Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3690/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 27 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM SẢN TỈNH LÀO CAI ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1003/QĐ-BNN ngày 13/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt đề án nâng cao giá trị gia tăng trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) và Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy Lào Cai; Đề án tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 269/TTr-SNN ngày 30 tháng 9 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chế biến nông, lâm sản tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với những nội dung sau:

1. Quan điểm quy hoạch

- Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phù hợp với thị trường tiêu thụ và gắn với vùng nguyên liệu để phát triển ổn định, bền vững; tạo những mặt hàng có lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các cơ sở chế biến theo chiều sâu phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, an toàn với môi trường; có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; tạo được sản phẩm có chất lượng và giá trị kinh tế cao; giải quyết được nhiều việc làm và tăng thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

- Trên cơ sở phân tích thực trạng sản xuất, thuận lợi khó khăn, đánh giá tiềm năng phát triển để tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực, gắn với thương hiệu, nhãn hiệu để quảng bá, giới thiệu sản phẩm... định hướng lựa chọn 11 sản phẩm chủ lực: Lĩnh vực nông sản gồm 7 sản phẩm (chè, rau hoa quả, tương ớt, lúa gạo và ngô, thức ăn chăn nuôi, cây dược liệu, sản phẩm chăn nuôi). Lĩnh vực chế biến lâm sản gồm 4 sản phẩm (sản xuất đồ gỗ, sản xuất nguyên liệu giấy, sản xuất gỗ ván bóc, sản xuất mây tre đan) để đưa ra phương án quy hoạch mạng lưới cơ sở chế biến phù hợp và có tính khả thi cao. Tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa những người sản xuất, khai thác, thu mua, chế biến trên cơ sở chuỗi giá trị và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo hệ thống, trong đó doanh nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo.

- Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở quy mô lớn, đối với các cơ sở quy mô hộ gia đình khuyến khích thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã và là vệ tinh cho các cơ sở sản xuất lớn.

- Hình thành các cụm công nghiệp, đảm bảo chế biến ra các sản phẩm đạt chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm nông lâm sản truyền thống có tiềm năng, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng người dân vùng cao.

- Quy hoạch chế biến nông, lâm sản phải có sự liên kết với quy hoạch cánh đồng lớn, quy hoạch khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và gắn với xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Tập trung đầu tư phát triển một số nhóm ngành chế biến chủ lực có giá trị kinh tế cao, có khối lượng hàng hóa lớn. Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các ngành hàng nông lâm thủy sản thông qua việc tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) cao, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ chế biến theo hướng hiện đại và giảm tổn thất sau thu hoạch (cả số lượng và chất lượng), nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP).

b) Mục tiêu cụ thể

- Quy hoạch đến năm 2020: Tổng số có 1.974 cơ sở và 1 khu công nghiệp chế biến lâm sản, trong đó số cơ sở chế biến nông sản 1.515 cơ sở chiếm 76,74%, số cơ sở chế biến lâm sản 459 cơ sở chiếm 23,26% và 1 khu công nghiệp chế biến lâm sản. Thu hút 5.342 lao động tham gia thường xuyên. Giá trị sản xuất của 11 sản phẩm chủ lực ngành chế biến nông, lâm sản các loại đạt 2.388 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 14%/năm: Trong đó: Chế biến nông sản đạt khoảng 1.346 tỷ đồng; Chế biến lâm sản đạt khoảng 1.043 tỷ đồng.

- Định hướng đến năm 2030: Ưu tiên ổn định các cơ sở chế biến theo quy hoạch đến năm 2020, từng bước nâng công suất dây chuyền chế biến để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khi sản lượng nguyên liệu tăng lên do tăng năng suất, các vùng nguyên liệu trồng mới đến kỳ cho thu hoạch.

