BỘ
NỘI VỤ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2011/TT-BNV |
Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2011 |
Căn cứ Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong (sau đây gọi chung là Nghị định số 12/2011/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 12/2011/NĐ-CP về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, quản lý tổ chức thanh niên xung phong và cán bộ quản lý thanh niên xung phong,
Điều 1. Trách nhiệm quản lý thanh niên xung phong
1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương):
a) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với thanh niên xung phong;
b) Xem xét, chấp thuận hoặc không chấp thuận việc thành lập, giải thể, gia hạn tổ chức thanh niên xung phong theo thẩm quyền;
c) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên xung phong.
2. Đối với tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (viết tắt là Tổ chức Đoàn):
a) Thành lập hoặc giải thể, thu hồi quyết định của tổ chức thanh niên xung phong và trực tiếp quản lý hoạt động của tổ chức thanh niên xung phong do cấp mình quyết định thành lập;
b) Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của các tổ chức thanh niên xung phong do cấp mình quyết định thành lập;
c) Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các tổ chức thanh niên xung phong do cấp mình thành lập.
Điều 2. Nguyên tắc thành lập tổ chức thanh niên xung phong
1. Thành lập tổ chức thanh niên xung phong phải xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 4 Nghị định số 12/2011/NĐ-CP trong thời gian từ 24 tháng trở lên.
2. Tổ chức thanh niên xung phong chỉ được thành lập khi xác định rõ mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ và không chồng chéo với tổ chức thanh niên xung phong đang hoạt động trên địa bàn hành chính cấp tỉnh. Quy mô, loại hình tổ chức phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Đối với tổ chức thanh niên xung phong do Trung ương Đoàn thành lập có phạm vi hoạt động trên địa bàn đã có tổ chức thanh niên xung phong của tỉnh cần trao đổi, thống nhất với địa phương để bảo đảm không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với tổ chức thanh niên xung phong đã được thành lập trước đó.
3. Việc thành lập Trung tâm, Trường giáo dục lao động xã hội theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 12/2011/NĐ-CP phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về ngành, lĩnh vực hoạt động.
4. Việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong ở cấp Trung ương phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nội vụ; ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN THÀNH LẬP, GIẢI THỂ TỔ CHỨC THANH NIÊN XUNG PHONG
Điều 3. Trình tự, thủ tục thành lập tổ chức thanh niên xung phong ở Trung ương
1. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (viết tắt là Trung ương Đoàn) có nhu cầu thành lập tổ chức thanh niên xung phong lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này gửi trực tiếp đến Bộ Nội vụ đề nghị cho ý kiến chấp thuận để làm cơ sở cho việc ra quyết định thành lập.
2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Nội vụ có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến chấp thuận bằng văn bản việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong. Trong trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong quá trình xem xét hồ sơ, Bộ Nội vụ có thể mời đại diện các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học có liên quan tham gia; yêu cầu Trung ương Đoàn cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến hồ sơ thành lập tổ chức thanh niên xung phong.
3. Căn cứ ý kiến chấp thuận của Bộ Nội vụ, Trung ương Đoàn ra quyết định thành lập tổ chức thanh niên xung phong.
Đối với việc thành lập Trung tâm, Trường giáo dục lao động xã hội, sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Nội vụ, trình tự, thủ tục thành lập được thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động chuyên ngành.
Điều 4. Trình tự, thủ tục thành lập tổ chức thanh niên xung phong cấp tỉnh
1. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp tỉnh có nhu cầu thành lập tổ chức thanh niên xung phong lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này gửi trực tiếp đến Sở Nội vụ để trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chấp thuận.
2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến chấp thuận bằng văn bản việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong. Trong trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong quá trình thẩm tra hồ sơ thành lập tổ chức thanh niên xung phong, Sở Nội vụ có quyền đề nghị Đoàn Thanh niên cấp tỉnh cung cấp thông tin và tài liệu có liên quan hoặc mời đại diện các sở, ngành liên quan và nhà khoa học để thảo luận, cho ý kiến về chuyên môn.
3. Căn cứ ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn thanh niên cấp tỉnh ra quyết định thành lập tổ chức thanh niên xung phong.
Đối với việc thành lập Trung tâm, Trường giáo dục lao động xã hội, sau khi có ý kiến chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, trình tự, thủ tục thành lập được thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động chuyên ngành.
Điều 5. Hồ sơ đề nghị thành lập tổ chức thanh niên xung phong
1. Văn bản của tổ chức Đoàn đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến chấp thuận về việc thành lập tổ chức thanh niên xung phong.
