ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 32/KH-UBND |
Đắk Nông, ngày 16 tháng 01 năm 2023 |
PHÁT TRIỂN NGÀNH HOA, CÂY CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2030
Thực hiện Quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT ngày 26/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030. UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 cụ thể như sau:
I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN HOA, CÂY CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG
Đắk Nông nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam vùng Tây Nguyên, rất thuận lợi trong kết nối thị trường nông sản với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Là địa phương có điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, quỹ đất rộng lớn và màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào,... Đặc biệt, hệ thống Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.700 km2, chiếm 72% diện tích tự nhiên của tỉnh, cùng với địa hình bát úp xen kẽ những khe suối hợp thủy, điều kiện đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, là điều kiện phù hợp để phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển ngành hoa, cây cảnh nói riêng.
Những năm gần đây, khi mức sống của người dân được nâng lên nhu cầu thưởng thức và trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển. Tuy không phải là cây chủ lực, nhưng là cây có tiềm năng phát triển và cho hiệu quả kinh tế rất cao, nhưng do thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu tại địa phương, tập trung chủ yếu trong các ngày lễ tết và cúng bái, tính mùa vụ và yêu cầu kỹ thuật canh tác cao, chi phí đầu tư lớn, nên diện tích tăng chậm từ 27 ha năm 2015 lên 42 ha năm 2020; theo niên gián thống kê sơ bộ năm 2022, tổng diện tích hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh khoảng 72 ha. Trong đó, diện tích hoa các loại khoảng 60 ha, gồm các chủng loại như hoa lan, hoa hồng, hoa cúc, hoa huệ, hoa lay ơn, hoa ly,...; tập trung chủ yếu ở các huyện Cư Jút, Đắk R’lấp, thành phố Gia Nghĩa; tổng diện tích cây cảnh lâu năm trên địa bàn tỉnh khoảng 12 ha gồm hoa mai, hoa đào, tập trung ở các huyện Cư Jút, Krông Nô.
Với tiềm năng, lợi thế và dư địa để phát triển nông nghiệp; đồng thời, trên cơ sở Quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT ngày 26/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030; UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện phát triển ngành hoa, cây cảnh của tỉnh là hết sức cần thiết.
1. Mục đích, yêu cầu
- Cụ thể hóa các nội dung, giải pháp thực hiện Quyết định số 4081/QĐ-BNN-TT ngày 26/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phê duyệt Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030.
- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ban, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện.
- Kế hoạch xây dựng phải phù hợp với tình hình thực tế và định hướng phát triển chung của tỉnh; huy động nguồn lực từ các Chương trình, Đề án, dự án có liên quan để thực hiện hiệu quả các nội dung của Kế hoạch.
2. Mục tiêu
- Mục tiêu chung: Xây dựng ngành hoa, cây cảnh từng bước phát triển bền vững; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
- Mục tiêu cụ thể: Sản xuất hoa, cây cảnh tại tỉnh Đắk Nông dự kiến diện tích trồng hoa, cây cảnh đến năm 2030 đạt khoảng 400-500 ha, sản lượng trên 120 triệu cành/bông; diện tích trồng cây cảnh khoảng 100-200 ha, sản lượng khoảng trên 350 ngàn chậu/cây; tập trung chủ yếu tại các địa phương như: thành phố Gia Nghĩa, huyện Cư Jút, Đắk Mil, Đắk R’lấp, Krông Nô,... Các chủng loại hoa, cây cảnh được trồng cần được thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với thị hiếu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; đặc biệt là các loại hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu xây dựng nông thôn mới, các khu đô thị, khu công nghiệp,..
