ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2042/KH-UBND |
Quảng Bình, ngày 02 tháng 11 năm 2022 |
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2023
TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI, DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2022
I. TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI VÀ DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT
1. Tình hình chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản
Theo Cục Thống kê, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh tính đến ngày 27/9/2022, như sau:
- Đàn trâu: 33.680 con, đạt 102,06% so với KH, giảm 0,03% so với cùng kỳ;
- Đàn bò: 104.250 con, đạt 94,77% so với KH, giảm 0,7% so với cùng kỳ;
- Đàn lợn: 275.860 con, đạt 96,79% so với KH, tăng 12,31 % so với cùng kỳ;
- Đàn gia cầm: 4.785.000 con, đạt 99,69% so với KH, tăng 9,12% so với cùng kỳ.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7.303 ha, bằng 110,8% so với cùng kỳ, trong đó diện tích nuôi mặn lợ 1.692,4 ha (tôm các loại 1.484,4 ha; cua, cá nước lợ 208 ha), bằng 106,6% so cùng kỳ; diện tích nuôi nước ngọt 5.610,6 ha, bằng 112,1% so cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9.261,6 tấn, bằng 102,6% so cùng kỳ.
2.1. Dịch bệnh gia súc, gia cầm
Trong 9 tháng đầu năm 2022, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021 giảm nhiều về số ổ dịch và số lượng gia súc, gia cầm mắc bệnh, tiêu hủy, cụ thể:
- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra ở 23 xã thuộc 4 huyện làm 1.644 con lợn mắc bệnh, buộc tiêu hủy với trọng lượng là 106.133 kg, giảm 14 xã có dịch và 267 con lợn buộc tiêu hủy so với cùng kỳ năm 2021.
- Bệnh Lở mồm long móng xảy ra ở 3 xã thuộc huyện Bố Trạch làm 65 con trâu, bò mắc bệnh, không có trâu, bò chết do bệnh, giảm 01 xã có dịch và 50 con trâu, bò mắc bệnh so với cùng kỳ năm 2021.
- Bệnh Cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra ở 02 xã của huyện Lệ Thủy làm 7.100 con gia cầm mắc bệnh, buộc tiêu hủy (4.100 con gà và 3.000 con vịt), cao hơn 2 ổ dịch so với cùng kỳ (Năm 2021, trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh Cúm gia cầm).
- Bệnh Dại động vật: toàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch bệnh Dại trên động vật. Tuy nhiên, theo báo cáo từ cơ quan y tế, trong 9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận 03 trường hợp người tử vong do bệnh Dại chó (Tuyên Hóa 02 người, Lệ Thủy 01 người). Nguyên nhân, do chó (cắn người) chưa được tiêm phòng, người sau khi bị chó cắn không tiêm vắc xin, không khai báo cho cơ quan y tế, cơ quan thú y.
Đến nay, cơ bản các ổ dịch đã được bao vây, khống chế kịp thời, không phát sinh thêm. Riêng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, vẫn còn phát sinh nhỏ lẻ, hiện toàn tỉnh còn 01 ổ dịch tại xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa chưa qua 21 ngày.
2.2. Dịch bệnh thủy sản
Trong 9 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh trên tôm xảy ra tại 21 hộ ở 5 xã, phường thuộc 4 huyện, thị xã (Quảng Ninh, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Trạch) với tổng diện tích bị bệnh là 11,93ha, trong đó diện tích bị bệnh Đốm trắng 11,61 ha; diện tích bị bệnh Vi bào tử trùng 0,32ha, tăng hơn 4,3 lần diện tích bị bệnh so với cùng kỳ.
3. Một số khó khăn, tồn tại và nguyên nhân
- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục tái phát tại các địa phương do mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường, bệnh đã có vắc xin nhưng đang giai đoạn thử nghiệm, chưa được thương mại hóa; chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; việc tăng đàn, tái đàn lợn nhưng chưa đảm bảo điều kiện, đặc biệt là tại các địa phương đã xảy ra dịch bệnh.
- Bệnh Lở mồm long móng xảy ra rải rác ở một số xã của huyện Bố Trạch do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp, bệnh không gây chết trâu, bò nên người dân chủ quan trong phòng chống dịch bệnh.
