Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/2024/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 16 tháng 12 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH DANH MỤC CÂY XANH KHUYẾN KHÍCH TRỒNG, HẠN CHẾ TRỒNG, CẤM TRỒNG TRÊN ĐƯỜNG PHỐ VÀ KHU VỰC CÔNG CỘNG TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung của Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về Quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị và Thông tư số 20/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 20/2005/TT-BXD ngày 20 tháng 12 năm 2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị;

Căn cứ Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 3566/TTr-SXD ngày 29 tháng 11 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Ban hành Danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng, cấm trồng trên đường phố và các khu vực công cộng trong đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, thiết kế hạng mục trồng cây xanh tại các dự án đô thị và trong công tác quản lý, trồng mới, thay thế cây xanh công cộng; xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 3. Nguyên tắc lựa chọn cây xanh trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị

1. Các bước lựa chọn cây xanh trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị

a) Xác định mục tiêu sử dụng cây xanh và vị trí trồng cây.

b) Khảo sát và thu thập thông tin về vị trí, khu vực trồng cây: điều kiện hạ tầng, điều kiện tự nhiên và các yêu cầu về cảnh quan, lịch sử, văn hóa, điều kiện dự án.

c) Lựa chọn loại cây trồng phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch cây xanh và quy định của pháp luật về việc trồng cây trên vỉa hè, dải phân cách hoặc khu vực công cộng trong đô thị. Khi trồng bổ sung hoặc thay thế cây chết trong đô thị, cần đảm bảo tính đồng bộ và hài hoà với cảnh quan hiện có. Khuyến khích nghiên cứu, trồng loại cây tạo đặc trưng cho tuyến phố hoặc khu đô thị nhằm tạo bản sắc riêng, táng nhận diện thương hiệu đô thị và nâng cao giá trị địa phương.

2. Việc lựa chọn cây xanh trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Cây phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương, cần ưu tiên cây có khả năng chịu lạnh, chịu hạn và sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Chọn cây có khả năng điều hoà không khí, cải thiện môi trường và phát triển bền vững.

b) Ưu tiên lựa chọn những loại cây bản địa hoặc các loại cây ít ảnh hưởng đến hệ sinh thái và hạn chế cây ngoại lai có khả năng gây hại cho môi trường tự nhiên của tỉnh Cao Bằng.

c) Tiết kiệm chi phí: Chọn những loại cây thông dụng, ưu tiên chọn các loại cây có sẵn nguồn cung tại địa phương. Chọn những loại cây dễ trồng, có tốc độ phát triển nhanh, ít cần bảo dưỡng và chăm sóc đặc biệt.

d) Phù hợp với không gian trồng.

Cây trồng trên vỉa hè hoặc dải phân cách cần chọn cây có kích thước vừa phải, tán gọn, không che khuất tầm nhìn giao thông, không gây cản trở di chuyển của người đi bộ và phương tiện. Cây có rễ không gây hư hại cho nền đường, mặt đường hoặc công trình ngầm.

Cây trồng tại các khu vực công cộng trong đô thị cần chọn cây có tán rộng, tạo bóng mát. Cây có giá trị thẩm mỹ cao, tạo điểm nhấn cho cảnh quan khu vực công cộng.

Ở các khu vực có giá trị lịch sử, việc chọn lựa cây xanh cần cân nhắc đến các loại cây đã gắn bó với địa danh đó từ lâu đời và được coi là biểu tượng lịch sử, văn hóa của khu vực đó.

3. Cây xanh thuộc danh mục hạn chế trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này chỉ được phép trồng theo quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chuyên ngành cây xanh hoặc dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Đối với những loại cây xanh đã trồng trong đô thị thuộc danh mục cây cấm trồng tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định này hoặc không phù hợp với tính chất, vị trí, đặc điểm cây trồng theo danh mục cây xanh trồng hạn chế tại Phụ lục II thì cơ quan, đơn vị theo phân công phân cấp có trách nhiệm đánh giá, xem xét cây có thuộc loại được bảo tồn không để có biện pháp quản lý phù hợp hoặc lập kế hoạch từng bước thay thế chủng loại cây trồng thuộc danh mục tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.

5. Đối với những loại cây xanh không thuộc danh mục tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này hoặc du nhập từ nước ngoài, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền trước khi mua trồng, lập danh mục báo cáo Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu xem xét, tổng hợp và đề xuất đưa vào danh mục cây xanh khuyến khích trồng trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng, cấm trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

1. Danh mục cây xanh khuyến khích trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, gồm các loại cây đáp ứng được phần lớn các yêu cầu về nguyên tắc lựa chọn cây xanh trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị, được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định này.

2. Danh mục cây xanh hạn chế trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, gồm các loại cây có đặc tính sinh học gây ảnh hưởng nhất định đến sự an toàn, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.

3. Danh mục cây xanh cấm trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, gồm những cây có độc tố, chất gây nghiện, có khả năng gây nguy hiểm tới người, phương tiện và công trình, được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 12 năm 2024 và bãi bỏ Quyết định số 1687/QĐ-UBND ngày 9 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Ban hành Danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trên vỉa hè, trong dải phân cách đường phố, trong công viên, vườn hoa và khuôn viên các công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Vụ Pháp chế-Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, CV: KT;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, XD(L).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Ánh

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÂY XANH KHUYẾN KHÍCH TRỒNG TRÊN ĐƯỜNG PHỐ VÀ KHU VỰC CÔNG CỘNG TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2024/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

STT

Tên cây

Thông tin chung

Giá trị sử dụng

Vị trí khuyến khích trồng

Một số lưu ý

Vỉa hè

Dải phân cách

Khu vực công cộng

1

Ban (Ban Tây Bắc)

- Tên khoa học: Bauhinia variegata

- Nguồn gốc: cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây trưởng thành có chiều cao trung bình từ 6-8m, đường kính tán từ 3-4m.

+ Kỳ rụng lá: từ tháng 11 đến tháng 1

+ Hoa: có màu trắng, hồng, tím

+ Hệ rễ: có hệ rễ cọc sâu

+ Tốc độ sinh trưởng nhanh. Tuổi thọ cao.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây có khả năng chịu được mùa đông lạnh và phát triển tốt trong những điều kiện khí hậu có sự biến đổi giữa mùa hè ấm và mùa đông lạnh.

+ Cây có khả năng kháng sâu bệnh tốt.

- Giá trị cảnh quan:

+ Cây ra hoa đẹp, mang đến vẻ đẹp cảnh quan đặc biệt vào mùa hoa nở.

- Giá trị sinh thái:

+ Cây có tán lá dày, cung cấp bóng mát cho không gian xung quanh.

+ Cung cấp môi trường sống cho nhiều loài động vật như chim, côn trùng, và các sinh vật nhỏ khác, góp phần vào sự đa dạng sinh học.

+ Cải thiện chất lượng không khí. Hệ rễ của cây giúp ngăn chặn xói mòn đất, bảo vệ cấu trúc đất.

Phù hợp trồng ở vỉa hè có chiều rộng từ 3-5m. Khoảng cách trồng giữa các cây nên từ 4-6m

Phù hợp trồng trên dải phân cách có chiều rộng tối thiểu từ 3m.

Thích hợp trồng ở công viên, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Tần suất cắt tỉa: 1-2 lần/năm (Tỉa vào mùa xuân là thời điểm tốt nhất)

- Cây có chu kì rụng lá nên khi trồng trên vỉa hè, dải phân cách cần chọn tuyến phố được duy trì vệ sinh thường xuyên.

2

Bách tán

- Tên khoa học: Araucaria heterophylla

- Nguồn gốc: Cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây trưởng thành có chiều cao trung bình từ 20-30m, tán cây thưa có đường kính tán từ 4-8m.

+ Lá: xanh quanh năm

+ Hệ rễ: thuộc loại rễ cọc.

- Tốc độ sinh trưởng: trung bình. Tuổi thọ cao

- Đặc điểm sinh thái:

+ Phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ôn đới và á nhiệt đới, có thể chịu được lạnh và một số điều kiện sương giá.

+ Cây ưa sáng, ưa đất thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng và có độ ẩm vừa phải. Kháng sâu bệnh và chịu sức gió tốt.

- Giá trị cảnh quan: Hình dáng thẳng đứng và cân đối của cây giúp làm nổi bật khu vực trồng, tạo nên vẻ đẹp thanh lịch, sang trọng. Lá giữ được màu xanh quanh năm, tạo không gian xanh mát trong mọi thời điểm.

- Giá trị sinh thái:

+ Cải thiện chất lượng không khí.

