HỘI
ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
14-LCT/HĐNN8
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 1 năm 1989
|
PHÁP LỆNH
CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 14-LCT/HĐNN8 NGÀY 28/01/1989 VỀ LỰC
LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN VIỆT NAM
Để tăng cường bảo vệ trật tự,
an toàn xã hội ;
Để xây dựng Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam vững mạnh, góp phần bảo vệ vững
chắc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ;
Căn cứ vào Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ;
Pháp lệnh này quy định về Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1
Bảo vệ trật
tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và
là nghĩa vụ của mỗi công dân Việt Nam.
Lực lượng Cảnh sát nhân dân là lực
lượng nòng cốt của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.
Trong phạm vi chức năng của mình, Lực lượng Cảnh sát nhân dân có nhiệm vụ phòng
ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn xã
hội nhằm bảo vệ cuộc sống tự do, hạnh phúc, lao động hoà bình của nhân dân,
tính mạng, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm hoạt động
bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội ; bảo vệ chế độ kinh tế, sở
hữu xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng
các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, nếp sống văn minh, lành mạnh trong
nhân dân.
Điều 2
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân là một trong những lực lượng vũ trang của Nhà nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Hội đồng
bộ trưởng, sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cùng cấp và chịu sự chỉ huy tập
trung, thống nhất của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 3
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, chịu sự giám sát của
nhân dân.
Các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và mọi công dân có quyền phê
bình, góp ý kiến xây dựng Lực lượng Cảnh sát nhân dân; khiếu nại, tố cáo những
việc làm sai trái và yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân thực hiện đúng
nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều
4
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng vũ trang khác và lực
lượng nửa vũ trang, với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và dựa vào sức mạnh
của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ.
Các lực lượng vũ trang và nửa vũ
trang, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mỗi công dân có trách nhiệm cộng
tác, giúp đỡ Lực lượng Cảnh sát nhân dân làm tròn nhiệm vụ.
Chương
2:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA
LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN VIỆT NAM
Điều 5
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm
pháp luật về trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ trật tự công cộng ; phát hiện
nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật và kiến nghị các
biện pháp loại trừ những nguyên nhân, điều kiện đó.
Lực lượng Cảnh sát nhân dân thực
hiện việc xử phạt hành chính đối với các vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn
xã hội theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra của Lực lượng Cảnh sát
nhân dân tiến hành theo các hoạt động điều tra và đề nghị truy tố người phạm tội
theo quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
Điều 6
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân bảo vệ trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường
sắt ; cấp và kiểm tra đăng ký, bằng lái, giấy phép sử dụng và kiểm tra thiết bị
an toàn các phương tiện giao thông vận tải đường bộ ; phối hợp với cơ quan chức
năng kiểm tra thiết bị an toàn các phương tiện giao thông vận tải đường thuỷ,
đường sắt khi có dấu hiệu không bảo đảm an toàn.
Điều 7
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân bảo đảm thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam do Hội đồng bộ trưởng
quy định đối với những người đã có quyết định tạm giữ, tạm giam ; thi hành các
bản án phạt tù, trừ các bản án do các tổ chức trong Quân đội nhân dân đảm nhiệm
; giáo dục, cải tạo phạm nhân thành những công dân có ích cho xã hội ; quản lý,
giáo dục những người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng.
Lực lượng Cảnh
sát nhân dân áp giải bị cáo, bảo vệ các phiên toà hình sự và khi có yêu cầu của
Toà án nhân dân, bảo vệ các phiên toà dân sự, hỗ trợ các chấp hành viên của Toà
án trong việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Điều
8
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân cộng tác chặt chẽ với Lực lượng An ninh nhân dân phát hiện,
ngăn chặn, trấn áp kịp thời những hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, bảo vệ
an toàn các cơ quan của Đảng, Nhà nước và tổ chức xã hội, an toàn các đoàn
khách, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và người nước ngoài ở Việt Nam.
