BỘ
CÔNG AN-BỘ VẬT TƯ-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 670-TT/LB |
Hà Nội, ngày 20 tháng 07 năm 1970 |
QUY ĐỊNH VIỆC BẢO VỆ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY TRONG KHI BƠM XĂNG DẦU Ở CÁC BẾN, BÃI, GA
Trong thời gian qua chúng ta đã tổ chức giao nhận, vận chuyển xăng dầu ở nhiều địa điểm khác nhau, đã bảo đảm phục vụ kịp thời cho sản xuất và chiến đấu.
Tuy vậy trong các công tác giao nhận xăng dầu còn nhiều thiếu sót chưa bảo đảm an toàn phòng cháy, nguyên nhân chính là do tổ chức bơm rót chưa được chu đáo, thiếu sự thống nhất giữa cơ quan vận tải (chủ phương tiện) và cơ quan giao nhận xăng dầu (chủ hàng), các chế độ nội quy quy định chưa được chặt chẽ, việc chấp hành các quy định ấy chưa được nghiêm chỉnh, do đó đã để xảy ra nhiều tổn thất đến tài sản của Nhà nước và làm thiệt hại đến tính mệnh của cán bộ, công nhân viên.
Nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn, Liên Bộ Vật tư – Giao thông vận tải – Công an quy định việc tổ chức bơm rót xăng dầu ở các bến, bãi, ga như sau:
1. Trước khi tổ chức bơm rót xăng dầu dưới các tàu dầu, sà lan, toa xitéc mỗi bên hữu quan phải có kế hoạch, biện pháp bảo vệ, phòng cháy tỉ mỉ theo sự phân công trách nhiệm dưới đây:
a) Cơ quan Công an địa phương (Đội phòng cháy chữa cháy) có trách nhiệm tham gia xét duyệt các địa điểm giao nhận xăng dầu, kiểm tra và giúp đỡ chủ hàng, chủ phương tiện về công tác bảo vệ, phòng cháy và chữa cháy ở nơi tiếp nhận.
b) Chủ hàng có trách nhiệm tìm địa điểm giao nhận và thông báo cho cơ quan phòng cháy, chữa cháy và cơ quan vận tải cùng tham gia xét duyệt.
c) Tổ chức bơm rót ở các bến:
Nếu là bến cố định thuộc chủ hàng quản lý thì chủ hàng phải chịu trách nhiệm tổ chức bơm rót và bảo vệ phòng cháy, chữa cháy phía trên bờ và dưới nước. Chủ phương tiện chịu trách nhiệm trong phạm vi tàu dầu, sà lan của mình. Nếu là bến dã chiến, chủ hàng chịu trách nhiệm trên tàu dầu, sà lan và phía dưới nước.
d) Tổ chức bơm rót ở các ga:
Nếu bãi xuất nhập cố định nằm trên đoạn đường nhánh thuộc chủ hàng quản lý, thì chủ hàng chịu trách nhiệm toàn bộ việc tổ chức bơm rót và bảo vệ, phòng cháy.
Nếu tổ chức bơm rót trên các đoạn đường sắt thuộc Tổng cục đường sắt quản lý ở ga nào thì ga đó phải chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy; chủ hàng chịu trách nhiệm tổ chức bơm rót và cung cấp các dụng cụ và phương tiện chữa cháy.
e) Tổ chức bơm rót ở các bãi. Việc tổ chức bơm rót ở các bãi của cơ quan cung ứng và cơ quan tiêu dùng cũng phải chấp hành đầy đủ các quy định trong thông tư này.
2. Trước khi tiến hành bơm rót, chủ hàng và chủ phương tiện phải trực tiếp đi kiểm tra nắm tình hình toàn bộ bến, bãi, và xem xét các dụng cụ, phương tiện dùng để bơm rót, dùng để chữa cháy, v.v…; thông báo cho nhau biết kế hoạch phòng, chữa cháy thuộc khu vực mình phụ trách; đồng thời bàn kế hoạch phối hợp, phân công hợp đồng cụ thể trong những khâu cần thiết. Khi họp bàn phân công, phải lập biên bản có đại diện 2 bên ký kết.
3. Cán bộ, công nhân viên đang làm công tác trên tàu dầu, sà lan chở dầu và các bãi xuất nhập xăng dầu phải được học tập nghiệp vụ thành thạo, đồng thời phải được huấn luyện về an toàn kỹ thuật, an toàn phòng cháy; phải được học tập các chế độ, nội quy phòng cháy đối với xăng dầu và biết sử dụng thành thạo các dụng cụ và phương tiện chữa cháy sẵn có.