+ Có khả năng giữ lại độ ẩm cho đất, chống xói mòn đất, đặc biệt ở những vùng đất dốc hoặc những nơi dễ bị tác động của nước mưa và gió.

+ Cung cấp môi trường sống cho một số loài chim và côn trùng giúp duy trì hệ sinh thái đô thị.

 

 

Thích hợp trồng ở công viên, quảng trường, khuôn viên công cộng

Tần suất cắt tỉa: 1 lần/năm (vào mùa xuân hoặc đầu mùa hè, trước khi cây bắt đầu ra lá mới).

3

Bàng Đài Loan  

- Tên khoa học: Bucida molinetii

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây trưởng thành có chiều cao từ 8-15m. Tán cây có dạng hình dù, xếp thành nhiều tầng lớp từ thấp lên cao, tạo ra một hình dáng rất đặc trưng và đẹp mắt. Đường kính tán 4-6m.

+ Kỳ rụng lá: lá xanh quanh năm.

+ Hệ rễ: gồm rễ cọc và nhiều rễ phụ, có khả năng thoát nước tốt.

+ Có tốc độ sinh trưởng khá nhanh. Tuổi thọ cao.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây thích nghi với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, có khả năng chịu lạnh tốt.

+ Cây ưa sáng, có nhu cầu nước vừa phải. Chịu sức gió tốt.

+ Cây phát triển tốt nhất trên đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt.

- Giá trị cảnh quan:

+ Cây có tính thẩm mỹ cao: được ưa chuộng trong thiết kế cảnh quan đô thị nhờ dáng cây thẳng đứng, tán phân tầng đều đặn, lá nhỏ gọn và bóng.

- Giá trị sinh thái:

+ Nhờ tán lá tạo bóng râm vừa phải mà không gây cản trở giao thông. Cây cũng không rụng lá nhiều như các loài cây khác, giảm thiểu việc làm sạch.

+ Cải thiện chất lượng không khí: Cây có thể hấp thụ một phần bụi bẩn và các chất ô nhiễm từ không khí.

+ Giữ đất và chống xói mòn: giúp giữ đất tốt, đặc biệt là ở những khu vực có địa hình dốc hoặc đất dễ bị xói mòn.

Thích hợp trồng vỉa hè có chiều rộng tối thiểu từ 3-5m trở lên. Khoảng cách trồng giữa các cây từ 6-8m

Thích hợp trồng dải phân cách rộng từ 2-3m

Thích hợp trồng ở công viên, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Tần suất cắt tỉa: tối thiểu 1 lần/năm (vào đầu mùa xuân trước khi cây bắt đầu phát triển mạnh). Khi trồng trên vỉa hè, dải phân cách cần khống chế đường kính tán và chiều cao của cây phù hợp để không ảnh hưởng đến công trình xung quanh và gây mất an toàn giao thông.

- Cây có giá thành ban đầu cao hơn so với một số loại cây đô thị khác do đó nên chọn trồng ở các vị trí có tính thẩm mỹ cao và quan trọng trong đô thị.

4

Bằng lăng  

- Tên khoa học: Lagerstroemia

- Nguồn gốc: cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây trưởng thành có chiều cao trung bình từ 10-20m. Đường kính tán từ 8-10m nhưng tán không quá dày

+ Kỳ rụng lá: từ tháng 12 đến tháng 2

+ Hoa: có màu tím, hồng hoặc trắng, nở rộ thành từng chùm

+ Hệ rễ: gồm một rễ cọc và nhiều rễ phụ phát triển từ rễ chính

+ Tốc độ sinh trưởng: trung bình. Tuổi thọ cao

- Đặc điểm sinh thái:

+ Phát triển tốt ở vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên cây cũng có khả năng chịu đựng lạnh khá tốt.

+ Cây ưa sáng, ưa ẩm, chịu hạn tốt và có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau.

+ Có khả năng chịu môi trường có mức độ ô nhiễm trung bình, bao gồm khói bụi và khí thải xe cộ. Khả năng chịu sức gió: tốt

- Giá trị cảnh quan:

+ Tạo điểm nhấn cảnh quan: hoa nở rộ vào mùa hè tạo ra những điểm nhấn rực rỡ trong cảnh quan đô thị.

+ Tạo bóng mát: Cây bằng lăng có tán lá không quá dày, tạo bóng râm vừa phải

- Giá trị sinh thái

+ Cải thiện chất lượng không khí nhờ việc hấp thụ các chất ô nhiễm trong không khí.

+ Tạo môi trường sống cho các loài chim và côn trùng giúp duy trì sự đa dạng sinh học trong môi trường đô thị.

Phù hợp trồng trên vỉa hè rộng tối thiểu từ 3-5m trở lên. Khoảng cách trồng giữa các cây nên từ 8-12m.

Phù hợp trồng trên dải phân cách rộng giúp giảm sự chói mắt cho người đi đường.

Thích hợp trồng ở công viên, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Khi trồng trên vỉa hè hoặc giải phân cách cần chú ý cắt tỉa, khống chế chiều cao của cây tối đa từ 12-15m, đường kính tán vừa phải để không ảnh hưởng đến giao thông và các công trình xung quanh. Tần suất cắt tỉa: từ 1-2 lần/năm (vào đầu mùa xuân, trước khi cây bắt đầu ra lá mới hoặc có thể cắt tỉa thêm một lần nữa vào giữa mùa hè)

- Cây bằng lăng có hiện tượng rụng lá vào mùa khô và rụng hoa sau khi nở, vì vậy nên trồng cây ở các tuyến phố được duy trì vệ sinh thường xuyên hoặc những khu vực ít giao thông qua lại hoặc các khu vực rộng như công viên, dải phân cách lớn để giảm bớt ảnh hưởng của việc rụng lá và hoa. Nên kết hợp trồng xen kẽ với cây có lá xanh quanh năm để đảm bảo màu sắc và độ phủ xanh liên tục cho đô thị.

5

Chuỗi ngọc vàng  

- Tên khoa học: Duranta repens

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây trưởng thành có chiều cao từ 1-3m.

+ Kỳ rụng lá: lá xanh quanh năm

+ Hoa: màu tím lam nhạt, có khả năng ra hoa quanh năm. Quả hạch màu vàng.

+ Hệ rễ: rễ chùm.

+ Tốc độ sinh trưởng: khá nhanh.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây thích hợp với môi trường nhiệt đới và ưa nắng, có khả năng chịu hạn tốt và thích ứng với nhiều loại đất khác nhau, từ đất cát đến đất sét.

+ Cây cũng chịu được ô nhiễm môi trường không khí như khí thải và khói bụi.

+ Cây có khả năng phục hồi tốt sau khi bị cắt tỉa.

- Giá trị cảnh quan:

+ Có thể trồng thành hàng rào hoặc cây trang trí. Cây ra hoa quanh năm, hoa màu tím hoặc trắng nhạt, giúp tăng thêm vẻ đẹp cho không gian.

- Giá trị sinh thái:

+ Tạo không gian xanh

+ Tán lá dày đặc cũng có khả năng giữ lại các hạt bụi, giúp giảm ô nhiễm không khí.

Thích hợp trồng làm cây trang trí trên vỉa hè

Thích hợp trồng dải phân cách

Thích hợp trồng ở công viên, quảng trường, khuôn viên công cộng

Tần suất cắt tỉa: tối thiểu 1-2 lần/năm để duy trì hình dáng, khuyến khích cây ra hoa.

6

Chuông vàng núi (Phong linh)

- Tên khoa học: Tabebuia Argentea

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có chiều cao từ 5-8m, thuộc loại cây dễ trồng. Thân cây thẳng. Lá rụng vào mùa khô. Hoa có màu vàng tươi mọc thành chùm.

+ Hệ rễ: rễ cọc.

+ Tốc độ phát triển nhanh, tuổi thọ cao.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây ưa sáng, có khả năng chịu được nắng nóng, khả năng chịu lạnh trung bình

- Giá trị cảnh quan: Với hoa vàng rực rỡ, tạo nên cảnh quan nổi bật và thu hút.

- Giá trị sinh thái:

+ Do có kích thước lớn và tán lá rộng, cây cũng có khả năng tạo bóng mát.

+ Cây Phong Linh thu hút nhiều loại côn trùng, như ong và bướm, nhờ hoa có mật ngọt. Điều này giúp duy trì sự đa dạng sinh học trong khu vực trồng cây.

+ Rễ cây giúp cải thiện cấu trúc đất, tăng cường độ thoát nước, và hạn chế xói mòn.

Thích hợp trồng trên vỉa hè có chiều rộng từ 3-5m.

