BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/2013/TT-BKHCN |
Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2013 |
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
Căn cứ Luật Đo lường ngày 11 tháng 11 năm 2011;
Căn cứ Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một sổ điều của Luật Đo lường;
Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường,
1. Thông tư này quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
2. Hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường bức xạ, hạt nhân và hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phục vụ trực tiếp cho hoạt động đo lường đặc thù thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác.
1. Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (sau đây gọi tắt là tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm).
2. Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được chỉ định (sau đây gọi tắt là tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định).
3. Các cơ quan nhà nước về đo lường, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
Điều 3. Điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đáp ứng các điều kiện hoạt động sau đây:
1. Được thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có mặt bằng làm việc, điều kiện môi trường và điều kiện khác theo yêu cầu của quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quy định tại Khoản 3 Điều này;
b) Có đủ chuẩn đo lường, phương tiện thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo yêu cầu của quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tương ứng. Các chuẩn đo lường và phương tiện này được định kỳ kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định; giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn phải còn thời hạn có giá trị.
3. Có đủ quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm do tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm công bố áp dụng đối với lĩnh vực đăng ký hoạt động.
Quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm do tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm công bố áp dụng không được trái với: Quy định hiện hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khuyến nghị quốc tế của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML), tiêu chuẩn của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), tiêu chuẩn của nước ngoài và tài liệu của nhà sản xuất có liên quan.
4. Có ít nhất hai (02) nhân viên kỹ thuật (viên chức, lao động hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên, lao động hợp đồng không xác định thời hạn) cho mỗi lĩnh vực đăng ký hoạt động. Các nhân viên kỹ thuật này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên;
b) Có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tương ứng với lĩnh vực đăng ký hoạt động theo hướng dẫn của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (sau đây gọi tắt là Tổng cục).
5. Ban hành và thực hiện đúng quy định về chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gồm: Nội dung, hình thức của chứng chỉ, việc chế tạo, quản lý và sử dụng chứng chỉ. Nội dung và hình thức của chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tại Khoản 5 Điều này không được gây nhầm lẫn với chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định quy định tại Mục 4 Chương III của Thông tư này.
6. Đáp ứng các yêu cầu về tính độc lập, khách quan sau đây:
a) Công khai, minh bạch quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng;
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện và không chịu tác động làm thay đổi kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm này;
c) Nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tuân thủ quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng và không chịu tác động làm thay đổi kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện.
7. Đã thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
8. Phải đăng ký hoạt động theo quy định tại Thông tư này.
Tổ chức đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (gọi tắt là tổ chức đăng ký) lập một (01) bộ hồ sơ đăng ký gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
1. Đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (theo Mẫu 1.ĐKCCDV tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức đăng ký) quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
3. Báo cáo về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực (theo Mẫu 2.BCCSVC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
4. Văn bản của người đứng đầu tổ chức đăng ký cam kết bảo đảm điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
5. Văn bản quy định về nội dung, hình thức, việc chế tạo, quản lý và sử dụng chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
6. Danh mục hồ sơ của hệ thống quản lý đã thiết lập và duy trì đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đăng ký thực hiện.
1. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký những nội dung cần sửa đổi, bổ sung hoặc phải đánh giá tại cơ sở.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đăng ký không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
2. Trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (sau đây gọi tắt là giấy chứng nhận đăng ký) theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
3. Trường hợp phải đánh giá tại cơ sở, trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định thành lập đoàn đánh giá tại cơ sở. Việc thành lập đoàn đánh giá tại cơ sở và tiến hành đánh giá sự phù hợp của tổ chức đăng ký với các điều kiện hoạt động quy định tại Điều 4 áp dụng theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.
4. Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ kết quả đánh giá tại cơ sở, nếu kết quả đạt yêu cầu quy định, Tổng cục cấp giấy chứng nhận đăng ký theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này cho tổ chức đăng ký; trường hợp kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đăng ký và nêu rõ lý do.
Điều 6. Giấy chứng nhận đăng ký
1. Nội dung và hình thức của giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường theo Mẫu 3.GCNĐK tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận đăng ký được đánh số thứ tự liên tục từ lần cấp đầu tiên đến các lần cấp giấy chứng nhận điều chỉnh nội dung đăng ký tiếp theo.
3. Giấy chứng nhận đăng ký được gửi cho tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) nơi tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đăng ký trụ sở chính và được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Điều 7. Lưu giữ hồ sơ chứng nhận đăng ký
1. Hồ sơ chứng nhận đăng ký được lưu giữ gồm: Hồ sơ đăng ký quy định tại Điều 4, hồ sơ xử lý quy định tại Điều 5 và giấy chứng nhận đăng ký quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
2. Một (01) bộ hồ sơ chứng nhận đăng ký được lưu giữ tại Tổng cục.
3. Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm chịu trách nhiệm lập và lưu giữ một (01) bộ hồ sơ chứng nhận đăng ký tại trụ sở của tổ chức.
4. Thời hạn lưu giữ hồ sơ: Từ thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký đến hết năm (5) năm sau khi giấy chứng nhận đăng ký này bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ hiệu lực hoặc được thay thế bởi giấy chứng nhận mới.
Điều 8. Điều chỉnh nội dung của giấy chứng nhận đăng ký
1. Khi có nhu cầu điều chỉnh nội dung của giấy chứng nhận đăng ký, tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
a) Đề nghị điều chỉnh nội dung của giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (theo Mẫu 4.ĐNĐC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
b) Giấy chứng nhận đăng ký (bản chính);
c) Báo cáo về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực (theo Mẫu 2.BCCSVC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) (chỉ báo cáo những nội dung liên quan đến lĩnh vực đề nghị điều chỉnh);
d) Báo cáo hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện năm gần nhất (theo Mẫu 5.BCHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
đ) Tài liệu khác có liên quan đến nội dung đề nghị điều chỉnh.
2. Việc xử lý hồ sơ đề nghị điều chỉnh, cấp giấy chứng nhận đăng ký thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Thông tư này.
4. Lưu giữ hồ sơ chứng nhận điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
Điều 9. Đình chỉ hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký
1. Đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm ngoài lĩnh vực được chứng nhận hoạt động;
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không tuân thủ quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng gây hậu quả nghiêm trọng;
c) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không duy trì đúng điều kiện hoạt động theo quy định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục xem xét, ra thông báo đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký đã cấp (sau đây gọi tắt là thông báo đình chỉ). Thời hạn đình chỉ không được quá sáu (06) tháng kể từ thời điểm ra thông báo đình chỉ.
3. Thông báo đình chỉ được gửi cho tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Trong thời hạn bị đình chỉ, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả, tổ chức bị đình chỉ có quyền lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị được tiếp tục cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm: Công văn đề nghị được tiếp tục cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; hồ sơ chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả.
5. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức bị đình chỉ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức bị đình chỉ không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
6. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục quyết định kiểm tra trên hồ sơ hoặc kiểm tra tại cơ sở về nội dung đã khắc phục hậu quả.
a) Trường hợp kiểm tra trên hồ sơ, trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra thông báo hủy bỏ hiệu lực của thông báo đình chỉ (sau đây gọi tắt là thông báo hủy bỏ);
b) Trường hợp kiểm tra tại cơ sở, trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, Tổng cục hoàn tất việc kiểm tra tại cơ sở và ra thông báo hủy bỏ hoặc thông báo kết quả kiểm tra tại cơ sở không đạt yêu cầu quy định.
7. Thông báo hủy bỏ được gửi cho tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
8. Thông báo đình chỉ, thông báo hủy bỏ và các hồ sơ liên quan được lưu giữ theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.
Điều 10. Hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký
1. Hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bị giải thể, phá sản hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
b) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bị đình chỉ không hoàn thành việc khắc phục trong thời hạn đình chỉ ghi trong thông báo đình chỉ;
c) Tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm có văn bản đề nghị không tiếp tục cung cấp một phần hoặc toàn bộ dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ giấy chứng nhận đăng ký đã cấp (sau đây gọi tắt là quyết định hủy bỏ hiệu lực).
3. Quyết định hủy bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương nơi tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG ĐƯỢC CHỈ ĐỊNH
MỤC 1. ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHỈ ĐỊNH THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
Tổ chức đã được cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đáp ứng các điều kiện sau đây được chỉ định thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
1. Có lĩnh vực hoạt động được chứng nhận phù hợp với lĩnh vực đề nghị chỉ định.
2. Có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam quy định tại Khoản 5 Điều này.
3. Chuẩn công tác, chất chuẩn dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 phải được hiệu chuẩn, thử nghiệm tại tổ chức hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định và được duy trì, bảo quản, sử dụng theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này (đối với trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
4. Nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm do Tổng cục tổ chức thực hiện phù hợp với lĩnh vực đề nghị chỉ định.
5. Có đủ văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam về quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đối với lĩnh vực đề nghị chỉ định.
6. Chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đáp ứng quy định tại Mục 4 Chương III của Thông tư này.
7. Bảo đảm các điều kiện về độc lập, khách quan sau đây:
a) Có con dấu riêng, có tài khoản riêng; người đứng đầu có quyền xem xét quyết định về việc tuyển dụng, điều động, thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với nhân viên thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức theo quy định của pháp luật;
b) Không trực tiếp kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng thông qua sử dụng phương tiện đo nhóm 2 thuộc lĩnh vực đề nghị được chỉ định (đối với trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
8. Lĩnh vực đề nghị chỉ định phải phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về đo lường tại địa phương, trên phạm vi cả nước.
Điều 12. Hồ sơ đề nghị chỉ định
Tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 11 của Thông tư này lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị chỉ định gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
1. Đề nghị chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (theo Mẫu 6.ĐNCĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Báo cáo về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực (theo Mẫu 2.BCCSVC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
3. Báo cáo hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện năm gần nhất (theo Mẫu 5.BCHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
4. Văn bản của người đứng đầu tổ chức đề nghị quy định về nội dung, hình thức, việc chế tạo, quản lý và sử dụng chứng chỉ chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
5. Hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 theo quy định tại Điều 22 của Thông tư này (trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
6. Hồ sơ đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường theo quy định tại Điều 30 của Thông tư này (trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
7. Văn bản của người đứng đầu tổ chức đề nghị cam kết:
a) Tuân thủ các văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành và không chịu tác động bên ngoài làm thay đổi kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện;
b) Không trực tiếp kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng thông qua sử dụng phương tiện đo nhóm 2 thuộc lĩnh vực đề nghị được chỉ định (trường hợp đề nghị chỉ định kiểm định phương tiện đo nhóm 2).
8. Danh mục hồ sơ của hệ thống quản lý đã thiết lập và duy trì đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đề nghị chỉ định.
Điều 13. Xử lý hồ sơ đề nghị chỉ định
1. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đúng quy định, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị chỉ định những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
2. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định thành lập đoàn đánh giá tại cơ sở và tiến hành đánh giá theo quy định tại Điều 14 của Thông tư này.
3. Trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ kết quả đánh giá tại cơ sở, nếu kết quả đạt yêu cầu quy định, Tổng cục ra quyết định chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (gọi tắt là quyết định chỉ định) theo quy định tại Điều 15 của Thông tư này cho tổ chức đề nghị chỉ định; trường hợp kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị chỉ định và nêu rõ lý do.
4. Việc xử lý hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 tại Khoản 5 Điều 12 được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều này và theo yêu cầu, trình tự, thủ tục quy định tại Mục 2 Chương III của Thông tư này.
5. Việc xử lý hồ sơ đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường tại Khoản 6 Điều 12 được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều này và theo yêu cầu, trình tự, thủ tục quy định tại Mục 3 Chương III của Thông tư này.
1. Đánh giá tại cơ sở được tổ chức theo hình thức đoàn đánh giá và thực hiện đánh giá theo nguyên tắc chuyên gia.
2. Đoàn đánh giá do Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quyết định thành lập để đánh giá tại cơ sở, báo cáo kết quả và tư vấn cho Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về sự phù hợp của tổ chức đề nghị với các điều kiện quy định tại Thông tư này.
3. Thành phần đoàn đánh giá và trách nhiệm của thành viên đoàn đánh giá
a) Đoàn đánh giá gồm trưởng đoàn và thành viên khác, số lượng thành viên tùy thuộc vào lĩnh vực đề nghị chỉ định và không ít hơn hai (02) người; Trưởng đoàn và thành viên khác phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo chuyên gia đánh giá do Tổng cục tổ chức thực hiện;
b) Trưởng đoàn phải có ít nhất ba (3) năm kinh nghiệm quản lý hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Trưởng đoàn có trách nhiệm: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đoàn đánh giá; trực tiếp đánh giá về hệ thống quản lý; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên; triệu tập và chủ trì các buổi họp của đoàn đánh giá; thông qua hồ sơ kết quả đánh giá trước khi trình Tổng cục;
c) Thành viên khác phải có chuyên môn phù hợp và có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong lĩnh vực đo tương ứng. Thành viên khác có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được phân công và chịu trách nhiệm về nội dung, kết quả thực hiện nhiệm vụ.
4. Nội dung đánh giá: Đánh giá sự phù hợp của tổ chức đề nghị với các điều kiện quy định tại Điều 3, Điều 11 của Thông tư này.
5. Phương pháp đánh giá
a) Phỏng vấn trực tiếp người phụ trách, nhân viên của tổ chức đề nghị về những thông tin có liên quan;
b) Xem xét hồ sơ lưu trữ, các tài liệu có liên quan;
c) Quan sát thực tế điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực của tổ chức đề nghị chỉ định;
d) Đánh giá sự thành thạo của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thông qua quan sát thao tác và xử lý kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm do nhân viên đó thực hiện.
6. Trình tự đánh giá
a) Trưởng đoàn tổ chức họp đoàn đánh giá, thông qua chương trình đánh giá (theo Mẫu 7.CTĐG tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), thống nhất kế hoạch thực hiện việc đánh giá theo tiến độ, nội dung đánh giá quy định trong quyết định thành lập đoàn đánh giá và thông báo cho các bên liên quan;
b) Theo nhiệm vụ được phân công, các thành viên tiến hành đánh giá và lập phiếu đánh giá về kỹ thuật đo lường (theo Mẫu 8.PĐGKTĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), đánh giá và lập phiếu đánh giá về hệ thống quản lý (theo Mẫu 9.PĐGHTQL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
c) Lập biên bản tổng hợp kết quả đánh giá (theo Mẫu 10.BBTHĐG tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này);
d) Trong thời hạn ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định thành lập đoàn đánh giá, trưởng đoàn đánh giá phải nộp hồ sơ kết quả đánh giá về Tổng cục. Hồ sơ gồm: Chương trình đánh giá, phiếu đánh giá về kỹ thuật đo lường, phiếu đánh giá về hệ thống quản lý, biên bản tổng hợp kết quả đánh giá theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 5 Điều này;
đ) Trường hợp tổ chức đề nghị có những điểm không phù hợp nhưng có thể khắc phục được thì đoàn đánh giá liệt kê các điểm không phù hợp, đề xuất thời hạn khắc phục và thông báo kết quả đánh giá cho tổ chức đề nghị. Tổ chức đề nghị tiến hành khắc phục các điểm không phù hợp và gửi báo cáo cho đoàn đánh giá. Đoàn đánh giá tiến hành thẩm định báo cáo khắc phục, trường hợp cần thiết đoàn đánh giá tiến hành đánh giá lại tại cơ sở. Trong trường hợp này, thời hạn khắc phục và thời gian đánh giá lại được cộng thêm vào thời hạn đánh giá.
7. Chi phí và các điều kiện khác phục vụ việc đánh giá tại cơ sở của đoàn đánh giá do tổ chức đề nghị bảo đảm.
1. Quyết định chỉ định phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định (sau đây gọi tắt là tổ chức được chỉ định);
b) Địa điểm thực hiện hoạt động;
c) Lĩnh vực được chỉ định;
d) Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định.
