BAN
CHẤP HÀNH |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 08A-NQ/HNTW |
Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1990 |
HỘI NGHỊ LẦN THỨ TÁM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHOÁ VI)
CUỘC KHỦNG HOẢNG CỦA CÁC NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Từ sau Hội nghị Trung ương bảy (khoá VI) và sau Thông báo ý kiến Bộ Chính trị (ngày 25-11-1989) đến nay, tình hình các nước xã hội chủ nghĩa tiếp tục diễn biến nhanh và hết sức phức tạp. Nhận định tổng quát là các nước xã hội chủ nghĩa đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện và nghiêm trọng nhất từ trước tới nay.
Ở một số nước, lực lượng chống chủ nghĩa xã hội đã nắm được chính quyền, đang đưa các nước đó đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Đảng Cộng sản và công nhân bị suy yếu nghiêm trọng, đã trở thành phe thiểu số đối lập; có đảng tan rã trong một thời gian rất ngắn, có đảng bị phân liệt, có đảng chuyển sang khuynh hướng xã hội dân chủ.
Ở một số nước xã hội chủ nghĩa khác, các đảng cộng sản và công nhân vẫn nắm được chính quyền, nhưng đang gặp nhiều khó khăn với mức độ khác nhau: có nước khủng hoảng diễn ra rất nghiêm trọng, nhiều tổ chức, đảng phái chống chủ nghĩa xã hội ra đời và đang ráo riết hoạt động, tình hình xã hội rối ren, các cuộc xung đột dân tộc, biểu tình, bãi công diễn ra liên tiếp; có nước, tuy chưa diễn ra những rối ren lớn về chính trị, nhưng có nhiều nhân tố không ổn định; có nước vẫn giữ được sự ổn định về chính trị, thu được những thành tựu quan trọng trong đổi mới, nhưng vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở các nước xã hội chủ nghĩa đang tác động tiêu cực tới phong trào cách mạng thế giới, làm cho so sánh lực lượng trên thế giới về nhiều mặt, trong đó có thế cân bằng chiến lược về quân sự, thay đổi bất lợi cho cách mạng.
Nguyên nhân
Cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa có những nguyên nhân sau đây:
1. Trong quá trình hình thành và phát triển, các nước xã hội chủ nghĩa đã giành được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, trong một thời gian ngắn, Liên Xô đã xây dựng được một nền kinh tế, một chế độ chính trị và một nền quốc phòng mạnh để đánh thắng chủ nghĩa phátxít, cứu loài người khỏi thảm hoạ nô dịch, đưa tới sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, thúc đẩy phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh giành độc lập ở hàng loạt nước. Từ giữa những năm 40 đến giữa những năm 60, nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã xây dựng được những cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Tới những năm 70, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã giành được thế cân bằng chiến lược về quân sự so với Mỹ và các thế lực đế quốc, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc hòng ngăn chặn và đẩy lùi chủ nghĩa xã hội. Thành quả vĩ đại của các nước xã hội chủ nghĩa là đã xoá bỏ chế độ người bóc lột người, đem lại cho nhân dân lao động quyền làm chủ xã hội, phát triển nền kinh tế với nhịp độ cao trong những năm 50 - 60 đã trở thành chỗ dựa cho cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Những thành tựu của chủ nghĩa xã hội đã thu được gắn liền với mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trước đây. Là nước đầu tiên mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Liên Xô trong những năm 20 - 30 đã tiến hành quốc hữu hoá, tích luỹ cao để công nghiệp hoá, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, tập thể hoá nông nghiệp, cách mạng văn hoá và xây dựng cơ chế quản lý tập trung cao. Trong điều kiện lịch sử của Liên Xô, nước xã hội chủ nghĩa duy nhất lúc bấy giờ, lại bị chủ nghĩa đế quốc tìm mọi cách bao vây, tiêu diệt và trong điều kiện nền kinh tế đang phát triển theo chiều rộng thì mô hình ấy đã có tác dụng tích cực trong việc tạo ra những cơ sở của chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là trong một thời gian ngắn đưa Liên Xô từ một nền kinh tế lạc hậu lên địa vị cường quốc công nghiệp thứ hai trên thế giới. Từ khi ra đời, các nước xã hội chủ nghĩa về đại thể đã áp dụng mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô và cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhưng mặt khác, ngay từ đầu mô hình ấy, được hình thành trong hoàn cảnh đặc biệt, đã chứa đựng một số nhược điểm và khuyết điểm: cải tạo xã hội chủ nghĩa nóng vội, hình thức sở hữu thiếu đa dạng làm cho người lao động thiếu gắn bó với tư liệu sản xuất và kết quả lao động; cơ chế quản lý tập trung nặng về hành chính mệnh lệnh và bao cấp; phủ nhận hoặc coi nhẹ kinh tế hàng hoá; hệ thống chính trị tập trung quan liêu làm suy yếu nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân...
