Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/2014/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 11 năm 2014 4

  

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG TRÊN VÙNG ĐẦM PHÁ TAM GIANG - CẦU HAI, LĂNG CÔ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

Theo Báo cáo số 744/BC-STP ngày 24 tháng 7 năm 2014 của Sở tư pháp về việc Thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1025/TTr-SNN&PTNT ngày 16 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Các quy định khác trái với Quy định này đều được bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã đầm phá ven biển, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao

 

QUY ĐỊNH

VỀ NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG TRÊN VÙNG ĐẦM PHÁ TAM GIANG - CẦU HAI, LĂNG CÔ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quản lý điều kiện cơ sở, vùng nuôi thương phẩm tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei/Penaeus vannamei) thâm canh trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc nuôi thương phẩm tôm chân trắng thâm canh trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở nuôi tôm chân trắng: là nơi diễn ra hoạt động nuôi tôm chân trắng do tổ chức, cá nhân làm chủ.

2. Quản lý nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá: Là biện pháp kiểm soát các hoạt động trong nuôi tôm chân trắng, bao gồm từ khâu chọn địa điểm để xây dựng ao nuôi, cải tạo ao, xử lý nước, thả giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đến thu hoạch tôm thương phẩm.

3. Hệ thống xử lý nước: Bao gồm ao lắng để chứa và làm sạch nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi; ao chứa nước thải để xử lý làm giảm thiểu ô nhiễm trong nước thải trước khi xả ra môi trường xung quanh.

4. Chất thải: Các chất thải từ hoạt động nuôi tôm, bao gồm chất thải rắn, chất thải lỏng như: thức ăn thừa, phân tôm, xác tôm chết, dư lượng các loại thuốc, hoá chất phòng trị bệnh cho tôm, chế phẩm sinh học và các chất xử lý môi trường ao nuôi, nước thải từ ao nuôi.

Chương II

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG

Điều 3. Quy định chung

1. Cơ sở nuôi tôm chân trắng phải nằm trong vùng quy hoạch chung của tỉnh, huyện, xã; tuân thủ theo các quy định về nuôi tôm của Nhà nước.

2. Các tổ chức, cá nhân nuôi tôm chân trắng phải đăng ký với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn; có biên bản đánh giá cơ sở đủ điều kiện để nuôi tôm chân trắng thâm canh trên vùng đầm phá của Chi cục Nuôi trồng Thủy sản và được sự phê duyệt của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã.

Hệ thống cơ sở, vùng nuôi phải được kiểm tra đủ điều kiện nuôi tôm chân trắng của các cơ quan chức năng chuyên môn, đảm bảo theo Điều 12 Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản và Điều 4 của quy định này.

3. Tổ chức, cá nhân nuôi tôm chân trắng phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về cam kết bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường. Đối với các cơ sở nuôi tôm của tổ chức, cá nhân triển khai xây dựng ao nuôi phải đảm bảo đúng thiết kế của toàn vùng được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời có trách nhiệm và nghĩa vụ trong đầu tư và vận hành sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng chung như kênh mương cấp và thoát nước, hệ thống ao xử lý nước cấp và nước thải.

Điều 4. Quy định về điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi

1. Hệ thống ao nuôi

a) Ao nuôi có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2 đối với những ao nuôi xây dựng sau năm 2010 và có diện tích mặt nước tối thiểu 2.000 m2 đối với những ao nuôi đã được xây dựng đưa vào nuôi trước năm 2010. Độ sâu từ đáy ao đến mặt bờ phải đạt tối thiểu 2,0 m; bờ ao phải chắc chắn, không rò rỉ;

b) Đáy ao phải được gia cố đầm đáy, chống thấm, nền phẳng, dốc nghiêng về phía cống thoát từ 8o - 10o;

c) Ao phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt, đảm bảo chắc chắn không rò rỉ. Cống cấp phải có lưới chắn lọc nước nhằm loại bỏ cá tạp, địch hại và cỏ rác khi cấp nước vào ao.

