ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 278/KH-UBND |
Hải Phòng, ngày 11 tháng 01 năm 2013 |
Theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 (thay thế Pháp lệnh Giám định tư pháp năm 2004).
Thực hiện quy định pháp luật mới về giám định tư pháp, Quyết định số 1549/QĐ-TTg ngày 16/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp; Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (sau đây gọi tắt là Đề án 258); theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, các Kế hoạch, Chương trình của Thành ủy về cải cách tư pháp; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch triển khai Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn thành phố như sau:
1. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành ở thành phố, kết hợp với tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” gắn với thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
2. Kiện toàn Tổ chức Giám định tư pháp và lực lượng giám định tư pháp chuyên ngành tại các Sở, ngành chuyên môn; phát triển đội ngũ Giám định viên tư pháp cả về số lượng, chất lượng; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng tốt yêu cầu giám định tư pháp của hoạt động tố tụng; góp phần đắc lực trong sự nghiệp bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phục vụ mục tiêu cải cách tư pháp và các chương trình phát triển kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố.
3. Tăng cường quản lý Nhà nước về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức liên quan trong triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.
1.1. Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Luật Giám định tư pháp, người làm giám định tư pháp theo vụ việc; Lãnh đạo các ngành, tổ chức, hội, đoàn thể ở thành phố; đội ngũ Giám định viên tư pháp, người làm giám định tư pháp theo vụ việc; Lãnh đạo quận, huyện.
1.2. Các Cơ quan tư pháp thành phố: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát triển khai Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án 258 trong ngành mình đặc biệt là đối với các cán bộ, công chức giữ chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp, trực tiếp làm công tác tư pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng và tại các tổ chức bổ trợ tư pháp. Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm tổ chức quán triệt, triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp đối với các luật sư, người tập sự hành nghề luật sư của Đoàn.
1.3. Các ngành, tổ chức, hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức triển khai Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án 258 cho nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, thành viên của mình, đặc biệt là những đối tượng có liên quan trực tiếp đến công tác tư pháp, cán bộ pháp chế ngành, pháp chế doanh nghiệp trực thuộc (nếu có).
1.4. Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong nhân dân, các cơ quan, tổ chức ở thành phố những quy định pháp luật mới về giám định tư pháp, các nội dung Đề án 258.
1.5. Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến về Luật Giám định tư pháp trong phạm vi quận, huyện mình.
(Thời gian hoàn thành việc phổ biến, quán triệt, triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án 258 trong tháng 01/2013).
2.1. Sở Tư pháp rà soát, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xử lý đối với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác giám định tư pháp do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
2.2. Các ngành ở thành phố tự rà soát các quy định, hướng dẫn trong nội bộ ngành mình có liên quan đến giám định tư pháp, phối hợp với Sở Tư pháp để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, xử lý.
3. Khảo sát, đánh giá thực trạng công tác giám định tư pháp:
Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan khảo sát, đánh giá về thực trạng (sau khi thực hiện Đề án 258 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ), đề xuất các biện pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn thành phố (hoàn thành trong quý I/2013).
4.1. Công an thành phố, Sở Y tế phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định kiện toàn tổ chức, bổ sung đội ngũ Giám định viên tư pháp, chỉ đạo xây dựng quy chế, cơ chế hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; tăng cường đầu tư trụ sở, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ hoạt động của Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố; Trung tâm Pháp y (để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và khi Pháp y Công an chỉ giám định pháp y tử thi) và Trung tâm Giám định pháp y tâm thần (để chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực và đề xuất với Trung ương đặt trụ sở Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực tại Hải Phòng).
4.2. Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, Sở, ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố việc thành lập các Tổ chức Giám định tư pháp công lập ở các lĩnh vực tài chính, xây dựng, giao thông, văn hóa... nếu cần thiết theo yêu cầu của hoạt động tố tụng.
4.3. Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, khuyến khích thành lập Tổ chức Giám định tư pháp chuyên trách ngoài công lập (Văn phòng Giám định tư pháp) trong các lĩnh vực: tài chính, giao thông, xây dựng, văn hóa (cổ vật, di vật, bản quyền tác giả)..., nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu giám định tư pháp.
4.4. Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quy định về việc Giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, chỉ thực hiện giám định pháp y tử thi; phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế xây dựng quy chế phối hợp và phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa Giám định viên pháp y thuộc Trung tâm Pháp y, Sở Y tế với Giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố, đảm bảo đáp ứng kịp thời, nhanh chóng, chính xác yêu cầu giám định pháp y theo đúng quy định của pháp luật về giám định tư pháp và tố tụng.
