Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 153/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2011

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC TẠI HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC CHUYỂN GIAO, ỨNG DỤNG KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ; ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN VÙNG TÂY BẮC

Trong 2 ngày 22 và 23 tháng 6 năm 2011, tại tỉnh Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản vùng Tây Bắc. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Trung ương Đảng; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Bắc; đại diện một số Viện nghiên cứu khoa học liên quan; đại diện một số doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi trong vùng.

Sau khi khảo sát thực tế một số mô hình chăn nuôi, thủy sản tại địa phương; nghe báo cáo đánh giá công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ, báo cáo thực trạng và giải pháp đẩy mạnh chăn nuôi vùng Tây Bắc; ý kiến các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Vùng Tây Bắc có lợi thế về đất đai, đồi rừng, với nhiều tiểu vùng sinh thái; nhân dân trong vùng có truyền thống chăn nuôi từ lâu đời, với nhiều giống vật nuôi quý hiếm. Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tiếp cận cơ chế kinh tế thị trường, lợi thế phát triển chăn nuôi ở nhiều địa phương trong vùng phát huy, tác động mạnh mẽ vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ngày càng cao cho hộ nông dân và doanh nghiệp. Sản lượng, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản thường xuyên tăng lên. Nhiều địa phương chú trọng chăn nuôi đại gia súc, tốc độ tăng trưởng đàn trâu, bò hàng năm tăng khá. Cơ cấu giống vật nuôi có năng suất và chất lượng tăng cao; nhiều giống đặc sản bản địa được phục hồi, nhân rộng. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp tăng dần.

Phương thức tổ chức chăn nuôi chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa. Số gia trại, trang trại chăn nuôi với quy mô hợp lý ngày càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường và bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều mô hình gắn kết chăn nuôi với trồng trọt, tận dụng chất thải chăn nuôi tạo nguồn khí bioga cho đun nấu, thắp sáng, phát điện..., hình thành cách thức làm ăn mới, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Tuy nhiên, kết quả phát triển chăn nuôi chưa tương xứng với tiềm năng của vùng và của từng địa phương, chưa mang lại hiệu quả thật sự bền vững. Mấy năm gần đây, đàn trâu, bò ở một số địa phương tăng trưởng chậm lại, có nơi giảm sút; quy mô chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán; tình trạng nuôi gia súc thả rông còn phổ biến, nên trâu bò chết dịch, chết rét nhiều; cơ sở vật chất và hạ tầng cho phát triển chăn nuôi thiếu đồng bộ. Ứng dụng khoa học, công nghệ nông nghiệp, nhất là chăn nuôi còn hạn chế. Hệ thống thú y và trang bị kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu kiểm soát và khống chế dịch bệnh. Tỷ lệ giết mổ và chế biến sản phẩm theo phương thức công nghiệp còn ít; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được đảm bảo. Tổ chức vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn tự phát, thiếu ổn định, còn nhiều vướng mắc. Hệ thống tổ chức, quản lý ngành chăn nuôi thiếu đồng bộ, cán bộ quản lý và kỹ thuật còn thiếu, nhất là ở cấp huyện và cơ sở.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy thế mạnh về chăn nuôi trong vùng; trên cơ sở chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương cần xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa bàn, sớm đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, gắn bó chặt chẽ với trồng trọt, nghề rừng, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Trong thời gian tới cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành các chương trình, đề án phát triển sản phẩm chăn nuôi; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng căn cứ điều kiện sinh thái và lợi thế của từng tiểu vùng để xác định cơ cấu vật nuôi phù hợp. Trước hết, tập trung cho các sản phẩm có lợi thế: trâu, bò thịt, bò sữa, lợn, gia cầm, thủy đặc sản. Các địa phương bố trí đủ nhu cầu đất đai cho phát triển chăn nuôi, gồm: đất xây dựng chuồng trại, đất trồng cỏ, đất xây dựng cơ sở sản xuất thức ăn, chế biến,... tạo điều kiện thuận lợi nhất về giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; được ưu đãi cao nhất về thu tiền sử dụng đất.

2. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cải tiến thủ tục hành chính và quy trình quản lý; chỉ đạo các viện nghiên cứu phối hợp chặt chẽ với các địa phương:

- Triển khai có hiệu quả chương trình giống vật nuôi. Đẩy mạnh chương trình sind hóa, Zubu hóa đàn bò trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng bò đực giống tốt để nâng cao tầm vóc đàn bò. Bình tuyển, chọn lọc đàn trâu, tạo đàn cái nền và đực giống tốt; khắc phục tình trạng cận huyết, đồng huyết. Chọn lọc các giống đặc sản của địa phương (lợn rừng, dê núi, nhím, gà ác, ong mật, cá lăng...), nghiên cứu và phổ biến quy trình nuôi dưỡng, nâng cao chất lượng và giá trị. Du nhập có kiểm soát giống lợn, gia cầm, thủy sản cao sản để tăng năng suất.

