BỘ NÔNG
NGHIỆP
VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4527/QĐ-BNN-TY |
Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2018 |
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ KHẨN CẤP VỚI BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật thú y ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thú y;
Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;
Căn cứ Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ Quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp;
Căn cứ Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam;
Căn cứ Công văn số 10868/VPCP-NN ngày 09/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi”;
Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thú y,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi" kèm theo Quyết định này với các nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung: Chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; khách du lịch, phương tiện đi lại và phương tiện vận chuyển đến từ các nước, vùng đã, đang có dịch bệnh và có nguy cơ lớn xảy ra dịch; hoạt động của cư dân biên giới của Việt Nam và các nước.
- Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh này gây ra.
2. Kế hoạch hành động
a) Tình huống 1: Phòng ngừa khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhiễm vào Việt Nam.
b) Tình huống 2: Xử lý bệnh Dịch tả lợn Châu Phi khi phát hiện tại Việt Nam.
3. Trách nhiệm và cơ chế tài chính
a) Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, mổ lợn, sản phẩm của lợn có trách nhiệm chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh là chính; thường xuyên thực hiện vệ sinh khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất đối với chuồng trại nuôi lợn, nơi buôn bán lợn, sản phẩm lợn, nơi giết mổ lợn và các dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch; xử lý, bố trí kinh phí để tiêu hủy lợn bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương.
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách trung ương và địa phương đảm bảo kinh phí cho các hoạt động phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Ngân sách trung ương: Đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động do cơ quan trung ương thực hiện, bao gồm: chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn vào trong nước, tổ chức giám sát phát hiện và phân lập vi rút, tập huấn, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, gửi mẫu đi nước ngoài, công tác truyền thông, tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn và xử lý môi trường.
- Ngân sách địa phương: Đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện, bao gồm: chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn vào trong nước, giám sát, tập huấn, hội nghị, hội thảo, gửi mẫu xét nghiệm, thông tin tuyên truyền, chi phí cho các hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ chủ lợn, sản phẩm của lợn, triển khai các biện pháp tại chợ lợn, sản phẩm của lợn, mua sắm dụng cụ, bảo hộ lao động, thuốc sát trùng và triển khai tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh và xử lý môi trường.
c) Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng nguồn kinh phí trong dự toán được giao. Trường hợp có nhu cầu bổ sung, cần có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
d) Huy động nguồn kinh phí viện trợ của các tổ chức quốc tế và các nước để triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Kết hợp với các đề án, chương trình, dự án, kế hoạch phòng chống dịch bệnh có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.
Điều 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch.
Tùy theo diễn biến thực tế của dịch và quá trình triển khai công tác phòng chống dịch tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi, bổ sung Kế hoạch này cho phù hợp.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Thú y, Thủ trưởng các đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
BỘ TRƯỞNG |
ỨNG
PHÓ KHẨN CẤP VỚI BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
(Ban
hành theo Quyết định số
4527/QĐ-BNN-TY
ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn)
1.1. Thông tin tóm tắt về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người.
- Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh; ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút. Loài ve mềm (Ornithodoros moubata) có thể làm lây truyền vi rút sang lợn.
- Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có cấu trúc gien ADN với 22 kiểu gien (genotype) khác nhau, nhân lên trong đại thực bào và rất khó hoặc không kích thích sinh ra kháng thể trung hòa trong cơ thể lợn. Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cho lợn.
- Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường. Ở nhiệt độ phòng, vi rút trong huyết thanh lợn sống được 18 tháng, vi rút trong máu giữ trong tủ lạnh có thể sống đến 6 năm. Ở nhiệt độ càng lạnh thì vi rút càng tồn tại lâu.
- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cần được chẩn đoán phân biệt đối với một số bệnh khác trên lợn như Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh lợn, Đóng dấu lợn, Phó thương hàn và một số bệnh gây xuất huyết trên lợn.
Thông tin chi tiết về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại Phụ lục 1.
1.2. Tình hình dịch bệnh trên thế giới
- Năm 1921, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được báo cáo lần đầu tiên tại Kenya, và sau đó đã trở thành dịch bệnh địa phương tại nhiều nước Châu Phi.
- Năm 1957, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện tại Châu Âu và đến nay dịch bệnh này đã xuất hiện ở nhiều nước Châu Âu, trong đó Armenia và Liên bang Nga báo cáo bệnh xuất hiện vào năm 2007 và Azerbaijan vào năm 2008; sau đó bệnh cũng đã được phát hiện tại một số nước Châu Mỹ.
- Năm 2007, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa Châu Âu và Châu Á tại quốc gia Georgia. Đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh địa phương ở nhiều nước trên thế giới.
- Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 10/11/2018, đã có 19 quốc gia gồm: Bỉ, Bun-ga-ri, Cộng hòa Sát, Trung Quốc, Cote D'Ivoire (Bờ biển Ngà), Cộng hòa Séc, E-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Kê-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Môn-đô-va, Ni-giê-ri-a, Ba Lan, Ru-ma-ni, Liên Bang Nga, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn bệnh là trên 372 nghìn con, số lợn chết vì bệnh là trên 123 nghìn con, tổng đàn lợn có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy trên 840 nghìn con.
- Tại Trung Quốc, theo thông tin cập nhật từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 09/11/2018, nước này báo cáo tổng cộng có trên 73 ổ dịch xuất hiện tại 17 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm, Khu tự trị Nội Mông, Thiên Tân, Sơn Tây, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam (tại Simao của thành phố Phổ Nhĩ, cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150km), Hồ Bắc, Giang Tây, Trùng Khánh và Phúc Kiến. Tổng cộng đã có hơn 470 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
1.3. Các biện pháp đã thực hiện ở Trung Quốc
Ngày 03/8/2018, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ra thông báo về tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và chỉ đạo tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn, cụ thể:
- Đối với các trại lợn đã phát hiện dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi thì thực hiện tiêu hủy ngay lập tức toàn bộ đàn lợn; các đàn lợn trong phạm vi bán kính 3km xung quanh ổ dịch cũng buộc phải tiêu hủy.
- Nghiêm cấm vận chuyển lợn sống (lợn nuôi, lợn hoang dã) và các sản phẩm từ thịt lợn chưa qua xử lý nhiệt từ địa phương có nguy cơ cao đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Tăng cường công tác kiểm dịch tại các trang trại chăn nuôi lợn và các cơ sở giết mổ lợn; Tăng cường kiểm soát giết mổ lợn.
- Kiểm soát đường bộ, đường sắt, đường hàng không đối với vận chuyển lợn sống. Thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển.
- Ngày 13/9/2018, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành quy định về mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy là 175 USD/con lợn (không phân biệt lợn to nhỏ).
- Tổ chức kiểm tra lâm sàng gần 1,8 tỷ con lợn tại gần 40 triệu địa điểm (là các cơ sở chăn nuôi, chợ buôn bán, nơi giết mổ và nơi tiêu hủy), cũng như đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm trên 10.000 mẫu và đã phát hiện trên 120 mẫu dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
- Tăng cường các biện pháp vệ sinh, sát trùng phòng bệnh; an toàn sinh học và cấm cho lợn ăn thức ăn thừa của con người mà chưa qua xử lý chín bằng nhiệt độ cao; đặc biệt cấm sử dụng máu lợn làm thức ăn cho lợn.
1.4. Nhận định tình hình
Nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và tại các địa phương có chăn nuôi lợn với số lượng lớn, địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, các vùng có dịch bệnh là rất cao.
Tại Trung Quốc, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín (như đã được phát hiện trên xúc xích đựng trong hành lý của hành khách người Trung Quốc tại sân bay của Hàn Quốc vào ngày 27/8/2018; trong xúc xích của một du khách từ Trung Quốc tại sân bay Hokkaido, Nhật Bản vào ngày 22/10/2018)) cũng có thể đưa vi rút bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
1.5. Căn cứ pháp lý
Luật thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015.
Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thú y.
Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ Quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.
Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; trong đó có nội dung giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng và ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam".
Căn cứ Công văn số 10868/VPCP-NN ngày 09/11/2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về việc ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi”; trong đó có nội dung Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ NN&PTNT ban hành, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
2.1. Mục tiêu chung
Chủ động ngăn chặn, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; khách du lịch, phương tiện đi lại và phương tiện vận chuyển đến từ các nước, vùng đã, đang có dịch bệnh và có nguy cơ lớn xảy ra dịch; hoạt động của cư dân biên giới của Việt Nam và các nước.
- Chủ động giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp lợn mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam để xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do bệnh này gây ra.
Kế hoạch hành động bao gồm các biện pháp cụ thể làm cơ sở cho các Bộ, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện. Các biện pháp cụ thể được xây dựng dựa trên 2 tình huống sau:
Tình huống 1: Phòng ngừa khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa xâm nhiễm vào Việt Nam.
Tình huống 2: Xử lý bệnh Dịch tả lợn Châu Phi khi phát hiện tại Việt Nam.
3.1. Giải pháp tổ chức thực hiện
3.1.1. Khi chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Công điện khẩn số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam; Chỉ thị số 8523/CT-BNN-TY ngày 01/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; các quy định của Luật thú y và văn bản hướng dẫn thi hành Luật thú y.
- Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện "Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi" ở các cấp; tổ chức diễn tập Kế hoạch hành động.
- Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương đặc biệt tại các địa phương giáp biên giới, các địa phương có tổng đàn lợn với số lượng lớn, các địa phương có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ các nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Kịp thời tham mưu và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật ở trung ương theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành.
3.1.2. Khi phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
- Bộ NN&PTNT báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật ở trung ương (sau đây gọi chung là Ban Chỉ đạo quốc gia) theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành; báo cáo, tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, các quy định cụ thể cho phù hợp với tình hình và diễn biến dịch bệnh.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp của địa phương có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện hoặc nằm trong vùng bị dịch uy hiếp quyết định thành lập Ban Chỉ đạo các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành các hoạt động tại địa phương.
- Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện giao ban hàng tuần, đột xuất hoặc giao ban trực tuyến để cập nhật diễn biến dịch bệnh và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
- Các thành viên Ban Chỉ đạo các cấp trực tiếp đến ngay các địa phương có dịch bệnh, có nguy cơ bị dịch bệnh uy hiếp để kiểm tra, đôn đốc và tổ chức các biện pháp chống dịch.
Trên cơ sở bản Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, phê duyệt Kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống nêu trên; Huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh.
3.2. Giải pháp kỹ thuật
3.2.1. Khi chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
3.2.1.1. Giải pháp về kiểm soát vận chuyển
- Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
- Tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
- Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, sân bay, cảng biển đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; đặc biệt chú ý những vị trí thường xuyên vận chuyển lợn từ nước láng giềng vào Việt Nam.
- Tổ chức kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam; bao gồm cả việc kiểm soát, giám sát tại các cửa khẩu; thực hiện xử lý thức ăn thừa có nguồn gốc chế biến từ thịt lợn từ các chuyến bay, tàu biển, phương tiện vận chuyển xuất phát từ vùng, quốc gia có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Trường hợp nghi lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu cần thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Luật an toàn thực phẩm và Thông tư số 74/2011/TT-BNN ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không đảm bảo an toàn.
- Tiêu hủy đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.
3.2.1.2. Giải pháp kiểm dịch nhập khẩu
- Cảnh báo nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ các nước.
- Tạm dừng nhập khẩu lợn, các sản phẩm lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ các tỉnh (vùng) có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Bộ NN&PTNT thông báo tạm dừng nhập khẩu lợn, các sản phẩm lợn vào Việt Nam từ các tỉnh (vùng) của các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Nghiêm cấm mang theo thịt lợn tươi sống hoặc sơ chế dưới dạng quà biếu, xách tay từ khách du lịch, người dân đi lại giữa Việt Nam và các nước.
- Kiểm tra thêm chỉ tiêu Dịch tả lợn Châu Phi đối với động vật, sản phẩm động vật, phụ phẩm dùng cho chăn nuôi đối với những sản phẩm có nguồn gốc từ lợn xuất phát từ các quốc gia đã có bệnh.
3.2.1.3. Giải pháp về quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học
- Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; Xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.
- Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất (như xút NaOH 2%,...); hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.
- Các nội dung cụ thể về việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc được mô tả chi tiết tại Phụ lục 2.
3.2.1.4. Giải pháp về chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh
- Tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh; rà soát các quy trình và điều kiện xét nghiệm phát hiện bệnh; chuẩn bị đầy đủ và sẵn các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch và xét nghiệm bệnh; Chỉ định Phòng thử nghiệm đủ năng lực để phân tích mẫu kiểm tra chỉ tiêu bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, tại các địa phương có nhiều khách du lịch và có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam; các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ, tại các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn hoặc trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích, lạp sườn, ....; Xét nghiệm bổ sung để xác định bằng chứng của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi ở tất cả các mẫu bệnh phẩm của lợn được các tổ chức, cá nhân gửi đến các phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y từ đầu năm 2018 đến nay. Trường hợp phát hiện mẫu dương tính thì phải tổ chức xử lý theo các nội dung của Tình huống 2 (khi phát hiện có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi).
- Hàng tháng, tổ chức giám sát ở các vùng có nguy cơ cao, mật độ chăn nuôi cao,....
3.2.1.5. Giải pháp về hợp tác quốc tế
- Kịp thời cập nhật thông tin về tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở các nước; chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác để có giải pháp quản lý, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ khẩn cấp, đặc biệt để tăng cường, nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh để chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
3.2.1.6. Giải pháp về truyền thông nguy cơ
- Hằng ngày theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh của các nước đang có dịch, nhất là tại Trung Quốc để kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (trang web của Cục Thú y).
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả thú y tại cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ sự nguy hiểm của bệnh, đường lây lan bệnh và các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, nhưng tránh hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội.