4.5. Các Sở, ngành hữu quan phối hợp với Sở Tư pháp rà soát, lựa chọn, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quyết định bổ sung Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của Sở, ngành mình, bao gồm những lĩnh vực đã có Giám định viên tư pháp và những lĩnh vực mới theo yêu cầu hoạt động tố tụng cần có Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc như Bưu chính viễn thông; Tài nguyên và Môi trường, khoáng sản...; đảm bảo các Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc có đủ tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức theo các quy định mới của Luật Giám định tư pháp.
4.6. Các Cơ quan tiến hành tố tụng, các Tổ chức Giám định tư pháp, các Sở, ngành hữu quan, ở thành phố căn cứ hướng dẫn của các cơ quan ngành dọc cấp trên tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục trưng cầu, yêu cầu và tiến hành giám định tư pháp, quyền và nghĩa vụ trong hoạt động giám định tư pháp theo các quy định mới của Luật Giám định tư pháp và các quy định pháp luật liên quan; triển khai thực hiện quy định: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Nguyên đơn dân sự, Bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền tự yêu cầu giám định tư pháp sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
4.7. Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, ngành hữu quan đề xuất việc thực hiện quy định về chi phí giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp và Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng (Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH 13 ngày 11/4/2012, có hiệu lực ngày 01/01/2013) và chính sách đãi ngộ phù hợp đối với Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định mới về chi phí giám định tư pháp.
4.8. Các Sở, ngành chủ quản có trách nhiệm tạo điều kiện về mọi mặt cho Tổ chức Giám định tư pháp, giám định viên tư pháp hoạt động; phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét tăng cường đầu tư trụ sở, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị làm việc, kinh phí để phục vụ công tác giám định tư pháp; phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất tăng cường biên chế, cán bộ phục vụ công tác giám định tư pháp.
5. Quản lý Nhà nước về giám định tư pháp:
5.1. Ủy ban nhân dân thành phố thống nhất quản lý công tác giám định tư pháp ở thành phố.
Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác thuộc thẩm quyền được giao theo Luật Giám định tư pháp, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp, giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý hoạt động của Văn phòng Giám định tư pháp.
Các Sở, ngành chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý Nhà nước về giám định tư pháp chuyên ngành, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý; khi xây dựng Kế hoạch công tác năm, chiến lược dài hạn của ngành cần phải bố trí và đưa công tác giám định tư pháp vào nội dung kế hoạch, chiến lược của Sở, ngành mình; phối hợp với Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân thành phố trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương.
Sở Tư pháp thống nhất với các Sở, ngành hữu quan trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Sở chuyên môn và các Cơ quan tiến hành tố tụng trong quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp, kiện toàn tổ chức, nhân sự, quản lý Giám định viên tư pháp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi cho các Tổ chức Giám định tư pháp và Giám định viên tư pháp hoạt động (hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2013).
5.2. Sở Tư pháp xây dựng, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy trình về việc thành lập, đăng ký hoạt động và quản lý Văn phòng Giám định tư pháp; giúp Ủy ban nhân dân thành phố tiếp nhận, thẩm định các hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Giám định tư pháp ở thành phố, đề xuất việc thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng Giám định tư pháp; thực hiện các quy định pháp luật về đăng ký hoạt động thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, cung cấp thông tin về đăng ký hoạt động đối với các Văn phòng Giám định tư pháp.
5.3. Công an thành phố thực hiện khắc dấu, đăng ký và quản lý việc sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật đối với các Văn phòng Giám định tư pháp.
5.4. Sở Tài chính và Cục thuế thành phố quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ tài chính, kế toán, thuế của các Văn phòng Giám định tư pháp trên địa bàn thành phố.
5.5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về lao động của các Văn phòng Giám định tư pháp có thuê lao động.
1. Đề nghị Bộ Tư pháp, Thành ủy, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố thường xuyên quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai tổ chức và hoạt động giám định tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở thành phố Hải Phòng theo Luật Giám định tư pháp, các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Đề nghị các Sở, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan căn cứ Kế hoạch này xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thiết thực, cụ thể để triển khai thi hành đồng bộ, khẩn trương, có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và Đề án 258 ở thành phố.
3. Đề nghị Tòa án quân sự Quân khu 3, Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 3, Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Công an thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Luật Giám định tư pháp và Đề án 258.
4. Sở Tài chính có trách nhiệm cấp kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện các phần việc theo Kế hoạch này.
5. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp và tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; kịp thời tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN THÀNH PHỐ |
Kế hoạch 278/KH-UBND năm 2013 triển khai Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” thành phố Hải Phòng
Số hiệu: | 278/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Thành phố Hải Phòng |
Người ký: | Lê Khắc Nam |
Ngày ban hành: | 11/01/2013 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 278/KH-UBND năm 2013 triển khai Luật Giám định tư pháp và tiếp tục thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” thành phố Hải Phòng
Chưa có Video