ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2897/QĐ-UBND |
Lâm Đồng, ngày 31 tháng 12 năm 2014 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030;
Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến 2020;
Căn cứ văn bản số 1269/BNN-KH ngày 27/4/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thỏa thuận nội dung quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến 2020.
Căn cứ Nghị quyết số 126/NQ-HĐND ngày 10/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mục tiêu của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Coi phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, sinh thái.
b) Phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực, lao động và tài nguyên đất đai, rừng, khí hậu. Kết hợp giữa phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao với ổn định, phát triển các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống ở nông thôn; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.
c) Phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở phát huy nội lực, ý thức tự chủ, tự lực tự cường, truyền thống cần cù trong lao động của nông dân; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, văn minh, giàu mạnh. Xây dựng nông thôn mới trên cơ sở thực hiện quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch nông nghiệp, đô thị; nâng cao vai trò làm chủ của người nông dân, chú trọng xây dựng và phát triển giai cấp nông dân.
d) Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, coi trọng bảo vệ đất, nguồn nước và đa dạng sinh học; giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh, thiên tai và tác động biến đổi khí hậu.
2. Mục tiêu quy hoạch
a) Mục tiêu chung:
- Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; dịch chuyển cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ; gắn sản xuất nông nghiệp với bảo quản sau thu hoạch và chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
- Phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bảo vệ diện tích rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, các khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển; nâng cao giá trị rừng trồng, rừng sản xuất đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến lâm sản, ưu tiên chế biến tinh, tạo ra sản phẩm có giá trị cao, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường sinh thái.
- Xây dựng nông thôn mới với cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu hạ tầng phát triển và từng bước hiện đại, xã hội nông thôn ổn định, thu nhập và dân trí được nâng cao, dân cư nông thôn tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội và phúc lợi công cộng, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ổn định và vững mạnh.
b) Các chỉ tiêu phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản:
- Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,5-8,0%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 5,5-6%/năm.
- Cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2015: nông nghiệp 97,5%, lâm nghiệp 1,7%, thủy sản 0,8%. Đến 2020: nông nghiệp 96-97%, lâm nghiệp 2- 2,5%, thủy sản 1-1,5%
- Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đến năm 2015: trồng trọt 81%; chăn nuôi 16%; dịch vụ 3%; đến năm 2020: trồng trọt 73-78%; chăn nuôi 18-22%; dịch vụ 4-5%.
- Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đến 2015 đạt trên 15% về diện tích, chiếm 25-30% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp; đến 2020 đạt 25-30% về diện tích, chiếm 50-60% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
- Giá trị sản xuất trên một ha đến năm 2015 đạt 137 triệu đồng/năm, đến năm 2020 đạt trên 180 triệu đồng/năm.
- Tăng độ che phủ của rừng lên 1-2% vào năm 2020 so với kết quả kiểm kê rừng năm 2014.
c) Các chỉ tiêu phát triển nông thôn:
- Đến năm 2015 có 30% số xã đạt tiêu chí về nông thôn mới và có 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; đến năm 2020 có 70-80% số xã đạt tiêu chí về nông thôn mới và có 05-06 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85% vào năm 2015 và đạt từ 99% trở lên vào năm 2020;
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện ở nông thôn đạt 98% vào năm 2015 và đạt từ 99% trở lên vào năm 2020.
- Đến năm 2015, có 90% diện tích lúa, rau, hoa và 30-40% diện tích cây công nghiệp dài ngày được chủ động nước tưới; đến năm 2020 có 99% diện tích lúa, rau, hoa và 55-60% diện tích cây công nghiệp dài ngày chủ động được nước tưới.
- Đến năm 2015, 100% đường đến trung tâm xã ô tô đi lại thuận lợi trong 02 mùa, 100% đường trục xã, đường liên xã được cứng hóa; có đường ô tô đến các thôn; đến năm 2020 có 85% xã đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới;
- Phát triển đồng bộ mạng lưới trường học, cơ sở vật chất y tế, văn hóa, chợ đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt và kinh doanh của người dân nông thôn.
