ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 341/KH-UBND |
Gia Lai, ngày 01 tháng 02 năm 2016 |
Thực hiện Quyết định số 3642/QĐ-BNN-CB ngày 08/9/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT (về việc Phê duyệt Đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp), UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020 với những nội dung sau:
- Cơ giới hóa nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
- Cơ giới hóa nông nghiệp phải được tiến hành đồng bộ (về cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị và điều kiện đầu tư) phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, gắn vai trò giúp đỡ của Nhà nước và liên kết của các doanh nghiệp để nông dân có thể sử dụng các loại máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.
- Phát huy nội lực của toàn xã hội trong đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Mục tiêu chung: Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với từng loại cây trồng, vật nuôi, làm thay đổi tập quán canh tác phân tán, thủ công, lạc hậu sang sản xuất bằng máy, thiết bị tiên tiến, hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, giảm tổn thất trong nông nghiệp;
- Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020 mức độ cơ giới hóa bình quân các khâu sản xuất chính như sau:
Khâu sản xuất |
Đơn vị tính |
Năm |
|
2015 |
2020 |
||
1. Trồng trọt (cây hàng năm) |
|
|
|
Làm đất |
% |
73 |
95 |
Gieo trồng, cấy |
% |
13 |
20 |
Chăm sóc |
% |
38 |
80 |
Tưới chủ động (chủ yếu là mía, chè) |
% |
20 |
50 - 95 |
Thu hoạch (lúa, mía) |
% |
19 |
50 |
Sấy hạt (lúa, bắp) |
% |
22 |
40 |
2. Chăn nuôi |
|
|
|
- Chuồng trại công nghiệp, ăn uống tự động |
% |
15 |
50 |
- Chế biến thức ăn |
% |
15 |
50 |
- Vắt sữa |
% |
0 |
100 |
III. THỰC TRẠNG CƠ GIỚI HÓA CỦA TỈNH
1. Hiện trạng:
- Tổng số máy móc, thiết bị, động cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015 khoảng hơn 100.000 cái các loại, trong đó máy kéo khoảng 21.000 cái, động cơ chạy xăng, dầu diezen khoảng 15.000 cái, máy bơm nước khoảng 42.000 cái, máy phun thuốc BVTV có động cơ khoảng 14.000 cái, máy thu hoạch lúa, mía, ngô khoảng 3.000 cái, máy chế biến lương thực khoảng 2.000 cái.
- Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp: Khâu làm đất đạt 73,1%, khâu vận chuyển đạt 88,6%, khâu gieo cấy đạt 12,8%, khâu sấy đạt 21,4%, khâu tưới nước đạt 37,4%, khâu phun thuốc BVTV đạt 38%, khâu thu hoạch đạt 18,3%, khâu tuốt đập/tách hạt đạt 36,9%.
2. Đánh giá:
- Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai có bước phát triển nhưng chưa mạnh, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu về sản xuất và chế biến nông, lâm sản trên địa bàn, các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là bán thô, việc tinh chế các sản phẩm còn ít. Máy móc, thiết bị chủ yếu do hộ nông dân và các doanh nghiệp tự đầu tư, Nhà nước có hỗ trợ thông qua công tác khuyến công, khuyến nông nhưng không nhiều.
- Một số khâu sản xuất, chế biến trong nông nghiệp đã được cơ giới hóa cao về số lượng và chất lượng như làm đất, vận chuyển nông, lâm sản, bơm tưới hồ tiêu, cà phê, v.v... đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
- Các khâu sản xuất có tỷ lệ cơ giới hóa thấp như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, v.v... do một số nguyên nhân sau:
+ Sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, manh mún, nhiều thửa, việc dồn điền đổi thửa còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên cơ giới hóa chưa thực hiện được nhiều;
+ Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân còn thiếu vốn để đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nói chung, mua sắm máy móc thiết bị nói riêng và các chính sách về tín dụng chưa phát huy được hiệu quả trên địa bàn tỉnh;
+ Người sử dụng máy móc thiết bị trong sản xuất nông nghiệp chưa đủ kiến thức và kỹ năng để vận hành, sử dụng và bảo quản máy móc, nhất là máy móc nông nghiệp hiện đại.
