Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5018/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CÂY ĂN QUẢ CÁC TỈNH VÙNG TÂY BẮC ĐẾN NĂM 2030”

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 2344/QĐ-BNN-TT ngày 24/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt đề cương Đề án phát triển bền vững cây ăn quả một số tỉnh vùng Tây Bắc;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc đến năm 2030” với những nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng tiểu vùng; từng bước phát triển cây ăn quả thành ngành hàng chủ lực của vùng.

2. Phát triển cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc gắn với cơ cấu lại sản xuất nông lâm thủy sản của vùng và từng địa phương theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

3. Phát triển cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc theo hướng phát huy tối đa tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

4. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả vùng Tây Bắc. Nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường…

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển bền vững ngành hàng cây ăn quả vùng Tây Bắc; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh trong vùng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Diện tích cây ăn quả chủ lực vùng Tây Bắc được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ đạt từ 20-30%; 15-25% diện tích được cấp mã vùng trồng.

- Công suất chế biến quả toàn vùng đạt khoảng 180 ngàn tấn sản phẩm/năm.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cây ăn quả toàn vùng đạt khoảng 150-160 triệu USD.

b) Đến năm 2030:

- Diện tích cây ăn quả chủ lực vùng Tây Bắc được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ đạt từ 40-50%; 30-40% diện tích được cấp mã vùng trồng.

- Công suất chế biến quả đạt khoảng 220 ngàn tấn sản phẩm/năm.

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cây ăn quả toàn vùng đạt khoảng 180-200 triệu USD.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Quy mô diện tích

Định hướng quy mô diện tích cây ăn quả các loại vùng Tây Bắc đến năm 2030 khoảng 138 ngàn ha; tỉnh Sơn La chiếm tỷ trọng cao nhất, tiếp theo là Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên. Các loại cây ăn quả chủ lực trong vùng gồm: Xoài, nhãn, chuối, dứa, cam, bưởi, chanh leo và nhóm cây ăn quả ôn đới.

2. Định hướng phát triển một số cây ăn quả chủ lực

a) Cây nhãn:

Giai đoạn từ nay đến năm 2030 duy trì diện tích nhãn toàn vùng khoảng 21-22 ngàn ha, sản lượng khoảng 150-160 ngàn tấn. Vùng trồng tập trung gồm các huyện: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu (Sơn La); Lạc Thủy (Hòa Bình); Bảo Thắng (Lào Cai); Văn Chấn (Yên Bái); huyện Điện Biên (Điện Biên)…

Bố trí cơ cấu giống và thực hiện biện pháp kỹ thuật thâm canh kéo dài thời gian thu hoạch từ 2 - 4 tháng. Các giống chính vụ chiếm khoảng 60% diện tích, các giống rải vụ (chín sớm, chín muộn) chiếm khoảng 40% diện tích.

Tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nhãn tiên tiến, sản xuất hữu cơ; ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo, tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa, tỉa hoa, tỉa quả, rải vụ thu hoạch.

b) Cây xoài:

Đến năm 2025 diện tích xoài toàn vùng khoảng 22 ngàn ha, sản lượng khoảng 100 ngàn tấn; đến năm 2030 diện tích khoảng 25 ngàn ha, sản lượng khoảng 125 ngàn tấn. Vùng trồng tập trung gồm các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Mường La…(Sơn La); Tuần Giáo (Điện Biên); Phong Thổ (Lai Châu)…

Bố trí cơ cấu giống và thực hiện biện pháp kỹ thuật thâm canh để kéo dài thời gian thu hoạch từ 2 - 3 tháng. Các giống chính vụ chiếm khoảng 70% diện tích, các giống rải vụ và xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch chiếm khoảng 30% diện tích.

Tăng cường áp dụng quy trình sản xuất xoài tiên tiến, sản xuất hữu cơ; ứng dụng kỹ thuật ghép cải tạo, tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch, tỉa hoa, tỉa quả và bao quả.

c) Cây chuối:

Diện tích chuối toàn vùng đến năm 2025 khoảng 18 ngàn ha, sản lượng khoảng 300 ngàn tấn; đến năm 2030 khoảng 22 ngàn ha, sản lượng khoảng 340 ngàn tấn. Vùng trồng tập trung chuối tại các huyện: Mường La, Yên Châu… (Sơn La); Kim Bôi, Lương Sơn… (Hòa Bình); Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng (Lào Cai); Phong Thổ (Lai Châu)...