Những nhược điểm và khuyết điểm của mô hình nói trên kéo dài quá lâu và ngày càng nặng nề, cộng với nhiều sai lầm khác ở nước này hay nước khác. Như vay nợ của phương Tây mà sử dụng kém hiệu quả, trấn áp nhiều người vô tội, tệ sùng bái cá nhân, chuyên quyền, độc đoán, gia đình trị, đặc quyền đặc lợi, tham nhũng, tư tưởng dân tộc lớn hoặc dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa bá quyền, v.v., tất cả những điểm nêu trên đã tạo nên sự kìm hãm việc phát triển lực lượng sản xuất, khoa học - kỹ thuật và nâng cao hiệu quả kinh tế; vi phạm nghiêm trọng quyền làm chủ của nhân dân; đời sống vật chất của nhân dân chậm được cải thiện, đời sống tinh thần bị gò bó. Những sai lầm đó tích tụ lại là nguyên nhân sâu xa của sự trì trệ, khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa từ những năm 70.
Sự trì trệ của các nước xã hội chủ nghĩa càng nổi bật trong bối cảnh lực lượng sản xuất của loài người có bước phát triển mới về chất, mức độ quốc tế hoá đạt trình độ cao dưới tác động của cách mạng khoa học - kỹ thuật và nền kinh tế thế giới xảy ra cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năng lượng, nguyên liệu... Trước tình hình ấy, các nước tư bản phát triển đổi mới cơ cấu sản xuất và giảm được một phần cuộc khủng hoảng, còn các nước xã hội chủ nghĩa lại tiếp tục phát triển theo chiều rộng, làm cho nhiều mặt lạc hậu đáng kể so với các nước tư bản phát triển. Đồng thời trong bối cảnh có sự bùng nổ về thông tin và phát triển giao lưu quốc tế, nhân dân có nhiều yêu cầu mới, các nước xã hội chủ nghĩa lại không đáp ứng kịp.
Vì vậy, cải tổ, cải cách, đổi mới là đòi hỏi tất yếu khách quan của sự phát triển của chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới.
2. Song, một số đảng không kịp thời tiến hành cải tổ, cải cách, để lâm vào tình trạng bị động trước làn sóng cải tổ, cải cách và sức ép của quần chúng, một số đảng khác trong quá trình cải tổ, cải cách, những người lãnh đạo đã phạm những khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng. Đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng khủng hoảng ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa diễn biến nhanh và xấu như hiện nay.
Sai lầm không chỉ thể hiện trong một số chủ trương không đúng, hình thức, phương pháp, bước đi không phù hợp mà điều nghiêm trọng là đã sai lầm về quan điểm, đường lối. ở đảng này hoặc đảng khác đã mắc những sai lầm có tính nguyên tắc như sau:
- Phủ nhận những thành quả của chủ nghĩa xã hội;
- Xa rời hoặc từ bỏ quan điểm giai cấp và đấu tranh giai cấp; buông lỏng hoặc từ bỏ chuyên chính vô sản; hạ thấp hoặc từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản;
- Buông lỏng hoặc từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức căn bản của Đảng;
- Từ bỏ những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội khoa học, đi theo chủ nghĩa xã hội dân chủ;
- Xa rời hoặc từ bỏ chủ nghĩa quốc tế vô sản, coi nhẹ hoặc từ bỏ sự giúp đỡ và ủng hộ các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng cách mạng, hoà bình và tiến bộ trên thế giới;
- Mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, thoả hiệp vô nguyên tắc với chúng.
