BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 17-NQ/TW |
Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2002 |
1. Qua hơn 15 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng về kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định về chính trị và hiện nay đang đứng trước yêu cầu mới của sự phát triển ở tầm cao hơn trước.
Để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và chỉnh đốn tổ chức, nâng cao hiệu lực lãnh đạo và quản lý.
Các cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi tuyệt đại bộ phận nhân dân cư trú, sinh sống. Hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư.
Trong thời gian qua, hệ thống chính trị ở phần lớn cơ sở đã tích cực thực hiện nhiệm vụ, thực hiện quy chế dân chủ, cùng với nhân dân tạo nên những thành tựu đổi mới và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn và thành thị.
Tuy nhiên, hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay còn nhiều mặt yếu kém, bất cập trong công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện và vận động quần chúng. Tình trạng tham nhũng, quan liêu, mất đoàn kết nội bộ, vừa vi phạm quyền làm chủ của dân, vừa không giữ đúng kỷ cương, phép nước xảy ra ở nhiều nơi, có những nơi nghiêm trọng. Chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận trong hệ thống chính trị chưa được xác định rành mạch, trách nhiệm không rõ; nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới, còn nhiều biểu hiện của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Đội ngũ cán bộ cơ sở ít được đào tạo, bồi dưỡng; chính sách đối với cán bộ cơ sở còn chắp vá.
Những yếu kém đó có phần trách nhiệm của bản thân hệ thống chính trị ở cơ sở, có phần thuộc trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị. Một nguyên nhân quan trọng là từ Trung ương đến các cấp, các ngành chưa nhận thức đúng vai trò, vị trí của cơ sở; quan liêu, không sát cơ sở, sát nhân dân, không kịp thời bàn định các chủ trương, chính sách để củng cố, tăng cường các tổ chức và đội ngũ cán bộ cơ sở.
2. Để đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, từ nay đến năm 2005, cần tập trung giải quyết mấy vấn đề cơ bản và bức xúc sau đây :
Một là, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời xây dựng mối quan hệ đoàn kết, phối hợp giữa các tổ chức dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ cơ sở; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hướng vào phục vụ dân, sát với dân, được dân tin cậy.
Hai là, thực hành dân chủ thực sự trong nội bộ các tổ chức của hệ thống chính trị ở cơ sở theo nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy quyền làm chủ của dân trên cơ sở thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, phát huy quyền dân chủ đại diện, quy định cụ thể việc thực hiện quyền của dân giám sát tổ chức và cán bộ ở cơ sở và thay thế người không đủ tín nhiệm. Phát huy dân chủ phải đi liền với củng cố và nâng cao kỷ luật, kỷ cương theo pháp luật.
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công tâm, thạo việc, tận tuỵ với dân, biết phát huy sức dân, không tham nhũng, không ức hiếp dân; trẻ hoá đội ngũ, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở.
II- Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở
1. Nâng cao nhận thức và làm đúng vai trò hạt nhân chính trị
- Đảng bộ, chi bộ cơ sở là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các mặt công tác ở cơ sở, cần nắm vững nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, chăm lo xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị hướng vào phục vụ nhân dân, đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi người dân và tổ chức thực hiện tốt ở cơ sở, phản ánh và giải đáp mọi tâm tư nguyện vọng của nhân dân, khơi dậy trí tuệ và nguồn lực của dân, không ngừng nâng cao trình độ dân sinh, dân trí, dân chủ ở cơ sở.
- Mọi đảng viên phải nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, vững vàng về chính trị, có đạo đức trong sáng, có lối sống lành mạnh, gắn bó với nhân dân, thật sự tiêu biểu cho lực lượng tiến bộ nhất ở cơ sở, phấn đấu trở thành người lao động giỏi, người công dân mẫu mực. Đảng viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phải phấn đấu làm kinh tế giỏi, đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, ra sức làm giàu chính đáng và lôi cuốn, vận động bà con cùng làm giàu, không cam chịu đói nghèo.
- Công tác phát triển đảng viên mới nhằm vào những người lao động giỏi, có đạo đức và lối sống lành mạnh, có uy tín trong quần chúng, những người có lý tưởng cách mạng, tích cực hoạt động trong hệ thống chính trị, có vai trò nòng cốt trong các đoàn thể nhân dân và các tổ chức tự quản của dân. Đối với những đảng viên không chịu khó làm việc, lười học tập, đã được tập thể giúp đỡ mà không tiến bộ thì vận động họ ra khỏi Đảng. Từng đảng bộ, chi bộ cơ sở phải phấn đấu không còn đảng viên yếu kém.
