HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2013/NQ-HĐND |
Thành phố Hải Phòng, ngày 25 tháng 07 năm 2013 |
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 21/12/2004;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09/6/2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 16/5/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XIV) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;
Sau khi xem xét Tờ trình số 25 /TTr-UBND ngày 06/6/2013 và Đề án số 3940 /ĐA-UBND ngày 06/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án số 3940 /ĐA-UBND ngày 06/6/2013 kèm theo Tờ trình số 25/TTr-UBND ngày 06/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về "Nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030", đồng thời nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:
1. Quan điểm phát triển
a) Khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là nền tảng và động lực đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh; là khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững thành phố.
b) Thực hiện tốt chủ trương đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống tổ chức, các cơ chế chính sách về khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
c) Tập trung phát triển và trọng dụng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ. Thường xuyên coi trọng xây dựng và sử dụng hiệu quả tiềm lực khoa học và công nghệ của thành phố; chú trọng phát huy lợi thế của Hải Phòng, tranh thủ tối đa tiềm lực khoa học và công nghệ của Trung ương.
d) Phát triển khoa học và công nghệ hướng vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của thành phố; kết hợp nhiều trình độ, nhiều tầng, lấy ứng dụng là chính, bảo đảm hiệu quả và vững chắc. Ưu tiên phát triển khoa học công nghệ về biển, kinh tế biển, một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nhất là các ngành, lĩnh vực trọng điểm; lựa chọn công nghệ thích hợp không gây ô nhiễm môi trường.
đ) Ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực cho phát triển khoa học và công nghệ. Tập trung đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động khoa học và công nghệ; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học công nghệ.
e) Chủ động hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới; thu hút nguồn lực và chuyên gia khoa học và công nghệ có trình độ và chất lượng cao tham gia các dự án khoa học và công nghệ của thành phố.
a) Mục tiêu tổng quát
Khoa học và công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất để nâng cao sức mạnh tổng hợp của thành phố toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế thành phố, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, đảo, kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ của vùng duyên hải Bắc bộ và của cả nước, trong tốp đầu phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ về biển, kinh tế biển và môi trường biển vào năm 2030.
b) Mục tiêu cụ thể
- Bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tư vấn, phản biện khoa học, xây dựng căn cứ khoa học xác đáng cho các chủ trương, chính sách, quyết định của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng và an ninh. Nâng cao hiệu quả mọi mặt của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn bó chặt chẽ với sản xuất, kinh doanh; xây dựng phát triển đô thị, nông thôn và đời sống nhân dân; góp phần quan trọng tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, xây dựng nông thôn mới.
- Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, phát triển công nghệ, kỹ thuật cao. Tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao đạt 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2015, đạt 40% vào năm 2020.
- Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 20 - 25%/năm; giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15-20%/năm. Năm 2020, đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực chủ yếu; các sản phẩm chủ yếu đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GDP lên khoảng 30% vào 2015, 40% vào năm 2020.
- Số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích đăng ký bảo hộ đến năm 2015 tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, đến năm 2020 tăng 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Đến năm 2020, phấn đấu 100% giải pháp hữu ích của Hải Phòng được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống; phấn đấu 100% các đặc sản, làng nghề truyền thống của Hải Phòng được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài tăng trung bình 20%/năm.
- Củng cố và tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ của các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố; tranh thủ tốt tiềm lực khoa học và công nghệ của Trung ương và quốc tế. Chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo pháp luật quy định. Hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học trên địa bàn có khả năng giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của thành phố, có sức lan tỏa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng duyên hải Bắc bộ và trong các ngành biển và kinh tế biển.
- Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao, xây dựng đội ngũ chuyên gia khoa học và công nghệ giỏi, đầu đàn. Phấn đấu đến năm 2020 nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 850 người/vạn dân; tỷ lệ cán bộ nghiên cứu - phát triển đạt 12 - 13 người/vạn dân. Đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ trong các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố tăng bình quân 20%/năm; trong đó phấn đấu cán bộ có trình độ trên đại học đạt 35% vào năm 2015, 40% vào năm 2020.