Tóm lại là xa rời hoặc từ bỏ những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Cần phải nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa diễn ra như hiện nay còn do tác động lớn từ cuộc khủng hoảng của Liên Xô, thành trì của chủ nghĩa xã hội, là chỗ dựa chủ yếu của phong trào giải phóng dân tộc, các lực lượng hoà bình và tiến bộ trên thế giới. Trước tình hình trì trệ và khủng hoảng, Liên Xô nêu ra chủ trương cải tổ là cần thiết. Việc cải tổ của Liên Xô một mặt có tác động tích cực kích thích các nước tiến hành cải cách, đổi mới. Nhưng mặt khác, những quan điểm, khuynh hướng sai lầm, hữu khuynh của một số người lãnh đạo Liên Xô trong quá trình cải tổ đã trực tiếp tác động tiêu cực rất lớn đến nhiều nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng trên thế giới, đưa cuộc khủng hoảng của nhiều nước xã hội chủ nghĩa đến tình hình nghiêm trọng và những tổn thất nặng nề.
3. Các thế lực đế quốc và phản động quốc tế từ lâu vẫn tiến hành chiến lược chống phá, ngăn chặn, đẩy lùi, làm suy yếu chủ nghĩa xã hội, nay triệt để khai thác những sai lầm, khó khăn của các nước xã hội chủ nghĩa để tăng cường can thiệp, phá hoại, thực hiện diễn biến hoà bình một cách trắng trợn và thâm độc, nhằm xoá bỏ tất cả các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng vừa gây sức ép từ bên ngoài, vừa xây dựng và hỗ trợ các lực lượng chống chủ nghĩa xã hội, các phần tử bất mãn, cơ hội, hữu khuynh ở ngay trong các nước xã hội chủ nghĩa, gây mất ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội. Chúng cổ vũ các khuynh hướng tự do - dân chủ tư sản và dân tộc hẹp hòi; khuyến khích tư nhân hoá toàn bộ nền kinh tế, dùng viện trợ kinh tế có điều kiện để buộc các nước này lệ thuộc vào các nước tư bản; cổ vũ các khuynh hướng đa nguyên chính trị, đa đảng, hình thành các đảng đối lập với Đảng Cộng sản; đặc biệt chúng tập trung mũi nhọn đả kích vào các Đảng Cộng sản và công nhân, vào lực lượng an ninh và quân đội.
Các lực lượng xã hội - dân chủ, quốc tế xã hội thừa cơ các Đảng Cộng sản và công nhân bị giảm sút tín nhiệm đã tìm cách tập hợp lực lượng, mở rộng ảnh hưởng và tìm mọi cách tác động vào các nước xã hội chủ nghĩa. Các lực lượng phản động trong các tổ chức tôn giáo, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cực đoan cũng tăng cường hoạt động, hỗ trợ cho các lực lượng chống đối trong các nước xã hội chủ nghĩa.
Các nguyên nhân trên quyện chặt với nhau và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, tác động tổng hợp ở trong mỗi nước với những mức độ và hệ quả khác nhau.
Cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa sẽ còn kéo dài ở mức độ khác nhau tuỳ tình hình từng nước.
Trước mắt, có thể có những khả năng diễn biến sau đây:
Một là, một số mà Đảng Cộng sản không còn giữ vai trò lãnh đạo, đang trượt hẳn khỏi con đường xã hội chủ nghĩa, chuyển dần sang con đường tư bản chủ nghĩa ở dạng này hay dạng khác. Song, có nước trải qua đấu tranh kiên cường và bền bỉ, những người cộng sản và nhân dân lao động sẽ khôi phục được những thành quả của chủ nghĩa xã hội. Quá trình này đòi hỏi phải có thời gian và còn trải qua nhiều khó khăn.
Hai là, trong những nước xã hội chủ nghĩa mà Đảng Cộng sản đang giữ vai trò lãnh đạo, một số nước có cơ sở chính trị xã hội và lực lượng của Đảng Cộng sản tương đối vững chắc, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, qua cải tổ, cải cách, đổi mới, rút được kinh nghiệm, có thể tìm ra được giải pháp đúng, từng bước khắc phục dần khủng hoảng, đi vào ổn định và phát triển. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng có nước Đảng Cộng sản ngày càng dấn sâu vào con đường sai lầm, cuối cùng đảng mất vai trò lãnh đạo, các lực lượng chống chủ nghĩa xã hội giành được chính quyền, hoặc có nước Đảng Cộng sản không kịp thời đề ra chính sách cải cách đúng, chậm khắc phục những sai lầm đã tích tụ, đưa tới sự bùng nổ xấu về chính trị.