Thích hợp trồng dải phân cách có chiều rộng từ 3m trở lên

Thích hợp trồng công viên, vườn hoa, khuôn viên công cộng

- Cắt tỉa ít nhất 1 lần/năm. Thời điểm tốt nhất để cắt tỉa là vào đầu mùa xuân, trước khi cây bắt đầu ra lá và hoa mới.

- Cây có khả năng chịu lạnh mức trung bình nên trồng cây ở khu vực gần trung tâm đô thị (những khu vực không quá cao so với mực nước biển) để cây phát triển tốt và ra hoa đẹp.

- Khoảng cách trồng giữa các cây từ 4-6m

7

Dâm bụt

- Tên khoa học: Hibiscus rosa-sinensis

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng: Cây có thân gỗ nhỏ có chiều cao trưởng thành từ 1-3m, cành nhánh phát triển dày đặc.

+ Kỳ rụng lá: lá xanh quanh năm

+ Hoa: có nhiều màu sắc như: đỏ, vàng, hồng, trắng

+ Hệ rễ: rễ chùm

+ Tốc độ sinh trưởng: trung bình đến nhanh

- Đặc điểm sinh thái: cây ưa sáng, thích hợp với điều kiện đất ẩm nhưng thoát nước tốt, có khả năng chịu hạn tương đối tốt. Cây cũng có thể chịu được một số điều kiện khắc nghiệt như gió mạnh và nhiệt độ cao.

- Giá trị cảnh quan: Cây dâm bụt là một loài cây dễ trồng, nhanh lớn, và mang lại giá trị thẩm mỹ cao với những bông hoa rực rỡ.

- Giá trị sinh thái:

+ Cây dâm bụt thu hút nhiều loại côn trùng thụ phấn, đặc biệt là ong, giúp thúc đẩy sự đa dạng sinh học trong khu vực.

+ Hệ thống rễ của cây giúp giữ đất, ngăn chặn xói mòn trong các khu vực có địa hình dốc hoặc dễ bị xói mòn.

 

Phù hợp trồng dải phân cách có độ rộng tối thiểu 1-1,5m

Thích hợp trồng cây trang trí trong công viên, vườn hoa, khuôn viên công cộng

- Tần suất cắt tỉa: cắt tỉa thường xuyên để duy trì hình dáng và kích thước của cây, tối thiểu 2 lần/năm.

- Cây dâm bụt có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại sâu bệnh như bọ trì, nấm và bệnh phấn trắng, vì vậy nên kiểm tra sức khỏe cây thường xuyên để phát hiện sớm vấn đề.

8

Đào

- Tên khoa học: Prunus persica

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây trưởng thành có chiều cao từ 3-5m. Tán cây hình tròn, rộng từ 2-4m, khá dày.

+ Kỳ rụng lá: rụng lá vào mùa đông

+ Hoa: có màu hồng hoặc trắng

+ Hệ rễ: rễ chùm, nông

- Cây có tốc độ sinh trưởng trung bình. Tuổi thọ tương đối cao.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây ưa sáng, thường phát triển tốt nhất ở các vùng có mùa đông lạnh để thúc đẩy sự ra hoa vào mùa xuân.

+ Đất thịt nhẹ hoặc đất cát có khả năng giữ ẩm là tốt nhất cho cây

- Giá trị cảnh quan: Có giá trị thẩm mỹ cao cho cảnh quan đô thị nhờ hoa nở đẹp.

- Giá trị sinh thái: cây đào cung cấp bóng mát cho không gian xung quanh.

 

 

Thích hợp trồng ở công viên, các khu phố đi bộ, khuôn viên công cộng

- Tần suất cắt tỉa: 1 lần/năm (tốt nhất là vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân trước khi cây nở hoa)

- Cây đào có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại sâu bệnh và nấm, chẳng hạn như sâu đục trái, bệnh thối trái, và bệnh phấn trắng, vì vậy nên kiểm tra sức khỏe cây thường xuyên để phát hiện sớm vấn đề.

9

 

Giáng hương

- Tên khoa học: Pterocarpus macrocarpus

- Nguồn gốc loài: cây bản địa

- Chiều cao: từ 20-30m

- Tán cây: tán rộng

- Lá: rụng theo mùa

- Hoa: có màu vàng tươi, mọc thành chùm đầu cành, có mùi thơm nhẹ

- Hệ rễ: rễ cọc

- Tốc độ sinh trưởng: trung bình

- Nhu cầu ánh sáng: ưa sáng

- Nhu cầu nước tưới: ít. Cây có khả năng chịu hạn tốt, tuy nhiên cần tưới nước đều đặn trong giai đoạn sinh trưởng.

- Khả năng chịu sức gió: tốt

- Tần suất cắt tỉa: tối thiểu 1-2 lần/năm

- Giá trị cảnh quan:

Hoa của cây có màu vàng rực rỡ, nở vào mùa hè, tạo điểm nhấn màu sắc cho không gian xung quanh.

- Giá trị sinh thái:

+ Tán lá rộng giúp cây giáng hương cung cấp bóng mát hiệu quả, tạo điều kiện thoải mái cho người đi bộ, hoạt động ngoài trời, và các khu vực công cộng.

+ Cây có khả năng hấp thụ khí CO2 và các chất ô nhiễm, cải thiện chất lượng không khí. Nó cũng giúp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn trong môi trường đô thị.

Thích hợp trồng trên vỉa hè có chiều rộng ≥5m. Khoảng cách giữa các cây từ 8-12m

 

Thích hợp trồng ở công viên, khu vui chơi và các khu vực công cộng khác trong đô thị

- Cây trồng trên vỉa hè cần chú ý cắt tỉa khống chế chiều cao tối đa của cây từ 12-15m, độ rộng tán lá vừa phải để không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh và đảm bảo an toàn giao thông

10

Hồng lộc

- Tên khoa học: Syzygium olenium

- Nguồn gốc: Cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Chiều cao: 0,8-4m. Tán lá to và dày mọc thành hình tháp.

+ Lá cây màu vàng cam hoặc màu hồng.

+ Hoa: hoa nhỏ màu trắng, mọc trên cuống dài

+ Hệ rễ: rễ cọc

+ Tốc độ sinh trưởng nhanh và có khả năng tái sinh mạnh

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây ưa ánh sáng, phát triển tốt ở nơi có đủ ánh sáng mặt trời và ưa khí hậu mát ẩm.

+ Có khả năng chịu hạn tốt.

- Giá trị cảnh quan: đây là loài cây rất dễ trồng và dễ chăm sóc thường dùng trang trí công viên, khuôn viên công cộng, lề đường. Cây có thể được tạo nhiều hình dáng như hình cầu, hình vuông, hình trụ, hình trứng... làm sinh động cảnh quan khu vực

- Giá trị sinh thái: Cải thiện chất lượng không khí. Giúp giảm tiếng ồn, che chắn khói bụi trong đô thị

Thích hợp trồng làm cây trang trí trên vỉa hè

Phù hợp trồng dải phân cách hẹp

Thích hợp trồng ở các khu vực công cộng trong đô thị

- Tần suất cắt tỉa: tối thiểu 2 lần/năm để duy trì hình dáng và kích thích lá mới phát triển

- Cây có thể được trồng đơn lẻ hoặc thành cụm, hàng rào.

- Nên che chắn cho cây trong mùa đông lạnh, bổ sung phân bón hữu cơ để tăng sức đề kháng cho cây.

11

Hoa giấy

- Tên khoa học: Bougainvillea

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây trồng trong đô thị có chiều cao trung bình từ 1-12m. Cây ra hoa quanh năm, có nhiều màu như đỏ, hồng, tím, trắng,... thường nở rộ vào mùa hè.

+ Tốc độ sinh trưởng nhanh. Tuổi thọ cao.

+ Hệ rễ: rễ chùm

- Đặc điểm sinh thái:

+ Thường phát triển tốt trong khí hậu ấm áp và có ánh sáng đầy đủ. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể sống ở nơi có khí hậu lạnh hơn, miễn là nhiệt độ không xuống quá thấp.

+ Cây có khả năng chịu hạn tốt và có thể phát triển ở nhiều loại đất khác nhau.

- Giá trị cảnh quan:

Hoa có nhiều màu sắc khác nhau như tím, hồng, đỏ, vàng, tạo điểm nhấn cho không gian sống và cảnh quan đô thị.

- Giá trị sinh thái:

Cung cấp môi trường sống cho nhiều loài côn trùng, như ong và bướm, góp phần vào sự đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cây cũng giúp hấp thụ khí CO2, góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.

