VĂN PHÒNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 180/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2015 |
Ngày 19 tháng 5 năm 2015, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về tình hình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua và kế hoạch giải pháp thực hiện trong năm 2015. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo và đại diện các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo báo cáo tình hình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và các giải pháp để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2015 và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo đã có ý kiến kết luận như sau:
1. Đánh giá cao việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đã chuẩn bị tốt nội dung báo cáo về tình hình 2 năm thực hiện và kế hoạch giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm 2015 và các năm tiếp theo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo để làm căn cứ góp ý cho các tài liệu liên quan phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc, kỳ họp Quốc hội và đại hội Đảng các cấp ở địa phương.
2. Kết quả bước đầu:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tự phê duyệt 24 quy hoạch theo thẩm quyền phục vụ tái cơ cấu ngành; chủ động phê duyệt 6 đề án tái cơ cấu các lĩnh vực, chi tiết đến từng phân ngành, 6 kế hoạch chuyên đề thực hiện các giải pháp tái cơ cấu; là Bộ đi đầu thực hiện tái cơ cấu ngành theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 9 tháng 2 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, đồng thời tổ chức chỉ đạo triển khai Đề án kịp thời, đúng hướng.
- Lĩnh vực trồng trọt: Phê duyệt 10 quy hoạch phát triển cây trồng chủ lực; các địa phương chuyển đổi trên 260 ngàn ha gieo trồng lúa không có lợi thế, hiệu quả thấp sang trồng cây khác; tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng chất lượng cao đối với lúa, ngô. Các cây trồng khác giữ ổn định về diện tích, tập trung thâm canh nâng cao chất lượng. Thu nhập bình quân đạt 78,7 triệu đồng/ha, tăng 3 triệu đồng so với năm 2013.
- Chăn nuôi nông hộ chuyển dịch theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung; xuất hiện nhiều cơ sở chăn nuôi trang trại theo phương thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, hình thành các mô hình hợp tác liên kết theo chuỗi; quản lý dịch bệnh tốt hơn.
- Trồng rừng mới tập trung năm 2014 đạt 226,2 ngàn ha (trong đó phòng hộ 22,2 ngàn ha, đặc dụng 1,4 ngàn ha); giá trị sản lượng lâm nghiệp tăng 7,1% so với 2013; độ che phủ rừng đạt 41,5%. Phát triển trồng rừng cây gỗ lớn được triển khai tại nhiều địa phương; nhiều doanh nghiệp, người dân tiếp tục tập trung chăm sóc rừng sản xuất để khai thác gỗ lớn.
- Về thủy sản: Rà soát và xây dựng 09 quy hoạch thủy sản, trong đó tập trung các đối tượng nuôi chủ lực; triển khai thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương; thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; tích cực triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra; khắc phục khá thành công khó khăn về dịch bệnh nuôi trồng thủy sản.
- Công nghiệp chế biến và bảo quản sau thu hoạch: Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp. Năm 2014, số lượng máy động lực, máy nông nghiệp sử dụng trong nông nghiệp có mức tăng trưởng bình quân 10% so với 2013, máy gặt lúa, máy phun thuốc trừ sâu, bơm nước có mức tăng khá nhanh.
- Công tác thủy lợi: Triển khai đầu tư hơn 20 công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ; nghiên cứu triển khai xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao trong tưới tiết kiệm; nâng cao năng lực tưới, tiêu, cấp nước, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng công tác quản lý công trình thủy lợi và nâng cấp, sửa chữa các công trình hiện có nhằm đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả phục vụ của công trình.
- Về thực hiện các giải pháp thực hiện tái cơ cấu:
+ Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo định hướng tái cơ cấu, trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, trong đó có 05 quy hoạch trên phạm vi cả nước, 14 quy hoạch vùng, khu vực, địa bàn cụ thể; hoàn thành quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao.
+ Đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ: Thực hiện cổ phần hóa 90% doanh nghiệp, chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần đối với 09/14 Tổng công ty; triển khai thực hiện Nghị quyết 30/NQ-TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông lâm trường quốc doanh. Tiến hành tổng kết, đánh giá mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và cánh đồng lớn, nhân rộng ra 43 tỉnh. Năm 2014, có khoảng 2.200 mô hình hợp tác, liên kết theo cánh đồng lớn với khoảng 400.000 ha (tăng gần 600 mô hình và hơn 240.000 ha so với năm 2013); nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp được thành lập và phát huy hiệu quả.