Nhìn chung, chủ nghĩa xã hội đang ở giai đoạn khó khăn, thử thách rất gay go. Cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa xã hội đang diễn ra rất quyết liệt. Nhưng chúng ta tin tưởng rằng với thời gian, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ vượt qua được thử thách, tiếp tục tiến lên. Thắng lợi của cuộc đấu tranh này ở từng nước tuỳ thuộc một cách quyết định vào việc những người cộng sản rút ra được những bài học kinh nghiệm, nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, khắc phục được sai lầm, tăng cường được vai trò lãnh đạo của mình.
Trong mấy chục năm qua, các nước xã hội chủ nghĩa đã xây dựng nên cơ sở chính trị, kinh tế và xã hội mang tính chất xã hội chủ nghĩa; tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã ăn sâu trong tiềm thức của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và những quyền lợi về kinh tế, chính trị, xã hội mà nhân dân lao động đã giành được không dễ dàng bị xoá bỏ. Đặc biệt ở Liên Xô, những cơ sở nói trên khá vững chắc, tuy tình hình trước mắt đang rất khó khăn và phát triển theo chiều hướng xấu, nhưng những người cộng sản và nhân dân Liên Xô kiên cường sớm hay muộn nhất định sẽ phấn đấu vượt qua khủng hoảng, giữ vững được thành quả cách mạng và tiến lên.
Những thế lực chống chủ nghĩa xã hội với các âm mưu và hành động của chúng, tuy tạm thời có lừa mị được một bộ phận nhân dân, nhưng với bản chất phản động và bóc lột, chúng sẽ ngày càng làm thiệt hại đến lợi ích thiết thân của nhân dân lao động, làm cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các lực lượng lành mạnh từng bước nhận rõ nguy cơ, tập hợp lại lực lượng và đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, cuộc đấu tranh này sẽ được sự hỗ trợ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa tiến hành cải tổ, cải cách, đổi mới thành công và sự ủng hộ của các lực lượng đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cho độc lập dân tộc, dân chủ và hoà bình trên thế giới.
Bọn đế quốc và phản động tuy hung hăng xảo quyệt, song bản thân chúng cũng đang vấp phải không ít khó khăn, khủng hoảng mâu thuẫn; khả năng của chúng là có hạn. Chúng đã giành được một số thắng lợi quan trọng, nhưng chúng không thể đảo ngược được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử loài người.
Cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trước mắt tuy gặp nhiều khó khăn, song chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển, không thế lực nào có thể ngăn cản được.
Hơn ba năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương đổi mới về: điều chỉnh cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, xoá bỏ cơ chế bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, đổi mới quản lý vĩ mô về kế hoạch hoá, về phân phối lưu thông và tài chính - tiền tệ, điều chỉnh chiến lược bảo vệ Tổ quốc, tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, thực hiện tốt hơn dân chủ trong Đảng và trong xã hội, từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động của các cơ quan dân cử, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động của các đoàn thể; đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, chứng tỏ đường lối đổi mới và bước đi của chúng ta là đúng đắn.
Tuy nhiên, chúng ta còn không ít khó khăn, trở ngại, các nhân tố chưa ổn định và các vấn đề nóng bỏng còn nhiều, đất nước chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội.
Đáng chú ý là nhiều xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã tiểu, thủ công nghiệp chưa vượt qua được thử thách của cơ chế mới, số người không có việc làm hoặc việc làm thất thường rất lớn; đời sống của một bộ phận nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức, sinh viên, bộ đội, công an, những người về hưu... còn nhiều khó khăn; bất công xã hội đang tăng lên; đời sống văn hoá, tinh thần có nhiều biểu hiện suy thoái, chất lượng giáo dục giảm, nhiều giá trị đạo đức bị xói mòn; trật tự an toàn xã hội ở mức đáng lo ngại; các tệ nạn xã hội phát triển. Trong khi số đông đảng viên, cán bộ thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức phẩm chất cách mạng trong sáng, chịu đựng gian khổ, hy sinh, phấn đấu quên mình cho sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thì một bộ phận cán bộ, đảng viên mang nặng tệ quan liêu, độc đoán, tham nhũng, tha hoá, biến chất. Những điều đó làm cho nhân dân lo lắng, bất bình. Hơn nữa, trong quá trình đổi mới sẽ còn phát sinh những mâu thuẫn mới đòi hỏi chúng ta phải nhạy bén và hết sức tỉnh táo để phát hiện và xử lý kịp thời, tránh những tác động bất lợi.
