BỘ
NỘI VỤ |
VIỆT
|
Số: 2569-HTTK |
Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 1957 |
VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN VÀ KHAI SINH QUÁ HẠN
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Kính gửi: |
Ủy ban Hành chính các khu, liên khu, tỉnh và thành phố |
Qua báo cáo của các địa phương về tình hình thi hành thể lệ đăng ký hộ tịch mới, trong vấn đề xin đăng ký kết hôn và đăng ký khai sinh quá hạn, hầu hết ở các địa phương, thành thị cũng như nông thôn, những người có việc cần khai báo và xin đăng ký thường hay phàn nàn như sau :
1 - Việc khai báo và yết thị xin đăng ký kết hôn là không ích lợi lại gây thêm nhiều phiền phức cho nhân dân, thậm chí có ý kiến cho rằng làm như vậy là “bên danh”, là “quảng cáo”, là “hạn chế tự do kết hôn”
2 - Việc đăng ký khai sinh quá hạn phải làm đơn xin đăng ký nơi sinh quá là khó khăn, tốn kém ảnh hưởng đến sự làm ăn sinh sống mà cũng không giải quyết việc được thỏa mãn.
Sự than phiền này có nhiều nguyên nhân :
Về vấn đề xin đăng ký quá hạn, thể lệ mới có phần nào quá chặt chẽ đối với lúc ban đầu, như đã quy định rằng : “Những việc sinh, tử, kết hôn đã xảy ra từ lâu, nay muốn xin đăng ký, phải làm đơn xin đăng ký nơi xảy ra sự việc. Trường hợp đặt biệt có thể xin đăng ký ở nơi hiện đang cư trú (điều 6). Quy định như vậy kinh nghiệm cho thấy là không chiếu cố một cách thích đáng đến hoàn cảnh sinh sống hiện nay chưa được ổn định, việc đi lại của nhân dân còn khó khăn, qua kháng chiến và sau thời gian hòa bình, có nhiều sự thay đổi, nơi xảy ra sự việc cũng vẫn không đủ điều kiện để nhận xét về sự việc”.
Tác phong và lề lối làm việc của cán bộ cơ sở một vài nơi có phần máy móc hoặc qúa hình thức như là đăng ký khai sinh quá hạn nhất thiết phải làm ở nơi xảy ra sự việc mặc dù người ta đã xuất trình đủ bằng chứng hoặc nơi ấy đi lại quá khó khăn tốn kém.
Trong vấn đề đăng ký kết hôn, thông tư số 6-NV/DC/TT ngày 25-5-1956 thiếu hướng dẫn cụ thể như không nói rõ yết thị ở đâu. Ủy ban Hành chính sẽ điều tra nhận xét về những điểm gì; về cách công bố và điều tra, thông tư lại cũng thiếu cụ thể, nói một cách quá trống trải như “ngoài hình thức yết thị, Ủy ban có thể dùng mọi phương tiện công bố hay điều tra khác”. Do đó, một số địa phương đã không những chỉ yết thị tại trụ sở của Ủy ban lại yết thị ở ngã ba, ngã tư đường, gọi loa khắp xóm, khắp xã, một số thanh niên trong địa phương nhân cơ hội nói xấu, dèm pha, chạm đến tình cảm và danh dự của người phụ nữ. Mặc khác, cán bộ lại có phần máy móc, nhất nhất phải báo trước 8 ngày, trong những trường hợp có thể rút bớt thời hạn hoặc cho đăng ký ngay như trong thông tư đã có hướng dẫn.
Về phần nhân dân cũng có phần nôn nóng, chỉ muốn cho được việc của mình mà không nghĩ đến trách nhiệm của chính quyền phải đảm bảo chính xác trong các việc ghi chép cấp phát.
Dưới đây, Bộ có mấy ý kiến hướng dẫn việc thi hành điều lệ mới về các điểm nói trên, nêu lên một số điểm cần phải châm chước để cho thích hợp với tình hình và trình độ nhân dân hiện nay, dung hòa được 2 yêu cầu của thể lệ là vừa dễ dãi cho nhân dân vừa đảm bảo chính xác các việc đăng lý chủ yếu là dễ dãi cho nhân dân trong lúc đầu để khuyến khích nhân dân đi xin đăng ký.
Mục đích của việc xin đăng ký kết hôn là để việc kết hôn ấy được chính quyền chính thức công nhận.
Việc đăng ký kết hôn có thể làm đúng hoặc sau ngày làm lễ cưới.
Vấn đề báo trước với chính quyền : cách báo trước và thời hạn báo trước.
Muốn xin đăng ký kết hôn phải đến báo với Ủy ban Hành chính địa phương biết trước để Ủy ban có điều kiện và có thời gian nhận xét để rồi chính thức công nhận việc kết hôn của đôi nam nữ.
Muốn xin đăng ký kết hôn ngày nào thì một trong hai người, nam hoặc nữ cũng được, phải đến báo cho Ủy ban Hành chính nơi mình muốn xin đăng ký biết trước. Nếu cả hai người cùng đến báo thì càng tốt. Người ở xa thì có thể viết thư có bảo đảm để báo cho Ủy ban Hành chính ấy biết, nói rõ họ tên tuổi, quốc tịch, nghề nghiệp, sinh trú quán của hai người, họ tên tuổi của cha mẹ hai bên.