2. Đổi mới phương thức lãnh đạo
- Đổi mới việc ra nghị quyết của đảng bộ, chi bộ, của cấp uỷ đảng: Đối với những vấn đề lớn, quan hệ tới cuộc sống và quyền lợi của đông đảo nhân dân địa phương, đòi hỏi sự phối hợp của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đảng bộ, chi bộ và cấp uỷ đảng đề ra chủ trương và các giải pháp có tính định hướng và phân công, giao trách nhiệm cho các tổ chức trong hệ thống chính trị đề ra biện pháp và tổ chức thực hiện theo quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức. Những chủ trương công tác thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền và đoàn thể thì chính quyền và đoàn thể chủ động đề xuất, cấp uỷ đảng bàn và có ý kiến về những nội dung quan trọng.
Xây dựng và thực hiện quy chế làm việc giữa bí thư cấp uỷ với chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân, chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và những người đứng đầu các đoàn thể nhân dân để bàn và giải quyết kịp thời những công việc quan trọng và bức xúc trên địa bàn, bảo đảm cho cấp uỷ đảng quán xuyến được các mặt công tác ở xã, phường, thị trấn.
- Đảng bộ, chi bộ và cấp uỷ đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ gồm nhiều thế hệ bổ sung, kế tiếp nhau thông qua việc rèn luyện đội ngũ đảng viên, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng những người có tài, có đức trong dân để đảm đương các vị trí công tác trong hệ thống chính trị. Dựa vào dân và thông qua hoạt động thực tiễn ở cơ sở để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra cán bộ.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cuộc bầu cử ở cơ sở trước hết là bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn. Việc giới thiệu đảng viên và người ngoài Đảng để nhân dân, hội đồng nhân dân, đại hội và ban chấp hành các đoàn thể bầu vào các chức danh lãnh đạo phải dựa trên sự đề cử, ứng cử từ dưới lên. Thực hiện nghiêm túc việc thăm dò, lắng nghe ý kiến nhân dân trước khi bầu cử cấp uỷ. Việc bố trí bí thư đảng uỷ đồng thời làm chủ tịch hội đồng nhân dân hay chủ tịch uỷ ban nhân dân tuỳ theo tình hình cụ thể ở từng nơi.
- Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành nghị quyết của đảng bộ, đảng uỷ; kiểm tra công tác đồng thời kiểm tra tư cách đảng viên. Chú trọng tìm hiểu, lắng nghe ý kiến nhận xét, đánh giá của quần chúng đối với đảng viên và tổ chức đảng thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hằng năm, bí thư cấp uỷ, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân tự phê bình trước đại diện của nhân dân.
Theo tinh thần trên, Ban Bí thư ban hành quy chế và hướng dẫn cho các tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế.
III- Đổi mới và nâng cao hiệu lực của chính quyền cơ sở
1. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cơ sở
Chính quyền cơ sở có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các mục tiêu kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng ở cơ sở; thực hiện việc quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền được giao; hướng dẫn và giám sát các hoạt động tự quản của dân, tạo thuận lợi cho dân và doanh nghiệp làm ăn theo pháp luật. Cấp trên không dồn cho cơ sở những công việc thuộc chức năng cấp trên phải làm và không buộc cơ sở phải làm tất cả mọi việc về quản lý hành chính nhà nước.
Phân cấp rành mạch cả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và phương tiện thực hiện cho chính quyền cấp cơ sở trong việc thu, chi ngân sách, sắp xếp và quản lý cán bộ, quản lý đất đai, bảo vệ đê điều, thuỷ nông, quản lý hộ tịch, quản lý các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách và vốn huy động trong dân, quản lý cơ sở vật chất về giáo dục, y tế, văn hoá phục vụ cho nhân dân trong xã, phường, thị trấn. Chính quyền cấp cơ sở được cấp trên uỷ quyền thực hiện trên địa bàn việc thu một số loại thuế, quản lý tài nguyên, thực hiện chính sách xã hội bằng kinh phí ngân sách, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh...