1. Tác động cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa đối với nước ta
Cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa đã và đang tác động tiêu cực đến cách mạng nước ta:
Trước hết là những tác động xấu về chính trị, tư tưởng, làm một số người hoài nghi đối với chủ nghĩa xã hội, giảm lòng tin đối với Đảng và Nhà nước; làm phát triển những khuynh hướng chính trị, tư tưởng sai lầm. Một số cán bộ, đảng viên tiếp nhận những tư tưởng, quan điểm sai lầm về cải tổ, cải cách của nước ngoài một cách máy móc, giáo điều, thậm chí còn truyền bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, kích thích những khuynh hướng sai trái phát triển.
Một số ít phần tử cơ hội, bất mãn đang đẩy mạnh hoạt động chống lại sự lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng, đòi dân chủ không giới hạn, gây mất ổn định tình hình, cản trở công cuộc đổi mới.
Lực lượng thù địch ở trong nước được sự tiếp sức của các thế lực đen tối ở nước ngoài đang tập hợp lực lượng và ráo riết hoạt động hòng xoá bỏ Đảng Cộng sản, và lật đổ chế độ ta.
Sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ có những điều chỉnh trong bối cảnh quốc tế mới.
Sự hợp tác kinh tế của ta với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác khó giữ được mức độ và những điều kiện ưu đãi như trước, sẽ gây cho chúng ta nhiều khó khăn về kinh tế.
Các quan hệ về kinh tế, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, kỹ thuật, tư tưởng, về đảng, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, v.v., giữa ta và một số nước xã hội chủ nghĩa và các đảng ở đó sẽ chuyển sang một cơ chế mới, có những phức tạp mới.
Cuộc khủng hoảng này cũng tác động sâu sắc đến Lào và Campuchia. Chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản động quốc tế sẽ lợi dụng tình hình này để chia rẽ ba nước Đông Dương, gây sức ép hơn nữa đối với nước ta và các nước Đông Dương hòng giải quyết vấn đề Campuchia có lợi cho chúng.
Nhưng qua cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta cũng rút ra được những điều quan trọng:
Chúng ta nhận rõ hơn: để bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên, Đảng phải tích cực đổi mới, nâng cao trình độ lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Đảng phải lãnh đạo công cuộc đổi mới với bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn luôn nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn của đất nước, có tinh thần độc lập, tự chủ, có quan điểm, phương pháp và bước đi đúng trong công cuộc đổi mới, luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, luôn nắm vững mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội; chống những khuynh hướng cực đoan, nóng vội hoặc bảo thủ, trì trệ, nhất là những khuynh hướng cơ hội, mị dân, đòi rập khuôn cách làm sai lầm trong cải tổ, cải cách của các nước khác.
Quan hệ giữa Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác với nước ta trong hoàn cảnh mới thúc đẩy nhân dân ta phải nỗ lực vươn lên giải quyết các vấn đề của mình với tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, khắc phục tư tưởng ỷ lại; chủ động hơn trong quan hệ quốc tế, mở rộng và đa dạng hoá quan hệ hợp tác, tham gia tích cực vào sự phân công lao động quốc tế.
Đối chiếu tình hình các nước xã hội chủ nghĩa với tình hình nước ta, nhân dân ta tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng ta và tự hào về những thành tựu bước đầu mà công cuộc đổi mới đã đạt được, quyết tâm đưa sự nghiệp đổi mới đi tới thắng lợi.
2. Âm mưu của các thế lực thù địch đối với nước ta
Cùng với việc tiếp tục chống phá các nước xã hội chủ nghĩa khác, đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch đang coi nước ta là một trọng điểm chống phá, ráo riết thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình bằng những thủ đoạn về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá và quân sự rất thâm độc.
Kế hoạch của chúng là:
+ Lợi dụng cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa để đả kích và gieo rắc hoài nghi về chủ nghĩa xã hội.
+ Lợi dụng chủ trương mở rộng dân chủ, chống tiêu cực, tìm mọi cách nói xấu, hạ uy tín của Đảng, gieo rắc, thúc đẩy mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ Đảng, tiến tới loại trừ sự lãnh đạo của Đảng; vô hiệu hoá Nhà nước, quân đội và công an.
+ Tìm mọi cách đưa các phần tử cực đoan hoặc đối lập vào các tổ chức trong hệ thống chính trị của ta.
+ Kích động các tầng lớp nhân dân đòi quyền lợi "dân chủ, dân sinh" vượt ra ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước và khả năng kinh tế của đất nước.