3. Nội dung chủ yếu

3.1. Chế biến chè

a) Quy hoạch cơ sở chế biến

Đến năm 2020, sản lượng chè tươi các loại ước đạt trên 40.000 tấn/năm. Tổng số cơ sở chế biến chè toàn tỉnh 16 cơ sở quy mô doanh nghiệp, đối với chế biến chè quy mô hộ gia đình không khuyến khích phát triển, lực lượng lao động trong các hộ này sẽ chuyển vào các doanh nghiệp chế biến hoặc tham gia vào các ngành nghề khác, đáp ứng nhu cầu chế biến nguyên liệu chè búp tươi với công suất 39.420 tấn/năm, gắn với vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến:

Vùng chè huyện Mường Khương: Do Công ty TNHH MTV chè Thanh Bình quản lý và thu mua nguyên liệu. Công ty TNHH Mường Hoa tham gia liên kết đầu tư sản xuất và quản lý vùng nguyên liệu chè chất lượng cao tại xã Cao Sơn và xã La Pan Tẩn.

Vùng chè huyện Bảo Thắng: Do Công ty TNHH MTV chè Phong Hải, quản lý và thu mua nguyên liệu.

Vùng chè huyện Bắc Hà: Do Công ty Đầu tư và Phát triển Bắc Hà; Công ty TNHH liên kết sinh thái quản lý và thu mua nguyên liệu.

Vùng chè huyện Bát Xát: Do Công ty CP chè Mường Hum; Công ty TNHH MTV Nam Anh quản lý và thu mua nguyên liệu.

Vùng chè huyện Bảo Yên: Do Công ty TNHH MTV chè Đại Hưng tổ chức thu mua tại các xã trồng chè của huyện và các vùng lân cận.

Vùng chè thành phố Lào Cai: Do Tổng Công ty cổ phần chè Linh Dương; Công ty TNHH MTV chè Thanh Bình tổ chức thu mua.

b) Định hướng công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ, giá trị sản xuất và thu nhập người lao động

- Đến năm 2020 nâng tỷ lệ sử dụng máy móc vào chế biến chè đạt trên 75%, trong đó các khâu như: Sao chè, phân loại chè, đóng gói và dán nhãn sản phẩm sẽ sử dụng bằng máy đạt trên 90%; khuyến khích nhập các máy móc có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu.

- Thị trường tiêu thụ chè của tỉnh trong thời gian tới sẽ hướng tới sẽ tăng xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Đài Loan và thị trường Trung Đông. Giá trị sản xuất thu được khoảng 108 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 480 lao động thường xuyên, cho thu nhập khoảng 3 - 4,5 triệu đồng/tháng.

c) Định hướng quy hoạch đến năm 2030

Giữ nguyên các cơ sở chế biến chè theo quy hoạch, từng bước nâng công suất dây chuyền (25% - 50%) để đáp ứng nhu cầu chè cần chế biến, khi sản lượng thu hoạch chè tăng lên do tăng năng suất và toàn bộ diện tích trồng mới cho thu hoạch.

3.2. Chế biến rau, hoa, quả

a) Quy hoạch cơ sở chế biến

Đến năm 2020, sản lượng rau, quả tươi ước đạt 200.728 tấn các loại, hoa 48,3 triệu bông. Tổng số cơ sở chế biến rau hoa quả toàn tỉnh 7 cơ sở, tăng 6 cơ sở so với hiện nay: Huyện Bát Xát xây dựng 1 nhà máy chế biến và bảo quản hoa quả công suất 1.500 tấn/năm tại xã Bản Vược; huyện Mường Khương xây dựng 1 nhà máy chế biến và bảo quản hoa quả công suất 1.000 tấn/năm tại xã Bản Lầu; huyện Bắc Hà xây dựng thêm 1 nhà máy sơ chế và bảo quản rau hoa quả tại xã Na Hối công suất 3.500 tấn/năm; thành phố Lào Cai xây dựng mới 1 nhà máy chế biến rau hoa quả công suất 10.000 tấn/năm tại các cụm, khu công nghiệp; huyện Sa Pa xây dựng 1 cơ sở chế biến và bảo quản rau hoa quả công suất 1.000 tấn/năm tại xã Sa Pả.

b) Định hướng công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ, giá trị sản xuất và thu nhập người lao động

- Đầu tư đổi mới công nghệ, khuyến khích các cơ sở nhập dây chuyền từ các nước như: Thái Lan, Mỹ, Nhật... Thị trường tiêu thụ chính là trong nước và xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Đài Loan. Từng bước tiếp cận các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ và các nước Châu Âu.

- Giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 49 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 160 lao động, thu nhập bình quân lao động 3,5 triệu đồng/tháng.

d) Định hướng đến năm 2030

Không xây dựng mới cơ sở, chỉ nâng công suất chế biến tăng 20 - 50% để đáp ứng nhu cầu khi năng suất cây trồng nâng lên và diện tích trồng mới đến kỳ cho thu hoạch.

3.3. Chế biến lương thực thực phẩm

3.3.1. Chế biến gạo ngô

a) Quy hoạch cơ sở chế biến

Đến năm 2020 tổng sản lượng ước đạt 340.000 tấn. Tổng số cơ sở chế biến lúa gạo, ngô 1.389 cơ sở, trong đó doanh nghiệp 7 cơ sở, tăng 5 cơ sở.

- Đối với lúa gạo: Xây dựng 1 cơ sở chế biến lương thực thực phẩm tại xã Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng công suất 6.000 tấn/năm, xây dựng 1 cơ sở chế biến thóc gạo (chế biến đến công đoạn đánh bóng gạo) tại xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn công suất 4.000 tấn/năm.

- Đối với Ngô: Xây dựng 3 cơ sở sấy và bảo quản ngô tại xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà; xã Khánh Yên, huyện Văn Bàn; thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương tổng công suất 35.000 tấn/năm.

Các cơ sở xây xát lúa gạo và nghiền ngô còn lại là 1.380 cơ sở phân bố tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

b) Định hướng công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ, giá trị sản xuất và thu nhập người lao động

- Đối với sản phẩm gạo, công nghệ chế biến tập trung đầu tư vào công nghệ đánh bóng gạo để xuất khẩu, khuyến khích lựa chọn dây chuyền của Thái Lan, Mỹ. Đối với chế biến và bảo quản ngô khuyến khích tập trung vào dây chuyền tách hạt, phân loại hạt, sấy hạt và dây chuyền đóng gói sản phẩm.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm này chủ yếu vẫn phục vụ trong tỉnh, một số sản phẩm đặc sản được tiêu thụ cho các thị trường xa như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, từng bước tiếp cận thị trường các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc.

- Tổng giá trị sản xuất chế biến và bảo quản gạo ngô ước đạt 337 tỷ, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.500 lao động, mang lại thu nhập bình quân cho lao động thường xuyên 3,2 triệu đồng/tháng.

c) Định hướng đến năm 2030

Đến năm 2030 cơ bản giữ nguyên các nhà máy đã quy hoạch, không xây dựng thêm mà chỉ nâng công suất dây chuyền chế biến lên 20-50%, để đáp ứng nhu cầu khi năng suất cây trồng được nâng cao, đồng thời giảm số cơ sở chế biến nhỏ lẻ bằng cách thành lập các tổ hợp tác.

3.3.2. Chế biến thức ăn chăn nuôi (cám chăn nuôi công nghiệp)

a) Quy hoạch cơ sở chế biến

Đến năm 2020 số cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi 33 cơ sở, trong đó doanh nghiệp 2 cơ sở (xây dựng thêm 1 cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 30.000-40.000 tấn/năm đặt tại huyện Bảo Thắng), các cơ sở nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình ổn định như hiện nay.

b) Định hướng công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ, giá trị sản xuất và thu nhập người lao động

- Để sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh hơn trên thị trường, các cơ sở chế biến đặc biệt là doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ sản xuất, giảm chi phí đầu vào và nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra. Hiện nay trên thị trường có một số dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đại phù hợp với Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan, Mỹ, một số nước Châu Âu...