3. Quy hoạch sử dụng đất nông, lâm nghiệp:
a) Đến năm 2015 diện tích đất nông, lâm nghiệp 894.354 ha, bao gồm:
- Đất sản xuất nông nghiệp 301.982 ha, trong đó: đất trồng cây lâu năm 225.832 ha; đất trồng cây hàng năm và đất nông nghiệp khác 76.150 ha (riêng đất trồng lúa 21.016 ha);
- Đất lâm nghiệp 589.654 ha, trong đó: đất rừng phòng hộ 181.182 ha, đất rừng đặc dụng 85.562 ha, đất rừng sản xuất 322.910 ha.
- Đất nuôi trồng thủy sản khoảng 2.718 ha.
b) Đến năm 2020 diện tích đất nông, lâm nghiệp 890 932 ha, bao gồm:
- Đất sản xuất nông nghiệp khoảng 296.356 ha, trong đó: đất trồng cây lâu năm 214.491 ha; đất trồng cây hàng năm và đất nông nghiệp khác 81.865 ha (riêng đất trồng lúa 20.200 ha);
- Đất lâm nghiệp 591.476 ha, trong đó: đất rừng phòng hộ 172.800 ha, đất rừng đặc dụng 84.153 ha, đất rừng sản xuất 334.523 ha.
- Đất nuôi trồng thủy sản khoảng 3.100 ha.
4. Quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản:
a) Trồng trọt: Bố trí lại cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ổn định vùng cây công nghiệp dài ngày và cây lương thực với quy mô hợp lý, hình thành các vùng nguyên liệu an toàn phục vụ công nghiệp chế biến. Định hướng phát triển một số cây trồng như sau:
- Cà phê: Tập trung thâm canh, thay đổi cơ cấu giống và áp dụng kỹ thuật ghép cà phê để nâng cao năng suất và chất lượng; chuyển đổi một phần diện tích cà phê Robusta sang trồng cà phê chè ở những vùng có điều kiện thích hợp; phát triển bền vững vùng trồng cà phê công nghệ cao, từng bước đạt tiêu chuẩn 4C và UTZ. Đến năm 2015 ổn định diện tích cà phê khoảng 150-152.000 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 3,0 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 430.000 tấn/năm; đến năm 2020 ổn định diện tích cà phê khoảng 150.000 ha, trong đó khoảng 20% diện tích cà phê chè, tập trung phát triển cà phê vối tại địa bàn các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc, cà phê chè tại huyện Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, thành phố Đà Lạt; năng suất bình quân đạt 3,1-3,2 tấn/ha, sản lượng khoảng 460.000-480.000 tấn/năm.
- Cây chè: Chuyển đổi chè hạt, tăng dần diện tích chè cành cao sản và các giống chè chất lượng cao; đến năm 2015 ổn định diện tích chè khoảng 24.000 ha, trong đó 6.200-6.500 ha chè chất lượng cao. Năng suất bình quân toàn tỉnh trên 9,5 tấn búp tươi/ha, sản lượng 220.000-230.000 tấn chè búp tươi/năm; đến năm 2020 diện tích chè khoảng 26.000 ha trong đó khoảng 8.000 ha chè chất lượng cao, tập trung tại thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt, huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, áp dụng cơ giới hóa khâu thu hái và canh tác chè an toàn đưa năng suất bình quân trên 11 tấn búp tươi/ha, sản lượng 280.000 - 300.000 tấn chè búp tươi/năm.
- Cao su: Rà soát, xem xét diện tích đất rừng sản xuất đã cho khai thác gỗ để trồng cao su ở 03 huyện phía Nam; đến năm 2015 diện tích khoảng 11.800 ha, diện tích thu hoạch 2.000 ha, sản lượng 3.400 tấn; đến năm 2020 diện tích 16.000-17.000 ha, diện tích thu hoạch 10.000-11.000 ha, sản lượng 13.000-14.000 tấn.
- Cây điều: Chuyển đổi diện tích điều có hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác; đến năm 2015 giảm diện tích điều còn khoảng 14.000 ha; sản lượng khoảng 14.000 tấn/năm; đến năm 2020 ổn định diện tích khoảng 9.000-10.000 ha tại 03 huyện phía Nam và huyện Đam Rông, trong đó khoảng 50% diện tích điều ghép cao sản; sản lượng 12.000-13.000 tấn/năm.
