Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 73/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 09 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH CÔNG AN XÃ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh Công an xã ngày 21 tháng 11 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số Điều của Pháp lệnh Công an xã về: khung số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên; tiêu chuẩn tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, trang phục, phù hiệu, Giấy chứng nhận Công an xã; chế độ, chính sách và Điều kiện vật chất bảo đảm cho hoạt động của Công an xã.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với Công an xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động của Công an xã trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự và khung số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên

1. Xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự là xã có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng hoặc nơi có tình hình an ninh chính trị thường xuyên có diễn biến phức tạp.

Việc xác định xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định. Hàng năm, các địa phương rà soát, đề nghị Điều chỉnh, bổ sung xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự.

2. Khung số lượng Phó trưởng Công an xã và Công an viên được quy định như sau:

a) Mỗi xã được bố trí 01 Phó trưởng Công an xã; xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1 và xã loại 2 được bố trí không quá 02 Phó Trưởng Công an xã;

b) Mỗi thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương được bố trí 01 Công an viên. Đối với thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và đơn vị dân cư tương đương thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã loại 1 và xã loại 2 được bố trí không quá 02 Công an viên;

c) Trụ sở hoặc nơi làm việc của Công an xã được bố trí không quá 03 Công an viên làm nhiệm vụ thường trực 24/24 giờ hàng ngày.

Điều 4. Tiêu chuẩn tuyển chọn vào Công an xã

1. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ các tiêu chuẩn dưới đây thì được xem xét, tuyển chọn vào Công an xã nơi mình cư trú:

a) Lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án, tiền sự; bản thân và gia đình chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp Luật của Nhà nước. Trưởng Công an xã phải là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;

b) Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ Công an xã (được cơ sở y tế cấp huyện trở lên chứng nhận);

c) Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã phải là người đã học xong chương trình trung học phổ thông trở lên (có bằng tốt nghiệp hoặc có giấy chứng nhận đã học hết chương trình trung học phổ thông do cơ quan có thẩm quyền cấp); Công an viên phải là người đã tốt nghiệp từ trung học cơ sở trở lên;

Đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa không có đối tượng tuyển chọn có đủ tiêu chuẩn học vấn theo quy định tại điểm này thì trình độ học vấn của Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thể thấp hơn nhưng cũng phải là người đã học xong chương trình tiểu học trở lên;

d) Có khả năng thực hiện nhiệm vụ và có đơn tự nguyện tham gia Công an xã.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã phải có quy hoạch, kế hoạch tuyển chọn, bố trí, sử dụng Công an xã, bảo đảm ổn định, lâu dài, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở; ưu tiên tuyển chọn chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân đã hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương tham gia lực lượng Công an xã.

Việc tuyển chọn người tham gia Công an xã phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, theo đúng tiêu chuẩn quy định tại Nghị định này và hướng dẫn của Bộ Công an.

Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng Công an xã có trách nhiệm tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc quy hoạch, tuyển chọn, bố trí, sử dụng Công an xã.

Điều 5. Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng Công an xã

1. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ của Công an cấp tỉnh hoặc các trường Trung học Cảnh sát nhân dân, Trung học An ninh nhân dân.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể thời gian, chương trình, nội dung đào tạo Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã.

Điều 6. Trang phục, phù hiệu, Giấy chứng nhận Công an xã

1. Trang phục và niên hạn sử dụng trang phục của Công an xã được quy định như sau:

STT

Tên trang phục

Đơn vị tính

Số lượng

Niên hạn (năm)

1

Mũ mềm

cái

1

2

2

Mũ cứng

cái

1

3

3

Mũ bảo hiểm

cái

1

5

4

Quần, áo thu đông

bộ

1

2

5

Áo sơ mi

cái

2

2

6

Quần, áo xuân hè

bộ

1

1

7

Dây lưng nhỏ

cái

1

3

8

Giầy da

đôi

1

2

9

Bít tất

đôi

2

1

10

Áo ấm

cái

1

3

11

Ca ra vát

cái

1

2

12

Quần, áo đi mưa

bộ

1

3

Quần, áo thu đông và áo ấm được trang bị cho các địa phương từ Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc và 5 tỉnh Tây Nguyên; các địa phương còn lại được trang bị quần, áo xuân hè.

2. Màu trang phục:

- Quần, áo, mũ, bít tất màu cỏ úa;

- Dây lưng nhỏ màu nâu, khóa màu vàng;

- Giầy da màu đen.

3. Kiểu trang phục

a) Áo thu đông:

- Áo mặc trong may kiểu sơ mi dài tay, cổ đứng (có thắt ca ra vát);

- Áo mặc ngoài may kiểu veston dài tay, thân áo trước có 4 túi may ốp ngoài, cúc áo bằng nhựa cùng màu vải. Trên tay trái của áo có gắn phù hiệu Công an xã.

b) Áo xuân hè may kiểu bludong dài tay, cổ đứng; thân áo trước có 2 túi ngực may ốp ngoài, cúc áo bằng nhựa cùng màu vải. Trên tay trái áo có gắn phù hiệu Công an xã (hình lá chắn cao 90 mm, rộng 70 mm, nền màu xanh lục, đường viền xung quanh phù hiệu màu vàng, trên nền phù hiệu có hàng chữ Công an xã);

c) Quần may theo kiểu quần âu;

d) Mũ mềm, phía trên có gắn phù hiệu Công an xã (hình lá chắn, trên nền biểu tượng ở giữa có hình thanh kiếm và ngôi sao năm cánh màu vàng, dưới biểu tượng là hình nửa bánh xe và có hình cuốn thư màu vàng, trên nền cuốn thư có chữ “Công an xã” màu đỏ).