- Phấn đấu tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015, trên 2% GDP vào năm 2020; đầu tư từ ngân sách cho khoa học và công nghệ bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách thành phố hàng năm.
- Đổi mới cơ bản hệ thống và cơ chế chính sách về khoa học và công nghệ theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ.
a) Khoa học xã hội và nhân văn
Nghiên cứu những luận cứ khoa học góp phần nâng cao chất lượng các quyết định, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Nghiên cứu các vấn đề về củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ở các cấp thành phố, tăng cường và nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Nghiên cứu các vấn đề cơ chế chính sách, mô hình, giải pháp phát triển kinh tế nhanh, bền vững; điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học, đề xuất các cơ chế, chính sách phục vụ xây dựng văn hóa nông thôn mới. Nghiên cứu các vấn đề thực hiện xã hội hoá phát triển văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, thể thao, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; xây dựng con người Hải Phòng; luận cứ xây dựng và phát triển văn hoá, văn minh đô thị đáp ứng yêu cầu của đô thị loại 1, đô thị trung tâm cấp quốc gia. Tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn, khai thác những giá trị lịch sử truyền thống, văn hoá tốt đẹp của các địa phương thành phố Hải Phòng.
b) Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước và khoáng sản
Nghiên cứu sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt. Chú trọng công nghệ tuần hoàn nước trong thành phố; công nghệ bảo vệ nguồn nước ngọt chống mặn hóa và công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt. Nghiên cứu cơ bản tài nguyên, xác định trữ lượng khoáng sản ở tầng sâu; sử dụng công nghệ khai thác hiệu quả cao, an toàn, đảm bảo môi trường sinh thái. Nghiên cứu khai thác sử dụng nguồn tài nguyên phi truyền thống như năng lượng mặt trời, năng lượng gió...Nghiên cứu quy hoạch, quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên khoáng sản.
c) Khoa học, công nghệ biển
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ về biển, hải đảo, vùng nước sâu, xa bờ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ an ninh, trật tự và chủ quyền biển đảo. Nghiên cứu các luận cứ khoa học cho việc quy hoạch và sử dụng hiệu quả không gian biển và hải đảo; nghiên cứu quản lý và khai thác có hiệu quả các tài nguyên hải sản, cảnh quan du lịch, khoáng sản trong lòng và đáy biển, năng lượng sóng biển và thuỷ triều. Nghiên cứu luận cứ và giải pháp, ứng dụng công nghệ mới trong phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội thành phố như công nghiệp đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản, dịch vụ cảng và hàng hải.
d) Công nghiệp
Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ kỹ thuật cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, tạo ra giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn cho GDP và ngân sách của thành phố, tăng nhanh hàm lượng tiến bộ khoa học và công nghệ mới trong công nghiệp. Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực, trọng điểm của thành phố; tập trung vào một số lĩnh vực như: cơ khí chế tạo; điện tử, điện lạnh, tin học; công nghiệp hoá chất, nhựa; đúc, luyện kim, thép; cơ khí nặng, thiết bị tàu biển, tàu thủy, ô tô tải, container, vật liệu xây dựng; dệt - may, giầy dép; chế tạo, chế biến xuất khẩu; thiết bị hàng hải.