2. Hệ thống xử lý nước cấp và chất thải

a) Ao chứa (lắng): Dùng để trữ nước và xử lý làm sạch nước trước khi cấp cho các ao nuôi; diện tích ao chứa chiếm từ 15 - 20 % tổng diện tích mặt nước vùng nuôi; bờ và đáy ao chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu;

b) Hệ thống xử lý nước thải: Vùng nuôi tôm phải có hệ thống xử lý nước thải từ ao nuôi tôm trước khi thải ra môi trường;

c) Khu chứa bùn thải: cơ sở nuôi tôm phải có khu chứa bùn thải đảm bảo xử lý hết lượng bùn thải sau mỗi đợt nuôi, khu chứa bùn thải có bờ ngăn không để bùn và nước từ bùn thoát ra môi trường xung quanh.

3. Hệ thống kênh cấp và kênh thoát nước

Cơ sở nuôi tôm phải có kênh cấp và kênh thoát nước riêng biệt, chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu, đảm bảo đủ cấp và thoát nước khi cần thiết.

Điều 5. Điều kiện về trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng

1. Cơ sở nuôi tôm phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng cho vận hành sản xuất theo Phụ lục 2 của Quy định này.

2. Động cơ và thiết bị dùng trong nuôi tôm phải đảm bảo kỹ thuật, không được rò rỉ xăng dầu gây ô nhiễm môi trường.

3. Đối với các cơ sở nuôi tôm cao triều ven phá khuyến khích cộng đồng người nuôi thực hiện xây dựng hệ thống kênh cấp, thoát nước và hệ thống bơm nước cho cả vùng.

Điều 6. Các quy định về quy trình công nghệ nuôi tôm

1. Thời vụ nuôi

Việc thả nuôi phải bảo đảm tuân theo khung lịch thời vụ và hướng dẫn hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Chuẩn bị ao nuôi

a) pH của đất > 7, không có địch hại trong ao (tôm, cua, còng, ốc, côn trùng, cá tạp);

b) Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi;

c) Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại. Nước cấp vào ao nuôi và nước trong ao suốt quá trình nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng theo Phụ lục 1 của Quy định này;

d) Tùy theo điều kiện của từng vùng, cơ sở và vùng nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiêu diệt địch hại của đối tượng nuôi, xử lý các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi trước khi thả tôm giống đạt tối thiểu giới hạn cho phép của tôm và không gây “sốc” cho tôm khi thả giống.

3. Giống thả nuôi

a) Giống vận chuyển, thả nuôi phải được kiểm dịch của cơ quan thú y, chấp hành quy định về xét nghiệm (đặc biệt đối với một số bệnh nguy hiểm như: Đốm trắng, hội chứng taura, đầu vàng, hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu, hoại tử gan tụy, hoại tử cơ, bệnh đen mang, hội chứng hoại tử gan tụy) và các quy định về quản lý chất lượng con giống.

b) Cỡ giống thả nuôi: tối thiểu Postlarvae 12 (P12), chiều dài tối thiểu 9 mm.

4. Mật độ tôm giống thả

Nuôi thâm canh: 60 - 100 con P12/m2 , có hệ thống quạt nước.

5. Thức ăn và chất bổ sung thức ăn

a) Chỉ sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thức ăn tươi sống;

b) Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa;

c) Không sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng.

6. Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường

a) Thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường trong việc phòng, trị bệnh tôm; xử lý, cải tạo ao nuôi phải thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa;

b) Không sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường hết hạn sử dụng.

7. Quản lý và chăm sóc

a) Mực nước ao nuôi: Phải được duy trì thấp nhất 1,4 m;

b) Cho tôm ăn: Khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên mỗi lần cho ăn người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn từ 2-5 lần/ngày quy định tại Phụ lục 3 và theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất;

c) Nước thải và chất thải

Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Phụ lục 4 của Quy định này;

Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.

d) Phòng bệnh cho tôm

Cơ sở nuôi tôm phải xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch giám sát sức khỏe tôm nuôi theo hướng dẫn tại Phụ lục 5 của Quy định này;

Tôm bệnh, tôm chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom, xử lý kịp thời và triệt để;

Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh.