Chính quyền phường không quản lý toàn diện các hoạt động sản xuất, đời sống dân cư trên địa bàn như chính quyền xã, thị trấn, song có nhiệm vụ rất quan trọng trong quản lý đô thị. Cần phân định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm và tạo điều kiện để chính quyền phường thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là trong việc quản lý thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai, nhà ở, hộ tịch, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị.
Thôn, làng, ấp, bản, sóc (gọi chung là thôn) là địa bàn quan trọng để phát huy các hình thức tự quản của cộng đồng dân cư trên cơ sở quan hệ truyền thống gắn bó trong đời sống vật chất và văn hoá. Khu phố hoặc tổ dân phố (tổ chức dưới phường) cũng có điều kiện và khả năng thực hiện một số hoạt động tự quản như giúp đỡ nhau sản xuất, giảm nghèo, bảo thọ, xây dựng đời sống văn hoá, phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, vệ sinh, môi trường... Thôn, khu phố hoặc tổ dân phố không phải là một cấp hành chính. Trưởng thôn, trưởng khu phố hoặc tổ trưởng dân phố do dân trực tiếp bầu vừa là người đại diện cho dân, vừa là người đại diện cho chính quyền xã, phường, thị trấn để thực hiện một số nhiệm vụ hành chính tại thôn, khu phố, tổ dân phố. Ở những nơi đông đồng bào dân tộc thiểu số phải coi trọng vai trò của già làng, vận động nhân dân bầu già làng có điều kiện làm trưởng thôn, trưởng bản.
Hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở, sửa đổi những quy định không phù hợp, bổ sung điều kiện và phương tiện để đưa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vào nền nếp thường xuyên.
2. Đổi mới hoạt động của hội đồng nhân dân
- Hội đồng nhân dân quyết định mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng tại cơ sở, những công việc mà xã, phường, thị trấn được phân cấp và những việc đáp ứng yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bầu và phê chuẩn các chức danh hành chính theo luật định; giám sát hoạt động của cơ quan hành chính và những công việc do cấp trên thực hiện trên địa bàn, nhất là việc sử dụng đất đai, quỹ công, tài sản công, kể cả các quỹ do dân đóng góp, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
- Đổi mới cơ chế bầu cử, bảo đảm cho dân đề cử, ứng cử, lựa chọn các đại biểu hội đồng nhân dân thực sự là người đại diện cho dân; tăng thêm số lượng đại biểu hội đồng nhân dân so với hiện nay; tăng tỷ lệ thích đáng đại biểu hội đồng nhân dân là người ngoài Đảng; tăng số kỳ họp và nâng cao chất lượng các kỳ họp hội đồng nhân dân.
- Các đại biểu hội đồng nhân dân, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các kỳ họp hội đồng, còn được phân công tham gia các hoạt động thường xuyên, gắn bó với dân như tổ chức giám sát của hội đồng nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, ban thanh tra nhân dân, tổ hoà giải, các tổ chức tự quản của dân...
3. Nâng cao hiệu lực của cơ quan hành chính
- Đề cao trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan hành chính xã, phường, thị trấn
+ Đối với những nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, những công việc được phân cấp và những việc tự quản của cộng đồng dân cư, chủ tịch uỷ ban nhân dân đưa ra hội đồng nhân dân bàn, quyết định chủ trương, sau đó tổ chức thực hiện.
+ Đối với những công việc được cấp trên uỷ quyền, cơ quan hành chính tổ chức thực hiện theo đúng quy định của cấp trên.
+ Đối với công việc tự quản của thôn và các tổ chức tự quản khác, cơ quan hành chính hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát việc tuân thủ pháp luật.
+ Đối với các khiếu kiện của dân, phải đề cao trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, không để dây dưa kéo dài.
- Về tổ chức cơ quan hành chính
Giữ chế độ uỷ ban nhân dân, nhưng thu gọn số thành viên. Quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể uỷ ban nhân dân, của chủ tịch uỷ ban nhân dân và các thành viên trong uỷ ban nhân dân. Kiện toàn bộ máy giúp việc gồm văn phòng uỷ ban nhân dân và ba khối công việc: khối kinh tế - tài chính (kể cả kế toán), khối văn hoá - xã hội và khối nội chính (đối với phường, có thể vận dụng quy định chung để tổ chức các khối công việc cho phù hợp).
