4/2009: xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch;

- Từ ngày 01/5/2009 đến 10/5/2009: trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao về dự thảo Thông tư liên tịch;

- Từ ngày 11/5/2009 đến ngày 15/5/2009: chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch;

- Từ ngày 16/5/2009 đến ngày 30/5/2009: trình Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao ký ban hành Thông tư liên tịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009.

1.4 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành mẫu giấy tờ về quốc tịch Việt Nam

Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp.

Đơn vị chủ trì: Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp).

Đơn vị phối hợp: Cục Lãnh sự, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao); Cục A-18 (Bộ Công an).

Nội dung: Thiết kế lại các mẫu cho phù hợp với yêu cầu, bao gồm 5 nhóm mẫu như: Mẫu giấy tờ về nhập quốc tịch; Mẫu giấy tờ về thôi quốc tịch; Mẫu giấy tờ về trở lại quốc tịch; Mẫu giấy tờ về đăng ký giữ quốc tịch; Mẫu giấy tờ về thống kê quốc tịch.

 Tiến độ thực hiện:

- Từ ngày 01/03/2009 đến ngày 15/4/2009: Vụ Hành chính tư pháp phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, thiết kế, xây dựng các loại Mẫu giấy tờ về quốc tịch Việt Nam;

- Từ ngày 16/4/2009 đến ngày 30/4/2009: trình xin ý kiến lãnh đạo Bộ Tư pháp;

- Từ 01/5/2009 đến ngày 10/5/2009: chỉnh lý, hoàn thiện các loại mẫu giấy tờ về quốc tịch Việt Nam;

- Ngày 20/5/2009: trình Lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, ký ban hành Quyết định để có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009.

2. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật quốc tịch

2.1. Tuyên truyền, phổ biến Luật quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành

Đối tượng tuyên truyền: người Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

2.1.1 Công tác tuyên truyền phổ biến ở trong nước

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp

Đơn vị chủ trì: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật

Đơn vị phối hợp: Vụ Hành chính tư pháp, Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật và xã hội, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Con nuôi, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Nội dung: Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật hướng dẫn các Sở Tư pháp về công tác tổ chức tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; đồng thời biên soạn các tài liệu: Hỏi đáp pháp luật, đặc san tuyên truyền Luật Quốc tịch, cẩm nang pháp luật, đề cương Luật Quốc tịch.

2.1.2 Công tác tuyên truyền phổ biến cho người Việt Nam ở nước ngoài 

Cơ quan chủ trì: Bộ Ngoại giao

Đơn vị chủ trì: Cục Lãnh sự

Đơn vị phối hợp: Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp).

Nội dung: Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật quốc tịch cho đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng như: báo viết, truyền hình, trang thông tin điện tử, phát hành tài liệu giới thiệu Luật quốc tịch.

2.2 Mở chuyên mục giới thiệu Luật quốc tịch và thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp

Đơn vị chủ trì: Cục Công nghệ thông tin.

Đơn vị phối hợp: Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Con nuôi.

Thời gian bắt đầu thực hiện: từ tháng 01/2009.

2.3 Chỉnh lý giáo trình Luật Quốc tế

Đơn vị chủ trì: Trường Đại học luật Hà Nội

Đơn vị phối hợp: Vụ Hành chính tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Con nuôi, Viện khoa học pháp lý.

Nội dung: Chỉnh lý giáo trình Luật quốc tế phù hợp với những quy định của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thời gian bắt đầu thực hiện: từ tháng 01/2009.

3. Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ

3.1. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ

Đối tượng :

- Cán bộ, chuyên viên làm công tác quốc tịch ở trong nước thuộc các cơ quan: Cục Lãnh sự, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, Sở Tư pháp, Cơ quan Công an cấp tỉnh, Sở Ngoại vụ.

- Cán bộ làm công tác quốc tịch tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

3.1.1 Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho số cán bộ, chuyên viên làm công tác quốc tịch ở trong nước

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

Đơn vị chủ trì: Vụ Hành chính tư pháp.

Đơn vị phối hợp: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Con nuôi, Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ (Bộ Tư pháp) và Cục Lãnh sự, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Cục A18 (Bộ Công an).

Nội dung: Những nội dung cơ bản của Luật quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết yêu cầu về nhập quốc tịch Việt Nam đối với người không quốc tịch đã cư trú ổn định tại Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày 01/7/2009.

 Tiến độ thực hiện:

- Bộ Tư pháp tổ chức 2 lớp tập huấn vào cuối tháng 6/2009: 1 lớp tại Hà Nội, 1 lớp tại TP Hồ Chí Minh, trong thời gian 2 ngày, mỗi lớp 120 người;

3.1.2 Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đối tượng là cán bộ làm công tác quốc tịch tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Cơ quan chủ trì: Bộ Ngoại giao.

Đơn vị chủ trì: Cục Lãnh sự.

Đơn vị phối hợp: Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp).

Nội dung: Những nội dung cơ bản của Luật quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết yêu cầu về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

Tiến độ thực hiện:

- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức một số lớp tập huấn cho cán bộ ngoại giao làm công tác quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (có thể tổ chức tại Hà Nội hoặc tại nước ngoài theo khu vực). Về lâu dài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư pháp định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác quốc tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trước khi đi nhận nhiệm vụ.

3.2. Xây dựng Sổ tay nghiệp vụ về công tác quốc tịch

Đơn vị chủ trì: Vụ Hành chính tư pháp.

Đơn vị phối hợp: Nhà xuất bản tư pháp, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế, Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) và Cục Lãnh sự, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).