- Tổng giá trị sản xuất của ngành ước đạt 280 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động, thu nhập bình quân lao động đạt 5,8 triệu đồng/tháng.

c) Định hướng đến năm 2030

Định hướng đến năm 2030 không quy hoạch mới cơ sở, nhưng công suất chế biến của doanh nghiệp sẽ nâng lên khoảng 25% so với năm 2020. Đồng thời khuyến khích các hộ sản xuất nhỏ lẻ thành lập các tổ hợp tác sản xuất để có điều kiện đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

3.4. Chế biến tương ớt

a) Quy hoạch cơ sở chế biến

Đến năm 2020, sản lượng ớt tươi thu hoạch được ước đạt 1.235 tấn. Tổng số cơ sở tham gia chế biến tương ớt 17 cơ sở, trong đó doanh nghiệp Hợp tác xã là 2 cơ sở (1 địa điểm tại Mường Khương và 1 địa điểm tại thành phố Lào Cai) tổng công suất chế biến 1.000 tấn/năm. Không khuyến khích phát triển sản xuất theo quy mô hộ gia đình để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Định hướng công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ, giá trị sản xuất và thu nhập người lao động

- Khuyến khích các cơ sở đầu tư dây chuyền hiện đại, khép kín kiểm soát chất lượng sản phẩm tại từng công đoạn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thị trường tiêu thụ tương ớt chủ yếu trong nước là chính.

- Giá trị sản xuất tương ớt ước đạt 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 25 lao động, thu nhập bình quân lao động 3,5 triệu đồng/tháng.

d) Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030

Đến 2030 không quy hoạch mới cơ sở, nâng công suất dây chuyền chế biến lên 50%, không khuyến khích phát triển sản xuất quy mô hộ gia đình, chuyển dần lao động các hộ sản xuất nhỏ lẻ vào các Tổ hợp tác hoặc vào Hợp tác xã Hoa Lợi để các Tổ hợp tác, Hợp tác xã có điều kiện đầu tư máy móc hiện đại, khép kín để cho ra các sản phẩm chất lượng.

3.5. Chế biến dược liệu

a) Quy hoạch cơ sở chế biến

Đến năm 2020, sản lượng dược liệu các loại ước đạt 13.416 tấn dược liệu thô tương đương công suất chế biến của dây chuyền khoảng 115 tấn/ngày; cây quế tổng diện tích đến năm 2020 đạt 22.324,1 ha, nhu cầu chế biến tinh dầu quế 750 lít/ngày. Tổng số cơ sở chế biến dược liệu, tinh dầu quế đến năm 2020 toàn tỉnh là 33 cơ sở, trong đó doanh nghiệp 10 cơ sở chiếm 30,3%, Hợp tác xã 23 cơ sở chiếm 69,7%.

b) Định hướng công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ, giá trị sản xuất và thu nhập người lao động

- Công nghệ chế biến khuyến khích các cơ sở nhập dây chuyền đồng bộ, có bộ phận kiểm soát tự động bằng máy vi tính. Ưu tiên nhập khẩu các thiết bị đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu.

- Thị trường tiêu thụ chủ yếu trong nước, một số sản phẩm như tinh dầu Quế, các loại dược liệu quý... từng bước tiếp cận các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, các nước Châu Âu. Giá trị sản xuất của ngành ước đạt 117 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 456 lao động, thu nhập bình quân lao động 4,2 triệu đồng/tháng.

c) Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030

Định hướng đến năm 2030, cơ bản ổn định số lượng cơ sở như hiện nay, nhưng sẽ nâng công suất chế biến các loại lên từ 25-50% để đáp ứng nhu cầu khi diện tích, năng suất dược liệu tăng lên.

3.6. Chế biến sản phẩm chăn nuôi (cơ sở giết mổ)

a) Quy hoạch cơ sở chế biến

Đến năm 2020 sản lượng thịt hơi các loại ước đạt trên 50.833 tấn; xây dựng 21 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gồm 18 cơ sở doanh nghiệp (trong đó 2 cơ sở giết mổ công nghiệp đặt tại thành phố Lào Cai còn lại là các cơ sở giết mổ thủ công), Hợp tác xã 3 cơ sở. Đưa các các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại các hộ cá thể vào cơ sở giết mổ tập trung. Các cơ sở chế biến khác (giò, chả...) chủ yếu đưa vào giám sát, quản lý.

b) Định hướng công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ, giá trị sản xuất và thu nhập người lao động

Khuyến khích các cơ sở nhập dây chuyền đồng bộ, ưu tiên các dây chuyền giết mổ tự động, có kiểm soát chất lượng từng khâu. Các cơ sở khi xây dựng phải có hệ thống xử lý chất thải, mùi đảm bảo theo tiêu chuẩn. Ưu tiên nhập khẩu các thiết bị đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu.