Thích hợp trồng vỉa hè rộng làm cây trang trí, tạo điểm nhấn

Thích hợp trồng trang trí dải phân cách

Thích hợp trồng trong công viên, vườn hoa, khuôn viên công cộng

- Cắt tỉa cành vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân để kiểm soát chiều cao, tạo hình cho cây và loại bỏ các cành khô, yếu. Điều này cũng giúp cây phát triển mạnh mẽ và ra hoa nhiều hơn.

- Nên chọn vị trí trồng có ánh sáng đầy đủ để cây ra hoa rực rỡ.

- Giảm lượng nước tưới trong mùa đông khi cây hoa giấy không sinh trưởng mạnh giúp kích thích sự phát triển của các tế bào bảo vệ, làm cho cây mạnh mẽ hơn khi trở lại mùa sinh trưởng.

12

Hoè

- Tên khoa học: Sophora japonica Linn

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có chiều cao từ 7-15m. Lá có hình dáng gần giống lông chim, mang màu xanh đậm, đường kính tán từ 5-8m. Lá rụng nhiều vào cuối thu nhưng vào đầu xuân, cây hoè lại bắt đầu cho những đợt lá mới, bắt đầu quy trình cho ra nụ và nở hoa.

+ Hoa có màu trắng ngà hoặc vàng nhạt, có mùi thơm nhẹ, dễ chịu.

+ Cây sống lâu năm và có tốc độ sinh trưởng khá nhanh

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây ưa sáng, có khả năng chịu hạn cao nên có thể trồng được ở những vùng trung du, miền núi.

+ Thích nghi với các vùng đất bãi ven sông, đất pha cát, đất có độ pH từ 5 - 6.

- Giá trị cảnh quan: cây hoè được trồng để tạo cảnh quan, làm cây cho bóng mát sân vườn, khuôn viên.

- Giá trị sinh thái:

Có tán rộng nên tỏa bóng mát, hỗ trợ điều hoà không khí, giảm nhiệt độ oi bức ngày hè.

 

 

Phù hợp trồng ven sông, khuôn viên công cộng

- Cây hoè có tán rộng, vì vậy cần chọn các vị trí có không gian thoáng đãng, xa các công trình kiến trúc hoặc hệ thống dây điện trên cao để tránh cây phát triển gây cản trở.

- Cây hoè nên được cắt tỉa tối thiểu 2 lần/năm: cắt một lần vào mùa khô hoặc đầu mùa xuân, khi cây chưa bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và một lần trước mùa mưa bão để giúp duy trì dáng cây gọn gàng và đảm bảo an toàn.

13

Huỳnh liên

- Tên khoa học: Cassia fistula

- Nguồn gốc loài: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Chiều cao: cây cao từ 8-12m. Tán cây rộng.

+ Lá: dạng lá kép lông chim, rụng vào mùa khô

+ Hoa: có màu vàng tươi, lớn, rất đẹp, mọc thành chùm dài và có hương thơm dễ chịu

+ Hệ rễ: rễ cọc

+ Tốc độ sinh trưởng: nhanh, tuổi thọ cao

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây ưa sáng, có thể chịu lạnh, chịu hạn tương đối tốt. Khả năng chịu sức gió: tốt

- Giá trị cảnh quan: Sắc vàng của hoa tạo điểm nhấn sống động trong không gian xanh

- Giá trị sinh thái:

+ Tán cây rộng, cung cấp bóng mát lý tưởng cho các khu vực công cộng như công viên, khu vui chơi và dọc các con đường.

+ Cải thiện chất lượng không khí.

Phù hợp trồng vỉa hè có độ rộng từ 3-5m. Khoảng cách giữa các cây nên từ 5-7m

Phù hợp trồng dải phân cách có chiều rộng tối thiểu 3m

Thích hợp trồng trong công viên, khu vui chơi, quảng trường và khuôn viên công cộng

- Tần suất cắt tỉa: 1-2 lần/năm

- Trong quá trình chăm sóc cần chú ý cắt tỉa, khống chế chiều cao cây phù hợp với từng vị trí trồng để không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

14

Lộc vừng

- Tên khoa học: Barringtonia Acutangula

- Nguồn gốc: cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây trưởng thành có chiều cao từ 10-12m, đường kính tán từ 8-10m.

+ Lá trưởng thành có màu xanh, khi già lá có màu vàng, vàng loang đỏ trông rất đẹp mắt. Kỳ rụng lá: rụng lá theo mùa vào cuối thu hoặc đầu đông

+ Hoa: Hoa nhỏ, nhiều hoa, mọc thành các chùm thẳng dài khoảng 40cm. Hoa chủ yếu có màu đỏ và màu trắng. Hương thơm thoang thoảng.

+ Quả: Thường thì quả tròn, mọc đơn, dày khoảng 2cm và có 4 đường gân ở các cạnh xung quanh.

+ Hệ rễ: rễ chùm, thường không gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng xung quanh.

+ Tốc độ sinh trưởng nhanh, tuổi thọ cao

- Đặc điểm sinh thái: Cây ưa sáng, ưa ẩm ở mức trung bình, phát triển trong môi trường đất thịt hoặc đất mùn pha cát.

- Giá trị cảnh quan:

+ Cây lộc vừng nở hoa rực rỡ với màu đỏ hoặc hồng, tạo điểm nhấn thu hút cho không gian đô thị. Hoa thường nở vào mùa xuân, tạo ra cảnh quan sinh động.

+ Tán cây rộng, giúp cung cấp bóng mát cho các khu vực công cộng, công viên, và dọc theo các con đường, góp phần làm mát không khí.

- Giá trị sinh thái:

+ Cây lộc vừng giúp hấp thụ khí CO2 và cung cấp oxy, góp phần cải thiện chất lượng không khí trong đô thị.

+ Cây thu hút các loài côn trùng như ong, bướm, và chim, duy trì đa dạng sinh học trong môi trường đô thị.

+ Cây có khả năng cải thiện cấu trúc đất, ngăn ngừa xói mòn và giữ ẩm cho đất trong khu vực đô thị.

Phù hợp trồng vỉa hè có chiều rộng từ 3-5m

 

Thích hợp trồng công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Thực hiện cắt tỉa định kỳ để kiểm soát sự phát triển của cây, duy trì hình dáng và đảm bảo không gian cho các cây khác, cắt tỉa nên được thực hiện vào mùa xuân hoặc sau khi cây ra hoa.

- Với đường kính tán rộng, khoảng cách trồng các cây nên từ 6-8m.

- Chọn giống có lá nhỏ để khi rụng không gây tắc nghẽn cống rãnh, khi trồng trên vỉa hè cần chọn tuyến phố được duy trì vệ sinh thường xuyên.

15

Liễu

- Tên khoa học: Salyx babylonica linn.

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có chiều cao từ 7-10m. Thân cây thẳng, mềm mại, cành cây rủ xuống, tạo nên hình dáng đặc trưng cho cây. Lá liễu dài và mảnh.

+ Hoa có màu vàng sáng, nở vào mùa xuân.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Là loại cây ưa sáng, dễ sinh trưởng và không kén đất.

+ Cây có khả năng chịu ngập tốt và thường được trồng ở các khu vực có mực nước ngầm cao.

- Giá trị cảnh quan: tạo bóng mát, tạo cảnh đẹp, nhất là khi hoa nở.

- Giá trị sinh thái: Cây liễu cung cấp bóng mát, thanh lọc không khí cho những khu vực công cộng, giúp cải thiện môi trường sống và tạo cảm giác dễ chịu cho người dân

 

 

Thích hợp trồng ven hồ, ven sông, khuôn viên công cộng

Chỉ nên cắt tỉa cây liễu rũ vào những ngày cuối đông đầu xuân, vì cây liễu rũ là loại cây có tốc độ phát triển vừa phải, không mọc cành quá nhanh.

16

Mai anh đào

- Tên khoa học: Prunus serulata

- Nguồn gốc loài: cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có thể cao từ 5 đến 12 mét trong điều kiện phát triển tốt, tán lá rộng và dày. Lá rụng vào mùa đông.

+ Hoa: có màu sắc đa dạng từ trắng, hồng nhạt, hồng đậm, đỏ, nở vào mùa xuân.

+ Hệ rễ: rễ nông, không đi sâu vào lòng đất nhưng có xu hướng lan rộng

+ Tốc độ sinh trưởng: có tốc độ phát triển trung bình

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây ưa sáng, có khả năng chịu hạn tương đối tốt

+ Cây có khả năng kháng sâu bệnh tốt và chịu được nhiệt độ thấp.