B. ĐIỀU KIỆN VÀ NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC BƠM RÓT
4. Ở các bến, bãi, ga và trên tàu dầu, sà lan chở dầu phải có nội quy phòng cháy. Nội quy này phải viết bằng chữ lớn để ở nơi mọi người dễ thấy; đồng thời phải có biển “cấm lửa” để cách xa nơi bơm rót ít nhất 20m về mỗi phía có đủ ánh sáng để đảm bảo nhìn và đọc được.
5. Cấm những người không có phận sự đi qua lại, chơi bời trong khu vực đang bơm rót.
6. Những người đi lại, làm việc trong khu vực bến, bãi đang bơm rót xăng dầu phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của tàu dầu, sà lan và nội quy bến, bãi để bơm rót xăng dầu.
Nghiêm cấm làm những việc có khả năng gây ra nổ, cháy như hút thuốc lá, thuốc lào, đánh diêm, bật lửa, đi giầy đinh, sửa chữa máy móc, xe cộ, va đập mạnh, dùng đèn không an toàn phòng nổ, v.v… trong khu vực bơm rót.
7. Các bến bãi dùng để bơm rót xăng dầu phải sạch sẽ gọn gàng. Không để các nguyên vật liệu và hàng hoá khác, đồng thời phải đảm bảo các yêu cầu sau:
a) Ở bến có nước chảy thành dòng phải bố trí bãi bơm rót cuối dòng nước chảy so với bến đò, bến phà, nhà cửa và các công trình khác ven sông và phải cách xa các công trình ấy ít nhất 200 mét, trường hợp phải bố trí phía đầu dòng nước thì phải cách xăng dầu các công trình ấy ít nhất 500 mét.
b) Ở bến có mặt nước phẳng lặng được phép bố trí bãi bơm rót cách xa công trình ven sông 200 mét về mỗi phía.
c) Các bãi bơm rót xăng dầu vận chuyển bằng đường sắt phải được bố trí trên các đoạn đường sắt riêng biệt cách xa các ngôi nhà, các công trình không thuộc phạm vi kho xăng dầu và cách chỗ đầu máy đi lại dồn toa ít nhất 100 mét, trường hợp bố trí bơm rót trong sân ga, phải tổ chức bơm rót vào lúc vắng vẻ nhất, không làm ảnh hưởng đến giao thông đồng thời phải có biện pháp về an toàn phòng cháy cần thiết cho đợt bơm rót ấy.
Các bến bãi chưa đạt yêu cầu trên, nhưng xét thấy nhất thiết phải sử dụng thì phải được sự thoả thuận của Bộ Công an - Bộ Vật tư – Bộ Giao thông vận tải, để có biện pháp tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy cần thiết.
Các quy định trên chủ yếu áp dụng cho các kho xăng dầu, các bến bãi phân tán. Còn việc xây dựng thiết kế các cầu tàu, bến cảng cho các kho xăng dầu hiện đại, có quy mô lớn phải theo đúng quy định trong Quy phạm tạm thời để thiết kế kho xăng dầu do Tổng cục Vật tư ban hành ngày 18 tháng 05 năm 1965 theo Quyết định số 222-TVT/QĐ.
8. Các tàu dầu, sà lan, tàu dắt, khi cập bến hoặc áp mạn để bơm rót xăng dầu phải dập tắt hết mọi nguồn lửa trong suốt quá trình bơm rót xăng dầu.
9. Các tàu dầu, sà lan cập bến để bơm rót xăng dầu phải neo buộc chắc chắn. Các tàu dầu, sà lan chưa đến lượt bơm rót hoặc đã bơm rót xong đều phải đậu xa nơi bơm rót ít nhất 100 mét.
10. Sau khi đưa sà lan vào bến, tàu dắt phải đậu cách sà lan đang bơm rót dầu ít nhất 100 mét và phải luôn luôn thường trực ở cạnh nơi bơm rót để kịp thời giúp sức sà lan khi cần thiết.