- Rau, hoa: Phấn đấu đưa Lâm Đồng trở thành trung tâm sản xuất rau hoa của cả nước và khu vực, phát triển mạnh sản xuất rau, hoa ôn đới chất lượng cao tại thành phố Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và Lâm Hà; đến năm 2015 diện tích gieo trồng rau đạt khoảng 53.000 ha, sản lượng đạt 1,9 - 2,0 triệu tấn, diện tích gieo trồng hoa 7.200 ha, sản lượng đạt 2,4 tỷ cành; đến năm 2020, diện tích rau khoảng 55.000 ha, sản lượng rau đạt 2,2 - 2,3 triệu tấn; diện tích hoa 7.800 ha, sản lượng đạt 2,6 tỷ cành, trong đó xuất khẩu khoảng 20-30%. Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nấm thực phẩm cao cấp và nấm dược liệu với quy mô công nghiệp. Phát triển cây dược liệu tại địa bàn phù hợp.
- Dâu tằm: Chuyển địa bàn trồng dâu xuống các vùng đất thấp ven sông suối không bị ngập lũ, ổn định diện tích trồng dâu khoảng 3.500 ha vào năm 2015 và mở rộng lên khoảng 4.500 - 5.000 ha vào năm 2020, chuyển đổi giống mới đạt 80%. Tập trung tại các huyện Lâm Hà, Cát Tiên, Đạ Tẻh, thành phố Bảo Lộc.
- Lúa gạo: Tăng cường các biện pháp thủy lợi để ổn định diện tích lúa nước 2-3 vụ lúa, chuyển diện tích lúa 1 vụ sang trồng 2-3 vụ lúa - màu; ứng dụng công nghệ cao trong các khâu giống, làm đất, gieo sạ, quy trình canh tác. Đến năm 2015, diện tích trồng lúa khoảng 21.000 ha, trong đó lúa 02 vụ trở lên đạt 13.300 ha, lúa chất lượng cao 5.700 ha, sản lượng lúa khoảng 180.000 tấn/năm; đến năm 2020, diện tích trồng lúa ổn định khoảng 20.200 ha, trong đó lúa 02 vụ trở lên đạt 15.000 ha, lúa chất lượng cao khoảng 7.700 ha; sản lượng lúa khoảng 200.000 tấn/năm. Tập trung tại các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Di Linh, Đơn Dương, Lâm Hà.
- Cây mắc ca: Phát triển cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê để thực hiện che bóng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê đồng thời cải thiện thu nhập cho hộ nông dân. Việc phát triển cây mắc ca trong các hộ dân phải gắn kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sản phẩm mắc ca. Thực hiện trồng mắc ca tập trung trên quỹ đất trống hiện có. Đến năm 2020, phát triển diện tích cây mắc ca lên khoảng 22.000 ha, trong đó trồng xen trong vườn cà phê khoảng 20.000 ha, trồng tập trung khoảng 2.000 ha, chủ yếu trên địa bàn các huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đức Trọng, Đơn Dương, Đam Rông, Bảo Lộc.
b) Chăn nuôi: Thu hút đầu tư chăn nuôi công nghiệp tại các điểm quy hoạch chăn nuôi tập trung, hình thành các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao, đến năm 2015 tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 16% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm chăn nuôi tập trung chiếm 35% tổng giá trị ngành chăn nuôi; đến năm 2020 tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 18-22% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm chăn nuôi tập trung chiếm 40% tổng giá trị ngành chăn nuôi.
- Đàn bò: Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt chất lượng cao tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lâm và Lâm Hà theo hình thức chăn nuôi tập trung. Áp dụng các biện pháp cải tạo giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để cải thiện chất lượng đàn bò và tăng năng suất thịt; đến năm 2015 có 76 ngàn con (trong đó 12 ngàn con bò sữa); đến năm 2020 đạt 110 ngàn con (trong đó có trên 20 ngàn bò sữa; trên 50% đàn bò thịt là bò lai Zebu).
- Đàn heo và gia cầm: Cải tạo giống heo theo hướng nạc hóa; khôi phục và phát triển chăn nuôi heo hàng hóa chất lượng cao theo quy mô tập trung và khép kín. Đến năm 2015 đàn heo đạt 420 ngàn con, đàn gia cầm 4,2 triệu con; năm 2020 đàn heo đạt 800 ngàn con, đàn gia cầm 5,3 triệu con, tập trung phát triển các mô hình hợp đồng nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi tại 03 huyện phía Nam, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh.