đ) Giao thông vận tải
Nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải với các phương thức như BOT, BT, PPP; cơ chế và chính sách và cách thức quản lý thu về phí và giá từ các dịch vụ vận tải để tăng nguồn thu; các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển vận tải khách công cộng hiện đại, văn minh, thân thiện môi trường. Nghiên cứu các giải pháp tổ chức, quản lý giao thông vận tải động và tĩnh, dịch vụ sửa chữa phương tiện vận tải hợp lý, khoa học, từng bước hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS trong quản lý, quy hoạch và khảo sát thiết kế công trình công cộng; xử lý ách tắc giao thông bảo đảm an toàn giao thông. Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ nâng tốc độ, độ an toàn và năng lực giao thông, vận tải.
e) Nông, lâm nghiệp, thủy sản
Chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ an toàn thực phẩm; phấn đấu nâng cao trình độ công nghệ và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hiệu quả và bền vững. Quy hoạch, phát triển và nâng hiệu quả hoạt động khu nông nghiệp công nghệ cao với quy mô và mô hình thích hợp với Hải Phòng. Phát triển nền nông nghiệp đô thị sinh thái.
g) Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân
Tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới, làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm... Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong y học hiện đại, y học cổ truyền. Tổng kết thực tiễn, đề xuất các mô hình, giải pháp phòng, chống và điều trị các bệnh, dịch nguy hiểm phổ biến ở Hải Phòng. Nghiên cứu y học biển, tập trung vào các bệnh, mô hình chăm sóc sức khoẻ đặc thù phục vụ vùng biển đảo, các bệnh nghề nghiệp kinh tế biển đảo. Nghiên cứu, ứng dụng các mô hình tiên tiến và các giải pháp khả thi chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi ; mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu, bác sỹ gia đình; kế hoạch hóa gia đình. Nghiên cứu mô hình và các giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về y tế, quản lý dịch vụ y tế trong điều kiện kinh tế thị trường.
h) Quản lý và phát triển đô thị
Nghiên cứu luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, quản lý thực hiện quy hoạch và chiến lược phát triển đô thị; các quy chế phân công, phân cấp, phối hợp các cấp, ngành trong quản lý và phát triển đô thị; mô hình đô thị kinh tế - sinh thái, chính quyền đô thị; cơ chế nhân dân tham gia lập và thực hiện quy hoạch; ứng dụng mô hình xã hội hoá quản lý đô thị; chính sách tạo vốn phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, phát triển nhà ở đô thị, kinh tế đô thị. Nghiên cứu các giải pháp quản lý kiến trúc đẹp, chất lượng cao, có bản sắc trong phát triển đô thị. Ứng dụng công nghệ và giải pháp hiện đại, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực cho nâng chất lượng quản lý đô thị các mặt, nhất là quy hoạch, thiết kế đô thị, công trình ngầm, ánh sáng, kiến trúc đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị và xây dựng, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Ứng dụng các công nghệ thi công xây dựng tiên tiến, hiện đại, vật liệu mới trong xây dựng đô thị và trang trí nội thất, nhà ở; cải thiện chất lượng nhà ở. Nghiên cứu phát triển cây xanh đô thị, các công trình hạ tầng xã hội.
i) Kinh tế dịch vụ
Nghiên cứu luận cứ, các giải pháp và mô hình quản lý, thiết bị, công nghệ, kỹ thuật tập trung phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám cao mà Hải Phòng có lợi thế và tầm ảnh hưởng lớn: các hoạt động dịch vụ, xếp dỡ hàng hóa, logistics; du lịch biển, thương mại, bán buôn, bán lẻ văn minh, hiện đại gắn với xác lập thương hiệu nội và xây dựng thương hiệu; hiện đại hóa và nâng chất lượng, độ an toàn các dịch vụ tài chính, ngân hàng; hiện đại hóa các dịch vụ bưu chính, viễn thông. Nghiên cứu các giải pháp huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực kinh tế dịch vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, vận hành hệ thống cảng toàn diện các mặt.
k) Quốc phòng và an ninh
Nghiên cứu các luận cứ và giải pháp gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, bảo đảm quốc phòng và an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ứng dụng các công nghệ hiện đại trong chỉ huy tác chiến, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng tránh thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
l) Ứng dụng và phát triển công nghệ cao
- Công nghệ thông tin
Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Đến năm 2020 cơ bản xây dựng được chính quyền điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử và phát triển thương mại điện tử tại Hải Phòng. Xây dựng các khu vực công cộng kết nối không dây trong đô thị, khu du lịch. Công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ phát triển hàng năm cao so với các lĩnh vực khác, có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của thành phố ngày càng tăng; làm nòng cốt để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố phát triển bền vững.