IV. NỘI DUNG KẾ HOẠCH ĐẾN NĂM 2020
1. Về Trồng trọt:
1.1. Đối với cây lúa, mía, ngô, sắn: Tập trung tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa sản xuất:
a) Khâu làm đất: Cơ bản được cơ giới hóa, chuyển sử dụng máy kéo 2 bánh sang máy kéo 4 bánh có năng suất, hiệu quả và điều kiện lao động thuận lợi để đến năm 2020, mức độ cơ giới hóa làm đất bình quân cả tỉnh đạt 95%.
b) Khâu gieo trồng, cấy: Chuyển dần từ gieo sạ bằng công cụ sang sử dụng gieo sạ bằng các máy móc cơ giới và một phần sử dụng máy cấy tốc độ cao. Gieo ngô, trồng mía bằng máy ở các vùng tập trung, phấn đấu đạt 20%.
c) Khâu chăm sóc: Sử dụng các loại máy phun thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm theo quy trình kỹ thuật. Sử dụng các máy kéo nhỏ vun xới cho mỳ, bắp, máy đào bồn cà phê, máy kéo đa năng chăm sóc cho cây mía đạt trên 80%.
d) Khâu tưới: Đối với cây lúa, thực hiện bê tông hóa hệ thống kênh tưới tiêu để giảm tổn thất về nước. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, tưới ngầm) cho cây mía, cây cỏ thâm canh đạt tỷ lệ trên 50%.
e) Khâu thu hoạch: Thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 50% vào năm 2020, chủ yếu sử dụng máy gặt đập liên hợp có tính năng kỹ thuật cao, mức độ gặt sót dưới 1,5%. Máy thu hoạch: ngô 1-2 hàng và mía, sắn đạt trên 50%.
f) Khâu sấy, bảo quản: Phát triển các loại máy sấy, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, từ năm 2016 trở đi năng lực sấy nông sản cả tỉnh đạt trên 40%. Chú trọng việc đầu tư các hệ thống sấy tiên tiến, gắn với các cơ sở xay xát, dự trữ lương thực lớn. Chủ động làm khô đối với ngô, nhất là vào mùa mưa, hạn chế tối đa tổn thất về chất lượng do nhiễm aflatoxin. (trọng tâm là ngô vụ 1).
1.2. Đối với cà phê: Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cà phê. Từng bước cơ giới hóa kỹ thuật thu hái, làm khô, khuyến khích áp dụng kỹ thuật chế biến ướt, đầu tư hệ thống kho chứa đảm bảo kỹ thuật để nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu.
a) Khâu làm khô: Cà phê quả tươi quy mô nông hộ được làm khô đúng kỹ thuật để hạn chế sự nhiễm nấm và giảm phẩm cấp trong quá trình phơi sấy. Người dân và doanh nghiệp đầu tư sân phơi đúng kỹ thuật và các máy sấy tiên tiến, hạn chế tối đa sự nhiễm achrotoxin A. Khuyến khích phát triển lò sấy cà phê sử dụng chất đốt bằng vỏ cà phê khô quy mô hộ gia đình.
b) Khâu bảo quản: Xây dựng hệ thống kho đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để thu mua hoặc tạo điều kiện cho nông dân ký gửi hàng hóa. Hỗ trợ hợp tác xã cà phê bền vững xây nhà kho, sân phơi, làm dịch vụ cho khâu bảo quản cà phê.
1.3. Đối với chè: Khâu chăm sóc, xới cỏ bằng máy phấn đấu đạt trên 50%. Áp dụng công nghệ tưới chủ động đạt 95%. Áp dụng quy trình VIETGAP, QCVN 132:2013/BNNPTNT trong thu hoạch, vận chuyển, bảo quản chè để giảm tổn thất về chất lượng. Đến năm 2020, đảm bảo 75% chè nguyên liệu được thu hoạch, vận chuyển, bảo quản đúng yêu cầu kỹ thuật.