11. Khi dùng máy bơm chạy bằng động cơ máy nổ loại an toàn để bơm rót xăng dầu phải theo đúng các điều quy định sau đây:
a) Phải đặt máy bơm cách chỗ hút xăng dầu ít nhất 3 mét, cách chỗ xả dầu ít nhất 10 mét.
b) Máy bơm dầu phải đặt phía đầu ngọn gió, tuyệt đối không để hơi xăng dầu ở phương tiện bốc lên tạt vào máy. Cần chú ý tìm ra các biện pháp dập tia lửa ở ống xả khi phụt ra.
c) Các chỗ nối dây điện (như đầu dây nối của magneto, buri v.v…) phải tốt và chắc chắn, nắp magneto phải kín, khít.
d) Không để xăng dầu rỉ chảy qua các chỗ nối trên đường ống dẫn và ở vòng đệm trong máy bơm.
e) Khi máy bơm đang chạy không đổ thêm xăng vào bình, không sửa chữa và điều chỉnh các bộ phận máy đang chạy.
12. Trường hợp dùng máy bơm của tàu dầu, sà lan để tổ chức bơm rót, thì chủ phương tiện và chủ hàng phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với nhau. Phải cùng nhau phân rõ trách nhiệm và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo an toàn đợt bơm rót ấy như quy định các tín hiệu đóng van, mở van, mở máy, tắt máy, phân công rõ trách nhiệm từng đoạn ống, từng chiếc van v.v…
13. Toàn bộ hệ thống dùng để bơm rót xăng dầu gồm ống hút, ống đẩy, máy bơm, van, mặt bích, ống nối v.v… phải thường xuyên tốt, bảo đảm khít, kín, không để rỉ chảy xăng dầu.
14. Cấm đặt miệng ống xả dầu ở phía trên cao cách mặt xăng dầu để rót xăng dầu vào các phương tiện chứa đựng.
Để đỡ hao hụt xăng dầu, để đảm bảo phòng cháy tốt, khi đóng dầu vào các phương tiện chứa đựng, miệng ống xả phải luôn luôn ngập dưới lớp xăng dầu. Trường hợp các phương tiện chứa đựng chưa có xăng dầu thì miệng ống xả dầu phải thả xuống gần sát đáy, khi mức dầu dâng lên mới được phép kéo ống lên theo, nhưng miệng ống xả phải luôn luôn ngập dưới mặt xăng dầu.
15. Khi máy bơm đang làm việc, thợ máy phải thường xuyên theo dõi máy; cấm bỏ máy đi nơi khác làm việc riêng. Khi áp suất tăng đột ngột[1]phải tắt máy ngay, khi máy ngừng hẳn mới kiểm tra và tu sửa.
16. Ở các phương tiện chứa đựng, phải phân công người thường xuyên theo dõi mức xăng dầu tăng giảm trong các phương tiện ấy. Không để xăng dầu đầy quá 95% - 98% dung tích của phương tiện chứa đựng.
17. Máy bơm đang làm việc, cần đóng bớt van trên đường ống dày, thì trước hết phải mở van quấn (nếu máy bơm đặt trên tầu hoặc sà lan) hoặc giảm bớt van trên đường ống đẩy.
Trường hợp trên đường ống đẩy có nhiều nhánh dẫn dầu thì việc đóng mở van trên đường ống nhánh phải đảm bảo giữa ống hút và ống đẩy ăn thông nhau liên tục, đồng thời phải mở van của đoạn ống có áp lực yếu nhất[2].
18. Nếu đang khi bơm dầu mà bị tràn vãi, vỡ ống rỉ chảy, hơi xăng dầu bốc lên nhiều có nguy cơ nổ, cháy thì phải ngừng ngay bơm, báo động cho mọi người biết và tăng cường cảnh giới xung quanh, đề phòng mọi sự bất trắc xảy ra.
Đồng thời làm vệ sinh ngay, khống chế lượng xăng dầu bốc lên. Sau khi làm vệ sinh, nồng độ hơi xăng dầu trong không gian đã giảm, thấy bảo đảm an toàn mới tiếp tục bơm rót.
19. Để đảm bảo khử được tĩnh điện, trước khi bơm rót phải tiếp đất tốt toàn bộ hệ thống ống dẫn, máy bơm và các phương tiện chứa đựng, vận chuyện xăng dầu. Việc kiểm tra và nối dây tiếp đất do bên chủ hàng chịu trách nhiệm.
20. Chỉ được dùng loại đèn an toàn phòng nổ để soi sáng khi bơm rót, trường hợp không có đèn phòng nổ, được phép dùng đèn pin nhưng phải bọc ni lông kín. Khi dùng đèn phòng nổ di động cấm bật tắt đèn trong các phương tiện chứa đựng và vận chuyển. Muốn soi sáng mức xăng dầu trong các phương tiện ấy phải bật đèn sáng bên ngoài rồi mới đưa vào soi, soi sáng xong phải đưa đèn ra ngoài mới được tắt.