- Kết quả tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm đợt 1/2022 và dự ước trong đợt 2/2022 đạt tỷ lệ thấp, chưa đạt kế hoạch do các loại vắc xin hầu hết là vắc xin thương mại nên người chăn nuôi ít đầu tư tiêm phòng; một số địa phương không có cán bộ thú y, thiếu nhân lực trong quá trình triển khai thực hiện.
- Ý thức của người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản còn hạn chế, khi dịch bệnh xảy ra người dân tự xử lý hoặc xử lý với nồng độ không đúng quy định; không báo cáo với chính quyền địa phương, gây khó khăn trong quá trình nắm bắt số liệu và quản lý công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các ổ dịch bệnh động vật tại các địa phương còn chậm, chưa quyết liệt, nhất là việc kiểm soát giết mổ, mua bán vận chuyển động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch, từ địa bàn này qua địa bàn khác làm lây lan dịch bệnh; việc thực hiện chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh chưa đúng quy định, nguyên nhân do một số cơ quan cấp huyện thiếu cán bộ có chuyên ngành chăn nuôi và thú y; một số nơi chức năng thú y do cán bộ không có chuyên môn kiêm nhiệm.
Năm 2023, dịch bệnh động vật có nguy cơ xâm nhiễm, phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh rất lớn, nguyên nhân là do chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn; tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin thấp, chưa tạo được miễn dịch cho vật nuôi; nhu cầu vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật tăng cao, đặc biệt là trước, trong và sau tết Nguyên Đán năm 2023.
KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT NĂM 2023
- Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015; Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;
- Căn cứ các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; số 24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật;
- Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh: Số 1389/QĐ-UBND ngày 23/4/2019 về ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2020-2026; số 142/QĐ-UBND ngày 13/1/2021 về ban hành Chương trình phòng chống bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025; số 663/QĐ-UBND ngày 15/3/2022 về ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 2032/KH-UBND ngày 9/11/2020 về phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 29/KH-UBND về phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trâu bò giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 1213/KH-UBND ngày 12/7/2021 về phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030.
1. Mục đích
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Nâng cao vai trò trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan trong lĩnh vực thú y.
- Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản với phương châm phòng bệnh là chính, phát hiện sớm, bao vây, khống chế, dập tắt dịch bệnh kịp thời và hiệu quả ngay từ khi dịch bệnh mới phát sinh nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần phát triển ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
2. Yêu cầu
- Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trên tinh thần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản đến tận cơ sở, đặc biệt là những nơi có ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao.
- Chủ động các phương án, nguồn nhân lực, vật tư để kịp thời xử lý khi dịch bệnh phát sinh trên địa bàn, ưu tiên sử dụng các nguồn lực sẵn có của địa phương, đơn vị.
- Tổ chức thực hiện phòng, chống dịch bệnh phải kịp thời, hiệu quả, tránh gây lãng phí các nguồn kinh phí; huy động sự tham gia của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, đồng thời đảm bảo an toàn cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật; đặc biệt là việc buôn lậu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn từ vùng dịch đến địa phương khác làm lây lan dịch bệnh.
1.1. Thông tin tuyên truyền
- Tuyên truyền các chủ trương, chính sách về công tác phòng, chống dịch, tác hại của dịch bệnh trên vật nuôi, thủy sản; cơ chế, chính sách hỗ trợ khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả để người dân biết và thực hiện; thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh động vật; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về thực hiện phòng, chống dịch bệnh; biểu dương kịp thời các điển hình tiêu biểu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, khung lịch thời vụ thả giống thủy sản; khuyến khích, nhân rộng các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
- Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền hình, báo chí, mạng xã hội, hệ thống truyền thanh cơ sở, tờ rơi, áp phích, tổ chức hội thảo, hội nghị... để người dân dễ dàng trong tiếp cận thông tin, kỹ thuật..
1.2. Đào tạo, tập huấn
- Phổ biến Luật Thú y và các văn bản liên quan đến công tác chăn nuôi thú y, quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, quy định của pháp luật về hành nghề thú y... cho đối tượng có liên quan.
- Tiếp tục nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thú y cơ sở trong giám sát dịch bệnh, kỹ thuật lấy mẫu phát hiện bệnh, kỹ thuật tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và báo cáo dịch bệnh theo quy định.
- Tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
1.3. Công tác tiêm phòng vắc xin
- Xây dựng và triển khai công tác tiêm phòng bằng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định tại Phụ lục 07 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổ chức 02 đợt tiêm phòng đại trà cho gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Đợt 1 từ tháng 3-4; đợt 2 từ tháng 9-10; ngoài các đợt tiêm phòng chính, tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm chưa được tiêm phòng, nuôi mới hoặc đã hết thời gian miễn dịch.
- Khi có dịch xảy ra trên địa bàn, thực hiện tiêm phòng bao vây ổ dịch theo phạm vi và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y (nếu bệnh đã có vắc xin tiêm phòng).
1.4. Công tác giám sát dịch bệnh
1.4.1. Giám sát chủ động phát hiện dịch bệnh
a) Giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm
- Công tác giám sát dịch bệnh được tiến hành thường xuyên, liên tục bảo đảm đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi. Khi nghi ngờ động vật mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cơ quan thú y thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm xác định mầm bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
- Thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động định kỳ tại các vùng nguy cơ cao, ổ dịch cũ nhằm xác định sự lưu hành, biến chủng của các loại mầm bệnh như Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục trâu bò, Cúm gia cầm... làm cơ sở xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh phù hợp, có hiệu quả.
b) Giám sát dịch bệnh thủy sản
- Thực hiện lấy mẫu giám sát chủ động dịch bệnh trên tôm, cá nuôi định kỳ. Lấy mẫu ngẫu nhiên tại vùng nuôi trọng điểm của 05 địa phương (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn). Giám sát bệnh đốm trắng (WSSV), bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND), bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV), bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm nuôi và một số bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi khác tùy tình hình thực tế.
- Căn cứ kết quả xét nghiệm, phân tích, đánh giá các vùng nuôi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, kịp thời đưa ra cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp xử lý.
1.4.2. Giám sát sau tiêm phòng vắc xin
Sau tiêm phòng vắc xin, cơ quan thú y tổ chức lấy mẫu giám sát nhằm đánh giá tỷ lệ bảo hộ miễn dịch sau tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó ưu tiên các loại vắc xin do UBND tỉnh hỗ trợ và vắc xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi.
1.5. Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng
1.5.1. Đối với động vật trên cạn: Tổ chức thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng theo quy định tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện theo các đợt phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi” khi địa phương có nguy cơ xảy ra dịch bệnh hoặc theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
1.5.2. Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản: Chủ cơ sở thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng hệ thống ao nuôi và kênh mương cấp thoát nước trước và sau mỗi vụ nuôi, sản xuất giống.
1.6. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y
- Thực hiện theo quy trình, quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong công tác kiểm dịch động vật.
- Thành lập các Chốt kiểm dịch bệnh động vật tạm thời tại các trục đường giao thông Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh khi cần thiết nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua, nhập vào địa bàn tỉnh trong trường hợp dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm vào địa bàn hoặc đang xảy ra trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định của Luật Thú y; Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016; Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2018; Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hướng dẫn chuyên môn liên quan.
- Hướng dẫn thực hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật đúng quy định đảm bảo sản phẩm động vật trước khi đưa ra thị trường đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
- Tổ chức giám sát, xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản sử dụng làm giống theo đúng quy định. Các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh phải thực hiện khai báo kiểm dịch thủy sản giống, thủy sản bố, mẹ với cơ quan thú y không quá 2 ngày sau khi vận chuyển về cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi trước khi xuất bán.
1.7. Quản lý hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thú y thủy sản
- Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản theo quy định pháp luật.
- Tổ chức kiểm tra, quản lý, đánh giá phân loại các cơ sở buôn bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn theo phân cấp của UBND tỉnh.
- Kết hợp tuyên truyền quy định về thức ăn chăn nuôi với kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật liên quan đến chất lượng và an toàn thức ăn chăn nuôi; kiểm tra, giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm.
1.8. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật
- Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc duy trì các điều kiện an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn tỉnh.
- Hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở chăn nuôi cấp xã, cấp trang trại thực hiện xây dựng an toàn dịch bệnh. Đánh giá hiệu quả và nhân rộng các mô hình an toàn dịch bệnh.
- Hỗ trợ kết nối việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giữa các cơ sở đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh với các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
1.9. Tăng cường năng lực kiểm tra, chẩn đoán, lấy mẫu
- Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác thú y ở các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã.
