BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3748/QĐ-BNN-KH |
Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 2015 |
PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
Căn cứ Pháp lệnh giống cây trồng số 15, Pháp lệnh giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3: Chánh văn phòng Bộ; Tổng cục trưởng các Tổng cục: Thủy sản, Lâm nghiệp; Cục trưởng các Cục: Trồng trọt, Chăn nuôi; Vụ trưởng các Vụ: Kế hoạch, Khoa học công nghệ và MT; Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)
- Phát triển giống cây trồng, vật nuôi trên cơ sở khai thác tối đa nguồn gen cây trồng, vật nuôi trong nước; đồng thời, mở rộng trao đổi nguồn gen với các nước trên thế giới để chọn tạo giống mới đa dạng di truyền, thích hợp với các vùng sinh thái.
- Phát triển giống cây trồng, vật nuôi cần kết hợp đồng bộ giữa nghiên cứu chọn tạo trong nước và nhập nội giống mới từ nước ngoài; kết hợp hài hòa giữa nghiên cứu và sản xuất giống, không chạy theo thành tích về số lượng giống mới được công nhận.
- Phát triển giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Phát triển giống cây trồng, vật nuôi trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh giống; ngân sách nhà nước ưu tiên những nhiệm vụ nghiên cứu phát triển giống mà các thành phần kinh tế khác chưa, hoặc ít quan tâm đầu tư.
1. Mục tiêu chung
Phát triển giống cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, bảo đảm cung cấp đủ giống có chất lượng nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm; góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đến năm 2020
- Ngành trồng trọt: Đảm bảo cung cấp 75% giống lúa xác nhận (hoặc tương đương) và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả được sản xuất từ cây đầu dòng đạt ít nhất 70%, đối với cây hồ tiêu đạt từ 20-30%.
- Ngành lâm nghiệp: Tỉ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận đưa vào sản xuất đạt từ 60 - 70% trở lên; có 90% giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc; ít nhất có 70% cây giống keo và bạch đàn phục vụ trồng rừng sản xuất được nhân từ mô, hom.
- Ngành chăn nuôi: Đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với bò thịt đạt 70%; đối với lợn, gia cầm đạt 90%; bò sữa đạt 100%.
- Ngành thủy sản: Đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng; trong đó, 75% giống các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực là giống sạch một số bệnh nguy hiểm.
2.2. Tầm nhìn đến năm 2030
- Ngành trồng trọt: Đảm bảo cung cấp 90% giống lúa xác nhận (hoặc tương đương) và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả được sản xuất từ cây đầu dòng đạt 90%, riêng giống tiêu đạt khoảng 70%.
- Ngành lâm nghiệp: Tỉ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận đưa vào sản xuất đạt từ 80 - 90% trở lên; 95% giống cung cấp cho trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc; 80-90% cây giống keo và bạch đàn phục vụ trồng rừng sản xuất được nhân từ mô, hom.
- Ngành chăn nuôi: Đảm bảo cung cấp giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đối với bò thịt đạt 80%; đối với lợn, gia cầm đạt 95%.
- Ngành thủy sản: Đảm bảo chủ động cung cấp 100% nhu cầu giống cho nuôi trồng, trong đó 85% là giống sạch một số bệnh nguy hiểm.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIỐNG MỘT SỐ CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI
1. Trồng trọt
1.1. Lúa
a) Lúa thuần
- Định hướng chọn tạo giống: Ưu tiên nghiên cứu chọn tạo và nhập nội những giống lúa ngắn ngày hoặc trung ngày, giống lúa thơm, chất lượng cao; chống chịu với sâu bệnh hại chính. Tiêu chí cụ thể là:
+ Những giống lúa ngắn ngày hoặc trung ngày, chất lượng cao: Năng suất trung bình từ 6,5-7,5 tấn/ha trở lên; hàm lượng Aminoza < 22%; gạo dài, trong, ít hoặc không bạc bụng; thơm hoặc không thơm; khả năng chống chịu sâu bệnh hại chính (đạo ôn, khô vằn, rầy nâu, bạc lá) điểm < 5, riêng giống trung ngày có 1-2 đặc tính kháng cao (điểm < 3); chịu hạn, chịu úng, chịu mặn, với giống trung ngày phải xác định được vùng sinh thái thích hợp; phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu, có giá trị trên 600 USD/tấn.
+ Những giống lúa thơm, chất lượng cao: Năng suất trung bình từ 5,5-6,5 tấn/ha trở lên; có mùi thơm, chất lượng tốt (hàm lượng Aminoza < 22%; gạo dài trên 7mm, trong, không bạc bụng); khả năng chống chịu sâu bệnh hại chính điểm < 5; chịu hạn, chịu úng, chịu mặn; phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu, có giá trị trên 800 USD/tấn.
- Định hướng sản xuất giống:
Nhu cầu giống lúa xác nhận hàng năm khoảng 800 ngàn tấn. Các đơn vị nghiên cứu tập trung sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất các cấp giống tiếp theo. Những doanh nghiệp có giống được công nhận, tổ chức sản xuất giống theo chuỗi: Từ giống gốc, giống siêu nguyên chủng..., đến giống thương phẩm.
b) Lúa lai
- Định hướng chọn tạo giống:
Chọn tạo hoặc nhập nội những giống năng suất cao, trung bình từ 10-12 tấn/ha phục vụ chế biến và làm thức ăn chăn nuôi; những giống chất lượng cao (cơm ngon, có mùi thơm...), năng suất trung bình từ 8-10 tấn/ha; những giống chống chịu bạc lá, đạo ôn và rầy nâu; chịu hạn, chịu úng, chịu mặn.
- Định hướng sản xuất giống:
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa lai cả nước hàng năm khoảng 700 ngàn ha; diện tích sản xuất hạt lai F1 khoảng 8.000 ha, dự kiến quy hoạch ở các tỉnh: Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắc Lắc...
