BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 674/TB-BNN-VP |
Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2021 |
Ngày 22 tháng 01 năm 2021, tại tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cùng với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng đồng chủ trì Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2021”. Tham dự Hội nghị có đại diện, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng cục Thủy sản; Thanh tra Bộ; Cục Thú y; Văn phòng Bộ; Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III; Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và thú y 18 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển; Hiệp hội Tôm Bình Thuận; Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận; một số cơ sở sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm và các Cơ quan thông tấn báo chí.
Sau khi nghe các báo cáo tham luận và ý kiến thảo luận của các đại biểu, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận như sau:
1. Đánh giá tình hình sản xuất giống tôm nước lợ
Trong thời gian qua, sản xuất giống tôm nước lợ của nước ta đã đạt được những bước tiến vững chắc: Năm 2020, sản lượng tôm giống ước đạt 130 tỷ con (tôm sú 32 tỷ con, tôm thẻ chân trắng 98 tỷ con) đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi, góp phần vào thành công của ngành tôm nước lợ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Luật đến các văn bản hướng dẫn đồng bộ đã góp phần quản lý tốt hơn giống tôm nước lợ; đã hình thành liên kết giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ tôm giống; quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ đã mang lại hiệu quả tích cực. Đồng thời các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ đã và đang tự nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Tuy nhiên, sản xuất giống tôm nước lợ vẫn còn tồn tại một số bất cập, đó là: Kết quả nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn hạn chế; số cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện theo quy định của Luật thủy sản tại một số địa phương còn thấp; vẫn phát hiện số lượng không nhỏ tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc sử dụng cho sinh sản và tôm giống chưa qua kiểm dịch được vận chuyển đi tiêu thụ. Vì vậy công tác quản lý chất lượng tôm giống cần tiếp tục được coi trọng để đảm bảo hiệu quả sản xuất.
2. Nhiệm vụ trọng tâm năm 2021
Năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra kế hoạch sản xuất ngành tôm nước lợ với diện tích thả nuôi 740.000 ha (tôm sú 625.000 ha, tôm thẻ chân trắng 115.000 ha), sản lượng 930.000 tấn (tôm sú 280.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 650.000 tấn); nhu cầu tôm giống cần trên 130 tỷ con. Tôm giống đóng vai trò rất quan trọng, đòi hỏi ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, Hiệp hội và người nuôi tôm cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trong nghiên cứu chọn tạo, gia hóa giống tôm nước lợ; tăng cường quản lý chất lượng giống; triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2021 và các quy định của pháp luật trong sản xuất, lưu thông và sử dụng giống tôm nước lợ.
Để hoàn thành kế hoạch và mục tiêu của ngành, các đơn vị, địa phương, Hiệp hội cần tích cực triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a) Tổng cục Thủy sản
- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cán bộ các địa phương, cơ sở sản xuất tôm giống về Luật thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đợt cao điểm thanh tra, kiểm tra tại các vùng sản xuất tôm giống trọng điểm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và công khai kết quả kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Hướng dẫn các địa phương chưa ký Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2021 tham gia phối hợp để quản lý tốt chất lượng tôm giống tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc thực hiện Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2021. Tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến giống tôm nước lợ theo phân công, phân cấp để phối hợp quản lý, giám sát.
- Phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường tiếp tục rà soát, đề xuất thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu chọn tạo giống tôm nước lợ (đặc biệt là tôm sú) theo hướng ưu tiên các nhóm tính trạng sạch bệnh - tăng trưởng nhanh và kháng bệnh - tăng trưởng nhanh. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu hoặc liên kết với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào sản xuất.
b) Cục Thú y
- Tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh và sử dụng kháng sinh trên tôm nuôi, đặc biệt là tôm giống; thực hiện và chỉ đạo các Chi cục địa phương làm tốt công tác kiểm dịch giống tôm nước lợ.
- Tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm và cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ đảm bảo an toàn dịch bệnh.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chỉ thực hiện kiểm dịch giống tôm nước lợ cho các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản.
- Định kỳ trước ngày 25 hàng tháng gửi thông tin kết quả kiểm dịch tôm giống và tôm bố mẹ cho Tổng cục thủy sản và các địa phương để kịp thời phối hợp quản lý, xử lý các bất cập, tồn tại.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ các quy định về sản xuất, lưu thông và sử dụng giống tôm nước lợ.
- Ưu tiên nguồn lực, bố trí kinh phí để thực hiện kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo hướng dẫn của Luật thủy sản.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, ương dưỡng và vận chuyển, lưu thông tôm giống trên thị trường tại địa phương.
- Tổ chức triển khai thực hiện Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2021 và chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan của Sở để thống nhất triển khai thực hiện.
- Định kỳ trước ngày 25 hàng tháng báo cáo về Tổng cục thủy sản danh sách các cá nhân, tổ chức vi phạm về quản lý giống tôm nước lợ để Tổng cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý triệt để.
- Thông tin cho Tổng cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những phát sinh trong quá trình quản lý để kịp thời phối hợp tháo gỡ.
d) Đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng có liên quan
- Tích cực vận động, tuyên truyền các hội viên thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn.
- Tổ chức cho các hội viên ký cam kết sản xuất giống tôm nước lợ đảm bảo chất lượng trước khi lưu thông.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biểu dương các địa phương thực hiện tốt Quy chế phối hợp những năm trước và các địa phương ký Quy chế phối hợp năm 2021. Đồng thời, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi quan tâm chỉ đạo công tác quản lý giống tôm nước lợ trên địa bàn và lưu ý cử đại diện tham gia ký Quy chế phối hợp các năm tiếp theo.
Văn phòng Bộ thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
|
TL. BỘ TRƯỞNG |
Thông báo 674/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2021” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu: | 674/TB-BNN-VP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Lê Văn Thành |
Ngày ban hành: | 01/02/2021 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 674/TB-BNN-VP về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp năm 2021” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chưa có Video