3.2.2. Khi phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
3.2.2.1. Giải pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
- Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Trường hợp 01 ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn: Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Việc tiêu hủy cũng được áp dụng đối với các đàn lợn liền kề với đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.
Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của Dịch tả lợn Châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.
- Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong chuồng, dãy chuồng có lợn bệnh; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.
- Các bước tiêu hủy lợn bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được mô tả chi tiết tại Phụ lục 3.
- Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn, sản phẩm của lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
3.2.2.2. Giải pháp khoanh vùng ổ dịch
- Ổ dịch là trại, các trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong 01 đơn vị cấp xã nơi phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
- Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
- Vùng bị dịch uy hiếp: Trong phạm vi 03 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
- Vùng đệm: Trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
3.2.23. Giải pháp dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn
- Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác, có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi). Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh điều chỉnh, xác định vùng bị dịch uy hiếp phù hợp để áp dụng giải pháp dừng vận chuyển.
- Không vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
- Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ cơ sở nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn thì được phép giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Thịt lợn và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.
3.2.2.4. Giải pháp về quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch
- Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh.
- Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch. Các nội dung cụ thể về việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc được mô tả chi tiết tại Phụ lục 2.
- Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.
3.2.2.5. Giải pháp về chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh
- Hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân hoặc lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì báo cơ quan thú y địa phương lấy mẫu (trước khi xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp luật) để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh; cần tập trung đối với đàn lợn tại vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.
- Cơ quan thú y địa phương tổ chức lấy mẫu đối với lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát và gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
3.2.2.6. Giải pháp về hợp tác quốc tế
- Đề nghị FAO chủ trì, phối hợp với OIE thành lập đoàn Đánh giá rủi ro khẩn cấp để có giải pháp tổ chức kiểm soát phòng, chống dịch bệnh phù hợp và hiệu quả.
- Kịp thời và thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở các nước; chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác để có giải pháp quản lý, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả.
- Tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ khẩn cấp, tăng cường, nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh để chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
3.2.2.7. Giải pháp về truyền thông nguy cơ
- Bộ NN&PTNT là cơ quan thông tin chính thức về các trường hợp phát hiện, xác định có các ca bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thông tin chính thức về các ca bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương sau khi đã có thông tin từ Bộ NN&PTNT.
- Hằng ngày cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên các kênh truyền thông và trên trang web của Cục Thú y.
- Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh hàng ngày của các nước đang có dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng tại trung ương và địa phương, các trang điện tử.
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả thú y cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trong đó, Cục Thú y cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông (bao gồm: Đài truyền hình Việt Nam VTV1; Đài truyền hình kỹ thuật số VTC14, VTC16; Đài tiếng nói Việt Nam VOV, Đài truyền hình Quốc hội, Báo Nhân dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Tuổi trẻ,...) để tuyên truyền, đưa tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ các biện pháp khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây lan ra diện rộng.
3.3. Cơ chế tài chính
3.3.1. Kinh phí của người dân: Người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, mổ lợn, sản phẩm của lợn có trách nhiệm bố trí kinh phí để chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh là chính; thường xuyên thực hiện vệ sinh khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất đối với chuồng trại nuôi lợn, nơi buôn bán lợn, sản phẩm lợn, nơi giết mổ lợn và các dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch; xử lý, tiêu hủy lợn bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương
3.3.1. Ngân sách nhà nước hỗ trợ có mục tiêu cho các hoạt động phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, cụ thể:
- Ngân sách trung ương: Đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động do cơ quan trung ương thực hiện, bao gồm: chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn vào trong nước, tổ chức giám sát phát hiện và phân lập vi rút, tập huấn, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, gửi mẫu đi nước ngoài, công tác truyền thông.
- Ngân sách địa phương: Đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động do cơ quan địa phương thực hiện, bao gồm: chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng chống dịch, phòng chống buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn vào trong nước, giám sát, tập huấn, hội nghị, hội thảo, gửi mẫu xét nghiệm, thông tin tuyên truyền, chi phí cho các hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ chủ lợn, sản phẩm của lợn, triển khai các biện pháp tại chợ lợn, sản phẩm của lợn, mua sắm dụng cụ, bảo hộ lao động, thuốc sát trùng và triển khai tiêu độc khử trùng, tiêu hủy lợn bệnh, sản phẩm của lợn bệnh và xử lý môi trường.
3.3.3. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng nguồn kinh phí trong dự toán được giao. Trường hợp có nhu cầu bổ sung, cần có văn bản đề xuất Bộ NN&PTNT tổng hợp, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Dự toán kinh phí để các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai các biện pháp phòng và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam trong năm 2018 và 2019 được mô tả tại Phụ lục 4.
3.3.4. Huy động nguồn kinh phí viện trợ của các tổ chức quốc tế và các nước để triển khai các hoạt động phòng chống dịch. Kết hợp với các đề án, chương trình, dự án, kế hoạch phòng chống dịch bệnh có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.
4.1. Tình huống 1: Chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
4.1.1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền các cấp, các sở, ban ngành của địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của Trung ương đóng trên địa bàn tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi qua biên giới. Đặc biệt chỉ đạo việc triển khai các biện pháp áp dụng tại khu vực biên giới.
- UBND cấp tỉnh chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với thành phần đại diện các ban ngành, UBND các huyện các tổ chức chính trị xã hội và chủ các trang trại quy mô nuôi trên 500 con lợn.
- Sở NN&PTNT tổ chức cuộc họp triển khai các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, với thành phần tham dự gồm đại diện Phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y; các công ty, doanh nghiệp và cơ sở chăn nuôi lợn.
- Sẵn sàng tham mưu kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành; thành lập các tổ, đội công tác chuyên trách để ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; triển khai diễn tập ứng phó với các tình huống phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương.
- Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam. Đặc biệt các tỉnh biên giới phía Bắc; trường hợp bắt được các lô hàng lợn sống, sản phẩm của lợn nhập lậu thì chủ trì tiêu hủy.
- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận thôn, bản phát hiện sớm các ổ dịch trên đàn lợn, nhằm bao vây dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp, không để dịch lây lan; nếu phát hiện lợn có biểu hiện của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thì phải báo cáo kịp thời và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016.
- Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
- Tổ chức triển khai Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; sau Tháng cao điểm cần định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao (Phụ lục 3).
- Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống;...); cần tập trung đối với đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các địa phương có nhiều khách du lịch.
- Xây dựng và ban hành “Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm địa bàn”; trong đó cần bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống; tổ chức diễn tập thực hành Kế hoạch hành động. Chủ động quỹ đất sử dụng tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật khi cần thiết; Chủ động dụng cụ gây chết động vật, phương tiện vận chuyển, chôn lấp đảm bảo theo quy định.
- Thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
- Rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết lợn sống trên địa bàn, các cơ sở giết mổ lợn tập trung, đặc biệt các địa bàn có buôn bán lợn sống không rõ nguồn gốc để giám sát.
- Chỉ đạo lực lượng biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường, chính quyền các xã biên giới đấu tranh và xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, vận chuyển lợn sống, sản phẩm của lợn qua biên giới. Tổ chức tiêu hủy tất cả lợn sống và sản phẩm của lợn nhập lậu qua biên giới.
- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường công tác truyền thông về nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn bất hợp pháp. Vận động các tổ chức đoàn thể của địa phương cùng tham gia tuyên truyền.
- Chỉ đạo ngành thú y địa phương tăng cường công tác lấy mẫu giám sát đối với lợn sống nhập lậu, điểm thu gom buôn bán lợn sống và một số trang trại chăn nuôi lợn. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hệ thống thú y của địa phương.
- Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.
- Rà soát, dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt lợn, sản phẩm lợn nếu phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn (hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn con lợn); bao gồm cả hóa chất, dụng cụ và phương tiện vận chuyển từ nơi phát hiện lợn dương tính đến nơi tiêu hủy, nơi chôn hủy.
- Tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn cụ thể theo số trại, số hộ chăn nuôi của từng địa phương (ở cấp xã, huyện, tỉnh) để có số liệu ước tính chính xác kinh phí ứng phó, xử lý và kiểm soát kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.
4.1.2. Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia)
- Ban chỉ đạo 389 quốc gia và Ban chỉ đạo 389 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
- Phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật tổ chức kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh động vật.
4.1.3. Bộ Giao thông vận tải
Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín đến Việt Nam.
4.1.4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Ban hành văn bản bổ sung bệnh Dịch tả lợn Châu Phi thuộc “Danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch”.
- Thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương triển khai diễn tập ứng phó với tình huống phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Chỉ đạo tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh; rà soát các quy trình và điều kiện xét nghiệm phát hiện bệnh; chuẩn bị đầy đủ và sẵn các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch, lấy mẫu và xét nghiệm bệnh; Chỉ định tạm thời các phòng thử nghiệm để chẩn đoán xét nghiệm bệnh dịch tả lợn Châu phi trong số các phòng thử nghiệm được chỉ định.
- Chỉ đạo triển khai các chương trình lấy mẫu giám sát bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên phạm vi toàn quốc.
- Chỉ đạo Cục Thú y lập kế hoạch và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho: Các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, phương pháp lấy mẫu xét nghiệm, phương pháp xử lý đàn lợn mắc bệnh, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
- Chỉ đạo Cục Thú y thành lập Đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
- Chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với FAO, OIE thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ xâm nhập của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào trong nước để tham mưu điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp.
- Chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi tiếp tục nghiên cứu bổ sung và phân tích chuỗi cung ứng lợn để xác định khu vực trọng điểm cần can thiệp mạnh; tiến hành đánh giá rủi ro đối với các hoạt động liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển lợn ở khu vực biên giới.
- Chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lập kế hoạch tuyên truyền, tập huấn việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học đối với trang trại chăn nuôi lợn, cơ sở giết mổ lợn tập trung.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế (FAO, OIE, ASEAN,...), các nước, đặc biệt là Trung Quốc để kịp thời nắm bắt thông tin, tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác về kỹ thuật, tài chính cho việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
- Tổng hợp, đề xuất nhu cầu kinh phí phát sinh phục vụ hoạt động phòng, chống dịch ở Trung ương và địa phương, gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
4.1.5. Bộ Công Thương
- Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để có giải pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường trong nước; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép.
- Chủ trì, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh lợn sống và sản phẩm từ thịt lợn nhập khẩu trái phép.
4.1.6. Bộ Công an
Chỉ đạo lực lượng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo dõi, nắm tình hình, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu; phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng người các hành vi vi phạm pháp luật.
4.1.7. Bộ Quốc phòng
- Chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu và trên biển theo chức năng, nhiệm vụ; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, trên biển kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật;
- Phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý nội bộ; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu.
4.1.8. Bộ Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch; có chuyên mục riêng về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ tác hại của việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, tránh gây hoang mang trong xã hội, từ đó nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân; cùng lên án các hành vi vi phạm, không sử dụng lợn và sản phẩm thịt nhập lậu, không rõ nguồn gốc; đồng thời hướng dẫn các biện pháp chủ động phòng ngừa bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây vào trong nước;
4.1.9. Bộ Tài chính
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT cân đối, bố trí kinh phí chi thường xuyên phục vụ hoạt động phòng chống dịch theo quy định.
- Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công điện hỏa tốc số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Điểm 9), Bộ Tài chính đã có công văn số 11265/BTC-HCSN ngày 17/9/2018 (gửi kèm) đề nghị Bộ NN và PTNT căn cứ các quy định hiện hành đề xuất nhu cầu kinh phí, gửi Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
- Giao Tổng cục Hải quan tăng cường, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát các trường hợp người nhập cảnh từ nước, vùng có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có thể mang theo các sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam; nếu phát hiện thì tịch thu và chuyển cho cơ quan kiểm dịch để xử lý theo quy định theo quy định.
4.1.10. Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan bệnh Dịch tả lợn Châu Phi từ nước ngoài vào Việt Nam.
4.2. Tình huống 2: Phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
4.2.1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
4.2.1.1. Đối với địa phương phát hiện có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, địa phương thuộc phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát
Tổ chức xử lý ổ dịch và chống dịch theo quy định của Luật thú y; Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY và Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; trong đó tập trung thực hiện:
- Tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Tổ chức khoanh vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát; đồng thời thiết lập các trạm, chốt kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn; cũng như các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát ra bên ngoài.
- Tổ chức kiểm soát không để lợn và sản phẩm lợn được vận chuyển ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát; không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng giám sát, vùng bị dịch uy hiếp.
- Tổ chức kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát tại cơ sở, điểm giết mổ lợn dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.
- Tổ chức việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo trong vùng bị dịch uy hiếp; tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/tuần trong vòng 01 tháng trong vùng giám sát.
- Thực hiện việc báo cáo cho Cục Thú y theo đúng quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT; Hằng ngày cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên các kênh truyền thông của địa phương.
- Công bố hết dịch theo quy định của Luật thú y, sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con bệnh cuối cùng mà không có con vật nào mắc bệnh, đồng thời đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch bảo đảm không còn mầm bệnh để phát sinh ổ dịch mới hoặc lây lan sang nơi khác.
- Hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn, sản phẩm lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.
- Cơ quan thú y địa phương tổ chức lấy mẫu đối với lợn nghi mắc bệnh, lợn chết không rõ nguyên nhân để xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp hoặc vùng giám sát.
4.2.1.2. Đối với địa phương chưa có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
- Tổ chức thực hiện các giải pháp đối với trường hợp chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Đối với địa phương chưa có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhưng nằm trong vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát của địa phương/quốc gia đang có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát như ở địa phương đang có dịch.