1.4. Đối với hồ tiêu: Cơ giới hóa khâu làm đất, đào hố trồng mới đạt 95%. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đạt 30%. Từng bước cơ giới hóa khâu thu hoạch, làm khô. Khuyến khích sơ chế và tinh chế sản phẩm để nâng cao chất lượng hồ tiêu hạt xuất khẩu.
2. Về Chăn nuôi: Sử dụng thiết bị cho chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2020:
- Cơ giới hóa chăn nuôi chuồng trại: hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động trong trại chăn nuôi tập trung đạt trên 50%.
- Cơ giới hóa chế biến thức ăn thô xanh (trâu, bò) đạt trên 50% cho cơ sở chăn nuôi tập trung.
- Cơ giới hóa: sử dụng máy vắt sữa đạt 100%.
- Cơ giới hóa vệ sinh chuồng trại, xử lý tái tạo chất thải chăn nuôi thành các sản phẩm dưới dạng năng lượng (nhiệt-điện) và phân bón hữu cơ đạt 50%. Bioga đạt 3.000 công trình.
V. CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CƠ GIỚI HÓA NÔNG NGHIỆP
1. Giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế từng vùng và thị trường:
- Xác định lợi thế của từng vùng trong tỉnh, lựa chọn loại hình máy móc, thiết bị phù hợp với cây, con cụ thể;
- Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tập trung hóa đất đai xây dựng cánh đồng lớn cho một số cây trồng như cà phê, mía, hồ tiêu, ngô, sắn…;
- Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất: Quy hoạch, cải tạo, xây dựng đồng ruộng, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu; giao thông nội đồng và giao thông nông thôn;
- Hình thành các hợp tác xã vùng nguyên liệu, hàng hóa, liên kết chuỗi giá trị bền vững.
2. Giải pháp khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp trên cơ sở tổ chức lại sản xuất và triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu đối với cơ giới hóa nông nghiệp:
- Các địa phương căn cứ yêu cầu của sản xuất, xây dựng kế hoạch, lộ trình, số lượng, chủng loại máy phù hợp và đồng bộ với quá trình cơ giới hóa sản xuất theo từng khâu trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa;
- Hình thành các tổ dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa. Từng bước hoàn thiện để phát triển hình thành hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ đa ngành;
- Tuyên truyền đến từng người dân các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Triển khai các chính sách từ thực tế và rà soát, kịp thời bổ sung, sửa đổi chính sách phù hợp;
- Xây dựng các mô hình trình diễn về cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp, trước tiên là với thâm canh các loại cây trồng chính (lúa, mía, ngô, sắn, rau màu...) ở những vùng sản xuất tập trung, hàng hóa;
- Chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về cơ điện nông nghiệp thông qua các mô hình khuyến công nông nghiệp.
3. Giải pháp về vốn: Sử dụng đồng bộ các nguồn vốn sau:
- Vốn tín dụng thông qua các khoản vay thế chấp và tín chấp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ;
- Vốn tự có do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và hộ gia đình tự bỏ ra mua sắm máy móc nông nghiệp;
- Vốn ngân sách: Vốn ngân sách trung ương (nếu có), vốn ngân sách địa phương (hỗ trợ lãi suất cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTs, của Thủ tướng Chính phủ);
- Vốn lồng ghép các chương trình dự án khác trong nông nghiệp trên địa bàn;
- Vốn khác: vốn hỗ trợ/của các tổ chức, cá nhân nhưng không trái quy định pháp luật.