- Giá trị cảnh quan:

+ Hoa đẹp tạo nên cảnh sắc rực rỡ, thu hút nhiều du khách và người yêu thiên nhiên.

+ Với tán lá rộng và dày, cây mai anh đào cũng cung cấp bóng mát, giúp làm dịu không khí trong những ngày nắng nóng.

- Giá trị sinh thái:

+ Tăng cường đa dạng sinh học: Cây mai anh đào cung cấp nơi cư trú cho nhiều loài côn trùng, chim chóc, góp phần vào sự đa dạng sinh học của khu vực.

+ Cây có khả năng cải thiện chất lượng đất và duy trì độ ẩm giúp giữ đất, giảm thiểu tình trạng xói mòn đất ở các khu vực đồi núi.

Phù hợp trồng ở vỉa hè có chiều rộng tối thiểu từ 3-5m.

 

Thích hợp trồng ở công viên, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Khoảng cách trồng giữa các cây từ 4-6m. Cây to có thể trồng cách nhau từ 6-8m.

- Chú ý tưới đủ nước trong giai đoạn cây đang ra hoa và phát triển. Tránh ngập úng.

- Tần suất cắt tỉa: tối thiểu 2 lần/năm

17

Mác noạng (mề gà, cây sang)

- Tên khoa học: Sterculia lanceolata Cav

- Nguồn gốc: cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có chiều cao từ 5-15m. Tán cây dạng hình chóp, khá rộng, tán lá xanh quanh năm.

+ Hoa: thường mọc thành chùm, có màu vàng nhạt đến nâu, nở vào mùa hè, có mùi thơm nhẹ.

+ Quả: hình trứng, có màu nâu, dài khoảng 5-8 cm, bên trong chứa hạt.

+ Hệ rễ: rễ cọc.

+ Tốc độ sinh trưởng khá nhanh. Tuổi thọ khá cao.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây chịu lạnh, chịu hạn khá tốt. Có thể chịu được bóng râm nhẹ.

+ Có khả năng chịu đựng tương đối tốt với ô nhiễm không khí và thích nghi với môi trường đất đô thị.

+ Kháng sâu bệnh tốt

- Giá trị cảnh quan:

+ Tán cây rộng và khả năng tạo bóng mát làm cho nó trở thành lựa chọn lý tưởng trồng ở công viên, vỉa hè và không gian xanh trong đô thị.

+ Với hình dáng đẹp, tán lá lớn, hoa đẹp, tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị

- Giá trị sinh thái:

+ Giúp giảm ô nhiễm không khí trong khu vực đô thị

+ Ngăn ngừa xói mòn, đặc biệt là trong các khu vực có địa hình dốc hoặc trong mùa mưa.

Phù hợp trồng ở vỉa hè có chiều rộng từ 3-5m trở lên

 

Thích hợp trồng công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Khoảng cách trồng giữa các cây tối thiểu từ 6-8m

- Cây không chịu được ngập úng lâu dài, nên cần được trồng ở những nơi thoát nước tốt.

- Thực hiện cắt tỉa tối thiểu 1-2 lần/năm (nên được thực hiện vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân) để kiểm soát sự phát triển, giữ cho tán lá thông thoáng,

18

Mẫu đơn Mỹ

- Tên khoa học: Paeoniaceae

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có chiều cao từ 0,5-1,5m. Tán lá dày.

+ Hoa: có màu sắc rất đa dạng, từ trắng, hồng đến đỏ, ra hoa quanh năm, thường nở rộ vào đầu mùa hè, mỗi bông có đường kính từ 10 đến 25 cm, tạo thành cụm hoa lớn và rực rỡ.

+ Hệ rễ: rễ cọc

+ Tốc độ sinh trưởng: trung bình, tuổi thọ khá cao.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây ưa sáng nhưng có thể chịu bóng râm nhẹ, thích hợp với đất màu mỡ, mềm, thoát nước.

+ Cây có khả năng chịu lạnh tốt

+ Có khả năng kháng một số loại sâu bệnh thông thường

- Giá trị cảnh quan:

+ Hoa nở vào mùa xuân và đầu mùa hè, nổi bật với những bông hoa to, rực rỡ với nhiều màu sắc khác nhau, tạo điểm nhấn sinh động cho cảnh quan. Ngoài ra cây còn có khả năng kết hợp tốt với các loại cây khác khi thiết kế cảnh quan đô thị

- Giá trị sinh thái:

+ Giúp hấp thụ CO2 và cung cấp oxy làm giảm ô nhiễm không khí trong khu vực đô thị

+ Cây giúp cải thiện cấu trúc đất bằng cách tăng cường độ mùn và độ ẩm. Hệ rễ của cây giúp ngăn xói mòn và duy trì độ ổn định cho đất.

Phù hợp trồng đường viền trang trí vỉa hè hẹp <3m, vỉa hè khu đô thị

Phù hợp trồng dải phân cách hẹp. Khoảng cách giữa các cây từ 1,5-2m

Thích hợp trồng làm cây trang trí trong công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công cộng

Nên tỉa cành thường xuyên. Việc cắt tỉa thực hiện sau khi cây ra hoa tránh cành bị hư hại, loại bỏ lá rụng ở gốc cây để tạo tán thông thoáng, sạch rễ cây để giảm thiểu nguy cơ nấm mốc.

19

Nguyệt quế

- Tên khoa học: Laurus nobilis

- Nguồn gốc: Cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây họ Cam, cây nguyệt quế trồng trong đô thị thường có chiều cao khoảng 0,6 m-1,2 m.

+ Có cành lá xanh quanh năm, lá có màu xanh đậm và bóng.

+ Cây ra hoa quanh năm và mùi thơm của hoa nguyệt quế được đánh giá cao bởi khả năng giúp thư giãn đầu óc và thanh lọc không khí.

+ Hệ rễ: rễ cọc, gồm một rễ chính phát triển sâu xuống đất, cùng với một số rễ phụ lan rộng ra các phía

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây có khả năng chịu hạn tốt, cây ưa đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt.

+ Khả năng chịu sức gió tốt.

- Giá trị cảnh quan:

Tạo cảnh quan đẹp cho các công trình, trồng thành bụi hay hàng, có khi được tỉa hay tạo kiểu khác nhau

- Giá trị sinh thái:

+ Giúp thư giãn đầu óc và thanh lọc không khí.

+ Lá cây có tính chất kháng khuẩn và kháng nấm, có thể giúp cải thiện sức khỏe đất và hệ sinh thái xung quanh.

Phù hợp trồng trên vỉa hè làm cây trang trí (trồng thành hàng, bụi cây trang trí)

Phù hợp trồng trên dải phân cách

Thích hợp trồng ở công viên, vườn hoa, khuôn viên công cộng

Nên cắt tỉa thường xuyên để duy trì hình dáng của cây.

20

Ngâu

- Tên khoa học: Aglaia duperreana

- Nguồn gốc: cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây ngâu trồng trong đô thị có chiều cao khoảng 1 -1,5m, thường mang nhiều cành nhánh và tạo thành bụi. Lá cây ngâu có màu xanh thẫm bắt mắt, hình bầu dục và hơi nhọn về phần đuôi, khi mọc thì tạo thành một tán dày, um tùm và rất đẹp mắt.

+ Hoa có màu vàng tươi xinh xắn, mùi thơm thoang thoảng, dịu nhẹ.

+ Tốc độ sinh trưởng nhanh. Tuổi thọ cao.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây ưa sáng, chịu hạn tốt

+ Cây ngâu khá bền bỉ, chịu được ô nhiễm và khói bụi, chịu được sâu bệnh, giúp giảm thiểu chi phí chăm sóc.

- Giá trị cảnh quan:

+ Cây có tán lá xanh mát và hình dáng đẹp, góp phần tạo cảnh quan sinh động cho đô thị, làm tăng tính thẩm mỹ cho các khu vực công cộng và vỉa hè.

+ Hoa nhỏ, thường nở vào mùa hè, tạo điểm nhấn hấp dẫn cho không gian cảnh quan. Hoa có thể thu hút các loài côn trùng như ong, tạo sự sống động cho khu vực.

- Giá trị sinh thái: giảm bụi và ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực đông dân cư.

 

Thích hợp trồng dải phân cách

Thích hợp trồng công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công cộng

Tần suất cắt tỉa: 1-2 lần/năm để duy trì và tạo dáng cho cây

21

Sau sau

- Tên khoa học: Liquidambar formosana

- Nguồn gốc: Cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có thể cao từ 10 đến 20 mét. Thân cây thẳng. Lá có hình chân vịt, thường có màu xanh lá chuyển sang màu vàng, đỏ vào mùa thu. Chu kỳ rụng lá của cây thường diễn ra vào mùa thu và mùa đông

+ Hoa: Cây ra hoa vào mùa xuân, hoa nhỏ, có màu vàng nhạt. Quả: Quả hình cầu, thường rụng vào mùa đông.

