Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 16 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH NĂM 2018

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;

Căn cứ Thông tư số 04/2016/TT - BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT - BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch động vật trên cạn;

Căn cứ Văn bản số 8468/BNN - TY ngày 09/10/2017của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản, triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh quốc gia năm 2018 và Văn bản số: 9167/BNN-TY, ngày 01/11/2017 về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2018;

Căn cứ Thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh tại văn bản số 752-TB/TU ngày 08/01/2018 về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2018;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống dịch động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2018. Tổng kinh phí triển khai kế hoạch: 20.972.341.200 đồng (Hai mươi tỷ, chín trăm bảy mươi hai triệu, ba trăm bốn mươi mốt nghìn, hai trăm đồng).

Điều 2. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh; các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Kho bạc Nhà nước Bắc Ninh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh (b/c);
- VP UBND tỉnh: LĐVP;
- Lưu: VT, NN.

KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Thành

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN CẠN VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH NĂM 2018
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-UBND ngày 16/01/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh)

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

Đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi; ổn định và phát triển sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần ổn định đời sống, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường sinh thái.

II. Yêu cầu

- Việc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật cần được sự chỉ đạo thống nhất và phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời huy động được cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia thực hiện;

- Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật phải tuân theo các quy định của pháp luật về Thú y và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Thú y và UBND tỉnh;

- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh động vật phải kịp thời, phù hợp và hiệu quả, không gây lãng phí nguồn lực.

B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

I. Khi chưa xuất hiện dịch bệnh

1. Công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các quy định của nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản; hướng dẫn kỹ thuật phòng chống dịch bệnh động vật cho người dân qua Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh, Bản tin Nông nghiệp, hội nghị, hội thảo, tập huấn, tờ rơi, băng rôn...

- Thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên thế giới, trong nước và trong tỉnh để mọi người dân được biết và chủ động phòng, chống.

- Tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hệ thống thú y cơ sở và lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch.... Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; hướng dẫn xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh.

2. Về giám sát dịch bệnh

- Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và trên đàn thủy sản đến tận cơ sở, hộ chăn nuôi và hộ nuôi trồng thủy sản.

- Củng cố và hoàn thiện hệ thống khai báo dịch từ thôn đến xã, huyện, tỉnh;

- Giám sát sau tiêm phòng, giám sát sự lưu hành vi khuẩn, vi rút gây bệnh tại các hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, chợ buôn bán thủy sản hoặc từ những động vật ốm, chết không rõ nguyên nhân bằng hình thức lấy mẫu xét nghiệm định kỳ và đột xuất.

- Thường xuyên theo dõi và thống kê số lượng đàn vật nuôi để có biện pháp quản lý và giám sát đối với từng vùng, từng khu vực.

3. Công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi

Thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT - BNNPTNT, ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

3.1. Phương thức tiêm phòng:

Tổ chức tiêm phòng 2 đợt chính trong năm: (đợt 1 vào các tháng 3-4; đợt 2 vào các tháng 9-10) cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài 2 đợt chính, tổ chức tiêm phòng bổ sung hàng tuần, hàng tháng, đảm bảo miễn dịch khép kín cho đàn vật nuôi.

3.2.Đối tượng tiêm phòng:

- Đối với đàn lợn tiêm phòng các bệnh: Dịch tả, Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, Tai xanh, Phó thương hàn, Sưng phù đầu...

- Đối với đàn trâu, bò tiêm phòng: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng.

- Đối với đàn gia cầm tiêm phòng: Cúm gia cầm, Tụ huyết trùng, Newcastle, Marek, Gumboro, dịch tả vịt...

- Đối với đàn chó, mèo tiêm phòng bệnh Dại động vật, bệnh Ca rê...

3.3.Kinh phí tiêm phòng:

Ngoài các đối tượng tiêm phòng được UBND tỉnh hỗ trợ theo chính sách hiện hành, người chăn nuôi phải chủ động kinh phí mua vắc xin và trả công tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm còn lại cho đàn gia súc, gia cầm.

4. Công tác vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường.

- Phát động các chiến dịch tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường sau 2 đợt tiêm phòng chính trong năm (đợt 1 vào các tháng 5 - 6; đợt 2 vào các tháng 11-12) theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của UBND tỉnh;

- Trong các chiến dịch vệ sinh khử trùng, tiêu độc môi trường, Nhà nước hỗ trợ vật tư, hóa chất, vôi bột để khử trùng, tiêu độc nơi công cộng tại các ổ dịch cũ, khu chăn nuôi tập trung, chợ, nơi giết mổ, buôn bán động vật và sản phẩm động vật, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, đường làng, ngõ, xóm…

- Ngoài các tháng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường do Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh phát động; các cơ sở chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản chủ động, tự túc vật tư, hóa chất thường xuyên thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, ao nuôi thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.

5. Kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thúy

- Tổ chức kiểm dịch tận gốc đối với động vật và sản phẩm động vật; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật (kể cả động vật thủy sản) ra - vào địa bàn tỉnh theo Thông tư số: 25/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 26/2016/TT-BNNTTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và động vật thủy sản;

- Đẩy mạnh việc kiểm tra vệ sinh thú y đối với động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, các điểm giết mổ, các tụ điểm buôn bán gia súc, gia cầm và thủy sản theo thông tư số: 09/2016/TT-BNNPTNT, ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y;

- Xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ động vật; vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch và không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y.