Thị trường tiêu thụ trong nước là chính. Giá trị sản xuất của ngành ước đạt 109 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 455 lao động, thu nhập bình quân lao động 4,7 triệu đồng/tháng.

c) Quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030

Định hướng đến năm 2030, ổn định số lượng cơ sở theo quy hoạch, nâng công suất chế biến các loại lên từ 25 - 50% để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi của tỉnh trong giai đoạn tới.

3.7. Chế biến lâm sản (sản xuất đồ gỗ, sản xuất nguyên liệu giấy, sản xuất gỗ ván bóc)

a) Quy hoạch các cơ sở chế biến lâm sản

Theo Quy hoạch, diện tích rừng sản xuất của tỉnh 115.470,2 ha (diện tích cây có giống 7.790 ha), trong đó tập trung tại 1 số huyện vùng thấp như: Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, Bát Xát ...; khai thác tre, nứa, vầu giai đoạn 2016-2020 khoảng 420.000-720.000 tấn, bình quân 35.000-60.000 tấn/năm; khai thác gỗ chính và khai thác hưởng lợi trong rừng trồng: khoảng 1.565.000 m3 giai đoạn 2016-2020, bình quân 250.000 m3/năm. Tổng số cơ sở chế biến lâm sản toàn tỉnh đến năm 2020 là 459 cơ sở và 1 khu công nghiệp chế biến lâm sản.

Công suất chế biến của doanh nghiệp 31 cơ sở và khu công nghiệp chế biến lâm sản là: Chế biến gỗ khoảng 260.000-320.000 m3/năm. Nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ như: Tre, vầu, nứa khoảng 44.000 - 76.000 tấn/năm. Trong đó, ưu tiên xây dựng khu công nghiệp chế biến lâm sản tại huyện Bảo Yên; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới 01 cơ sở sản xuất mây tre đan đặt tại xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn; 01 nhà máy sản xuất gỗ ván bóc đặt tại thị trấn Mường Khương; 01 cơ sở sản xuất đồ gỗ đặt tại khu công nghiệp Bắc Duyên Hải. Ngoài ra Hợp tác xã: 7 cơ sở, hộ cá thể 421 cơ sở, công suất chế biến khoảng 100.000 - 150.000m3/năm.

b) Định hướng công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ, giá trị sản xuất và thu nhập người lao động

- Đổi mới phương thức sản xuất, xác định đầu ra cho sản phẩm, đầu tư áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, đồng bộ về công nghệ và quy trình tổ chức sản xuất, hạn chế sản xuất gỗ nhỏ, dăm gỗ..., tập trung sản xuất sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, khuyến khích đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trước khi xuất khẩu, hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô.

- Thị trường tiêu thụ: Đối với thị trường nội địa là đẩy mạnh các kênh phân phối, tập trung sản xuất các sản phẩm hướng vào thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận. Đối với thị trường quốc tế: Tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại, liên kết với các tổ chức khác để sản xuất, tìm kiếm thị trường lâm sản xuất khẩu. Thị trường mục tiêu trước mắt là Trung Quốc, Đài Loan, Canada, Singapo, Malaysia... mục tiêu lâu dài là thị trường các nước như Nhật Bản, các nước Châu Âu...

- Giá trị sản xuất của ngành mang lại 1.043 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 2.166 lao động, cho thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng.

c) Định hướng quy hoạch đến năm 2030

- Đến năm 2030 cơ bản ổn định các nhà máy chế biến gỗ, công suất nhà máy sẽ tăng lên khoảng 25-50% tùy theo năng suất khai thác và định hướng xây dựng vùng nguyên liệu của các nhà máy đã có.