Chú trọng nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm và công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, nhất là những bệnh nguy hiểm. Đến năm 2020 sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 150 ngàn tấn, trứng gia cầm 150 triệu quả, sữa tươi 35 - 40 nghìn tấn.
c) Lâm nghiệp:
- Ổn định lâm phần, quy hoạch cơ cấu 3 loại rừng nhằm bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng; đến năm 2020, ổn định 84.153 ha rừng đặc dụng với tính đa dạng sinh học cao; bảo vệ và nâng cao chất lượng 172.800 ha rừng phòng hộ; nâng cao chất lượng 334.523 ha rừng sản xuất
- Giao khoán quản lý bảo vệ rừng hàng năm 428.800 ha; khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 2.800 ha/năm; cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế và cao su khoảng 30.000 ha (giai đoạn 2011-2015) và khoảng 43.000 ha (giai đoạn 2016-2020); trồng cây phân tán 920.000 cây/năm.
Tổ chức tỉa thưa, khai thác rừng trồng và tận thu lâm sản khoảng 50.000m3 gỗ/năm và 68.000 tấn lâm sản ngoài gỗ (giai đoạn 2013-2015) và 140.000m3/năm và 68.000 tấn lâm sản ngoài gỗ (giai đoạn 2016-2020) để phục vụ nhu cầu chế biến lâm sản tại địa phương.
d) Thủy sản: Thu hút đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản, gắn với chế biến, tiêu thụ, trọng tâm là cá nước lạnh, gồm cá hồi ở khu vực huyện Lạc Dương, Đam Rông, Đà Lạt; cá tầm ở các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc. Đến năm 2015 diện tích nuôi thủy sản khoảng 3.000 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn (trong đó nuôi cá nước lạnh 30 ha và khoảng 100 lồng bè, sản lượng 500 tấn); đến năm 2020 diện tích nuôi thủy sản khoảng 3.100 ha, sản lượng khoảng 14.000 tấn (trong đó nuôi cá nước lạnh 100 ha và khoảng 400-450 lồng bè, sản lượng 2.000 tấn).
5. Quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn:
a) Phát triển công nghiệp chế biến:
- Chế biến chè: Nâng công suất và hiện đại hóa các cơ sở chế biến chè hiện có; chuyển từ công nghệ chế biến chè đen theo công nghệ truyền thống (OTD) sang công nghệ chế biến hiện đại (CTC); thu hút đầu tư các cơ sở sản xuất, chế biến chè cao cấp tại thành phố Bảo Lộc, Đà Lạt, huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lâm Hà, cơ cấu chè thành phẩm vào năm 2020: chè olong: 20-25%, chè đen 30-35%, chè xanh 45-50%; chú trọng mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu.
- Chế biến cà phê: Nâng tỷ lệ sơ chế ướt lên trên 40% sản lượng. Mở rộng các nhà máy phân loại, đánh bóng cà phê xuất khẩu, thu hút đầu tư phát triển các nhà máy tinh chế cà phê, sản xuất cà phê hòa tan, cà phê bột tại thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, Di Linh và khu công nghiệp Phú Hội.
- Chế biến điều: Cơ giới hóa khâu bóc vỏ lụa và vỏ cứng, hiện đại hóa thiết bị cho nhà máy tại huyện Đạ Huoai.
- Chế biến kén tằm: Khôi phục lại các cơ sở ươm tơ công nghiệp tại Bảo Lộc, từng bước chuyển từ ươm tơ thủ công sang ươm tơ cơ khí và tự động để nâng cao chất lượng tơ hướng tới thị trường cao cấp như Nhật Bản, Châu Âu, Châu Mỹ.
- Chế biến rau: Nâng công suất và hiện đại hóa các cơ sở chế biến tại thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, Đơn Dương; thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở cấp đông, sấy khô, chế biến và đóng hộp rau quả tại huyện Đức Trọng, huyện Đơn Dương, thành phố Đà Lạt, đặc biệt là chế biến cà chua tại huyện Đơn Dương.
- Bảo quản và chế biến hoa: Hiện đại hóa công nghệ và phát triển các cơ sở bảo quản lạnh, công nghệ ướp hoa tươi, đóng gói hoa tại thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng phù hợp với yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu.