2. Thời hạn của quyết định chỉ định là năm (05) năm kể từ ngày ký.
3. Quyết định chỉ định được gửi tới tổ chức được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức được chỉ định đăng ký trụ sở chính và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Điều 16. Lưu giữ hồ sơ chỉ định
1. Hồ sơ chỉ định được lưu giữ gồm: Bộ hồ sơ đề nghị chỉ định quy định tại Điều 12, hồ sơ đánh giá tại cơ sở quy định tại Điều 14 và quyết định chỉ định quy định tại Điều 15 của Thông tư này.
2. Một (01) bộ hồ sơ chỉ định được lưu giữ tại Tổng cục.
3. Tổ chức được chỉ định chịu trách nhiệm lập và lưu giữ một (01) bộ hồ sơ chỉ định tại trụ sở của tổ chức.
4. Thời hạn lưu giữ: Từ thời điểm quyết định chỉ định được ban hành đến hết năm (05) năm sau khi quyết định chỉ định này hết thời hạn hiệu lực hoặc bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ hiệu lực.
Điều 17. Điều chỉnh nội dung của quyết định chỉ định, chỉ định lại
1. Trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung của quyết định chỉ định, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này đối với nội dung đề nghị điều chỉnh và gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục.
2. Trường hợp đề nghị chỉ định lại, không ít hơn ba (3) tháng trước khi hết thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định đã cấp, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 12 của Thông tư này gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục.
3. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đúng quy định, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
4. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục xem xét, quyết định kiểm tra trên hồ sơ hoặc đánh giá tại cơ sở.
a) Trường hợp kiểm tra trên hồ sơ, trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định chỉ định lại hoặc quyết định chỉ định điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Thông tư này cho tổ chức được chỉ định;
b) Trường hợp đánh giá tại cơ sở, việc xử lý hồ sơ, đánh giá tại cơ sở và ra quyết định chỉ định được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 13, Điều 14 và Điều 15 của Thông tư này.
5. Quyết định chỉ định lại, quyết định chỉ định điều chỉnh được gửi tới tổ chức được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức được chỉ định đăng ký trụ sở chính và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
6. Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định lại là năm (5) năm kể từ ngày ký. Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định điều chỉnh lấy theo thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định còn thời hạn hiệu lực đã cấp cho tổ chức được chỉ định.
7. Việc lưu giữ hồ sơ chỉ định điều chỉnh, chỉ định lại được áp dụng theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này.
Điều 18. Đình chỉ hiệu lực của quyết định chỉ định
1. Đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chỉ định được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức được chỉ định thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm ngoài lĩnh vực được chỉ định hoặc không hoàn thành trách nhiệm quy định tại Thông tư này gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Tổ chức được chỉ định có văn bản đề nghị được tạm dừng thực hiện một phần hoặc toàn bộ lĩnh vực được chỉ định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chỉ định đã cấp (sau đây gọi tắt là quyết định đình chỉ). Thời hạn đình chỉ không được quá sáu (06) tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của quyết định đình chỉ.
3. Quyết định đình chỉ được gửi cho tổ chức bị đình chỉ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Trong thời hạn bị đình chỉ, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả, tổ chức bị đình chỉ có quyền lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị hủy bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm: Công văn đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ, hồ sơ chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả.
5. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đúng quy định, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức bị đình chỉ những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức bị đình chỉ không bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
6. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục quyết định kiểm tra trên hồ sơ hoặc kiểm tra tại cơ sở về nội dung đã khắc phục hậu quả.
a) Trường hợp kiểm tra trên hồ sơ, trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ (sau đây gọi tắt là quyết định bãi bỏ hiệu lực);
b) Trường hợp kiểm tra tại cơ sở, trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, Tổng cục hoàn tất việc kiểm tra tại cơ sở và ra quyết định bãi bỏ hiệu lực hoặc thông báo kết quả kiểm tra tại cơ sở không đạt yêu cầu quy định.
7. Quyết định bãi bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức được chỉ định đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
8. Việc lưu giữ quyết định đình chỉ, quyết định bãi bỏ hiệu lực và các hồ sơ liên quan được áp dụng theo quy định tại Điều 16 của Thông tư này.
Điều 19. Hủy bỏ hiệu lực của quyết định chỉ định
1. Hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ của quyết định chỉ định được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức được chỉ định bị phá sản, giải thể hoặc vi phạm pháp luật nghiêm trọng;
b) Tổ chức bị đình chỉ không hoàn thành việc khắc phục hậu quả trong thời hạn bị đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ;
c) Tổ chức được chỉ định có văn bản đề nghị không tiếp tục thực hiện lĩnh vực hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã được chỉ định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chỉ định đã cấp (gọi tắt là quyết định hủy bỏ hiệu lực).
3. Quyết định hủy bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức được chỉ định đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Điều 20. Yêu cầu đối với chuẩn đo lường để được chứng nhận
1. Chuẩn công tác của tổ chức kiểm định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu sau đây được chứng nhận là chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2:
a) Đã được hiệu chuẩn tại tổ chức hiệu chuẩn được chỉ định theo quy định; giấy chứng nhận hiệu chuẩn phải còn thời hạn có giá trị;
b) Đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành;
c) Được duy trì, bảo quản, sử dụng theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này;
d) Phù hợp với lĩnh vực được chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định.
2. Chất chuẩn dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 của tổ chức kiểm định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu sau đây được chứng nhận là chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 (sau đây gọi tắt là chuẩn đo lường):
a) Đã được thử nghiệm hoặc so sánh tại tổ chức thử nghiệm được chỉ định theo quy định tại Thông tư này hoặc tại cơ quan quốc gia về chứng nhận chất chuẩn của nước ngoài hoặc tại phòng thí nghiệm đã liên kết chuẩn đo lường tới cơ quan quốc gia về chứng nhận chất chuẩn của nước ngoài; giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm hoặc so sánh (Certificate of analysis) phải còn thời hạn giá trị;
b) Độ đồng nhất, độ ổn định và giá trị thuộc tính của chất chuẩn bảo đảm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành;
c) Được duy trì, bảo quản, sử dụng theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này;
d) Phù hợp với lĩnh vực được chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định.
Điều 21. Duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường
1. Việc duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường phải được thực hiện theo đúng quy định do người đứng đầu tổ chức kiểm định được chỉ định ban hành và các quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.
2. Quy định về việc duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường phải bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Đối với việc duy trì, bảo quản
- Diện tích nơi duy trì, bảo quản;
- Điều kiện môi trường và các điều kiện kỹ thuật khác;
- Việc định kỳ kiểm soát các điều kiện duy trì, bảo quản;
- Yêu cầu về duy trì, bảo quản, sử dụng phương tiện, trang thiết bị để thực hiện duy trì, bảo quản chuẩn đo lường;
- Phân công và trách nhiệm của người làm nhiệm vụ duy trì, bảo quản.
b) Đối với việc sử dụng
- Phân công và quy định trách nhiệm của người được giao thực hiện hiệu chuẩn hoặc so sánh chuẩn đo lường theo quy định;
- Ghi chép nhật ký sử dụng.
Điều 22. Hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường
Tổ chức kiểm định được chỉ định lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
1. Đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường (theo Mẫu 11.ĐNCNCĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) giấy chứng nhận hiệu chuẩn của chuẩn công tác theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 20 hoặc giấy chứng nhận thử nghiệm hoặc so sánh của chất chuẩn theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 20 của Thông tư này.
3. Ảnh chụp của chuẩn đo lường bao gồm một (01) ảnh tổng thể và 01 ảnh nhãn mác. Ảnh màu cỡ (15 x 20) cm, phải bảo đảm sắc nét, rõ ràng (đối với trường hợp lần đầu tiên đề nghị chứng nhận).
4. Văn bản quy định về việc duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường do người đứng đầu tổ chức kiểm định được chỉ định ban hành.
Điều 23. Xử lý hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường
1. Trường hợp hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường được gửi cùng hồ sơ đề nghị chỉ định, việc xử lý hồ sơ thực hiện cùng với hồ sơ đề nghị chỉ định theo thời hạn quy định tại Điều 13 của Thông tư này và theo yêu cầu, trình tự, thủ tục chứng nhận chuẩn đo lường quy định tại Mục 2 Chương III của Thông tư này.
2. Trường hợp hồ sơ đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường được gửi không cùng thời gian với hồ sơ đề nghị chỉ định, việc xử lý hồ sơ được thực hiện như sau:
a) Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này;
b) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định chứng nhận chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 (sau đây viết tắt là quyết định chứng nhận chuẩn đo lường) theo quy định tại Điều 24 của Thông tư này.
Điều 24. Quyết định chứng nhận chuẩn đo lường
1. Quyết định chứng nhận chuẩn đo lường bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kiểm định được chỉ định;
b) Tên của chuẩn đo lường;
c) Số sản xuất, năm sản xuất, hãng sản xuất, nước sản xuất của chuẩn đo lường;
d) Kiểu, ký hiệu, đặc trưng kỹ thuật đo lường chính của chuẩn đo lường;
đ) Lĩnh vực kiểm định;
e) Thời hạn hiệu lực.
2. Thời hạn hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường lấy theo thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định còn hiệu lực đã cấp cho tổ chức kiểm định được chỉ định.
Trường hợp chuẩn đo lường được chứng nhận là chất chuẩn và thời hạn giá trị của giấy chứng nhận thử nghiệm hoặc so sánh chất chuẩn ít hơn thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định thì thời hạn hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đối với chất chuẩn là thời hạn giá trị của giấy chứng nhận đó.
3. Quyết định chứng nhận chuẩn đo lường được gửi tới tổ chức kiểm định được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức kiểm định được chỉ định đăng ký trụ sở chính và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Điều 25. Lưu giữ hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường
1. Hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường được lưu giữ gồm: Bộ hồ sơ đề nghị chỉ định quy định tại Điều 22 và quyết định chứng nhận chuẩn đo lường quy định tại Điều 24 của Thông tư này.
2. Một (01) bộ hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường được lưu giữ tại Tổng cục.
3. Tổ chức kiểm định được chỉ định chịu trách nhiệm lập và lưu giữ một (01) bộ hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường tại trụ sở của tổ chức.
4. Hồ sơ chứng nhận chuẩn đo lường được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 26. Điều chỉnh nội dung của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường
1. Khi có nhu cầu điều chỉnh điều chỉnh nội dung của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh và gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
a) Công văn đề nghị điều chỉnh;
b) Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) giấy chứng nhận hiệu chuẩn của chuẩn đo lường theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 20 của Thông tư này (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung tại điểm b, điểm c, điểm d Khoản 1 Điều 24 của Thông tư này);
c) Ảnh chụp của chuẩn đo lường bao gồm một (01) ảnh tổng thể và một (01) ảnh nhãn mác; ảnh màu cỡ (15 x 20) cm, phải bảo đảm sắc nét, rõ ràng (đối với trường hợp đề nghị điều chỉnh nội dung tại điểm b, điểm c, điểm d Khoản 1 Điều 24 của Thông tư này);
d) Tài liệu khác có liên quan đến nội dung đề nghị điều chỉnh.
2. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
3. Quyết định chứng nhận điều chỉnh được ban hành theo quy định tại Điều 24 của Thông tư này.
4. Rà soát, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi có sự điều chỉnh về đặc tính kỹ thuật đo lường chính của chuẩn đo lường; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
5. Quyết định điều chỉnh và các hồ sơ liên quan được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định đã cấp cho tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 27. Đình chỉ hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường
1. Đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức kiểm định được chỉ định bị đình chỉ lĩnh vực kiểm định đã chứng nhận cho chuẩn đo lường;
b) Tổ chức kiểm định được chỉ định có văn bản đề nghị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đã cấp và nêu rõ lý do đề nghị.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đã cấp (sau đây gọi tắt là quyết định đình chỉ). Thời hạn đình chỉ không được quá sáu (06) tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của quyết định đình chỉ.
3. Quyết định đình chỉ được gửi cho tổ chức bị đình chỉ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Tổng cục xem xét, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi quyết định chứng nhận chuẩn đo lường bị đình chỉ hiệu lực; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
5. Trong thời hạn bị đình chỉ, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả, tổ chức bị đình chỉ có quyền lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm: Công văn đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ và nêu rõ lý do đề nghị; hồ sơ, tài liệu có liên quan.
6. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức bị đình chỉ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức bị đình chỉ không bổ sung đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
7. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ (sau đây gọi tắt là quyết định bãi bỏ hiệu lực).
8. Quyết định bãi bỏ được gửi cho tổ chức bị đình chỉ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
9. Quyết định đình chỉ, quyết định bãi bỏ và các hồ sơ liên quan được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 28. Hủy bỏ hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường
1. Hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận chuẩn đo lường được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Quyết định chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định bị hủy bỏ hiệu lực toàn bộ hoặc hủy bỏ hiệu lực đối với lĩnh vực kiểm định đã chứng nhận cho chuẩn đo lường;
b) Quá thời hạn đình chỉ quy định tại Điều 27 của Thông tư này, tổ chức bị đình chỉ không có hồ sơ đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ;
c) Tổ chức kiểm định được chỉ định có văn bản đề nghị không tiếp tục sử dụng chuẩn đo lường đã được chứng nhận để thực hiện hoạt động kiểm định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đã cấp (gọi tắt là quyết định hủy bỏ hiệu lực).
3. Quyết định hủy bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức kiểm định được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức kiểm định được chỉ định đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Tổng cục xem xét, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi quyết định chứng nhận chuẩn đo lường bị hủy bỏ hiệu lực; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
MỤC 3. YÊU CẦU, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHỨNG NHẬN, CẤP THẺ KIỂM ĐỊNH VIÊN ĐO LƯỜNG
Điều 29. Yêu cầu đối với nhân viên kiểm định để được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
Nhân viên kiểm định của tổ chức kiểm định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu sau đây được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường:
1. Tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên.
2. Hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định do Tổng cục tổ chức thực hiện tương ứng với lĩnh vực được chỉ định.
Điều 30. Hồ sơ đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
Tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường (gọi tắt là hồ sơ nhân viên kiểm định) gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
1. Đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường (theo Mẫu 12.ĐNCNKĐVĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Sơ yếu lý lịch (theo Mẫu 13.SYLL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) của từng nhân viên kiểm định.
3. Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc tương đương trở lên của nhân viên kiểm định (đối với trường hợp lần đầu tiên đề nghị chứng nhận, cấp thẻ).
4. Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định theo quy định tại Khoản 2 Điều 29 của Thông tư này.
5. Hai (02) ảnh màu cỡ (2 x 3) cm, chụp trên nền trắng (đối với trường hợp lần đầu tiên đề nghị chứng nhận, cấp thẻ).
Điều 31. Xử lý hồ sơ nhân viên kiểm định
1. Trường hợp hồ sơ nhân viên kiểm định được gửi cùng với hồ sơ đề nghị chỉ định, việc xử lý hồ sơ được thực hiện cùng với hồ sơ đề nghị chỉ định theo thời hạn quy định tại Điều 13 của Thông tư này và theo yêu cầu, trình tự, thủ tục chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường quy định tại Mục 3 Chương III của Thông tư này.
2. Trường hợp hồ sơ nhân viên kiểm định nhận được không cùng thời gian với hồ sơ đề nghị chỉ định, việc xử lý hồ sơ được thực hiện như sau:
a) Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức đề nghị những nội dung cần bổ sung, hoàn chỉnh.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức đề nghị không bổ sung đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này;
b) Trong thời hạn mười lăm (15) ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra ra quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường theo quy định tại Điều 32, Điều 34 của Thông tư này.
Điều 32. Quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
1. Quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường có các nội dung chính sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kiểm định được chỉ định;
b) Họ tên, năm sinh của kiểm định viên đo lường;
c) Số hiệu của kiểm định viên;
d) Lĩnh vực kiểm định;
đ) Thời hạn hiệu lực.
2. Thời hạn hiệu lực của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường lấy theo thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định còn hiệu lực đã cấp cho tổ chức kiểm định được chỉ định.
3. Quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được gửi tới tổ chức kiểm định được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức kiểm định được chỉ định đăng ký trụ sở chính và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
Điều 33. Lưu giữ hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
1. Hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được lưu giữ gồm: Bộ hồ sơ nhân viên kiểm định quy định tại Điều 30 và quyết định chứng nhận, cấp kiểm định viên đo lường quy định tại Điều 32 của Thông tư này.
2. Một (01) bộ hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được lưu giữ tại Tổng cục.
3. Tổ chức kiểm định được chỉ định chịu trách nhiệm lập và lưu giữ một (01) bộ hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường tại trụ sở của tổ chức.
4. Hồ sơ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 34. Thẻ kiểm định viên đo lường
1. Thẻ kiểm định viên đo lường (sau đây viết tắt là thẻ) do Tổng cục cấp cho từng kiểm định viên đo lường.
2. Mỗi kiểm định viên đo lường chỉ được cấp một (01) thẻ.
3. Thẻ không còn giá trị hiệu lực khi quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường bị đình chỉ hoặc hủy bỏ hiệu lực.
4. Nội dung và hình thức của thẻ kiểm định viên đo lường theo Mẫu 14.TKĐVĐL tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 35. Điều chỉnh nội dung của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường, cấp lại thẻ
1. Khi có nhu cầu điều chỉnh nội dung của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị điều chỉnh gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
a) Công văn đề nghị điều chỉnh;
b) Bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức kiểm định được chỉ định) giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo về kiểm định đối với lĩnh vực kiểm định đề nghị bổ sung đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều 29 của Thông tư này (đối với trường hợp đề nghị bổ sung lĩnh vực kiểm định cho kiểm định viên đo lường);
b) Tài liệu khác có liên quan đến nội dung đề nghị điều chỉnh.
2. Trường hợp đề nghị cấp lại thẻ do mất thẻ, thẻ bị rách, nát, hư hỏng, tổ chức đề nghị lập một (01) bộ hồ sơ gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm:
a) Công văn đề nghị cấp lại thẻ;
b) Hai (02) ảnh màu cỡ ảnh (2 x 3) cm, chụp trên nền trắng.
3. Việc xử lý hồ sơ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 31 của Thông tư này.
4. Việc ban hành quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường hoặc cấp lại thẻ được thực hiện theo quy định tương ứng tại Điều 32, Điều 34 của Thông tư này.
5. Quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường và các hồ sơ liên quan được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 36. Đình chỉ hiệu lực của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
1. Đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức kiểm định được chỉ định bị đình chỉ lĩnh vực kiểm định đã chứng nhận, cấp thẻ cho kiểm định viên đo lường;
b) Kiểm định viên đo lường không hoàn thành trách nhiệm theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng trong các trường hợp sau đây:
- Không thực hiện kiểm định mà cấp chứng chỉ kiểm định cho phương tiện đo;
- Không tuân thủ quy trình kiểm định quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành;
- Sử dụng chứng chỉ kiểm định không đúng quy định;
- Kiểm định phương tiện đo chưa được phê duyệt mẫu theo quy định hoặc không đúng mẫu đã được phê duyệt;
- Kiểm định phương tiện đo khi quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã hết hiệu lực.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định đình chỉ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã cấp (sau đây gọi tắt là quyết định đình chỉ). Thời hạn đình chỉ không được quá sáu (06) tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của quyết định đình chỉ.
3. Quyết định đình chỉ được gửi cho tổ chức kiểm định được chỉ định có kiểm định viên đo lường bị đình chỉ (gọi tắt là tổ chức bị đình chỉ), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Tổng cục xem xét, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường bị đình chỉ hiệu lực; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
5. Trong thời hạn bị đình chỉ, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả, tổ chức bị đình chỉ có quyền lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ gửi trực tiếp tại trụ sở Tổng cục hoặc qua đường bưu điện đến Tổng cục. Bộ hồ sơ gồm: Công văn đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ và nêu rõ lý do đề nghị, hồ sơ, tài liệu có liên quan.
6. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không đạt yêu cầu, Tổng cục thông báo bằng văn bản cho tổ chức bị đình chỉ những nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Sau thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày Tổng cục gửi thông báo, nếu tổ chức bị đình chỉ không bổ sung đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục có quyền hủy bỏ việc xử lý đối với hồ sơ này.
7. Trong thời hạn bảy (7) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục ra quyết định bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ (sau đây gọi tắt là quyết định bãi bỏ hiệu lực).
8. Quyết định bãi bỏ được gửi cho tổ chức bị đình chỉ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức bị đình chỉ đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
9. Quyết định đình chỉ, quyết định bãi bỏ hiệu lực và các hồ sơ liên quan được lưu giữ cùng với hồ sơ chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định với thời hạn lưu giữ quy định tại Khoản 4 Điều 16 của Thông tư này.
Điều 37. Hủy bỏ hiệu lực của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
1. Hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Quyết định chỉ định của tổ chức kiểm định được chỉ định bị hủy bỏ hiệu lực toàn bộ hoặc bị hủy bỏ hiệu lực đối với lĩnh vực kiểm định đã chứng nhận, cấp thẻ cho kiểm định viên đo lường;
b) Quá thời hạn đình chỉ quy định tại Điều 36 của Thông tư này, tổ chức bị đình chỉ không có hồ sơ đề nghị bãi bỏ hiệu lực của quyết định đình chỉ;
c) Tổ chức kiểm định được chỉ định có văn bản đề nghị hủy bỏ hiệu lực do kiểm định viên đo lường hiện không còn tham gia hoạt động kiểm định.
2. Tùy từng trường hợp cụ thể, Tổng cục ra quyết định hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã cấp (gọi tắt là quyết định hủy bỏ hiệu lực) và thu hồi thẻ đã cấp.
3. Quyết định hủy bỏ hiệu lực được gửi cho tổ chức kiểm định được chỉ định, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nơi tổ chức kiểm định được chỉ định đăng ký trụ sở chính và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục.
4. Tổng cục xem xét, đánh giá lại sự phù hợp của tổ chức kiểm định được chỉ định với các điều kiện hoạt động quy định khi quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường bị hủy bỏ hiệu lực; xử lý theo quy định tại Mục 1 Chương III của Thông tư này.
MỤC 4. CHỨNG CHỈ KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
1. Dấu kiểm định được đóng, kẹp, in, ghi khắc, sơn trực tiếp trên phương tiện đo đạt yêu cầu quy định của quy trình kiểm định tương ứng và ở vị trí thích hợp.
2. Dấu kiểm định gồm 2 kiểu có nội dung và hình thức theo Mẫu 15.DKĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Dấu kiểm định kiểu 1 được sử dụng trong các trường hợp sau:
a) Sử dụng độc lập cho loại phương tiện đo, chuẩn đo lường không có quy định về thời hạn phải kiểm định lại theo chu kỳ;
b) Sử dụng đồng thời với tem kiểm định và/hoặc giấy chứng nhận kiểm định đối với loại phương tiện đo, chuẩn đo lường có quy định về thời hạn phải kiểm định lại theo chu kỳ.
4. Dấu kiểm định kiểu 2 được sử dụng độc lập để thực hiện đồng thời hai chức năng niêm phong và thông báo hết hiệu lực kiểm định đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường có quy định về thời hạn phải kiểm định lại theo chu kỳ mà không cần phải sử dụng kèm theo với tem kiểm định và/hoặc giấy chứng nhận kiểm định.
Điều 39. Tem kiểm định, tem hiệu chuẩn
1. Tem kiểm định
a) Tem kiểm định có nội dung và hình thức tương ứng theo Mẫu 16.TKĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tem kiểm định được dán trực tiếp trên phương tiện đo đạt yêu cầu quy định của quy trình kiểm định tương ứng và ở vị trí thích hợp;
c) Tem kiểm định được sử dụng kết hợp với dấu kiểm định và/hoặc giấy chứng nhận kiểm định để thông báo có giá trị của việc kiểm định đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường có quy định về thời hạn phải kiểm định lại theo chu kỳ;
d) Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường không đủ chỗ hoặc không thể dán tem kiểm định thì được phép sử dụng giấy chứng nhận kiểm định để thông báo thời hạn có giá trị của việc kiểm định đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường đó.
2. Tem hiệu chuẩn
a) Tem hiệu chuẩn có nội dung và hình thức theo Mẫu 17.THC tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Tem hiệu chuẩn được dán trực tiếp trên phương tiện đo, chuẩn đo lường hoặc ở vị trí thích hợp;
c) Tem hiệu chuẩn được sử dụng kết hợp với giấy chứng nhận hiệu chuẩn để thông báo thời hạn có giá trị của việc hiệu chuẩn đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường;
d) Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường không đủ chỗ hoặc không thể dán tem hiệu chuẩn thì được phép sử dụng giấy chứng nhận hiệu chuẩn để thông báo thời hạn có giá trị của việc hiệu chuẩn đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường đó.
Điều 40. Giấy chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận hiệu chuẩn, giấy chứng nhận thử nghiệm
1. Giấy chứng nhận kiểm định, giấy chứng nhận hiệu chuẩn, giấy chứng nhận thử nghiệm có nội dung và hình thức tương ứng theo Mẫu 18.GCNKĐ, Mẫu 19.GCNHC, Mẫu 20.GCNTN tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Giấy chứng nhận kiểm định được cấp cho từng phương tiện đo đạt yêu cầu quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.
3. Giấy chứng nhận hiệu chuẩn được cấp cho từng phương tiện đo hoặc từng chuẩn đo lường để cung cấp giá trị đo (cùng với độ không đảm bảo đo của giá trị đo) của chuẩn đo lường, phương tiện đo hoặc cung cấp mối quan hệ giữa với giá trị đo của chuẩn đo lường, phương tiện đo với giá trị đo của đại lượng đo.
4. Giấy chứng nhận thử nghiệm (hoặc giấy chứng nhận kết quả đo, thử nghiệm) được cấp cho từng mẫu phương tiện đo, chuẩn đo lường để cung cấp đặc tính kỹ thuật đo lường của phương tiện đo, chuẩn đo lường đó.
5. Giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với dấu kiểm định, tem kiểm định trong các trường hợp quy định tại Điều 38, Khoản 1 Điều 39 của Thông tư này theo yêu cầu sử dụng và quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.
6. Giấy chứng nhận hiệu chuẩn được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với tem hiệu chuẩn trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 39 của Thông tư này theo yêu cầu sử dụng và quy định tại văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam hiện hành.
1. Giấy chứng nhận được trình bày trên khổ giấy A4 (210 x 297) mm
2. Phần chữ tiếng Anh phải có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt.
3. Nội dung ghi phải rõ ràng, sạch, không viết tắt, không tẩy xóa. Tên và kí hiệu đơn vị đo, giá trị đại lượng, giá trị sai số... phải trình bày đúng quy định về đơn vị đo pháp định.
4. Số của phương tiện đo, chuẩn đo lường: Ghi theo số sản xuất của phương tiện đo, chuẩn đo lường. Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường không có số sản xuất, nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải đánh số lên phương tiện đo, chuẩn đo lường và coi đó là số của phương tiện đo, chuẩn đo lường.
5. Nơi sản xuất của phương tiện đo, chuẩn đo lường: Ghi rõ tên nhà máy hoặc hãng sản xuất và nước sản xuất của phương tiện đo, chuẩn đo lường.
6. Phần đặc trưng kỹ thuật đo lường: Ghi tóm tắt các đặc trưng đo lường chính của phương tiện đo, chuẩn đo lường như phạm vi đo, cấp chính xác... Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường không ghi cấp chính xác thì ghi sai số cho phép hoặc giá trị độ chia nhỏ nhất hoặc độ không đảm bảo đo. Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường có nhiều phạm vi đo thì ghi các đặc trưng này theo từng phạm vi đo của phương tiện đo, chuẩn đo lường.
7. Phương pháp thực hiện: Ghi số hiệu và tên văn bản hoặc quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được dùng để thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
8. Phần kết quả được ghi như sau:
a) Đối với giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo: Ghi “Đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường”;
b) Đối với giấy chứng nhận hiệu chuẩn, giấy chứng nhận thử nghiệm: Ghi “Xem kết quả tại trang…..”.
9. Tem kiểm định: Phải ghi đầy đủ số seri và số của tem kiểm định. Trong trường hợp không phải sử dụng tem, mục này để trống.
10. Phần có giá trị đến: Ghi ngày cuối, tháng cuối của chu kỳ kiểm định, hiệu chuẩn quy định.
11. Phần ký giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
a) Có đủ chữ ký, họ và tên của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm hoặc của Trưởng phòng thí nghiệm. Trường hợp cấp giấy chứng nhận kiểm định, nhân viên kiểm định phải là người đã được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường;
b) Có đủ chữ ký, họ và tên, dấu chức danh của Thủ trưởng hoặc người được ủy quyền và đóng dấu hành chính của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
Điều 42. Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
1. Duy trì các điều kiện hoạt động quy định tại Điều 3 của Thông tư này.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về quản lý hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
3. Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về: Quản lý và sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; chế tạo và quản lý, sử dụng chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
4. Định kỳ hàng năm trước ngày 31 tháng 01 hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, lập báo cáo hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (theo Mẫu 5.BCHĐ tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) gửi về Tổng cục và Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương.
5. Thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 43. Trách nhiệm của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được chỉ định
1. Duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 11 của Thông tư này.
2. Ban hành và tổ chức thực hiện quy định về quản lý hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
3. Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về: Duy trì, bảo quản và sử dụng chuẩn đo lường, phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; chế tạo và quản lý, sử dụng chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đáp ứng yêu cầu quy định tại của Thông tư này.
4. Chỉ được tiến hành kiểm định phương tiện đo sau khi chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo nhóm 2 đã được chứng nhận và nhân viên kiểm định đã được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường.
5. Yêu cầu kiểm định viên đo lường xuất trình và đeo thẻ khi thực hiện kiểm định phương tiện đo.
6. Thu hồi thẻ, báo cáo và nộp thẻ của kiểm định viên đo lường không còn được giao tham gia hoạt động kiểm định về Tổng cục.
7. Lập báo cáo hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 của Thông tư này.
8. Thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều 44. Trách nhiệm của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
1. Nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo phân công của người đứng đầu tổ chức và phù hợp, trong lĩnh vực hoạt động đã đăng ký hoặc được chỉ định của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và phù hợp với lĩnh vực đã được đào tạo;
b) Tuân thủ đúng trình tự quy định tại quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm. Không chịu sự can thiệp dưới mọi hình thức đối với việc thực hiện và kết quả hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm;
c) Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về đo lường phải báo ngay với người đứng đầu tổ chức để phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;
d) Tuân thủ quy định tại Thông tư này và các quy định khác về đo lường.
2. Kiểm định viên đo lường trong tổ chức kiểm định được chỉ định ngoài các trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều này còn có các trách nhiệm sau đây:
a) Kiểm định phương tiện đo trong phạm vi lĩnh vực kiểm định đã được chứng nhận;
b) Đeo thẻ khi thực hiện kiểm định phương tiện đo;
c) Không được dùng thẻ kiểm định viên đo lường vào các mục đích khác;
d) Nộp lại thẻ kiểm định viên đo lường cho tổ chức kiểm định được chỉ định khi không còn được giao tham gia thực hiện kiểm định.
Điều 45. Trách nhiệm của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
1. Thực hiện việc đăng ký tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định tại Chương II của Thông tư này và chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định tại Chương III của Thông tư này.
4. Kiểm tra nhà nước về đo lường đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong phạm vi trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường.
5. Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đo lường theo quy định của pháp luật.
Điều 46. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
1. Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trong phạm vi trách nhiệm được quy định tại Khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường.
2. Chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đo lường trên địa bàn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đo lường theo quy định của pháp luật.
1. Kiểm tra nhà nước về đo lường đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm trên địa bàn trong phạm vi trách nhiệm được quy định tại Khoản 3 Điều 13 của Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường.
2. Tuyên truyền, phổ biến quy định tại thông tư này cho các tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Phối hợp thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về đo lường theo quy định của pháp luật.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2013.