4.2.2. Bộ NN&PTNT, Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch huy động nguồn lực của địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt dịch bệnh, ngăn chặn dịch lây lan; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức chống dịch bệnh động vật của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dịch.
- Chỉ đạo các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng bố trí cán bộ thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật 24/24 tại các cửa khẩu, cảng biển trên toàn quốc để kịp thời phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.
- Phân công các Đội ứng phó nhanh trực tiếp đến các địa phương để hỗ trợ tổ chức chống dịch.
- Tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm xác định lưu hành bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát và các vùng có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện và xử lý khi phát hiện bệnh.
- Chỉ đạo tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt đặc biệt tại các cơ sở chăn nuôi nằm trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát các vùng chăn nuôi trọng điểm.
- Đề nghị các tổ chức quốc tế, các nước hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, dụng cụ và nguyên vật liệu để tổ chức xử lý ổ dịch, chống dịch bệnh lây lan diện rộng.
- Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật và triển khai việc hỗ trợ phòng, chống dịch.
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phòng, chống dịch bệnh động vật, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra và khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh động vật.
- Tổng hợp, đề xuất nhu cầu kinh phí phát sinh phục vụ hoạt động phòng chống dịch ở Trung ương và địa phương, gửi Bộ Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
4.2.3. Bộ Giao thông vận tải
Chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công an và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát nhằm bảo đảm không để vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các vùng này ra bên ngoài; cũng như không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng giám sát, vùng bị dịch uy hiếp.
4.2.4. Bộ Công Thương
Thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để có giải pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường trong nước; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn trái phép từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát ra bên ngoài.
4.2.5. Bộ Công an
- Chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để điều tra, theo dõi, nắm sát tình hình, lập danh sách các đối tượng có biểu hiện mua bán, vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm từ lợn ra khỏi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát; có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện đấu tranh.
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm soát phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát để thực hiện việc kiểm soát vận chuyển, tiêu thụ lợn, các sản phẩm từ lợn phục vụ việc vệ sinh, sát trùng tiêu độc và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
- Chỉ đạo lực lượng công an cơ sở bám sát tình hình, kịp thời giải quyết các vấn đề phức tạp, không để các đối tượng xấu lợi dụng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi kích động gây phức tạp về an ninh trật tự.
4.2.6. Bộ Quốc phòng
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn có dịch và cử lực lượng hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn lợn, sản phẩm của lợn buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân theo dõi, giám sát, nếu phát hiện lợn có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, kịp thời phối hợp với các cơ quan thú y địa phương, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, trường hợp xác định dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi cần nhanh chóng xử lý ổ dịch theo quy định và theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
4.2.7. Bộ Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp phòng chống dịch; có chuyên mục riêng về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
4.2.8. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT cân đối bố trí kinh phí chống dịch theo khả năng ngân sách; hướng dẫn hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ; hướng dẫn việc hỗ trợ tài chính trong các trường hợp các sản phẩm của lợn buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhưng chưa được quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP; bố trí, bổ sung đủ lượng hóa chất để hỗ trợ các địa phương tổ chức chống dịch bệnh.
4.2.9. Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để nhanh chóng khống chế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan ra diện rộng.
5.1. Ban chỉ đạo quốc gia
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh động vật khi được thành lập là đầu mối điều phối, chỉ đạo các hoạt động ứng phó khẩn cấp trong toàn quốc theo bản Kế hoạch này. Tùy theo tình hình thực tế và diễn biến của dịch, Ban chỉ đạo quốc gia tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cho phù hợp với tình hình thực tế.
5.2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
5.2.1. Cục Thú y
- Tham mưu Bộ NN&PTNT trong việc triển khai các hoạt động tương ứng với các tình huống nêu trên.
- Trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó dịch như: xây dựng kế hoạch ứng phó của địa phương, chuẩn bị vật tư, hóa chất, nhân lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống dịch.
- Là đầu mối chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam. Thực hiện đánh giá nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.
- Ban hành hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý đàn lợn mắc bệnh, tiêu độc khử trùng và xử lý địa bàn khi phát hiện vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn an toàn.
- Phối hợp với Cục Chăn nuôi, các đơn vị chức năng của Bộ Công thương và địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp triển khai các biện pháp xử lý trang trại chăn nuôi lợn, điểm thu gom, buôn bán, giết mổ có lợn mắc bệnh.
- Phối hợp với cơ quan thú y có thẩm quyền của địa phương thực hiện điều tra ổ dịch, giám sát và xử lý ổ dịch.
- Chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng thông điệp truyền thông phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Là đầu mối trong hợp tác quốc tế về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
- Tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị cấp quốc gia, quốc tế về phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại Việt Nam.
5.2.2. Cục Chăn nuôi
- Phối hợp với Cục Thú y trong việc xây dựng các thông điệp truyền thông phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và trực tiếp tham gia công tác truyền thông.
- Ban hành hướng dẫn, phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tập huấn và chỉ đạo các địa phương tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn.
- Phối hợp với Cục Thú y trong việc triển khai các nghiên cứu về chuỗi cung ứng thị trường đối với lợn sống, sản phẩm thịt lợn
- Kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống dịch.
5.2.3. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
- Phối hợp với Cục Thú y trong việc xây dựng các thông điệp truyền thông phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và trực tiếp tham gia công tác truyền thông.
- Tổ chức, phối hợp với Cục Chăn nuôi tập huấn việc dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn; chủ trì xây dựng tài liệu Chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
- Tổ chức tập huấn về Chăn nuôi lợn an toàn sinh học và phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi cho người chăn nuôi lợn trong khu vực chăn nuôi lớn và vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh.
5.2.4. Các đơn vị khác: Các Vụ: Kế hoạch, Tài chính, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Pháp chế, Thanh tra Bộ, Viện Thú y, Viện Chăn nuôi phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị.
5.3. Bộ Tài chính
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch.
- Chỉ đạo lực lượng hải quan chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn sống, sản phẩm từ thịt lợn qua các cửa khẩu biên giới.
5.4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch.
5.5. Bộ Quốc phòng
- Chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn sống, sản phẩm của lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cư dân khu vực biên giới trong công tác phòng chống dịch, phòng ngừa gian lận thương mại và vận chuyển trái phép lợn sống, sản phẩm của lợn qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn lợn, sản phẩm lợn buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
5.6. Bộ Công Thương
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn sống, sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc trên thị trường.
5.7. Bộ Giao thông vận tải
- Ban hành chỉ thị nghiêm cấm các phương tiện vận tải vận chuyển lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm.
- Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thú y, công an đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn sống, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc tại các ga tầu, bến xe, đầu mối giao thông.
5.8. Bộ Công an
- Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với lực lượng chức năng của Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn sống, sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc; khi phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm soát phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát để thực hiện việc kiểm soát vận chuyển, tiêu thụ lợn, các sản phẩm từ lợn để thực hiện việc vệ sinh, sát trùng tiêu độc và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
- Chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm của lợn nhập lậu qua biên giới.
5.9. Bộ Ngoại giao
Chỉ đạo các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài nắm bắt và báo cáo kịp thời diễn biến bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại các nước để tham mưu cho Chính phủ có biện pháp tương ứng.
5.10. Bộ Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
5.11. Bộ Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Bộ NN&PTNT hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
5.12. Bộ Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tổ chức công tác truyền thông nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhập vào trong nước và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ.
5.13. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các Ban, ngành của địa phương và trung ương, trên cơ sở Kế hoạch ứng phó này, xây dựng Kế hoạch của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các cấp, các Ban, ngành của địa phương để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo Kế hoạch của Trung ương và địa phương.
- Chỉ đạo chính quyền các cấp, các Ban, ngành của địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương và theo quy định của pháp luật.
5.14. Đề xuất với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các địa phương chủ động, tham gia cùng chính quyền các cấp, các Bộ, ngành liên quan trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật nói chung và Dịch tả bệnh Châu phi nói riêng có hiệu quả.
Bản kế hoạch này sẽ được cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, kịp thời tùy theo diễn biến của tình hình dịch trên thế giới, trong nước và những thông tin khoa học cập nhật về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; đồng thời sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với quá trình triển khai công tác phòng chống dịch trên thực tế./.
PHỤ LỤC 1:
MỘT
SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
(Ban
hành theo Quyết
định
số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp
và
Phát triển nông thôn)
1. Đặc điểm chung của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
2. Đặc điểm của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi
- Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi được phân chia, sắp xếp vào chi Asfivirus, trong họ Asfarviridae. Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có kích thước lớn (200 nm), có vỏ bọc bên ngoài với cấu trúc khối nhiều mặt (Icoxahedral), kiểu gien di truyền dạng ADN sợi đôi và hiện nay đã phát hiện có tới 22 genotypes, cùng nhiều chủng vi rút có độc lực khác nhau (cao, trung bình và thấp).
- Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính có thể mang vi rút suốt đời. Ngoài ra, ve mềm thuộc chi Ornithodoros là một vector sinh học trong tự nhiên.
- Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao nên vi rút có thể chịu được trong thời gian dài 3-6 tháng; vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56oC trong 70 phút hoặc ở 60oC trong 20 phút. Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong máu khô không được 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày; trong máu lợn ở nhiệt độ 4oC trong 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39oC được 150 ngày; trong giăm bông được 140 ngày và ở nhiệt độ 50oC tồn tại trong 3 giờ.
Trong môi trường không có huyết thanh, vi rút có thể bị phá hủy ở pH< 3,9 hoặc ở pH > 11,5. Môi trường có huyết thanh vi rút có thể tồn tại được ở pH = 13,4 trong 7 ngày; không có huyết thanh vi rút có thể sống được 21 giờ.
Hóa chất để diệt vi rút Dịch tả lợn Châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng Sodium hydroxide với tỉ lệ 8/1.000 hoặc formalin với tỉ lệ 3/1.000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2,3% hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.
Bảng tổng hợp thông tin về sức đề kháng của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
Loại sản phẩm |
Thời gian vi rút tồn tại |
Thịt có xương, thịt nghiền |
105 ngày |
Thịt chế biến ở nhiệt độ 70oC trong 30 phút |
0 |
Thịt khô |
300 ngày |
Thịt xông khói, bỏ xương |
30 ngày |
Thịt đông lạnh |
1.000 ngày |
Thịt mát |
110 ngày |
Thịt chất lượng kém (hỏng) |
105 ngày |
Da/Mỡ (kể cả đã khô) |
300 ngày |
Máu ở nhiệt độ lạnh 4oC |
18 tháng |
Phân lợn ở nhiệt độ thường |
11 ngày |
Thực phẩm thừa bỏ đi (có thịt lợn) |
15 tuần |
Chuồng lợn nhiễm bệnh |
1 tháng |
Nguồn thông tin: FAO
Bảng tổng hợp thông tin về đối tượng cần sát trùng đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Đối tượng cần sát trùng |
Chất sát trùng/hóa chất/quy trình |
Thú sống |
Làm chết lợn (chết nhân đạo) |
Xác thú |
Chôn hoặc đốt |
Nhà nuôi thú/các dụng cụ nuôi |
Xà phòng và chất tẩy rửa, tác nhân oxy hóa và kiềm |
Diệt ve, mòng |
Các hoát chất diệt côn trùng (organophosphates và synthetic pyrethroids) để diệt ve |
Con người |
Xà phòng và chất tẩy rửa |
Các dụng cụ điện |
Phun Formaldehyde |
Thức ăn |
Chôn hoặc đốt |
Chất thải, phân |
Chôn hoặc đốt, axit hoặc kiềm |
Nhà ở của người |
Xà phòng, chất tẩy, các tác nhân ô xy hóa |
Máy móc |
Xà phòng, chất tẩy, và kiềm. |
Phương tiện vận chuyển |
Xà phòng, chất tẩy, và chất kiềm. |
Quần áo |
Xà phòng, chất tẩy chất ô xy hóa và kiềm. |
Máy bay |
Xà phòng, chất tẩy và Virkon. |
Nguồn thông tin: Kế hoạch hành động ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi của Úc.
3. Quá trình gây bệnh và lây lan vi rút Dịch tả lợn Châu Phi
- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày.
- Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.
4. Phân bố của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
- Năm 1921, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên xuất hiện tại Kenya, Châu Phi và sau đó đã trở thành dịch địa phương tại nhiều nước Châu Phi.
- Năm 1957, lần đầu tiên bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện và báo cáo tại châu Âu; bệnh cũng được báo cáo ở các nước châu Mỹ.
- Năm 2007, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được báo cáo xảy ra ở dãy núi Caucasus giữa châu Âu và châu Á tại quốc gia Georgia. Đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trở thành dịch địa phương ở nhiều nước trên thế giới.
- Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 08/11/2018, đã có 19 quốc gia gồm: Bỉ, Bun-ga-ri, Cộng hòa Sát, Trung Quốc, Cote D'Ivoire (Bờ biển Ngà), Cộng hòa Séc, E-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Kê-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Môn-đô-va, Ni-giê-ri-a, Ba Lan, Ru-ma-ni, Liên Bang Nga, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn bệnh là trên 372 nghìn con, số lợn chết vì bệnh là trên 123 nghìn con, tổng đàn lợn có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy trên 840 nghìn con.
Bản đồ thể hiện phân bố của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay (cập nhật vào ngày 18/8/2018).
- Theo thông tin cập nhật từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 08/11/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có trên 58 ổ dịch xuất hiện tại 15 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm, Khu tự trị Nội Mông, Thiên Tân, Sơn Tây, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam (tại Simao của thành phố Phổ Nhĩ, cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150km), Trùng Khánh và Phúc Kiến. Tổng cộng đã có hơn 210 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.
