Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 92/2012/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2012

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH PHÁP LỆNH TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 6 năm 2004;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo,

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Nghị định này quy định về hoạt động tín ngưỡng; về tổ chức tôn giáo; hoạt động tôn giáo của tín đồ, nhà tu hành, chức sắc và tổ chức tôn giáo; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 2. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, không ai được xâm phạm quyền tự do ấy.

Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

HOẠT ĐỘNG TÍN NGƯỠNG

Điều 3. Hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng

1. Cộng đồng dân cư nơi có cơ sở tín ngưỡng bầu, cử người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng.

Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ họ và tên, tuổi, nơi cư trú của những người được bầu, cử đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả bầu, cử.

2. Trước ngày 15 tháng 10 hàng năm, người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã bản thông báo dự kiến hoạt động tín ngưỡng diễn ra vào năm sau tại cơ sở. Nội dung bản thông báo nêu rõ tên cơ sở tín ngưỡng, người tổ chức, chủ trì hoạt động; dự kiến số lượng người tham gia nội dung, hình thức tổ chức sinh hoạt, thời gian diễn ra hoạt động tín ngưỡng.

Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày gửi bản thông báo hợp lệ, nếu Ủy ban nhân dân cấp xã không có ý kiến khác thì cơ sở tín ngưỡng được hoạt động theo nội dung đã thông báo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

3. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động tín ngưỡng diễn ra tại cơ sở.

Người tham gia hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm thực hiện nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật và các quy định của cơ sở tín ngưỡng.

4. Đối với những cơ sở tín ngưỡng là từ đường, nhà thờ họ thì không áp dụng theo quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 4. Lễ hội tín ngưỡng và việc tổ chức lễ hội

1. Lễ hội tín ngưỡng là hình thức hoạt động tín ngưỡng có tổ chức, thể hiện sự tôn thờ, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng, thờ cúng tổ tiên, biểu tượng có tính truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng dân gian khác tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp về lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

2. Những lễ hội tín ngưỡng sau đây khi tổ chức phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi diễn ra lễ hội:

a) Lễ hội tín ngưỡng được tổ chức lần đầu;

b) Lễ hội tín ngưỡng được khôi phục lại sau thời gian gián đoạn;

c) Lễ hội tín ngưỡng được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi về nội dung, thời gian, địa điểm so với trước.

3. Đối với những lễ hội quy định tại Khoản 2 Điều này, người đại diện có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị về việc tổ chức lễ hội, trong đó nêu rõ tên lễ hội, nguồn gốc lịch sử của lễ hội, phạm vi, thời gian, địa điểm, chương trình, nội dung lễ hội. Đối với lễ hội tín ngưỡng được quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này, nội dung văn bản đề nghị không nêu lại nguồn gốc lịch sử của lễ hội;

b) Danh sách Ban Tổ chức lễ hội.

4. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

5. Đối với những lễ hội tín ngưỡng không thuộc quy định tại Khoản 2 Điều này, trước khi tổ chức 15 ngày làm việc, người tổ chức có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã về thời gian, địa điểm, nội dung, hình thức tổ chức lễ hội và danh sách Ban Tổ chức lễ hội. Trường hợp do thiên tai, dịch bệnh hoặc an ninh, trật tự, việc tổ chức lễ hội có thể tác động xấu đến đời sống xã hội ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc tổ chức lễ hội.

Chương 3.

TỔ CHỨC TÔN GIÁO

MỤC 1. ĐĂNG KÝ SINH HOẠT TÔN GIÁO; ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG, CÔNG NHẬN TỔ CHỨC TÔN GIÁO

Điều 5. Đăng ký sinh hoạt tôn giáo

1. Công dân có nhu cầu tập trung để thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện, bày tỏ đức tin về tôn giáo mà mình tin theo thì người đại diện gửi hồ sơ đăng ký sinh hoạt tôn giáo đến Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Hồ sơ đăng ký, thời hạn trả lời:

a) Văn bản đăng ký sinh hoạt tôn giáo, trong đó nêu rõ tên tôn giáo, tôn chỉ, mục đích, họ và tên người đại diện, nơi cư trú, nội dung, hình thức tổ chức sinh hoạt, địa điểm, thời gian, số lượng người sinh hoạt tại thời điểm đăng ký;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

3. Điều kiện để được chấp thuận sinh hoạt tôn giáo:

a) Tôn chỉ, mục đích, nội dung sinh hoạt không vi phạm các quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điều 15 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo;

b) Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo;

c) Người đại diện phải là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, có tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc.

Điều 6. Đăng ký hoạt động tôn giáo

1. Để được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có sinh hoạt tôn giáo ổn định từ hai mươi năm trở lên kể từ ngày được Ủy ban nhân dân cấp xã chấp thuận sinh hoạt tôn giáo, không vi phạm các quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Điều 15 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo;

b) Là tổ chức của những người có cùng niềm tin; có giáo lý, giáo luật, lễ nghi, đường hướng hành đạo và hoạt động gắn bó với dân tộc, không trái với thuần phong, mỹ tục và quy định của pháp luật;

c) Không thuộc tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

d) Tên gọi của tổ chức không trùng với tên các tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hoặc tên các danh nhân, anh hùng dân tộc;

đ) Có địa điểm hợp pháp để hoạt động tôn giáo;

e) Có người đại diện là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong tổ chức và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

2. Tổ chức khi có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này nếu có nhu cầu đăng ký hoạt động tôn giáo, có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 3 Điều này.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký hoạt động tôn giáo, trong đó nêu rõ tên tôn giáo, tên tổ chức, họ và tên người đại diện tổ chức, nơi cư trú, nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển ở Việt Nam, tôn chỉ, mục đích, cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động, dự kiến nơi đặt trụ sở chính;

b) Giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

c) Danh sách dự kiến những người đại diện tổ chức được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hợp pháp xác nhận;

d) Số lượng người tin theo.

3. Thẩm quyền cấp đăng ký và thời hạn trả lời:

a) Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm cấp đăng ký cho tổ chức có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trường hợp từ chối cấp đăng ký phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cấp tỉnh có trách nhiệm cấp đăng ký cho tổ chức có phạm vi hoạt động chủ yếu ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trường hợp từ chối cấp đăng ký phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 7. Hoạt động tôn giáo của tổ chức sau khi được cấp đăng ký

1. Tổ chức đã đăng ký hoạt động tôn giáo được:

a) Tổ chức các cuộc lễ tôn giáo, thực hiện lễ nghi, truyền đạo, giảng đạo tại địa điểm sinh hoạt tôn giáo đã đăng ký;

b) Tổ chức đại hội thông qua hiến chương, điều lệ và các nội dung có liên quan trước khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

c) Bầu cử, suy cử những người lãnh đạo tổ chức, mở lớp bồi dưỡng giáo lý;

d) Sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình thuộc cơ sở tôn giáo;

đ) Hoạt động từ thiện nhân đạo.

2. Khi thực hiện các hoạt động tôn giáo quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức phải tuân thủ quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 8. Công nhận tổ chức tôn giáo

1. Sau thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức có hoạt động tôn giáo liên tục, không vi phạm các quy định của Nghị định này và đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 16 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được quyền đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo.

2. Tổ chức có trách nhiệm gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị công nhận tổ chức tôn giáo, trong đó nêu rõ tên tôn giáo, tên tổ chức đề nghị công nhận, tên giao dịch quốc tế (nếu có), họ và tên người đại diện tổ chức, số lượng tín đồ, phạm vi hoạt động của tổ chức tại thời điểm đề nghị, cơ cấu tổ chức, trụ sở chính của tổ chức;

b) Báo cáo tóm tắt quá trình hoạt động của tổ chức từ khi được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo;

c) Giáo lý, giáo luật, lễ nghi;

d) Hiến chương, điều lệ của tổ chức.

3. Thẩm quyền công nhận và thời hạn trả lời:

a) Trong thời hạn 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Thủ tướng Chính phủ xét công nhận tổ chức tôn giáo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; trường hợp không công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét công nhận tổ chức tôn giáo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; trường hợp không công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo đã đủ 03 năm nhưng trong quá trình hoạt động tôn giáo vi phạm quy định tại Điều 15 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý thì không được xét công nhận tổ chức tôn giáo. Để được xét công nhận, tổ chức có trách nhiệm đăng ký lại theo quy định tại Điều 6 Nghị định này. Sau thời hạn 01 năm kể từ ngày được cấp đăng ký lại, nếu không vi phạm pháp luật thì được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận tổ chức tôn giáo.