+ Hệ rễ: có 1 rễ cọc chính và hệ rễ phụ là rễ chùm

- Đặc điểm sinh thái:

+ Thích hợp với khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới, nơi có mùa đông lạnh và mùa hè ẩm ướt, có khả năng chịu đựng được nhiệt độ từ -5°C đến 35°C.

+ Cây thích hợp với đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt.

+ Khả năng kháng sâu bệnh tốt

- Giá trị cảnh quan:

+ Tính thẩm mỹ: Cây có lá hình chân vịt, với màu sắc xanh tươi vào mùa hè và chuyển sang vàng, đỏ vào mùa thu, tạo ra cảnh quan rất đẹp mát.

+ Tạo không gian sống xanh: Cây Sau Sau giúp cải thiện chất lượng không khí và tăng cường không gian sống xanh trong đô thị, góp phần tạo môi trường sống dễ chịu và thân thiện.

- Giá trị sinh thái:

+ Với chiều cao lớn và tán lá rộng, cây cung cấp bóng mát hiệu quả

+ Giúp cải thiện chất lượng không khí và giảm ô nhiễm môi trường.

+ Rễ của cây giúp giữ đất, ngăn chặn xói mòn

+ Hệ sinh thái: cung cấp nơi cư trú và nguồn thức ăn cho nhiều loài từ chim đến côn trùng. Đây là một phần quan trọng trong hệ sinh thái địa phương.

 

 

Thích hợp trồng trong công viên, vườn hoa và khuôn viên công cộng

- Tần suất cắt tỉa: 1 lần/năm. Thời điểm lý tưởng để cắt tỉa vào đầu mùa xuân.

- Cây sau sau có thể phát triển lớn, vì vậy cần chú ý đến khoảng cách giữa các cây và giữa cây với các công trình khác. Khoảng cách trồng từ 8-12m giữa các cây là lý tưởng.

- Cây Sau sau là loài cây dễ bị sâu cước, vì vậy khi trồng cây sau sau cần lưu ý: Trồng cây ở nơi có ánh sáng tốt, thông thoáng để hạn chế môi trường ẩm ướt - điều kiện thuận lợi cho sâu cước phát triển. Quan sát thường xuyên các dấu hiệu của sâu cước trên lá và ngọn non để có biện pháp kịp thời xử lý.

22

Sao đen  

- Tên khoa học: Hopea odorata

- Nguồn gốc: cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Là cây thân gỗ lớn, thuôn dài, có kích thước đường kính thân 60 đến 80cm. Cây trưởng thành có thể đạt chiều cao từ 20-30m, vỏ cây màu đen, có nhiều vết nứt dọc.

+ Hệ rễ: rễ cọc phát triển mạnh, đâm sâu vào lòng đất, giúp cây đứng vững trước gió bão.

+ Cây ra hoa vào khoảng tháng 2-3 và kết quả vào tháng 4-6

+ Cây có tốc độ phát triển trung bình đến nhanh nên thường được dùng để tạo cảnh quan lâu dài.

+ Cây có tuổi thọ cao, có thể lên đến hàng trăm năm nếu được chăm sóc tốt.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Chịu hạn tốt, ưa nước nhưng chịu úng kém, ít rụng lá.

+ Cây hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm, nó cũng có thể phát triển nơi có thời tiết lạnh nhưng ra hoa hay quả sẽ ít hơn.

- Giá trị cảnh quan:

+ Tán lá cây sao đen dày, xanh quanh năm, tạo bóng mát lớn, rất thích hợp cho đường phố, công viên, và khu vực công cộng.

+ Thân cây thẳng, vươn cao, hoa nhỏ, màu vàng nhạt mang lại vẻ đẹp thanh lịch cho không gian đô thị.

- Giá trị sinh thái:

+ Cải thiện chất lượng không khí: Giảm thiểu bụi và khí độc hại trong môi trường đô thị.

+ Tán lá lớn giúp giảm nhiệt độ bề mặt và tăng độ ẩm trong không khí.

+ Hệ rễ mạnh, đâm sâu giúp giữ đất, ngăn ngừa xói mòn.

Phù hợp trồng ở vỉa hè có chiều rộng từ 5m trở lên

 

Thích hợp trồng trong công viên, vườn hoa và khuôn viên công cộng.

- Nên trồng thành hàng trên vỉa hè hoặc dọc các đại lộ để tạo cảnh quan đồng đều và ấn tượng.

- Khi trồng trên vỉa hè cần chú ý cắt tỉa điều chỉnh tán cây cân đối, tránh để tán cây che khuất đèn đường hoặc cản trở giao thông.

23

Tùng bút (tùng tháp)

- Tên khoa học: Sabina chinensis

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây cao từ 5 đến 10m, với tán lá hình nón, tạo thành một hình dáng đẹp mát.

+ Lá cây là dạng lá kim, mọc theo kiểu chùm, xanh quanh năm, có khả năng chịu hạn và giữ nước tốt. Quả hình chóp, thường chín vào mùa thu.

+ Hệ rễ: rễ chùm

+ Cây có tốc độ phát triển trung bình nên thường được dùng để tạo cảnh quan lâu dài.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Tùng tháp thích hợp với khí hậu ẩm ướt và có thể chịu lạnh tốt.

+ Cây thích hợp với đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và có khả năng thoát nước tốt.

- Giá trị cảnh quan:

+ Cây có hình dáng đẹp mắt tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị.

- Giá trị sinh thái:

Cây có khả năng chịu đựng được gió bão và giữ đất tốt nhờ hệ rễ sâu, rộng

 

Thích hợp trồng dải phân cách rộng từ 2-3m

Thích hợp trồng công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công cộng

Tần suất cắt tỉa: 1- 2 lần/năm để tạo tán và duy trì hình dáng của cây

24

Thiên tuế

- Tên khoa học: Cycas pectinata

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Thân cây hình trụ cao 2-3 m, ít phân nhánh. Lá mọc trùm lên đỉnh thân, lá kép to hình lông vũ, có màu xanh quanh năm, bóng và nhẵn.

+ Hoa mọc trên đỉnh, có nhiều lông nhung màu nâu

+ Cây sống khoẻ, tuổi thọ cao, dễ chăm sóc nhưng tốc độ sinh trưởng chậm.

- Đặc điểm sinh thái:

Cây ưa sáng, chịu hạn, chịu rét tốt.

- Giá trị cảnh quan:

+ Cây thiên tuế có hình dáng đặc trưng, với tán lá xoè rộng, mang đến vẻ đẹp xanh tươi cho không gian. Cây thường được trồng theo hàng, theo cụm hoặc xen kẽ với các loài cây cảnh khác như cây bụi hay cây hoa tạo điểm nhấn tự nhiên, sinh động và đa dạng hơn cho cảnh quan

- Giá trị sinh thái:

+ Cải thiện chất lượng không khí.

+ Rễ cây giúp giữ đất và giảm thiểu xói mòn, đặc biệt trong những khu vực có đất yếu.

 

Thích hợp trồng dải phân cách có chiều rộng tối thiểu từ 2m.

Thích hợp trồng trang trí công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Nên trồng ở nơi có ánh sáng mặt trời trực tiếp hoặc bán bóng.

- Cắt bỏ những lá già, hư hỏng để duy trì cảnh quan gọn gàng, giúp cây có thể phát triển tốt hơn và tránh sâu bệnh.

- Khi trồng cây theo hàng thì khoảng cách giữa các cây nên từ 3-4m

25

Thông đuôi ngựa

- Tên khoa học: Pinus massoniana

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có chiều cao từ 10-15m. Thân thẳng, màu nâu xám. Tán cây hình chóp, rộng. Hệ rễ là rễ cọc. Tốc độ phát triển nhanh. Tuổi thọ cao.

- Đặc điểm sinh thái:

+ Cây ưa sáng, có khả năng chịu lạnh ở mức trung bình.

+ Có khả năng chịu được sức gió và kháng sâu bệnh tốt

- Giá trị cảnh quan:

Cây có hình dáng thẳng đứng, tán cây hình chóp đẹp mắt, tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị

- Giá trị sinh thái:

Tán lá rộng giúp cây tạo bóng mát cho các khu vực công cộng và khu vực sinh hoạt, mang lại cảm giác dễ chịu, giảm nhiệt độ môi trường trong những ngày hè oi ả.