5. Triệu chứng, bệnh tích của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
a) Chẩn đoán lâm sàng
- Lợn bị nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chẩn đoán Dịch tả lợn Châu Phi khó có thể thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng; cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
- Thể quá cấp tính (Peracute) là do vi rút có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
- Thể cấp tính (Acute) là do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-42oC). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ tử chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút Dịch tả lợn Châu Phi trong suốt cuộc đời.
- Thể á cấp tính (Subacute) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình. Chủ yếu được tìm thấy ở châu Âu, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn mang thai sẽ sẩy thai, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỷ lệ chết khoảng 30-70 %. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mãn tính.
- Thể mãn tính (Chronic form) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp, chủ yếu được tìm thấy ở Angola và Châu Âu. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.
b) Bệnh tích
- Thể cấp tính: Xuất huyết nhiều ở các hạch lympho ở dạ dày, gan và thận. Thận có xuất huyết điểm, lá lách to có nhồi huyết. Da có màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng, có các điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong; phù nề trong cấu trúc hạch lâm ba của đại tràng và phần tiếp giáp với túi mật, túi mật sưng.
- Thể mãn tính: Có thể gặp sơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi.
6. Chẩn đoán bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
a) Chẩn đoán phân biệt
- Dịch tả lợn Châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.
- Các bệnh khác cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bao gồm các bệnh: Bệnh tai xanh (PRRS), đặc biệt là thể cấp tính, bệnh Đóng dấu lợn, bệnh Phó thương hàn, bệnh Tụ huyết trùng, bệnh liên cầu khuẩn do Streptococcus suis, bệnh Glasser, bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma gây ra, Hội chứng viêm da sưng thận do PCV2, bệnh giả dại ở lợn choai và bị ngộ độc muối.
b) Lấy mẫu xét nghiệm
- Lấy mẫu máu lợn đang sốt trong giai đoạn đầu, máu được chống đông bằng bổ sung EDTA 0,5%.
- Lách, các hạch bạch huyết, hạch amidan bảo quản ở nhiệt độ 4oC.
- Huyết thanh từ động vật khỏi bệnh, lấy mẫu trong vòng 8-21 ngày sau khi lợn nhiễm bệnh.
c) Xét nghiệm phát hiện vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
- Sử dụng tế bào monocytes sơ cấp của lợn hoặc tế bào tủy xương, phần lớn vi rút Dịch tả lợn Châu Phi phân lập được sẽ sinh ra Haemadsorption.
- Phát hiện kháng nguyên bằng phương pháp Fluorescent antibody test (FAT) kết quả dương tính của FAT cùng với các triệu chứng và các tổn thương có thể sơ bộ xác định bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.
- Phương pháp PCR thường và Real-time PCR: Là kỹ thuật cần thiết đối với việc xét nghiệm các mẫu lợn nghi bị nhiễm vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
- Tiêm động vật thí nghiệm: Hiện không được khuyến cáo sử dụng phương pháp này vì nguy cơ lây lan bệnh cao.
- Kiểm tra huyết thanh bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bằng kỹ thuật ELISA (Enzyme - linked immunosorbent assay) hoặc IFA (Indirect fluorescent antibody (IFA).
7. Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị được Dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; Kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và đang áp dụng./.
HƯỚNG
DẪN VỀ VỆ SINH, KHỬ TRÙNG VÀ TIÊU ĐỘC
(Ban
hành theo Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và
Phát
triển nông thôn)
1. Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu độc
1.1. Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp.
1.2. Hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường; phải phù hợp với đối tượng khử trùng tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh.
1.3. Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa).
1.4. Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích.
2. Loại hóa chất sát trùng
2.1. Hóa chất sát trùng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
2.2. Vôi bột, vôi tôi, nước vôi, xà phòng, nước tẩy rửa.
2.3. Loại hóa chất sát trùng khác theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.
3. Đối tượng vệ sinh, khử trùng tiêu độc
3.1. Cơ sở chăn nuôi lợn tập trung.
3.2. Hộ gia đình có chăn nuôi lợn.
3.3. Cơ sở sản xuất lợn giống.
3.4. Cơ sở giết mổ lợn.
3.5. Cơ sở sơ chế, chế biến thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn.
3.6. Chợ buôn bán lợn và sản phẩm của lợn.
3.7. Địa điểm thu gom lợn và sản phẩm của lợn để buôn bán, kinh doanh, nơi cách ly kiểm dịch lợn và sản phẩm của lợn.
3.8. Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy lợn và sản phẩm của lợn nhiễm, nghi nhiễm mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của lợn.
3.9. Trạm, chốt kiểm dịch động vật, chốt kiểm soát ổ dịch.
3.10. Phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn.
Căn cứ đặc điểm cụ thể của địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định khu vực có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao cần phải vệ sinh, khử trùng tiêu độc.
4. Tần suất thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng
4.1. Đối với cơ sở chăn nuôi lợn tập trung: Đột xuất khi có yêu cầu hoặc định kỳ vệ sinh khu vực chăn nuôi, định kỳ thực hiện tiêu độc khử trùng theo lịch của cơ sở và theo các đợt phát động của địa phương.
4.2. Hộ gia đình có chăn nuôi lợn: Định kỳ vệ sinh khu vực chăn nuôi và thực hiện tiêu độc khử trùng theo các đợt phát động của địa phương.
4.3. Cơ sở sản xuất lợn giống: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi đợt xuất chuồng và theo các đợt phát động của địa phương.
4.4. Cơ sở giết mổ lợn: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca giết mổ lợn.
4.5. Cơ sở sơ chế, chế biến thịt lợn, sản phẩm thịt lợn: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất.
4.6. Địa điểm thu gom, chợ buôn bán lợn và sản phẩm của lợn: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán lợn và sản phẩm của lợn sau mỗi phiên chợ. Nơi cách ly kiểm dịch lợn phải định kỳ thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng ít nhất 01 lần trong tuần trong thời gian nuôi cách ly lợn.
4.7. Phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn: Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi lần vận chuyển.
4.8. Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn nhiễm, nghi nhiễm mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau khi hoàn thành việc xử lý, chôn lấp và theo các đợt phát động của địa phương.
4.9. Trạm, chốt kiểm dịch động vật: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng đối với phương tiện vận lợn và sản phẩm của lợn đi qua trạm kiểm dịch.
4.10. Chốt kiểm soát ổ dịch: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng hằng ngày đối với phương tiện vận chuyển đi qua chốt trong thời gian có dịch.
5. Trường hợp có dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn cụ thể về đối tượng, tần suất vệ sinh, khử trùng tiêu độc trên địa bàn vùng có ổ dịch, vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp.
HƯỚNG
DẪN KỸ THUẬT TIÊU HỦY BẮT BUỘC LỢN BỆNH VÀ SẢN PHẨM CỦA LỢN BỆNH
(Ban
hành theo Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và
Phát
triển nông thôn)
1. Nguyên tắc tiêu hủy
a) Phải làm chết động vật bằng điện hoặc phương pháp khác (nếu có).
b) Địa điểm tiêu hủy: phải theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch.
c) Phương tiện, dụng cụ được sử dụng để vận chuyển phụ phẩm và sản phẩm khác đến địa điểm tiêu hủy phải có sàn kín; phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyển đến địa điểm tiêu hủy; người tham gia vào quá trình tiêu hủy lợn bệnh, nghi lợn bệnh cần phải thực hiện vệ sinh, sát trùng để tránh làm lây lan mầm bệnh
2. Biện pháp tiêu hủy
a) Biện pháp chôn lấp.
b) Biện pháp đốt: Đốt bằng lò chuyên dụng hoặc đốt thủ công bằng cách đào hố, cho bao chứa xác động vật, sản phẩm động vật vào hố và đốt bằng củi, than, rơm, rạ, xăng, dầu,..; sau đó lấp đất và nện chặt.
3. Vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đến địa điểm tiêu hủy:
a) Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch, xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển; trường hợp động vật lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển.
b) Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải có sàn kín để không làm rơi vãi các chất thải trên đường đi.
c) Phương tiện vận chuyển xác động vật, sản phẩm động vật phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y ngay trước khi vận chuyển và sau khi bỏ bao chứa xuống địa điểm tiêu hủy hoặc dời khỏi khu vực tiêu hủy.
4. Quy cách hố chôn
a) Địa điểm: Hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ).
b) Kích cỡ: Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn. Ví dụ nếu cần chôn 01 tấn động vật thì hố chôn cần có kích thước là sâu 1,5 - 2m x rộng 1,5 - 2m x dài 1,5 - 2m.
5. Các bước chôn lấp
Sau khi đào hố, rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 01 kg vôi /m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao chứa phải dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.
6. Quản lý hố chôn
a) Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực.
b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn.
c) Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
8. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân khác thực hiện tiêu hủy, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm tuân thủ kỹ thuật theo các quy định tại Phụ lục này./.
DỰ
TOÁN KINH PHÍ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
(Ban
hành theo Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và
Phát
triển nông thôn)
TT |
Nội dung |
Thành tiền (Việt Nam đồng) |
Tổng mục |
|
Năm 2018 |
Năm 2019 |
|||
1 |
Kinh phí kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, điều tra ổ dịch và trực tiếp tham gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại các địa phương |
3.536.161.280 |
3.536.161.280 |
7.072.322.560 |
2 |
Diễn tập ứng phó Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát |
250.000.000 |
250.000.000 |
500.000.000 |
3 |
Tuyên truyền |
2.150.500.000 |
2.150.500.000 |
4.301.000.000 |
4 |
Nghiên cứu về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi |
5.280.837.000 |
- |
5.280.837.000 |
5 |
Kinh phí tổ chức tập huấn, hội nghị |
1.224.918.400 |
1.224.918.400 |
2.449.836.800 |
6 |
Kinh phí lấy mẫu phục vụ công tác phòng, chống dịch |
644.687.000 |
644.687.000 |
1.289.374.000 |
7 |
Kinh phí lấy mẫu giám sát tại cơ sở giết mổ |
1.233.865.000 |
1.233.865.000 |
2.467.730.000 |
8 |
Kinh phí lấy mẫu phục vụ công tác giám sát lợn và sản phẩm lợn nhập khẩu |
142.500.000 |
142.500.000 |
285.000.000 |
9 |
Kinh phí mua hóa chất sát trùng phục vụ phòng chống dịch |
463.500.000 |
463.500.000 |
927.000.000 |
10 |
Kinh phí mua trang thiết bị nâng cao năng lực chẩn đoán |
7.916.460.000 |
7.916.460.000 |
15.832.920.000 |
11 |
Kinh phí xét nghiệm và gửi mẫu đi nước ngoài |
4.231.319.736 |
4.231.319.736 |
8.462.639.472 |
Tổng |
27.074.748.416 |
21.793.911.416 |
48.868.659.832 |
THE
MINISTRY OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT |
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 4527/QD-BNN-TY |
Hanoi, November 15, 2018 |
ON EMERGENCY RESPONSE PLAN FOR AFRICAN SWINE FEVER
MINISTER OF AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT
Pursuant to the Government’s Decree No. 15/2017/ND-CP dated February 17, 2017 on functions, duties, powers and organizational structure of the Ministry of Agriculture and Rural Development;
Pursuant to the Law on Veterinary Medicine dated June 19, 2015;
Pursuant to the Government’s Decree No. 35/2016/ND-CP dated May 15, 2016 elaborating a number of Articles of the Law on Veterinary;
Pursuant to the Government’s Decree No. 02/2017/ND-CP dated January 09, 2017 on policies on assistance in agriculture production for revival of production in areas suffering from losses caused by natural disasters and epidemics;
Pursuant to the Prime Minister’s Decision No. 16/2016/QD-TTg dated April 29, 2016 on establishment, organizational structure and operation of steering committees for animal epidemic prevention and control at all levels;
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Pursuant to the Dispatch No. 10868/VPCP-NN dated November 09, 2018 by the Minister, Chairman of the Office of the Government on promulgation of Emergency Response Plan for African Swine Fever;
Pursuant to the Circular No. 07/2016/TT-BNNPTNT dated May 31, 2016 by the Minister of Agriculture and Rural Development on prevention and control of epidemics of terrestrial animal diseases;
At the request of the Director General of the Department of Animal Health,
HEREBY DECIDES:
Article 1. Emergency Response Plan for African Swine Fever, with the following main contents, is promulgated together with this Decision:
1. Objectives
a) General objectives: Proactive prevention and monitoring, early detection, and effective and timely response with respect to African swine fever (ASF).
b) Specific objectives:
- Minimize the risk of ASF introduction into Vietnam, and control transport, trade and consumption of swine and swine products smuggled, suspected to have been smuggled or of unknown origin; tourists and vehicles from countries and regions previously or currently infected or highly at risk; and activities of people living along the borders between Vietnam and other countries.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2. Action plan
a) Scenario 1: Prevention of ASF prior to its introduction into Vietnam.
b) Scenario 2: Handling of ASF upon its introduction into Vietnam.
3. Responsibilities and financial mechanism
a) Organizations and individuals involved in production, trade, transport and slaughter of swine and swine products shall proactively adopt preventive measures; regularly sanitize swine cages and farms, trading locations of swine and swine products, swine slaughterhouses as well as swine transport tools and vehicles using lime powder or chemicals; sanitize, disinfect and decontaminate personnel and equipment entering and exiting swine farming areas according to husbandry procedures and procedures for sanitation during epidemics; dispose of infected pigs following guidelines from veterinary medicine authorities and local governments and allocate funding for this task.
b) State budget shall distribute targeted funding for ASF prevention and control to central and local government budgets.
- Central government budget shall cover activities of central government authorities, including giving direction for and inspection of prevention and control of ASF and smuggling of swine and swine products; ASF virus monitoring, detection and isolation; training, conferences, seminars and research; shipping of samples internationally; communications operation; disposal of swine and swine products; and environmental remediation.