MỤC 2. THÀNH LẬP, CHIA, TÁCH, SÁP NHẬP, HỢP NHẤT TỔ CHỨC TÔN GIÁO TRỰC THUỘC

Điều 9. Điều kiện thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc

1. Việc thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có văn bản đề nghị của tổ chức tôn giáo;

b) Tổ chức được thành lập thuộc hệ thống của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận;

c) Số lượng tín đồ tại địa bàn đáp ứng điều kiện quy định tại hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo.

2. Việc chia, tách tổ chức tôn giáo trực thuộc phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có văn bản đề nghị của tổ chức tôn giáo;

b) Tổ chức sau khi chia, tách vẫn thuộc hệ thống tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận;

c) Số lượng tín đồ của tổ chức tôn giáo trực thuộc đông,  địa bàn hoạt động rộng, khó tổ chức hoạt động tôn giáo.

3. Việc sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Có văn bản đề nghị của tổ chức tôn giáo;

b) Tổ chức được sáp nhập, hợp nhất vẫn thuộc hệ thống tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận.

Điều 10. Trình tự, thủ tục thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc

1. Tổ chức tôn giáo khi thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều này. Văn bản đề nghị thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc nêu rõ những nội dung sau:

a) Tên tổ chức tôn giáo trực thuộc dự kiến thành lập; tên tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và dự kiến tên tổ chức tôn giáo trực thuộc sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất;

b) Lý do thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất;

c) Danh sách dự kiến những người đại diện tổ chức tôn giáo trực thuộc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất;

d) Số lượng tín đồ hiện có tại thời điểm thành lập; số lượng tín đồ trước và sau khi chia, tách, sáp nhập, hợp nhất;

đ) Phạm vi hoạt động tôn giáo;

e) Dự kiến nơi đặt trụ sở của tổ chức.

2. Thẩm quyền quyết định và thời hạn trả lời:

a) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và trả lời bằng văn bản cho tổ chức tôn giáo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

b) Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định và trả lời bằng văn bản cho tổ chức tôn giáo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Con dấu của tổ chức tôn giáo

Tổ chức tôn giáo và các tổ chức trực thuộc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận được sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.

MỤC 3. ĐĂNG KÝ HỘI ĐOÀN, DÒNG TU, TU VIỆN VÀ CÁC TỔ CHỨC TU HÀNH TẬP THỂ KHÁC

Điều 12. Đăng ký hội đoàn tôn giáo

1. Những hội đoàn do tổ chức tôn giáo lập ra nhằm phục vụ lễ nghi tôn giáo, gồm: Đội kèn, đội trống, đội con hoa, ca đoàn, đội mai táng, đội nhạc lễ, đội đồng nhi và các hình thức tổ chức tương tự khác, khi hoạt động không phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Đối với những hội đoàn tôn giáo không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức tôn giáo thành lập hội đoàn có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên tổ chức tôn giáo đăng ký, tên hội đoàn, cá nhân chịu trách nhiệm về hoạt động của hội đoàn;

b) Danh sách những người tham gia điều hành hội đoàn;

c) Nội quy, quy chế hoặc điều lệ hoạt động của hội đoàn, trong đó nêu rõ mục đích hoạt động, cơ cấu tổ chức và quản lý.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc đối với hội đoàn tôn giáo có phạm vi hoạt động trong một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 20 ngày làm việc đối với hội đoàn tôn giáo có phạm vi hoạt động ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố trong một tỉnh; 30 ngày làm việc đối với hội đoàn tôn giáo có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo có trách nhiệm cấp đăng ký cho tổ chức tôn giáo; trường hợp từ chối cấp đăng ký phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 13. Đăng ký dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác

1. Người đứng đầu dòng tu, tu viện hoặc các tổ chức tu hành tập thể khác có trách nhiệm gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ tên dòng tu, tu viện hoặc các tổ chức tu hành tập thể khác, trụ sở hoặc nơi làm việc, tên người đứng đầu dòng tu, tu viện hoặc các tổ chức tu hành tập thể khác;

b) Danh sách tu sĩ;

c) Nội quy, quy chế hoặc điều lệ hoạt động, trong đó nêu rõ tôn chỉ, mục đích hoạt động, hệ thống tổ chức và quản lý, cơ sở vật chất, hoạt động xã hội, hoạt động quốc tế (nếu có) của dòng tu, tu viện hoặc các tổ chức tu hành tập thể khác;

d) Danh sách các cơ sở tu hành trực thuộc dòng tu, tu viện hoặc các tổ chức tu hành tập thể khác có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở về thực trạng tổ chức và hoạt động.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc đối với dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác có phạm vi hoạt động trong một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; 20 ngày làm việc đối với dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác có phạm vi hoạt động ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố trong một tỉnh; 30 ngày làm việc đối với dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác có phạm vi hoạt động ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 19 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo có trách nhiệm cấp đăng ký cho dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác; trường hợp từ chối cấp đăng ký phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

MỤC 4. THÀNH LẬP, QUẢN LÝ, GIẢI THỂ TRƯỜNG ĐÀO TẠO, MỞ LỚP BỒI DƯỠNG NHỮNG NGƯỜI CHUYÊN HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

Điều 14. Thành lập trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo hợp pháp thành lập trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Thủ tướng Chính phủ.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị thành lập trường;

b) Đề án thành lập trường, trong đó nêu rõ tên tổ chức tôn giáo đề nghị thành lập trường, sự cần thiết thành lập trường, tên trường, địa điểm dự kiến đặt trường kèm theo hồ sơ về đất đai, cơ sở vật chất, khả năng đảm bảo về tài chính, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, quy mô, chương trình, nội dung giảng dạy, dự thảo quy chế hoạt động, dự thảo quy chế tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, dự kiến Ban giám hiệu hoặc Ban giám đốc (gọi chung là Ban lãnh đạo) kèm theo danh sách trích ngang, dự kiến đội ngũ tham gia giảng dạy.

2. Trong chương trình đào tạo, môn học về lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam là môn học chính khoá.

3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và trả lời bằng văn bản cho tổ chức tôn giáo; trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 15. Quản lý đối với trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo

1. Trước khi tuyển sinh, Ban lãnh đạo nhà trường có trách nhiệm gửi bản thông báo chỉ tiêu tuyển sinh đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương. Nội dung bản thông báo nêu rõ số lượng học viên dự kiến tuyển và các điều kiện bảo đảm.

Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày gửi bản thông báo hợp lệ, nếu cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương không có ý kiến khác thì nhà trường được thực hiện tuyển sinh theo nội dung đã thông báo.

2. Công dân Việt Nam theo học tại trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

3. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý hành chính đối với trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo trên địa bàn;

b) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ các cơ quan liên quan hướng dẫn chương trình, nội dung và kiểm tra việc giảng dạy môn lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Người nước ngoài theo học tại trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo ở Việt Nam

1. Người nước ngoài theo học tại trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo ở Việt Nam phải tuân thủ các quy định về xuất, nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan; được Ban lãnh đạo nhà trường đồng ý và làm thủ tục đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương xem xét, quyết định.

Ban lãnh đạo nhà trường có trách nhiệm gửi hồ sơ của người nước ngoài xin theo học tại trường đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị của nhà trường về việc người nước ngoài đăng ký theo học, trong đó nêu rõ tên trường, họ và tên, quốc tịch, lý do, thời gian theo học của người nước ngoài tại trường;

b) Bản sao hộ chiếu của người nước ngoài đăng ký theo học được dịch sang tiếng Việt có chứng thực;

c) Các giấy tờ liên quan theo quy định tuyển sinh của nhà trường.

2. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

3. Người nước ngoài trong thời gian theo học và sau khi tốt nghiệp trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo nếu hoạt động tôn giáo ở Việt Nam phải tuân thủ quy định tại các Điều 37, 39, 40 và 41 của Nghị định này.

Điều 17. Giải thể trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo khi giải thể trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản thông báo đến Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ lý do, phương thức giải thể.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo hợp lệ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến bằng văn bản về việc giải thể.

2. Đất đai, tài sản của trường khi giải thể được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 18. Mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi mở lớp. Văn bản đề nghị nêu rõ tên lớp, địa điểm mở lớp, lý do mở lớp, thời gian học, nội dung, chương trình, thành phần tham dự, danh sách giảng viên.

2. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

MỤC 5. PHONG CHỨC, PHONG PHẨM, BỔ NHIỆM, BẦU CỬ, SUY CỬ, CÁCH CHỨC, BÃI NHIỆM CHỨC SẮC TRONG TÔN GIÁO

Điều 19. Đăng ký người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử

1. Tổ chức tôn giáo thực hiện việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử các chức danh gồm: Thành viên Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư của đạo Phật; thành viên Ban Thường vụ, Chủ tịch các Ủy ban Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hồng y, Tổng giám mục, Giám mục, Giám mục phó, Giám mục phụ tá, Giám quản và người đứng đầu các dòng tu của đạo Công giáo; thành viên Ban Trị sự Trung ương của các hội thánh Tin lành; thành viên Hội đồng Chưởng quản, Hội đồng Hội thánh, Ban Thường trực Hội thánh, Phối sư và chức sắc tương đương trở lên của các hội thánh Cao đài; thành viên Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo; những chức vụ, phẩm trật tương đương của các tổ chức tôn giáo khác; người đứng đầu các trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, có trách nhiệm gửi bản đăng ký đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương.

2. Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức tôn giáo thực hiện phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có trách nhiệm gửi bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi người đó cư trú và hoạt động tôn giáo.

3. Bản đăng ký của tổ chức tôn giáo nêu rõ họ và tên, phẩm trật, chức vụ, phạm vi phụ trách, tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người được đăng ký.

4. Thời hạn trả lời:

a) Sau 20 ngày làm việc kể từ ngày gửi bản đăng ký hợp lệ, đối với trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều này, nếu cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương không có ý kiến khác thì người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử được hoạt động tôn giáo theo chức danh đã được đăng ký;

b) Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày gửi bản đăng ký hợp lệ, đối với trường hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều này, nếu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có ý kiến khác thì người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử được hoạt động tôn giáo theo chức danh đã được đăng ký.

Điều 20. Phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài

1. Việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương.

Tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có người được đề nghị phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương, trong đó nêu rõ tên tổ chức tôn giáo đề nghị, lý do đề nghị, họ và tên, phẩm trật, chức vụ, phạm vi phụ trách, tóm tắt quá trình hoạt động tôn giáo của người được đề nghị.

2. Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

3. Trường hợp người Việt Nam được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài chưa được cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương chấp thuận thì không được sử dụng chức danh đó để hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.

Điều 21. Thông báo về việc cách chức, bãi nhiệm chức sắc trong tôn giáo

Tổ chức tôn giáo khi cách chức, bãi nhiệm chức sắc thuộc quyền quản lý có trách nhiệm gửi văn bản thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước đã đăng ký quy định tại các Khoản 1 và 2 Điều 19 Nghị định này, trong đó nêu rõ lý do cách chức, bãi nhiệm, kèm theo văn bản của tổ chức tôn giáo về việc cách chức, bãi nhiệm.

MỤC 6. THUYÊN CHUYỂN NƠI HOẠT ĐỘNG CỦA CHỨC SẮC, NHÀ TU HÀNH

Điều 22. Thông báo về việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành

1. Tổ chức tôn giáo khi thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành có trách nhiệm gửi văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) nơi đi chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản thuyên chuyển.

2. Văn bản thông báo nêu rõ họ tên, phẩm trật, chức vụ tôn giáo của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, nơi hoạt động tôn giáo trước khi thuyên chuyển, nơi thuyên chuyển đến.

Điều 23. Đăng ký thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành

1. Tổ chức tôn giáo trước khi thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đến.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đăng ký, trong đó nêu rõ họ tên, phẩm trật, chức vụ tôn giáo của người được thuyên chuyển, lý do thuyên chuyển, nơi thuyên chuyển đi, nơi thuyên chuyển đến;

b) Văn bản của tổ chức tôn giáo về việc thuyên chuyển;

c) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hợp pháp của người được thuyên chuyển.

2. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, nếu Ủy ban nhân dân cấp huyện không có ý kiến khác thì chức sắc, nhà tu hành có quyền hoạt động tôn giáo tại địa điểm đã đăng ký.

3. Trường hợp chức sắc, nhà tu hành vi phạm pháp luật về tôn giáo đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý vi phạm hành chính hoặc đã bị xử lý về hình sự, trước khi thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến, hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Chương 4.

HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO

MỤC 1. ĐĂNG KÝ CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO HÀNG NĂM CỦA TỔ CHỨC TÔN GIÁO CƠ SỞ

Điều 24. Đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo cơ sở

1. Hàng năm trước ngày 15 tháng 10, người phụ trách tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm gửi bản đăng ký hoạt động tôn giáo sẽ diễn ra vào năm sau tại cơ sở đó đến Ủy ban nhân dân cấp xã. Nội dung bản đăng ký nêu rõ người tổ chức, dự kiến số lượng người tham dự, nội dung hoạt động, thời gian diễn ra hoạt động.

2. Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày gửi bản đăng ký hợp lệ, nếu Ủy ban nhân dân cấp xã không có ý kiến khác thì tổ chức tôn giáo cơ sở được hoạt động theo nội dung đã đăng ký.

Điều 25. Hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký của tổ chức tôn giáo cơ sở

1. Hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đăng ký hàng năm mà không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 18 và 25 Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được quy định như sau:

a) Hoạt động tôn giáo có sự tham gia của tín đồ ngoài huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc ngoài tỉnh, tổ chức tôn giáo cơ sở phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi diễn ra hoạt động tôn giáo chấp thuận;

b) Hoạt động tôn giáo có sự tham gia của tín đồ trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tổ chức tôn giáo cơ sở phải được Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi diễn ra hoạt động tôn giáo chấp thuận.

2. Tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các Điểm a và b Khoản 1 Điều này, trong đó nêu rõ tên hoạt động tôn giáo, người tổ chức, dự kiến số lượng người tham dự, nội dung hoạt động, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động, các điều kiện bảo đảm.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các Điểm a và b Khoản 1 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

MỤC 2. ĐĂNG KÝ NGƯỜI VÀO TU

Điều 26. Việc đăng ký người vào tu

1. Người phụ trách cơ sở tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký người vào tu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tôn giáo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận người vào tu.

2. Hồ sơ gồm:

a) Danh sách người vào tu;

b) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người vào tu có hộ khẩu thường trú;

c) Ý kiến bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ (với người chưa thành niên vào tu).

MỤC 3. HỘI NGHỊ, ĐẠI HỘI CỦA TỔ CHỨC TÔN GIÁO

Điều 27. Hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo cơ sở

1. Tổ chức tôn giáo cơ sở tổ chức hội nghị thường niên, đại hội có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi diễn ra hội nghị, đại hội.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, lý do tổ chức, dự kiến thành phần, số lượng người tham dự, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị, đại hội;

b) Báo cáo hoạt động của tổ chức tôn giáo cơ sở.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 28. Hội nghị, đại hội cấp Trung ương hoặc toàn đạo của tổ chức tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo hoạt động trong phạm vi nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hội nghị thường niên, đại hội cấp Trung ương hoặc toàn đạo có trách nhiệm gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, lý do tổ chức, dự kiến thành phần, số lượng người tham dự, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị, đại hội;

b) Báo cáo hoạt động của tổ chức tôn giáo;

c) Dự thảo hiến chương, điều lệ hoặc hiến chương, điều lệ sửa đổi (nếu có).

2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 29. Hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo không thuộc các trường hợp quy định tại các Điều 27 và 28 Nghị định này

1. Việc tổ chức hội nghị thường niên, đại hội của tổ chức tôn giáo không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 27 và 28 Nghị định này, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi diễn ra hội nghị, đại hội.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, lý do tổ chức, dự kiến thành phần, số lượng người tham dự, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị, đại hội;

b) Báo cáo hoạt động của tổ chức tôn giáo;

c) Dự thảo hiến chương, điều lệ hoặc hiến chương, điều lệ sửa đổi (nếu có).

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 30. Đăng ký hiến chương, điều lệ sửa đổi

1. Tổ chức tôn giáo khi sửa đổi hiến chương, điều lệ có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký kèm theo hiến chương, điều lệ sửa đổi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 và Khoản 1 Điều 29 Nghị định này. Văn bản đăng ký nêu rõ tên tổ chức tôn giáo, người đại diện, lý do, nội dung sửa đổi hiến chương, điều lệ.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được bản hiến chương, điều lệ sửa đổi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý đo.

3. Tổ chức tôn giáo được hoạt động theo hiến chương, điều lệ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

MỤC 4. CÁC CUỘC LỄ, GIẢNG ĐẠO, TRUYỀN ĐẠO CỦA TỔ CHỨC TÔN GIÁO, CHỨC SẮC, NHÀ TU HÀNH DIỄN RA NGOÀI CƠ SỞ TÔN GIÁO

Điều 31. Các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo

1. Tổ chức tôn giáo khi tổ chức các cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo có sự tham gia của tín đồ trong phạm vi một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến Ủy ban nhân dân cấp huyện. Văn bản đề nghị nêu rõ tên cuộc lễ, người chủ trì, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, quy mô, thành phần tham dự cuộc lễ.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

2. Việc tổ chức các cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo có sự tham gia của tín đồ đến từ nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc đến từ nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 32. Giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn giáo

1. Chức sắc, nhà tu hành giảng đạo, truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự kiến giảng đạo, truyền đạo.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ lý do thực hiện giảng đạo, truyền đạo ngoài cơ sở tôn giáo, nội dung, chương trình, thời gian, địa điểm thực hiện, người tổ chức, thành phần tham dự;

b) Ý kiến bằng văn bản của tổ chức tôn giáo trực thuộc hoặc tổ chức tôn giáo trực tiếp quản lý chức sắc, nhà tu hành.