2. Bãi bỏ hiệu lực thi hành của các văn bản sau đây:
a) Quyết định số 17/2005/QĐ-BKHCN ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về dấu kiểm định, tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định;
b) Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo;
c) Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về việc chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường;
d) Quyết định số 28/2007/QĐ-BKHCN ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về việc chứng nhận chuẩn đo lường để kiểm định phương tiện đo;
đ) Thông tư số 12/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về việc công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo ban hành kèm theo Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
e) Thông tư số 13/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Quy định về việc chứng nhận và cấp thẻ kiểm định viên đo lường ban hành kèm theo Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;
g) Thông tư số 15/2011/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về việc chứng nhận chuẩn đo lường để kiểm định phương tiện đo ban hành kèm theo Quyết định số 28/2007/QĐ-BKHCN ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 49. Điều khoản chuyển tiếp
1. Tổ chức kiểm định được công nhận theo quy định tại Quyết định số 20/2006/QĐ-BKHCN ngày 10/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được tiếp tục thực hiện việc kiểm định phương tiện đo trong phạm vi được công nhận và theo các quy định tại Thông tư này đến hết thời hạn hiệu lực của quyết định công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo đã cấp cho tổ chức kiểm định.
Việc kiểm định chuẩn đo lường theo quy định tại Quyết định số 28/2007/QĐ-BKHCN ngày 25/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được tiếp tục thực hiện cho tới khi ban hành mới văn bản kỹ thuật đo lường Việt Nam tương ứng.
2. Kiểm định viên đo lường đã được chứng nhận, cấp thẻ theo quy định tại Quyết định số 21/2006/QĐ-BKHCN ngày 10 tháng 11 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được tiếp tục thực hiện hoạt động kiểm định trong phạm vi được chứng nhận và theo các quy định tại Thông tư này đến thời điểm gần nhất trong hai (02) thời điểm sau đây:
a) Thời điểm hết hiệu lực của quyết định chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường đã cấp cho kiểm định viên;
b) Thời điểm hết hiệu lực của quyết định công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo đã cấp cho tổ chức kiểm định.
Sau thời điểm quy định ở trên, để được tiếp tục kiểm định phương tiện đo, kiểm định viên này phải được chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường theo quy định tại Thông tư này.
3. Chuẩn đo lường đã được chứng nhận theo quy định tại Quyết định 28/2007/QĐ-BKHCN ngày 25/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn hoặc giấy chứng nhận thử nghiệm hoặc so sánh còn thời hạn có giá trị được tiếp tục sử dụng để kiểm định phương tiện đo và phù hợp với các quy định tại Thông tư này đến thời điểm gần nhất trong hai (02) thời điểm sau đây:
a) Thời điểm hết hiệu lực của quyết định chứng nhận chuẩn đo lường đã cấp cho chuẩn đo lường;
b) Thời điểm hết hiệu lực của quyết định công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo đã cấp cho tổ chức kiểm định.
Sau thời điểm quy định ở trên, để được tiếp tục sử dụng để kiểm định phương tiện đo, chuẩn đo lường này phải được chứng nhận theo quy định tại Thông tư này.
1. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
CÁC BIỂU MẪU
(Ban hành kèm theo Thông tư sổ 24/2013/TT-BKHCN
ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
1. Đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
Mẫu 1.ĐKCCDV
24/2013/TT-BKHCN
2. Báo cáo về cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực
Mẫu 2.ĐKCCDV
24/2013/TT-BKHCN
3. Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
Mẫu 3.GCNĐK
24/2013/TT-BKHCN
4. Đề nghị điều chỉnh lĩnh vực hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
Mẫu 4.ĐNĐC
24/2013/TT-BKHCN
5. Báo cáo hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
Mẫu 5.BCHĐ
24/2013/TT-BKHCN
6. Đề nghị chỉ định tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
Mẫu 6.ĐNCĐ
24/2013/TT-BKHCN
7. Chương trình đánh giá
Mẫu 7.CTĐG
24/2013/TT-BKHCN
8. Phiếu đánh giá về kỹ thuật đo lường
Mẫu 8.PĐGKTĐL
24/2013/TT-BKHCN
9. Phiếu đánh giá về hệ thống quản lý
Mẫu 9.PĐGHTQL
24/2013/TT-BKHCN
10. Biên bản tổng hợp kết quả đánh giá
Mẫu 10.BBTHĐG
24/2013/TT-BKHCN
11. Đề nghị chứng nhận chuẩn đo lường
Mẫu 11.ĐNCNCĐL
24/2013/TT-BKHCN
12. Đề nghị chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường
Mẫu 12.ĐNCNKĐVĐL
24/2013/TT-BKHCN
13. Sơ yếu lý lịch
Mẫu 13.SYLL
24/2013/TT-BKHCN
14. Thẻ kiểm định viên đo lường
Mẫu 14.TKĐVĐL
24/2013/TT-BKHCN
15. Dấu kiểm định
Mẫu 15.DKĐ
24/2013/TT-BKHCN
16. Tem kiểm định
Mẫu 16.TKĐ
24/2013/TT-BKHCN
17. Tem hiệu chuẩn
Mẫu 17.THC
24/2013/TT-BKHCN
18. Giấy chứng nhận kiểm định
Mẫu 18.GCNKĐ
24/2013/TT-BKHCN
19. Giấy chứng nhận hiệu chuẩn
Mẫu 19.GCNHC
24/2013/TT-BKHCN
20. Giấy chứng nhận thử nghiệm
Mẫu 20.GCNTN
24/2013/TT-BKHCN
Mẫu 1.ĐKCCDV
24/2013/TT-BKHCN
CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
1. Tổ chức đăng ký: ……………………………….… (tên tổ chức) ............................
Địa chỉ trụ sở chính (1): .........................................................................................
Điện thoại: ………………………..; Fax: ………………………..; Email: ......................
2. Đề nghị đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đối với lĩnh vực hoạt động sau đây:
TT |
Tên phương tiện đo, chuẩn đo lường |
Phạm vi đo |
Cấp/độ chính xác |
Tên dịch vụ (2) |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
3. Địa điểm thực hiện: ..........................................................................................
Điện thoại: ……………………………..; Fax: ……………………..; Email: ...................
Kính đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
(Tên tổ chức đăng ký) xin cam kết thực hiện đúng các quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và các quy định khác của pháp luật có liên quan./.
Nơi nhận: |
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ |
____________
(1): Ghi rõ theo đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập.
(2): Ghi rõ tên dịch vụ (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) đăng ký cung cấp.
Mẫu 2.BCCSVC
24/2013/TT-BKHCN
CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
BÁO CÁO VỀ CƠ SỞ VẬT CHẤT KỸ THUẬT, NHÂN LỰC
1. Danh mục quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm công bố áp dụng (1)
TT |
Tên quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm |
Số, ký hiệu |
Năm ban hành |
Cơ quan, tổ chức ban hành |
|
|
|
|
|
(1): Trường hợp đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, phải nộp kèm bản sao (có xác nhận sao y bản chính của tổ chức đăng ký) các quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm được công bố áp dụng không phải là quy trình do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành.
2. Danh sách chuẩn đo lường và phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
TT |
Tên chuẩn đo lường và phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm |
Nước sản xuất |
Số sản xuất |
Phạm vi đo |
Cấp/độ chính xác |
Nơi KĐ hoặc HC |
Thời hạn giá trị đến |
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Mặt bằng làm việc và điều kiện môi trường:
Tổng diện tích dùng cho việc kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm: ……………………
Điều kiện môi trường: (nhiệt độ, độ ẩm, áp suất…… )
Các điều kiện khác: (điền kiện về điện áp, tần số nguồn điện, về chống rung động, chống ảnh hưởng của nhiễu điện từ trường.....)
4. Danh sách nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
- Tên bộ phận trực tiếp kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm: ………………………….
- Điện thoại:………………………………………..; Fax: …………………………………
TT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Trình độ học vấn |
Loại hợp đồng lao động đã ký |
Kinh nghiệm công tác |
Chứng chỉ đào tạo kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm |
Tổ chức đào tạo |
Lĩnh vực hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Hồ sơ kèm theo:
1. Bản sao giấy chứng nhận hiệu chuẩn, kiểm định của chuẩn đo lường và phương tiện kiểm định.
2. Bản sao giấy chứng nhận đào tạo của nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
3. Sơ đồ mặt bằng làm việc.
|
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC |
Mẫu 3.GCNĐK
24/2013/TT-BKHCN
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
CUNG CẤP DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ
NGHIỆM PHƯƠNG TIỆN ĐO, CHUẨN ĐO LƯỜNG
Căn cứ Quyết định số 104/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Đo lường;
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận:
1. Tên tổ chức: …………………………………………………………………………..
Địa chỉ: ………………………………………………………………………………….
Điện thoại: ……………………………; Fax: ……………………; E-mail: ……………
Đã đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường đối với lĩnh vực hoạt động sau đây:
TT |
Tên phương tiện đo, chuẩn đo lường |
Phạm vi đo |
Cấp/độ chính xác |
Tên dịch vụ |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
Địa điểm hoạt động: ……………………………………………………………………….
2. Số đăng ký: ……………………………………………………………………………..
3. Giấy chứng nhận đăng ký được cấp lần: ........... (đầu, thứ hai...)
Nơi nhận: |
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Mẫu 4.ĐNĐC
24/2013/TT-BKHCN
CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
1. Tổ chức đề nghị: …………… (tên tổ chức) ........................................................
- Địa chỉ trụ sở chính: ...........................................................................................
- Điện thoại: ……………………. Fax: ………………………. Email: ...........................
2. Giấy chứng nhận đăng ký số: …………………… Ngày cấp: ...............................
3. Nội dung đề nghị điều chỉnh (1):
a) Tên tổ chức: ……………………. (tên tổ chức) ....................................................
b) Địa chỉ trụ sở chính: .........................................................................................
c) Địa điểm thực hiện hoạt động: .........................................................................
Điện thoại: ………………………… Fax: ……………………. Email: ...........................
d) Lĩnh vực hoạt động:
TT |
Tên phương tiện đo, chuẩn đo lường |
Phạm vi đo |
Cấp/độ chính xác |
Tên dịch vụ(2) |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
Kính đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
(Tên tổ chức đăng ký) xin cam kết thực hiện đúng các quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và các quy định khác của pháp luật có liên quan./.
Nơi nhận: |
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ |
____________
(1): Chỉ ghi những nội dung đề nghị điều chỉnh.
(2): Ghi rõ tên dịch vụ (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) đăng ký cung cấp.
Mẫu 5.BCHĐ
24/2013/TT-BKHCN
CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
(Thời gian kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm từ ngày ….. đến ngày ….)
Kính gửi: |
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; |
- Tên tổ chức lập báo cáo: ………… (tên tổ chức) .................................................
- Địa chỉ trụ sở chính: ...........................................................................................
- Điện thoại: ……………………… Fax: ……………………… Email: ..........................
- Địa điểm thực hiện hoạt động: ...........................................................................
- Điện thoại: ……………………… Fax: ……………………… Email: ..........................
Giấy chứng nhận đăng ký số (hoặc quyết định chỉ định số): ..................................
Ngày cấp: ………………………………… Ngày hết hạn (nếu có): .............................
1. Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường:
1.1. Thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường:
STT |
Tên phương tiện đo, chuẩn đo lường |
Số lượng |
Ghi chú |
|
Đã kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm |
Đạt yêu cầu |
|||
I |
Kiểm định |
|
|
|
|
|
|
|
|
II |
Hiệu chuẩn |
, |
|
|
|
|
|
|
|
III |
Thử nghiệm |
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2. Biên bản kiểm tra, thanh tra trong thời hạn báo cáo (nếu có):
...........................................................................................................................
2. Quản lý chuẩn đo lường và phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
2.1. Danh sách các chuẩn đo lường và phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đang sử dụng để kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
TT |
Tên chuẩn và phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm |
Nước sản xuất |
Số sản xuất |
Phạm vi đo |
Cấp/độ chính xác |
Nơi KĐ, HC |
Thời hạn có giá trị KĐ,HC đến |
Số quyết định chứng nhận chuẩn đo lường (1) |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.2. Danh sách các chuẩn và phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm hiện không còn sử dụng để kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
TT |
Tên chuẩn và phương tiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm |
Nước sản xuất |
Số sản xuất |
Phạm vi đo |
Cấp/độ chính xác |
Lý do |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
2.3. Đánh giá tình hình thực hiện các quy định duy trì, bảo quản, sử dụng chuẩn đo lường:
...........................................................................................................................
3. Quản lý nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
3.1. Danh sách các nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đang tham gia hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
STT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Số hiệu kiểm định viên (1) |
Lĩnh vực kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm |
Ngày chứng nhận (1) |
Ngày hết hạn (1) |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
3.2. Danh sách các nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm không còn tham gia hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
STT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Số hiệu kiểm định viên (1) |
Lý do |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
3.3. Đánh giá tình hình thực hiện các quy định về nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm: …………………………………………………..
4. Thực hiện quy định về chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm:
4.1. Tình hình quản lý, sử dụng:
STT |
Tên chứng chỉ |
Tổng số chế tạo |
Số lượng đã sử dụng |
Số lượng hư hỏng |
Số lượng tồn kho |
Ghi chú |
1 |
Tem |
|
|
|
|
|
2 |
Dấu |
|
|
|
|
|
3 |
Giấy chứng nhận |
|
|
|
|
|
4.2. Đánh giá tình hình thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng chứng chỉ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm: ................................
5. Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có):
...........................................................................................................................
6. Kiến nghị: ......................................................................................................
Nơi nhận: |
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC |
____________
(1): Áp dụng đối với tổ chức kiểm định được chỉ định.
Mẫu 6.ĐNCĐ
24/2013/TT-BKHCN
CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
ĐỀ NGHỊ CHỈ ĐỊNH THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG
KIỂM ĐỊNH, HIỆU CHUẨN, THỬ NGHIỆM
Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
1. Tổ chức đề nghị: ………………………….. (tên tổ chức) ......................................
- Địa chỉ trụ sở chính: ...........................................................................................
- Điện thoại: …………………………….. Fax: …………………….. Email: ...................
2. Giấy chứng nhận đăng ký số: ………………………….; ngày cấp: .......................
3. Đề nghị chỉ định thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đối với lĩnh vực hoạt động sau đây:
TT |
Tên phương tiện đo, chuẩn đo lường |
Phạm vi đo |
Cấp/độ chính xác |
Tên hoạt động (1) |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
3. Địa điểm thực hiện hoạt động: .........................................................................
- Điện thoại: ………………………….. Fax: ………………………. Email:.....................
Kính đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xem xét, chỉ định.
(Tên tổ chức đề nghị) xin cam kết thực hiện đúng các quy định về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm và các quy định có liên quan của pháp luật./.
Nơi nhận: |
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ |
____________
(1): Ghi rõ tên hoạt động (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) đề nghị chỉ định.
Mẫu 7.CTĐG
24/2013/TT-BKHCN
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
Kính gửi: |
-
Tên tổ chức đề nghị |
1. Quyết định thành lập số:....
2. Tổ chức đề nghị: ……………………………………. (tên tổ chức) ........................
- Địa chỉ trụ sở chính: ...........................................................................................
- Điện thoại: …………………………..Fax: ……………………….. Email:.....................
- Địa điểm thực hiện hoạt động: ...........................................................................
- Điện thoại: …………………………. Fax: ……………………….. Email:.....................
3. Nội dung, phân công và tiến độ thực hiện:
TT |
Nội dung đánh giá |
Thành viên chịu trách nhiệm đánh giá |
Tiến độ |
|
Thời gian bắt đầu |
Thời gian nộp phiếu đánh giá |
|||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4. Thời gian họp đoàn đánh giá để triển khai thực hiện chương trình: ……….
5. Thời gian họp đoàn đánh giá để thông qua báo cáo tổng hợp: ………………
|
TRƯỞNG ĐOÀN |
Mẫu 8.PĐGKTĐL
24/2013/TT-BKHCN
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
PHIẾU ĐÁNH GIÁ VỀ KỸ THUẬT ĐO LƯỜNG
Tên tổ chức đề nghị:
Phương tiện đo, chuẩn đo lường: ……………….; Phạm vi đo: …………………………;
Cấp độ/chính xác: .............…………..