Lực lượng Cảnh sát nhân dân phối
hợp với Quân đội nhân dân, bảo vệ an toàn các hoạt động của Quân đội nhân dân
khi có yêu cầu và giải quyết những việc vi phạm trật tự, an toàn xã hội của
quân nhân.
Điều 9
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân canh gác bảo vệ các mục tiêu, cơ sở quan trọng về chính trị,
kinh tế, văn hoá, xã hội và tổ chức thực hiện chế độ hợp đồng bảo vệ do Hội đồng
bộ trưởng quy định.
Điều 10
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý hộ khẩu, giấy
chứng minh nhân dân ; giúp nhân dân tìm địa chỉ người thân, tìm người bị lạc,
người mất tích ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cư trú,
đi lại trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 11
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy ; đăng ký, quản lý
vũ khí, trừ vũ khí, khí tài do Quân đội nhân dân quản lý ; kiểm tra việc thực
hiện các quy định của Nhà nước về quản lý, bảo quản, vận chuyển, sử dụng chất nổ,
chất dễ cháy, chất độc, chất phóng xạ ; quản lý các nghề
kinh doanh đặc biệt do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Điều 12
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân phối hợp với các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và dựa vào
sự giúp đỡ của mọi công dân để đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, phòng ngừa
tai nạn, thiên tai, dịch bệnh ; cứu giúp người bị nạn ; kiểm tra việc thực hiện
các quy tắc về giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi
trường sống.
Điều 13
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân tổ chức hướng dẫn các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội trong
công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội ; chỉ đạo công tác và huấn luyện nghiệp
vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho các lực lượng bán chuyên trách, các tổ chức
bảo vệ, góp phần xây dựng phong trào bảo vệ trật tự, an toàn xã hội.
Điều 14
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân hỗ trợ các cơ quan Nhà nước thực hiện các quyết định, biện
pháp do pháp luật quy định, nếu nhân viên của các cơ quan đó bị cản trở khi thừa
hành nhiệm vụ.
Điều
15
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt
trận tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân ý thức tôn trọng pháp luật, động
viên và tổ chức nhân dân tham gia bảo vệ trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Điều 16
Chỉ huy Lực
lượng Cảnh sát nhân dân địa phương có trách nhiệm định kỳ báo cáo với Hội đồng
nhân dân và thường xuyên báo cáo với Uỷ ban nhân dân cùng cấp về tình hình và
công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trật tự, an toàn xã hội ở
địa phương.
Chỉ huy Lực lượng cảnh sát nhân
dân địa phương có trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng
cấp về những vấn đề liên quan để phối hợp vận động nhân dân bảo vệ trật tự, an
toàn xã hội.
Lực lượng Cảnh sát nhân dân có
trách nhiệm xem xét, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc và
các tổ chức thành viên của Mặt trận về công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội,
về những việc làm trái pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân.
Điều 17
Cán bộ,
chiến sĩ Cảnh sát nhân dân khi làm nhiệm vụ được ưu tiên đi lại bằng các phương
tiện giao thông công cộng, được miễn cước phí giao thông trong thành phố, thị
xã ; trong trường hợp cấp thiết để đuổi bắt người phạm tội quả tang hoặc người
đang có lệnh truy nã, để ngăn chặn hành động phạm tội đang được thực hiện, cấp
cứu người bị nạn, được sử dụng các phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của
các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và cá nhân, kể cả người điều khiển các
phương tiện đó, trừ các phương tiện của cơ quan ngoại giao và phải hoàn trả
ngay khi tình huống cấp thiết không còn. Nếu các phương tiện bị hư hỏng hoặc bị
mất thì đơn vị Cảnh sát nhân dân hữu quan có trách nhiệm bồi thường.
Điều 18
Trong trường
hợp cấp thiết, để thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được tạm
đình chỉ đi lại ở những đoạn đường nhất định và phải giải toả ngay khi tình huống
cấp thiết không còn ; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ những việc làm có hại đến trật
tự, an toàn xã hội và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định đó.