II. Khi xuất hiện dịch bệnh

Thực hiện khẩn trương, đồng bộ các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch theo quy định hiện hành. Cụ thể:

- Tổ chức xử lý, tiêu hủy gia súc, gia cầm bệnh theo quy định;

- Khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan Thú y;

- Lập các chốt kiểm dịch tạm thời; kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan;

- Quản lý chặt đàn vật nuôi trong vùng dịch; nghiêm cấm việc bán chạy, giết mổ hoặc vứt xác gia súc, gia cầm, thủy sản bệnh ra môi trường;

- Tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm ở vùng dịch, vùng nghi có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y;

- Thực hiện chế độ giám sát dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi kiểm tra, phát hiện và chủ động khai báo khi có dịch để được hỗ trợ xử lý kịp thời.

III. Chính sách hỗ trợ

1. Hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn

- Khi không có dịch việc hỗ trợ kinh phí để chủ động trong phòng dịch đối với động vật trên cạn (gia súc, gia cầm) được thực hiện theo Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 21/12/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

- Khi có dịch thực hiện việc hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 186/QĐ-UBND ngày 06/3/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.

2. Hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản

(Thực hiện theo Văn bản số 8221/BNN-TY ngày 07/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh thủy sản)

* Hỗ trợ người làm công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản:

- Những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch theo quyết định phân công, điều động của UBND; của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; của Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y; những người trực tiếp tham gia tiêu huỷ động vật thủy sản buộc phải tiêu hủy (kể cả động vật thủy sản do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, trạm kiểm dịch động vật thu giữ); cán bộ làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch, các đội kiểm dịch cơ động theo quyết định của UBND các cấp được hỗ trợ:

- 100% kinh phí mua trang phục phòng hộ theo yêu cầu thực tế công việc.

- 100.000đ/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000đ/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày Lễ, Tết.

- Hỗ trợ người được trưng tập tham gia công tác phòng, chống dịch theo quyết định của UBND các cấp, mức hỗ trợ 60.000đ/người/ngày công làm việc thực tế.

* Hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh:

Hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản 70% giá trị động vật thủy sản buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan theo giá thị trường tại thời điểm xảy ra dịch.

C. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí khi chưa có dịch: 20.972.341.200 đồng (Hai mươi tỷ, chín trăm bẩy mươi hai triệu, ba trăm bốn mươi mốt nghìn, hai trăm đồng)

- Kinh phí khi có dịch: thực hiện Quyết định số186/QĐ-UBND ngày 06/3/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh và dựa trên yêu cầu thực tế phát sinh trong quá trình chống dịch.

D. TỐ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành liên quan, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản ở các huyện, thị xã, thành phố; theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch; các biện pháp chăn nuôi và nuôi trông thủy sản an toàn dịch bệnh. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tiêm phòng, khử trùng tiêu độc môi trường, giám sát chủ động, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh;

- Chỉ đạo hệ thống thú y phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm kịp thời bao vây, khống chế không để dịch lây lan; Thực hiện giám sát dịch bệnh động vật đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản;

- Phối hợp với UBND các cấp tổ chức tiêm phòng vắc xin đại trà và bổ sung hàng tháng cho đàn gia súc, gia cầm;

- Thực hiện việc kiểm dịch tại gốc; tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với gia súc, gia cầm, thủy sản, sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản. Kiên quyết xử lý những gia súc, gia cầm, thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch;

- Chủ động cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc xin, hóa chất và vật tư thú y để phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản; hướng dẫn kiểm tra việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch; định kỳ báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật tỉnh;

- Phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh kiểm soát chặt chẽ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập vào, xuất ra khỏi tỉnh; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

2. Sở Tài chính

Bố trí nguồn kinh phí phòng, chống dịch đầy đủ và kịp thời, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch theo quy định.

3. Sở Công thương

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra, xử lý các sai phạm trong việc kinh doanh buôn bán, lưu thông vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh; cử cán bộ tham gia các đội kiểm dịch cơ động liên ngành theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.

4. Sở Y tế

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và phòng chống các bệnh lây nhiễm từ động vật sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT, ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và PTNT.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nâng cao nhận thức cho người dân.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn ngân sách đầu tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh đầy đủ, kịp thời.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

Thực hiện quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường trong các hoạt động chăn nuôi, giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; Kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc tiêu hủy gia súc, gia cầm, thủy sản bệnh theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường.

8. Công an tỉnh

Đảm bảo an ninh trật tự khi có dịch bệnh xảy ra; cử cán bộ tham gia các đội kiểm dịch cơ động liên ngành theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản trên địa bàn quản lý;

Chỉ đạo cơ quan chức năng và UBND các xã, phường, thị trấn:

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đến các tầng lớp nhân dân để biết và chủ động thực hiện;

- Giám sát đến tận hộ chăn nuôi, hộ nuôi trồng thủy sản về tình hình dịch bệnh; xử lý kịp thời những ổ dịch xảy ra, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng;

- Tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi theo kế hoạch và hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan thú y.

- Công bố dịch khi đủ điều kiện theo quy định tại Luật Thú y đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định..

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2018. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 46/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2018

Số hiệu: 46/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
Người ký: Nguyễn Hữu Thành
Ngày ban hành: 16/01/2018
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [7]
Văn bản được căn cứ - [6]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 46/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2018

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…