Tăng cường sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng cao, kháng bệnh (nhất là bệnh vàng lá Panama); sử dụng cây giống nuôi cấy mô, sạch bệnh; áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, hữu cơ; áp dụng biện pháp kỹ thuật hạn chế tác hại của bệnh vàng lá Panama; kỹ thuật chống đổ, tưới nước tiết kiệm, bao buồng quả và đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế và đóng gói.

d) Cây dứa:

Đến năm 2025 mở rộng diện tích trồng dứa đạt khoảng 10 ngàn ha, sản lượng 150 ngàn tấn; đến năm 2030, diện tích khoảng 15 ngàn ha, sản lượng 220 ngàn tấn. Vùng trồng dứa tập trung tại các huyện: Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Sông Mã, Sốp Cộp, Quỳnh Nhai (Sơn La); Mường Khương (Lào Cai); Mường Chà (Điện Biên)...

Tăng cường sử dụng các giống dứa có năng suất cao, chất lượng phù hợp cho chế biến; bố trí sản xuất rải vụ 40 - 50% tổng diện tích các vùng trồng tập trung.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhân giống tiên tiến, hệ số nhân giống cao; đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, tưới nước tiết kiệm, kỹ thuật xử lý ra hoa và cơ giới hoá trong sản xuất.

e) Cây cam:

Giai đoạn từ nay đến năm 2030 giữ ổn định diện tích cam toàn vùng khoảng 11-12 ngàn ha. Vùng trồng cam tập trung tại các huyện: Cao Phong (Hòa Bình), Mường Khương (Lào Cai), Văn Chấn (Yên Bái)...

Nâng cao tỷ lệ các giống cam mới có khả năng sinh trưởng khỏe, ít hoặc không hạt, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp cho ăn tươi và chế biến; bố trí hợp lý bộ giống cam rải vụ thu hoạch, kết hợp ứng dụng biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian thu hoạch từ 6 - 7 tháng.

Từng bước trồng thay thế các vườn cam già cỗi, nhiễm bệnh, năng suất và hiệu quả thấp bằng các giống mới; sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; áp dụng quy trình tái canh, hạn chế tái nhiễm bệnh greening; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, kỹ thuật phòng chống các loại sâu, bệnh hại nguy hiểm, đặc biệt là bệnh vàng lá thối rễ.

g) Cây bưởi:

Đến năm 2025 diện tích bưởi toàn vùng khoảng 11 ngàn ha, sản lượng 130 ngàn tấn; đến năm 2030, diện tích khoảng 12,5 ngàn ha, sản lượng khoảng 150 ngàn tấn. Vùng trồng bưởi tập trung tại các huyện: Tân Lạc, Kim Bôi, Lương Sơn (Hòa Bình); Yên Bình (Yên Bái)...

Tăng tỷ lệ các giống bưởi mới ít hạt, có năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với thị trường xuất khẩu quả tươi và chế biến nước quả; bố trí hợp lý bộ giống bưởi rải vụ thu hoạch, kết hợp ứng dụng biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian thu hoạch từ 5 - 6 tháng.

Sử dụng cây giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, kỹ thuật phòng chống các loại sâu, bệnh hại nguy hiểm, đặc biệt là bệnh vàng lá thối rễ.

h) Cây chanh leo:

Đến năm 2025 diện tích chanh leo toàn vùng khoảng 4 ngàn ha, sản lượng khoảng 50-60 ngàn tấn; đến năm 2030, diện tích khoảng 6 ngàn ha, sản lượng khoảng 90-100 ngàn tấn. Vùng trồng chanh leo tập trung tại các huyện Mai Sơn, Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình).

Sử dụng các giống có năng suất, chất lượng quả tốt, có khả năng kháng bệnh; sử dụng cây giống sạch bệnh. Hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, luân canh, xen canh cây chanh leo phù hợp với từng địa phương. Mở rộng diện tích sản xuất chanh leo theo quy trình sản xuất tiên tiến, sản xuất hữu cơ… đảm bảo an toàn thực phẩm.

i) Cây ăn quả ôn đới, á nhiệt đới (mận, đào, lê, hồng):

Đây là các loại cây ăn quả đặc hữu của vùng; định hướng giai đoạn 2021-2030 duy trì diện tích cây ăn quả ôn đới khoảng 12 ngàn ha như hiện nay, tập trung vào ghép cải tạo, trồng thay thế bằng giống mới. Các vùng trồng cây ăn quả ôn đới tập trung tại các huyện: Mộc Châu (Sơn La); Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà (Lào Cai); Tam Đường, Sìn Hồ (Lai Châu)…

Sử dụng các giống mới nhập nội, các giống có triển vọng để bổ sung vào cơ cấu giống trong sản xuất. Tăng cường áp dụng kỹ thuật ghép cải tạo, tỉa cành, tạo tán, tỉa quả, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại; kỹ thuật sơ chế, bảo quản và chế biến đa dạng hóa sản phẩm.