- Local government budgets shall cover activities of local government authorities, including giving direction for and inspection of prevention and control of ASF and smuggling of swine and swine products; monitoring; training, conferences and seminars; shipping of lab samples; communications operation; assistance for owners of swine and swine products; implementation of the measures in swine and swine product markets; purchase of protective equipment and disinfectants; disinfection and decontamination; disposal of infected swine and swine products; and environmental remediation.
c) Ministries, regulatory bodies and People’s Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “provincial People’s Committees”) shall use their allocated funding proactively. If requiring more funding, they shall submit a request to the Ministry of Agriculture and Rural Development, which will send a consolidated request to the Ministry of Finance and Ministry of Planning and Investment to report to the Prime Minister for consideration and decision.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Article 2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide guidance and cooperate with other relevant Ministries and regulatory bodies and provincial People’s Committees in implementing this Plan.
Based on ASF's progress and prevention and control status, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall consider amendment to this Plan as appropriate.
Article 3. This Decision takes effect from the date on which it is signed. Head of Office of the Ministry of Agriculture and Rural Development, Director General of the Department of Animal Health, heads of relevant units, Chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities and relevant organizations and individuals shall implement this Decision./.
THE
MINISTER
Nguyen Xuan Cuong
EMERGENCY RESPONSE PLAN FOR AFRICAN SWINE FEVER
(Enclosed with Decision No. 4527/QD-BNN-TY dated November 15, 2018 by Ministry of Agriculture and Rural Development)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.1. Overview of African swine fever
- African swine fever (“ASF”) is a dangerous viral infectious disease in swine. It causes high fever and severe hemorrhage and may kill 100% of infected pigs. It is contagious only among pigs (both wild and domesticated) and does not spread to other animals. ASF cannot infect humans.
- ASF mainly spreads from infected pigs to healthy pigs; and may indirectly spread via leftover feed, production equipment and tools, and clothing contaminated with African swine fever virus (ASFV). The soft tick (Ornithodoros moubata) is an ASF carrier.
- ASFV has 22 different genotypes, which replicate inside macrophages and partially or completely obstruct the production of antibodies. Vaccines against ASF are not yet available.
- ASFV is highly resistant to the environment. The virus can survive for 18 months in pig serum kept at room temperature and for up to 6 years in refrigerated blood. It thrives in cold temperatures.
- ASF must be differentiated from other swine diseases such as classical swine fever, blue ear pig disease, swine erysipelas, Salmonellosis and some diseases that can cause hemorrhage.
Detailed information on ASF is provided in Appendix 1.
1.2. Global situation of African swine fever
- In 1921, ASF was reported for the first time in Kenya and subsequently became endemic in many African countries.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- In 2007, ASF spread to the Caucasus Mountains in Georgia, which divides Europe and Asia. ASF has now become an endemic disease in many countries around the world.
- According to updates from World Organisation for Animal Health (OIE), from 2017 to November 10, 2018, ASF has been reported in 19 countries, namely Belgium, Bulgaria, Republic of Chad, China, Cote D'Ivoire, Czech Republic, Estonia, Hungary, Kenya, Latvia, Lithuania, Moldova, Nigeria, Poland, Romania, Russia, South Africa, Ukraine and Zambia. Total number of infected pigs is 372 thousand; number of death is 123 thousand; and total number of potentially infected pigs that must be disposed of is over 840 thousand.
- In China, according to updates from OIE and Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO), from August 03, 2018 to November 09, 2018, this country reported a total of 73 hotspots in 17 provinces (including Anhui, Heilongjiang, Henan, Liaoning, Jiangsu, Zhejiang, Jilin, Inner Mongolia, Tianjin, Shanxi, Hunan, Guizhou, Yunnan (in Simao district of Pu'er City, 150 km from the Northwest of Vietnam), Hubei, Jiangxi, Chongqing and Fujian). More than 470 thousand pigs of all kinds have been disposed of.
1.3. Measures taken in China
On August 03, 2018, the Ministry of Agriculture of China issued a notice on the ASF situation and tightened the control over transport of swine and pork products. To be specific:
- All pig herds in infected farms were immediately disposed of; pig herds within a 3-kilometer radius around a hotspot were also disposed of.
- Transport of live pigs (both domesticated and wild) and pork products not heat-treated from high-risk zones was prohibited.
- Pig farms and slaughterhouses were kept in strict quarantine; Control over pig slaughter was tightened.
- Road, railway and air transport of live pigs was under strict control. Vehicles were sanitized, disinfected and decontaminated.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- 1.8 billion pigs in 40 million locations (production facilities, markets, slaughterhouses and disposal sites) underwent clinical examination; 10,000 samples were collected of which 120 were ASF-positive.
- More sanitation and biosafety assurance methods were adopted; feeding human’s leftover raw food to pigs and use of pig blood in pig feed were prohibited;
1.4. Situation assessment
There is a very high risk that ASF will be introduced into Vietnam through transport, trade and consumption of swine and swine products smuggled, suspected to have been smuggled or of unknown origin, especially in provinces near the northern borders and in localities receiving large number of tourists from infected countries and regions.
In China, ASF is spreading to southern provinces near Vietnam; commercial and tourism activities from countries previously or currently affected, especially transport and consumption of pork and even cooked pork products (such as the case where ASF was detected in the sausages in a Chinese passenger’s luggage at a Korean airport on August 27, 2018; or in the sausages carried by a traveler from China at a Hokkaido airport, Japan, on October 22, 2018), may also introduce ASF into Vietnam.
1.5. Legal grounds
Law on Veterinary Medicine dated June 19, 2015.
Government’s Decree No. 35/2016/ND-CP dated May 15, 2016 elaborating a number of Articles of the Law on Veterinary.
Government’s Decree No. 02/2017/ND-CP dated January 09, 2017 on policies on assistance in agriculture production for revival of production in areas suffering from losses caused by natural disasters and epidemics (hereinafter referred to as “Decree No. 02/2017/ND-CP”).
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Prime Minister’s Dispatch No. 1194/CD-TTg dated September 12, 2018 on measures against introduction of ASF into Vietnam, which assigns to the Ministry of Agriculture and Rural Development (“MARD”) the formulation and promulgation of an action plan for prevention of and emergency response to introduction of ASF into Vietnam, and provision of guidelines for this plan to local governments (hereinafter referred to as “Dispatch No. 1194/CD-TTg”).
Official Dispatch No. 10868/VPCP-NN dated November 09, 2018 by the Minister, Chairman of the Office of the Government on promulgation of “Emergency Response Plan for African Swine Fever”, which assigns the promulgation of this plan and provision of guidelines for this plan to local governments to MARD.
Circular No. 07/2016/TT-BNNPTNT dated May 31, 2016 by Minister of Agriculture and Rural Development on prevention and control of epidemics of terrestrial animal diseases (hereinafter referred to as “Circular No. 07/2016/TT-BNNPTNT")
2.1. General objectives
Proactive prevention and monitoring, early detection, and effective and timely response with respect to ASF.
2.2. Specific objectives
- Minimize the risk of ASF introduction into Vietnam, and control transport, trade and consumption of swine and swine products smuggled, suspected to have been smuggled or of unknown origin; tourists and vehicles from countries and regions previously or currently infected or highly at risk; and activities of people living along the borders between Vietnam and other countries.
- Proactively and strictly monitor and promptly detect ASF cases in Vietnam to handle them thoroughly and prevent widespread infection. Mitigate ASF’s impacts on the economy, society and environment.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Emergency Response Plan for African Swine Fever (hereinafter referred to as "the Plan”) provides specific measures for relevant Ministries and regulatory bodies. These specific measures are formulated based on the following scenarios:
Scenario 1: Prevention of ASF prior to its introduction into Vietnam.
Scenario 2: Handling of ASF upon its introduction into Vietnam.
3.1. Implementing organization
3.1.1. Prior to introduction of ASF into Vietnam
- Provide guidelines for implementation of the Dispatch No. 1194/CD-TTg; Dispatch No. 6741/CD-BNN-TY dated August 30, 2018 by Minister of MARD on proactive prevention of introduction of ASF into Vietnam (“Dispatch No. 6741/CD-BNN-TY“); Directive No. 8523/CT-BNN-TY dated November 01, 2018 by Minister of Agriculture and Rural Development on proactive prevention of introduction of ASF; regulations of the Law on Veterinary Medicine and guidelines for this Law; and inspect and expedite such implementation.
- Develop and implement the Plan at all levels; and organize drills for the Plan.
- Form inspection teams in localities, especially those along borders, those possessing large pig herds, and those receiving large number of tourists and vehicles from countries currently infected with ASF.
- Promptly advise and propose to the Prime Minister establishment of national steering committees for animal epidemic prevention and control at central level according to the Decision No. 16/2016/QD-TTg.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- MARD shall report and propose to the Prime Minister establishment of national steering committees for animal epidemic prevention and control at central level (hereinafter referred to as “national steering committees”) according to the Decision No. 16/2016/QD-TTg; report to and advise competent authorities on promulgation of specific regulations and guidelines as suitable to ASF’s situation and progress.
- Chairpersons of People’s Committees at all levels of infected and high-risk zones have the power to decide establishment of steering committees for animal epidemic prevention and control (hereinafter referred to as “steering committees”) at all levels according to the Decision No. 16/2016/QD-TTg to direct operations in these zones.
- Steering committees at all levels shall organize weekly and/or ad hoc or online briefings to update ASF situation and provide directions.
- Members of steering committees at all levels shall visit the infected and high-risk zones to inspect, expedite and deploy anti-ASF measures.
On the basis of this Plan, People’s Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter collectively referred to as “provinces”) shall formulate and approve detailed emergency response plans based on the abovementioned scenarios for their provinces; and mobilize the whole provincial political system to fight ASF.
3.2. Technical solutions
3.2.1. Prior to introduction of ASF into Vietnam
3.2.1.1. Transport control
- Prohibit all forms of transport, trade, slaughter and consumption of swine and swine products smuggled, suspected to have been smuggled or of unknown origin, including gifting by organizations, individuals and residents near borders.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Increase monitoring of persons and vehicles coming from ASF-infected countries at border checkpoints, border crossings, airports and seaports; and pay special attention to locations where pigs from neighboring countries are frequently transported into Vietnam.
- Control and monitor road vehicles, watercrafts, aircrafts and tourists traveling from countries previously or currently infected to Vietnam and carrying pork, including cooked pork products, and border checkpoints; handle leftover pork from flights, watercrafts and vehicles coming from ASF-infected regions and countries.
- Trace the origin of swine and swine products suspected to have been smuggled according to the Law on Food Safety and Circular No. 74/2011/TT-BNN dated October 31, 2011 by MARD on traceability, recall and handling of unsafe agricultural and forest food.
- Dispose of swine smuggled or suspected to have been smuggled into Vietnam and products thereof.
3.2.1.2. Import quarantine
- Give warnings on risk of ASF introduction.
- Suspend import of swine and swine products, including cooked products, from infected provinces (regions).
- MARD shall announce suspension of import of swine and swine products from infected provinces (regions) of infected countries.
- Prohibit transport of raw or preliminary treated pork in the form of gifts or in carry-on of tourists and civilians traveling between Vietnam and other countries.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3.2.1.3. Animal husbandry management and biosafety
- Enhance biosafe husbandry and good husbandry practices; Build disease-free zones, facilities and facility chains.
- Organize periodical sanitation and decontamination in production areas, markets, points of trade or slaughter of swine and swine products using lime powder or chemicals (such as NaOH 2%, etc.); perform sanitation and decontamination after each market meeting and slaughter shift; disinfect personnel and equipment entering and exiting production areas following husbandry procedures and procedures for sanitation during epidemics.
- Detailed information on sanitation and decontamination is provided for in Appendix 2.
3.2.1.4. Proactive monitoring and warning
- Improve capacity for diagnosis, testing, monitoring, hotspot investigation and response to ASF; review procedures and requirements for ASF testing and detection; prepare all equipment, tools and materials necessary for hotspot monitoring and investigation and ASF testing; designate laboratories capable of testing for ASF.
- Provide guidelines for livestock husbandry practitioners and veterinary medicines authorities at grassroots level on pig herd monitoring; upon detection of infected cases, suspected cases, cases with unknown cause of death, or swine or swine products smuggled, suspected to have been smuggled or of unknown origin, prior to their disposal per the law, their samples shall be taken for ASF diagnosis and testing; focus on pig herds in localities near borders and localities receiving large number of tourists and vehicles from infected countries.
- Sample swine and swine products smuggled or suspected to have been smuggled into Vietnam; infected and suspected cases in slaughterhouses, production facilities or shipments; frozen pork, raw pork, ham, sausages, etc.; Carry out additional tests for ASFV for all samples sent by organizations and individuals to laboratories affiliated to the Department of Animal Health from the beginning of 2018 to date. ASFV-positive cases shall be handled as scenario 2 (Upon introduction of ASF into Vietnam).
- Supervise high-risk zones, areas with high swine concentration, etc. on a monthly basis.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Promptly update ASF situation in other countries; share experience and cooperate to devise effective and timely preventive solutions.
- Develop and launch emergency assistance programs, especially for enhancement of capacity for hotspot investigation, diagnosis, testing and monitoring, and response to ASF, to prevent ASF introduction into Vietnam proactively.
3.2.1.6. Risk communication
- Follow daily ASF situation in infected countries, especially China, to provide information for communication authorities in a timely manner to cover the ASF situation and disseminate anti-ASF measures (website of the Department of Animal Health).
- Disseminate information on ASF to all grassroots veterinary medicines authorities, animal husbandry practitioners and civilians. Such information must include the threats that ASF poses, ASF’s mode of transmission and measures to prevent ASF introduction into Vietnam, and shall not cause any misunderstanding or confusion to the society.