- Đảm bảo số lượng và nâng cao chất lượng nguồn thức ăn. Quy hoạch, chuyển dịch diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cỏ có năng suất, giá trị dinh dưỡng cao cho chăn nuôi. Xây dựng hệ thống các cơ sở công nghiệp chế biến thức ăn đồng bộ với kế hoạch phát triển vật nuôi, nâng cao giá trị dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng dần tỷ lệ sử dụng thức ăn đã qua chế biến.

- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về chuồng trại, quy trình chăm sóc, vệ sinh thý y cho các loại vật nuôi. Xây dựng và chuyển giao các mô hình chăn nuôi tiên tiến phù hợp với từng vùng sinh thái; chuyển dịch nhanh sang phương thức chăn nuôi gia trại, trang trại, công nghiệp.

- Xây dựng chương trình khuyến nông chăn nuôi bao gồm: xây dựng mô hình trình diễn về chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức trang trại chăn nuôi. Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khuyến cáo cải tiến phương thức chăn nuôi, đào tạo kỹ năng cho cán bộ quản lý, kỹ thuật và người chăn nuôi. Hoàn thiện hệ thống kiểm định, đánh giá, công nhận chất lượng giống, thức ăn chăn nuôi, đưa nhanh giống mới, thức ăn chất lượng cao vào sản xuất.

- Làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Có giải pháp sớm khắc phục tình trạng thả rông gia súc, chuyển sang nuôi nhốt, bán chăn thả, gắn với vệ sinh chuồng trại. Kiện toàn hệ thống thú y, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật và nâng cao năng lực cán bộ, nhất là thú y cơ sở. Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm; chữa trị và xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống rét cho trâu bò.

3. Ban hành chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng cho hộ nghèo, vùng khó khăn, hộ chăn nuôi trang trại.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh tổng kết, nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng, giúp các hộ nghèo đầu tư ban đầu, các trang trại mở rộng sản xuất, ứng dụng kỹ thuật, chuyển nhanh sang chăn nuôi hàng hóa. Chú trọng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, điện, nước và xử lý môi trường cho các cơ sở giống, chăn nuôi trang trại, công nghiệp và cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến sản phẩm; hỗ trợ con giống cho hộ nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ phát triển vùng trồng cỏ giống mới, có năng suất, chất lượng cao, đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng các chợ đầu mối, tổ chức hội chợ, triển lãm, hội thi về giống vật nuôi; hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi, giết mổ, bảo quản, chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn...

Nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo hiểm sản xuất vật nuôi để khắc phục rủi ro về thiên tai, dịch bệnh theo nguyên tắc: ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần, người chăn nuôi tham gia đóng góp và huy động các nguồn hợp pháp khác.

4. Tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Ủy ban nhân dân các tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể từng địa bàn để chỉ đạo và hỗ trợ việc tổ chức các kênh tiêu thụ ổn định, tạo thuận lợi cho lưu thông sản phẩm chăn nuôi (từ cơ sở sản xuất, các đầu mối thu mua, các cơ sở chế biến, đến các trung tâm tiêu thụ sản phẩm). Tổ chức chợ trâu bò ở các địa phương có quy mô chăn nuôi lớn. Khuyến khích phương thức đầu tư ứng trước và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm giống vật nuôi, phát triển thị trường tiêu thụ.

Cải tiến công tác quản lý lưu thông sản phẩm chăn nuôi, vừa bảo đảm kiểm soát dịch bệnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, tiêu thụ vật nuôi, (nhất là các vật nuôi đặc sản như lợn rừng, nhím, rắn...).

Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các hiệp hội chăn nuôi, bao gồm nhà đầu tư, nhà khoa học, người chăn nuôi... để hợp tác, liên kết, hỗ trợ các thành viên tham gia phát triển chăn nuôi.

5. Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng thực hiện tốt các nội dung chủ yếu nêu trên; tổ chức đánh giá hàng năm để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, quản lý, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tương xứng với tiềm năng, lợi thế mỗi địa phương và toàn vùng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Tây Bắc biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và
Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính;
- Hội Nông dân Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,
các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5) Thg (58).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông báo 153/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc tại hội nghị đánh giá công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản vùng Tây Bắc do Văn phòng Chính phủ ban hành

Số hiệu: 153/TB-VPCP
Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
Người ký: Văn Trọng Lý
Ngày ban hành: 04/07/2011
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông báo 153/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc tại hội nghị đánh giá công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, thủy sản vùng Tây Bắc do Văn phòng Chính phủ ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…