1.2. Ngô
- Định hướng chọn tạo giống:
Chọn tạo những giống lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu; những giống lai chịu lạnh, hạn, úng, phèn...; những giống có hàm lượng Protein cao, sinh khối lợn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; những giống ngô thực phẩm (ngô đường, ngô nếp...) nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất.
- Định hướng sản xuất giống:
Dự kiến nhu cầu hạt giống ngô lai F1 cả nước năm 2020 khoảng 21 ngàn tấn, năm 2030 khoảng 22,5 ngàn tấn. Đến năm 2020, cả nước cần khoảng 6.000 - 7.000 ha để sản xuất hạt lai F1; năm 2030, cần khoảng 6.500-7.500 ha. Các địa phương căn cứ điều kiện tự nhiên, phối hợp với các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu quy hoạch vùng sản xuất hạt lai F1 cung cấp cho sản xuất.
1.3. Cao su
- Định hướng chọn tạo giống:
Trong thời gian tới, đẩy mạnh khai thác quỹ gen hiện có để chọn tạo những dòng, giống mới. Định hướng nghiên cứu là ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến để chọn tạo giống cao su có năng suất mủ cao, sinh khối gỗ lớn và thích nghi rộng.
- Định hướng sản xuất giống:
Giai đoạn 2016-2020, chỉ tập trung sản xuất cây giống phục vụ trồng tái canh khoảng 20-25 ngàn ha/năm. Nhu cầu cây giống hàng năm dao động từ 11,5-14 triệu cây. Giai đoạn sau năm 2020, tùy theo tình hình tiêu thụ mủ cao su trên thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất giống phục vụ trồng mới và trồng tái canh diện tích cao su già cỗi. Phương pháp nhân giống, chủ yếu là ghép chồi.
1.4. Cà phê
- Định hướng chọn tạo giống:
+ Đối với cà phê chè: Chọn tạo hoặc nhập nội những giống có năng suất trung bình từ 3-3,5 tấn nhân/ha, kích thước hạt lớn, chống chịu sâu bệnh, nhất là bệnh gỉ sắt.
+ Đối với cà phê vối: Chọn hoặc nhập nội những giống có năng suất trung bình từ 5-6 tấn nhân/ha, chất lượng tốt (trọng lượng 100 nhân trên 20g), chín muộn, chịu hạn và chống chịu sâu bệnh.
- Định hướng sản xuất giống:
Nhu cầu giống để trồng mới, trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê giai đoạn 2016 - 2020 cả nước khoảng 230 triệu cây và 115 triệu chồi ghép. Trong đó, số lượng giống phục vụ cho trồng tái canh và ghép cải tạo chiếm trên 90%, tập trung ở các tỉnh như sau: Đắk Lắk cần 64,5 triệu cây giống và 7 triệu chồi ghép; Đắk Nông cần 51,3 triệu cây giống và 8,75 triệu chồi ghép; Gia Lai cần 35,7 triệu cây giống và 8,75 triệu chồi ghép; Lâm Đồng cần 52,7 triệu cây giống và 80,5 triệu chồi ghép; Kon Tum cần 5,8 triệu cây giống... Phương pháp sản xuất cây giống từ ghép chồi (khai thác từ vườn cây đầu dòng), sản xuất hạt lai đa dòng và nuôi cấy mô.
1.5. Hồ tiêu
- Định hướng chọn tạo giống:
Trước hết cần thu thập các dòng, giống hồ tiêu hiện có ở các địa phương; tiến hành đánh giá đặc tính của từng dòng, giống để có nguồn vật liệu chọn tạo giống, đồng thời chọn lọc những giống có đặc tính tốt cung cấp cho nhu cầu sản xuất. Phương hướng chọn tạo giống có năng suất cao, trung bình từ 4-5 tấn/ha.
- Định hướng sản xuất giống:
Với diện tích hồ tiêu như hiện nay, hàng năm cả nước cần trồng mới và trồng thay thế khoảng 2.000 ha, nhu cầu giống cần đáp ứng khoảng 4 triệu cành tiêu giống sạch bệnh. Phương pháp sản xuất giống, chủ yếu là giâm cành và ứng dụng nuôi cấy mô để sản xuất cây giống sạch bệnh.
1.6. Điều
- Định hướng chọn tạo giống:
Chọn lọc, đánh giá cây đầu dòng có những đặc tính tốt ở từng tiểu vùng; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội các giống điều mới thích hợp cho từng vùng sinh thái theo hướng năng suất đạt trên 3,5 tấn nhân/ha, tỷ lệ nhân đạt trên 28%, dưới 170 hạt/kg, có thời gian ra hoa rải vụ, chống chịu sâu bệnh, nhất là bệnh thán thư...
- Định hướng sản xuất giống:
Nhu cầu cây giống để trồng tái canh 45.000 ha điều già cỗi khoảng 13,5 triệu cây; nhu cầu chồi để ghép cải tạo 15.000 ha khoảng 22,5 triệu chồi. Nhu cầu cây giống và chồi giống ở các tỉnh như sau: Bình Phước 7,5 triệu cây giống và 7,5 triệu chồi giống; Đồng Nai 2,7 triệu cây giống và 2,7 triệu chồi giống; Bình Thuận 1,5 triệu cây giống và 11,25 triệu chồi giống; Bà Rịa - Vũng Tàu 0,6 triệu cây giống; Gia Lai 1,2 triệu cây giống; Đắk Nông 1,05 triệu chồi giống. Phương pháp sản xuất giống là ghép chồi từ cây đầu dòng, hoặc vườn cây đầu dòng.
1.7. Chè
- Định hướng chọn tạo giống:
Nhập nội và ứng dụng công nghệ mới chọn tạo các giống chè phục vụ nhu cầu các thị trường chè chính của Việt Nam (chè đen cho thị trường Trung đông, Bắc phi, Châu Âu; chè xanh sử dụng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc). Các giống chè mới cần có một số đặc tính cơ bản sau: Với các giống để sản xuất chè đen, cần tăng hàm lượng các men oxy hóa khử; với các giống để sản xuất chè xanh cần có hàm lượng Tanin tổng số dưới 30%, riêng chè xanh đặc sản phục vụ xuất khẩu cần có hàm lượng hợp chất thơm trong nhiên liệu cao hơn các giống chè hiện có.