3.2.2. Upon introduction of ASF into Vietnam
3.2.2.1. Disposal of infected and suspected cases
- Swine infected or suspected to be infected with ASF shall not be treated.
- For localities where ASF emerges for the first time in a small livestock production facility or farming household without separate rows of stalls, a market or point of trade of swine and swine products, or a swine slaughterhouse, the whole infected herd must be disposed of within 24 hours from the time ASF infection is confirmed via test result. Pig herds near the infected herd shall also be disposed of regardless of whether they have been tested or not.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- For large farms with multiple separate rows of stalls, all pigs contained in the same row or stall as the infected pig shall be disposed of; and the remaining rows shall be subject to biosafety measures and periodical sampling for monitoring purpose. If ASF is detected or the risk of ASF spreading is high, the whole farm shall be disposed of.
- Procedure for disposal of ASF infected cases and suspected cases is provided for in Appendix 3.
- Owners of disposed swine and swine products are entitled to financial aids as prescribed in the Decree No. 02/2017/ND-CP.
3.2.2.2. ASF localization
- An ASF hotspot is one ASF-positive pig farm or pig farming household or more located in a commune.
- For infected zones, which are communes where a hotspot is located, sanitation and decontamination shall be carried out once a day for the first week; and thrice a week for the following 2-3 weeks. Concurrently, these zones shall be monitored and any pig displaying ASF symptoms or suspected of ASF shall be tested for ASF.
- High-risk zones, which are the areas within a 3-kilometer radius around a hotspot, sanitation and decontamination shall be carried out once a day for the first week; and thrice a week for the following 2-3 weeks. Concurrently, these areas shall be monitored and any pig displaying ASF symptoms or suspected of ASF shall be tested for ASF.
- Buffer zones, which are the areas within a 10-kilometer radius around a hotspot, sanitation and decontamination shall be carried out once a week for the first month. Concurrently, these areas shall be monitored and any pig displaying ASF symptoms or suspected of ASF shall be tested for ASF.
3.2.2.3. Suspension of transport of swine and swine products
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Prohibit transport of piglets and studs to and from infected zones and high-risk zones for repopulation purpose before guidelines from veterinary medicines authorities are issued.
- Swine owners may slaughter ASF-negative swine in the presence of veterinarian officials. Pork and pork products may be sold only in infected zones, high-risk zones and buffer zones.
3.2.2.4. Post-ASF repopulation, biosafety and animal husbandry management
- Enhance biosafe husbandry and good husbandry practices; Build disease-free zones, facilities and facility chains.
- Organize periodical sanitation and decontamination in production areas, markets, points of trade and slaughter of swine and swine products using lime powder or chemicals; perform sanitation and decontamination after each market meeting and slaughter shift; decontaminate personnel and equipment entering or exiting production areas following husbandry procedures and procedures for sanitation during epidemics. Sanitation and decontamination are provided for in Appendix 2.
- Post-ASF repopulation time: 30 days from the date of disposal of infected swine or swine products and implementation of anti-ASF measures according to regulations, production facilities may repopulate 10% of their production capacity. 30 days after repopulation begins, these facilities shall test their repopulated herds for ASF. If a herd is ASF-negative, its production facility may repopulate 100% of its capacity.
3.2.2.5. Proactive monitoring and warning
- Provide guidelines on pig herd monitoring for livestock husbandry practitioners and veterinary medicines authorities; upon detection of infected cases, suspected cases, cases with unknown cause of death, swine or swine products smuggled, suspected to have been smuggled or of unknown origin, prior to their disposal per the law, their samples shall be taken for ASF diagnosis and testing; focus on pig herds in high-risk zones or surveillance zones.
- Local veterinary medicines authorities shall send samples of suspected cases and cases with unknown cause of death in high-risk zones or surveillance zones to laboratories affiliated to the Department of Animal Health to test for ASF.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- FAO shall take charge and cooperate with OIE in establishment of an emergency risk assessment team to produce suitable and effective solutions for ASF prevention and control.
- Promptly and regularly update ASF situation in other countries; share experience and cooperate to devise effective and timely prevention solutions.
- Launch emergency assistance programs, and enhance capacity for hotspot investigation, diagnosis, testing and monitoring and response to ASF to prevent ASF introduction into Vietnam proactively.
3.2.2.7. Risk communication
- MARD shall provide official information on the first ASF cases in Vietnam; provincial People’s Committees shall provide official information on ASF cases in their provinces after receiving information from MARD.
- Update ASF situation on communications channels and website of the Department of Animal Health daily.
- Update daily ASF progress and situation in other infected countries via mass media at central and local levels and on websites.
- Disseminate information on ASF to all grassroots veterinary medicines authorities, animal husbandry practitioners and people. The Department of Animal Health shall provide information on ASF situation and anti-ASF measures, with a focus on ASF containment, for communications authorities (including VTV1; VTC14 and VTC16; Voice of Vietnam, Vietnam National Assembly Television Channel, Nhan Dan Newspaper, Vietnam Agriculture Newspaper, Tuoi Tre News, etc.).
3.3. Financial mechanism
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3.3.2. State budget: State budget shall distribute targeted funding for ASF prevention and control as follows:
- Central government budget shall cover activities of central government authorities, including giving direction for and inspection of prevention and control of ASF and smuggling of swine and swine products; virus monitoring, detection and isolation; training, conferences, seminars and research; shipping of samples internationally; and communications operation.
- Local government budgets shall cover activities of local government authorities, including giving direction for and inspection of prevention and control of ASF and smuggling of swine and swine products; monitoring; training, conferences and seminars; shipping of lab samples; communications operation; assistance for owners of swine and swine products; implementation of measures in swine and swine product markets; purchase of protective equipment and disinfectants; decontamination; disposal of infected swine and swine products; and environmental remediation.
3.3.3. Ministries, regulatory bodies and provincial People’s Committees shall use their allocated funding proactively. If requiring more funding, they shall submit a request to MARD, which will send a consolidated request to the Ministry of Finance and Ministry of Planning and Investment to report to the Prime Minister for consideration and decision.
Cost estimate for prevention of ASF introduction into Vietnam performed by MARD affiliates in 2018 and 2019 is provided for in Appendix 4.
3.3.4. Mobilize aids from international organizations and other countries to prevent and control ASF. Incorporate relevant epidemic prevention and control schemes, programs, projects and plans approved by competent authorities to save state funding.
4.1. Scenario 1: Prior to ASF introduction into Vietnam
4.1.1. Provincial People’s Committees shall:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Preside over meetings about implementation of proactive anti-ASF measures with representatives of regulatory bodies and People’s Committees of their districts, socio-political organizations and owners of farms with more than 500 pigs.
- Departments of Agriculture and Rural Development shall organize meetings about implementation of proactive anti-ASF measures with representatives of Agriculture and Rural Development Committee Divisions/Economic Committee Divisions, livestock production and veterinary medicines stations; companies, enterprises and swine production facilities.
- Be ready to advise and strengthen steering committees at all levels according to the Decision No. 16/2016/QD-TTg; establish ASF response teams; organize drills concerning ASF introduction into their provinces.
- Increase monitoring of persons and vehicles coming from infected countries at border checkpoints and crossings, especially in provinces near the northern borders; and take charge in disposal of shipments of live pigs and pig products smuggled into Vietnam.
- Direct authorities to further monitor ASF in as far as villages and detect hotspots early on to contain the disease when it has infected only a small area; promptly report any pig showing ASF signs and implement epidemic prevention and control measures according to MARD's guidelines in the Circular No. 07/2016/TT-BNNPTNT.
- Closely monitor swine trading, slaughtering and transporting points; perform sanitation and decontamination after each market meeting and slaughter shift; develop plans for closing markets and trading points of swine and swine products, and take handling measures upon ASF detection.
- Launch a sanitation and decontamination month in production areas, markets, trading points and slaughterhouses of swine and swine products using lime powder or chemicals; after this month, perform sanitation and decontamination in high-risk zones periodically (Appendix 3).
- Provide guidelines on pig herd monitoring and application of biosafety measures in husbandry (daily sanitation of stalls and farms; sanitation and decontamination of personnel and vehicles entering or exiting production areas; periodical decontamination of the whole production area; restriction of visits to production facilities, especially those for studs; etc.) for swine producers and grassroots veterinary medicines authorities, with a focus on localities near borders where vehicles arrive from infected countries or welcoming many tourists.
- Develop and promulgate action plans for emergency response to and prevention of ASF introduction into their provinces, which shall distribute sufficient funding for ASF prevention and control and drills thereof. Utilize land to dispose of swine and swine products when necessary; and prepare the tools, vehicles and equipment for such disposal as regulated.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Inspect live swine markets, transshipment points and gathering points in their provinces and slaughterhouses, especially in areas where trade of swine with unknown origin take place, to monitor.
- Direct the border guards, customs authorities, police force, market surveillance force, and governments of communes near borders to control and handle entities involved in cross-border trade and transport of live swine and swine products strictly. Dispose of all live swine and swine products smuggled through borders.
- Direct press agencies of their provinces to enhance communications about risk of ASF introduction into Vietnam via illegal transport and trade of live swine and swine products. Encourage mass organizations in their provinces to participate in such communications.
- Direct veterinary medicines authorities in their provinces to further sample smuggled live pigs, points of gathering and trade of live pigs and some pig farms for monitoring purpose. Organize technical training for the veterinary medicines system in their provinces.
- Prepare all necessary funding, materials, chemicals and equipment; and promptly take preventive measures upon ASF occurrence.
- Review disposal plans, inspect places for burial and cremation of infected and suspected swine and swine products, especially for large-scale disposal (hundreds, thousands or even more), which must specify the chemicals, tools and vehicles to be used from an infected location to a disposal site, and formulate backup plans.
- Enumerate total number of herds of each farm and farming household in each commune, district and province to estimate the exact funding to respond to, handle and control ASF promptly upon its occurrence.
4.1.2. National steering committee against smuggling, commercial frauds and counterfeit goods (National Steering Committee 389)
- National Steering Committee 389 and the steering committee 389 of each province shall focus on prevention, timely detection and strict handling of illegal transport of animals and animal products into Vietnam.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4.1.3. Ministry of Transport shall:
Take charge and cooperate with the Ministry of Culture, Sports and Tourism, Ministry of Public Security, Border Guard High Command, Ministry of Finance and provincial People’s Committees in urgently controlling road vehicles, watercrafts, aircrafts and tourists coming from countries previously or currently infected and carrying pork, including cooked pork, into Vietnam.
4.1.4. Ministry of Agriculture and Rural Development shall:
- Promulgate a document adding ASF to the list of notifiable terrestrial animal diseases.
- Form teams to inspect and expedite implementation of the Prime Minister’s directions stated in the Dispatch No. 1194/CD-TTg and Dispatch No. 6741/CD-BNN-TY in localities.
- Take charge and cooperate with other relevant Ministries and regulatory bodies and local governments in organizing ASF response drills.
- Direct enhancement of capacity for diagnosis, testing, monitoring, hotspot investigation and response to ASF; review procedures and requirements for ASF testing and detection; prepare all equipment, tools and materials necessary for hotspot monitoring and investigation, sampling and testing; designate provisional laboratories to diagnose and test for ASF among designated laboratories.
- Launch programs for ASF sampling for monitoring purpose throughout the country.
- Direct the Department of Animal Health to formulate plans and organize technical training for regional animal quarantine branches, livestock production branches and veterinary medicines branches of provinces on ASF, sampling methods, measures for handling infected herds, sanitation and decontamination.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Direct the Department of Animal Health to cooperate with FAO and OIE in regular assessment of risk of ASF introduction into Vietnam to modify the measures as appropriate.
- Direct the Department of Animal Health and Department of Livestock Production to continue researching and analyzing the swine supply chain to identify key handling areas; and assess the risks related to trade and transport of swine in border areas.
- Direct the Department of Livestock Production and National Agricultural Extension Center to formulate plans for communications and training concerning implementation of biosafety measures in swine farms and slaughterhouses.
- Continue to cooperate closely with international organizations (FAO, OIE, ASEAN, etc.) and other countries, especially China, to obtain information promptly and utilize technical and financial assistance and cooperation for ASF prevention and control.
- Send consolidated requests for funding for ASF prevention and control at central and local levels to the Ministry of Finance to have them appraised and approved by competent authorities as regulated.
4.1.5. Ministry of Industry and Trade shall:
- Regularly monitor the situation of the pork and pork product market to facilitate sale and prevent instability of the domestic market; direct the market surveillance force to tighten control over trade and detect and handle illegal transport and trade of pork and pork products.
- Take charge and continue to implement preventive measures and measures to prevent transport and trade of smuggled raw pork and pork products vigorously.
4.1.6. Ministry of Public Security shall:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4.1.7. Ministry of National Defense shall:
- Direct the border guards and maritime police force to further inspect and control the borders, border checkpoints and seas ex officio; cooperate with local and maritime authorities in timely detection, capture and strict handling of smuggled animals and animal products per the law;
- Cooperate with local governments in raising political awareness, internal management and informing the risks posed by transport and trade of smuggled animals and animal products for people to understand and avoid committing or assisting such acts.
4.1.8. Ministry of Information and Communications shall:
Direct mass communications authorities to provide accurate information on ASF situation and anti-ASF measures for people promptly; and dedicate a separate column for ASF prevention and control.
Communications contents shall include the harm caused by smuggling of animals and animal products, risk of infectious disease transmission, food safety compromise, threat to community health and measures against ASF introduction into Vietnam for grassroots governments, regulatory bodies, mass organizations and people to understand such matters and avoid consuming pork and pork products smuggled or of unknown origin;
4.1.9. Ministry of Finance
- Ministry of Finance shall take charge and cooperate with MARD in balancing and allocating funding from the budget for recurrent expenditures for ASF prevention and control as regulated.