3. Nội dung, giải pháp thực hiện
a) Tăng cường công tác nghiên cứu, chọn tạo các giống hoa, cây cảnh mới, tập trung các giống có chất lượng tốt, đặc trưng và phù hợp với điều kiện của tỉnh, thị hiếu người tiêu dùng để định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh
Từ những lợi thế về điều kiện khí hậu, tiến bộ khoa học và công nghệ có thể ứng dụng, thị trường tiêu thụ hoa lớn và ngày càng đa dạng, trong thời gian tới tỉnh Đắk Nông có thể lựa chọn một số chủng loại hoa, cây cảnh theo các nhóm sau:
- Nhóm hoa cắt cành như: hoa cúc, hoa hồng, hoa lay ơn, hoa lily, hoa loa kèn, hoa đồng tiền, hoa thược dược, hoa cẩm chướng, hoa violet... Tuy nhiên, cần lưu ý đây là nhóm hóa sản xuất mang tính tập trung, tính chuyên nghiệp cao, đặc biệt là phải chú ý đến cả khâu thu hoạch, xử lý, bảo quản, vận chuyển. Hiện nay ở nước ta đã và đang hình thành một số vùng hoa cắt cành rất nổi tiếng như Đà Lạt (hoa hồng, cúc, cẩm chướng, lay ơn, lily...); Tây Tựu (hoa cúc, lily); Mê Linh (hoa hồng); Tuy Hòa (Lay ơn); Đồng Thái (lay ơn); Mỹ Lộc (hoa cúc). Trong tương lai, Đắk Nông hoàn toàn có thể xây dựng các vùng sản xuất hoa cắt cành lớn áp dụng công nghệ cao.
- Nhóm hoa trồng chậu, hoa thảm: Hoa trồng chậu, hoa thảm được trồng trong các chậu, túi bầu, khay, không dùng 100% đất mà trồng bằng giá thể (có thể bao gồm cả đất) do vậy có thể trồng ở mọi điều kiện, địa hình khác nhau dùng để chơi cảnh, trang trí trong và xung quanh nhà, ban công, sân vườn, công 136 viên, đường phố nơi công cộng. Những năm gần đây khi đô thị hóa mạnh thì nhu cầu tiêu dùng hoa chậu hoa thảm ngày càng tăng. Chính vì vậy chủng loại hoa này phát triển nhanh chóng. Một số chủng loại hoa chậu, hoa thảm đang được tiêu thụ với lượng lớn hiện nay là trạng nguyên, hồng môn, cúc mâm xôi, dạ yến thảo, báo xuân, cẩm tú cầu, tuylip, lily lùn... Các loại hoa chậu, hoa thảm có thể trồng trong nhà lưới hiện đại hoặc đơn giản, cũng có thể trồng ngoài tự nhiên, có thể tạo thành vùng tập trung hoặc cũng có thể trồng nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình nên rất thuận lợi để phát triển.
- Nhóm cây hoa, cây ăn quả làm cảnh: Có nhiều loại cây hoa, cây ăn quả làm cảnh nhưng nổi bật nhất là hoa đào, mai, quất cảnh, cam đường canh... Đây là những loại cây lưu niên truyền thống gắn liền với văn hóa và tâm linh nên không thể thiếu với người Việt Nam vào dịp đón mừng năm mới. Trước kia các giống đào, mai còn đơn điệu nhưng hiện nay có nhiều giống mới cho phép trồng đào ở miền Nam, mai ở miền Bắc, giúp cho người dân có nhiều sự lựa chọn phù hợp với sở thích và thú chơi của mình.
- Nhóm hoa lan: Hoa lan có thể trồng ở quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao như các loại hồ điệp, hoàng thảo công nghiệp, nhưng cũng có thể trồng ở quy mô gia đình hầu như mọi gia đình Việt Nam, mọi vùng miền từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng đều có thể nuôi trồng lan, sản xuất kinh doanh hoa lan và thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa lan. Những năm gần đây, nhiều giống hoa lan, với quy trình và mô hình sản xuất từ quy mô công nghiệp đến quy mô hộ gia đình cho hiệu quả cao, ai cũng có thể tham quan học tập và áp dụng. Chính vì vậy trong tương lai không xa nghề trồng hoa lan ở Việt Nam nói chung và ở Đắk Nông nói riêng sẽ phát triển mạnh mẽ.