+ Điều chỉnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công và thu hút đầu tư tư nhân, Bộ chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ điều tra cơ bản, thiết kế quy hoạch, nghiên cứu khoa học. Ưu tiên thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và các dự án phục vụ cho tái cơ cấu; giảm dần đầu tư vào các nhiệm vụ, hoạt động mà tư nhân có thể làm được.
+ Tiến hành điều chỉnh cơ cấu các nhiệm vụ khoa học công nghệ và khuyến nông theo hướng tập trung các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, đặt hàng trực tiếp cho các đơn vị nghiên cứu đến sản phẩm cuối cùng. Đặc biệt ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc trong sản xuất như: giống, chất lượng, vật tư nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, quy trình sản xuất tốt, quy chuẩn, tiêu chuẩn; hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trên sản phẩm chủ lực, triển khai ứng dụng các giống mới, các kỹ thuật tiên tiến ở quy mô rộng đảm bảo tính lan tỏa.
+ Tăng cường công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm: Thịt gia súc, gia cầm nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm và nông sản nguồn gốc thực vật có dư lượng hóa chất vượt mức giới hạn cho phép giảm 10% so với năm 2013.
+ Đổi mới cơ chế, chính sách: Bộ chủ trì đánh giá, sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghiên cứu, báo cáo trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30/NQ-TW về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; tham gia với các Bộ, ngành nghiên cứu trình các chính sách liên quan hỗ trợ ngành về đất đai, đầu tư công, cơ chế tài chính, phát triển công nghệ.
- Nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản phẩm nông sản xuất khẩu đa dạng, có thương hiệu trên khắp các thị trường kể cả Mỹ, Nhật, EU. Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn nhiều so với năm 2013 (giá trị sản xuất tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP đạt 3,49%, tương ứng năm 2013 là 3,0% và 2,64%). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2%. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
3. Hạn chế, tồn tại:
Cơ cấu sản phẩm, khoa học công nghệ, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có chuyển biến nhưng còn chậm, hiệu quả chưa cao; thu nhập của nông dân còn thấp; dự báo thị trường để định hướng sản xuất còn yếu; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít; thị trường tài chính chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, tiếp cận vốn còn khó khăn; nhận thức về sự cần thiết phải tái cơ cấu, thông tin đến dân còn nhiều hạn chế, bất cập; hiện còn 27/63 tỉnh, thành phố chưa ban hành đề án hoặc kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu.
1. Cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, đồng thời yêu cầu Bộ, ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Thông qua các hình thức trao đổi, hội thảo, nhân rộng các mô hình thành công, hiệu quả tới nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về sự cần thiết phải liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi, thay đổi nhận thức về tái cơ cấu, hội nhập thị trường và lấy xã làm địa bàn thực hiện.
b) Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác dự báo, thông tin thị trường để định hướng sản xuất đến từng ngành, phân ngành.
c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, sửa đổi bổ sung, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách mới để phát triển lực lượng sản xuất, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
d) Khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu. Các địa phương phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào tất cả các khâu: nghiên cứu, chọn tạo giống, áp dụng quy trình canh tác, nuôi trồng tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, thu hoạch, bảo quản, chế biến tinh, sâu theo hướng công nghệ cao và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong đó đặc biệt chú trọng khâu giống, tăng cường sử dụng giống xác nhận và đưa việc sử dụng giống chất lượng vào tiêu chí giám sát và đánh giá thực hiện tái cơ cấu.
đ) Công nghiệp chế biến, nhất là chế biến tinh, chế biến sâu đóng vai trò quan trọng và quyết định để gia tăng giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động xây dựng cơ chế chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này và các địa phương, từng ngành phải có chỉ tiêu phấn đấu cụ thể về tỷ lệ các sản phẩm được sơ chế, chế biến phù hợp với thị trường tiêu thụ.
e) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành, địa phương hoàn thiện Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, tiêu chí giám sát và đánh giá thực hiện tái cơ cấu để ban hành.
2. Về một số kiến nghị:
- Về nguồn vốn đầu tư: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét tăng vốn và đưa vào kế hoạch trung hạn chương trình mục tiêu hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển thủy sản bền vững.
- Về áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) với thuế suất bằng 0% đối với mặt hàng phân bón và thức ăn chăn nuôi: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa đổi tại ký họp tháng 5/2015.
- Về hưởng ưu đãi thuế đối với nhập khẩu trang thiết bị mới phục vụ các cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan khẩn trương xem xét xử lý.
- Về bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG,
CHỦ NHIỆM |
Thông báo 180/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
Số hiệu: | 180/TB-VPCP |
---|---|
Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ |
Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 27/05/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông báo 180/TB-VPCP năm 2015 kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Văn phòng Chính phủ ban hành
Chưa có Video