- Định hướng sản xuất giống:
Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm cần trồng thay thế 4-5 ngàn ha chè già cỗi, nhu cầu khoảng 80-100 triệu cây chè giống; trong đó, 50% dùng để thay các giống chè cũ (để chế biến chè đen), 50% giống chè xanh chất lượng cao (để chế biến chè xanh). Phương pháp nhân giống, chủ yếu là giâm hom (khai thác từ vườn giống gốc, vườn cây đầu dòng).
1.8. Cây ăn quả
- Định hướng chọn tạo giống:
Đối tượng ưu tiên nghiên cứu gồm: Vải, nhãn, chuối, cây có múi, thanh long, xoài. Phương pháp chọn tạo giống chủ yếu là nhập nội và tuyển chọn nhằm nâng cao chất lượng di truyền những giống bản địa. Đối với thanh long chọn tạo những giống đa dạng màu sắc, chất lượng ngon; với cây có múi chọn tạo những giống không hạt, hoặc ít hạt; với xoài, chọn tạo những giống vỏ dày; với nhãn, chọn tạo những giống chống bệnh chổi rồng, thịt quả dày, hạt nhỏ...
- Định hướng sản xuất giống:
Hàng năm, cả nước trồng mới khoảng 12-13 ngàn ha cây có múi, 9.000 ha chuối, 6.500 ha thanh long, 3.000 ha xoài, 2.800-3.000 ha nhãn, vải.... Nhu cầu cây giống hàng năm khoảng 18-20 triệu cây chuối (nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô); 6,5 triệu cây giống thanh long (nhân bằng phương pháp giâm hom); 6 triệu cây có múi, 1,5 triệu cây giống xoài và 1,5 triệu cây nhãn, vải (nhân giống bằng phương pháp ghép)...
1.9. Rau, nấm, hoa
- Định hướng chọn tạo giống:
Với nhóm rau chủ lực (cà chua, dưa chuột, dưa hấu...), định hướng là lai tạo giống F1 năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các vùng sinh thái; nhóm rau bản địa, chọn lọc giống theo hướng giá trị dinh dưỡng và dược lý cao làm rau xanh và thực phẩm chức năng; nhóm rau không có điều kiện ra hoa ở Việt Nam (cà rốt, bắp cải, hành tây...), nhập nội để khảo nghiệm. Với giống nấm; chọn tạo giống đồng thời đi theo hai hướng, chọn lọc giống bản địa và nhập nội. Các loại hoa, cần nghiên cứu lai tạo những giống có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái Việt Nam, công nhận giống để sản xuất hoa xuất khẩu.
- Định hướng sản xuất giống:
+ Nhóm rau chủ lực, cơ bản do sản xuất trong nước đảm nhiệm. Nhóm rau không có điều kiện ra hoa ở Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu hạt giống.
+ Giống nấm: Nhu cầu hàng năm khoảng 500 ngàn ống giống gốc; 1 triệu ống giống cấp 1; 2 triệu bình giống cấp 2 để sản xuất khoảng 50 triệu bịch nấm thương phẩm; sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu từ phương pháp nuôi cấy bào tử.
+ Một số loại hoa chủ lực (cúc, hồng, lan hồ điệp,...): Sản xuất giống trong nước đáp ứng 100% bằng phương pháp nuôi cấy mô, giâm cành và ghép; với giống hoa ly, phải nhập khẩu.
2. Lâm nghiệp
2.1. Loài cây chủ lực ưu tiên phát triển giống
- Nhóm cây lấy gỗ sinh trưởng nhanh: Các giống keo, bạch đàn và các giống khác được công nhận.
- Nhóm cây bản địa: Dầu rái, Sao đen, Mỡ, Sa mộc, Vối thuốc, Thông ba lá, Thông đuôi ngựa, Đước đôi, Tràm ta.
- Nhóm cây lâm sản ngoài gỗ: Bời lời đỏ, Mắc-ca, Hồi, Quế, Sơn tra, Thông nhựa, Trôm, Luồng, Xoan chịu hạn.
2.2. Định hướng nghiên cứu, chuyển giao giống
a) Nhóm cây lấy gỗ sinh trưởng nhanh
- Các loài keo vùng thấp: Trong thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu chọn lọc cây trội, tập trung lai giống nhân tạo, xây dựng vườn giống và khảo nghiệm dòng vô tính có năng suất cao và có tính chống chịu, nhân giống sinh dưỡng, phối hợp các biện pháp lâm sinh xây dựng rừng gỗ lớn và rừng nguyên liệu có năng suất cao.
- Các loài bạch đàn: Cần tiếp tục nghiên cứu chọn lọc cây trội, lai giống theo hướng tạo cây gỗ lớn và cây nguyên liệu; xây dựng vườn giống và khảo nghiệm dòng vô tính có năng suất cao và có tính chống chịu; nhân giống sinh dưỡng; phối hợp các biện pháp lâm sinh xây dựng rừng gỗ lớn và rừng nguyên liệu có năng suất cao.
- Các loài thông lấy gỗ: Tiếp tục chọn lọc cây trội và xây dựng các vườn giống tại các vùng sinh thái chính. Nơi có điều kiện sẽ xây dựng cơ sở nhân giống sinh dưỡng hàng loạt trên cơ sở nhập công nghệ của Australia, khảo nghiệm khu vực hóa cho các giống đã chọn lọc, kết hợp các biện pháp lâm sinh để tạo rừng gỗ lớn và rừng nguyên liệu có năng suất cao.
- Ngoài những nghiên cứu trên, cần đẩy mạnh các nội dung sau:
+ Xây dựng các khảo nghiệm mở rộng đồng bộ các giống trên các lập địa và vùng sinh thái khác nhau; đẩy mạnh thực hiện các dự án sản xuất thử, dự án khuyến lâm; liên kết với các doanh nghiệp để xác định các giống phù hợp cho từng lập địa và từng vùng sinh thái.