- To perform the tasks assigned in Point 9 of the Dispatch No. 1194/CD-TTg, the Ministry of Finance has sent the Dispatch No. 11265/BTC-HCSN dated September 17, 2018 (enclosed) requesting MARD to submit a funding request to the Ministry of Finance, which will propose it to the Prime Minister according to regulations.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4.1.10. Other relevant Ministries and regulatory bodies shall direct their affiliates to cooperate in implementing the measures against ASF introduction into Vietnam vigorously.
4.2. Scenario 2: ASF hotspot detection
4.2.1. Provincial People’s Committees shall:
4.2.1.1. For infected localities, localities located in infected zones, high-risk zones and surveillance zones
Handle the hotspots and control the epidemic according to regulations in the Law on Veterinary Medicine; Dispatch No. 1194/CD-TTg; Dispatch No. 6741/CD-BNN-TY and Circular No. 07/2016/TT-BNNPTNT, with a focus on the following tasks:
- Dispose of the whole infected herd within 24 hours from the time ASF infection is confirmed via test result.
- Identify infected zones, high-risk zones and surveillance zones; set up stations and posts to control transport of swine and products thereof and checkpoints to sanitize and disinfect vehicles traveling from infected zones, high-risks zones and surveillance zones.
- Prevent transport of swine and swine products from high-risk zones and surveillance zones and transport of piglets and studs to high-risk zones and surveillance zones.
- Control slaughter and trade of pork and pork products in slaughterhouses located in high-risk zones and surveillance zones with supervision from local governments.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Report to the Department of Animal Health according to regulations in the Circular No. 07/2016/TT-BNNPTNT; update ASF situation on local communications channels on a daily basis.
- Declare end of the ASF epidemic according to regulations of the Law on Veterinary Medicine when, 30 days after the date of disposal of the last infected pig, there is no new case and hotspot handling measures have been taken to prevent germ from causing a new hotspot or spreading to another location.
- Offer financial aids to owners whose swine and/or swine products must be disposed of as prescribed in the Decree No. 02/2017/ND-CP.
- Local veterinary medicines authorities shall sample suspected cases and cases with unknown cause of death in high-risk zones and surveillance zones to test for ASF.
4.2.1.2. For ASF-free localities
- Organize implementation of the solutions for scenario 1.
- ASF-free localities located in high-risk zones or surveillance zones shall implement the anti-ASF solutions applied to high-risk zones and surveillance zones.
4.2.2. MARD and standing members of National Steering Committee shall:
- Direct provincial People’s Committees of infected zones to mobilize the resources of their provinces to contain, control and eliminate ASF and prevent the disease from spreading; inspect, monitor and expedite organization of animal epidemic prevention operation of provincial People’s Committees of infected zones.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Dispatch quick response teams to localities to support ASF control operation.
- Monitor and collect samples in high-risk zones and surveillance zones to detect and handle ASF promptly.
- Direct enhancement of biosafe husbandry measures and good husbandry practices, especially for production facilities located in high-risk zones and surveillance zones of key livestock husbandry regions.
- Request assistance in terms of techniques, finance, materials and equipment for ASF containment from international organizations and other countries.
- Propose prevention and control of epidemics of animal diseases and assistance for such task to the Prime Minister.
- Report results of ASF prevention and control, implementation of policies on assistance for ASF prevention and control, remedy for losses caused by ASF and revival of livestock production post ASF to the Prime Minister.
- Send consolidated requests for funding for ASF prevention and control at central and local levels to the Ministry of Finance to have them appraised and approved by competent authorities according to regulations.
4.2.3. Ministry of Transport shall:
Take charge and cooperate with MARD, Ministry of Public Security and provincial People’s Committees in urgent control of road vehicles, watercrafts, aircrafts and tourists coming from infected zones, high-risk zones and surveillance zones to prevent both transport of swine and swine products from these areas and transport of piglets and studs into surveillance zones and high-risk zones.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Regularly monitor the situation of the pork and pork product market to facilitate sale and prevent instability of the domestic market; direct the market surveillance force to take measures to tighten control over trade and detect and handle illegal transport and trade of pork and pork products from infected zones, high-risk zones and surveillance zones.
4.2.5. Ministry of Public Security shall:
- Direct its forces to implement professional measures to investigate, monitor and grasp the situation; compile a list of entities trading, transporting or consuming swine products from infected zones, high-risk zones and surveillance zones; implement educating measures to prevent and control ASF proactively and promptly.
- Direct the police force to cooperate with regulatory bodies in control of vehicles entering or exiting infected zones, high-risk zones and surveillance zones to control transport and trade of swine and swine products, which supports sanitation and decontamination, and strictly handle violations.
- Direct grassroots police forces to monitor and handle complications promptly, preventing hostile individuals from exploiting ASF to disrupt public order and security.
4.2.6. Ministry of National Defense shall:
- Direct its affiliates in infected zones and give manpower support for disposal of large number of swine and/or swine products.
- Give direction and guidelines for all of its forces on monitoring, cooperation with local veterinary medicines authorities in sampling upon detection of infected or suspected cases, and prompt handling of hotspots according to MARD’s regulations and guidelines.
4.2.7. Ministry of Information and Communications shall:
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4.2.8. Ministry of Finance shall:
Take charge and cooperate with MARD in allocating funding for ASF control as suitable to budget; provide guidelines on financial assistance for owners whose swine must be disposed of according to regulations in the Decree No. 02/2017/ND-CP; provide guidelines on financial assistance for the swine product disposal cases not provided for in the Decree No. 02/2017/ND-CP; and provide sufficient chemicals for ASF control for localities.
4.2.9. Other relevant Ministries and regulatory bodies shall direct their affiliates to implement the measures vigorously to control, handle and prevent hotspots from spreading.
5.1. National Steering Committee
National Steering Committee shall act as the contact point to coordinate and direct the emergency response operations in this Plan throughout the country. Based on the actual situation and progress of ASF, the national committee shall advise and propose the ASF responses to be implemented by Ministries, regulatory bodies and local governments to the Prime Minister.
5.2. Ministry of Agriculture and Rural Development
5.2.1. Department of Animal Health shall:
- Advise MARD on responses to the abovementioned scenarios.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Act as the contact point for ASF prevention and control in Vietnam. Assess risk of ASF introduction into Vietnam.
- Promulgate guidelines on technical measures for disposal of infected herds,, decontamination and handling of infected zones, and safe pig slaughter and pork consumption.
- Cooperate with the Department of Livestock Production, affiliates of the Ministry of Industry and Trade and governments at all levels in implementing measures for handling of infected pig farms and collecting, trade and slaughter points containing infected pigs.
- Cooperate with competent local veterinary medicines authorities in hotspot investigation, monitoring and handling.
- Proactively and closely cooperate with affiliates of the Ministry of Information and Communications in formulating messages on ASF prevention and control.
- Act as the contact point for international cooperation in ASF prevention and control under MARD’s direction.
- Participate in formulation of plans and organization of national and international conferences on prevention and control of ASF in Vietnam.
5.2.2. Department of Livestock Production shall:
- Cooperate with the Department of Animal Health in formulating messages on ASF prevention and control and directly participate in communications operation.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Cooperate with the Department of Animal Health in research on live pigs and pork products supply chains.
- Inspect and expedite ASF prevention and control in localities.
5.2.3. National Agricultural Extension Center shall:
- Cooperate with the Department of Animal Health in formulating messages on ASF prevention and control and directly participate in communications operations.
- Organize training on application of anti-epidemic measures in pig farming in cooperation with the Department of Livestock Production; take charge in formulating documents on biosafe pig farming.
- Organize training on biosafe pig farming and ASF prevention and control for pig producers in large livestock husbandry areas and high-risk zones.
5.2.4. Other units: Planning Department, Finance Department, Science, Technology and Environment Department, Legislation Department, Ministry Inspectorate, National Institute of Veterinary Research and National Institute of Animal Science shall cooperate according to their respective functions and duties.
5.3. Ministry of Finance shall:
- Cooperate with the Ministry of Planning and Investment in reporting funding for ASF prevention and control to the Prime Minister.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
5.4. Ministry of Planning and Investment shall:
Cooperate with the Ministry of Finance in reporting funding for ASF prevention and control to the Prime Minister.
5.5. Ministry of National Defense shall:
- Direct Border Guard forces and maritime police to cooperate with affiliates of other Ministries and regulatory bodies and local governments in preventing smuggling of live swine and swine products through borders, border checkpoints and border crossings and via seas.
- Give directions and guidelines to all units of the army on educating people living near borders in prevention of ASF, trade frauds and illegal transboundary transport of live swine and swine products; and assist disposal of large number of swine and swine products to prevent spread of ASF.
5.6. Ministry of Industry and Trade shall:
Direct the market surveillance force and relevant units to cooperate with the veterinary medicines authorities, police force and transport inspectors in preventing and handling trade and transport of live swine and pork products of unknown origin.
5.7. Ministry of Transport shall:
- Promulgate directives prohibiting transport of swine and pork products of unknown origin and strictly handle offenders.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
5.8. Ministry of Public Security shall:
- Direct the police force to cooperate with affiliates of the Ministry of Industry and Trade, Ministry of Transport, MARD and Ministry of Finance in preventing and handling trade and transport of live swine and pork products of unknown origin; upon detection of ASF, direct the police force to cooperate with competent authorities in control of vehicles traveling to and from infected zones, high-risk zones and surveillance zones to control transport and trade of swine and swine products, carry out sanitation and decontamination, and handle violations strictly.
- Direct the police force to investigate into the entities transporting and trading live swine and swine products through the border.
5.9. Ministry of Foreign Affairs shall:
Direct Vietnamese diplomatic missions to obtain information and report ASF progress in other countries promptly to advise the Government on appropriate measures.
5.10. Ministry of Science and Technology shall:
Cooperate with MARD and the Ministry of Natural Resources and Environment in developing plans for research on scientific and technical solutions for ASF prevention and control.
5.11. Ministry of Natural Resources and Environment shall:
Cooperate with MARD in providing guidelines for environmental remediation measures of service to ASF prevention and control.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Direct press agencies and grassroots radio systems to raise the awareness towards the risk of ASF introduction into Vietnam and measures to mitigate such risk.
5.13. Provincial People’s Committees shall:
- Direct Departments of Agriculture and Rural Development to cooperate with local and central committees and regulatory bodies in formulating and proposing plans for their provinces based on this Plan to competent authorities for approval.
- Assign specific tasks to governments at all levels and local committees and regulatory bodies to implement central and local anti-ASF measures consistently.
- Direct governments at all levels and local committees and regulatory bodies to further inspect and expedite ASF prevention and control according to central and local guidelines and regulations of laws.
5.14. Central Committee of Vietnamese Fatherland Front shall direct local Vietnamese Fatherland Fronts to participate in prevention and control of epidemics of animal diseases in general and ASF in specific with governments at all levels and relevant regulatory bodies efficiently.
This Plan will be updated and modified regularly and promptly based on global and domestic ASF progress and update as well as the actual prevention and control operation.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1. General characteristics of African swine fever
African swine fever (ASF) is a dangerous viral infectious disease. It affects pigs of all ages and kinds (both domesticated and wild), leading to heavy casualty and a death rate as high as 100%. African swine fever virus (ASFV) is highly resistant to the environment. Recovering pigs may carry the virus for long periods of time or even throughout their lifetime, thus, it is difficult to eliminate ASF once it occurs.
2. Characteristics of ASFV
- ASFV is a member of the Asfarviridae family, genus Asfivirus. It is a large, enveloped, icosahedral and double-stranded DNA virus with a size of 200 nm. 22 of its genotypes and multiple strains of different virulence (high, moderate and low) have been discovered.
- ASFV can be found in blood, organs and bodily fluids of ASF infected pigs and pigs dying of this disease. Survivors will carry ASFV in its chronic form for life. Additionally, a natural vector of ASF is the soft tick of the Ornithodoros genus.
- ASFV is highly resistant and can exist in excrement, bodily fluids, carcasses, pork and pork products such as sausages, ham and salami. ASFV persists in low temperatures, especially in raw pork or pork cooked at a moderate to low temperature, where it can survive for 3-6 months; ASFV can be eliminated if heated at 56oC for 70 minutes or at 60oC for 20 minutes. ASFV can also survive in decomposed blood for 15 weeks; in dry blood for less than 70 days; in feces at room temperature for 11 days; in swine blood kept at 4oC for 18 months; in bone-in pork at 39oC for 150 days; in ham for 140 days and at 50oC for 3 hours.
ASFV can be destroyed in a serum-free environment with a pH of less than 3.9 or higher than 11.5. ASFV can survive in serum with a pH of 13.4 for 7 days; and in a serum-free environment for 21 hours.
ASFV can be inactivated by ether, chloroform, iodine compounds, 8/1000 sodium hydroxide (30 minutes), 3/1000 formalin (30 minutes), hypochlorites—2.3% chlorine (30 minutes) and 3% ortho-phenylphenol (30 minutes).