2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

MỤC 5. HOẠT ĐỘNG TÔN GIÁO CỦA CHỨC SẮC, NHÀ TU HÀNH TẠI CƠ SỞ TÔN GIÁO ĐƯỢC XẾP HẠNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH

Điều 33. Hoạt động của chức sắc, nhà tu hành tại cơ sở tôn giáo được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

1. Tổ chức tôn giáo có cơ sở tôn giáo đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được cử chức sắc, nhà tu hành tham gia Ban quản lý di tích khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập.

2. Chức sắc, nhà tu hành thuộc cơ sở tôn giáo đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được hoạt động tôn giáo bình thường như tại cơ sở tôn giáo khác.

3. Nguồn thu từ công đức, tài trợ cho cơ sở và nguồn thu khác thu được từ việc tổ chức lễ hội của cơ sở tôn giáo đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phải được công khai trong Ban quản lý di tích. Nguồn thu này được sử dụng để phục vụ cho việc quản lý, tu bổ di tích, hoạt động tôn giáo và đảm bảo đời sống bình thường của chức sắc, nhà tu hành tại cơ sở đó.

MỤC 6. VIỆC CẢI TẠO, NÂNG CẤP, XÂY DỰNG MỚI CÔNG TRÌNH TÍN NGƯỠNG, CÔNG TRÌNH TÔN GIÁO, CÔNG TRÌNH PHỤ TRỢ THUỘC CƠ SỞ TÍN NGƯỠNG, CƠ SỞ TÔN GIÁO

Điều 34. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo, công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải xin cấp giấy phép xây dựng

1. Công trình tín ngưỡng là những công trình như: Đình, đền, am, miếu, từ đường, nhà thờ họ và những công trình tương tự khác.

2. Công trình tôn giáo là những công trình như: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tượng đài, bia, tháp và những công trình tương tự của các tổ chức tôn giáo,

3. Công trình phụ trợ là những công trình không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, như: Nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các công trình tương tự khác.

4. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này và những công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.

Điều 35. Việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo không phải xin cấp giấy phép xây dựng

Khi sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo không phải là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng mà không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực, an toàn của công trình và khu vực xung quanh thì không phải xin cấp giấp phép xây dựng.

Trước khi sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình, người đại diện cơ sở tín ngưỡng hoặc tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm gửi văn bản thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại, trong đó nêu rõ lý do, thời gian, các hạng mục công trình, phạm vi và mức độ sửa chữa, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định của pháp luật.

MỤC 7. TỔ CHỨC QUYÊN GÓP CỦA CƠ SỞ TÍN NGƯỠNG, TỔ CHỨC TÔN GIÁO

Điều 36. Tổ chức quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo

1. Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi văn bản thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này về việc tổ chức quyên góp, trong đó nêu rõ mục đích, phạm vi, cách thức, thời gian, cơ chế quản lý, sử dụng tài sản được quyên góp.

2. Cơ quan nhận thông báo về việc quyên góp của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo:

a) Trường hợp tổ chức quyên góp trong phạm vi một xã, thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức quyên góp;

b) Trường hợp tổ chức quyên góp vượt ra ngoài phạm vi một xã nhưng trong phạm vi một huyện, thông báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức quyên góp;

c) Trường hợp tổ chức quyên góp vượt ra ngoài phạm vi một huyện, thông báo với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức quyên góp.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy đinh tại Điểm a Khoản 2 Điều này; 05 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này; 07 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều này có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và giám sát việc thực hiện theo nội dung thông báo; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo thực hiện việc quyên góp phải bảo đảm tính công khai, minh bạch đối với các khoản quyên góp, kể cả việc phân bổ; không được lợi dụng danh nghĩa cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo để quyên góp phục vụ lợi ích cá nhân hoặc những mục đích trái pháp luật.

5. Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản quyên góp có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật.

MỤC 8. QUAN HỆ QUỐC TẾ CỦA TỔ CHỨC TÔN GIÁO, TÍN ĐỒ, NHÀ TU HÀNH, CHỨC SẮC

Điều 37. Việc mời tổ chức, cá nhân là người nước ngoài vào Việt Nam

1. Tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc tôn giáo khi mời tổ chức, cá nhân là người nước ngoài vào Việt Nam để tiến hành các hoạt động quốc tế liên quan đến tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ tên tổ chức, cá nhân tôn giáo mời, mục đích, nội dung các hoạt động hợp tác, danh sách khách mời, dự kiến chương trình, thời gian và địa điểm tổ chức;

b) Bản giới thiệu tóm tắt các hoạt động chủ yếu của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 38. Việc tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài

1. Tổ chức, cá nhân tôn giáo khi tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài có trách nhiệm gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị, trong đó nêu rõ mục đích, chương trình, thời gian, địa điểm hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài mà tổ chức, cá nhân tôn giáo ở Việt Nam được mời tham gia;

b) Giấy mời tham gia hoạt động tôn giáo hoặc văn bản chấp thuận đào tạo của tổ chức, cá nhân tôn giáo ở nước ngoài;

c) Văn bản chấp thuận của tổ chức tôn giáo quản lý trực tiếp.

2. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

3. Chức sắc, nhà tu hành, tín đồ sau khi hoàn thành khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài, nếu được tổ chức tôn giáo ở nước ngoài phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, khi về Việt Nam hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo quản lý trực tiếp có trách nhiệm đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.

Điều 39. Việc giảng đạo của chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài tại Việt Nam

1. Tổ chức tôn giáo mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo tại cơ sở tôn giáo ở Việt Nam có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương, trong đó nêu rõ họ tên chức sắc, nhà tu hành, quốc tịch, tên tổ chức tôn giáo nước ngoài, chương trình, nội dung, thời gian, địa điểm thực hiện, người tổ chức, thành phần tham dự.

2. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

Điều 40. Sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam

1. Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo như tín đồ tôn giáo Việt Nam.

2. Người nước ngoài có nhu cầu tập trung để sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị sinh hoạt tôn giáo, trong đó nêu rõ họ tên, quốc tịch, tôn giáo của người đại diện; lý do, thời gian, số lượng người tham gia, cơ sở tôn giáo dự kiến đăng ký sinh hoạt;

b) Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh việc cư trú hợp pháp tại Việt Nam của người đại diện;

c) Văn bản đồng ý của tổ chức tôn giáo cơ sở hợp pháp nơi nhóm người nước ngoài dự kiến sinh hoạt tôn giáo.

3. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

4. Người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 41. Việc xuất cảnh, nhập cảnh liên quan đến tôn giáo

Khi thực hiện quy định tại các Điều 37, 38, 39 và Điều 40 Nghị định này, tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc phải tuân thủ quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 42. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan

1. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Trong việc thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định này, những trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Những trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cùng cấp có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định.

3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp với Bộ Nội vụ giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng; môn học lịch sử Việt Nam, pháp luật Việt Nam; xây dựng công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo; đất đai liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 43. Tiếp nhận hồ sơ

1. Tổ chức, cá nhân khi thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định này có trách nhiệm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có giấy biên nhận, trong đó hẹn ngày trả kết quả. Giấy biên nhận được lập thành 02 bản, 01 bản giao cho tổ chức, cá nhân, 01 bản lưu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân, bổ sung hồ sơ theo đúng quy định. Thời gian hoàn chỉnh hồ sơ không tính vào thời hạn trả lời.

Điều 44. Điều khoản chuyển tiếp

1. Tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận về tổ chức theo quy định tại Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thì không phải làm thủ tục đăng ký và công nhận lại theo quy định tại Nghị định này.

2. Hội đoàn tôn giáo, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác của tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động theo quy định tại Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo thì không phải làm thủ tục đăng ký lại theo quy định tại Nghị định này.

Điều 45. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Nghị định này thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 46. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

THE GOVERNMENT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

No. 92/2012/ND-CP

Hanoi, November 8, 2012

 

DECREE

DETAILING AND PROVIDING MEASURES FOR THE IMPLEMENTATION OF THE ORDINANCE ON BELIEFS AND RELIGIONS

THE GOVERNMENT

Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;

Pursuant to the June 18, 2004 Ordinance on Beliefs and Religions;

At the proposal of the Minister of Home Affairs,

The Government promulgates the Decree detailing and providing measures for the implementation of the Ordinance on Beliefs and Religions.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope of regulation and subjects of application

This Decree provides belief activities; religious organizations; religious activities of believers, monks, dignitaries and religious organizations; and responsibilities of State agencies for the management of belief and religious activities.