+ Nghiên cứu chọn giống và lai giống có định hướng, tạo đa bội và con lai tam bội bất thụ có năng suất, chất lượng cao và tăng sức chống chịu cho nhóm cây trồng rừng chủ lực (Keo lá tràm, Keo tai tượng, Keo lá liềm, keo lai, Bạch đàn urô và bạch đàn lai, Thông caribê,…).
+ Tiếp tục ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu chọn tạo giống bằng chỉ thị phân tử; nghiên cứu chuyển gen tăng chất lượng gỗ và gen chống chịu cho bạch đàn.
+ Khảo nghiệm, đưa nhanh vào sản xuất những giống tiến bộ mới của thế giới, bao gồm cả giống biến đổi gen.
+ Hoàn thiện kỹ thuật nhân giống, phục tráng giống; lưu trữ giống gốc; chuyển giao giống gốc, công nghệ nhân giống mô-hom và sản xuất giống thương mại chất lượng cao cho các đơn vị sản xuất trong nước.
b) Nhóm cây bản địa
Cần nghiên cứu về chọn lọc cây trội (bao gồm cả chọn cây trên đường phố, trong công viên và hộ gia đình), xây dựng các khảo nghiệm hậu thế, khảo nghiệm dòng vô tính, xây dựng vườn giống cây hạt, vườn giống cây ghép, nghiên cứu về bảo quản hạt giống và nhân giống bằng nuôi cấy mô.
c) Nhóm cây lâm sản ngoài gỗ: Thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu:
- Rà soát, đánh giá hiện trạng tài nguyên LSNG làm cơ sở đề xuất quy hoạch, cơ cấu vùng sản xuất, gắn với công nghiệp chế biến trong toàn quốc.
- Nghiên cứu cơ sở khoa học trong chọn giống và cải thiện giống cây trồng LSNG (cây làm gia vị, cây dược liệu, cây lấy sợi, cây lấy tinh dầu) theo hướng năng suất, chất lượng, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu để cung cấp cho sản xuất ở từng vùng kinh tế, sinh thái cụ thể.
- Nghiên cứu đặc điểm sinh lý, sinh thái, đặc điểm di truyền, đặc điểm lâm học một số loài LSNG có giá trị cao (Thảo quả, Sa nhân, Ba kích, Tam thất, Hoàng Bá, Đỗ trọng, Tô mộc,...) làm cơ sở đề xuất biện pháp kỹ thuật thuần hóa, gây trồng thâm canh theo hướng năng suất, chất lượng cao và bền vững.
- Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật gây trồng và phát triển một số LSNG (Trúc, Hồi - Đông Bắc; Quế - Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam; Trẩu, Cánh kiến đỏ - Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; Sở - Đông Bắc và Bắc Trung Bộ...) theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và bền vững cho từng vùng kinh tế sinh thái cụ thể:
2.3. Xây dựng hệ thống nguồn giống
Xác định được các nguồn giống hiện có, xây dựng bổ sung và quản lý tốt hệ thống nguồn giống trong cả nước là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo cung cấp đủ giống có chất lượng di truyền được cải thiện cho nhu cầu trồng rừng. Đồng thời, các nguồn giống cũng là nơi cung cấp những vật liệu cơ bản cho chương trình cải thiện, nâng cao chất lượng giống cây rừng. Những nhiệm vụ chủ yếu cần triển khai thực hiện bao gồm:
- Rà soát lại nguồn giống hiện có với việc ghi nhận và đánh giá các chỉ tiêu chủ yếu như địa điểm và diện tích; chủ sử dụng, loài cây, năng lực sản xuất; phân cấp chất lượng... Trên cơ sở đó lựa chọn lại những nguồn giống tốt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn để tác động, nâng cấp và đưa vào sử dụng.
- Xây dựng bổ sung diện tích nguồn giống còn thiếu, chuyển hóa rừng giống nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu giống cho sản xuất.
- Xây dựng mới nguồn giống chất lượng cao trên cơ sở chọn lọc cây trội, chọn lập địa thích hợp với đặc tính của từng loài cây và áp dụng các biện pháp thâm canh cao. Đây là nguồn giống chất lượng cao cung cấp giống cho trồng rừng.
2.4. Định hướng sản xuất giống
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tập trung sản xuất giống có chất lượng cao cho 25 loài cây trồng rừng chủ lực:
- Đối với các loài (Keo lai, Keo lá tràm, Bạch đàn lai, Bạch đàn urô, Mắc-ca), hướng tới sử dụng 100% giống được nhân giống vô tính (mô, hom, ghép), đặc biệt nâng cao tỷ lệ cây được nhân giống từ nuôi cấy mô.
- Đối với các loài cây bản địa mọc nhanh sử dụng cây giống được nhân từ hạt cần đẩy mạnh việc xây dựng rừng giống, vườn giống chất lượng cao để cung cấp hạt có chất lượng di truyền được cải thiện cho sản xuất.
- Tăng cường việc chuyển giao các giống có năng suất, chất lượng cao đã được công nhận để nhanh chóng đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.
- Xây dựng mạng lưới giống lâm nghiệp có chất lượng cao về phẩm chất di truyền trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn giống đã được tuyển chọn, với sự phối hợp chặt chẽ của mọi tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Chăn nuôi
3.1. Giống lợn
- Định hướng chọn tạo giống:
Trên cơ sở đàn giống gốc ngoại, tạo con giống phục vụ chăn nuôi trang trại (lợn nái có số con sơ sinh trung bình/ổ đạt 11 con, lợn thịt có tỷ lệ nạc từ 58-60%, tăng trọng trung bình/con/ngày đạt 750g); tạo con giống phục vụ chăn nuôi nông hộ (lợn nái có số con sơ sinh trung bình/ổ đạt trên 11 con, lợn thịt có tỷ lệ nạc từ 53-55%, tăng trọng trung bình/con/ngày đạt từ 650-700g); tạo con đực giống có tỷ lệ nạc từ 58-60%, tăng trọng trung bình/con/ngày đạt trên 850g.