Tên văn bản kỹ thuật đo Iường Việt Nam (ĐLVN) công bố áp dụng: ……………
1. Chuẩn và phương tiện kiểm định
TT |
Tên chuẩn và thiết bị kiểm định |
Theo ĐLVN |
Theo thực tế |
Nơi kiểm định/hiệu chuẩn |
Ngày hết hạn kiểm định/hiệu chuẩn |
Đánh giá |
||
Phạm vi đo |
Cấp/Độ chính xác |
Phạm vi đo |
Cấp/Độ chính xác |
|||||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2. Nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm
TT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Trình độ học vấn |
Loại hợp đồng lao động đã ký |
Kinh nghiệm công tác |
Giấy chứng nhận đào tạo /số hiệu kiểm định viên |
Đánh giá |
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Điều kiện kiểm định: Mặt bằng: ……………….; Môi trường: ………………….;
Điều kiện khác: ……………………………
4. Kết Iuận: (1)
|
THÀNH VIÊN ĐÁNH GIÁ |
____________
(1): Ghi rõ đủ (hoặc không đủ) điều kiện kỹ thuật để tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Mẫu 9.PĐGHTQL
24/2013/TT-BKHCN
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
PHIẾU ĐÁNH GIÁ VỀ HỆ THỐNG QUẢN LÝ
I. Tên tổ chức đề nghị:
II. Họ và tên thành viên:
III. Quyết định thành lập số:
IV. Kết quả đánh giá:
TT |
Nội dung đánh giá |
Đánh giá của thành viên (đạt/không đạt) |
1 |
Sự phù hợp về số lượng các hồ sơ của hệ thống quản lý được thiết lập và duy trì phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 đối với lĩnh vực hoạt động (các quy trình: - Kiểm soát tài liệu; - Xem xét hợp đồng; - Hợp đồng phụ; - Mua sắm trang thiết bị, vật tư; - Giải quyết khiếu nại; - Xử lý công việc không phù hợp; - Đảm bảo sức khỏe và an toàn; - Kiểm soát hồ sơ; - Đánh giá chất lượng nội bộ; - Xem xét của lãnh đạo; - Đào tạo; - Kiểm soát môi trường; - Lựa chọn và thực hiện phương pháp kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; - Ước tính độ không đảm bảo đo; - Quản lý thiết bị; - Quản lý vật tư, hóa chất và chất chuẩn; - Quản lý mẫu thử nghiệm; - Đảm bảo chất lượng kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; - Bảo mật kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm...) Nhận xét (1): |
|
2 |
Sự phù hợp về nội dung các hồ sơ của hệ thống quản lý được thiết lập và duy trì phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 đối với lĩnh vực hoạt động Nhận xét (1): |
|
3 |
Việc thực hiện các quy định trong hồ sơ của hệ thống quản lý được thiết lập và duy trì phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 đối với lĩnh vực hoạt động Nhận xét (1): |
|
Kết luận: (Ghi rõ đạt yêu cầu/không đạt yêu cầu)
|
THÀNH VIÊN ĐÁNH GIÁ |
____________
(1): Nêu những tồn tại, lý do khi đánh giá không đạt yêu cầu.
Mẫu 10.BBTHĐG
24/2013/TT-BKHCN
TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
BIÊN BẢN TỔNG HỢP KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ
Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
1. Tổ chức đề nghị: ……. (tên tổ chức)..................................................................
- Địa chỉ trụ sở chính: .........................................................................................
- Điện thoại: ……………………………………….. Fax: ………………… Email: .........
2. Địa điểm thực hiện hoạt động: .......................................................................
- Điện thoại: ……………………..Fax: …………………………Email: ........................
3. Thời gian đánh giá:
4. Kết quả:
a) Lĩnh vực hoạt động được đánh giá đạt yêu cầu
TT |
Tên phương tiện đo, chuẩn đo lường |
Phạm vi đo |
Cấp/độ chính xác |
Tên hoạt động (1) |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
b) Lĩnh vực hoạt động được đánh giá không đạt yêu cầu
TT |
Tên phương tiện đo, chuẩn đo lường |
Phạm vi đo |
Cấp/độ chính xác |
Tên hoạt động (1) |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5. Đề xuất, kiến nghị:
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ |
TRƯỞNG ĐOÀN |
____________
(1): Ghi rõ tên hoạt động (kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm) đề nghị chỉ định.
Mẫu 11. ĐNCNCĐL
24/2013/TT-BKHCN
CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
ĐỀ NGHỊ CHỨNG NHẬN CHUẨN ĐO LƯỜNG
Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
1. Tổ chức đề nghị: …….. (tên tổ chức) ................................................................
- Địa chỉ trụ sở chính: ...........................................................................................
- Điện thoại: ………………………………… Fax: ………………………. Email:.............
2. Địa điểm thực hiện hoạt động: .........................................................................
- Điện thoại: ………………………………… Fax: ………………………. Email: ............
3. Đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận các chuẩn đo lường dùng trực tiếp để kiểm định phương tiện đo sau đây:
TT |
Tên chuẩn đo lường |
Số sản xuất, năm sản xuất, hãng sản xuất, nước sản xuất |
Kiểu, ký hiệu, đặc trưng kỹ thuật đo lường chính |
Phạm vi áp dụng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Nơi nhận: |
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ |
Mẫu 12.ĐNCNKĐVĐL
24/2013/TT-BKHCN
CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …………… |
…., ngày …. tháng …. năm 20…. |
Kính gửi: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng
1. Tổ chức đề nghị (tên tổ chức) ..........................................................................
- Địa chỉ trụ sở chính: ...........................................................................................
- Điện thoại: ………………… Fax: …………………… Email: ....................................
2. Địa điểm thực hiện hoạt động: .........................................................................
- Điện thoại: ………………… Fax: …………………… Email: ....................................
3. Đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên đo lường cho các nhân viên kiểm định có tên sau đây:
TT |
Họ và tên |
Năm sinh |
Lĩnh vực hoạt động |
Hình thức chứng nhận |
|
|
|
|
|
Nơi nhận: |
NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ |
Mẫu 13.SYLL
24/2013/TT-BKHCN
I. Thông tin chung
Họ và tên: ………………………………………………………….. Nam/ Nữ ................
Ngày tháng năm sinh: ........................................................................................
Nguyên quán: ....................................................................................................
Chỗ ở hiện nay: .................................................................................................
.........................................................................................................................
Đơn vị công tác: ...............................................................................................
II. Tóm tắt quá trình công tác và đào tạo (1)
1. Trình độ học vấn (phổ thông trung học, trung cấp, đại học ...):
2. Đã hoàn thành các khóa đào tạo kiểm định viên đo lường sau:
TT |
Tên khóa đào tạo |
Thời gian đào tạo |
Nơi đào tạo |
|
Từ |
Đến |
|||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Quá trình công tác:
TT |
Nội dung và nơi làm việc |
Thời gian |
Ghi chú |
|
Từ |
Đến |
|||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tôi xin cam đoan những nội dung trên là đúng sự thực.
|
…., ngày …. tháng … năm … |
____________
(1): Chỉ khai những thay đổi so với lần khai trước, liền kề.
Mẫu 14.TKĐVĐL
24/2013/TT-BKHCN
1. Nội dung và hình thức của thẻ
Thẻ hình chữ nhật nằm ngang, kích thước: (55 x 85) mm, nền thẻ màu xanh da trời có hoa văn in chìm và chữ STAMEQ. Hai mặt của thẻ được quy định như sau:
a) Mặt trước:
- Bên trái từ trên xuống được sắp xếp như sau:
+ Hàng trên in chữ hoa “TỔNG CỤC TIÊU CHUẨN”;
+ Hàng dưới in chữ hoa “ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG”;
+ Tiếp theo là ảnh của nhân viên kiểm định được cấp thẻ (ảnh chụp kiểu chứng minh thư, cỡ (20 x 30) mm), góc dưới bên phải của ảnh được đóng dấu nổi của Tổng cục;
- Bên phải từ trên xuống được sắp xếp như sau:
+ Hàng trên in chữ hoa “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”;
+ Hàng dưới in chữ thường “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;
+ Tiếp theo là chữ in hoa “THẺ KIỂM ĐỊNH VIÊN ĐO LƯỜNG” được in mầu đỏ;
+ Phía dưới là số hiệu, họ tên, ngày tháng năm sinh, tên tổ chức kiểm định được chỉ định, nơi cấp, ngày cấp, ký đóng dấu của Tổng cục.
b) Mặt sau:
- Phía trên in chữ hoa “TRÁCH NHIỆM CỦA KIỂM ĐỊNH VIÊN ĐO LƯỜNG” được in mầu đỏ;
- Phía dưới là nội dung được in màu đen, kiểu chữ thường.
2. Hình vẽ minh họa
a) Mặt trước
b) Mặt sau
Mẫu 15.DKĐ
24/2013/TT-BKHCN
I. Dấu kiểm định có thiết diện hình tròn được chia thành hai phần bằng nhau với 2 kiểu như sau:
Tổ chức kiểm Dấu kiểm định |
Viện Đo lường Việt Nam |
Trung tâm kỹ thuật thuộc Tổng cục TĐC |
Chi cục TĐC tỉnh, thành phố |
Các tổ chức kiểm định khác |
Kiểu 1 |
|
|
|
|
Kiểu 2 |
|
|
|
|
1. Dấu kiểu 1 được thiết kế chi tiết nêu tại bảng trên: phần trên có chữ VN (viết tắt chữ Việt Nam); phần dưới là ký hiệu của tổ chức kiểm định. Ký hiệu này quy định như sau:
a) Viện Đo lường Việt Nam: hình một ngôi sao 5 cánh («);
b) Các Trung tâm kỹ thuật thuộc Tổng cục TĐC: các chữ số La mã I, II, III... theo tên gọi của các Trung tâm;
c) Các Chi cục TĐC tỉnh, thành phố: các chữ in hoa viết tắt tên của tỉnh, thành phố theo quy định của Tổng cục;
d) Các tổ chức kiểm định được chỉ định khác: chữ N và các số ký hiệu của tổ chức kiểm định theo quyết định chỉ định của Tổng cục (ví dụ: N01; N02...).
2. Dấu kiểu 2 gồm hai phần:
a) Phần trên được thiết kế theo dấu kiểu 1 được quy định tại điểm a Khoản 1 của Phụ lục này;
b) Phần dưới gồm hai nhóm số Ả rập: nhóm số đầu có 2 chữ số chỉ tháng (01; 02...12) và nhóm số sau có 2 chữ số chỉ hai số cuối của năm (00; 01; 02...), giữa hai nhóm số này cách nhau bằng một dấu sạch ngang (-). Tháng và năm được ghi trên dấu quy định thời hạn hết giá trị của việc kiểm định.
c) Trường hợp sử dụng dưới dạng dấu kẹp chì, cho phép chế tạo dấu kiểu 2 gồm hai mặt như sau:
a) Mặt trước được thiết kế theo dấu kiểu 1 được quy định tại Khoản 1 mục I của Phụ lục này;
b) Mặt sau là hai nhóm số chỉ tháng và năm là thời hạn hết giá trị của việc kiểm định.
II. Cỡ dấu kiểm định: Dấu kiểm định được chế tạo bằng vật liệu thích hợp có các kích thước f6; f10; f16.
Mẫu 16.TKĐ
24/2013/TT-BKHCN
I. Tem kiểm định hình chữ nhật nằm dọc. Tem kiểm định có hai loại kích thước: (18 x 25) mm và (25 x 35) mm.
II. Tem kiểm định gồm 3 phần:
1. Phần trên in số hiệu của tem. Trong cùng một seri, số hiệu của tem phải là các số tự nhiên kế tiếp nhau.
2. Phần giữa của tem
a) Phần góc trái in seri của tem. Seri của tem gồm các ký tự in hoa. Seri của tem không được trùng nhau;
b) Phần giữa in logo quy ước hoạt động: kiểm định đo lường. Chính giữa logo in hình như dấu kiểm định kiểu 1;
c) Phần nền xung quanh logo có hoa văn hoặc ký hiệu khác để chống giả mạo.
3. Phần dưới gồm hai hàng chữ và số:
a) Hàng trên in dòng chữ "Có giá trị đến";
b) Hàng dưới ghi hai số chỉ của tháng và hai số cuối của năm là thời điểm hết giá trị của việc kiểm định. Giữa hai nhóm số này cách nhau bằng một dấu gạch ngang (-).
III. Hình vẽ minh họa
Hình minh họa không màu
Kích thước (18 x 25) mm |
Kích thước (25 x 35) mm |
Mẫu 17.THC
24/2013/TT-BKHCN
I. Tem hiệu chuẩn hình chữ nhật nằm ngang, nền tem có hoa văn hoặc ký hiệu khác để chống giả mạo. Tem hiệu chuẩn có hai loại kích thước: (22 x 38) mm và (32 x 48) mm.
II. Tem hiệu chuẩn gồm 4 phần:
1. Phần bên trái in ký hiệu của tổ chức hiệu chuẩn. Ký hiệu này quy định như sau:
a) Viện Đo lường Việt Nam: hình một ngôi sao 5 cánh («);
b) Các Trung tâm kỹ thuật thuộc Tổng cục TĐC: các chữ số La mã I, II, III... theo tên gọi của các Trung tâm;
c) Các Chi cục TĐC tỉnh, thành phố: các chữ in hoa viết tắt tên của tỉnh, thành phố theo quy định của Tổng cục;
d) Các tổ chức hiệu chuẩn được chỉ định khác: chữ N và các số ký hiệu của tổ chức kiểm định hoặc hiệu chuẩn theo quyết định chỉ định của Tổng cục (ví dụ: N01; N02...).
Phần trống còn lại bên trái, tùy theo nhu cầu có thể in thêm logo thương hiệu của tổ chức.
2. Phần trên bên phải in số của tem.
a) Số của tem do tổ chức tự xây dựng phù hợp với hệ thống quản lý;
b) Số của tem không được trùng nhau và phải bao gồm các số tự nhiên kế tiếp nhau.
3. Phần giữa bên phải
a) Hàng trên in “Ngày hiệu chuẩn (Cal. Date)”.
b) Hàng dưới ghi ba số chỉ của ngày, tháng và hai số cuối của năm là thời điểm thực hiện việc hiệu chuẩn. Giữa ba nhóm số này cách nhau bằng một dấu gạch ngang (-).
4. Phần cuối bên phải
a) Hàng trên in “Ngày hiệu chuẩn đến (Recal. Due)”.
b) Hàng dưới ghi ba số chỉ của ngày, tháng và hai số cuối của năm là thời điểm muộn nhất phải thực hiện việc hiệu chuẩn định kỳ tiếp theo. Giữa ba nhóm số này cách nhau bằng một dấu gạch ngang (-).