Article 2.Citizens’ right to freedom of belief and religion

The State of the Socialist Republic of Vietnam respects and guarantees citizens’ right to freedom of belief and religion and right to follow or not to follow a religion, and nobody may infringe upon such rights.

It is prohibited to force a citizen to enter or relinquish a religion or to abuse the right to freedom of belief and religion to undermine peace and national independence and unification: to incite violence or propagate wars, conduct propaganda against the State’s laws and policies; to sow division among people, ethnic minorities and religions; to cause public disorder, infringe upon the life, health, dignity, honor or property of other people, obstruct the exercise of civic rights and the performance of civic obligations; and to conduct superstitious practices and commit other unlawful acts.

Any organization or individual that violates the law on beliefs and religions shall be handled in accordance with law.

Chapter II

BELIEP ACTIVITIES

Article 3. Belief activities at belief establishments

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A representative or a member of the management board of a belief establishment must be a Vietnamese citizen who has full civil act capacity, is prestigious in his/her community and strictly observes the law.

Representatives or management boards of belief establishments shall send a notice of full names, ages and places of residence of elected or selected persons to commune-level People’s Committees within 3 working days after election or selection results are available.

2. Before October 15 every year, the representative or management board of a belief establishment shall send to the commune-level People's Committee a notice of belief activities expected to be conducted at the establishment in the following year. Such notice must clearly State the names of the belief establishment and the organizers of its activities; and expected number of participants, contents and forms and time of belief activities.

After ten working days from the date of sending a valid notice, if the commune-level People’s Committee gives no other opinion, the belief establishment may operate according to the notified contents, except for the case provided in Clause 5, Article 4 of this Decree.

3. The representative of management board of a belief establishment shall take responsibility before law for belief activities conducted at the establishment.

Participants in belief activities at belief establishments shall behave in a civilized manner and comply with law as well as rules of belief establishments.

4. For belief establishments being ancestral worship halls of families and clans, Clauses 1 and 2 of this Article are not applicable.

Article 4. Belief festivals and organization of belief festivals

1. Belief festival means a form of organized belief activity, demonstrating the worship, commemoration and honoring of persons with meritorious service to the country and the community, the worship of ancestors and traditional symbols, or other folk belief activities typifying fine historical, cultural, moral and social values.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Those organized for the first time;

b/ Those restored after a time of interruption;

c/ Those organized periodically but with changes in their traditional contents, time, or location. For a belief festival specified in Clause 2 of this Article, the representative shall send a dossier to the provincial-level People’s Committee.

A dossier comprises:

a/ A written request for organization of a festival, clearly stating the name, historical origin, scale, time, venue, program and contents of the festival. For a belief festival provided at Point C, Clause 2 of this Article, the content of written request is not required to state the historical origin of the festival:

b/ A list of members of the festival-organizing committee.

3. Within 20 working days after receiving a valid dossier, the provincial-level People’s Committee shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

4. For a belief festival other than those specified in Clause 2 of this Article, prior to 15 working days of its organization, the organizer shall send a written notice of the time, venue, contents and organizational form of the festival and a list of members of the festival-organizing committee to the commune-level People’s Committee. In case due to natural disasters, epidemics or for security and order reasons, the organization of the festival may adversely affect the social life at locality, the commune-level People’s Committee shall decide on the organization of such festival.

Chapter III

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 1: REGISTRATION OF RELIGIOUS ACTIVITIES: OPERATION REGLSTRATỈON AND RECOGNITION OF RELIGIOUS ORGANIZATIONS

Article 5. Registration of religious activities

1. Representatives of citizens who wish to gather for practice the rites of worship, prayer and expressing of their religious faith shall submit registration dossiers of religious activities to the commune-level People's Committees.

2. Registration dossier and time limit for response:

a/ A written registration of religious activities clearly stating the religious name, guiding principles and objectives of the religion, full name and place of residence of the representative, contents, organizational form, venue and time of religious activities and number of participants at the time of registration:

b/ Within 15 working days after receiving a complete and valid dossier, the commune-level People’s Committee shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

3. Conditions for approval of religious activities:

a/ Guidelines, objectives and contents of religious activities do not violate Clause 2, Article 8, and Article 15 of the Ordinance on Beliefs and Religions;

b/ Having a lawful place for religious activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 6. Registration of religious operation

3. To obtain a religious operation certificate, an organization must fully satisfy the following conditions:

a/ It has stably conducted religious activities for at least 20 years from the date of being approved by a commune-level People’s Committee for religious activities. It has not violated Clause 2, Article 8, and Article 15 of the Ordinance of Beliefs and Religions;

b/ It is an organization of persons sharing the same belief. Its tenets, canons, rituals and religious practice guidelines and activities are attached to the nation and are not contrary to fine customs and practices and regulations of law;

c/ It does not belong to a religious organization already recognized by a competent state agency;

d/ Its name is not identical to that of another state-recognized religious organization or of a national celebrity or hero;

e/ It has a lawful venue for religious operation;

f/ Its representative is a Vietnamese citizen who has full civil act capacity, is prestigious in the organization and strictly observes law.

2. An organization that wishes to register for religious operation and fully satisfies the conditions provided in Clause 1 of this Article shall submit a registration dossier to a competent state agency provided in Clause 3 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ A written registration for religious operation, clearly stating the name of the religion, the name of the organization, full name and place of residence of its representative, its formation and development in Vietnam, guidelines, objectives, organizational structure and scope of operation, expected location of its head office;

b/ Religious tenets, canons and rituals;

c/ A list of proposed representatives of the organization certified by the commune-level People’s Committees of the localities in which these representatives lawfully reside;

d/ Number of its believers.

3. Competence to grant registration certificates and time limit for response:

a/ Within 45 working days after receiving a valid dossier, the central state management agency for religious affairs shall a grant a registration certificate to an organization operating in various provinces and centrally run cities. In case of refusal, it shall issue a written response clearly stating the reason;

b/ Within 30 working days after receiving a valid dossier, the provincial-level state management agency for religious affairs shall a grant a registration certificate to an organization operating mostly within a province or centrally run city. In case of refusal, it shall issue a written response clearly stating the reason.

Article 7. Religious operation of organizations after obtaining registration certificates

1. An organization that has registered for religious operation may:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Hold congresses to approve its charter, statute and relevant contents before proposing competent state agencies to recognize them;

c/ Elect or select its leaders, organize training courses on religious doctrines;

d/ Repair, renovate and upgrade its facilities;

e/ Carry out charity and humanitarian activities.

2. When concluding the activities provided in Clause 1 of this Article, the organization must comply with this Decree and related legal documents.

Article 8. Recognition of religious organizations

1. Three years after obtaining a religious operation certificate, a religious organization which continuously conducts religious operations, does not violate this Decree and satisfies the conditions provided in Clause 1, Article 16 of the Ordinance on Beliefs and Religions may request recognition by a competent state agency.

2. Such an organization shall send a dossier to a competent state agency provided in Clause 2, Article 16 of the Ordinance on Beliefs and Religions.

A dossier comprises:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ A summary of the organization’s operation since the time of obtaining its religious operation certificate;

c/ Religious tenets and rules and rituals of the organization;

d/ The charter or statute of the organization:

3. Recognition competence and time limit for response:

a/ Within 45 working days after receiving a valid dossier, the Prime Minister shall consider and recognize a religious organization defined at Point a, Clause 2, Article16 of the Ordinance on Beliefs and Religions. In case of refusal, he/ she shall issue a written response clearly stating the reason;

b/ Within 30 working days after receiving a valid dossier, the chairperson of a provincial-level People’s Committee shall consider and recognize a religious organization defined at Point b. Clause 2, Article 16 of the Ordinance on Beliefs and Religions. In case of refusal, he/she shall issue a written response clearly stating the reason.

4. A religious organization which has obtained a religious operation registration certificate for full 3 years but during its operation violates Article 15 of the Ordinance on Beliefs and Religions and is handled by a competent state agency may not be considered for recognition. To be recognized, it must make re-registration under Article 6 of this Decree. One year after obtaining a new registration certificate, if it does not violate the law, it may request recognition by a competent state agency.

Section 2. ESTABLISHMENT, DIVISION, SEPARATION, MERGER. CONSOLIDATION OF ATTACHED RELIGIOUS ORGANIZATIONS

Article 9. Conditions for establishment, division, separation, merger and consolidation of attached religious organizations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ The religious organization  makes a written request for such establishment;

b/ The organization to be established belongs to the system of religious organizations recognized by the State;

c/ The number of believers in localities meets the conditions prescribed in the charter or statute of the religious organization.