2. Văn bản chấp thuận của cấp ủy Đảng cùng cấp đồng ý việc thành lập tổ chức và hoạt động của thanh niên xung phong. Đối với cấp Trung ương là văn bản chấp thuận của Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
3. Đề án thành lập tổ chức thanh niên xung phong gồm các nội dung sau:
a) Loại hình tổ chức cần thành lập thanh niên xung phong;
c) Mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thanh niên xung phong;
d) Cơ cấu của tổ chức thanh niên xung phong;
đ) Nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm để tổ chức thanh niên xung phong mới được thành lập hoạt động. Trong đó, dự kiến về nhân sự, biên chế, kinh phí hoạt động, trụ sở làm việc và trang thiết bị, phương tiện cần thiết của tổ chức thanh niên xung phong;
e) Thời gian dự kiến kế hoạch hoạt động của tổ chức thanh niên xung phong;
g) Kiến nghị của cơ quan xây dựng đề án thành lập tổ chức thanh niên xung phong (nếu có).
4. Đối với việc thành lập Trung tâm, Trường giáo dục lao động xã hội, ngoài các nội dung nêu trên đề án còn phải có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan cấp Trung ương bao gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Đối với cấp địa phương bao gồm: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
5. Tài liệu chứng minh điều kiện để được thành lập tổ chức thanh niên xung phong theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 12/2011/NĐ-CP.
6. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Điều 6. Các trường hợp giải thể tổ chức thanh niên xung phong
1. Kết thúc thời hạn hoạt động được ghi trong quyết định thành lập mà không có quyết định gia hạn.
2. Mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung hoạt động không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
3. Theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức thanh niên xung phong vi phạm pháp luật.
Điều 7. Thẩm quyền và căn cứ giải thể tổ chức thanh niên xung phong
1. Cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức thanh niên xung phong ra quyết định giải thể tổ chức thanh niên xung phong đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
2. Cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức thanh niên xung phong ra quyết định giải thể tổ chức thanh niên xung phong đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này phải căn cứ quyết định xử lý vi phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.
3. Cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức thanh niên xung phong ra quyết định giải thể sau khi đã có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp.
Điều 8. Trình tự, thủ tục giải thể tổ chức thanh niên xung phong
1. Trình tự, thủ tục giải thể tổ chức thanh niên xung phong quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Thông tư này được thực hiện như sau:
a) Cơ quan có thẩm quyền giải thể tổ chức thanh niên xung phong cần lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp để xem xét chấp thuận việc giải thể hoặc không chấp thuận việc giải thể;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến chấp thuận bằng văn bản việc giải thể tổ chức thanh niên xung phong. Trong trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp, cơ quan có thẩm quyền thành lập ra quyết định giải thể tổ chức thanh niên xung phong.
Đối với trường hợp giải thể Trung tâm, Trường giáo dục lao động xã hội, sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về lĩnh vực hoạt động chuyên ngành.
2. Trình tự, thủ tục giải thể tổ chức thanh niên xung phong quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này được thực hiện như sau:
a) Căn cứ vào quyết định xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền; cơ quan có thẩm quyền giải thể tổ chức thanh niên xung phong gửi hồ sơ trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp cho ý kiến chấp thuận việc giải thể;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp có trách nhiệm xem xét, cho ý kiến chấp thuận bằng văn bản việc giải thể tổ chức thanh niên xung phong;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cùng cấp, cơ quan có thẩm quyền thành lập ra quyết định giải thể tổ chức thanh niên xung phong.
Điều 9. Hồ sơ đề nghị giải thể tổ chức thanh niên xung phong
1. Văn bản của tổ chức Đoàn đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho ý kiến chấp thuận việc giải thể tổ chức thanh niên xung phong.
2. Văn bản chấp thuận của cấp ủy Đảng cùng cấp đồng ý việc giải thể tổ chức và hoạt động của thanh niên xung phong. Đối với cấp Trung ương là văn bản chấp thuận của Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
3. Phương án giải thể tổ chức thanh niên xung phong:
a) Lý do giải thể tổ chức thanh niên xung phong (đối với tổ chức thanh niên xung phong giải thể theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 thì cần nêu rõ bằng chứng chứng minh mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung hoạt động không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương);
b) Đề xuất phương án giải quyết về nhân sự, tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản, đất đai và các vấn đề khác có liên quan;
c) Quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện phương án giải thể tổ chức và thời hạn xử lý các vấn đề liên quan.