4. Giải pháp về khoa học, công nghệ:
- Thực hiện xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có sáng chế máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước;
- Nhà nước hỗ trợ vốn mua bản quyền chế tạo máy nông nghiệp, máy động lực theo chính sách quy định;
- Nhà nước có chương trình đào tạo nghề, hỗ trợ trực tiếp cho người học về sử dụng máy móc, thiết bị trong nông nghiệp;
- Triển khai có kết quả Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
5. Giải pháp về tổ chức liên kết: Khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, nông hộ liên kết với doanh nghiệp chế biến trên địa bàn để sử dụng tối đa công suất máy móc trong các khâu sản xuất, vận chuyển và chế biến nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, phát huy hiệu quả của chương trình cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
6. Giải pháp về đào tạo nhân lực:
- Thực hiện lồng ghép Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
- Triển khai các mô hình khuyến công, khuyến nông hàng năm, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
7. Giải pháp về quản lý Nhà nước:
- Rà soát quy hoạch, chỉ đạo sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn nhằm tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông nghiệp áp dụng nhanh cơ giới hóa vào các khâu từ sản xuất - bảo quản - chế biên - vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm;
- Hỗ trợ xây dựng mô hình hộ, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp chuyên về dịch vụ nông nghiệp, bao gồm các dịch vụ: làm đất, thu hoạch, sấy, bảo quản nông sản hàng hóa, sửa chữa, cung cấp thiết bị, phụ tùng vật tư, tư vấn mua máy... theo chính sách quy định:
- Nhà nước hỗ trợ kinh phí để quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, cơ sở hạ tầng (cầu, đường, kênh mương,...) trên cơ sở lồng ghép với chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn nông thôn;
- Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho các thành phần kinh tế tham gia chế tạo, kinh doanh, dịch vụ về máy móc, thiết bị, công nghệ cho phát triển cơ khí nông nghiệp theo đúng chính sách quy định hiện hành của nhà nước.
VI. KINH PHÍ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
1. Kinh phí:
1.1. Vốn tự có: Nguồn vốn để mua sắm máy móc, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ gia đình tự cân đối theo nhu cầu.
1.2. Vốn tín dụng: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và hộ gia đình được vay vốn để mua sắm máy móc, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp theo: Thông tư số 13/2014/TT-NHNN ngày 18/4/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Hướng dẫn việc cho vay theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp); Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
1.3. Vốn ngân sách: Ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
1.4. Vốn đóng góp của các doanh nghiệp:
- Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu máy nông nghiệp, các doanh nghiệp nông nghiệp, các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tổ chức, cá nhân mua máy nông nghiệp dưới các hình thức: hỗ trợ bằng tiền, bằng máy, khuyến khích dùng thử, hỗ trợ kỹ thuật vận hành, bảo trì, bảo dưỡng;
- Khuyến khích các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh như đường, tinh bột sắn, chè, v.v... tăng cường đầu tư máy móc, thiết bị để hỗ trợ cho nông dân trong các khâu làm đất, thu hoạch... phục vụ cho sản xuất của các nhà máy chế biến.
2. Tiến độ thực hiện:
- Đầu năm 2015 ban hành Kế hoạch đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh;
- Năm 2016 - 2020 tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh;
- Cuối năm 2020 phấn đấu hoàn thành trên 95% mục tiêu Kế hoạch đề ra, tổng kết, báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT.
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020;
- Chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan, chính quyền địa phương nghiên cứu chính sách quy định hiện hành của Trung ương về hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp để tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện;
- Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn xác định các loại máy phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng cây trồng, vật nuôi con cho chính quyền địa phương để phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo hướng phát triển bền vững;
- Chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh hàng năm cho UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20/12 hàng năm;
- Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có nội dung, vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở ngành liên quan, chính quyền địa phương đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các cơ chế, chính sách về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp theo đúng quy định và hướng dẫn của Trung ương.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Gia Lai: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chính sách cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã và hộ gia đình vay vốn để mua sắm máy móc, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp theo Thông tư số 13/2014/TT-NHNN ngày 18/4/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
4. Các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan: Trên cơ sở các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong Kế hoạch nói trên; căn cứ chức năng, nhiệm vụ mình để tham gia triển khai Kế hoạch thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020.
5. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung kế hoạch và giải pháp để tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn;
- Định kỳ hàng năm (trước 05/12) báo cáo tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020, yêu cầu các cấp, các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN |
Kế hoạch 341/KH-UBND năm 2016 thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: | 341/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Gia Lai |
Người ký: | Kpă Thuyên |
Ngày ban hành: | 01/02/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 341/KH-UBND năm 2016 thực hiện đề án đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020
Chưa có Video