+ Giúp cải thiện cấu trúc đất, giảm thiểu tình trạng xói mòn

 

 

Thích hợp trồng công viên, vườn hoa, khuôn viên công cộng

Chú ý cắt tỉa để duy trì hình dáng đẹp cho cây. Khoảng cách trồng giữa các cây nên từ 8-12m để đảm bảo không gian cho cây phát triển lá và cành.

26

Vạn tuế  

- Tên khoa học: Cycas revoluta Thunb

- Nguồn gốc: cây du nhập

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có thân hình trụ, chiều cao từ 1-3m. Lá có hình lông chim, xanh quanh năm

+ Hoa của cây được mọc trên đỉnh. Hoa có lông màu hung vàng dày

+ Cây sống khoẻ, tuổi thọ cao, dễ chăm sóc nhưng tốc độ sinh trưởng chậm.

- Đặc điểm sinh thái:

Cây ưa sáng, chịu hạn, chịu rét tốt.

- Giá trị cảnh quan: Cây vạn tuế có hình dáng đẹp, lá xanh tươi, tạo điểm nhấn cho không gian.

- Giá trị sinh thái:

+ Cây vạn tuế có khả năng hấp thụ carbon dioxide và sản xuất oxy, góp phần cải thiện chất lượng không khí.

+ Rễ cây giúp giữ đất và giảm thiểu xói mòn, đặc biệt trong những khu vực có đất yếu.

 

Thích hợp trồng dải phân cách có chiều rộng tối thiểu là 2m.

Thích hợp trồng công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Cắt tỉa cành lá úa, tạo thông thoáng cho cây, đảm bảo cây phát triển tốt.

- Khi trồng cây vạn tuế theo hàng thì khoảng cách giữa các cây nên từ 2-3m

27

Vàng anh

- Tên khoa học: Sacara dives Piere

- Nguồn gốc: cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây có chiều cao từ 7-12m. Thân cây thẳng. Lá xanh quanh năm. Hoa có màu vàng sẫm. Hệ rễ: rễ cọc

+ Cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, tuổi thọ cao

- Đặc điểm sinh thái:

Cây ưa sáng, chịu hạn tốt, chịu lạnh trung bình.

- Giá trị cảnh quan: Cây Vàng Anh nổi bật với những bông hoa vàng rực rỡ, thường nở vào mùa hè, tạo nên cảnh quan tươi đẹp và thu hút sự chú ý.

- Giá trị sinh thái:

+ Với tán lá rộng và dày, cây cung cấp bóng mát hiệu quả

+ Hệ rễ cọc của cây giúp giữ đất, ngăn chặn xói mòn, đặc biệt ở những vùng có địa hình dốc.

Thích hợp trồng vỉa hè có chiều rộng từ 3-5m

 

Thích hợp trồng công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Khoảng cách trồng giữa các cây nên từ 4-8m.

- Chú ý cắt tỉa để tán cây không ảnh hưởng đến các công trình khác.

28

Trai lý

- Tên khoa học: Garcinia fagraeoides

- Nguồn gốc: cây bản địa

- Đặc điểm sinh trưởng:

+ Cây gỗ trung bình, cao từ 10-20 mét, thân thẳng và vỏ màu nâu nhạt. Lá đơn, hình bầu dục hoặc elip, mọc đối, lá xanh quanh năm. Hoa nhỏ, có màu vàng nhạt.

+ Cây có hệ thống rễ ăn sâu, giúp cây ổn định và bám chặt vào đất, phù hợp cho các khu vực đồi núi và đất thoát nước tốt.

+ Cây có tốc độ sinh trưởng trung bình nhưng tuổi thọ cao.

- Đặc điểm sinh thái:

Cây có thể chịu được nhiệt độ thấp trong mùa đông, khả năng chịu sức gió và kháng sâu bệnh tốt

- Giá trị cảnh quan:

Cây trai lý có hoa đẹp màu vàng, tán lá xanh quanh năm và không rụng lá nhiều, thích hợp để trồng làm cây cảnh quan trong các khuôn viên công cộng hoặc dọc đường phố.

- Giá trị sinh thái:

Cây góp phần làm phong phú hệ sinh thái, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim và côn trùng. Ngoài ra, hệ thống rễ của cây còn giúp giữ đất, ngăn xói mòn, đặc biệt quan trọng ở các vùng đồi núi.

 

 

Thích hợp trồng công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên công cộng

- Khoảng cách trồng giữa các cây nên từ 6-8m để cây có đủ không gian phát triển tốt.

- Thực hiện việc cắt tỉa cành già, yếu, bị sâu bệnh để kích thích cây phát triển khỏe mạnh và tạo tán đẹp. Cắt tỉa cũng giúp cây nhận đủ ánh sáng và lưu thông không khí tốt hơn, giảm nguy cơ nấm và bệnh tật.

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÂY XANH HẠN CHẾ TRỒNG TRÊN ĐƯỜNG PHỐ VÀ KHU VỰC CÔNG CỘNG TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2024/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng)

STT

Tên cây

Tên khoa học

Đặc điểm hạn chế

1

Cau vua

Roystonea regia

Rễ và lá to, cứng gây nguy hiểm cho người đi đường, công trình và phương tiện.

2

Các loài cây ăn trái

 

Cây có trái khuyến khích trẻ em leo trèo, trái rụng ô nhiễm môi trường

3

Dâu gia xoan

Spondias lakonensis

Cành non có lông, khi bẻ cành có mùi hôi khó chịu. Vò lá cũng có mùi hôi. Quả nhỏ rụng nhiều mất vệ sinh đường phố

4

Dừa

Cocos nucifera L.

Cây có trái to, rụng gây nguy hiểm

5

Đại (bông sứ, hoa sứ, chăm pa)

Plumeria

Lá sớm rụng, trơ cành, không phù hợp cảnh quan cho đường phố đô thị

6

Đa lông , Đa búp đỏ, Đề

Ficus

Cây thân gỗ lớn, chiều cao 30-40m, đường kính thân có thể tới 2m, tán rộng, tạo bóng mát, thanh lọc không khí, bụi bẩn và các chất độc hại. Thường trồng tại chùa, trong khuôn viên công cộng.

7

Lát hoa

Chukrasia tabularis

- Rễ bạnh, lan theo bề ngang, nguy cơ ảnh hưởng vỉa hè, công trình hạ tầng. Cây có tốc độ sinh trưởng chậm nhưng tuổi thọ cao, thích hợp tạo cảnh quan lâu dài.

- Cây cần không gian phát triển lớn như công viên, khuôn viên trường học, hoặc các khu vực biệt lập. Cần thường xuyên cắt tỉa, quản lý sâu bệnh, và xem xét các giải pháp giảm tác động đến công trình hạ tầng.

8

Lim xẹt

Peltophorum pterocarpum

- Rễ cây lim xẹt thường phát triển mạnh và lan rộng, có thể làm hư hỏng vỉa hè, lòng đường, và ảnh hưởng đến các công trình ngầm như cống thoát nước hoặc dây cáp điện. Cành của cây lim xẹt khá giòn, dễ gãy rụng, đặc biệt trong mùa mưa bão, có nguy cơ gây nguy hiểm cho người đi đường và tài sản xung quanh. Cây có hoa đẹp nhưng rụng nhiều lá, hoa và quả nhỏ, tốn công dọn dẹp vệ sinh.

- Phù hợp trồng ở các khu vực có không gian rộng, đồng thời chú ý cắt tỉa, vệ sinh thường xuyên để giảm thiểu rủi ro và duy trì cảnh quan đẹp.

9

Long não

Cinnamomum camphora

- Hệ rễ rất phát triển, đặc biệt là khi cây trưởng thành. Rễ có thể làm hư hỏng vỉa hè, nền đường, hoặc xâm lấn vào hệ thống thoát nước, gây khó khăn trong quản lý cơ sở hạ tầng đô thị. Quả của cây long não khi rụng có thể gây trơn trượt trên vỉa hè, nguy hiểm cho người đi bộ nếu không được dọn dẹp thường xuyên.

- Thích hợp trồng ở những khu vực có không gian rộng rãi, ít ảnh hưởng đến công trình hạ tầng.

10

Móng bò tím

Phanera purpurea

Cây ưa thích khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt ở các khu vực có mùa hè ấm áp. Tuy nhiên, cây không chịu được lạnh tốt, và trong những vùng có mùa đông lạnh khắc nghiệt. Do đó, khi trồng nên chọn vị trí không quá cao so với mực nước biển và có biện pháp bảo vệ cây trong mùa đông.