+ Lợi dụng việc ta mở rộng quan hệ quốc tế để thâm nhập chống phá ta về tư tưởng, văn hoá, lối sống...
+ Xây dựng và phát triển cơ sở phản động trong các tôn giáo, tích cực mở rộng ảnh hưởng của chúng ở một số vùng dân tộc thiểu số.
+ Thúc đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội, đẩy tới khủng hoảng chính trị, từng bước tư sản hoá xã hội nước ta, làm cho ta lệ thuộc vào chủ nghĩa tư bản.
Chúng nhằm tác động trước hết vào bọn phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn trong nước cũng như trong người Việt ở nước ngoài; tập trung vào các địa bàn trọng điểm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, vùng tôn giáo, vùng Tây Nguyên và biên giới...
Bọn đế quốc và phản động quốc tế tiếp tục cho người của chúng vũ trang thâm nhập ba nước Đông Dương, gây cơ sở biệt kích, phá hoại và hoạt động tình báo, gây sức ép và răn đe quân sự.
.....
Cuộc đấu tranh giai cấp giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa hai con đường chủ nghĩa xã hội và tư bản chủ nghĩa, giữa ta và địch trên phạm vi thế giới, ở nước ta và ba nước Đông Dương đang diễn ra gay gắt, quyết liệt và phức tạp.
Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là phải đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới theo Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, củng cố và phát triển những thắng lợi đã đạt được, kiên quyết khắc phục những khuyết điểm, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách, làm cho công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta thu được những thành tựu ngày càng lớn.
Để thực hiện nhiệm vụ trên phải luôn luôn giữ vững sự ổn định về chính trị. Có ổn định về chính trị mới có điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, từng bước khắc phục khó khăn và cải thiện đời sống nhân dân, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Nước ta và dân tộc ta, sau mấy thập kỷ chiến tranh đầy hy sinh, gian khổ và trên mình còn mang nhiều vết thương, nếu mất ổn định dẫn đến đảo lộn về chính trị, rối loạn về kinh tế thì sẽ là một thảm hoạ đối với cơ đồ vẻ vang mà Bác Hồ và nhiều thế hệ anh hùng đã xây dựng nên. Đấy là điều mà mỗi công dân, mỗi đảng viên cần nhận thức rõ để gánh lấy trách nhiệm trong tình hình mới vô cùng sôi động và phức tạp này.
Trong quá trình phấn đấu giữ vững sự ổn định chính trị, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đổi mới, phải phân biệt và có biện pháp khác nhau để xử lý đúng đắn mâu thuẫn giữa địch - ta và mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; phải tập hợp, đoàn kết rộng rãi nhân dân chống lại âm mưu phá hoại của kẻ thù; giữ vững tinh thần độc lập tự chủ, có quan điểm, phương pháp và bước đi đúng đắn trong công cuộc đổi mới.
Trong khi tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ chính trị mà các nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã xác định, trước mắt cần tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp bách sau đây:
1. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng
Trên cơ sở làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang hiểu rõ tình hình, thấu suốt những nhận định và chủ trương của Trung ương, công tác tư tưởng phải làm cho mọi người:
- Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta đã sáng suốt lựa chọn; khẳng định đường lối đổi mới của Đại hội VI, các nguyên tắc, quan điểm của các Nghị quyết Trung ương sáu, bảy, tám. Đấu tranh chống khuynh hướng cơ hội dưới nhiều màu sắc.
- Giữ vững lý tưởng cách mạng, tin tưởng vững chắc rằng nhân dân ta, có sự lãnh đạo của Đảng, nhất định đưa công cuộc đổi mới từng bước tới thành công; chủ nghĩa xã hội trên thế giới vượt qua khủng hoảng, sẽ khôi phục được sức mạnh và uy tín. Khắc phục tư tưởng bi quan, dao động.
- Khẳng định những thành quả cách mạng, những thành tựu của công cuộc đổi mới; chống khuynh hướng phủ định thành quả cách mạng.
- Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ và đoàn kết quốc tế, khắc phục những biểu hiện giáo điều, rập khuôn; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế, khắc phục tư tưởng ỷ lại và ảo tưởng.
- Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước âm mưu và thủ đoạn thâm độc của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động ở trong và ngoài nước chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ nhân dân với Đảng, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chia rẽ nhân dân ta với nhân dân Liên Xô, Lào, Campuchia và các nước xã hội chủ nghĩa khác.
- Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, phát huy phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Đảng và nhân dân ta. Đồng thời kiên quyết khắc phục những sai lầm, khuyết điểm của Đảng và Nhà nước, của cán bộ, đảng viên, chống tệ tham nhũng, quan liêu, chuyên quyền, độc đoán, ức hiếp dân và lối sống thực dụng, xa hoa, đồi truỵ...
- Tiếp tục phát huy rộng rãi dân chủ trong Đảng và trong xã hội, đồng thời đấu tranh chống quan điểm dân chủ tư sản, dân chủ cực đoan, buông lỏng trấn áp đối với các hoạt động thù địch chống chủ nghĩa xã hội.
- Tiếp tục mở rộng thông tin trong cán bộ và nhân dân.
Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, báo chí, xuất bản. Phê phán, đấu tranh với những quan điểm sai trái, lệch lạc. Thông tin về cải tổ, cải cách, về cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa phải có chọn lọc, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng ta; thông tin về các nước tư bản cần phản ánh được bản chất của chủ nghĩa tư bản.
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội, những vấn đề thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, những vấn đề về chủ nghĩa tư bản hiện đại, về chủ nghĩa xã hội dân chủ, trên cơ sở nắm vững quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin.
2. Đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Cuộc khủng hoảng của các nước xã hội chủ nghĩa cho chúng ta bài học: chỉnh đốn Đảng, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị và tính tiên phong của Đảng, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trước hết là Ban Chấp hành Trung ương; giữ vững mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân, đó là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Trước mắt, làm tốt những việc sau đây:
- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở phải nắm vững và làm đúng chức năng lãnh đạo của mình bằng phương pháp dân chủ, kiên quyết khắc phục tình trạng bao biện công việc của Nhà nước, của các đoàn thể quần chúng. Hợp lý hoá tổ chức, tinh giản biên chế và bộ máy của Đảng từ Trung ương đến cơ sở.
- Thực hiện tốt dân chủ trong Đảng, dân chủ trong việc ra quyết định, bầu cử, lựa chọn cán bộ, sinh hoạt tư tưởng, thông tin trong nội bộ đảng, v.v.. Đồng thời, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, bảo đảm đoàn kết thống nhất trong Đảng cả về tư tưởng và hành động, trước hết trong các cấp ủy đảng.
- Làm trong sạch Đảng, biểu dương những đảng viên gương mẫu, xử lý nghiêm những phần tử thoái hoá, biến chất, kể cả biến chất về chính trị, khắc phục những biểu hiện lợi dụng chức quyền làm điều sai trái.
- Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương.
- Trong năm 1990, Đảng công bố dự thảo Cương lĩnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các văn kiện khác trình Đại hội VII để toàn Đảng, toàn dân góp ý kiến.
3. Tiếp tục làm chuyển biến tốt tình hình kinh tế, xã hội
- Tập trung sức đẩy mạnh sản xuất, chấn chỉnh và tạo điều kiện cho kinh tế quốc doanh khắc phục khó khăn, hoạt động có hiệu quả, ngày càng phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân; bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách khuyến khích phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể và các thành phần kinh tế khác theo định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đây là hướng quan trọng thu hút lao động xã hội, từng bước khắc phục tình trạng thiếu việc làm. Đồng thời, giải quyết tốt một số vấn đề nóng bỏng khác như lạm phát, tài chính, ngân hàng, giá cả, tiêu thụ sản phẩm... làm cho tình hình kinh tế chuyển biến ngày càng tốt hơn, không để xảy ra những đột biến xấu.
- Nhà nước cần xem xét và dự đoán những ảnh hưởng tiêu cực do tình hình quốc tế gây ra đối với nền kinh tế nước ta ngay trong năm 1990, xử lý kịp thời và dự phòng phương án đối phó để không bị động.
- Các cơ quan nhà nước lập tổ chức chuyên trách chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực và liên tục tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nhất là chống tham nhũng, có phương pháp, trọng điểm và bước đi phù hợp, trước mắt, khẩn trương xét xử và trừng phạt công minh một số vụ tiêu cực lớn đã được phát hiện và thông báo rộng rãi một số trường hợp.
- Chính quyền các cấp bằng mọi cách dành một phần nguồn lực sẵn có và động viên thêm những nguồn trong xã hội để ngăn chặn tình trạng xuống cấp của các cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, khoa học; bổ sung một số chính sách xã hội cấp bách.