- Đối với các cơ sở chế biến gỗ nhỏ lẻ: Tăng cường quản lý nhà nước, loại bỏ các cơ sở chế biến không còn vùng nguyên liệu, các cơ sở chế biến gần rừng tự nhiên, dần chuyển các cơ sở này sang sản xuất nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến chuyên sâu, khuyến khích các cơ sở sản xuất giấy để xuất khẩu sử dụng nguyên liệu từ tre, nứa.

4. Một số giải pháp chính thực hiện quy hoạch

4.1. Giải pháp về chính sách

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành. Thực hiện các chính sách của Trung ương (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ) và địa phương về tài chính, tín dụng; hỗ trợ đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ mới, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp.

- Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, đổi mới cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành nghề chế biến nông, lâm sản, nhất là các chính sách đất đai, tín dụng, thị trường... Tập trung phát triển ngành nghề chế biến nông, lâm sản theo chuỗi giá trị, nhất là những lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh như: Chè, rau quả, rượu,...

4.2. Giải pháp về nguồn nguyên liệu

- Thực hiện đồng bộ giữa quy hoạch các cơ sở chế biến nông, lâm sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung.

- Cần tập trung rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cây trồng chủ yếu; quy hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao...để tạo ra các vùng nguyên liệu lớn, ổn định lâu dài.

- Khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết giữa nhà máy và các hộ dân có đất để phát triển vùng nguyên liệu an toàn.

4.3. Giải pháp về đất đai

Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng để phát triển vùng nguyên liệu, đặc biệt là quy hoạch vùng trồng rừng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến. Khuyến khích các hộ nông dân thành lập trang trại, gia trại bằng hình thức tích tụ đất đai hoặc thông qua chính sách cho thuê đất lâu dài để phát triển nguyên liệu cho chế biến.

4.4. Giải pháp thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm

- Đa dạng hóa thị trường nhằm tạo điều kiện tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản của địa phương. Xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

- Phát triển dịch vụ tư vấn thị trường, tiếp thị và phân phối cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm nhằm chào bán, xâm nhập vào các thị trường khu vực và Quốc tế.

4.5. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Đầu tư xây dựng các nhà máy có quy mô lớn và công nghệ hiện đại đối với xay xát lúa, gạo, chế biến sản phẩm từ rau, quả chất lượng cao ... tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, gắn với vùng nguyên liệu.

- Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, du nhập các dây chuyền chế biến tiên tiến cho gạo, chè, rau, quả; thịt gia súc, gia cầm; gỗ... phù hợp với vùng nguyên liệu và nhu cầu của thị trường, nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.

4.6. Giải pháp về môi trường

- Kiểm tra giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường ngay từ khi cấp phép. Ưu tiên cấp phép cho các cơ sở chế biến có công nghệ tiên tiến, ít gây ô nhiễm. Các cơ sở chế biến phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các yêu cầu về xử lý chất thải.

- Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây truyền thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường.

4.7. Giải pháp về vốn

- Tăng cường xã hội hóa đầu tư, có các chính sách thu hút vốn của các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương để thu hút các nguồn vốn ODA, vốn ngân sách Trung ương, lồng ghép từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án có liên quan để đầu tư hạ tầng cho các vùng, cơ sở sản xuất.

5. Kinh phí thực hiện

5.1. Tổng nguồn vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030 dự kiến 2.687.539 triệu đồng, trong đó:

- Giai đoạn 2016-2020: 1.982.414 triệu đồng chiếm 73,76%.

- Định hướng đến năm 2030: 705.125 triệu đồng, chiếm 26,24%.

5.2. Phân nguồn vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020: 1.982.414 triệu đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách nhà nước: 187.733 triệu đồng, chiếm 9,47%.

- Vốn doanh nghiệp: 1.720.402 triệu đồng, chiếm 86,78%.