2. The division or separation of an attached religious organization must satisfy the following conditions:

a/ The religious organization makes a written request for such division or separation;

b/ The divided or separated organization still belongs to the system of religious organizations recognized by the State;

c/ The number of believers of the attached religious organization is large and its operation areas are so large that it is difficult to manage and organize religious activities.

3. The merger or consolidation of attached religious organizations must satisfy the following conditions:

a/ The religious organization makes a written request for such merger or consolidation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 10. Order and procedures for establishment, division, separation, merger and consolidation of attached religious organizations

1. A religious organization that establishes, divides, separates, merges or consolidates its attached religious organization shall make a written request to a competent state agency provided in Clause 2 of this Article. This request must clearly state the following contents:

a/ Name of the attached religious organization to be established; name of the attached religious organization before division, separation, merger or consolidation and proposed name of the attached religious organizations after division, separation, merger or consolidation;

b/ Reason for establishment, division, separation, merger or consolidation;

c/ List of proposed representatives of the attached religious organization to be established, divided, separated, merged and consolidated;

d/ Number of believers at the time of establishment; numbers of believers before and after division, separation, merger or consolidation;

e/ Scope of religious operation;

f/ Tentative location of the organization’s head office.

2. Deciding competence and time limit for response:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Within 20 working days after receiving a valid written request, a provincial-level People’s Committee shall consider, make decision and issue a written response to a religious organization defined in Clause 2, Article 17 of the Ordinance on Belief and Religions. In case of disapproval, it shall issue a written response clearly stating the reason.

Article 11. Seals of religious organizations

Religious organizations and their attached organizations that have been recognized by competent state agencies may use their seals in accordance with law.

Section 3: REGISTRATION OF RELIGIOUS SOCIETIES, ORDERS, MONASTERIES AND OTHER COLLECTIVE RELIGIOUS PRACTICE ORGANIZATIONS

Article 12. Registration of religious societies

1. Societies formed by religious organizations only for the purpose of serving religious ceremonies, including clarion band, drum band, flower-offering team, choir, funeral service team, ritual music band, children choir and other similar societies are not required to be registered with competent state agencies for operation.

2. For religious societies other than those provided in Clause 1 of this Article, the religious organization forming that society shall send a registration dossier to a competent state agency defined in Clause 2, Article 19 of the Ordinance on Beliefs and Religions.

A dossier comprises:

a/ A written registration, clearly stating the names of the registered religious organization, the society and the person responsible for the society’s operation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Internal rules, regulations or statute on operation of the society clearly stating its operation objectives and organizational and managerial structures.

3. Within 15 working days, for religious societies operating within a district, town or provin­cial city; 20 working days for religious societies operating in various districts, towns and provincial cities; or 30 working days for religious societies operating in various provinces and centrally run cities, after receiving a valid dossier, a competent state agency provided in Clause 2, Article 19 of the Ordinance on Beliefs and Religions shall grant a registration certificate to the religious organization. In case of refusal, it shall issue a written response clearly stating the reason.

Article 13. Registration of religious orders, monasteries and other collective religious practice organizations

1. Heads of religious orders, monasteries or other collective religious practice organizations shall send a dossier to a competent state agency defined in Clause 2, Article 19 of the Ordinance on Beliefs and Religions.

A dossier comprises:

a/ A written registration, clearly stating the religious order, monastery or another collective religions practice organization, head office or office, name of the head of the religious order, monastery or another collective religious practice organization;

b/ A list of monks;

c/ Internal rules, regulations or statute on operation clearly stating the operation guidelines and purposes, the organizational and managerial system, physical foundations, social activities, international activities (if any) of the religious order, monastery or another collective religious practice organization;

d/ A list of religious establishments under the religious order, monastery or another collective religious practice organization with certification of their organization and operation by the commune-level People's Committees of the localities in which these establishments are based.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 4: ESTABLISHMENT, MANAGEMENT AND DISSOLUTION OF SCHOOLS AND OPENING OF REFRESHER COURSES FOR PROFESSIONAL RELIGIOUS ACTIVISTS

Article 14. Establishment of schools for professional religious activists

1. A lawful religious organization wishing to establish a school for training professional

religious activists shall send a dossier to The Prime Minister.

A dossier comprises:

a/ A written request for establishment of the school:

b/ The school-founding plan, clearly Stating the name of the religious organization proposing the school establishment, necessity to establish the school, the name and expected location of the school, enclosed with dossiers on land, physical foundations, financial capacity, raining objectives, functions, tasks, scale, programs and contents, the draft operation regulation, the draft enrolment regulation, enrolment quotas, expected school management board or board of trustees (below referred to as school management board) together with their resumes, and a list of expected lecturers.

2. In the training program, Vietnamese history and Vietnamese law are compulsory subjects.

3. Within 30 working days after receiving a valid dossier. The Prime Minister shall consider, make decision and issue a written response to the religious organization. In case of disapproval, he/ she shall issue a written response clearly stating the reason.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Before enrolment, a school management board shall send a notice of the school's enrolment quota to the central state management agency for religious affairs. Such notice must clearly state the expected number of enrollees and assurance conditions.

After fifteen working days from the date of sending a valid notice, a school may conduct enrolment according to its notice if the central state management agency for religious affairs gives no other opinion.

2. Vietnamese citizens learning at schools for professional religious activists are persons who have full civil act capacity and strictly observe law.

3. Responsibilities of competent state agencies:

a/ Provincial-level People’s Committees shall perform the administrative management of schools for professional religious activists in their localities;

b/ The Ministry of Education and Training shall assume the prime responsibility for and coordinate with the Ministry of Justice, the Ministry of Home Affairs and related agencies in guiding the programs and contents and examining the teaching of the Vietnamese history and Vietnamese law subjects in accordance with law.

Article 16. Foreign learners of schools for professional religious activists in Vietnam

1. Foreigners learning at schools for professional religious activists in Vietnam shall comply with immigration regulations and other relevant laws; and must he approved by school management boards which shall carry out procedures to report them to the central state management agency for religious affairs for consideration and decision.

A school management hoard shall send a dossier of its foreign learners to the central State management agency for religious affairs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ The school’s written request for enrolment of a foreign learner, clearly stating the school name and the learner's full name, citizenship, learning reason and time at the school:

b/ A copy of the foreign learner’s passport and its certified Vietnamese translation;

c/ Relevant documents as required by the school’s enrolment regulation.

2. Within 25 working days after receiving a valid dossier, the central state management agency for religious affairs shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

3. Foreign learners of schools for professional religious activists shall comply with Articles 37. 30. 40 and 41 of this Decree when learning at these schools and when conducting religious activities after graduation.

Article 17. Dissolution of schools for professional religious activists

1. A religious organization that dissolves its school for professional religious activists shall send a notice to the Prime Minister, clearly stating the reason for and mode of dissolution.

Within 15 working days after receiving a valid notice, the Prime Minister shall issue a written response on the dissolution of the school.

2. The dissolved schools' land and property must be handled according to the current provisions of law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. A religious organization that opens a refresher course for professional religious activists shall send a written request to the chairperson of the provincial-level People's Committee of the locality in which the course shall be opened. Such request must clearly state the course name, the location and reason for opening the course, the duration, contents, program and trainees of the course and a list of lecturers.

2. Within 15 working days after receiving a valid dossier, the provincial-level People’s Committee chairperson shall issue a written response. In case of disapproval, he/ she shall clearly state the reason.

Section 5: ORDAINMENT, BESTOWAL, APPOINTMENT, ELECTION, SELECTION, REMOVAL FROM OFFICE AND DISMISSAL OF RELIGIOUS DIGNITARIES

Article 19. Registration of ordained, bestowed, appointed, circled and selected persons

1. Religious organizations that bestow, ordain, appoint, elect and select holders of the following titles: members of the Shangha, the Central Council of Administrators of the Buddhist Church of Vietnam, Buddhist superior bonzes, monks, chief nuns and nuns; members of the Executive Committee and chairpersons of various Committees of the Catholic Bishops’ Conference of Vietnam, Cardinals, Archbishops, Bishops, coadjutor bishops, auxiliary bishops, apostolic administrators, heads of Catholic orders; members of the Central Council of Administrators of protestant churches; members of Chiefs' Council, Sacerdotal Council. Standing Committee of the Sacerdotal Council, archbishops and holders of equivalent or higher titles of Cao Dai religious sect; members of the Central Executive Council of Hoa Hao Buddhist Church; equivalent positions and religious ranks of other religious organizations and heads of schools for professional religious activists, shall send written registrations to the central state management agency for religious affairs.

2. Religious organizations that bestow, ordain, appoint, elect and select religious dignitaries other than those provided in Clause 1 of this Article shall send written registrations to the provincial- level People's Committees of the localities in which these persons reside and conduct religious operations.