- Định hướng sản xuất giống:
+ Các giống chủ lực trong thời gian tới gồm: Duroc (Du), Pietrain (Pi), Landrace (LR), Yorkshire (Y), Móng cái (MC).
+ Xây dựng mạng lưới sản xuất con giống theo mô hình quản lý giống hình tháp, trong đó:
Hệ thống các cơ sở nuôi giữ đàn giống cụ kỵ: Được nuôi giữ tại các cơ sở Nhà nước hoặc tư nhân có đầy đủ điều kiện vật chất, nguồn nhân lực, được các cơ quan chức năng của Nhà nước công nhận.
Hệ thống các cơ sở nuôi giữ đàn lợn ông bà: Nuôi giữ ở Trung tâm giống các tỉnh hoặc các trang trại có quy mô lớn.
Đàn lợn bố mẹ: Nuôi giữ tại các trang trại và gia trại phục vụ việc sản xuất lợn thương phẩm.
+ Ổn định đàn lợn nái khoảng 10% so với tổng đàn. Nhập khẩu và duy trì đàn giống GGP từ 5-6% tổng đàn; đàn giống GP khoảng 20-22% tổng đàn. Hàng năm, cần bổ sung thay thế đàn từ 35-40% (đàn GGP) và 30% (đàn GP).
3.2. Giống gia cầm
a) Giống gà
- Định hướng chọn tạo giống:
Ưu tiên chọn tạo giống gà lông màu theo các hướng (i) Năng suất cao, khối lượng cơ thể sau nuôi 60 ngày đạt trên 2,4 kg/con, sản lượng trứng đạt trên 180 quả/năm, tiêu tốn thức ăn dưới 2,5 kg/kg tăng trọng; (ii) Gà trứng chất lượng cao, sản lượng trứng đạt trên 250 quả/năm, chất lượng trứng phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng, tiêu tốn thức ăn 1,9 kg/10 quả; (iii) Gà thịt chất lượng cao (phục vụ nuôi thả vườn), nuôi 3 tháng rưỡi đạt khối lượng 1,7-1,9 kg/con, tiêu tốn thức ăn từ 3,1-3,2 kg/kg tăng trọng.
- Định hướng sản xuất giống: Xây dựng mạng lưới sản xuất con giống theo mô hình quản lý giống hình tháp. Hàng năm, cần bổ sung nhập giống mới từ 5-10% gà ông bà/tổng đàn gà ông bà, từ 20-30% gà bố mẹ/tổng đàn gà bố mẹ.
+ Gà hướng thịt:
Gà trắng, tập trung cho các năm tới là giống Ross, AA, Hubard, Cobb.... Nguồn giống, chủ yếu là nhập ngoại.
Gà lông màu, những năm tới tập trung các giống: ISA Colour, Sasso, Kabir, Lương Phượng... Nguồn giống, đến năm 2020 sản xuất trong nước đáp ứng 80% đối với giống Lương Phượng, Sasso, Kabir; các giống còn lại chủ yếu nhập ngoại.
+ Gà hướng trứng:
Phương thức nuôi công nghiệp, tập trung các giống: ISA Brow, Hyline, Novogen. Nguồn giống, chủ yếu nhập ngoại.
Phương thức nuôi thả vườn, bán công nghiệp, tập trung các giống: Ai Cập và các tổ hợp lai. Nguồn giống, 100% giống sản xuất trong nước.
+ Gà nội: Tập trung nhân các giống: Ri, Mía, Chọi (Đá; Nòi), Ninh Hòa, Tiên Yên và một số giống gà địa phương khác có lợi thế vùng. Trước hết, cần chọn lọc các giống gà nội có chất lượng theo từng địa phương; tăng cường áp dụng thụ tinh nhân tạo trong nhân giống gà nội, đảm bảo độ đồng đều cho đàn gà thương phẩm.
b) Giống vịt
- Định hướng chọn tạo giống:
Ưu tiên chọn tạo giống vịt thịt theo hướng năng suất cao, khối lượng cơ thể sau nuôi 52-56 ngày đạt 3,6 kg/con, sản lượng trứng đạt 250-260 quả/năm. Với giống vịt chuyên trứng, chọn tạo giống có năng suất đạt 275-280 quả/năm, tiêu tốn thức ăn 2,15 kg/10 quả.
- Định hướng sản xuất giống: Xây dựng hệ thống giống hình tháp; hàng năm, cần bổ sung nhập giống mới từ 10-20% vịt ông bà/tổng đàn vịt ông bà.
+ Vịt chuyên thịt: Tập trung phát triển bộ giống vịt SM, Grimaud. Nguồn giống, 100% giống bố mẹ sản xuất trong nước.
+ Vịt chuyên trứng: Giống Triết Giang, TC, TsN và vịt cỏ. Nguồn giống, tự nhân 100% giống bố mẹ trong nước.
3.3. Giống bò
a) Bò sữa
- Giống chủ lực: Bò lai HF và bò HF thuần.
- Tỷ lệ lai, thuần: Tuyển chọn đàn bò cái nền lai Zêbu để thụ tinh nhân tạo với tinh bò sữa tạo giống bò sữa F1 HF. Tuyển chọn đàn bò cái F1, F2, F3 HF để tiếp tục sử dụng tinh bò HF cao sản lai tạo nhằm nâng cao tỷ lệ máu HF, nhân thuần đàn HF.
- Giống TBKT: Tiếp tục nhập khẩu nguồn gen bò sữa năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển giống bò sữa của các tổ chức, cá nhân.
- Nguồn giống:
+ Về tinh đông lạnh: Tăng cường chọn lọc và loại thải đực giống không đảm bảo chất lượng, nhập những đực giống có tiềm năng năng suất sữa từ 12.000 lít/chu kỳ trở lên, đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ nay đến năm 2020, cần nhập nội 35 con đực giống và 3,7 triệu liều tinh cọng rạ.