IV. GIẢI PHÁP

1. Về thị trường tiêu thụ:

Đối với thị trường trong nước, các địa phương cần xây dựng hình ảnh sản phẩm cây ăn quả đặc sản vùng miền và sản phẩm đặc hữu của từng địa phương. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm cây ăn quả, gắn với chỉ dẫn địa lý; ứng dụng công nghệ thông tin và các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá để người tiêu dùng trong nước có đủ thông tin về sản phẩm cây ăn quả các tỉnh trong vùng.

Đối với thị trường xuất khẩu, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ và doanh nghiệp thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu; trọng tâm là sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường các nước nhập khẩu và tháo gỡ rào cản thương mại. Tập trung thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu quả chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời, tiếp tục mở rộng các thị trường: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc, Nga, ASEAN, EU, Australia, New Zealand, Trung Đông, Bắc Phi...

2. Về tổ chức sản xuất:

Các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng các loại cây ăn quả; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Xác định Hợp tác xã có vai trò cầu nối quan trọng để xây dựng liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất cây ăn quả. Các địa phương cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, nâng cao chất lượng hoạt động và tăng cường năng lực cho Hợp tác xã.

Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề làm vườn, tăng cường kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường về cây ăn quả....

3. Về khoa học công nghệ:

Tiếp tục đầu tư nghiên cứu chọn tạo và chuyển giao giống cây ăn quả chủ lực có năng suất, chất lượng cao, rải vụ thu hoạch, chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu, hoặc mua bản quyền các quy trình công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm cây ăn quả. Nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu chăm sóc và thu hái; nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị bảo quản, chế biến sản phẩm cây ăn quả phục vụ xuất khẩu.

Từng địa phương phải xây dựng hệ thống cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng để các thành phần kinh tế có đủ nguồn vật liệu sản xuất giống cây ăn quả đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ trồng mới, trồng tái canh và ghép cải tạo vườn cây ăn quả.

Xây dựng các chương trình khuyến nông chuyển giao quy trình sản xuất tiên tiến, chú trọng khâu thiết kế vườn đồi, xây dựng vườn mẫu, quy trình canh tác hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất cây ăn quả đảm bảo sản phẩm cây ăn quả chất lượng, an toàn thực phẩm.

4. Về đầu tư:

Các hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất cây ăn quả chủ lực để hình thành theo vùng nguyên liệu tập trung. Hợp tác xã, liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư nhà sơ chế, kho chứa sản phẩm. Doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả.

Ngân sách Nhà nước tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, các công trình giao thông kết nối vùng sản xuất tập trung với các trục giao thông chính và các công trình hạ tầng thiết yếu khác phục vụ tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về giống, thâm canh, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm cây ăn quả; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả chủ lực của vùng...

5. Về cơ chế, chính sách:

Tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020; Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2031-2030 theo Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020... Đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách mới; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cây ăn quả, góp phần triển khai thực hiện Đề án.

6. Về hợp tác quốc tế:

Tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả vùng Tây Bắc; tăng cường hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ về giống, quy trình thâm canh, thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm cây ăn quả…

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Trồng trọt:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; đề xuất các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện Đề án; theo dõi kết quả thực hiện Đề án, đánh giá khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ báo cáo Bộ trưởng.

2. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản:

Chủ trì tham mưu, phối hợp với các địa phương, đơn vị kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến xuất khẩu các sản phẩm quả chủ lực của vùng; tham mưu cho Bộ phối hợp với các Bộ/Ngành tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, rào cản thương mại, tăng cường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của vùng.

3. Cục Bảo vệ thực vật:

Chủ trì, phối hợp các địa phương quản lý dịch bệnh trên các loại cây ăn quả chủ lực của vùng; xây dựng mã vùng trồng, truy suất nguồn gốc sản phẩm; phối hợp với các đơn vị thực hiện biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây các tỉnh vùng Tây Bắc.

4. Các đơn vị khác thuộc Bộ:

Theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Cục Bảo vệ thực vật thực hiện các nội dung Đề án.

5. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh vùng Tây Bắc:

Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung của Đề án; xây dựng phương án phát triển từng loại cây ăn quả chủ lực theo từng huyện; đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt; khi được yêu cầu, báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án về Cục Trồng trọt để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ; Cục trưởng các Cục: Trồng trọt, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bảo vệ thực vật; Vụ trưởng Vụ Kế hoạch; Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh vùng Tây Bắc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Sở NN&PTNT các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái;
- Lưu: VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Lê Quốc Doanh

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 5018/QĐ-BNN-TT năm 2021 phê duyệt Đề án Phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu: 5018/QĐ-BNN-TT
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký: Lê Quốc Doanh
Ngày ban hành: 24/12/2021
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [7]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 5018/QĐ-BNN-TT năm 2021 phê duyệt Đề án Phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh vùng Tây Bắc đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…