8. Yêu cầu về thu hoạch sản phẩm

Cơ sở nuôi tôm chân trắng phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CƠ SỞ NUÔI TÔM

Điều 7. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Hướng dẫn triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản, Chi cục Thú y, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông, lâm, ngư; Trung tâm giống Thủy sản) tuyên truyền phổ biến, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy định này.

3. Hướng dẫn, hỗ trợ UBND các huyện, thị xã, UBND các xã, thị trấn có nuôi trồng thủy sản rà soát và đầu tư hạ tầng đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật.

4. Ban hành và hướng dẫn thực hiện khung lịch thời vụ nuôi tôm hàng năm.

5. Chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản thực hiện trách nhiệm:

a) Phối hợp với địa phương rà soát quy hoạch, điều kiện của vùng nuôi theo đúng quy định;

b) Thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện để nuôi tôm chân trắng thâm canh trên vùng đầm phá theo yêu cầu, thường xuyên và đột xuất.

c) Quan trắc môi trường vùng đầm phá, ven biển và thông báo định kỳ cho cơ sở, vùng nuôi tôm tập trung;

d) Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc nuôi tôm chân trắng đảm bảo các quy định của pháp luật;

đ) Phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng người nuôi đầu tư, vận hành sử dụng, quản lý hệ thống ao xử lý nước thải và áp dụng các công nghệ tiên tiến xử lý chất thải trong nuôi tôm;

e) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, UBND các huyện, thị xã; UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện Quy định này.

6. Chỉ đạo Chi cục Thú y:

a) Kiểm dịch tôm giống và kiểm soát dịch bệnh theo các quy định hiện hành;

b) Xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh hàng năm.

7. Chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

Thực hiện việc kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn sản phẩm thủy sản.

8. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông lâm ngư:

a) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện Quy định này;

b) Thực hiện các hoạt động khuyến ngư, nhằm hỗ trợ các hoạt động quản lý các cơ sở, vùng nuôi;

c) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm chân trắng đạt hiệu quả cao, ổn định, bền vững về môi trường.

Điều 8. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã

1. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế; UBND các xã, thị trấn có nuôi tôm phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, các đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, quán triệt và vận động người dân chấp hành nghiêm Quy định này; Phê duyệt các tổ chức cá nhân đăng ký đủ điều kiện nuôi tôm chân trắng trong vùng đầm phá.

2. Có kế hoạch phân bổ kinh phí hàng năm cho công tác phòng trừ bệnh dịch thủy sản; đề xuất đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi.

3. Thanh tra, kiểm tra, giám sát việc nuôi tôm chân trắng đảm bảo các quy định của pháp luật. Xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Điều 9. Trách nhiệm của UBND các xã, thị trấn

1. Tiếp nhận đăng ký nuôi tôm chân trắng và đề xuất UBND huyện, thị xã (thông qua phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc phòng Kinh tế) phê duyệt; đồng thời hướng dẫn, phổ biến, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Quy định này.

2. Chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động các tổ chức cá nhân ở vùng nuôi tôm chân trắng trên địa bàn.

3. Phối hợp, đề xuất với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra cơ sở đủ điều kiện nuôi tôm chân trắng trong vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô.

Điều 10. Trách nhiệm của Tỉnh hội nghề cá, Hiệp hội nuôi tôm, các Chi hội nghề cá cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản

1. Phổ biến Quy định này đến từng chủ cơ sở, từng vùng nuôi và tổ chức thực hiện nghiêm và đầy đủ nội dung của Quy định này.

2. Xây dựng quy ước cụ thể về quản lý cơ sở, vùng nuôi của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản,…; tổ chức thu và sử dụng quỹ phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm tập trung đúng mục đích.

3. Cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình nuôi, diễn biến môi trường, dấu hiệu bệnh của các ao nuôi khi có yêu cầu của cơ quan chuyên môn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn liên quan trong xử lý môi trường và dịch bệnh tôm.

4. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong đầu tư và thực hiện nuôi tôm theo quy hoạch.

5. Báo cáo kịp thời cho cơ quan thẩm quyền địa phương các hành vi vi phạm Quy định này.

Điều 11. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân nuôi tôm chân trắng

1. Quán triệt và thực hiện đầy đủ nội dung của Quy định này và quy định cụ thể của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hội nghề nghiệp về quản lý cơ sở, vùng nuôi tôm trên địa bàn.

2. Các tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành thả nuôi tôm chân trắng phải đăng ký tại UBND các xã, thị trấn và phải được kiểm tra cơ sở đủ điều kiện nuôi của cơ quan chuyên môn; được phê duyệt của UBND huyện, thị xã mới được triển khai thực hiện.

3. Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về môi trường, dịch bệnh cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.

4. Kịp thời ngăn chặn và phản ánh với cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm.

5. Khi có dịch bệnh xảy ra, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tìm biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại.

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ sở dịch vụ liên quan đến nuôi tôm

Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ liên quan đến việc nuôi tôm chân trắng chỉ được phép lưu hành, cung ứng các mặt hàng không nằm trong danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đã được các cơ quan Nhà nước kiểm định, kiểm dịch.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI TỐ CÁO

Điều 13. Khen thưởng

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc tuyên truyền, thực hiện Quy định này, được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với chính quyền địa phương những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm Quy định này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, UBND các huyện, thị xã; các xã, thị trấn và tổ chức, cá nhân có liên quan phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung./.

 

PHỤ LỤC 1

YÊU CẦU CHẤT LƯỢNG NƯỚC NUÔI TÔM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Mức tối ưu

Giới hạn cho phép

1

BOD5

mg/l

< 20

< 30

2

NH3

mg/l

< 0,1

< 0,3

3

H2S

mg/l

< 0,03

< 0,05

4

NO2

mg/l

< 0,25

< 0,35

5

pH

 

7,5 ÷ 8,5

8,0 ÷ 8,3

7 ÷ 9, dao động trong ngày không quá 0,5

6

Nhiệt độ

oC

20 ÷ 30

18 ÷ 33

7

Độ muối

%o

10 ÷ 25

5 ÷ 30

8

Ôxy hoà tan (DO)

mg/l

> 4

≥ 3,5

9

Độ trong

cm

30 ÷ 35

20 ÷ 50

10

Kiềm

mg/l

80 ÷ 120

60 ÷ 180

 

PHỤ LỤC 2

YÊU CẦU MÁY MÓC, THIẾT BỊ, DỤNG CỤ CHO 1 HA NUÔI TÔM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

TT

Danh mục

Đơn vị

Quy cách

Số lượng

1

Chài 3 m2

Cái

Mắt lưới 2a = 15 mm

1

2

Vợt vớt bẩn trong ao

Cái

Mắt lưới 2a = 10 mm

4

3

Sàng kiểm tra thức ăn

Cái

Đường kính 0,8 m

8

4

Máy quạt nước 6 - 8 cánh

Máy

Công suất 2,5 KW/h

8

5

Máy nén khí

Máy

Công suất 3,2 KW/h

1

6

Máy bơm nước

Máy

8 - 15 CV

1

7

Máy đo pH

Máy

Chỉ số 0 - 14

1

8

Máy đo Ôxy hoà tan

Máy

0 - 10mg/l

1

9

Máy đo độ mặn

Máy

Đo từ 0 - 100 ‰

1

10

Thước đo độ sâu

Cái

Vạch chia tới cm

1

11

Thước đo chiều dài tôm

Cái

Vạch chia tới mm

1

12

Đĩa Secchi

Cái

Đường kính 25cm

1

13

Nhiệt kế

Cái

Đo từ 0 - 50 0C

1

14

Cân kỹ thuật loại nhỏ

Cái

Cân tối đa 500 g

1

15

Cân loại lớn

Cái

Cân tối đa 100 kg

1

16

Thuyền

Cái

Trọng tải 0,5 tấn

1

17

Thau nhựa

Cái

Dung tích 5 - 10 lít

1

18

Xô nhựa

Cái

Dung tích 10 - 15 lít

1

 

