CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2025/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày tháng năm 2025 |
DỰ THẢO |
|
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công.
1. Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 1 như sau:
“b) Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.”
2. Sửa đổi khoản 1 Điều 2 như sau:
“1. Chương trình khuyến công quốc gia là tập hợp các nội dung, nhiệm vụ về hoạt động khuyến công trong từng giai đoạn (05 năm hoặc 10 năm) do Bộ Công Thương tổ chức xây dựng và phê duyệt phù hợp với kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn của ngành nhằm mục tiêu khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên phạm vi cả nước.”
3. Bổ sung khoản 5a, 5b Điều 2 như sau:
“5a. Sản xuất và tiêu dùng bền vững là việc áp dụng các giải pháp theo hướng tiếp cận vòng đời sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong các khâu từ khai thác tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu đến thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ, chú trọng sửa chữa, bảo dưỡng và bảo trì, tái sử dụng và tái chế trong các công đoạn của vòng đời sản phẩm; coi trọng đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, cải tiến thiết bị, quy trình quản lý nhằm thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.”
“5b. Chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công là việc hỗ trợ áp dụng các sản phẩm, giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ số nhằm thay đổi mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh truyền thống để tạo ra cơ hội, sản phẩm, doanh thu và giá trị mới trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.”
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 như sau:
“3. Khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên nhiên vật liệu gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.”
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 4 như sau:
“Tổ chức đào tạo nghề theo nhu cầu của các cơ sở sản xuất công nghiệp để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động. Chương trình và hình thức đào tạo nghề chủ yếu là: kèm cặp nghề, truyền nghề, tập nghề; chương trình bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp; chương trình chuyển giao công nghệ.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau:
“Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình về áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh”
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 như sau:
“4. Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn thông qua hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp; hỗ trợ tổ chức hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm. Hỗ trợ tổ chức các cuộc thi tay nghề thợ giỏi. Hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu; hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm và các nội dung hoạt động khuyến công khác.”
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 4 như sau:
“7. Hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp và di dời các cơ sở công nghiệp nông thôn vào cụm công nghiệp:
a) Hỗ trợ tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn xúc tiến đầu tư phát triển cụm công nghiệp.
b) Hỗ trợ công nghệ, máy móc thiết bị xử lý nước thải, khí thải tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp.
c) Hỗ trợ lập dự án đầu tư, chi phí vận chuyển, lắp đặt dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị cho các cơ sở công nghiệp nông thôn di dời vào cụm công nghiệp theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 5 như sau:
“Điều 5. Danh mục ngành, nghề, lĩnh vực được hưởng chính sách khuyến công
1. Tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định này đầu tư, sản xuất vào các ngành, nghề, lĩnh vực sau đây được hưởng chính sách khuyến công theo các nội dung quy định tại Điều 4 Nghị định này:
a) Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; sản xuất và chế biến thực phẩm.
b) Công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu.
c) Công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp. Sản xuất vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thân thiện với môi trường.
d) Công nghiệp cơ khí; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững;
đ) Ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại địa phương cần được bảo tồn và phát triển.
e) Áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; hoạt động phát triển cụm công nghiệp và di dời các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm tại các làng nghề, khu dân cư vào cụm công nghiệp.
g) Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
2. Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác khuyến công trong từng thời kỳ, Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sửa đổi, bổ sung ngành, nghề, lĩnh vực được hưởng các chính sách quy định tại khoản 1 Điều này.”
10. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 6
“a) Ưu tiên các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp hoá chất phục vụ nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; công nghiệp hỗ trợ; áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững.”
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:
“Điều 9. Tổ chức khuyến công khác
1. Tổ chức khuyến công khác là đơn vị sự nghiệp công lập không trực thuộc Sở Công Thương có chức năng nhiệm vụ về khuyến công do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và các tổ chức khác không thuộc Điều 7, Điều 8 của Nghị định này nhưng có đủ năng lực để triển khai thực hiện các dịch vụ khuyến công.
2. Tổ chức, cá nhân thuộc khoản 1 Điều này được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, được tham gia vào các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tổ chức.”
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 11, Điều 12, Điều 13 thành Điều 11 mới như sau:
“Điều 11. Kinh phí bảo đảm hoạt động khuyến công
Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, bảo đảm cho hoạt động khuyến công (gọi chung là kinh phí khuyến công) bao gồm kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương.
1. Kinh phí khuyến công quốc gia là kinh phí sử dụng cho các hoạt động khuyến công do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện hoặc các khoản chi khác phục vụ hoạt động khuyến công quốc gia.
2. Kinh phí khuyến công địa phương là kinh phí do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý, sử dụng cho các hoạt động khuyến công do các cấp ở địa phương thực hiện hoặc các khoản chi khác phục vụ hoạt động khuyến công địa phương.
3. Kinh phí thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công quy định tại Điều 4 Nghị định này (trừ nội dung quy định tại điểm c khoản 9 về đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Điều 7, Điều 8 của Nghị định này) bao gồm kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành; vốn của cơ sở công nghiệp nông thôn; vốn tài trợ, lồng ghép từ các chương trình, dự án; các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Vốn hỗ trợ từ kinh phí chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật. Phần vốn hỗ trợ này không tính vào thu nhập chịu thuế của cơ sở công nghiệp nông thôn.
4. Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp dành cho đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ khuyến công thuộc Điều 7, Điều 8 của Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đầu tư công”
13. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 như sau:
“4. Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với các nội dung hoạt động khuyến công thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”
14. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 14 như sau:
“Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương tham mưu Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công tại địa phương.”
15. Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c khoản 1 Điều 15 như sau:
“b) Xây dựng và phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia từng giai đoạn. Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai các hoạt động khuyến công theo chương trình đã phê duyệt.”
“c) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, đề án khuyến công quốc gia hàng năm đảm bảo phù hợp với Chương trình khuyến công quốc gia từng giai đoạn đã phê duyệt.”
16. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 15 như sau:
“3. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn tiêu chí chung về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, mã số, chức danh nghề nghiệp, phân loại xếp hạng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ khuyến công trực thuộc Sở Công Thương”
17. Bổ sung khoản 1a Điều 16 như sau:
“đ) Xây dựng, trình Bộ Công Thương tổng hợp các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công có sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia. Căn cứ yêu cầu công tác, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện hoặc chỉ đạo thực hiện một số chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn.”
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 16 như sau:
“2. Sở Công Thương là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các đề án khuyến công sau khi được phê duyệt; kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công thực hiện trên địa bàn đảm bảo đúng quy định.”
1. Thay thế cụm từ “Cục Công nghiệp địa phương” bằng cụm từ “Cục Công Thương địa phương” tại khoản 1, khoản 2 Điều 7.
2. Thay thế cụm từ “ Trung tâm khuyến công cấp tỉnh” và cụm từ “Trung tâm Khuyến công của các địa phương” bằng cụm từ “Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ về khuyến công” tại khoản 2, khoản 3 Điều 15, điểm h khoản 1 Điều 16.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2025.
1. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công
Số hiệu: | Khongso |
---|---|
Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ |
Người ký: | Phạm Minh Chính |
Ngày ban hành: | 09/10/2024 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 45/2012/NĐ-CP về khuyến công
Chưa có Video