- Về điều kiện và phương tiện làm việc
Tạo điều kiện cho chính quyền cơ sở chủ động về ngân sách, mở rộng các khoản thu, bảo đảm cho những cơ sở ở trình độ phát triển trung bình có thể tự cân đối được chi thường xuyên. Thực hiện quy chế định kỳ kiểm toán nhà nước, công khai thu, chi ngân sách cho dân biết.
Xây dựng trụ sở làm việc phục vụ chung cho các cơ quan trong hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở miền núi và các vùng có khó khăn. Phấn đấu đến năm 2005 các xã, phường, thị trấn đều có trụ sở làm việc. Trang bị các phương tiện làm việc cần thiết và từng bước hiện đại hoá theo yêu cầu tin học hoá hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Bảo đảm tốt hệ thống truyền thanh, nhà bưu điện - văn hoá để nhân dân tiếp nhận thông tin và hội họp.
IV- Đổi mới công tác mặt trận và các đoàn thể nhân dân
1. Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đóng vai trò nòng cốt xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân sát hợp với nhu cầu và lợi ích của hội viên, đoàn viên; trên cơ sở đó, tập hợp rộng rãi và nâng cao tính tự giác của hội viên, đoàn viên, xây dựng tổ chức vững mạnh; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi người dân; vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; tiến hành có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua.
Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thúc đẩy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phản ánh ý kiến của quần chúng về xây dựng Đảng và chính quyền, phát giác hành vi tham nhũng, lãng phí, vi phạm dân chủ; tham gia hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, bày tỏ thái độ đối với những khiếu kiện của dân để góp phần giải quyết từ gốc.
Đa dạng hoá các hình thức tập hợp quần chúng; coi trọng và mở rộng các tổ chức và hoạt động tự quản của nhân dân dưới nhiều hình thức phong phú; các hội viên, đoàn viên chủ động tham gia vào các tổ chức đó, làm nòng cốt vận động và tổ chức hoạt động đúng mục đích, đúng pháp luật.
2. Đổi mới cơ chế bảo đảm kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở
Phát huy tính chủ động của các đoàn thể ở cơ sở trong việc tạo nguồn và sử dụng kinh phí. Sửa đổi những quy định không còn phù hợp về hội phí, đoàn phí; thu đủ hội phí, đoàn phí và ưu tiên dành cho cơ sở.
Nhà nước cấp một phần kinh phí hoạt động cho Mặt trận và các đoàn thể nhân dân và tạo điều kiện để các đoàn thể gây quỹ theo đúng pháp luật. Kinh phí do Nhà nước cấp được hội đồng nhân dân ở cơ sở giao khoán cho Mặt trận và từng đoàn thể nhân dân chủ động quyết định việc chi tiêu, kể cả việc trả phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách.
V- Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở
1. Hệ thống chính trị ở cơ sở có cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách
Cán bộ chuyên trách là những cán bộ phải dành phần lớn thời gian lao động làm việc công để thực hiện chức trách được giao, bao gồm:
- Cán bộ giữ chức vụ qua bầu cử gồm: cán bộ chủ chốt của cấp uỷ đảng, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, những người đứng đầu uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Cán bộ chuyên môn được uỷ ban nhân dân tuyển chọn gồm: công an trưởng, xã đội trưởng, cán bộ văn phòng, địa chính, tài chính - kế toán, tư pháp, văn hoá - xã hội. Số lượng cán bộ chuyên trách do Chính phủ quy định.
Cán bộ chuyên trách ở cơ sở có chế độ làm việc và được hưởng chính sách về cơ bản như cán bộ, công chức nhà nước; khi không còn là cán bộ chuyên trách mà chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí, được tiếp tục tự đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng phụ cấp một lần theo chế độ nghỉ việc. Cán bộ, công chức cơ sở có đủ điều kiện được thi tuyển vào ngạch công chức ở cấp trên. Pháp lệnh cán bộ, công chức hiện hành cần được sửa đổi theo hướng bao gồm cả cán bộ, công chức cơ sở.
Cán bộ không chuyên trách là những người chỉ tham gia việc công trong một phần thời gian lao động. Căn cứ hướng dẫn của Trung ương, uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định khung về số lượng và mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách trong hệ thống chính trị ở cấp cơ sở (kể cả trưởng thôn).
2. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng
Tích cực trẻ hoá và từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Phấn đấu từ nay đến hết năm 2005 có khoảng 70-80% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ qua bầu cử được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn quy định; khoảng 80% cán bộ, công chức chuyên môn có trình độ trung cấp trở lên đối với đồng bằng, sơ cấp trở lên đối với miền núi.