- Chế biến thức ăn gia súc: Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc tại Đức Trọng hoặc tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, công suất 20.000 - 30.000 tấn/năm, về lâu dài có thể nâng công suất lên 40.000 - 50.000 tấn/năm.
- Chế biến sữa: Thu hút đầu tư nhà máy chế biến sữa và các chế phẩm từ sữa quy mô công nghiệp với tổng công suất 40.000 tấn/năm tại huyện Đức Trọng và Đơn Dương; tổ chức tốt mạng lưới thu mua sữa tươi và xây dựng mối liên kết giữa nhà máy với người nuôi bò sữa.
- Chế biến mắc ca: Thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở nhà máy chế biến mắc ca với công suất từ 3.000-5.000 tấn nhân/năm để phục vụ cho mục tiêu phát triển cây mắc ca của tỉnh trong thời gian tới.
- Chế biến lâm sản: Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến lâm sản đầu tư máy móc thiết bị, hiện đại hóa công nghệ chế biến gỗ và lâm sản để chế biến khoảng 150.000 m3 gỗ tròn các loại/năm. Chuyển đổi từ sơ chế sang chế biến tinh, phát triển công nghệ chế biến gỗ từ gỗ rừng trồng, tận dụng phế liệu gỗ và lâm sản để sản xuất ván nhân tạo, viên nén nhiên liệu, đến năm 2015 tỷ lệ chế biến gỗ tinh đạt 75%, đến năm 2020 đạt 85%; xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại khu vực 03 huyện: Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đạ Huoai.
b) Phát triển ngành nghề nông thôn: Củng cố, tạo điều kiện để phát triển các ngành nghề nông thôn hiện có, phát huy lợi thế của vùng nguyên liệu, đa dạng hóa các sản phẩm ngành nghề nông thôn, áp dụng cơ giới hóa một số khâu sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập của nhân dân vùng nông thôn; trong đó, tập trung khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống của từng địa phương, cụ thể: nghề mây tre đan tại 03 huyện phía Nam, huyện Bảo Lâm; nghề dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần kết hợp du lịch tại huyện Lạc Dương, Đức Trọng, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; nghề ươm tơ dệt lụa tại thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà; nghề tranh thêu, đan len tại thành phố Đà Lạt; nghề chế biến thực phẩm tại Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc, Đạ Tẻh; nghề mộc gia dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân tại các địa phương.
c) Phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn:
- Khuyến khích phát triển dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống ở nông thôn trên cơ sở đa dạng hóa các loại hình tổ chức và hình thức cung cấp nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời với chất lượng cao, giá cả ổn định.
- Thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (thuốc thú y, bảo vệ thực vật, phân vi sinh và phân tổng hợp), nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản và đời sống ở nông thôn.
- Sắp xếp lại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy hoạch. Thu hút đầu tư, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở giết mổ có quy mô công nghiệp, bán công nghiệp; giảm dần và hướng đến việc sắp xếp lại các cơ sở giết mổ có quy mô nhỏ, phân tán theo quy hoạch.
6. Quy hoạch phát triển nông thôn:
a) Bố trí dân cư nông thôn: Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành bố trí, sắp xếp di dân tự do, dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo tồn nghiêm ngặt của rừng đặc dụng đến các khu vực định cư an toàn cho sản xuất và đời sống.
b) Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn:
- Thủy lợi: Nâng cấp công trình đầu mối, kiên cố hóa kênh mương phát huy năng lực thiết kế công trình; đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ tưới cho lúa, rau, hoa, cây công nghiệp dài ngày và vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ theo nhóm hộ và hệ thống kênh nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng tổng diện tích canh tác được tưới 155.000 ha đạt 60% diện tích cần tưới; đến năm 2015 có 56-58 xã đạt tiêu chí thủy lợi, đến năm 2020 có 98-100 xã đạt tiêu chí thủy lợi theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
- Giao thông: Kiên cố hóa mạng lưới đường huyện, đường xã và phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, bảo đảm giao thông thuận tiện đến trung tâm các xã và cơ bản có đường ô tô đến các thôn. Đến năm 2020 có 85% xã đạt tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới;
- Điện nông thôn: Cải tạo và phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện đến các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh; cơ bản bảo đảm đủ điện phục vụ cho dân sinh và sản xuất.