- Nhóm cây cảnh phụ trợ (cây cành, lá trang trí): Thời gian gần đây xu hướng chơi hoa lẵng khá nhiều và trở nên phổ biến, trong một lẵng hoa ngoài hoa chính chiếm 60%, còn khoảng 40% là các loại hoa cành lá phụ trợ làm tôn lên vẻ đẹp của một lẵng hoa. Các loại cành, lá thường dùng đó là vạn tuế, thiên tuế, thiết mộc lan, cau lá nhỏ, ngâu, nguyệt quế, cây lá màu...Trồng các loại cây lấy cành lá rất đơn giản, dễ làm đôi khi cho hiệu quả rất cao, hơn cả trồng hoa chính. Đây cũng là cơ hội cho những người mới bước vào nghề trồng hoa khi mà chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm để trồng các loại hoa cây cảnh khó tính.
b) Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa, cây cảnh
- Phối hợp cùng viện, trường, hội sinh vật cảnh, câu lạc bộ, nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, các doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh như:
+ Hỗ trợ, chuyển giao các giống hoa, cây cảnh mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ của tỉnh.
+ Cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và thu hoạch; hệ thống canh tác không cần đất; các biện pháp xử lý ra hoa rãi vụ, trái vụ, kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu.
+ Tập huấn, tuyên truyền, xây dựng các mô hình ứng dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho người sản xuất.
+ Hỗ trợ đưa các tiến bộ về canh tác như giá thể, phân bón, chế phẩm sinh học, kỹ thuật điều khiển thời điểm ra hoa; Kỹ thuật xử lý ra hoa đồng loạt; kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mới vào sản xuất
+ Các kỹ thuật, công nghệ sau thu hoạch đối với hoa, cây cảnh như: quy trình thu hoạch để kéo dài tuổi thọ hoa, xử lý nhiệt độ, hóa chất, các loại bao gói chân không, bao gói điều chỉnh khí quyển, kỹ thuật cung cấp nước và dinh dưỡng cho hoa trong thời gian bảo quản.
+ Bên cạnh việc nghiên cứu các kỹ thuật công nghệ sau thu hoạch đối với sản phẩm hoa tươi, nghiên cứu để phát triển các sản phẩm khác như nhuộm màu hoa, sấy hoa,..
+ Xây dựng và hướng dẫn người sản xuất các quy trình trồng và chăm sóc phù hợp với từng giống hoa, cây cảnh.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao về hoa, cây cảnh, nhất là các mô hình nhà màng, nhà lưới phù hợp với điều kiện đầu tư của nhà vườn. Hiệu quả của mô hình giúp người dân tiếp thu và ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất.
c) Xúc tiến thương mại, tiêu thụ hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh
- Đẩy mạnh và phát triển thương mại điện tử, công tác cung cấp thông tin thương mại và thị trường thông qua công tác xây dựng website, logo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh.
- Đề ra các giải pháp hỗ trợ để nâng cao năng lực sản xuất, tạo nguồn hàng ổn định cung cấp cho người tiêu dùng.
- Xây dựng kênh tiêu thụ ổn định, đa dạng thông qua các hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn,... Hỗ trợ xây dựng các mô hình, cửa hàng kết nối tiêu thụ sản phẩm.
- Đẩy mạnh các hoạt động trưng bày, triển lãm sinh vật cảnh và hội hoa xuân phục vụ Tết nguyên đán, các ngày lễ lớn phục vụ nhân dân.
- Thành lập các Hợp tác xã, các hiệp hội sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản xuất.
d) Hỗ trợ nâng cao vai trò của Hội sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- Phát triển tổ chức Hội gắn với xã hội hóa hoạt động kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.
- Tạo điều kiện để tổ chức các phong trào thi đua, tôn vinh, khen thưởng nhằm khuyến khích động viên các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc phát triển sinh vật cảnh.
- Tổ chức cho các hội viên đi tham quan, giao lưu, học tập các kinh nghiệm, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản hoa thành phẩm tại các vùng sản xuất hoa chất lượng, tiên tiến.
Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí ngoài ngân sách đầu tư theo quy định pháp luật.