Đối với việc giải thể Trung tâm, Trường giáo dục lao động xã hội, ngoài các nội dung trên đây, hồ sơ đề nghị giải thể còn phải có ý kiến bằng văn bản của các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan.
4. Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm của tổ chức thanh niên xung phong đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư này.
5. Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
CÁN BỘ QUẢN LÝ THANH NIÊN XUNG PHONG
Điều 10. Cán bộ quản lý thanh niên xung phong
1. Cán bộ quản lý thanh niên xung phong là các chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc làm công việc chuyên môn, kỹ thuật trong đơn vị thanh niên xung phong, gồm: Cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc lực lượng vũ trang được điều động, biệt phái đến làm việc và giao nhiệm vụ quản lý hoặc làm công việc chuyên môn kỹ thuật trong tổ chức thanh niên xung phong theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Đội viên thanh niên xung phong có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau đây: Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức tốt; có sức khỏe tốt; có năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; có tinh thần trách nhiệm trong công tác; có kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động của thanh niên xung phong; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức thanh niên xung phong xác nhận; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, tuyển chọn và bổ nhiệm làm cán bộ quản lý thanh niên xung phong trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức thanh niên xung phong.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ quản lý thanh niên xung phong các cấp do cơ quan quyết định thành lập quy định cụ thể tại quy chế tổ chức, hoạt động của tổ chức thanh niên xung phong.
Điều 11. Sử dụng cán bộ quản lý thanh niên xung phong
Việc bố trí, phân công công tác, chuyển ngạch, nâng ngạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bổ nhiệm lại, đề bạt, điều động luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ quản lý thanh niên xung phong được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức thanh niên xung phong
1. Đối với Tổng đội thanh niên xung phong sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thành lập nếu không chuẩn bị được các điều kiện cần thiết về: Cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý, đội viên thanh niên xung phong và cơ sở vật chất, thiết bị để hoạt động theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập ra quyết định thu hồi quyết định thành lập và báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên xung phong cùng cấp.
2. Đối với Trung tâm, Trường giáo dục lao động xã hội sau thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thành lập nếu không chuẩn bị được các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học nghề; đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; chương trình dạy nghề và các điều kiện đảm bảo hoạt động có chất lượng khác để tổ chức thực hiện theo quy định, thì cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập ra quyết định thu hồi quyết định thành lập và báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên xung phong cùng cấp.
3. Trước thời hạn giải thể theo quy định 30 ngày, tổ chức Đoàn có tổ chức thanh niên xung phong giải thể theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư này phải gửi hồ sơ đề nghị giải thể đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Nếu quá thời hạn bị giải thể mà không gửi hồ sơ đề nghị giải thể thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành giải thể tổ chức thanh niên xung phong theo quy định tại Thông tư này, khi đó người đứng đầu tổ chức Đoàn phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc giải thể tổ chức thanh niên xung phong quá thời hạn quy định.
Trường hợp Tổ chức thanh niên xung phong không đồng ý với quyết định giải thể thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại, tổ chức đó phải tạm dừng mọi hoạt động.
1. Chậm nhất là ngày 15 tháng 6 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và ngày 15 tháng 11 đối với báo cáo hàng năm, các đơn vị thành viên của lực lượng thanh niên xung phong có trách nhiệm báo cáo với Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong cùng cấp tình hình tổ chức và kết quả hoạt động của đơn vị mình.
2. Chậm nhất là ngày 15 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và ngày 15 tháng 12 đối với báo cáo hàng năm, Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tỉnh Đoàn, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong Trung ương tình hình tổ chức và kết quả hoạt động của lực lượng thanh niên xung phong tỉnh.
3. Chậm nhất là ngày 30 tháng 7 đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và ngày 15 tháng 01 đối với báo cáo hàng năm, Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong Trung ương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Chính phủ (qua Bộ Nội vụ) và Trung ương Đoàn tình hình tổ chức, hoạt động của thanh niên xung phong trong cả nước.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2011.
2. Tổ chức thanh niên xung phong được thành lập trước ngày Nghị định số 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 của Chính phủ có hiệu lực thi hành thì không phải tổ chức lại theo quy định tại Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG |
Thông tư 11/2011/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 12/2011/NĐ-CP về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong do Bộ Nội vụ ban hành
Số hiệu: | 11/2011/TT-BNV |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Nội vụ |
Người ký: | Nguyễn Thái Bình |
Ngày ban hành: | 26/09/2011 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 11/2011/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 12/2011/NĐ-CP về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong do Bộ Nội vụ ban hành
Chưa có Video