+ Về con giống: Đến năm 2020, cơ bản đáp ứng đủ con giống trong nước, chỉ nhập giống làm tươi máu.
b) Bò thịt
- Giống chủ lực: Brahman, Droughmaster, Angus, BBB.
- Tỷ lệ giống bò lai: Nâng tỷ lệ bò lai từ 52% hiện nay lên 70% tổng đàn bò thịt cả nước vào năm 2020.
- Giống TBKT: Tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ³ 70% vào năm 2020.
+ Lai cấp tiến bò địa phương được cải tiến nhằm đạt 75% máu bò thịt chất lượng cao. Bò giết thịt lúc 24 tháng tuổi có khối lượng 280-300kg, tỷ lệ thịt xẻ trên 50%, tỷ lệ thịt tinh trên 40%.
+ Đàn bò thịt chất lượng cao: Bò giết thịt lúc 24 tháng tuổi khối lượng 300-350kg, tỷ lệ thịt xẻ 52%, tỷ lệ thịt tinh 40%.
- Tỷ lệ TTNT: Tỷ lệ sử dụng thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi bò thịt đạt ³ 50% vào năm 2020.
- Nguồn giống trong nước đáp ứng:
+ Đối với giống bò lai: Chủ động được 100% từ nguồn tinh sản xuất trong nước và bò đực lai trong nước.
+ Đối với bò lai chất lượng cao: Nhập bò đực để sản xuất tinh hoặc cho nhảy trực tiếp với đàn bò cái lai cấp tiến trong nước để tạo ra giống bò lai chất lượng cao, đến năm 2020 đạt ³ 10%.
+ Đối với bò chất lượng cao: Nhập khẩu phôi và tinh bò thịt chất lượng cao để tạo ra đàn bò thuần chất lượng cao có khả năng thích nghi với điều kiện thời tiết, khí hậu tại Việt Nam, đáp ứng ³ 5% nhu cầu.
3.4. Giống trâu
- Định hướng chọn tạo giống:
Chọn lọc, cải tạo nâng cao chất lượng giống trâu nội thông qua bình tuyển chọn trâu đực giống, đảm bảo đưa tỷ lệ đực giống tốt chiếm 2-3% so với cái sinh sản, cải tiến tầm vóc đàn trâu lên 8%-10%; tăng tỷ lệ đẻ từ 8-10%/đàn cái sinh sản, nhằm tạo đàn cái nền cho các vùng.
- Định hướng sản xuất giống:
+ Xây dựng hệ thống giống từ Trung ương đến địa phương, liên kết trong sản xuất giống.
+ Tăng cường công tác thụ tinh nhân tạo:
Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đến năm 2020 đạt ³ 2%; đồng thời, sử dụng đực lai F1 làm giống để nâng cao năng suất, chất lượng trâu địa phương.
Khai thác và sản xuất tinh trâu Murrah hiện có ở Việt Nam; đồng thời, nhập tinh trâu Murrah của nước ngoài phục vụ cho công tác thụ tinh nhân tạo phát triển trâu lai theo hướng thịt.
Chọn lọc những trâu đực đặc cấp để khai thác và sản xuất tinh cọng rạ tại các cơ sở giống cung cấp cho các tỉnh phục vụ công tác nhân thuần đàn giống tốt ở các vùng giống.
Tiếp tục nhập tinh, hoặc nhập trâu đực giống một số giống trâu cho năng suất cao trên thế giới để cải tạo đàn trâu trong nước (trâu Murrah, Nili-Ravi từ Ấn Độ, Trung Quốc).
3.5. Giống ong
- Định hướng chọn tạo giống: Duy trì, chọn lọc các giống ong đã có trong nước theo hướng năng suất mật ong đến năm 2020 đạt 42-43 kg/đàn/năm đối với ong Ý (đã du nhập vào nước ta từ những năm 1960), từ 21-23kg/đàn/năm đối với ong nội.
- Định hướng sản xuất giống: Tập trung phát triển ong Ý, nuôi tập trung phục vụ xuất khẩu mật; chủ động 100% giống ong được sản xuất trong nước.
3.6. Giống thỏ
- Định hướng chọn tạo giống: Nhân thuần, chọn lọc đàn thỏ giống từ các giống ngoại (New Zealand, California, Grimaud); cải tiến, nâng cao chất lượng đàn thỏ ở các tỉnh trọng điểm.
- Định hướng sản xuất giống: Nhân giống thỏ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi thỏ tại các vùng trọng điểm theo hình thức trang trại vừa và lớn, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn thực phẩm. Nhu cầu giống thỏ năm 2020 khoảng 1,4 - 1,5 triệu con; đến năm 2030, khoảng 1,9-2,0 triệu con.
4. Thủy sản
4.1. Giống tôm
a) Tôm sú
- Định hướng nghiên cứu giống: Nghiên cứu nâng cao chất lượng tôm sú bố mẹ gia hóa sạch bệnh (tăng trưởng nhanh, kháng bệnh); hoàn thiện công nghệ sản xuất giống.
- Định hướng sản xuất giống:
Kế hoạch nuôi tôm sú đến 2020 dự kiến ở mức sản lượng 300 ngàn tấn, lượng tôm giống tương ứng hàng năm cần khoảng 29 tỷ con. Yêu cầu sản xuất giống đáp ứng 100% nhu cầu nuôi và là giống sạch một số bệnh nguy hiểm.
Với công suất bình quân mỗi cơ sở sản xuất khoảng 30-50 triệu con/năm; đến năm 2020, cả nước cần có 800 cơ sở sản xuất tôm sú giống. Các trại sản xuất tôm giống cần được xây dựng trong khu sản xuất tập trung, đáp ứng điều kiện kỹ thuật và được quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng và sạch một số bệnh nguy hiểm.
b) Tôm thẻ chân trắng
- Định hướng nghiên cứu: Tiếp tục lưu giữ và chọn tạo tôm bố mẹ tôm chân trắng sạch bệnh (tăng trưởng nhanh, kháng bệnh); nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất tôm bố mẹ và tôm giống sạch bệnh, kháng bệnh, tăng trưởng nhanh.