- Công nghệ sinh học
Nghiên cứu và ứng dụng có trọng điểm các công nghệ gen, tế bào, vi sinh, enzym-protein, tin sinh học, nano sinh học…; xây dựng phát triển công nghiệp sinh học. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản, y tế, bảo vệ môi trường,...
- Công nghệ tự động hoá
Tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự động hóa vào 3 khâu: thiết kế, thi công và kiểm tra, đo lường. Kết hợp một cách hợp lý giữa tự động hóa với công nghệ, thiết bị hiện có nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của dây chuyền sản xuất, dịch vụ, tiết kiệm chi phí. Tranh thủ đi thẳng vào ứng dụng công nghệ tự động hoá hiện đại phù hợp đối với từng ngành, từng lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và trong từng giai đoạn phát triển. Chủ động trong chuyển giao công nghệ và nghiên cứu làm chủ công nghệ nhập; chú trọng cải tiến, nâng cấp công nghệ nhập phù hợp điều kiện thành phố.
- Công nghệ vật liệu mới
Nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ và phát triển ứng dụng có hiệu quả các vật liệu mới, hiệu quả sử dụng cao, bền vững hơn, nhất là vật liệu dùng trong môi trường biển, ven biển, đảo. Khuyến khích và hỗ trợ nghiên cứu chế tạo các vật liệu tiên tiến từ nguồn nguyên liệu trong nước, đặc biệt là nguyên liệu sinh học; các tổ hợp vật liệu mới trong công nghiệp, xây dựng và dân dụng...
- Công nghệ năng lượng tái tạo và môi trường
Nghiên cứu sử dụng trong sản xuất, kinh doanh và đời sống các nguồn năng lượng tự nhiên như năng lượng mặt trời, sức gió, sóng biển và năng lượng từ chất thải hữu cơ; ứng dụng các công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, công nghệ hiện đại, kỹ thuật mới xử lý, cải thiện ô nhiễm môi trường, đặc biệt xử lý chất thải nông nghiệp và cải thiện môi trường khu vực làng nghề, nông thôn, các sông, hồ, khu công nghiệp của Hải Phòng; ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh; phát triển công nghệ tái chế chất thải.
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò nền tảng, động lực, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khoa học và công nghệ
Nâng cao nhận thức toàn xã hội về vai trò của khoa học, công nghệ; về trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban ngành về phát triển khoa học và công nghệ gắn với phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của từng cấp, từng ngành, đơn vị và có trách nhiệm bố trí đủ nguồn lực thực hiện các kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ.
b) Tiếp tục đổi mới toàn diện hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động khoa học và công nghệ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ
- Đổi mới hệ thống quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ theo hướng tinh giản, tập trung cho xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách; tăng cường năng lực điều phối liên ngành, liên vùng, giảm bớt chức năng tác nghiệp cụ thể. Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý của các quận, huyện, sở ngành theo hướng xác định rõ nội dung, trách nhiệm và thẩm quyền quản lý. Nghiên cứu ban hành các quy định phục vụ quản lý.
- Thực hiện đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo thuận lợi phát huy cao vai trò của doanh nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Xây dựng cơ chế cơ quan nhà nước đặt hàng thực nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Xây dựng các Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, có mục tiêu trong từng giai đoạn và cụ thể hóa hàng năm.