- Xúc tiến ngay việc nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương đã quá bất hợp lý làm giảm động lực đối với người lao động. Gắn liền với việc tăng thu ngân sách, kiên quyết chống thất thu. Xây dựng, bổ sung những chính sách điều tiết thu nhập và phân phối, khắc phục tình trạng phân phối không công bằng, phân hoá giàu nghèo quá đáng, chăm sóc đời sống người về hưu, gia đình cách mạng, thương binh và gia đình liệt sĩ, v.v..
- Các cấp uỷ đảng, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng phải nắm vững tình hình các trường đại học, các cơ quan khoa học, các hội văn học nghệ thuật, cố gắng đáp ứng những yêu cầu chính đáng. Chú ý tăng cường công tác chính trị, tư tưởng và có những chế độ, chính sách thoả đáng tạo điều kiện cho trí thức phát huy tài năng.
- Trong tình hình mới, các cấp, các ngành nâng cao cảnh giác, coi trọng hơn nữa công tác quốc phòng và an ninh, có phương án cụ thể để chủ động ứng phó với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
- Quân đội, công an cần thường xuyên nâng cao tinh thần cách mạng, tác phong sẵn sàng chiến đấu, tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch nội bộ và coi trọng giáo dục cán bộ, chiến sĩ ý thức thi hành nghiêm pháp luật của Nhà nước. Mặt khác, phải giáo dục toàn dân yêu quý, chăm sóc, bảo vệ, giúp đỡ lực lượng vũ trang, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.
Cần nắm vững những phương hướng lớn sau đây:
- Tiếp tục thực hiện đường lối Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về đối ngoại: giữ vững hoà bình, tranh thủ điều kiện bên ngoài thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời căn cứ vào khả năng và điều kiện cụ thể của ta góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Kiên trì phương châm thêm bạn, bớt thù, không để các vấn đề cục bộ, tạm thời, thứ yếu cản trở việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược của ta.
- Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, đoàn kết quốc tế phù hợp với tình hình mới. Khắc phục tư tưởng ỷ lại; đa dạng hoá quan hệ quốc tế, đẩy lùi từng bước chính sách bao vây, cấm vận đối với nước ta.
- Tích cực củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Đặt lên hàng đầu yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả sự hợp tác toàn diện với Liên Xô. Tăng cường quan hệ đặc biệt giữa Đảng và nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trên cơ sở tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau.
Trong quan hệ với Trung Quốc phải nắm vững phân định của Đảng ta: Trung Quốc là nước xã hội chủ nghĩa ... Chúng ta kiên trì phấn đấu sớm bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, mặt khác ... giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đối với các nước mà Đảng Cộng sản không còn lãnh đạo chính quyền, chúng ta tích cực ủng hộ những người cộng sản trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của họ, đồng thời có cách xử lý đúng đắn quan hệ về mặt nhà nước.
Tích cực góp phần thúc đẩy việc phối hợp hành động chung của các Đảng Cộng sản và các nước xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện mới.
- Kiên trì phấn đấu cho một giải pháp chính trị về vấn đề Campuchia phù hợp với lợi ích cơ bản của cách mạng Campuchia, và hoà bình, ổn định trong khu vực.
- Bằng nhiều hình thức khác nhau ra sức ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta nhận thức rõ rằng cách đóng góp tốt nhất và thiết thực nhất lúc này vào cách mạng thế giới là thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng ta, làm cho Việt Nam ngày càng ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế - xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng.
Cuộc khủng hoảng ở các nước xã hội chủ nghĩa đã cho chúng ta nhiều bài học. Con đường chúng ta đang đi còn dài và đầy chông gai. Công cuộc đổi mới của nhân dân ta có những thuận lợi mới nhưng cũng đang đứng trước nhiều thử thách mới. Đảng ta và nhân dân ta có đầy đủ quyết tâm và nghị lực, tài năng và trí tuệ vượt qua mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, làm cho nước ta trở thành nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh.
|
T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ĐẢNG |
Nghị quyết 08A-NQ/HNTW năm 1990 tình hình nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
Số hiệu: | 08A-NQ/HNTW |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Ban Chấp hành Trung ương |
Người ký: | Nguyễn Văn Linh |
Ngày ban hành: | 27/03/1990 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 08A-NQ/HNTW năm 1990 tình hình nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
Chưa có Video