Điều 19
Để đuổi bắt
người phạm tội quả tang hoặc người đang có lệnh truy nã, để ngăn chặn tội phạm
đang được thực hiện hoặc để loại trừ tai nạn, sự nguy hiểm trực tiếp đe doạ
tính mạng của công dân, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được vào chỗ ở của
công dân, trụ sở của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân
dân trong khi làm nhiệm vụ có thể mời người chứng kiến hoặc yêu cầu người có vi
phạm đến cơ quan cảnh sát để hỏi hoặc để họ trình bày về việc vi phạm trật tự,
an toàn xã hội.
Điều 20
1- Cán bộ,
chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được sử dụng các biện pháp, phương tiện nghiệp vụ,
được trang bị vũ khí, các công cụ hỗ trợ do Hội đồng bộ trưởng quy định ; được
dùng vũ lực khi bị người có hành vi phạm tội chống cự, ngăn cản hoặc để bắt giữ
người có hành động hung hãn chống đối hoặc chạy trốn khi áp giải.
2- Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát
nhân dân chỉ được nổ súng trong các trường hợp sau đây :
a) Để bảo vệ công dân khi bị người
khác trực tiếp đe doạ tính mạng ;
b) Để ngăn chặn sự tấn công vào mục
tiêu phải bảo vệ ;
c) Để bắt giữ người có hành vi
phạm tội khi họ dùng vũ khí chống lại hoặc sau khi đã sử dụng các công cụ hỗ trợ
mà không có hiệu quả ;
d) Để bắt người có hành vi phạm
tội nghiêm trọng đang bị giữ, bị giam mà chạy trốn, nếu đã sử dụng các công cụ
hỗ trợ vẫn không thể bắt giữ được ;
đ) Để bảo vệ bản thân cán bộ,
chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trong khi làm nhiệm vụ mà bị người khác trực tiếp đe
doạ tính mạng.
Trong các trường hợp quy định tại
các điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều này, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân chỉ
được bắn sau khi đã hô hoặc nổ súng cảnh cáo, trừ trường hợp cấp bách ; nếu có
người bị thương thì phải tổ chức cấp cứu.
Điều 21
Trong khi
làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân phải mặc trang phục cảnh sát,
đeo số hiệu : nếu mặc thường phục phải xuất trình giấy chứng nhận Cảnh sát nhân
dân, khi có yêu cầu.
Điều 22
Các quyết
định của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân xử lý vi phạm theo thẩm quyền do
pháp luật quy định có hiệu lực thi hành ngay.
Nếu không đồng ý với các quyết định
của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân, người bị xử lý có quyền khiếu nại với
chỉ huy trực tiếp của người đã ra quyết định. Khiếu nại đối với quyết định của
chỉ huy Lực lượng Cảnh sát nhân dân cấp dưới được gửi đến chỉ huy Lực lượng Cảnh
sát nhân dân cấp trên.
Chỉ huy Lực lượng Cảnh sát nhân
dân cấp có thẩm quyền phải giải quyết và thông báo kết quả cho người khiếu nại
biết trong thời hạn 15 ngày và nếu là trường hợp phức tạp thì trong thời hạn 30
ngày, kể từ khi nhận được khiếu nại.
Nếu phát hiện thấy quyết định của
cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân là trái pháp luật thì chỉ huy của người đã
ra quyết định phải huỷ bỏ ngay quyết định đó, phục hồi các quyền và lợi ích hợp
pháp của người bị xâm phạm.
Điều
23
Trong trường
hợp công dân được Lực lượng Cảnh sát nhân dân huy động hoặc cùng Lực lượng Cảnh
sát nhân dân tham gia bảo vệ trật tự, an toàn xã hội mà bị thiệt hại về vật chất
hoặc nếu cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân trong khi làm nhiệm vụ mà gây thiệt
hại về vật chất cho công dân thì người bị thiệt hại được đơn vị Cảnh sát nhân
dân hữu quan bồi thường ; nếu bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ thì bản thân
và gia đình được hưởng chế độ do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Chương
3:
TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG CẢNH
SÁT NHÂN DÂN VIỆT NAM
Điều 24
Lực lượng
Cảnh sát nhân dân được tổ chức một cách thích hợp theo hệ thống đơn vị hành
chính Nhà nước.