4. Trang phục, phù hiệu và Giấy chứng nhận của Công an xã phải được quản lý chặt chẽ theo đúng chế độ quy định và chỉ được sử dụng khi thi hành công vụ.

Nghiêm cấm việc cho mượn, cho thuê, mua, bán trái phép trang phục, phù hiệu Công an xã.

5. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết mẫu trang phục, phù hiệu, Giấy chứng nhận Công an xã; quy định việc cấp, đổi, thu hồi và xử lý vi phạm đối với trường hợp làm mất Giấy chứng nhận Công an xã.

Điều 7. Chế độ, chính sách đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên

1. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng chế độ lương, phụ cấp theo quy định của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn.

2. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn việc thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế đối với Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

3. Trưởng Công an xã có thời gian phục vụ liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi năm bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng; có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ Điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương và phụ cấp đóng bảo hiểm hiện hưởng.

Phụ cấp thâm niên được chi trả hàng tháng cùng kỳ lương và dùng để đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

4. Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân phụ cấp hiện hưởng; khi được cử đi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp Luật, nghiệp vụ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sỹ phục vụ có thời hạn cho Công an nhân dân; khi đi công tác được hưởng chế độ như đối với công chức cấp xã.

5. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại những nơi thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được hưởng trợ cấp mỗi ngày bằng 0,05 lần của lương tối thiểu chung. Trường hợp làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có Điều kiện đi, về hàng ngày thì được cơ quan đã ra quyết định huy động bố trí nơi nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi, về.

6. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên bị ốm đau trong thời gian công tác được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và được hỗ trợ thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ nguồn ngân sách địa phương, mức hỗ trợ cụ thể do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

7. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên bị tai nạn trong làm nhiệm vụ, trong khi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp Luật, nghiệp vụ hoặc trên đường đi làm nhiệm vụ, trên đường đi, về nơi tập trung huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp Luật, nghiệp vụ theo quyết định triệu tập của cấp có thẩm quyền thì được hưởng các chế độ như sau:

a) Được thanh toán chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến khi Điều trị ổn định thương tật, xuất viện;

b) Sau khi Điều trị, được Ủy ban nhân dân xã giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa theo quy định của pháp Luật.

Trường hợp người có tham gia bảo hiểm xã hội thì thực hiện trợ cấp một lần hoặc hàng tháng theo quy định của pháp Luật về bảo hiểm xã hội. Trường hợp người chưa tham gia bảo hiểm xã hội bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần, mức trợ cấp do Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể;

c) Người bị tai nạn làm khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng, biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho lao động, học tập gặp nhiều khó khăn thì được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp Luật đối với người tàn tật;

d) Trường hợp bị chết, kể cả chết trong thời gian Điều trị lần đầu, nếu người bị chết có tham gia bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định của pháp Luật về bảo hiểm xã hội; trường hợp người bị chế chưa tham gia bảo hiểm xã hội thì người chịu trách nhiệm mai táng được nhận tiền mai táng bằng 08 (tám) tháng lương tối thiểu và gia đình của người đó được trợ cấp một lần bằng 05 (năm) tháng lương tối thiểu.

8. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên bị thương, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ hoặc vì lý do thi hành công vụ, được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp Luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

9. Kinh phí chi trả các chế độ bị tai nạn do ngân sách địa phương chi trả. Đối với người có tham gia bảo hiểm xã hội thì do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả.

Điều 8. Bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Công an xã

1. Nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Công an xã gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

2. Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách và các Điều kiện cần thiết khác cho Công an xã.

3. Chi ngân sách nhà nước bảo đảm cho hoạt động của Công an xã được thực hiện như sau:

a) Nhiệm vụ chi của Bộ Công an:

- Bảo đảm công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng về chính trị, pháp Luật, nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã do Bộ Công an tổ chức và bảo đảm chế độ bồi dưỡng cho Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi học tập tại các khóa đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đó;

- Sản xuất, mua sắm, sửa chữa vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, mẫu trang phục, phù hiệu, Giấy chứng nhận Công an xã;

- Chi tổng kết, khen thưởng trong công tác xây dựng lực lượng Công an xã do Bộ Công an tổ chức;

- Các khoản chi khác cho Công an xã theo quy định của pháp Luật thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.

b) Nhiệm vụ chi của địa phương:

- Chi trả tiền lương, phụ cấp và đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

- Thực hiện các chế độ, chính sách: bồi dưỡng, trợ cấp, ốm đau, thai sản, tai nạn, bị thương, bị hy sinh hoặc từ trần;

- Chi cho công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp Luật, nghiệp vụ do địa phương tổ chức và bảo đảm chế độ bồi dưỡng cho Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi học tập tại các đợt đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng đó;

- Mua sắm trang phục, phù hiệu và in, cấp Giấy chứng nhận Công an xã theo mẫu quy định của Bộ Công an;

- Chi sơ kết, tổng kết và khen thưởng đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng lực lượng Công an xã do địa phương tổ chức;

- Các khoản chi khác cho Công an xã theo quy định của pháp Luật thuộc trách nhiệm của địa phương.

Đối với một số nhiệm vụ chi nếu đã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, ngân sách nhà nước không thực hiện nhiệm vụ chi này;

c) Việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách bảo đảm cho hoạt động của Công an xã được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bảo đảm kinh phí thực hiện Pháp lệnh Công an xã và Nghị định này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 10 năm 2009 và thay thế Nghị định số 40/1999/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về Công an xã.

2. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Nghị định 73/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Công an xã

Số hiệu: 73/2009/NĐ-CP
Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ
Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 07/09/2009
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [1]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [1]
Văn bản được dẫn chiếu - [3]
Văn bản được căn cứ - [1]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Nghị định 73/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Công an xã

Văn bản liên quan cùng nội dung - [2]
Văn bản hướng dẫn - [3]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [1]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…