Resistance of African swine fever virus.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Survival duration of virus
Bone-in pork and ground pork
105 days
Pork heat treated at 70oC for 30 minutes
0
Cured pork
300 days
Deboned pork ham
30 days
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1,000 days
Chilled pork
110 days
Poor quality pork (spoiled)
105 days
Skin/Fat (including dry form)
300 days
Blood kept at 4oC
18 months
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
11 days
Food leftover (containing pork)
15 weeks
Cage of infected pig
1 month
Source: FAO
Targets of disinfection for African swine fever
Targets of disinfection
Disinfectant/chemical/procedure
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Humane slaughter
Pig carcasses
Burial or cremation
Pig farming houses/tools
Soaps, cleaning agents, oxidizing agents and alkali
Tick disposal
Tick pesticides (organophosphates and synthetic pyrethroids)
Humans
Soaps and cleaning agents
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Formaldehyde spray
Food
Burial or cremation
Waste and feces
Burial or cremation, acid or alkali
Dwelling
Soaps, cleaning agents and oxidizing agents
Machinery
Soaps, cleaning agents and alkali
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Soaps, cleaning agents and alkali
Clothing
Soaps, cleaning agents, oxidizing agents and alkali
Aircrafts
Soaps, cleaning agents and Virkon
Source: Australian veterinary plan (AUSVETPLAN) disease strategy: African swine fever,
3. Pathogenesis and transmission of ASFV
- The incubation period for ASF is between 3-15 days, and between 3-4 days for the acute form.
- ASFV can be transmitted through the respiratory tract and digestive tract, via direct or indirect contact with infected objects such as farms, stalls, vehicles, tools or clothing, consumption of leftover food containing infected pork or bites of the soft tick.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- In 1921, ASF was reported for the first time in Kenya and subsequently became endemic in many African countries.
- In 1957, ASF was detected and reported in Europe for the first time; it was also reported in American countries.
- In 2007, ASF spread to the Caucasus Mountains in Georgia, which divides Europe and Asia. ASF has now become an endemic disease in many countries around the world.
- According to updates from World Organisation for Animal Health (OIE), from 2017 to November 08, 2018, ASF has been reported in 19 countries, namely Belgium, Bulgaria, Republic of Chad, China, Cote D'Ivoire, Czech Republic, Estonia, Hungary, Kenya, Latvia, Lithuania, Moldova, Nigeria, Poland, Romania, Russia, South Africa, Ukraine and Zambia. Total number of infected pigs is 372 thousand; number of death cases is 123 thousand; and total number of potentially infected pigs that must be disposed of is over 840 thousand.
Current African swine fever distribution map (updated on August 18, 2018).
- In China, according to updates from OIE and Food and Agriculture Organization of the United Nations (FAO), from August 03, 2018 to November 08, 2018, this country reported a total of 58 hotspots in 15 provinces (including Anhui, Heilongjiang, Henan, Liaoning, Jiangsu, Zhejiang, Jilin, Inner Mongolia, Tianjin, Shanxi, Hunan, Guizhou, Yunnan (in Simao district of Pu'er City, 150 km from the Northwest of Vietnam), Hubei, Jiangxi, Chongqing and Fujian). More than 210 thousand pigs of all kinds have been disposed of.
5. ASF symptoms and postmortem findings
a) Clinical diagnosis
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Peracute form is caused by highly virulent ASFV and characterized by quick death with no clinical signs or lying down and high fever before death occurs.
- Acute form is caused by highly virulent ASFV. Pigs contracted this form of ASF have high fever (40.5-42oC). In the first 2-3 days, leucocytes and platelets decrease. Signs include loss of appetite, inactivity, huddling, tendency to lie down in the shade or near water, pain in the abdomen, bowed back, abnormal movements, reddening of the skin, especially bluish-purple discoloration of the pinna, tail, legs, the skin of the chest and abdomen. 1-2 days prior to death, the animals display neurological signs, instable movements, induced heart rate, hyperventilation, dyspnea or bloody froth from the nose, eye inflammation, vomiting, constipation or diarrhea, which may progress from mucoid to bloody. Death occurs between 6 to 13 or 20 days. Pregnant sows may abort at all stages of pregnancy. Lethality can be as high as 100%. Survivors or pigs developing the chronic form usually show no symptom but are ASFV carriers for life.
- Subacute form is caused by moderately virulent ASFV and mostly found in Europe. Infected pigs show less intense symptoms, including mild or fluctuating fever, lack of appetite, weight loss, depression, pneumonia in both lungs, which leads to dyspnea, coughs that bring up sputum and/or superinfection, arthritis and difficulty moving. The disease lasts for 5-30 days. If pericardial effusion (acute or heart failure) occurs, death and/or abortion may happen. Pigs die within 15-45 days. Lethality ranges from 30-70%. The animals can recover or develop chronic ASF.
- Chronic form is caused by moderately or lowly virulent ASFV and mostly found in Angola and Europe. Infected swine display various symptoms such as weight loss, fluctuating fever, respiratory issues, skin necrosis or chronic ulcer, arthritis, myocarditis, porcine pleuropneumonia and arthritis in different joints during development stage. Symptoms last for 2-15 months. Lethality rate is low. Survivors will develop the chronic form.
b) Postmortem findings
- For acute form: hemorrhagic gastrohepatic and renal lymph nodes; renal petechiae; enlarged and infarcted spleen; darkened and edematous skin; hemorrhage in the skin of the abdomen and legs; pericardial or peritoneal effusion; petechiae on the epiglottis, the bladder and the surface of internal organs; edema in the mesenteric structures of the colon and adjacent to the gallbladder; and edematous gallbladder.
- For chronic form: pulmonary mineralization or lymphoid necrosis, enlarged pulmonary lymph nodes, and dry pleurisy.
6. ASF diagnosis
a) Differential diagnosis
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- ASF needs to be differentiated from Porcine Reproductive and Respiratory Syndrome (PRRS), especially its acute form, swine erysipelas, Salmonellosis, pasteurellosis, Streptococcus suis, Glasser’s disease, trypanosomiasis, porcine dermatitis and nephropathy syndrome associated with porcine circovirus 2 infection, pseudorabies in shoats and salt poisoning.
b) Samples
- Blood collected during the early febrile stage in EDTA (0.5%).
- Spleen, lymph nodes and tonsils kept at 4oC.
- Serum collected within 8–21 days after infection in convalescent animals.
c) ASFV detection tests
- Cell culture inoculation (primary cultures of pig monocytes or bone marrow cells - most isolates produce haemadsorption).
- Antigen detection by fluorescent antibody test (FAT) - positive FAT plus clinical signs and appropriate lesions can provide a presumptive diagnosis of ASF.
- Traditional PCR and real-time PCR for testing of suspected cases.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
- Enzyme - linked immunosorbent assay (ELISA) or Indirect fluorescent antibody (IFA) for testing serum.
7. ASF prevention and control
As vaccines and treatment for ASF are not yet available, prevention of this disease is of utmost importance; detection and thoroughly handling of hotspots when they are still small in scale and have not spread; control and quarantine of swine imported or transported; and biosafe husbandry practice are the major measures taken by other countries./.
SANITATION AND DECONTAMINATION GUIDELINES
(Enclosed with Decision No. 4527/QD-BNN-TY dated November 15, 2018 by
Ministry of Agriculture and Rural Development)
1. Rules for sanitation and decontamination
1.1. Personnel performing sanitation and decontamination must be equipped with appropriate protective gear.
1.2. The disinfectants used must be high-level broad-spectrum disinfectants with quick contact time that are non-toxic to humans, domestic animals and the environment; suitable to the objects to be disinfected; and effective for a long period of time.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
1.4. Disinfectants must be mixed and sprayed as prescribed in their manufacturer’s instructions.
2. Types of disinfectants
2.1. Disinfectants included in list of veterinary drugs permitted for sale in Vietnam.
2.2. Lime powder, slaked lime, limewater, soaps and liquid cleaners.
2.3. Other disinfectants provided for by local veterinary medicines authorities.
3. Objects to be disinfected
3.1. Intensive piggeries.
3.2. Pig farming households.
3.3. Stud production premises.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
3.4. Establishments for preliminary treatment and processing of pork and products thereof.
3.6. Swine and swine product markets.
3.7. Places where swine and products thereof are gathered for trade, and quarantine sites for swine and products thereof.
3.8. Disposal sites for infected and suspected cases and products thereof; and swine waste collection and treatment zones.
3.9. Animal quarantine stations and posts, and hotspot control posts.
3.10. Vehicles transporting swine and swine products.
Based on the characteristics of each locality, local veterinary medicines authorities shall identify previously infected zones and high-risk zones that need to be disinfected.
4. Frequency of sanitation and decontamination
4.1. Intensive piggeries shall be sanitized upon request and periodically, and decontaminated as self-scheduled or encouraged by local governments.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
4.3. Stud production premises shall be sanitized and decontaminated every time a batch is sold and as encouraged by local governments.
4.4. Swine slaughterhouses shall be sanitized and decontaminated after each slaughter shift.
4.5. Establishments for preliminary treatment and processing of pork and products thereof shall be sanitized and decontaminated after each shift.
4.6. Gathering places and markets for swine and products thereof shall be sanitized and decontaminated after each market meeting. Swine quarantine sites must be sanitized and decontaminated at least once a week during the period in which the swine are quarantined.
4.7. Vehicles transporting swine and swine products shall be sanitized periodically and decontaminated after each trip.
4.8. Disposal sites for infected and suspected cases and products thereof; and swine waste collection and treatment zones shall be sanitized and decontaminated after disposal or treatment is completed and as encouraged by local governments.
4.9. Vehicles transporting swine and products thereof passing an animal quarantine station or post shall be sanitized and decontaminated.
4.10. Vehicles transporting swine and products thereof passing a hotspot control post during an ASF outbreak shall be sanitized and decontaminated daily.
5. The veterinary medicines authority of an ASF infected locality shall provide specific guidelines on objects to be disinfected and frequency of sanitation and decontamination for the hotspot, infected zone and high-risk zone.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
GUIDELINES FOR COMPULSORY DISPOSAL OF INFECTED SWINE AND
PRODUCTS THEREOF
(Enclosed with Decision No. 4527/QD-BNN-TY dated November 15, 2018 by
Ministry of Agriculture and Rural Development)
1. Disposal rules
a) The animals must be culled using electricity or another method (if any).
b) Disposal shall take place at the site permitted by competent state agencies, prioritizing locations near the infected production area or other suitable locations near the hotspot.
c) Equipment and tools used to transport by-products and other products to disposal sites must have flooring; and undergo sanitation and decontamination before and after transport; participants in disposal of infected and suspected cases must be disinfected to prevent the disease from spreading.
2. Disposal methods
a) Burial.
b) Cremation, including incinerators and pit burning. For pit burning, the carcasses and animal products shall be packed into bags and burned in a pit using wood, coal, straw, gasoline, oil, etc., which shall then be covered over with compacted soil.
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
a) If a disposal site is located outside of the hotspot, before being transported, the animal carcasses and products must be packed into bags, which are then tightly sealed and gathered to be sprayed with disinfectants; if an animal cannot fit inside a bag, it must be laid on top of a sheet made of nylon or another non-absorbent material inside the vehicle’s storage space.
b) Vehicles transporting animal carcasses and products must have flooring to prevent waste spillage on the road.
c) Vehicles transporting animal carcasses and products must be sanitized and decontaminated according to guidelines from veterinary medicines authorities before and after delivering the bags to the disposal site or leaving the disposal site.
4. Disposal pit specifications
a) Location: Disposal pits must be located in an area of sufficient size at least 30 meters away from dwellings, water wells and animal pens, preferably in gardens (fruit gardens or tree plantations).
b) Size: The width of disposal pits must be proportionate to the weight of the animals, animal products and waste to be disposed of. If one tonne of animal is to be buried, the disposal pit must be at least 1.5 - 2m x1.5 - 2m x 1.5 - 2m in size.
5. Disposal procedure
After the disposal pit is created, sprinkle a layer of lime powder over the pit’s bottom (01 kg powder per a square meter), place the bags into the pit, spray disinfectant or sprinkle lime power over the surface, cover it over with soil and press tightly; the bags’ surface must be at least 0.5m lower than ground level; the pit must be covered with at least 1m of soil the surface of which shall be above ground level to prevent water from pooling and causing collapse. Spray disinfectant over the disposal site to complete the disposal.
6. Disposal pit management
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
b) Provincial People’s Committees shall manage and periodically inspect disposal pits, and promptly handle if any pit collapses, subsides, leaks or releases unpleasant smell.
c) Disposal sites must be marked on the commune's map and information thereof shall be archived in commune-level People’s Committees.
8. In case another organization or individual is hired to carry out the disposal, the local veterinary medicines authority shall supervise such disposal to ensure compliance with the techniques prescribed herein./.
COST ESTIMATE FOR PREVENTION AND CONTROL OF AFRICAN SWINE
FEVER
(Enclosed with Decision No. 4527/QD-BNN-TY dated November 15, 2018 by
Ministry of Agriculture and Rural Development)
No.
Item
Amount (VND)
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
2018
2019
1
Inspection, expediting, direction, investigation into hotspots and direct participation in prevention and control of African swine fever (ASF) in localities
3.536.161.280
3.536.161.280
7.072.322.560
2
ASF response drills
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
250.000.000
500.000.000
3
Communications
2.150.500.000
2.150.500.000
4.301.000.000
4
Research on ASF
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
-
5.280.837.000
5
Training and conferences
1.224.918.400
1.224.918.400
2.449.836.800
6
Sampling for ASF prevention and control purpose
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
644.687.000
1.289.374.000
7
Slaughterhouse sampling for monitoring purpose
1.233.865.000
1.233.865.000
2.467.730.000
8
Sampling of imported swine and swine products for monitoring purpose
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
142.500.000
285.000.000
9
Disinfectants for ASF prevention and control
463.500.000
463.500.000
927.000.000
10
Equipment to enhance diagnosis capacity
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
7.916.460.000
15.832.920.000
11
Testing and shipping of samples internationally
4.231.319.736
4.231.319.736
8.462.639.472
Total
27.074.748.416
...
...
...
Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
48.868.659.832
;
Quyết định 4527/QĐ-BNN-TY năm 2018 về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Số hiệu: | 4527/QĐ-BNN-TY |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Nguyễn Xuân Cường |
Ngày ban hành: | 15/11/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 4527/QĐ-BNN-TY năm 2018 về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu Phi do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chưa có Video