- Cấp nước sinh hoạt: tập trung xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt khai thác nguồn nước ngầm, nước mặt phục vụ dân sinh.
- Trường học: Hoàn thành kiên cố hóa trường lớp, đến năm 2015 có 35- 40% trường đạt chuẩn quốc gia, đến năm 2020 có trên 50-60% trường đạt chuẩn quốc gia; đầu tư xây dựng các cơ sở mầm non tại thôn, buôn và các cụm dân cư; đến 2015 có 98-100 xã đạt tiêu chí giáo dục, đến 2020 có 100% xã đạt tiêu chí giáo dục theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
- Y tế: Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất y tế tại nông thôn (trạm y tế, trang thiết bị y tế) đến 2015 có 52-55% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đến 2020 có 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2015 có 60-61 xã đạt tiêu chí y tế, đến 2020 có 100% xã đạt tiêu chí y tế theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
- Mạng lưới chợ nông thôn: Phát triển theo Quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 867/QĐ-UBND ngày 09/4/2008; hoàn thành xây dựng chợ đầu mối và sàn giao dịch nông sản tại huyện Đức Trọng. Giai đoạn 2011- 2015 đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 39 chợ, giai đoạn 2016-2020 đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 15 chợ.
c) Tổ chức sản xuất: Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã và tổ hợp tác, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; đến năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 105 hợp tác xã nông nghiệp và 300 tổ hợp tác, 630 trang trại, 35% hộ nông dân trên địa bàn tham gia các tổ chức kinh tế tập thể, mỗi xã xây dựng nông thôn mới có ít nhất 01 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; đến năm 2020 có khoảng 150 hợp tác xã và 400 tổ hợp tác, 900-1.000 trang trại, trên 40% hộ nông dân trên địa bàn tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; mỗi huyện hình thành ít nhất 01 mô hình hợp tác xã điển hình để nhân rộng.
Đổi mới quan hệ sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khuyến khích đưa doanh nghiệp về nông thôn
6. Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư: Gồm 09 Chương trình trọng điểm và 09 dự án ưu tiên, chi tiết tại Phụ lục I đính kèm.
7. Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 129.257 tỷ đồng, trong đó:
a) Giai đoạn 2011-2015: 54.067 tỷ đồng, bao gồm:
Nông nghiệp, thủy sản: 33.440 tỷ đồng;
- Lâm nghiệp: 2.074 tỷ đồng;
- Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới: 18.553 tỷ đồng;
- Trong đó: Ngân sách nhà nước: 5.721 tỷ đồng (10,6%). vốn đầu tư của nhân dân, các thành phần kinh tế 32.254 tỷ đồng (59,6%); vốn tín dụng: 16.092 tỷ đồng (29,8%)
b) Giai đoạn 2016-2020: 75.190 tỷ đồng, bao gồm:
- Nông nghiệp, thủy sản: 48.170 tỷ đồng;
- Lâm nghiệp: 1.681 tỷ đồng;
- Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới: 25.339 tỷ đồng;
Trong đó: Ngân sách nhà nước: 7.092 tỷ đồng (9,4%). Vốn đầu tư của nhân dân, các thành phần kinh tế 47.385 tỷ đồng (63%); vốn tín dụng: 20.713 tỷ (27,6%).
Chi tiết tại Phụ lục II kèm theo
8. Giải pháp chủ yếu
a) Giải pháp về vốn và thu hút đầu tư:
- Tập trung bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để đầu tư các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là giao thông nông thôn và thủy lợi.
- Huy động nguồn vốn trong dân để đầu tư chuyển đổi sản xuất, thâm canh tăng vụ, trồng rừng, phát triển ngành nghề, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện cơ chế “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ” trong đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn theo hình thức BT, BOT, PPP...
- Đẩy mạnh cải cách hành chính nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu.
- Phát triển mạng lưới tín dụng nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng hoạt động, cung ứng nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ để đầu tư cơ giới hóa sản xuất, trong đó ưu tiên đầu tư cho máy làm đất, hệ thống tưới, phương tiện vận chuyển, thiết bị bảo quản nông sản sau thu hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Giảm nguồn đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, đẩy mạnh các hoạt động lâm nghiệp trên cơ sở thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giải quyết hài hòa giữa nhiệm vụ và quyền lợi của tổ chức, cá nhân làm công tác quản lý bảo vệ rừng.
b) Giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ:
- Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn tới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng giá trị nông sản.