Đổi mới căn bản chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy đối với cán bộ cơ sở theo hướng đào tạo cơ bản, bồi dưỡng theo chức danh, bảo đảm tính thiết thực. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và tăng cường cơ sở vật chất ở các trường chính trị cấp tỉnh, các trung tâm giáo dục chính trị cấp huyện.
Nâng cao mặt bằng dân trí; mở rộng mạng lưới trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng ở các tỉnh, huyện, các trường, lớp nội trú cho con em đồng bào các dân tộc để tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Có chính sách thu hút những người được đào tạo chuyên môn, nhất là sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng về làm cán bộ, công chức ở cơ sở và đưa cán bộ giáo dục, y tế về công tác ở cơ sở. Ở những nơi còn thiếu cán bộ tại chỗ, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, cần kết hợp đào tạo cán bộ thông qua việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, luân chuyển cán bộ ở huyện, tỉnh về công tác ở cơ sở với nhiệm vụ chính là dìu dắt, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ.
VI- Đổi mới sự chỉ đạo của cấp trên đối với cơ sở
Các tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp huyện phải đổi mới phương thức chỉ đạo, khắc phục bệnh quan liêu, xa dân, hướng mạnh tới cơ sở, tới thôn, xóm, ấp, bản, tăng cường đi sát, làm việc trực tiếp với cơ sở, với dân, thấu hiểu nguyện vọng của dân, cùng với cơ sở giải quyết vướng mắc cho dân, tổng kết những điển hình tốt từ cơ sở, những sáng kiến của dân. Mỗi cấp có quy chế cụ thể về thời gian làm việc tại cơ sở, giảm bớt sự chỉ đạo bằng giấy tờ và triệu tập cán bộ cơ sở lên họp.
Trong năm 2002, đồng thời với việc tiếp tục cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", Mặt trận Tổ quốc cùng với Nhà nước phát động một cuộc vận động mới về kinh tế: "Toàn dân thi đua làm kinh tế giỏi, từng nhà làm giàu cho mình, cho cộng đồng cơ sở và cho đất nước". Cuộc vận động rộng lớn về kinh tế này liên kết và phát huy các cuộc vận động của từng đoàn thể đang tiến hành về tổ chức làm ăn, cải thiện đời sống.
Sớm sửa đổi, bổ sung Luật về tổ chức hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân (với quy định cụ thể về phân cấp, uỷ quyền cho chính quyền cơ sở), Pháp lệnh về cán bộ, công chức (bổ sung quy định đối với cán bộ, công chức cơ sở), ban hành luật về hội, các quy chế về tổ chức, phương thức làm việc của tổ chức đảng và đoàn thể ở cơ sở, các chính sách đối với cán bộ ở cơ sở.
Trong việc hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện nghị quyết này đối với cơ sở, cần có biện pháp sát hợp với những nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số; vận dụng những nguyên tắc chung đối với hệ thống chính trị ở cơ sở để quy định cụ thể cho phường. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các quận, huyện, thành phố, thị xã tổng kết, đánh giá đúng thực chất của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, có sự phân loại các cơ sở và đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt để có giải pháp phù hợp. Có biện pháp cụ thể với sự hỗ trợ về cán bộ và tài chính để sớm khắc phục tình trạng yếu kém của hệ thống chính trị trong một số xã, phường; trước hết phải tập trung chấn chỉnh cho được các cơ sở đang có nguy cơ trở thành điểm nóng.
Nghị quyết này cần được sự phối hợp tổ chức thực hiện của các cơ quan chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cả bốn cấp. Trung ương và các cấp tỉnh, huyện phân công một số đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thường vụ cấp uỷ trực tiếp chỉ đạo thực hiện nghị quyết Trung ương và có cơ quan thường trực ở từng cấp để thống nhất chương trình hành động từng thời gian, định kỳ kiểm điểm kết quả, đề xuất các giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện.
|
TỔNG
BÍ THƯ |
Nghị quyết 17-NQ/TW năm 2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
Số hiệu: | 17-NQ/TW |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Ban Chấp hành Trung ương |
Người ký: | Nông Đức Mạnh |
Ngày ban hành: | 18/03/2002 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 17-NQ/TW năm 2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
Chưa có Video