3. A religious organization’s written registration must dearly state the full name, religious rank, position and scope of religious management of the registered person.

4. Time limit for response:

a/ Twenty working days after submitting a valid written registration, if the central state management agency for religious affairs gives no other opinion, an ordained, bestowed, appointed, elected or selected person may conduct religious operations in his/her registered title, for the cases provided in Clause 1 of this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 20. Foreign-related ordainment, bestowal, appointment, election and selection

1. Foreign-related ordainment, bestowal, appointment, election and selection must obtain written approval of the central state management agency for religious affairs.

A religious organization in Vietnam that has a person proposed for foreign-related ordainment, bestowal, appointment election or selection shall send a written request to the central state management agency for religious affairs, clearly Stating the name of the requesting religious organization, reason for request, full name, religious rank, position, scope of religious management and summary of religious activities of the proposed person.

2. Within 60 working days after receiving a valid written request, the central state management agency for religious affairs shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

3. A foreign ordained, bestowed, appointed, elected or selected Vietnamese who has not been approved by the central state management agency for religious affairs may not use his/her title for religious operation in Vietnam.

Article 21. Notification of dismissal and removal from office of religious dignitaries

When dismissing or removing from office a religious dignitary under its management, a religious organization shall send a notice to a state management agency defined in Clause 1 or 2. Article 19 of this Decree, with which it has made registration, clearly stating the reason for dismissal or removal, enclosed with documents on its dismissal or removal.

Section 6. TRANSFER OF RELIGIOUS DIGNITARIES AND MONKS TO OTHER PLACES OF OPERATION

Article 22. Notification of transfer of religious dignitaries and monks to other places of operation

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Such a notice must clearly state the full name, religious rank and position of the transferred person, the reason for transfer, the places of religious operation from and to which that person is transferred.

Article 23. Registration of transfer of religious dignitaries and monks to new places of operation

1. Before transferring a religious dignitary or monk to a new place of operation, a religious organization shall send a registration dossier to the district-level People's Committee of the locality to which that person shall be transferred.

A dossier comprises:

a/ A written registration, clearly stating the full name, religious rank and position of the transferred person, the reason for transfer, the places of departure and destination;

b/ The religious organization’s document on the transfer;

c/ The transferred person's resume certified by the commune-level People's Committee of the locality in which this person lawfully resides.

2. After fifteen working days from the date of submitting a complete and valid dossier, if the district-level People’s Committee gives no other opinion, the religious dignitary or monk may conduct religious, operations at the registered place.

3. Before transferring to a new place of operation a religious dignitary or monk who has violated the law on religious and been administratively handled by the chairperson of a provincial-level People's Committee or criminally handled, a religious organization shall send a registration dossier provided in Clause 1 of this Article to the provincial-level People’s Committee of the locality to which that person shall be transferred.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter IV

RELIGIOUS OPERATION

Section 1: REGISTRATION OF ANNUAL RELIGIOUS OPERATION PROGRAMS OF GRASSROOTS RELIGIOUS ORGANIZATIONS

Article 24. Registration of annual religious operation programs of grassroots religious organizations

1. Before October 15 every year, heads of grassroots religious organizations shall send to commune-level People’s Committees a written registration of religious events to be held at their establishments in the following year. Such registration must clearly state the names of organizers, expected numbers of participants, contents and time of those events.

2. After fifteen working days after submitting a valid written registration, if commune-level People’s Committees give no other opinion, the grassroots religious organizations may operate in accordance with their registered contents.

Article 25. Religious operations outside registered programs of grassroots religious organizations

1. Religious operations outside the registered annual programs, which do not fall into the cases provided in Articles 18 and 25 of the Ordinance on Beliefs and religious, are specified as follows:

a/ For a religious event to be participated by believers outside a district, town or provincial city or outside a province, a grassroots religious organization shall obtain approval of the provincial-level People’s Committee of the locality in which such event shall be held;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. A grassroots religious organization shall send a written request to a competent state agency provided at Point a or b, Clause 1 of this

Article, clearly stating; the name, organizer, expected number of participants, contents, time and venue of the religious event and assurance conditions.

3. Within 15 working days after receiving a valid written request, a competent state agency provided at Point a or b, Clause 1 of this Article shall issue a written response. In ease of disapproval, it shall dearly suite the reason.

Section 2: REGISTRATION OF PERSONS WHO WANT TO LEAD A RELIGIOUS LIFE AT RELIGIOUS ESTABLISHMENTS

Article 26. Registration of persons who want to lead a religious life at religious establishments

1. The person in charge of a religious establishment shall send a registration dossier of persons who want to lead a religious life at religious establishments to the commune-level People's Committee of the locality in which such religious establishment is based within 3 working days after admitting those persons.

2. A dossier comprises:

a/ A list of persons who want to lead a religious life at religious establishments;

b/ These persons’ summarized personal records certified by the commune-level People's Committees of the localities in which these persons register permanent residence;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 3: CONFERENCES AND CONGRESSES OF RELIGIOUS ORGANIZATIONS

Article 27. Conferences and congresses of grassroots religious organizations

1. A grassroots religious organization that holds its annual conference or congress shall send a dossier to the district-level People’s Committee of the locality in which such conference or congress shall be held.

A dossier comprises:

a/ A written request, clearly stating the religious organization’s name, the reason for organizing the conference or congress, expected participants and their number, contents, agenda, time and venue of the conference or congress;

b/ A report on operation of the grassroots religious organization.

2. Within 5 working days after receiving a valid dossier, the district-level People's Committee shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

Article 28. Conferences and congresses of the central committees or the entire religious sects of religious organizations

1. A religious organization operating in various provinces and centrally run cities that hold its annual conference or congress of its central committee or entire religious sect shall send a dossier to the central state management agency for religious affairs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ A written request, clearly stating the religious organization’s name, the reason for organizing the conference or congress, expected participants and their number, contents, agenda, time and venue of the conference or congress;

b/ A report on operation of the religious organization;

d/ Draft charter or statute or amended charter or statute (if any).

2. Within 20 working; days after receiving a valid dossier, the central state management agency for religious affairs shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

Article 29. Conferences and congresses of religious organizations other than those provided in Articles 27 and 28 of this Decree

1. A religious organization other than those provided in Articles 27 and 28 of this Decree that holds its annual conference or congress shall send a dossier to the provincial-level People’s Committee of the locality in which such conference or congress shall be held.

A dossier comprises:

a/ A written request, clearly stating the religious organization's name, the reason for organizing the conference or congress, expected participants and their number, contents, agenda, time and venue of the conference or congress;

b/ A report on operation of the religious organization;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Within 10 working days after receiving a valid dossier, the provincial-level People’s Committee shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

Article 30. Registration of amended charters and statutes

1. A religious organization that amends its charter or statute shall send a written registration together with the amended charter or statute to a competent state agency provided in Clause 1. Article 28 or Clause 1, Article 29, of this Decree. This registration must clearly state the name and representative of the religious organization, the reason for and contents of the amendment.

2. Within 7 working days after receiving an amended charter or statute, a competent state agency shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

3. A religious organization may operate under its charter or statute which has been approved by a competent state agency.

Section 4: RITUALS, PREACHING AND MISSIONARY WORK BY RELIGIOUS ORGANIZATIONS, RELIGIOUS DIGNITARIES AND MONKS OUTSIDE THEIR ESTABLISHMENTS

Article 31. Rituals held by religious organizations outside their establishments

1. When organizing a ritual outside its establishment, which is attended by believers within a district, town or provincial city, a religious organization shall send a written request to the concerned district-level People’s Committee. Such request must clearly state the name, officiating person, contents, agenda, time, venue, scale and participants of the ritual.

Within 10 working days after receiving a valid written request, the district-level People’s Committee shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Within 15 working days after receiving a valid written request, the provincial-level People's Committee shall issue a written response. In case or disapproval, it shall clearly state the reason.

Article 32. Preaching and missionary work outside religious establishments by religious dignitaries and monks

1. A religious dignitary or monk, who conducts preaching or missionary work outside a religious establishment shall send a dossier to the district-level People's Committee of the locality in which he/she shall conduct preaching or missionary work.

A dossier comprises:

a/ A written request, clearly stating the reason for preaching or missionary work outside the religious establishment, the contents, program, time, venue, organizer and participants of the event:

b/ Written opinion of the dignitary’s or monk's religious organization or the religious organization directly managing him/her.

2. Within 10 working days after receiving a valid dossier, the district-level People's Committee shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

Section 5: RELIGIOUS OPERATIONS OF RELIGIOUS DIGNITARIES AND MONKS AT RELIGIOUS ESTABLISHMENTS RANKED AS HISTORICAL- CULTURAL RELICS OR SCENIC PLACES

Article 33. Operations of religious dignitaries and monks at religious establishments ranked as historical-cultural relics or scenic places

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Religious dignitaries and monks of religious establishment ranked as historical-cultural relies or scenic places may conduct religious operations as at other religious establishments.