- Nghiên cứu, khảo nghiệm, nhập khẩu các công nghệ mới tại các nước nông nghiệp phát triển, đặc biệt là các công nghệ trong sản xuất giống, công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ nhà kính và công nghệ sau thu hoạch để tạo lập và nâng cao chuẩn giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
- Ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học trong chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong canh tác (nhất là canh tác bền vững trên đất dốc), ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông lâm sản; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật quản lý tổng hợp dịch hại cây trồng (IPM) và công nghệ vi sinh trong phòng trừ dịch bệnh và xử lý chất thải sản xuất nông nghiệp.
- Đầu tư, nâng cấp các cơ sở nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao, sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở sản xuất giống cây trồng ứng dụng công nghệ invitro để tạo ra cây giống sạch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nhập nội giống vật nuôi, cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao, thực hiện việc ươm nuôi và sản xuất thành công giống cá nước lạnh.
- Phát triển các cơ sở, trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ; huy động các thành phần kinh tế tham gia phát triển khoa học công nghệ.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp (máy gieo hạt, máy đóng bầu đất, máy liên hợp, máy thu hoạch, sơ chế bảo quản nông sản) trên địa bàn tỉnh đầu tư mở rộng sản xuất, góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp.
- Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học trong công tác quản lý, trồng, cải tạo, làm giàu rừng; đồng thời áp dụng các công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến lâm sản.
c) Giải pháp tổ chức sản xuất và đổi mới quan hệ sản xuất:
- Đổi mới và nhân rộng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới và phát triển kinh tế tập thể và Đề án đổi mới và phát triển kinh tế trang trại, trong đó vận động thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác, chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh kinh tế hộ và kinh tế trang trại.
- Xây dựng mô hình liên kết phát triển sản xuất từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, thu mua, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị sản theo hướng giảm bớt các khâu trung gian và nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong việc đầu tư nguồn lực và chuyển giao công nghệ trong sản xuất, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tạo sự ổn định về đầu ra cho nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
- Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ như du lịch trải nghiệm, du lịch học tập, homestay,...để nâng cao hiệu quả sản xuất và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, du lịch.
- Thực hiện tái cơ cấu các công ty TNHH MTV lâm nghiệp địa bàn tỉnh theo hướng hiệu quả, phù hợp với thực tế nhằm quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ hoạt động lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty Nông Lâm nghiệp và Chương trình hành động số 87-CT/TU ngày 29/9/2014 của Tỉnh ủy Lâm Đồng; Đối với các công ty TNHH MTV lâm nghiệp đã được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn về quản lý rừng bền vững quản lý theo mô hình doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp còn lại hoạt động theo mô hình doanh nghiệp công ích.
- Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và sử dụng rừng bền vững; tiếp tục thực hiện xã hội hóa nghề rừng, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển rừng và trồng rừng kinh tế; hoàn thiện công tác giao, khoán rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình và cộng đồng để hưởng lợi từ rừng.
d) Giải pháp về thị trường:
- Mở rộng thị trường trong và ngoài nước thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng (VietGAP, GlobalGAP, Oganic, UTZ, Rainforest, 4C); tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng.
- Xây dựng các trung tâm giao dịch, chợ nông sản tại thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, giảm bớt các khâu trung gian trong tiêu thụ nông sản.
- Đẩy mạnh công tác dự báo thông tin thị trường hỗ trợ người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường.
- Hỗ trợ các hợp tác xã, tổ chức, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quảng bá nông, lâm sản của tỉnh.
đ) Giải pháp về hợp tác quốc tế:
- Tranh thủ thời cơ, các cơ chế, chính sách từ việc triển khai chương trình hợp tác trung và dài hạn phát triển nông nghiệp giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản có tiềm lực về khoa học, công nghệ, thị trường liên kết với người dân tổ chức sản xuất và xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản, trước mắt tập trung thực hiện dự án hỗ trợ Lâm Đồng phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp.
- Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ.
- Tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ để tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Thu hút các doanh nghiệp FDI có trình độ kỹ thuật cao đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tạo nhân tố đột phá là điển hình trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhân dân học tập, ứng dụng.
e) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:
- Thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ưu tiên đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm sản, thủy sản, chế biến thực phẩm, sơ chế, bảo quản nông sản, ngành nghề truyền thống.
- Nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, thú y, bảo vệ thực vật, đặc biệt tại cấp cơ sở theo Đề án kiện toàn mạng lưới khuyến nông viên cơ sở và Đề án kiện toàn mạng lưới thú y cơ sở.
- Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cán bộ quản lý các cấp và cán bộ tại các đơn vị nghiên cứu.
g) Giải pháp về chính sách: Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Đảng và nhà nước trong hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tập trung thực hiện các chính sách sau:
- Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ.
- Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ lãi suất để thực hiện kế hoạch tái canh cà phê của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; chính sách hỗ trợ lãi suất để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến nông, lâm sản của tỉnh.
- Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ.
- Các chính sách thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2012-2015 theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 21/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 2575/QĐ-UBND ngày 05/11/2010 và Quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 30/5/2013.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì triển khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch hàng năm, hướng dẫn các địa phương thực hiện các mục tiêu, nội dung, giải pháp của quy hoạch.
b) Tham mưu, đề xuất cụ thể hóa các cơ chế chính sách và huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
c) Thường xuyên kiểm tra và giám sát, định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả thực hiện quy hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cân đối, bố trí ngân ngân sách và lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án liên quan, đảm bảo kinh phí thực hiện quy hoạch theo mục tiêu đề ra.
3. Các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện các nội dung, giải pháp của quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
4. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt quản lý quy hoạch, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn lập kế hoạch, lộ trình thực hiện các nội dung, giải pháp để đạt được mục tiêu của quy hoạch tại địa phương.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thi hành Quyết định từ ngày ký.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh)
I. Các chương trình trọng điểm:
- Chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
- Chương trình xây dựng nông thôn mới.
- Chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trọng tâm là thủy lợi và giao thông.
- Chương trình bố trí dân cư.
- Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Chương trình phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề.
- Chương trình cải tạo giống gia súc, gia cầm.
- Chương trình phát triển rừng bền vững.
- Chương trình phát triển nhân lực và chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn.
2. Các dự án ưu tiên:
- Dự án chuyển đổi giống và chế biến rau hoa đặc sản xuất khẩu, chè, cà phê chất lượng cao và tái canh cà phê.
- Các dự án trồng và chế biến Atisô.
- Dự án chế biến cà chua, chế biến thức ăn gia súc, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan.
- Dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc, cá nước lạnh.
- Dự án nâng cấp các hệ thống thủy lợi và kiên cố hóa kênh mương.
- Dự án phát triển thủy lợi nhỏ vùng đồng bào dân tộc.
- Dự án đầu tư xây dựng các hệ thống cấp nước sạch nông thôn.
- Dự án phát triển giao thông nông thôn.
- Dự án phòng chống lũ cho các huyện Đơn Dương và 3 huyện phía Nam.
NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ CHO NÔNG NGHIỆP, NÔNG
THÔN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Kèm theo Quyết định số 2897/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh)
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Hạng mục |
Tổng Nhu cầu |
Giai đoạn |
|
2011-2015 |
2016-2020 |
||
I. Tổng đầu tư |
129.257 |
54.067 |
75.190 |
1. Nông nghiệp, thủy sản |
81.610 |
33.440 |
48.170 |
2. Lâm nghiệp |
3.755 |
2.074 |
1.681 |
3. Phát triển nông thôn, nông thôn mới |
43.892 |
18.553 |
25.339 |
II. Phân theo nguồn |
129.257 |
54.067 |
75.190 |
1. Nhà nước đầu tư |
12.813 |
5.721 |
7.092 |
2. Tín dụng |
36.805 |
16.092 |
20.713 |
3. Nhân dân và các thành phần kinh tế khác |
79.639 |
32.254 |
47.385 |
Quyết định 2897/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
Số hiệu: | 2897/QĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Lâm Đồng |
Người ký: | Đoàn Văn Việt |
Ngày ban hành: | 31/12/2014 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Quyết định 2897/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
Chưa có Video