Nội dung : biên tập và phát hành một cuốn Sổ tay nghiệp vụ quốc tịch dùng cho các cán bộ, chuyên viên làm công tác quản lý, giải quyết các vấn đề về quốc tịch ở trong nước và ngoài nước.

Tiến độ thực hiện: Từ ngày 01/7/2009 đến ngày 31/12/2009: xây dựng và hoàn chỉnh bản thảo Sổ tay nghiệp vụ về công tác quốc tịch.

4. Công tác chỉ đạo giải quyết nhập quốc tịch cho những người không quốc tịch đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật quốc tịch có hiệu lực

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các Sở Tư pháp và Công an cấp tỉnh.

Nội dung: Sau khi có Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng chương trình chi tiết và chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, lập hồ sơ theo quy định của Nghị định để giải quyết việc nhập quốc tịch cho những người không quốc tịch đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày Luật quốc tịch có hiệu lực.

Tiến độ thực hiện: Trong thời gian 3 năm, bắt đầu từ quý 3 năm 2009 đến hết quý 2 năm 2012.

5. Công tác đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho những công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài

Cơ quan chủ trì: Bộ Ngoại giao

Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp, Bộ Công an

Nội dung: Sau khi có Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật quốc tịch, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Bộ Công an chỉ đạo và hướng dẫn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam cho những người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày 01/7/2009.

Tiến độ thực hiện: bắt đầu từ ngày 01/7/2009 đến hết ngày 31/6/2014.

6. Xây dựng phầm mềm quản lý quốc tịch

Đơn vị chủ trì: Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp.

Đơn vị phối hợp: Vụ Hành chính Tư pháp, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Văn phòng Bộ.

Nội dung: Phần mềm quản lý quốc tịch bao gồm các nghiệp vụ quản lý quốc tịch:

- Quản lý xin nhập quốc tịch Việt Nam;

- Quản lý xin trở lại quốc tịch Việt Nam;

- Quản lý xin thôi quốc tịch Việt Nam;

- Quản lý tước quốc tịch Việt Nam;

- Đăng ký giữ quốc tịch.

 Tiến độ thực hiện:

- Quý I/2009: Khảo sát, phân tích thiết kế và lập Giải pháp khả thi xây dựng phần mềm (Bao gồm cả giải pháp chuyển đổi dữ liệu lịch sử);

- Quý II/2009: Xây dựng phần mềm và chuyển đổi dữ liệu;

- Quý III/2009: Triển khai thí điểm tại một số đơn vị có tham gia vào quy trình;

- Quý IV/2009: Hoàn thiện phần mềm và đưa vào hoạt động chính thức.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Về tổ chức bộ máy làm công tác quốc tịch

- Vụ Hành chính tư pháp phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy của Vụ Hành chính tư pháp, đề xuất chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của các Phòng chuyên môn trong đó có Phòng quốc tịch.

- Tại các Sở Tư pháp và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bố trí đủ cán bộ làm công tác quốc tịch.

2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch

2.1 Vụ Kế hoạch-Tài chính, Văn phòng Bộ (Bộ Tư pháp) bố trí kinh phí cho các hoạt động sau đây:

- Xây dựng Nghị định, Thông Tư liên tịch, Mẫu các giấy tờ về quốc tịch;

- Khảo sát thực tế tại một số địa phương trong nước và ở nước ngoài;

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ở trong nước; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài (đối với những cán bộ của Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Ngọai giao);

- Tuyên truyền, phổ biến ở trong nước Luật quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành ;

- Xây dựng Sổ tay nghiệp vụ về công tác quốc tịch;

- Triển khai ứng dụng công nghệ tin học trong việc lưu trữ và quản lý dữ liệu về quốc tịch;

- Trang bị cho Vụ Hành chính tư pháp các thiết bị văn phòng (tủ hồ sơ, bàn ghế, máy tính, máy in, máy photocopy) đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao.

Vụ Hành chính tư pháp phối hợp với các đơn vị được giao chủ trì từng hoạt động cụ thể lập dự toán, trình Vụ Kế hoạch tài chính bố trí kinh phí hợp lý.

2.2 Bộ Ngoại giao bố trí kinh phí đối với cán bộ của Cục lãnh sự và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cho các hoạt động sau đây:

- Khảo sát thực tế, kiểm tra việc thực hiện Luật quốc tịch ở nước ngoài;

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đối tượng là cán bộ làm công tác quốc tịch tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

- Tuyên truyền phổ biến ở nước ngoài Luật quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành

3. Kiểm tra việc thực hiện và sơ kết 2 năm thực hiện Luật quốc tịch

Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

Cơ quan phối hợp: Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ.

Nội dung :

- Trong quá trình triển khai thực hiện, cần thiết phải tổ chức việc kiểm tra tại các cơ quan tiếp nhận và giải quyết yêu cầu về quốc tịch để nắm rõ tình hình triển khai và có sự chỉ đạo kịp thời.

- Sau 2 năm triển khai thực hiện, cần thiết phải tổ chức sơ kết việc thực hiện Luật quốc tịch để đánh giá tình hình, kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong quá thực hiện; trên cơ sở đó đề xuất với Thủ tướng Chính phủ có biện pháp và sự chỉ đạo kịp thời./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 4204/QĐ-BTP năm 2008 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu: 4204/QĐ-BTP
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
Người ký: Hà Hùng Cường
Ngày ban hành: 29/12/2008
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [2]
Văn bản được căn cứ - [2]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 4204/QĐ-BTP năm 2008 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…