Thời hạn báo trước là 8 ngày; nhưng thời gian này có thể được rút ngắn nếu đương sự yêu cầu với những lý do chính đáng như có công việc phải đi xa ngay, nghỉ phép ít ngày không thể chờ đợi lâu, cưới chạy tang v.v.. trong trường hợp Ủy ban Hành chính đã biết việc kết hôn ấy là rõ ràng, chính đáng không có gì trái với pháp luật thì có thể cho đăng ký trước khi hết hạn tám ngày.
Trường hợp có vấn đề nghi ngờ như trai đã có vợ, gái đã có chồng rồi mà vấn đề ly hôn chưa giải quyết ổn thỏa thì việc đăng ký cần thận trọng hơn, thời gian định đoạt giải quyết có thể quá tám ngày nhưng không được cố ý kéo dài.
Ủy ban Hành chính điều tra nhận xét những điểm gì ?
Ủy ban Hành chính nhận được lời báo trước ấy có nhiệm vụ điều tra nhận xét về việc kết hôn ấy.
Nhận xét và chỉ cần nhận xét ở ba điểm :
1 – Việc kết hôn với nhau có hoàn toàn tự do không hay là có bị bố mẹ hoặc giám hộ hoặc người nào khác ép buộc không ?
2 – Trai đã có vợ, gái đã có chồng chưa, nếu đã có vợ hoặc có chồng rồi thì đã được tòa án xử cho phép ly hôn chưa?
3 – Trai gái đã đủ 18 tuổi chưa, nếu dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của bố mẹ hay giám hộ hoặc có phép miễn tuổi của Ủy ban Hành chính tỉnh hay thành phố.
Ủy ban Hành chính chỉ cần điều tra nhận xét về ba điểm trên và chỉ ở ba điểm ấy thôi, tuyệt đối không nên xét về lí lịch, hoạt động chính trị, thành phần giai cấp hoặc tác phong sinh hoạt hàng ngày của đương sự hoặc của gia đình họ như một vài nơi đã làm sai; lại càng không được đòi họ xúât trình lý lịch cá nhân do Công an, đòan thể hoặc cơ quan đơn vị cấp và chứng nhận về những điểm ấy.
Phương pháp điều tra thông thường là trực tiếp hỏi đôi bên nam nữ hoặc bạn bè, láng giềng, thân thuộc của hai người ấy. Đối với những người thường ở nông thôn, việc kết hôn thường được tìm hiểu, xây dựng từ lâu, dư luận quần chúng đóng góp nhiều nên đã thấu đến Ủy ban Hành chính, do đó thường là rõ ràng nên công tác điều tra việc kết hôn ở nông thôn cũng ít khi cần thiết. Ở thành thị, dân cư đông đúc, nghề nghiệp thường hay thay đổi, người đến và đi thường có luôn, tính chất sinh họat có phần phức tạp nên điều tra việc kết hôn cần phải thận trọng. Nhưng dưới chế độ ta, phần đông nhân dân đều ở trong tổ chức, do đó công tác điều tra của Ủy ban Hành chính cũng có nhiều thuận lợi; cách điều tra sát và chắc chắn không gì hơn là hỏi chính quyền cơ sở hoặc đoàn thể của đôi bên nam nữ.
Việc yết thị của Ủy ban Hành chính
Mục đích của việc yết thị là để công bố cho nhân dân biết ý định của hai bên nam nữ muốn xin đăng ký kết hôn, xem có ai biết có điều gì trở ngại thì có quyền và có phận sự phản kháng để xây dựng thêm cho việc kết hôn ấy.
Yết thị phải làm đúng mẫu như thông tư đã quy định và dán tại trụ sở Ủy ban Hành chính trên tấm bảng thường dán các thông báo, yết thị của chính quyền, tuyệt đối không được dán ở các bến đò, ngõ chợ hoặc rao bán trong thôn xóm, làm cho người ta liên tưởng đến các việc quảng cáo hay cảnh cáo như đã xảy ra trong một số địa phương.
Vấn đề phản kháng.
Trong khi Ủy ban Hành chính yết thị để đăng ký kết hôn, ai biết việc kết hôn ấy là bất chính, phạm đến quyền lợi của mình hoặc trái với luật pháp thì có quyền phản kháng.
Những người phản kháng mà quyền lợi có thể bị đụng chạm là cha mẹ của đôi bên, vợ hoặc chồng, con cái, tức là những người có liên quan trực tiếp đến vấn đề kết hôn.
Người phản kháng trực tiếp đến Ủy ban Hành chính nói rõ họ tên tuổi, nghề nghiệp, chỗ ở, nêu rõ lý do phản kháng và ký tên vào sổ Ủy ban Hành chính; nếu ở xa thì có thể gửi thư có bảo đảm và chữ ký phải được chính quyền địa phương chứng thực.