- Định hướng sản xuất giống: Dự kiến kế hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng đến năm 2020 đạt sản lượng 450 ngàn tấn, nhu cầu giống hàng năm khoảng 57 tỷ con, 100% là giống sạch một số bệnh nguy hiểm. Nhu cầu tôm bố mẹ hàng năm khoảng 100 ngàn cặp; đến năm 2020, chủ động sản xuất được 50% tôm bố mẹ trong nước.
c) Tôm hùm
- Định hướng nghiên cứu: Hoàn thiện quy trình công nghệ khai thác và ương giống tôm hùm, nghiên cứu công nghệ sản xuất giống nhân tạo tôm hùm.
- Định hướng sản xuất giống: Đến năm 2020, sản lượng nuôi tôm hùm đạt khoảng 2 ngàn tấn; nhu cầu giống tôm hùm hàng năm khoảng 10 triệu con.
d) Tôm càng xanh
- Định hướng nghiên cứu: Nghiên cứu chọn tạo và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực có tốc độ tăng trưởng nhanh, kháng bệnh và thích nghi với biến đổi khí hậu.
- Định hướng sản xuất giống: Dự kiến đến năm 2020, nhu cầu giống khoảng 2 tỷ con, khả năng sản xuất giống tối thiểu khoảng 25 triệu con/trại, cả nước cần khoảng 80 trại giống. Vùng sản xuất giống tôm càng xanh chủ yếu ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long.
4.2. Giống nhuyễn thể
- Định hướng nghiên cứu: Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống, nâng cao chất lượng giống một số loài nhuyễn thể (ngao/nghêu, tu hài, hàu, sò huyết, bào ngư..). Nghiên cứu phát triển các vùng nuôi nhuyễn thể bố mẹ tập trung để cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống. Nghiên cứu tạo giống nhuyễn thể đa bội, tăng khả năng kháng bệnh, thích nghi tốt với sự biến động về thời tiết và cải thiện tốc độ sinh trưởng.
- Định hướng sản xuất giống: Dự kiến đến năm 2020, sản lượng nhuyễn thể cả nước đạt 584 ngàn tấn, nhu cầu giống nhuyễn thể tương ứng khoảng 50 tỷ con các loại, chủ yếu là ngao/nghêu, trong đó 70% giống được sản xuất nhân tạo. Quy hoạch các vùng nhân giống nghêu ở Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Thái Bình, Nam Định....; vùng sản xuất giống ốc hương ở Khánh Hòa, Ninh Thuận; vùng sản xuất giống tu hài ở Quảng Ninh, Khánh Hòa; vùng nhân giống sò huyết ở Bạc Liêu, Kiên Giang; vùng sản xuất giống hầu Thái Bình Dương ở Quảng Ninh, Khánh Hòa...
4.3. Giống cá tra
- Định hướng nghiên cứu; Nghiên cứu nâng cao chất lượng giống cá tra theo các tính trạng về sinh trưởng, tỷ lệ phile, kháng bệnh, thích nghi biến đổi khí hậu. Hàng năm, bổ sung đàn cá tra bố mẹ chọn tạo cho sản xuất từ 25 - 30%.
- Định hướng sản xuất giống: Đến năm 2020, sản lượng cá tra cả nước dự kiến đạt 1,8 triệu tấn; nhu cầu giống cần khoảng 3,5 tỷ con. Hệ thống sản xuất giống cá tra bao gồm Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ và 4 Trung tâm giống của tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Tiền Giang. Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ thực hiện nhiệm vụ chọn giống, cung cấp đàn hậu bị và công nghệ sản xuất giống chất lượng cao. Trung tâm giống các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang là những đơn vị chủ lực sản xuất cá giống.
4.4. Giống cá rô phi
- Định hướng nghiên cứu:
Tập trung nhập nội, lưu giữ và nghiên cứu chọn tạo cá bố mẹ; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống rô phi; phát triển cá rô phi chịu mặn, đơn tính đực không sử dụng hormone; tạo các nguồn giống đảm bảo chất lượng thích nghi với biến đổi khí hậu, tốc độ sinh trưởng nhanh, tỷ lệ phile cao.
- Định hướng sản xuất giống:
Với dự kiến sản lượng cá rô phi năm 2020 đạt 150 ngàn tấn, nhu cầu giống khoảng 400 triệu con. Với khả năng sản xuất giống cá rô phi từ 2-3 triệu con/trại/năm; toàn quốc đến năm 2020, cần có 200 trại giống.
Phát triển đàn cá bố mẹ có chất lượng cao gồm cá rô phi vằn tại Trung tâm chọn giống cá rô phi ở Quảng Nam và cá rô phi đỏ (diêu hồng) tại Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ. Các tỉnh phía Nam, quy hoạch vùng sản xuất giống cá rô phi tập trung ở Đồng Nai và Tiền Giang. Các tỉnh phía Bắc, trước mắt nguồn cung cấp giống từ sản xuất trong nước và một phần nhập khẩu; từ năm 2016, chủ động sản xuất đủ giống chất lượng cao trong nước phục vụ cho cả nuôi nước ngọt và nước lợ.
4.5. Giống một số loài cá biển (chim vây vàng, chẽm, giò, song)
- Định hướng nghiên cứu: Nghiên cứu chọn tạo giống cá biển tăng khả năng kháng bệnh, cải thiện tốc độ sinh trưởng; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống, nâng cao chất lượng giống.
- Định hướng sản xuất giống: Đến năm 2020, chủ động sản xuất 300 triệu con giống cá biển đảm bảo chất lượng, đáp ứng 100% nhu cầu nuôi. Phát triển một số vùng sản xuất giống cá biển tập trung thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng tàu, Kiên Giang...