III. Hình vẽ minh họa
Kích thước (22 x 38) mm |
Kích thước (32 x 48) mm |
Hình minh họa không màu, phóng rộng
Mẫu 18.GCNKĐ
24/2013/TT-BKHCN
TÊN TỔ CHỨC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Địa chỉ (Add.).............. Điện thoại (Tel.) …………… GIẤY CHỨNG NHẬN
KIỂM ĐỊNH Số (No): Tên
đối tượng: Kiểu:
Số: Nơi
sản xuất: Năm: Đặc
trưng kỹ thuật đo lường: Nơi
sử dụng: Người/Đơn
vị sử dụng Phương
pháp thực hiện: Kết
luận: Số
tem kiểm định: Thời
hạn đến (nếu có): (*)
|
||
|
…, ngày …. tháng … năm … |
|
(*)
Với điều kiện tôn trọng các quy định về sử dụng và bảo quản. |
||
Mẫu 19.GCNHC
24/2013/TT-BKHCN
TÊN TỔ CHỨC Địa chỉ (Add.) ………….. Điện thoại (Tel.) ………… |
||
GIẤY CHỨNG NHẬN
HIỆU CHUẨN Tên đối tượng (Object): Kiểu (Type): Số (Serial No.)/Mã QL(Tag No):
Nơi sản xuất (Manufacturer): Đặc trưng kỹ thuật đo lường (Specification):
Cơ sở sử dụng (Customer):
Phương pháp thực hiện (Method of calibration):
Chuẩn được sử dụng (Standards used):
Kết quả (Results):
Ngày hiệu chuẩn đề nghị (Recalibration recommended):
|
||
|
…, ngày … tháng … năm … |
|
Trang: |
Không
được sao chép rời khi giấy chứng nhận có nhiều trang nếu không được sự đồng ý
bằng văn bản của tổ chức … |
|
KẾT QUẢ HIỆU CHUẨN
|
|
Trang: |
Không
được sao chép rời khi giấy chứng nhận có nhiều trang nếu không được sự đồng ý
bằng văn bản của tổ chức … |
Mẫu 20.GCNTN
24/2013/TT-BKHCN
TÊN TỔ CHỨC Địa chỉ (Add.) ………….. Điện thoại (Tel.) ………… |
||
Số (No): Tên đối tượng (Object): Kiểu (Type): Số (Serial No.): Nơi sản xuất (Manufacture): Đặc trưng kỹ thuật đo lường (Specification):
Cơ sở sử dụng (Customer):
Phương pháp thực hiện (Method of testing):
Kết quả (Results):
|
||
|
…, ngày … tháng … năm … |
|
Trang: |
Không
được sao chép rời khi giấy chứng nhận có nhiều trang nếu không được sự đồng ý
bằng văn bản của tổ chức … |
|
KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM
|
|
Trang: |
Không
được sao chép rời khi giấy chứng nhận có nhiều trang nếu không được sự đồng ý
bằng văn bản của tổ chức … |
MINISTRY OF SCIENCE AND TECHNOLOGY |
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 24/2013/TT-BKHCN |
Hanoi, September 30, 2013 |
CIRCULAR
VERIFICATION, CALIBRATION AND TESTING OF MEASURING INSTRUMENTS AND MEASUREMENT STANDARDS
Pursuant to the Law on Measurement dated November 11, 2011;
Pursuant to the Government’s Decree No.86/2012/ND-CP dated October 19, 2012 elaborating and providing guidelines for some articles of the Law on Measurement;
Pursuant to the Government’s Decree No. 20/2013/ND-CP dated February 26, 2013 defining functions, tasks, entitlements and organizational structure of the Ministry of Science and Technology;
At the request of Director of the Directorate for Standard, Metrology and Quality;
The Minister of Science and Technology hereby promulgates a Circular on verification, calibration and testing of measuring instruments and measurement standards,
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. This Circular provides for verification, calibration and testing of measuring instruments and measurement standards.
2. Verification, calibration and testing of measuring instruments, radiation and nuclear measurement standards, verification, calibration and testing of measuring instruments and measurement standards in direct service of peculiar measurement activities in field of national defense and security are prescribed in other legislative documents.
1. Providers of verification/calibration/testing and measurement standard services (hereinafter referred to as “the verification/calibration/testing service providers”).
2. Providers of verification/calibration/testing and measurement standard services which are designated (hereinafter referred to as “the designated verification/calibration/testing service providers”).
3. Measurement authorities and other relevant organizations and individuals.
PROVISION OF MEASURING INSTRUMENT/MEASUREMENT STANDARD VERIFICCATION/CALIBRATION/TESTING SERVICES
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
A verification/calibration/testing service provider shall:
1. be established in accordance with regulations of law.
2. have sufficient infrastructure which satisfies the following requirements:
a) Have working site, environmental conditions and other conditions conformable to the requirements in the verification/calibration/testing procedures specified in Clause 3 of this Article;
b) Have sufficient measurement standards and instrument for the verification/calibration/testing suitable for the corresponding verification/calibration/testing. Such measurement standards and instruments must be periodically verified and calibrated in accordance with regulations; the certificate of verification/calibration shall remain valid.
3. have sufficient procedures for verification/calibration/testing applied by the verification/calibration/testing service provider to the registered domains.
The verification/calibration/testing procedures issued by the verification/calibration/testing service provider shall comply with applicable regulations of competent authority, international recommendations of the International Organization of Legal Metrology (OIML), standards of the International Electrotechnical Commission (IEC), standards of International Organization for Standardization (ISO) and documents of relevant manufacturers.
4. assign at least two (02) technicians (officials, employees working under an at least 12 month fixed-term employment contract, employees working under an indefinite term employment contract) to each registered domain. Such technicians must:
a) obtain a Level 4 of VQF diploma/an intermediate professional education diploma or equivalent or higher qualifications;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
5. promulgate and comply with regulations on certificate of verification/calibration/testing, including: contents and form of the certificate, formulation, management and use of the certificate. The contents and form of the certificate of verification/calibration/testing specified in Clause 5 of this Article shall not be mistaken for those of the designated verification/calibration/testing service provider’s certificate of verification/calibration/testing specified in Section 4 Chapter III of this Circular.
6. fulfill requirements for the independence and objectiveness as follows:
a) Applied procedures for verification/calibration/testing shall be published;
b) The verification/calibration/testing service provider shall take responsibility for the verification/calibration/testing results and shall not be forced to change such results;
c) Persons in charge of the verification/calibration/testing shall follow the applied procedures for verification/calibration/testing and shall not be forced to change the verification/calibration/testing results.
7. establish and maintain the management system in conformity with the National regulation TCVN ISO/IEC 17025 for the verification/calibration/testing of measuring instruments and measurement standards.
8. have a certificate of registration of provision of verification/calibration/testing services.
Article 4. Applications for registration
The provider registering provision of verification/calibration/testing services (hereinafter referred to as “the registering provider”) shall prepare and submit one (01) set of application, directly or by post, to the Directorate. The application consists of:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. A copy (certified by the registering provider as a true copy of the original) of the establishment decision or the certificate of registration of science and technology activities or the business certificate of registration or the investment certificate of registration issued by the competent authority.
3. A report on infrastructure and personnel (Specimen No. 2.BCCSVC in the Appendix hereof).
4. A commitment of the head of the registering provider to fulfillment of requirements for provision of verification/calibration/testing services specified in Article 3 of this Circular.
5. A document providing for contents, form, formulation, management and use of the certificate of verification/calibration/testing.
6. A list of documents of the management system which has been established and maintained for the registered verification/calibration/testing activities.
Article 5. Processing applications
1. Within seven (7) working days from the date on which the application is received, if the application is unsatisfactory, the Directorate shall request the registering provider in writing to complete it or shall carry out an on-site assessment.
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the registering provider fails to satisfy such request, the Directorate is entitled to reject this application.
2. Within twenty (20) working days from the date on which the satisfactory application is received, the Directorate shall issue the certificate of registration of provision of measuring instrument/measurement standard verification/calibration/testing services (hereinafter referred to as “the certificate of registration”) as prescribed in Article 6 of this Circular.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4. Within ten (10) days from the date on which the on-site assessment record is obtained, if the results are satisfactory, the Directorate shall issue the certificate of registration as prescribed in Article 6 of this Circular to the registering provider. In case the results are unsatisfactory, the Directorate shall provide written explanation.
Article 6. Certificate of registration
1. Contents and form of the certificate of registration are provided in the Specimen No 3.GCNDK in the Appendix hereof.
2. The certificate of registration and its revisions shall be numbered in chronological order.
3. The certificate of registration shall be issued to the verification/calibration/testing service provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the province and central-affiliated city (hereinafter referred to as “the Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality) where the verification/calibration/testing service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
Article 7. Retention of registration certification documents
1. The registration certification documents include an application specified in Article 4, processed application specified in Article 5 and certificate of registration specified in Article 6 of this Circular.
2. One (01) set of registration certification documents shall be retained at the Directorate.
3. The verification/calibration/testing service provider shall prepare and retain one (01) set of registration certification documents at its headquarters.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Article 8. Adjustments to the certificate of registration
1. When the certificate of registration has to be adjusted, the verification/calibration/testing service provider shall prepare and submit one (01) set of application for adjustment, directly or by post, to the Directorate. The application consists of:
a) An application form (Specimen No. 4.DNDC in the Appendix hereof);
b) The certificate of registration (the original);
c) A report on infrastructure and personnel (Specimen No. 2.BCCSVC in the Appendix hereof) (only report contents concerning the adjustments);
d) A latest verification/calibration/testing report (Specimen No. 5.BCHD in the Appendix hereof);
dd) Other documents concerning the adjustments.
2. The application for adjustment to or issuance of the certificate of registration shall be processed as prescribed in Articles 5 and 6 of this Circular.
4. The adjustment certification documents shall be retained as prescribed in Article 7 of this Circular.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. A certificate of registration shall be partially or totally suspended in the following cases:
a) The verification/calibration/testing service provider carries out its verification, calibration and testing outside the certified domain;
b) The verification/calibration/testing service provider fails to follow the applied procedures for verification/calibration/testing, which results in serious consequences;
c) The verification/calibration/testing service provider fails to maintain fulfillment of requirements for provision of services.
2. The Directorate shall consider issuing a notice of partial or total suspension of the issued certificate of registration (hereinafter referred to as “the suspension notice”), as the case may be. The issued certificate of registration shall be suspended for a period which may not exceed six (06) months from the date of issuing the suspension notice.
3. The suspension notice shall be sent to the verification/calibration/testing service provider and Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the verification/calibration/testing service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
4. During the suspension period, after remedial actions are taken, the verification/calibration/testing service provider shall prepare and submit one (01) set of application for continuing to provide verification/calibration/testing services, directly or by post, to the Directorate. The application includes: a written request for continuing to provide verification/calibration/testing services and documentary evidences for remedial action completion.
5. Within seven (7) working days from the date on which the application is received, if the application is unsatisfactory, the Directorate shall request the applicant in writing to complete it.
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the applicant fails to fails to satisfy such request, the Directorate is entitled to reject this application.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
a) In the case of inspection of the application, within seven (7) working days from the date on which the satisfactory application is received, the Directorate shall issue a notice of invalidation of the suspension notice (hereinafter referred to as “the invalidation notice”);
b) In the case of an on-site inspection, within twenty (20) working days, the Directorate shall complete the on-site inspection and issue a notice of invalidation or a notice of unsatisfactory on-site inspection.
7. The invalidation notice shall be sent to the verification/calibration/testing service provider and Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the verification/calibration/testing service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
8. The suspension notice, invalidation notice and relevant documents shall be retained as prescribed in Article 7 of this Circular.
Article 10. Invalidation of the certificate of registration
1. A certificate of registration shall be partially or totally invalidated in the following cases:
a) The verification/calibration/testing service provider is dissolved, goes bankrupt or seriously violates laws;
b) The verification/calibration/testing service provider fails to take remedial actions during the suspension period specified in the suspension notice;
c) The verification/calibration/testing service provider submits a written request for not continuing partial or total provision of verification/calibration/testing services.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. The invalidation decision shall be sent to the verification/calibration/testing service provider and Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the verification/calibration/testing service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
DESIGNATED VERIFICATION, CALIBRATION AND TESTING OF MEASURING INSTRUMENTS AND MEASUREMENT STANDARDS
SECTION 1. REQUIREMENTS AND PROCEDURES FOR DESIGNATION OF VERIFICATION/CALIBRATION/TESTING
Article 11. Requirements for designation
The provider that has been issued with the certificate of provision of verification/calibration/testing services and satisfies the following requirements is designated to carry out verification/calibration/testing:
1. Its domains are certified as conformable with the domains included in the application for designation as a verification/calibration/testing service provider.
2. It has sufficient infrastructure that meets the requirements specified in the Vietnamese text measurement techniques according to Clause 5 of this Article.
3. Working standards and reference materials directly used for verifying group 2 measuring instruments shall be calibrated and tested at the designated verification/calibration/testing service provider, and maintained, stored and used as prescribed in Article 21 of this Circular (in the case of applying for designation as a group 2 measuring instrument verification service provider).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
5. It has sufficient Vietnamese text measurement techniques regarding procedures for verification, calibration and testing regarding the domains included in the application for designation as a verification/calibration/testing service provider.
6. The certificate of verification/calibration/testing shall comply with Section 4 Chapter III of this Circular.
7. It shall fulfill requirements for the independence and objectiveness as follows:
a) It must have its own seal and account. The head of the provider is entitled to consider and decide on recruitment, appointment, dismissal or termination of the employment contract of the employee under his/her management;
b) It must not directly engage in trading goods or providing services for customers by using group 2 measuring instruments of the domain included in the application for designation as a verification/calibration/testing service provider (in the case of applying for designation as a group 2 measuring instrument verification service provider).
8. The domains included in the application for designation as a verification/calibration/testing service provider shall be conformable with requirements for local and national management of metrology.
Article 12. Applications for designation
The provider that satisfies the requirements specified in Article 11 of this Circular shall prepare and submit one (01) set of application for designation, directly or by post, to the Directorate. The application consists of:
1. An application form (Specimen No. 6.DNCD in the Appendix hereof).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. A latest verification/calibration/testing report (Specimen No. 5.BCHD in the Appendix hereof).
4. A document of the head of the applicant prescribing contents and form of the certificate, formulation, management and use of the certificate of verification/calibration/testing.
5. An application for certification of the measurement standard directly used for verifying group 2 measuring instrument that is prescribed in Article 22 of this Circular (in the case of applying for designation as a group 2 measuring instrument verification service provider).
6. The application for issuance of the metrology verifier card that is prescribed in Article 30 of this Circular (in the case of applying for designation as a group 2 measuring instrument verification service provider).
7. A commitment of the head of the applicant:
a) to comply with applicable Vietnamese text measurement techniques and not to be forced to change the verification/calibration/testing results;
b) not to directly engage in trading goods or providing services for customers by using group 2 measuring instruments of the domain included in the application for designation as a verification/calibration/testing service provider (in the case of applying for designation as a group 2 measuring instrument verification service provider).
8. A list of documents of the management system which has been established and maintained for the registered verification/calibration/testing included in the application for designation as a verification/calibration/testing service provider.
Article 13. Processing applications for designation
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the applicant fails to satisfy such request, the Directorate is entitled to reject this application.
2. Within thirty (30) working days from the date on which the satisfactory application is received, the Directorate shall decide to establish an on-site assessment team and carry out an assessment as prescribed in Article 14 of this Circular.
3. Within ten (10) days from the date on which the on-site assessment record is obtained, if the results are satisfactory, the Directorate shall issue a decision on designation of the verification, calibration and testing service provider (hereinafter referred to as "the designation decision") as prescribed in Article 15 of this Circular to the applicant. In case the results are unsatisfactory, the Directorate shall provide written explanation.
4. The application for certification of the measurement standard directly used for verifying group 2 measuring instrument that is prescribed in Clause 5 of Article 12 shall be processed within the time limit specified in this Article and in accordance with requirements and procedures specified in Section 2 Chapter III of this Circular.
5. The application for issuance of the metrology verifier card that is prescribed in Clause 6 of Article 12 shall be processed within the time limit specified in this Article and in accordance with requirements and procedures specified in Section 3 Chapter III of this Circular.
Article 14. On-site assessment
1. On-site assessment shall be carried out by experts of an assessment team.
2. The assessment team is established by the Director of the Directorate for Standard, Metrology and Quality to carry out on-site assessment, report results and provide counseling to the Director about conformity of the applicant with the requirements specified in this Circular.
3. Members of the assessment team and their responsibilities
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
b) The head shall have at least three (3) years’ experience in management of verification, calibration and testing. He/she shall: organize performance of tasks of the assessment team; directly assess the management system; assign responsibilities to each member; summon and preside over assessment team's meetings; approve the assessment record before sending it to the Directorate;
c) Other members shall have suitable qualifications and at least three (03) years’ experience in verification, calibration and testing corresponding to the measurement domain. They shall perform the assigned tasks and take responsibility for task performance.
4. Contents of the assessment: Conformity of the applicant with the requirements specified in Articles 3 and 11 of this Circular.