- Đổi mới các cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ của các đơn vị nhà nước từ hành chính, bao cấp sang cơ chế thị trường; gắn kết chặt chẽ với nhu cầu ứng dụng của sản xuất kinh doanh; doanh nghiệp đóng vai trò là trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ. Xây dựng các cơ chế của thành phố khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Nghiên cứu áp dụng, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị hoạt động theo hướng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
c) Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ
Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao, ngang tầm với yêu cầu thực lực các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ thành phố và yêu cầu của trình độ phát triển khá trong khu vực, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. Xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển nhân lực khoa học và công nghệ; đề xuất các chính sách đào tạo, sử dụng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt đối với các chuyên gia giỏi, cán bộ khoa học và công nghệ đầu đàn, những nhà khoa học có nhiều công lao, cống hiến cho thành phố. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về phát triển nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 11/4/2008 của Thành ủy.
d) Củng cố, tăng cường tiềm lực và phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ
Củng cố, sắp xếp lại và phát triển các tổ chức khoa học và công nghệ công lập của thành phố theo hướng mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những cơ sở trọng điểm. Trước mắt, tập trung nguồn lực và tạo điều kiện đầu tư xây dựng có chọn lọc một số đơn vị hoạt động khoa học và công nghệ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Hình thành các khu công nghệ, kỹ thuật cao thích hợp với Hải Phòng. Củng cố, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, vùng, cơ sở ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng Khu nghiên cứu, chuyển giao và ươm tạo công nghệ. Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của các trường đại học, cao đẳng tại chỗ cùng với chú trọng khai thác năng lực khoa học và công nghệ của các cơ quan Trung ương và quốc tế. Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển.
đ) Phát triển thông tin khoa học và công nghệ
Xây dựng mạng lưới thông tin khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố. Phát triển mạnh dịch vụ cung cấp, tổng hợp - phân tích thông tin, số liệu thống kê khoa học và công nghệ bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý, sản xuất kinh doanh. Xây dựng nguồn lực thông tin số hóa các cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ công dân dễ dàng tiếp cận. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn để đẩy mạnh tuyền truyền, phổ biến tri thức khoa học và công nghệ.
e) Tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ
- Bảo đảm tốc độ tăng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách cho khoa học và công nghệ lớn hơn tốc độ tăng chi ngân sách thành phố, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hoá , huy động các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học và công nghệ. Chú trọng quản lý tốt và nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách. Thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của thành phố.
- Khái toán nhu cầu kinh phí cho hoạt động khoa học và công nghệ giai đoạn 2014-2020: Tổng đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ giai đoạn 2014-2020: 16.300 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn ngân sách thành phố: 3.182 tỷ đồng (chiếm 19,52%). Nguồn huy động khác: 13.118 tỷ đồng (chiếm 80,48%).
g) Phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy, kích cầu thị trường khoa học và công nghệ. Hỗ trợ phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ; tổ chức lại, nâng cao hiệu quả và đi vào thực chất phong trào lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở mọi lĩnh vực, với sự tham gia của mọi đối tượng, đặc biệt là phong trào sáng tạo trong công nhân, nông dân, thanh thiếu niên. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng; phát triển và quản lý các tổ chức trung gian tư vấn, môi giới công nghệ.
h) Hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ
Chủ động mở rộng, có trọng tâm trọng điểm trong hợp tác phát triển khoa học, công nghệ trong và ngoài nước; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và trung ương trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chia sẻ thông tin, chuyên gia, đổi mới công nghệ; hướng vào giải quyết các mục tiêu ưu tiên của thành phố.
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ có mục tiêu, trọng điểm trong từng giai đoạn, cụ thể hóa thành nhiệm vụ hàng năm; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án, giải pháp cụ thể, phù hợp để triển khai thực hiện.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban Hội đồng nhân dân thành phố, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25 tháng 7 năm 2013./.
|
CHỦ TỊCH HĐND
THÀNH PHỐ |
Nghị quyết 08/2013/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế Thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
Số hiệu: | 08/2013/NQ-HĐND |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Thành phố Hải Phòng |
Người ký: | Nguyễn Văn Thành |
Ngày ban hành: | 25/07/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Nghị quyết 08/2013/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế Thành phố Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành
Chưa có Video