PHỤ LỤC 3

CHO ĂN VÀ KHẨU PHẦN THỨC ĂN TÔM NUÔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Thời gian nuôi

Số lần cho ăn/ngày

% TĂ mỗi lần cho ăn

1- 10 ngày

2

Lần 1: 40%

Lần 2: 60%

11- 30 ngày

3

Lần 1 (7h): 20%

Lần 2 (14h): 40%

Lần 3 (20h): 40%

31- 50 ngày

4

Lần 1 (7h): 25%

Lần 2 (14h): 30%

Lấn 3 (16h):25%

Lần 4 ( 20 h): 20%

> 51 ngày

5

Lần 1 (7h): 25%

Lần 2 (11h): 15%

Lấn 3 (15h): 15%

Lần 4 (19 h): 30%

Lần 5 (23 h): 15%

 

PHỤ LỤC 4

YÊU CẦU CHẤT LƯỢNG NƯỚC THẢI TỪ AO NUÔI TÔM SAU KHI XỬ LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Giới hạn cho phép

1

BOD5

mg/l

< 30

2

NH3

mg/l

< 0,3

3

H2S

mg/l

< 0,05

4

NO2

mg/l

< 0,35

5

pH

 

6 ÷ 9

6

Nhiệt độ

oC

18 ÷ 33

7

Độ muối

%o

5 ÷ 35

8

Ôxy hoà tan (DO)

mg/l

≥ 3,0

9

Độ trong

cm

20 ÷ 50

10

Kiềm

mg/l

60 ÷ 180

 

PHỤ LỤC 5

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIÁM SÁT SỨC KHOẺ TÔM NUÔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Cơ sở, vùng nuôi phải xây dựng kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi để chủ động theo dõi và đối phó với bệnh, dịch xảy ra đối với tôm nuôi.

Nội dung kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi bao gồm:

1. Mô tả tóm tắt quy trình nuôi sẽ áp dụng.

2. Kế hoạch cải tạo ao nuôi, chuẩn bị ao nuôi.

3. Lựa chọn nguồn cung cấp giống, kỹ thuật kiểm tra chất lượng con giống và lựa chọn thời điểm thả giống.

4. Kế hoạch sử dụng thức ăn, lựa chọn loại thức ăn, chế độ cho ăn, khả năng tiêu thụ thức ăn, chuẩn bị tài chính và nguồn cung cấp thức ăn.

5. Kế hoạch quản lý:

a) Xác định thời điểm quan sát ao và hoạt động của tôm nuôi;

b) Dự đoán các trường hợp rủi ro về sức khoẻ của tôm, xác định nguyên nhân và phương án đối phó với từng trường hợp cụ thể;

c) Xác định tần suất kiểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi;

d) Xác định tần suất kiểm tra các chỉ tiêu môi trường và mầm bệnh.

6. Kế hoạch thu hoạch: Xác định thời điểm thu hoạch và phương pháp thu hoạch.

7. Ghi chép và lưu giữ hồ sơ, nhật ký giám sát sức khoẻ tôm nuôi.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi, chủ cơ sở tự đánh giá và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

 

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 72/2014/QĐ-UBND quy định nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu: 72/2014/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký: Nguyễn Văn Cao
Ngày ban hành: 27/11/2014
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [5]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 72/2014/QĐ-UBND quy định nuôi tôm chân trắng trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế

Văn bản liên quan cùng nội dung - [12]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [3]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…