11

Muồng đen

Cassia siamea Lam

- Không phù hợp với điều kiện khí hậu của Cao Bằng, nơi có khí hậu lạnh và độ ẩm cao, cây sẽ phát triển kém nếu không được chăm sóc tốt.

- Khi trồng cần lưu ý trồng cây ở các vị trí có đất màu mỡ, thoát nước tốt và được che chắn trong mùa đông. Đồng thời, cần áp dụng các biện pháp chăm sóc như bón phân, cắt tỉa định kỳ và phòng trừ sâu bệnh để cây phát triển khỏe mạnh.

12

Muồng hoa đào

Cassia javanica L.

Cây phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhưng nếu gặp khí hậu quá lạnh hoặc đất nghèo dinh dưỡng, cây khó sinh trưởng tốt. Rễ ăn nông và lan rộng, cành nhánh khá giòn và dễ gãy khi gặp mưa bão, hay bị rệp gây hại.

13

Ngọc lan

Michelia alba

Rễ ăn nông, nguy cơ ngã đổ cao

14

Hoàng lan

Cananga odorata

Rễ ăn nông, nguy cơ ngã đổ cao

15

Osaka đỏ

Erythrina crista-galli L.

Cây bị rễ nổi làm hư hỏng vỉa hè, hay bị mục rỗng gốc, nguy cơ mất an toàn. Cây dễ phát tán hạt giống, có thể gây cạnh tranh với cây bản địa.

16

Phượng vĩ, phượng tím

Delonix regia (Boj.) Raf.

- Cây bị rễ nổi làm hư hỏng vỉa hè, hay bị mục rỗng gốc, nguy cơ mất an toàn

- Trồng trong khuôn viên (trường học, công trình văn hóa), vườn hoa, công viên

- Cây rụng lá vào mùa đông nên khi trồng cần nghiên cứu trồng xen kẽ với các cây trồng khác để tạo cảnh quan và thảm cây xanh quanh năm.

17

Kim giao

Podocapus

Do cây phát triển chậm nên mất nhiều thời gian để đạt chiều cao và tán cây đủ lớn, không phù hợp cho mục đích tạo bóng mát nhanh. Trong giai đoạn đầu, cây cần điều kiện chăm sóc và đất tốt, nếu không sẽ khó sinh trưởng ở môi trường đô thị thường bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, giá cây giống thường cao, có thể không tối ưu cho các dự án trồng cây diện rộng.

18

Thông nhựa hai lá

Pinus merkusii

Cây ưa đất thoát nước tốt, nhiều nắng, nhưng cần nhiệt độ không quá lạnh, đặc biệt không phù hợp với những vùng có sương giá kéo dài. Bên cạnh đó cây khá nhạy cảm với môi trường ô nhiễm, khói bụi, và các chất thải hóa học thường có trong không khí đô thị, dẫn đến sự phát triển không ổn định hoặc suy giảm sức sống.

19

Trám đen

Canarium nigrum engler

Cây thân gỗ lớn tạo bóng mát. Tuy nhiên cây có độ cao lớn, có quả, kích thích leo trèo. Quả rụng ảnh hưởng vệ sinh môi trường

20

Sấu

Dracontomelum mangiferum

Cây có rễ nổi, lá rụng nhiều, quả rụng ảnh hưởng môi trường. Tốc độ sinh trưởng chậm, cây kén đất

21

Sưa

Dalbergia tonkinensis Prain

Cây có tốc độ phát triển chậm. Cây quý hiếm, có nguy cơ bị phá hoại, mất cắp, độ che bóng ít. Thích hợp trồng trong các khu bảo tồn thiên nhiên

22

Nghiến

Burretiodendron hsienmu

Gỗ nghiến là loài cây gỗ sinh trưởng chậm, nên việc trồng loại cây này trong đô thị có thể không mang lại hiệu quả nhanh về mặt tạo bóng mát và cảnh quan. Cây có bộ rễ sâu và mạnh, có thể làm hỏng các công trình ngầm, đường sá hoặc vỉa hè nếu không được quản lý tốt.

23

Xà cừ

Khaya senegalensis

Cây có rễ cái phát triển mạnh, thường trồi lên mặt đất khi cây trưởng thành, dễ làm hỏng mặt đường, vỉa hè, ảnh hưởng đến công trình hạ tầng kỹ thuật gần đó như đường ống nước, hệ thống cáp ngầm. Nên trồng ở khu vực có không gian rộng rãi đảm bảo sự phát triển của hệ thống rễ và tán lá.

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC CÂY XANH CẤM TRỒNG TRÊN ĐƯỜNG PHỐ VÀ KHU VỰC CÔNG CỘNG TRONG ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2024/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2024 của UBND tỉnh Cao Bằng)

STT

Tên cây

Tên khoa học

Đặc điểm hạn chế

1

Bã đậu

Hura crepitans L

Thân có gai, nhánh giòn, dễ gãy, mủ và hạt độc.

2

Bạch đàn các loại

Eucalyptus spp.

Cây gỗ có độ cao lớn, tán thuỗn, không có bóng mát, không phù hợp trồng vỉa hè, khuôn viên công cộng

3

Bàng ta

Terminalia catappa L

Nhánh đâm ngang cản trở giao thông, dễ bị sâu, dễ ngã đổ

4

Bàng nước

Fagraea crenulata Maingay

Thân có gai

5

Bồ kết

Gleditsia

Thân có nhiều gai rất to

6

Bồ hòn

Sapindus saponaria

Quả gây độc

7

Cao su

Hevea brasiliensis

Nhánh giòn, dễ gãy, hạt có chất độc.

8

Coca cảnh

Erythroxylum novagrana-tense

Lá có chất cocaine gây nghiện.

9

Chùm ngây

Moringa oleifera

Hệ thống rễ mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến các cấu trúc ngầm như ống nước, cống thoát nước và các công trình hạ tầng khác. Quả có thể gây ngộ độc.

10

Da, Sung

Ficus spp

Các loài Da có rễ phụ làm hư hại công trình và dạng quả sung ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

11

Đủng đỉnh

Caryota mitis Lour

Trái có chất gây ngứa.

12

Gòn

Ceiba pentendra

Nhánh giòn, dễ gãy, trái chín phát tán gây ô nhiễm môi trường

13

Gáo trắng

Neolamarckia cadamba

Nhánh giòn, dễ gãy, quả mọng rơi làm ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

14

Gáo tròn

Haldina cordifolia

Nhánh giòn, dễ gãy, quả mọng rơi ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

15

Hoa sữa

Alstonia scholaris

Nhánh giòn, dễ gãy, hoa có mùi hắc gây khó chịu cho người.

16

Lòng mức, Thừng mức

Wrightia annamensis

Cây khi nở hoa có mùi hôi, hắc, rụng hoa, rụng quả, quả có lông phát tán ảnh hưởng vệ sinh môi trường

17

Lòng mức lông

Wrightia pubescen

18

Lọ nồi, Đại phong tử

Hydnocarpus anthelmintica

19

Trôm hôi

Sterculia foetida

20

Mã tiền

Strychnos nux-vomica

Hạt có chất strychnine gây độc.

21

Me keo

Pithecellobium dulce

Thân và cành nhánh có nhiều gai.

22

Mỡ

Manglietia glauca bl

Cây thân cao, không có giá trị bóng mát, rất dễ gãy đổ vào mùa mưa bão

23

Keo lá tràm

Acacia auriculiformis A. Cunn. ex Benth

Cây gỗ có độ cao lớn, cành giòn dễ gãy đổ trong mùa mưa bão gây nguy hiểm

24

Keo tai tượng

Acacia mangium

25

Keo lai

Acacia Auriculiformis Mangium

26

Sò đo cam (Hoa Tulip châu Phi)

Spathodea campanulata

Là cây ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên lãnh thổ Việt Nam theo Thông tư 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại

27

Thông thiên

Thevetia peruviana K.Schum

Hạt, lá, vỏ cây đều chứa chất độc

28

Trúc Đào

Nerium oleander

Thân và lá có chất độc

29

Trứng cá

Muntingia calabura

Tuổi thọ ngắn, thân giòn dễ đổ ngã

30

Xiro

Carissa carandas

Thân và cành nhánh có rất nhiều gai

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 70/2024/QĐ-UBND quy định Danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng, cấm trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Số hiệu: 70/2024/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
Người ký: Hoàng Xuân Ánh
Ngày ban hành: 16/12/2024
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [8]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 70/2024/QĐ-UBND quy định Danh mục cây xanh khuyến khích trồng, hạn chế trồng, cấm trồng trên đường phố và khu vực công cộng trong đô thị trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…