21. Để tránh hít thở phải hơi xăng dầu bay lên, khi mở nắp các phương tiện chứa đựng vận chuyển phải đứng xoay lưng theo hướng gió.
22. Khi bơm xăng pha chì phải thực hiện đầy đủ những điều hướng dẫn vệ sinh phòng độc hại đối với xăng pha chì.
23. Các phương tiện chứa đựng đã bơm rót xong hoặc chưa đến lượt bơm rót đều phải đẩy nắp kín. Nắp đẩy phải có miệng đệm để khi đẩy hơi dầu không thể bay ra và khi vận chuyển xăng dầu không bị sóng ra ngoài.
24. Không được bơm rót xăng dầu khi đang có cơn dông và sấm sét. trường hợp đang bơm rót mà gặp sấm sét phải đình chỉ ngay việc bơm rót.
25. Sau khi bơm rót xong, chủ hàng phải thu hồi xăng dầu còn bị thừa lại trong ống, khoá van các máy bơm, che đẩy hoặc cất bơm vào nơi quy định, quét dọn sạch sẽ các bến bãi.
26. Việc trang bị các phương tiện chữa cháy ở các bến bãi ga quy định như sau:
- Nếu là bến bãi xuất nhập xăng dầu cố định thì việc trang bị phương tiện chữa cháy phải theo đúng tiêu chuẩn quy định trong thông tư Liên bộ Công an - Tổng cục Vật tư số 49-TT/LB ban hành ngày 17 tháng 02 năm 1965.
- Nếu bến bãi có tính chất dã chiến phải theo Thông tư số 141-TVT/QĐ của Tổng cục Vật tư ban hành ngày 25 tháng 05 năm 1966. Trường hợp khó khăn được phép trang bị các phương tiện chữa cháy đầu tiên như bình khí CO2, bình bọt, chăn v.v… với số lưọng đảm bảo mỗi công nhân có một trong các loại dụng cụ nói trên để khi làm việc mang đi theo, khi mang về nhà.
27. Khi đang làm việc mà xẩy ra cháy, dù cháy lớn hoặc cháy nhỏ, người phát hiện thấy cháy phải lập tức phát tín hiệu báo động có cháy và bình tĩnh, nhanh chóng dùng các phương tiện chữa cháy sẵn có để chữa cháy.
Tất cả cán bộ công nhân viên đang làm việc, nếu nhận được tín hiệu cháy phải nhan chóng, dũng cảm, mưu trí tham gia chữa cháy, cứu tài sản của Nhà nước.
28. Nếu xảy ra cháy, thợ máy phải tắt ngay máy bơm, đóng các van ở cạnh máy. Những người điều khiển các van trên đường ống hút và đẩy phải đóng ngay các van ấy. Người chỉ huy bơm rót phải mau chóng chỉ huy cứu chữa, đồng thời phải cử người báo cho đội phòng cháy và chữa cháy địa phương đến giúp sức.
29. Những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.
30. Các đơn vị trực tiếp giao nhận vận chuyển xăng dầu có trách nhiệm định kỳ tổ chức học tập và kiểm điểm việc chấp hành thông tư này cho toàn thể cán bộ, công nhân viên thuộc đơn vị mình phụ trách.
31. Tổng công ty xăng dầu, Cục phòng chữa cháy, Cục vận tải đường sông, Cục vận tải đường biển, Tổng cục đường sắt có trách nhiệm kiểm tra đôn đốc và hướng dẫn thực hiện thông tư này.
K.T. BỘ TRƯỞNG
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
|
K.T. BỘ TRƯỞNG
|
[1]Máy
có tiếng kêu hoặc có hiện tượng bất thưòng như máy rú mạnh
[2]Quấn hoặc giảm tốc độ bơm để cho áp xuất
phù hợp với áp lực
Thông tư liên bộ 670-TT/LB năm 1970 quy định bảo vệ phòng cháy, chữa cháy trong khi bơm xăng dầu ở các bến, bãi, ga do Bộ Vật tư - Bộ Công an - Bộ Giao thông vận tải ban hành
Số hiệu: | 670-TT/LB |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Nơi ban hành: | Bộ Công An, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Vật tư |
Người ký: | Dương Bạch Liên, Viễn Chi, Trần Trung |
Ngày ban hành: | 20/07/1970 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư liên bộ 670-TT/LB năm 1970 quy định bảo vệ phòng cháy, chữa cháy trong khi bơm xăng dầu ở các bến, bãi, ga do Bộ Vật tư - Bộ Công an - Bộ Giao thông vận tải ban hành
Chưa có Video