5. Assessment methods
a) Conduct a face-to-face interview with employees of the applicant about relevant information;
b) Consider retained documents and relevant documents;
c) Carry out visual supervision of infrastructure and personnel of the applicant;
d) Assess proficiency of the persons in charge of the verification/calibration/testing by supervising them carrying out and processing results of verification/calibration/testing.
6. Procedures for assessment
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
b) Within their jurisdiction, members shall carry out assessment and prepare a metrology technique assessment report (Specimen No. 8.PDGKTDL in the Appendix hereof), carry out assessment and prepare a management system assessment report (Specimen No. 9.PDGHTQL in the Appendix hereof);
c) Prepare a consolidated record on assessment results (Specimen No. 10.BBTHDG in the Appendix hereof);
d) Within thirty (30) working days from the date of signing the assessment team establishment decision, the head of the assessment team shall send an assessment record to the Directorate. An assessment record includes an assessment program, metrology technique assessment report, management system assessment report and consolidated record on assessment results specified in Points a, b and c Clause 5 of this Clause;
dd) In case the applicant has nonconformities but they are correctable, the assessment team shall make a list of nonconformities, propose duration of the corrective action plan and send assessment results to the applicant. The applicant shall correct nonconformities and send a corrective action report to the assessment team. The assessment team shall appraise the corrective action report and carry out an on-site assessment again if necessary. In this case, the duration of the corrective action plan and re-assessment shall be added to the assessment duration.
7. Expenses and other conditions for on-site assessment shall be covered by the applicant.
Article 15. Designation decision
1. A designation decision shall contain at least:
a) Name and address of the headquarters of the designated verification/calibration/testing service provider;
b) Area where the provider carries out its operation;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
d) Effective period of the designation decision.
2. The designation decision shall be effective for five (05) years from the date on which it is signed.
3. The designation decision shall be sent to the designated provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
Article 16. Retention of designation documents
1. The designation documents include an application specified in Article 12, on-site assessment documents specified in Article 14 and a designation decision specified in Article 15 of this Circular.
2. One (01) set of designation documents shall be retained at the Directorate.
3. The designated provider shall prepare and retain one (01) set of designation documents at its headquarters.
4. The documents shall be retained from the date of issuance of the designation decision to five (5) years after the decision is expired or suspended or invalidated.
Article 17. Adjustment to the designation/redesignation decision
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. In case of reapplying for designation, no more than 03 months before the expiry of the issued designation decision, the applicant shall prepare and submit one (01) set of application prescribed in Article 12 of this Article, directly or by post, to the Directorate.
3. Within seven (10) working days from the date on which the application is received, if the application is unsatisfactory, the Directorate shall request the applicant in writing to complete it.
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the applicant fails to satisfy such request, the Directorate is entitled to reject this application.
4. The Directorate shall consider and decide to inspect the application or carry out an on-site assessment, as the case may be.
a) In the case of inspection of the application, within ten (10) days from the date on which the satisfactory application is received, the Directorate shall issue a redesignation decision or adjusted designation decision specified in Clause 1 Article 15 of this Circular to the designated provider;
b) In the case of on-site assessment, the application processing, on-site assessment and issuance of designation decision are specified in Clause 2, Clause 3 Article 13, Article 14 and Article 15 of this Circular.
5. The redesignation decision and adjusted designation decision shall be sent to the designated provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
6. The redesignation decision shall be effective for five (5) years from the date on which it is signed. The effective period of the adjusted designation decision is the same as that of the valid designation decision that has been issued to the designated provider.
7. The applications for adjustment to the designation decision and redesignation shall be retained as prescribed in Article 16 of this Circular.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. A designation decision shall be partially or totally suspended in the following cases:
a) The designated provider carries out its verification/calibration/testing outside the designated domain or fails to assume the responsibilities specified in this Circular, resulting in serious consequences;
b) The designated provider submits a written request for partial or total suspension of the designated domain.
2. The Directorate shall consider issuing a decision on partial or total suspension of the issued designation decision (hereinafter referred to as “the suspension decision”), as the case may be. The issued designation decision shall be suspended for a period which may not exceed six (06) months from the effective date of suspension decision.
3. The suspension decision shall be sent to the designated provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
4. During the suspension period, after remedial actions are taken, the designated verification/calibration/testing service provider shall prepare and submit one (01) set of application for invalidation of the suspension decision, directly or by post, to the Directorate. The application includes: a written request for invalidation of the suspension decision and documentary evidences for remedial action completion.
5. Within seven (10) working days from the date on which the application is received, if the application is unsatisfactory, the Directorate shall request the applicant in writing to complete it.
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the applicant fails to satisfy such request the Directorate is entitled to reject this application.
6. The Directorate shall decide to inspect the application or carry out an on-site inspection of the completed remedial actions, as the case may be.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
b) In the case of on-site inspection, within twenty (20) working days, the Directorate shall complete the on-site inspection and issue the invalidation decision or give a notice of unsatisfactory on-site inspection results.
7. The invalidation decision is sent to the designated provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
8. The suspension decision, invalidation decision and relevant documents shall be retained as prescribed in Article 16 of this Circular.
Article 19. Invalidation of the designation decision
1. A designation decision shall be partially or totally invalidated in the following cases:
a) The designated provider goes bankruptcy, dissolves or seriously violates laws;
b) The designated provider fails to take remedial actions during the suspension period specified in the invalidation decision;
c) The designated provider submits a written request for not continuing to provide designated verification/calibration/testing services.
2. The Directorate shall issue a decision on partial or total invalidation of the issued designation decision (hereinafter referred to as “the invalidation decision”), as the case may be.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Article 20. Requirements for measurement standards
1. A designated verification service provider’s working standard that satisfies the following requirements shall be certified as a measurement standard directly used for verifying group 2 measuring instruments:
a) It has been calibrated at a designated calibration service provider in accordance with regulations. The certificate of calibration shall remain effective;
b) It satisfies technical requirements specified in the applicable Vietnamese text measurement techniques;
c) It is maintained, preserved and used as prescribed in Article 21 of this Circular;
d) It is conformable with the designated domain of the designated verification service provider.
2. A designated verification service provider’s reference material that is directly used for verifying group 2 measuring instruments and satisfies the following requirements shall be certified as a measurement standard directly used for verifying group 2 measuring instruments (hereinafter referred to as “the measurement standard”):
a) It has been tested or compared at a designated provider in accordance with regulations of this Circular or at a national certifying authority for reference materials of a foreign country or at a laboratory that has been traceable to a national certifying authority for reference materials of a foreign country. The certificate of analysis shall remain effective.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
c) It is maintained, preserved and used as prescribed in Article 21 of this Circular;
d) It is conformable with the designated domain of the designated verification service provider.
Article 21. Maintenance, preservation and use of measurement standards
1. Measurement standards shall be maintained, preserved and used in accordance with the regulations promulgated by the head of the designated verification service provider and regulations specified in applicable Vietnamese text measurement techniques.
2. Regulations on maintenance, preservation and use of measurement standards shall specify at least:
a) Regarding the maintenance and preservation
- Area of the location of the place where the measurement standards are maintained and preserved;
- Environmental conditions and other technical requirements;
- Periodic supervision of maintenance and preservation requirements;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Responsibilities of maintenance and preservation staff.
b) Regarding the use
- Responsibilities of staff assigned to calibrate or compare measurement standards as prescribed;
- Keeping records.
Article 22. Applications for certification of measurement standards
The designated verification service provider shall submit one (01) set of application for certification of a measurement standard, directly or by post, to the Directorate. The application includes:
1. An application form (Specimen No. 11.DNCNCDL in the Appendix hereof).
2. A copy (certified by the designated verification service provider as a true copy of the original) of the certificate of working standard calibration prescribed in Point a Clause 1 Article 20 or the certificate of reference material measurement/testing or analysis prescribed in Point a Clause 2 Article 20 of this Circular.
3. Photos of the measurement standard, one (01) overall photo and one (01) label photo. A clear and sharp color photo (15 x 20 cm) (in the case of applying for certification for the first time).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Article 23. Processing applications for certification of measurement standards
1. In case the application for certification of a measurement standard is submitted together with the application for designation, it shall be processed together with the application for designation within the time limit specified in Article 13 of this Circular and in accordance with the requirements and procedures for certification of measurement standards specified in Section 2 Chapter III of this Circular.
2. In case the application for certification of a measurement standard is not submitted together with the application for designation, it shall be processed as follows:
a) If the application is unsatisfactory, within ten (10) working days from the date on which the application is received, the Directorate shall request the applicant in writing to complete it.
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the applicant fails to satisfy such request, the Directorate is entitled to reject this application;
b) Within fifteen (15) working days from the date on which the satisfactory application is received, the Directorate shall issue the decision on certification of a measurement standard directly used for verifying group 2 measuring instruments (hereinafter referred to as “the decision on measurement standard certification”) as prescribed in Article 24 of this Circular.
Article 24. Decision on measurement standard certification
1. A decision on measurement standard certification includes the following contents:
a) Name and address of headquarters of the designated verification service provider;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
c) The measurement standard’s manufacture number, year of manufacture, manufacturer, country of origin;
d) Model, symbol and main specifications of the measurement standard;
dd) Verification domain;
e) Effective period.
2. The effective period of the decision on measurement standard certification is the same as that of the valid decision on measurement standard certification that has been issued to the designated verification service provider.
In case the measurement standard is certified as a reference material and the effective period of the certificate of reference material measurement/testing or analysis is less than that of the designation decision, the effective date of the decision on certification of the measurement standard with respect to reference material is the same as that of such certificate.
3. The decision on measurement standard certification is sent to the designated verification service provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated verification service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
Article 25. Retention of measurement standard certification documents
1. The measurement standard certification documents include an application for designation prescribed in Article 22 and a decision on measurement standard certification prescribed in Article 24 of this Circular.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. The designated verification service provider shall prepare and retain one (01) set of measurement standard certification documents at its headquarters.
4. The measurement standard certification documents shall be retained together with the designated verification service provider’s designation documents as prescribed in Clause 4 Article 16 of this Circular.
Article 26. Adjustment to the decision on measurement standard certification
1. When the decision on measurement standard certification has to be adjusted, the applicant shall prepare and submit one (01) set of application for adjustment, directly or by post, to the Directorate. The application includes:
a) A written request;
b) A copy (certified by the designated verification service provider as a true copy of the original) of the certificate of measurement standard calibration prescribed in Point a Clause 1 Article 20 of this Circular (in the case of applying for adjustment to the contents specified in Points b, c and d Clause 1 Article 24 of this Circular);
c) Photos of the measurement standard, one (01) overall photo and one (01) label photo; a clear and sharp color photo (15 x 20 cm) (in case of applying for adjustment to the contents specified in Points b, c and d Clause 1 Article 24 of this Circular);
d) Other documents concerning the adjustments.2. If the application is unsatisfactory, within ten (10) working days from the date on which the application is received, the Directorate shall request the applicant in writing to complete it.
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the applicant fails to satisfy such request, the Directorate is entitled to reject this application.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4. The conformity of the designated verification service provider with prescribed requirements for provision of services shall be reviewed and re-assessed upon adjustments to main specifications of the measurement standard. Follow instructions in Section 1 Chapter III of this Circular.
5. The adjustment decision and relevant documents shall be retained together with the designated verification service provider’s designation documents as prescribed in Clause 4 Article 16 of this Circular.
Article 27. Suspension of the decision on measurement standard certification
1. A decision on measurement standard certification shall be partially or totally suspended in the following cases:
a) The designated verification service provider has its verification domain which has been certified as conformable with the measurement standard suspended;
b) The designated verification service provider submits a written request for partial or total suspension of the issued decision on measurement standard certification and provides a reason thereof.
2. The Directorate shall issue a decision on partial or total suspension of the issued decision on measurement standard certification (hereinafter referred to as “the suspension decision”), as the case may be. The issued decision on measurement standard certification shall be suspended for a period which may not exceed six (06) months from the date of issuing the suspension notice.
3. The suspension decision is sent to the designated verification service provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated verification service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
4. The Directorate shall consider re-assessing the conformity of the designated verification service provider with prescribed requirements for provision of services after the decision on measurement standard certification is suspended. Follow instructions in Section 1 Chapter III of this Circular.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
6. If the application is unsatisfactory, within seven (7) working days from the date on which the application is received, the Directorate shall request the applicant in writing to complete it.
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the applicant fails to satisfy such request, the Directorate is entitled to reject this application;
7. Within seven (7) working days from the date on which the satisfactory application is received, the Directorate shall issue a decision on invalidation of the suspension decision (hereinafter referred to as “the invalidation decision”).
8. The invalidation decision is sent to the designated verification service provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated verification service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
9. The suspension decision, invalidation decision and relevant documents shall be retained together with the designated verification service provider’s designation documents as prescribed in Clause 4 Article 16 of this Circular.
Article 28. Invalidation of the decision on measurement standard certification
1. A decision on measurement standard certification shall be partially or totally invalidated in the following cases:
a) The designated verification service provider’s designation decision is totally invalidated or the verification domain which has been certified as conformable with the measurement standard is invalidated;
b) After the expiry of the suspension period specified in Article 27 of this Circular, the designated verification service provider does not submit an application for invalidation of the suspension decision;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. The Directorate shall issue a decision on partial or total invalidation of the issued decision on measurement standard certification (hereinafter referred to as “the invalidation decision”), as the case may be.
3. The invalidation decision is sent to the designated verification service provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated verification service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
4. The Directorate shall consider re-assessing the conformity of the designated verification service provider with prescribed requirements for provision of services after the decision on measurement standard certification is invalidated. Follow instructions in Section 1 Chapter III of this Circular.
SECTION 3. REQUIREMENTS AND PROCEDURES FOR ISSUANCE OF THE METROLOGY VERIFIER CARD
Article 29. Requirements to be satisfied by a metrology verifier
A metrology verifier of the designated verification service provider who satisfies the following requirements shall be issued with the metrology verifier card:
1. He/she obtains a Level 4 of VQF diploma/an intermediate professional education diploma or equivalent or higher qualifications.
2. He/she has completed a verification training course organized by the Directorate corresponding to the designated domain.
3. He/she has at least twelve (12) months experience in verification/calibration/testing corresponding to the designated domain.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
The applicant shall prepare and submit one (01) set of application for issuance of the metrology verifier card, directly or by post, to the Directorate. The application includes:
1. An application form (Specimen No. 12.DNCNKDVDL in the Appendix hereof).
2. A resume (Specimen No. 13.SYLL in the Appendix hereof) of each verifier.
3. A copy (certified by the designated verification service provider as a true copy of the original) of the verifier’s Level 4 of VQF diploma/an intermediate professional education diploma or equivalent or higher qualifications (in the case of applying for issuance of the card for the first time).
4. A copy (certified by the designated verification service provider as a true copy of the original) of the certificate of completion of the verification training course under Clause 2 Article 29 of this Circular.
5. 02 color photos (2 x 3 cm), taken against a white background (in case of applying for issuance of the card for the first time).
Article 31. Processing of applications for issuance of the metrology verifier card
1. In case the application for issuance of the metrology verifier card is submitted together with the application for designation, it shall be processed together with the application for designation within the time limit specified in Article 13 of this Circular and in accordance with the requirements and procedures for issuance of the metrology verifier card specified in Section 3 Chapter III of this Circular.
2. In case the application for issuance of the metrology verifier card is not received together with the application for designation, it shall be processed as follows:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the applicant fails to satisfy such request, the Directorate is entitled to reject this application;
b) Within fifteen (15) working days from the date on which the satisfactory application is received, the Directorate shall issue the decision on issuance of the metrology verifier card as prescribed in Articles 32 and 34 of this Circular.
Article 32. Decision on issuance of the metrology verifier card
1. A decision on issuance of the metrology verifier card shall contain at least:
a) Name and address of headquarters of the designated verification service provider;
b) Verifier’s full name and date of birth;
c) Verifier number;
dd) Verification domain;
dd) Effective period.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. The decision on issuance of the metrology verifier card is sent to the designated verification service provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated verification service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
Article 33. Retention of documents about issuance of the metrology verifier card
1. The documents about issuance of the metrology verifier card include the application for issuance of the metrology verifier card prescribed in Article 30 and the decision on issuance of the metrology verifier card prescribed in Article 32 of this Circular.