Hệ thống tổ chức, bộ máy, trang
bị phương tiện kỹ thuật về chuyên môn - nghiệp vụ và các phương tiện hoạt động
khác của Lực lượng Cảnh sát nhân dân do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Điều 25
Sĩ quan Cảnh
sát nhân dân phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp ; hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát
nhân dân phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp hoặc theo chế độ nghĩa vụ. Chế độ
nghĩa vụ trong Lực lượng Cảnh sát nhân dân được áp dụng đối với hạ sĩ quan, chiến
sĩ Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ và Cảnh sát chữa cháy.
Chế độ nghĩa vụ
trong Lực lượng Cảnh sát nhân dân do Hội đồng bộ trưởng quy định.
Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục
vụ trong Lực lượng Cảnh sát nhân dân được coi là làm nghĩa vụ quân sự.
Điều 26
Cán bộ,
chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được Nhà nước phong hàm cấp tướng, cấp tá, cấp uý, cấp
hạ sĩ quan và chiến sĩ.
Hệ thống cấp bậc
hàm quy định như sau :
Cấp tướng có 4 bậc :
Đại tướng,
Thượng tướng,
Trung tướng,
Thiếu tướng ;
Cấp tá có 3 bậc :
Đại tá,
Trung tá,
Thiếu tá ;
Cấp uý có 4 bậc :
Đại uý,
Thượng uý,
Trung uý,
Thiếu uý ;
Cấp hạ sĩ quan có 3 bậc :
Thượng sĩ,
Trung sĩ,
Hạ sĩ ;
Cấp chiến sĩ có 2 bậc :
Chiến sĩ bậc 1,
Chiến sĩ bậc 2.
Sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân
dân ở mỗi cấp bậc hàm phải tốt nghiệp một cấp đào tạo nhất định theo quy định của
Hội đồng bộ trưởng.
Điều 27
Việc xét
phong, thăng cấp bậc hàm cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân
căn cứ vào nhu cầu, năng lực công tác, phẩm chất cách mạng và thời hạn ở cấp bậc
hiện tại.
Thời gian xét
thăng cấp bậc hàm đối với sĩ quan quy định như sau :
Thiếu uý lên trung uý : 2 năm,
Trung uý lên thượng uý : 2 năm,
Thượng uý lên đại uý : 3 năm,
Đại uý lên thiếu tá : 4 năm,
Thiếu tá lên trung tá : 4 năm,
Trung tá lên đại tá : 5 năm.
Việc xét thăng bậc hàm cấp tướng
không quy định thời hạn.
Điều 28
Quyền
phong và thăng cấp bậc hàm trong Lực lượng Cảnh sát nhân dân quy định như sau :
Hội đồng Nhà nước phong, thăng bậc
hàm đại tướng, thượng tướng ;
Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng
phong, thăng bậc hàm trung tướng, thiếu tướng ;
Bộ trưởng Bộ Nội vụ phong, thăng
cấp bậc hàm từ đại tá đến thiếu uý.
Thời hạn và quyền xét phong,
thăng cấp bậc hàm đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân do Hội đồng bộ
trưởng quy định.
Cấp có quyền phong, thăng cấp bậc
hàm nào thì được quyền tước, giáng cấp bậc hàm ấy.
Việc thăng hoặc giáng cấp bậc sĩ
quan, mỗi lần chỉ được một bậc; trong trường hợp đặc biệt mới được thăng hoặc giáng nhiều bậc.
Điều 29
Sĩ quan,
hạ sĩ quan có cấp bậc hàm cao hơn là cấp trên của sĩ quan, hạ sĩ quan có cấp bậc
hàm thấp hơn. Trong trường hợp sĩ quan hoặc hạ sĩ quan giữ chức vụ phụ thuộc
vào một sĩ quan hoặc hạ sĩ quan khác có cấp bậc hàm ngang hoặc thấp hơn thì
trong khi thi hành nhiệm vụ, người giữ chức vụ thấp phải phục tùng người giữ chức
vụ cao hơn.