1. Hoàn thiện hệ thống tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu, sản xuất giống
- Hoàn thiện hệ thống tổ chức các cơ quan nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
+ Hệ thống các Viện, Trường thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền. Đối với các doanh nghiệp, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu chọn tạo giống.
+ Hoàn thiện hệ thống sản xuất và cung ứng giống theo quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 1238/QĐ-BNN-TCLN ngày 28/5/2012, Quyết định số 1683/QĐ-BNN-CN ngày 19/7/2012, Quyết định số 1771/QĐ-BNN-TCTS ngày 27/7/2012. Riêng Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống cây nông nghiệp sẽ phê duyệt sau.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Viện, Trường thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị định sau đây:
+ Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 80/2007/NĐ-CP ngày 19/5/2007 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
+ Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 8/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm giống các tỉnh:
Hiện nay, cả nước còn 52 Trung tâm giống cây trồng, 42 Trung tâm giống vật nuôi là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu chuyển đổi phương thức hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, sau đó tiến hành cổ phần hóa.
- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu, sản xuất giống:
+ Tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phương án Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nông nghiệp và PTNT đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 2534/QĐ-BNN-TCCB ngày 26/10/2011. Trong 5 năm, từ 2016-2020, bình quân mỗi năm đào tạo 185 tiến sỹ; 2.520 thạc sỹ; 18.000 kỹ sư; 25.125 cử nhân trình độ cao đẳng; 28.550 kỹ thuật viên trình độ trung cấp và 36.975 nhân viên kỹ thuật viên trình độ sơ cấp....
+ Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài số lượng và cơ cấu nhân lực đào tạo theo quy hoạch trên; giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề nông nghiệp cho 1,4 triệu lao động nông thôn.
2. Đổi mới và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách nghiên cứu, sản xuất giống đã ban hành
- Về tuyển chọn các đề tài, dự án chọn tạo giống:
+ Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khoa học và Công nghệ; Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ.
+ Tuyển chọn đề tài chọn tạo giống theo hướng ngân sách nhà nước ưu tiên những giống cây con chủ lực phục vụ định hướng lớn của ngành; những cây con có chu kỳ sinh trưởng dài ngày mà các doanh nghiệp, cá nhân chưa, hoặc ít quan tâm nghiên cứu... Khuyến khích các doanh nghiệp đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ chọn tạo giống.
- Về công tác khuyến nông:
Công tác khuyến nông cần được đổi mới từ nội dung, phương pháp hoạt động, cơ cấu đầu tư, quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, đến chính sách. Chính sách khuyến nông cần hướng tới xã hội hóa, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp tham gia chuyển giao giống mới vào sản xuất. Thời gian tới, nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi các quy định liên quan đến Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 8/01/2010 của Chính phủ về công tác khuyến nông.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả một số chính sách hỗ trợ sản xuất giống:
+ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020.
+ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015; Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg ngày 9/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số điều của Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007.
+ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
+ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
3. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước về giống
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi:
+ Trong năm 2016, trình Quốc hội sửa đổi, ban hành Pháp lệnh giống cây trồng, Pháp lệnh giống vật nuôi. Giai đoạn từ 2025-2030, trình Quốc hội ban hành Luật giống cây trồng, vật nuôi.
+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý giống cây trồng, vật nuôi.
+ Rà soát, điều chỉnh và ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn về giống cây trồng, vật nuôi.
+ Rà soát danh mục các giống cây trồng, vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh để loại bỏ những giống không còn sử dụng trong thực tế sản xuất.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, vật nuôi; xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, làm lành mạnh thị trường giống.
- Hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ thông tin.
4. Tăng cường hợp tác quốc tế
- Trước hết, cần tiếp tục trao đổi nguồn gen làm vật liệu chọn tạo giống với các nước; tiếp thu phương pháp nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất, bảo quản, chế biến giống theo hướng công nghiệp hiện đại của các nước và các tổ chức quốc tế.
- Xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ về giống có sự tham gia của chuyên gia quốc tế để nâng cao hàm lượng khoa học cho các đề tài, dự án.
- Phối hợp với các quốc gia thực hiện tốt công tác bảo hộ giống cây trồng, vật nuôi; Tham gia Hiệp hội giống cây trồng, vật nuôi các khu vực và quốc tế.
1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT
1.1. Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản, Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi
- Chủ trì tham mưu cho Bộ hướng dẫn các địa phương, các đơn vị triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp của Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi theo từng vụ sản xuất nhằm đạt mục tiêu đề ra.
- Chủ trì đề xuất chính sách triển khai thực hiện các nội dung Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi báo cáo lãnh đạo Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành.
- Định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan.
1.2. Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đề xuất danh mục các đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi theo Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi được phê duyệt.
- Chủ trì tham mưu trình Bộ phê duyệt danh mục các đề tài, dự án chọn tạo giống theo Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi được phê duyệt.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng, vật nuôi.
1.3. Vụ Kế hoạch
- Chủ trì tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi theo quyết định được phê duyệt.
- Phối hợp với các Bộ, Ngành và các đơn vị thuộc Bộ cân đối nguồn lực thực hiện Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi trình lãnh đạo Bộ.
1.4. Các đơn vị khác thuộc Bộ
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các Tổng cục, Cục chuyên ngành triển khai thực hiện các nội dung Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi.
2. Các Bộ, Ngành Trung ương
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương xây dựng chính sách trình cấp có thẩm quyền ban hành để triển khai thực hiện các nội dung Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi.
- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong quá trình triển khai Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi.
3. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh
Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi; đề xuất cơ chế, chính sách triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan.
4. Các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống
Căn cứ các nội dung Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi xây dựng kế hoạch nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống phù hợp.
5. Các Hiệp hội liên quan đến công tác giống cây trồng, vật nuôi
Phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi.
Quyết định 3748/QĐ-BNN-KH năm 2015 phê duyệt định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Số hiệu: | 3748/QĐ-BNN-KH |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Cao Đức Phát |
Ngày ban hành: | 15/09/2015 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 3748/QĐ-BNN-KH năm 2015 phê duyệt định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chưa có Video