Ủy ban Hành chính nhận được lời hoặc thư phản kháng phải điều tra nhận xét rồi mời đương sự (người phản kháng và hai bên nam nữ ) đến cùng giải quyết. Cách giải quyết như thế nào, ý kiến của đương sự ra sao phải ghi rõ trong sổ. Giải quyết ổn thỏa thì phải đăng ký ngay; nếu không thì phải báo cáo ngay lên cấp trên quyết định.
Nói chung các đơn nặc danh, các lời phản kháng của những người không có liên quan trực tiếp đến có thể trong một mức độ nào dùng tài liệu để giúp cho sự nhận xét của mình, chứ Ủy ban không cần xét xử theo thủ tục nói bên trên.
II. ĐỐI VỚI VIỆC XIN ĐĂNG KÝ KHAI SINH QÚA HẠN
- Tất cả các việc sinh xảy ra trước hoặc sau ngày Ủy ban Hành chính tỉnh hay thành phố công bố thi hành bản điều lệ mới mà chưa đăng ký vào sổ hộ tịch thì nay điều này được đăng ký quá hạn, không hạn chế đương sự năm nay bao nhiêu tuổi, việc xảy ra từ thời gian nào trở đi mới được đăng ký quá hạn.
- Những việc xin đăng ký quá hạn thường là xảy ra từ lâu ở một địa phương xa khác, do đó trong thể lệ đã đề ra là phải xin đăng ký nơi xảy ra sự việc, trường hợp đặc biệt mới cho đăng ký nơi hiện đang cư trú, vì chỉ nơi xảy ra sự việc Ủy ban Hành chính mới có điều kiện thuận lợi để biết rõ ràng việc ấy hơn và nguyên tắc ấy là đúng. Nhưng trong thực tế, qua các cuộc biến đổi lớn như cuộc tòan quốc kháng chiến, cải cách ruộng đất … sổ sách hộ tịch nhiều nơi mất mát, Ủy ban Hành chính thay đổi, nhân dân tản cư nhiều lần, khó tìm cơ sở để chứng minh các việc sinh đẻ, xảy ra từ lâu, do đó không nên bắt buộc phải xin đăng ký nơi xảy ra sự việc, mà nên với một tinh thần rộng rãi nhất là ta lại ở trong buổi ban đầu, cho phép đương sự xin đăng ký sinh quá hạn tại nơi hiện đang cư trú.
Trong trường hợp này, để nhận xét Ủy ban Hành chính nơi đương sự cư trú hiện tại có thể dựa vào các giấy chứng nhận của chính quyền nơi xảy ra sự việc hoặc giấy tờ căn cước cũ, giấy khai danh dự cũ, sổ quản lý hộ khẩu hoặc căn cứ vào lời chứng của những người cùng ở địa phương nơi xảy ra sự việc hoặc nơi địa phương hiện nay đang cư trú như người trong ban chấp hành đòan thể, công đòan hay người láng giềng đủ tín nhiệm mà cho đăng ký nơi đương sự hiện đang cư trú. Giải quyết như vậy thì bớt phiền phức, đỡ tốn kém cho nhân dân mà cũng thích hợp với tình hình nước ta hiện nay. Lúc đầu, có thể có kẻ lợi dụng sự dễ dàng này mà khai không đúng sự thật, hoặc khai lại các việc đã khai từ trước để tránh việc đi lại phiền phức tốn kém hoặc để thay đổi tên tuổi, nghề nghiệp với một động cơ không chính đáng, nhưng đó cũng chỉ là trường hợp cá biệt, dư luận quần chúng sẽ tố cáo phê phán và pháp luật sẽ xử trí thích đáng.
- Nếu sinh ra trong mấy năm gần đây nhất là từ sau ngày công bố thể lệ mới thì nguyên tắc trên cũng cần được áp dụng một cách rộng rãi. Trong thực tế, nơi xảy ra sự việc và nơi hiện cư trú chỉ là một, và trong tình thế hiện nay ngày càng được ổn định, việc thay đổi chỗ ở cũng chỉ là hy hữu, thể lệ mới được công bố rộng rãi, thủ tục mới đơn giản, khuyến khích được nhân dân đến xin đăng ký khai sinh quá hạn thì các việc để quá hạn từ nay về sau cũng sẽ giảm bớt dần.
Tóm lại, đối với việc xin đăng ký kết hôn hay khai sinh quá hạn nên áp dụng thể lệ mới với tinh thần rộng rãi, dễ dãi để khuyến khích nhân dân đi xin đăng ký, nhưng cũng vẫn phải chú ý mặt chính xác của các việc đăng ký.
*
Trên đây là mấy ý kiến của Bộ để các địa phương nguyên cứu và bắt đầu cho thi hành ngay. Sau một thời gian áp dụng thực tế có cần châm chước sửa đổi thế nào nữa xin báo cáo về Bộ biết.
|
K/T
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
Chỉ thị 2569-HTTK năm 1957 về đăng ký kết hôn và khai sinh quá hạn do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Số hiệu: | 2569-HTTK |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Nội vụ |
Người ký: | Diệp Ba |
Ngày ban hành: | 14/05/1957 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 2569-HTTK năm 1957 về đăng ký kết hôn và khai sinh quá hạn do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
Chưa có Video