Điều 30
Theo yêu
cầu công tác, chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, Lực lượng Cảnh sát nhân dân được tuyển
chọn trong số học sinh tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, trung học
chuyên nghiệp, dạy nghề và trong số thanh niên thuộc diện nhập ngũ để đào tạo,
bổ sung vào Lực lượng Cảnh sát nhân dân.
Điều 31
Cờ hiệu,
cảnh sát hiệu, cấp hiệu, phù hiệu kết hợp với cấp hiệu, trang phục, lễ phục và
giấy chứng nhận của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân do Hội đồng
bộ trưởng quy định.
Chương 4:
NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA
SĨ QUAN, HẠ SĨ QUAN CHIẾN SĨ CẢNH SÁT NHÂN DÂN
Điều 32
Sĩ quan,
hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân có nghĩa vụ phải thực hiện nghiêm túc 6 điều
Bác Hồ dạy Công an nhân dân được cụ thể hoá như sau :
1- Trung thành với Tổ quốc, với
Đảng, với Nhà nước và nhân dân ;
2- Nghiêm chỉnh chấp hành đường
lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh, Điều lệ của Lực lượng
Cảnh sát nhân dân, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên ;
3- Nêu cao tính trung thực, dũng
cảm, bình tĩnh, linh hoạt, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và công tác, góp phần
củng cố sự tín nhiệm và niềm tin của nhân dân đối với Lực lượng Cảnh sát nhân
dân ;
4- Tận tuỵ phục vụ nhân dân, tôn
trọng và bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, không ngừng rèn luyện tư thế, tác
phong, có thái độ kính trọng, lễ phép, lịch thiệp khi tiếp xúc với nhân dân ;
5- Không ngừng học tập, rèn luyện,
nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên trau dồi phẩm chất cách mạng, tính tổ chức
kỷ luật và rèn luyện thể lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Điều 33
Sĩ quan Cảnh
sát nhân dân phục vụ trong Lực lượng Cảnh sát nhân dân theo hạn tuổi do Hội đồng
bộ trưởng quy định.
Điều 34
Sĩ quan,
hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp được
hưởng lương, phụ cấp thâm niên và các chế độ phụ cấp khác.
Hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát
nhân dân phục vụ theo chế độ nghĩa vụ được hưởng chế độ cung cấp theo quy định
của Hội đồng bộ trưởng.
Điều 35
Sĩ quan,
hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân có thành tích thì tuỳ theo công trạng được
tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước hoặc các hình
thức khen thưởng khác ; nếu bị thương, bị bệnh hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ
thì bản thân và gia đình được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của Hội đồng
bộ trưởng.
Điều 36
Gia đình
sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân được chính quyền, đoàn thể nhân
dân, tổ chức xã hội ở địa phương chăm sóc về tinh thần và vật chất theo chế độ
chung của Nhà nước đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang
nhân dân.
Điều 37
Sĩ quan,
Hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân nào vi phạm Điều lệnh, Điều lệ của Lực
lượng Cảnh sát nhân dân thì bị xử lý kỷ luật ; nếu phạm tội thì bị truy tố trước
Toà án nhân dân.
Chương
5:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 38
Pháp lệnh
này thay thế :
- Pháp lệnh quy định nhiệm vụ,
quyền hạn của Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà ngày 16-7-1962 ;
- Pháp lệnh quy định chế độ cấp
bậc của sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà
ngày 16-7-1962 ;
- Pháp lệnh quy định cơ quan phụ
trách quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy và chế độ cấp bậc của sĩ quan, hạ
sĩ quan phòng cháy và chữa cháy ngày 23-3-1963.
Điều 39
Hội đồng
bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh này.
Hà
Nội, ngày 28 tháng 1 năm 1989