3. Proceeds from donations and grants to a religious establishment ranked as a historical-cultural relic or scenic place and from its organization of festivals shall he made public by the relic management unit and be used to manage and upgrade the relic, and fund religious operations and daily-life activities of religious dignitaries and monks of that establishment.

Section 6: RENOVATION, UPGRADING AND CONSTRUCTION OF BELIEF, RELIGIOUS AND AUXILIARY WORKS OF BELIEF ESTABLISHMENTS AND RELIGIOUS ESTABLISHMENTS

Article 34. Renovation, upgrading and construction of belief, religious and auxiliary works of belief establishments and religious establishments subject to construction licensing

1. Belief works include communal houses, temples, worship places, shrines, ancestral worship hulls of families and clans, and other similar works.

2. Religious works include offices of religious organizations, pagodas, churches, oratories, sanctuaries, chapels, Buddhist sanctuaries, schools for professional religious activists, monuments, steles, towers and oilier similar works of religious organizations.

Auxiliary works are works of belief establishments and religious establishments which are not used for worship, including living rooms, guest rooms, dining rooms, kitchens, fence walls and other similar works of belief establishments and religious establishments.

3. The renovation, upgrading and construction of the works provided in Clauses 1, 2 and 3 of this Article and belief and religious works being state-ranked historical-cultural relics and scenic places comply with the construction law and related laws.

Article 35. Repair, renovation and upgrading of belief and religious works not subject to construction licensing

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Before repairing, renovating or upgrading a work, the representative of a belief establishment or religious establishment shall send a notice to the concerned commune-level People's Committee, clearly stating the reason, time, work items, scope and level of repair. The commune - level People's Committee shall examine and supervise the repair in accordance with law.

Section 7: FUNDRAISING BY BELIEF ESTABLISHMENTS AND RELIGIOUS ORGANIZATIONS

Article 36. Fundraising by belief establishments and religious organizations

1. A belief establishment or religious organization that conducts a fundraising shall send a notice to a competent state agency provided in Clause 2 of this Article, clearly stating the fundraising purpose, scope, mode and time, and the management mechanism and use of collected property.

1. Agencies receiving fundraising notices of belief establishments and religious organizations:

a/ The commune-level People's Committee of the locality where the fundraising is conducted, for a fundraising within a commune:

b/ The district-level People's Committee of the locality where the fundraising is conducted, for a fundraising beyond a commune but within a district;

c/ The provincial-level People's Committee of the locality where the fundraising is conducted, for a fundraising beyond a district;

2. Within 3 working days, for the case provided at Point a. Clause 2 of this Article; 5 working days, for the case provided at Point b, Clause 2 of this Article; or 7 working days, for the case provided Point c. Clause 2 of this Article, a competent state agency provided In Clause 2 of this Article shall issue a written response and supervise the fundraising according to the notice. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The receipt, management and use of foreign-related donations comply with law.

Section 8: INTERNATIONAL RELATIONS OF RELIGIOUS ORGANIZATIONS, BELIEVERS. MONKS AND RELIGIOUS DIGNITARIES

Article 37. Invitation of foreign organizations and individuals to Vietnam

1. A religious organization, monk or religious dignitary that invites a foreign organization or individual to Vietnam for religion-related international cooperation activities shall send a dossier to the central state management agency for religious affairs.

A dossier comprises:

a/ A written request, clearly stating the name of the organization or person making the invitation, purpose and contents of cooperation activities, list of guests, tentative program, time and venue for organization;

b/ A summary of major activities of the foreign organization or individual.

2. Within 25 working days after receiving a valid dossier, the central state management agency for religious affairs shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

Article 38. Participation in religious events and religious training courses overseas

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A dossier comprises:

a/ A written request, clearly stating the purpose, program, time and venue of the religious event or religious training course overseas to which the Vietnamese religious organization or individual is invited;

b/ Invitation to the religious event or written approval of training, by the overseas religious organization or individual;

c/ Written approval of the managing religious organization.

2. Within 25 working days after receiving a valid dossier, the central state management agency for religious affairs shall issue a written response. In case or disapproval, it shall clearly State the reason.

3. For a religious dignitary, monk or believer who, after completing a religious training course overseas, is ordained, bestowed, appointed, elected or selected by an overseas religious organization, and returns Vietnam for religious operation, his/her managing religious organization shall make registration with a competent state agency in accordance with Article 19 of this Decree.

Article 39. Preaching by foreign religious dignitaries and monks in Vietnam

1. A religious organization which invites a foreign religious dignitary or monk to preach at a religious establishment in Vietnam shall send a written request to the central state management agency for religious affairs, clearly stating the name and citizenship of the religious dignitary of monk, name of the foreign religious organization, the program, contents, time and venue of preaching, the organizer and participants.

2. Within 25 working days after receiving a written request, the central state management agency for religious affairs shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Foreigners lawfully residing in Vietnam are created conditions to conduct religious activities at religious establishments like Vietnamese believers.

2. Foreigners wishing to gather for religious activities at a lawful religious establishment in Vietnam shall send a dossier to the provincial-level People’s Committee.

A dossier comprises:

a/ A written request for religious activities, clearly stating the name, citizenship and religion of the representative; reason, time for religious activities, number of participants and the religious establishment at which religious activities shall be conducted;

b/ A certified copy of the document on the representative’s lawful residence in Vietnam;

c/ Written approval of the lawful religious establishment at which foreigners shall conduct religious activities.

3. Within 25 working days after receiving a valid dossier, the provincial-level People's Committee shall issue a written response. In case of disapproval, it shall clearly state the reason.

4. Foreigners engaged in religious activities in Vietnam shall comply with this Decree and related law.

Article 41. Religion-related immigration

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter V:

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

Article 42. Responsibilities of the Ministry of Home Affairs and related agencies

1. The Ministry of Home Affairs shall assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries and sectors in, guiding the implementation of this Decree.

2. When implementing the Ordinance on Beliefs and Religious and this Decree, for cases falling under the Prime Minister’s competence, the Ministry of Home Affairs shall receive dossiers and assume the prime responsibility for, and coordinate with related ministries, sectors and localities in appraising and submitting those dossiers to the Prime Minister for decision. For cases to be settled by People's Committees, People’s Committees of different levels and state management agencies for religious affairs of the same levels shall receive dossiers and coordinate with related agencies in appraising and submitting these dossiers to People’s Committees and chairpersons of People’s Committees for decision.

3. The Ministry of Culture, Sports and Tourism, the Ministry of Education and Training, the Ministry of Construction and the Ministry of Natural Resources and Environment shall, based on their functions, tasks and powers, coordinate with the Ministry of Home Affairs in assisting the Government in performing state management of beliefs and belief festival; the subjects of Vietnamese history and Vietnamese law: construction of belief and religious works; and land related to belief and religion.

Article 43. Dossier receipt

1. When implementing the Ordinance on Beliefs and religious and this Decree, organizations or individuals shall send a dossier directly or by post to a competent state agency.

2. When receiving a valid dossier, a competent state agency shall issue a receipt which specifies the dale of result notification. Such receipt shall be made in two copies, one to be given to the applying organization or individual and one filed at the competent state agency. For an invalid dossier, the competent state agency shall give explanations and guidance for the organization or individual to finalize the dossier in accordance with regulations. The time for finalizing the dossier is not counted in the time limit for response.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Religious organizations that have obtained a religious operation registration certificate from a competent state agency and been recognized under the Government's Decree No. 22/2005/ ND-CP of March 1, 2005, guiding a number of articles of the Ordinance on Beliefs and religious, are not required to carry out registration and recognition procedures again under this Decree.

2. Religious societies, religious orders, monasteries and other collective religious organizations which have obtained operation registration certificates from competent state agencies under the Government's Decree No. 22/2005/ND-CP of March 1, 2005, guiding a number of articles of the Ordinance on Beliefs and religious, are not required to carry out registration procedures again under this Decree.

Article 45. Effect

This Decree takes effect on January 1, 2013.

This Decree replaces the Government's Decree No. 22/2005/ND-CP or March 1, 2005, guiding a number of articles of the Ordinance on Beliefs and religious.

Article 46. Implementation responsibility

The Ministers, heads of ministerial-level agencies and heads of government-attached agencies and chairpersons of provincial-level People's Committees shall implement this Decree.-

 

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

;

Nghị định 92/2012/NĐ-CP hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo

Số hiệu: 92/2012/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 08/11/2012
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [1]

Văn bản đang xem

Nghị định 92/2012/NĐ-CP hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [1]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [2]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…