- Nguồn kinh phí từ Ngân sách nhà nước: kinh phí bố trí lồng ghép từ các chương trình, dự án, đề án có liên quan (Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP; Chương trình khuyến nông; Đề án nông nghiệp hữu cơ; các nhiệm vụ/dự án khoa học công nghệ liên quan;...);
- Nguồn kinh phí ngoài ngân sách: Kinh phí đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp hướng dẫn, thẩm định các dự án tổ chức sản xuất hoa, cây cảnh của các huyện, thành phố Gia Nghĩa.
- Phối hợp với các viện, trường, hội sinh vật cảnh, câu lạc bộ, nghệ nhân, nông dân sản xuất giỏi, các doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao về hoa, cây cảnh, nhất là các mô hình nhà màng, nhà lưới phù hợp với điều kiện đầu tư của nhà vườn.
- Phát động các phong trào trồng hoa, cây cảnh gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tình hình triển khai thực hiện kế hoạch; chủ động triển khai các nhiệm vụ cụ thể, tổ chức sơ kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời khi có phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án xây dựng các vùng sản xuất quy mô hàng hóa các chủng loại hoa có giá trị kinh tế cao.
- Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để thực hiện thực hiện các nội dung của kế hoạch theo khả năng cân đối ngân sách tỉnh.
4. Sở Khoa học và Công nghệ: Hằng năm, tổng hợp các đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ kế hoạch phát triển ngành hoa, cây cảnh và phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về phát triển sản xuất hoa, cây cảnh; truyền thông về các mô hình ứng dụng công nghệ cao về hoa, cây cảnh, nhất là các mô hình nhà màng, nhà lưới phù hợp với điều kiện đầu tư của nhà vườn.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Sở Du lịch: Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh du lịch đưa các sản phẩm hoa đặc trưng, cây cảnh vào nhà hàng, khách sạn; các khu, điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,... nhằm thu hút khách du lịch
7. Sở Công thương: Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thương hiệu, kênh tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ, hướng dẫn công tác xây dựng website, logo cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh khi có nhu cầu.
8. UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa
- Tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng diện tích đất đai, mở rộng diện tích trồng hoa kiểng góp phần tăng thêm thu nhập phát triển kinh tế hộ gia đình.
- Thực hiện tốt các mô hình hỗ trợ phát triển hộ, tổ hợp tác trồng hoa, công tác đào tạo, tập huấn. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lập, triển khai các dự án đầu tư phát triển sản xuất hoa, cây cảnh tại địa phương.
- Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan lập, triển khai kế hoạch phát triển hoa, cây cảnh của địa phương.
- Cân đối, bố trí ngân sách hàng năm, chỉ đạo, hỗ trợ phát triển sản xuất hoa, cây cảnh của các địa phương.
- Phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan và người sản xuất thực hiện nội dung Kế hoạch phát triển sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn đạt hiệu quả. Phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách để phát triển sản xuất, tiêu thụ hoa, cây cảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
9. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh: Chỉ đạo Hội cơ sở tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn và địa phương tuyên truyền, phổ biến, vận động nông dân, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh.
10. Hội Sinh vật cảnh, Hội làm vườn tỉnh: Phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh cho các nông hộ; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các nhà vườn, nghệ nhân tham gia các hội thi, các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất - thị trường tiêu thụ; tích cực đẩy mạnh phong trào trồng hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu cải tạo môi trường, cảnh quan của tỉnh, kết hợp du lịch và các dịch vụ liên quan.
11. Báo Đắk Nông, Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông: Bố trí dung lượng, thời lượng hợp lý, xây dựng nội dung, chương trình, các chuyên trang, chuyên đề tuyên truyền về phát triển sản xuất ngành hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh.
Định kỳ các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các đơn vị liên quan báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch gửi về UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2023 về phát triển nhành hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030
Số hiệu: | 32/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Đắk Nông |
Người ký: | Lê Trọng Yên |
Ngày ban hành: | 16/01/2023 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2023 về phát triển nhành hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030
Chưa có Video