2. One (01) set of documents about issuance of the metrology verifier card shall be retained at the Directorate.
3. The designated verification service provider shall prepare and retain one (01) set of documents about issuance of the metrology verifier card at its headquarters.
4. The documents about issuance of the metrology verifier card shall be retained together with the designated verification service provider’s designation documents as prescribed in Clause 4 Article 16 of this Circular.
Article 34. Metrology verifier card
1. The metrology verifier card (hereinafter referred to as “the card”) is issued by the Directorate to each verifier.
2. Each verifier shall be only issued with one (01) card.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4. The card’s contents and form are provided in the Specimen No. 14.TKDVDL in the Appendix hereof.
Article 35. Adjustment to the decision on issuance of the card, and reissuance of the card
1. When the decision on issuance of the card has to be adjusted, the applicant shall prepare and submit one (01) set of application for adjustment, directly or by post, to the Directorate. The application includes:
a) A written request;
b) A copy (certified by the designated verification service provider as a true copy of the original) of the certificate of completion of the verification training course regarding the verification domain included in the application for addition under Clause 2 Article 29 of this Circular (in the case of applying for addition of the verification domain);
c) Other documents concerning the adjustments.
2. In the case of applying for reissuance to replace a card that is lost, torn or damaged, the applicant shall prepare and submit one (01) set of application, directly or by post, to the Directorate. The application includes:
a) A written request;
b) two (02) color photos (2 x 3 cm), taken against a white background.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4. The issuance of the decision on issuance of the card or reissuance of the card is specified in Articles 32 and 34 of this Circular.
5. The decision on issuance of the card and relevant documents shall be retained together with the designated verification service provider’s designation documents as prescribed in Clause 4 Article 16 of this Circular.
Article 36. Suspension of the decision on issuance of the card
1. A decision on issuance of the card shall be partially or totally suspended in the following cases:
a) The designated verification service provider has its verification domain that has been certified to issue the card to the metrology verifier suspended;
b) The metrology verifier fails to fulfill his/her obligations, resulting in serious consequences. To be specific:
- Fail to carry out verification while the certificate of verification is still issued to the measuring instrument;
- Fail to comply with the verification procedures specified in the applicable Vietnamese text measurement techniques;
- Use his/her verification certificate against regulations;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Verify the measuring instrument when the decision on issuance of the card has been expired.
2. The Directorate shall issue a decision on partial or total suspension of the issued card (hereinafter referred to as “the suspension decision”), as the case may be. The issued decision on measurement standard certification shall be suspended for a period which may not exceed six (06) months from the date of issuing the suspension notice.
3. The suspension decision is sent to the designated verification service provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated verification service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
4. The Directorate shall consider re-assessing the conformity of the designated verification service provider with prescribed requirements for provision of services when the decision on issuance of the card is suspended. Follow instructions in Section 1 Chapter III of this Circular.
5. During the suspension period, after remedial actions are taken, the designated verification service provider shall prepare and submit one (01) set of application for invalidation of the suspension decision, directly or by post, to the Directorate. The application includes a written request for invalidation of the suspension decision, specifying reasons thereof, and relevant documents.
6. If the application is unsatisfactory, within seven (7) working days from the date on which the application is received, the Directorate shall request the applicant in writing to complete it.
Within three (3) months from the date on which additional documents are requested in writing by the Directorate, if the applicant fails to satisfy such request, the Directorate is entitled to reject this application.
7. Within seven (7) working days from the date on which the satisfactory application is received, the Directorate shall issue a decision on invalidation of the suspension decision (hereinafter referred to as “the invalidation decision”).
8. The invalidation decision is sent to the designated verification service provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated verification service provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Article 37. Invalidation of the decision on issuance of the card
1. A decision on issuance of the card shall be partially or totally invalidated in the following cases:
a) The designated verification service provider’s designation decision is totally invalidated or the verification domain that has been certified to issue the card to the metrology verifier is invalidated;
b) After the expiry of the suspension period specified in Article 36 of this Circular, the designated verification service provider does not submit an application for invalidation of the suspension decision;
c) The designated verification service provider submits a written request for invalidation because the metrology verifier no longer engages in verification.
2. The Directorate shall issue a decision on partial or total invalidation of the issued decision on issuance of the card (hereinafter referred to as “the invalidation decision”) and revoke the issued card, as the case may be.
3. The invalidation decision is sent to the designated verification service provider, Sub-directorate for Standard, Metrology and Quality of the area where the designated verification provider’s headquarters is located and published on the web portal of the Directorate.
4. The Directorate shall consider re-assessing the conformity of the designated verification service provider with prescribed requirements for provision of services after the decision on issuance of the card is invalidated. Follow instructions in Section 1 Chapter III of this Circular.
SECTION 4. CERTIFICATE OF VERIFICATION/CALIBRATION/TESTING
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. The verification seal is attached, printed, engraved or painted directly on the measuring instrument in accordance with corresponding verification procedures and in an appropriate location.
2. The verification seal has 2 types provided in the Specimen No. 15.DKD in the Appendix hereof.
3. The verification type 1 is used in the following cases:
a) It is used separately for the measuring instrument/measurement standard that is not required to be re-verified according to a cycle;
b) It is used together with the verification stamp and/or the certificate of verification of the measuring instrument/measurement standard that is required to be re-verified according to a cycle.
4. The verification seal type 2 shall be separately used to simultaneously seal and notify the expiry of verification of the measuring instrument/measurement standard that is required to be re-verified according to a cycle without being used together with a verification stamp and/or the certificate of verification.
Article 39. Verification stamps and calibration stamps
1. Verification stamps
a) The verification stamp’s contents and form are provided in the Specimen No. 16.DKD in the Appendix hereof;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
c) The verification stamp is used together with the verification seal and/or the certificate of verification in order to notify the validity period of verification of the measuring instrument/measurement standard that is required to be re-verified according to a cycle;
d) If there is not enough space or it is impossible to attach the verification stamp to the measuring instrument/measurement standard, the certificate of verification will be used to notify the validity period of verification of such measuring instrument/measurement standard.
2. Calibration stamps
a) The calibration stamp’s contents and form are provided in the Specimen No. 17.THC in the Appendix hereof;
b) The calibration stamp is attached directly to the measuring instrument/measurement standard or in an appropriate location;
c) The calibration stamp is issued together with the certificate of calibration in order to notify the validity period of calibration of the measuring instrument/measurement standard;
d) If there is not enough space or it is impossible to attach the calibration stamp to the measuring instrument/measurement standard, the certificate of calibration will be used to notify the validity period of verification of such measuring instrument/measurement standard.
Article 40. Certificate of verification/calibration/testing
1. The certificate of verification/calibration/testing’s contents and form are provided in the Specimens No. 18.GCNKD, 19.GCNHC and 20.GCNTN in the Appendix hereof.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. The certificate of calibration shall be issued to each measuring instrument or each measurement standard to provide measured value (together with the measurement uncertainty) obtained from the measuring instrument/measurement standard or establish the relation between the measured value obtained from the measuring instrument/measurement standard and the value of a quantity to be measured.
4. The certificate of testing (or certificate of analysis) is issued to each measuring instrument or measurement standard to provide specifications of such measuring instrument or measurement standard.
5. The certificate of verification shall be used separately or together with the verification seal/stamp in the cases specified in Article 38, Clause 1 Article 39 of this Circular in accordance with requirements for use thereof and regulations specified in the applicable Vietnamese text measurement techniques.
6. The certificate of calibration shall be used separately or together with the calibration seal/stamp in the cases specified in Clause 2 Article 39 of this Circular in accordance with requirements for use thereof and regulations specified in the applicable Vietnamese text measurement techniques.
Article 41. Specifying contents in the certificate of verification/calibration/testing
1. The certificate shall be on A4 size paper (210 x 297) mm.
2. The English font size shall be smaller than the Vietnamese one.
3. The contents must be clear and not be specified in an abbreviated form and erased. Name and symbol of the measured value, quantity value, measurement error, etc. must be accurately specified in accordance with regulations on legal units of measurement.
4. For the measuring instrument/measurement standard number, it is required to specify it according to the measuring instrument/measurement standard’s manufacture number. In case the measuring instrument/measurement standard does not have a manufacture number, the persons in charge of the verification/calibration/testing shall number the measuring instrument/measurement standard and consider it as the measuring instrument/measurement standard number.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
6. For the specifications, it is required to specify main specifications of the measuring instrument/measurement standard such as measurement range, accuracy, etc. In case the accuracy is not specified, the allowable error or actual scale interval or measurement uncertainty shall be specified. In case multiple measurement ranges are available, it is required to specify such specifications according to each measurement range of the measuring instrument/measurement standard.
7. Regarding method of verification/calibration/testing, it is required to specify number and name of the verification/calibration/testing document or procedures used to carry out verification/calibration/testing.
8. The results shall be specified as follows:
a) Regarding the certificate of verification of the measuring instrument, specify “Đạt yêu cầu kỹ thuật Đo lường” (“Satisfy technical requirements”);
b) For the certificate of calibration/testing, specify “Xem kết quả tại trang…..” (“See calibration/testing results at page…..”).
9. For the verification stamp, it is required to specify its serial number and number. In case it is not required to use a stamp, this section shall be left blank.
10. For the “valid until” section, it is required to specify the last date of the prescribed verification/calibration.
11. For the signature section of the certificate of verification/calibration/testing:
a) Signature and full name of the persons in charge of verification/calibration/testing or the head of the laboratory shall be fully specified. In the case of issuance of the certificate of verification, the verifier must have a metrology verifier card;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
RESPONSIBILITIES OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS FOR VERIFICATION/CALIBRATION/TESTING
Article 42. Responsibilities of verification/calibration/testing service providers
1. Maintain the fulfillment of the requirements prescribed in Article 3 of this Circular.
2. Promulgate and organize implementation of regulations on management of verification/calibration/testing by the persons in charge of verification/calibration/testing.
3. Promulgate and organize implementation of regulations on: management and use of measurement standards and verification/calibration/testing equipment; creation, management and use of verification/calibration/testing certificates.
4. Before January 31 or at the request of a competent authority, prepare and submit an annual report on provision of verification/calibration/testing services (Form No. 5.BCHD in the Appendix hereof) to the Directorate and Sub-directorates for Standard, Metrology and Quality.
5. Comply with regulations of this Circular and other relevant regulations of law.
Article 43. Responsibilities of designated verification/calibration/testing service providers
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Promulgate and organize implementation of regulations on management of verification/calibration/testing by the persons in charge of verification/calibration/testing.
3. Promulgate and organize implementation of regulations on: maintenance and use of measurement standards and verification/calibration/testing equipment; creation, management and use of verification/calibration/testing certificates in accordance with requirements of this Circular.
4. Only verify measuring instruments after the measurement standard directly used for verifying group 2 measuring instrument are certified and the verifier is issued with the metrology verifier card.
5. Request metrology verifiers to present and wear their card upon verification of measuring instruments.
6. Revoke, report and return the card of the metrology verifier who is no longer assigned to carry out verification to the Directorate.
7. Prepare a designated verification/calibration/testing report as prescribed in Clause 4 Article 42 of this Circular.
8. Comply with regulations of this Circular and other relevant regulations of law.
Article 44. Responsibilities of persons in charge of verification/calibration/testing
1. Persons in charge of verification/calibration/testing shall:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
b) comply with the verification/calibration/testing procedures. Prevent any interference in the verification/calibration/testing and results thereof;
c) In the case of discovering violations of regulations of the law on metrology, immediately report them to the head of the verification/calibration/testing service provider.
d) Comply with regulations of this Circular and other regulations on metrology.
2. Apart from the responsibilities specified in Clause 1 of this Article, the metrology verifier of the designated verification service provider shall:
a) verify measuring instruments within the certified domain;
b) wear his/her card upon verification of measuring instruments;
c) not use his/her card for other purposes;
d) return his/her card to the designated verification service provider if he/she is no longer assigned to carry out verification.
Article 45. Responsibilities of the Directorate for Standards, Metrology and Quality
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Promulgate Vietnamese text measurement techniques and approve verification/calibration/testing training and metrological assessment programs and textbooks.
3. Instruct, manage and organize implementation of provision of training for persons in charge of verification/calibration/testing and experts in metrological assessment.
4. perform state management of verification/calibration/testing within its jurisdiction specified in Clause 1 Article 13 of the Government’s Decree No. 86/2012/ND-CP dated October 19, 2012.
5. Inspect, settle complaints and denunciations and take actions against violations of regulations on metrology as per law.
1. direct the Sub-directorates for Standard, Metrology and Quality to perform state management of verification/calibration/testing within their jurisdiction specified in Clause 3 Article 13 of the Government’s Decree No. 86/2012/ND-CP dated October 19, 2012.
2. direct inspection of compliance with the law on metrology within their area, settle complaints and denunciations and take actions against violations of regulations on metrology in as per law.
1. Perform state management of verification/calibration/testing within their area within their jurisdiction specified in Clause 3 Article 13 of the Government’s Decree No. 86/2012/ND-CP dated October 19, 2012.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. Cooperate in carrying out inspections, settle complaints and denunciations and take actions against violations of regulations on metrology as per law.
1. This Circular comes into force from November 15, 2013.
2. The following documents are annulled:
a) Decision No. 17/2005/QD-BKHCN dated November 01, 2005 of the Minister of Science and Technology;
b) Decision No. 20/2006/QD-BKHCN dated November 10, 2006 of the Minister of Science and Technology;
c) Decision No. 21/2006/QD-BKHCN dated November 10, 2006 of the Minister of Science and Technology;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
dd) Circular No. 12/2011/TT-BKHCN dated June 30, 2011 of the Minister of Science and Technology;
e) Circular No. 13/2011/TT-BKHCN dated June 30, 2011 of the Minister of Science and Technology;
g) Circular No. 15/2011/TT-BKHCN dated June 30, 2011 of the Minister of Science and Technology.
Article 49. Transition clauses
1. The verification service provider that is recognized in the Decision No. 20/2006/QD-BKHCN dated November 10, 2006 of the Minister of Science and Technology shall keep verifying measuring instruments within the recognized scope and in accordance with regulations of this Circular until the expiry of the decision on recognition of capacity for measuring instrument verification that has been issued to the verification service provider.
The verification of measurement standards specified in the 28/2007/QD-BKHCN dated December 25, 2007 of the Minister of Science and Technology shall be continued until a new corresponding Vietnamese text measurement technique is promulgated.
2. The metrology verifier who has been issued with a card as prescribed in the Decision No. 21/2006/QD-BKHCN dated November 10, 2006 of the Minister of Science and Technology shall keep carry out verification within the recognized scope and in accordance with regulations of this Circular until the expiry of the following decisions, whichever comes first:
a) Decision on issuance of the metrology verifier card that has been issued to the verifier;
b) Decision on recognition of capacity for measuring instrument verification that has been issued to the verification service provider.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3. The measurement standard certified as prescribed in the Decision No. 28/2007/QD-BKHCN dated November 25, 2007 of the Minister of Science and Technology and issued with the certificate of measurement/testing or analysis that remains valid shall be used to verify measuring instruments and conformable to the regulations of this Circular until the expiry of the following decisions, whichever comes first:
a) Decision on measurement standard certification that has been issued to the measurement standard;
b) Decision on recognition of capacity for measuring instrument verification that has been issued to the verification service provider.
After the aforementioned time, in order to be used to verify measuring instruments, this measurement standard must be certified in accordance with this Circular.
1. The Directorate for Standards, Metrology and Quality shall provide instructions and organize the implementation of this Circular.
2. Regulatory authorities and relevant organizations and individuals are responsible for the implementation of this Circular.
3. Difficulties that arise during the implementation should be promptly reported to the Ministry of Science and Technology for consideration.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
PP. THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER
Tran Viet Thanh
;
Thông tư 24/2013/TT-BKHCN quy định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Số hiệu: | 24/2013/TT-BKHCN |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Người ký: | Trần Việt Thanh |
Ngày ban hành: | 30/09/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 24/2013/TT-BKHCN quy định hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Chưa có Video