- Vốn khác: 74.279 triệu đồng, chiếm 3,75%.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức công bố nội dung quy hoạch để nhân dân biết, kiểm tra giám sát việc thực hiện. Tiếp nhận và quản lý hồ sơ tài liệu Quy hoạch chế biến nông, lâm sản tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt; xây dựng Đề án, kế hoạch 5 năm và hàng năm cụ thể hóa quy hoạch. Tổ chức xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, xây dựng chính sách phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan và các địa phương trong tỉnh để thực hiện tốt phương án quy hoạch.

2. Sở Công Thương: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc thực hiện quy hoạch. Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp hỗ trợ phát triển cơ sở chế biến nông, lâm sản. Tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ theo chính sách khuyến công nhằm giúp các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản phát triển. Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chế biến từ, nông, lâm sản.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Căn cứ vào Quy hoạch được phê duyệt, hàng năm nghiên cứu khả năng cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình mục tiêu Quốc gia theo quy định để thực hiện quy hoạch.

4. Sở Tài chính: Đảm bảo các nguồn kinh phí và cơ chế chính sách để thực hiện các dự án quy hoạch cơ sở chế biến nông, lâm sản theo Quy hoạch.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn chuyển đổi, giao đất, cho thuê đất, quy hoạch, đo đạc, lập bản đồ và xác định giới hạn đất đai cho các cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; xử lý các vấn đề môi trường phát sinh trong hoạt động của cơ sở chế biến nông, lâm sản.

6. Sở Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn các cơ sở sản xuất nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và chuyển giao công nghệ mới. Hỗ trợ kinh phí cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, cải tiến mẫu mã, bao bì, đóng gói...

7. Các sở, ngành liên quan: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy hoạch đảm bảo có hiệu quả.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Quản lý, tổ chức thực hiện Quy hoạch theo đúng quy định, căn cứ Quy hoạch đã được phê duyệt để xây dựng kế hoạch phát triển lĩnh vực Chế biến nông, lâm sản ở địa phương mình; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án thuộc Quy hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài Nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 3 QĐ;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Ban Biên tập Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, TH, NLN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Phong

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 3690/QĐ-UBND ngày 27/10/2016 UBND tỉnh Lào Cai)

TT

Hạng mục

Địa điểm xây dựng

Đơn vị triển khai thực hiện

1

Chế biến chè

 

 

1.1

Nhà máy chế biến chè Cao Sơn và nhà máy chế biến chè Thanh Bình

Xã Cao Sơn và xã Thanh Bình, huyện Mường Khương

Công ty Mường Hoa và Công ty chè Thanh Bình

1.2

Xây dựng nhà máy chè Mường Hum

Xã Mường Hum, huyện Bát Xát

Công ty chè Mường Hum

1.3

Mở mới thêm 1 dây chuyền sản xuất chè Ô Long tại Phong Hải

Huyện Bảo Thắng

Công ty chè Phong Hải

1.4

Xây dựng 1 cơ sở sản xuất chè tại xã Tả Củ Tỷ

Xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà

Công ty TNHH liên kết sinh thái

2

Sơ chế, bảo quản rau quả

 

 

2.1

Xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản hoa quả

Xã Bản Vược, huyện Bát Xát

Doanh nghiệp

2.2

Xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản hoa quả

Xã Bản Lầu, huyện Mường Khương

Doanh nghiệp

2.3

Xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả

Xã Na Hối, huyện Bắc Hà

Doanh nghiệp

2.4

Xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả

Xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai

Doanh nghiệp

2.5

Xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả

Xã Sa Pả, huyện Sa Pa

Doanh nghiệp

2.6

Xây dựng nhà máy chế biến rau, quả

Khu công nghiệp thành phố Lào Cai

Doanh nghiệp

3

Chế biến lương thực, thực phẩm

 

 

3.1

Xây dựng nhà máy sấy và bảo quản ngô

Xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà

Doanh nghiệp

3.2

Nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm

Xã Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng

Doanh nghiệp

3.3

Nhà máy chế biến thóc gạo (đánh bóng gạo)

Xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn

Doanh nghiệp

3.4

Nhà máy sấy và bảo quản ngô

Thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn

Doanh nghiệp

3.5

Xây dựng cơ sở sấy và bảo quản ngô

Xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà

Doanh nghiệp

3.6

Xây dựng nhà máy sấy và bảo quản ngô

Thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương

Doanh nghiệp

3.7

Xây dựng cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi

Huyện Bảo Thắng

Doanh nghiệp

3.8

Mở rộng cơ sở chế biến tương ớt

Thị trấn Mường Khương, huyện Mường khương

Hợp tác xã Hoa Lợi

4

Nhóm ngành chế biến sản phẩm chăn nuôi (Giết mổ tập trung)

 

 

4.1

Xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp (2 cơ sở)

Tại xã Vạn Hòa; Phường Bắc Lệnh

Doanh nghiệp

4.2

Xây dựng cơ sở giết mổ (1 cơ sở)

Tại thị trấn huyện Bát Xát huyện Bát Xát

Doanh nghiệp

4.3

Xây dựng cơ sở giết mổ (4 cơ sở)

Khu Cụm công nghiệp Gia Phú; thị trấn Nông trường Phong Hải; Xã Xuân Giao; xã Phú Nhuận huyện Bảo Thắng

Doanh nghiệp

4.4

Xây dựng cơ sở giết mổ (1 cơ sở)

Tại xã Sa Pả, huyện Sa Pa

Doanh nghiệp

4.5

Xây dựng cơ sở giết mổ (3 cơ sở)

Tại thị trấn Khánh Yên; cụm Công nghiệp Võ Lao; xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn

Doanh nghiệp

4.6

Xây dựng cơ sở giết mổ (2 cơ sở)

Tại thị trấn Mường Khương; xã Pha Long, huyện Mường Khương

Doanh nghiệp

4.7

Xây dựng cơ sở giết mổ (2 cơ sở)

Tại thị trấn Phố Ràng; xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên

Doanh nghiệp

4.8

Xây dựng cơ sở giết mổ (2 cơ sở)

Tại Tà Chải; xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà

Doanh nghiệp

4.9

Xây dựng cơ sở giết mổ (1 cơ sở)

Cụm công nghiệp Nàn Sán, huyện Si Ma Cai

Doanh nghiệp

5

Nhóm ngành lâm sản

 

 

5.1

Xây dựng nhà máy gỗ ván bóc

Thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương

Doanh nghiệp

5.2

Xây dựng cơ sở sản xuất đồ gỗ

Khu CN Bắc Duyên Hải, thành phố Lào Cai

Doanh nghiệp

5.3

Cơ sở sản xuất mây tre đan

Xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn

Doanh nghiệp

5.4

Xây dựng khu CN chế biến lâm sản

Huyện Bảo Yên

Doanh nghiệp

6

Chế biến dược liệu

 

 

6.1

Xây dựng nhà máy chế biến dược liệu

Khu CN xã Na Hối, huyện Bắc Hà

Doanh nghiệp

6.2

Xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế

Khu vực hạ huyện của huyện Bắc Hà

Doanh nghiệp

6.3

Xây dựng nhà máy chế biến dược liệu

xã Sa Pả, huyện Sa Pa

Doanh nghiệp

6.4

Xây dựng 2 nhà máy chế biến tinh dầu quế và cơ sở chế biến mỹ nghệ từ thân quế

Xã Sơn Hà và xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng

Doanh nghiệp

6.5

Nhà máy chế biến tinh dầu quế

Thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn

Doanh nghiệp

6.6

Nhà máy chế biến tinh dầu quế

Thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên

Doanh nghiệp

6.7

Xây dựng 7 cơ sở thu gom tại các huyện

Huyện Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai

Doanh nghiệp, HTX hoặc THT

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Quyết định 3690/QĐ-UBND năm 2016 về phê duyệt Quy hoạch chế biến nông, lâm sản tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu: 3690/QĐ-UBND
Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
Người ký: Đặng Xuân Phong
Ngày ban hành: 27/10/2016
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [8]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Quyết định 3690/QĐ-UBND năm 2016 về phê duyệt Quy hoạch chế biến nông, lâm sản tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Văn bản liên quan cùng nội dung - [4]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…