- Cơ quan thú y cấp tỉnh hỗ trợ địa phương trong công tác lấy mẫu, điều tra ổ dịch bệnh động vật.
1.10. Công tác thanh, kiểm tra
Tổ chức các đợt thanh, kiểm tra trong công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.
1.11. Chế độ báo cáo
UBND các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị liên quan định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống dịch bệnh động vật về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Nội dung báo cáo định kỳ được quy định tại Mục 2 Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT và Điều 6 của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đối với dịch bệnh gia súc, gia cầm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016; đối với dịch bệnh động vật thủy sản thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016, cụ thể:
- Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác minh tác nhân gây bệnh.
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/04/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.
- Tổ chức phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.
- Lập các Chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm kiểm soát việc lưu thông vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
- Quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi trong vùng dịch; nghiêm cấm việc bán chạy, giết mổ hoặc vứt xác gia súc, gia cầm, thủy sản mắc bệnh ra ngoài môi trường.
- Tổ chức tiêm phòng bao vây cho đàn gia súc, gia cầm ở vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.
- Công bố dịch và hết dịch theo quy định của Luật Thú y.
- Báo cáo diễn biến và kết quả xử lý ổ dịch vào 15 giờ hàng ngày và gửi văn bản về cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh.
1. Nguồn ngân sách nhà nước
- Ngân sách cấp tỉnh: Nguồn kinh phí đảm bảo cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh động vật được sử dụng nguồn chính sách nông nghiệp được giao trong dự toán ngân sách hằng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nội dung chi bao gồm: Công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, giám sát dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung; mua trang thiết bị, vật tư, hóa chất, vắc xin, hóa chất phòng chống dịch bệnh.
Trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, có chiều hướng lây lan rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh chủ động bố trí kinh phí ngân sách đảm bảo số lượng vắc xin, hóa chất để xử lý ổ dịch, đồng thời tham mưu UBND tỉnh báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung kinh phí phòng, chống dịch cho địa phương.
- Ngân sách cấp huyện: UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động bố trí kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật của địa phương theo phân cấp quản lý ngân sách đúng quy định của pháp luật hiện hành bao gồm: kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch; hóa chất hỗ trợ dập dịch khi dịch bệnh xảy ra, kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra theo quy định; đảm bảo kinh phí cho các hoạt động ở địa phương, theo phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ”.
2. Kinh phí của chủ vật nuôi và nguồn đóng góp, tài trợ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật
- Các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân chăn nuôi động vật chủ động xây dựng phương án, bố trí kinh phí phòng chống dịch bệnh trên động vật theo quy định tại các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật.
- Ngoài ra, khuyến khích sử dụng các nguồn kinh phí khác như: nguồn đóng góp và tài trợ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên động vật theo quy định.
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã
- Xây dựng kế hoạch và bố trí các nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn có hiệu quả.
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học; xây dựng các mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát và mở rộng kênh tiêu thụ cho người chăn nuôi.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, phòng, ban liên quan phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật; tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tập trung thực hiện tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý.
- Chủ động lấy mẫu giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và thủy sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nhằm xử lý dịch bệnh khi còn ở diện hẹp, hạn chế dịch bệnh lây lan.
- Định kỳ, báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã và các ban, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Chủ trì, phối hợp với sở, ban ngành liên quan trong việc thực hiện kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật và công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Bình xây dựng các nội dung, chuyên mục về tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.
- Khi có dịch bệnh xảy ra, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh động vật; chủ động nguồn kinh phí dự phòng cho công tác chống dịch; tham mưu UBND tỉnh kinh phí hỗ trợ người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra theo quy định.
4. Sở Y tế
- Giám sát, phát hiện, chia sẻ thông tin dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người ở các cấp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các biện pháp phòng, chống các bệnh truyền lây từ động vật sang người theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh tuyên truyền thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022 đến mọi tầng lớp Nhân dân.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời về diễn biến tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh; xuất bản tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chuyên mục, tin bài về công tác phòng chống dịch bệnh trên Trang thông tin điện tử để định hướng, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông tuyên truyền kịp thời, chính xác diễn biến tình hình, nguy cơ và tác hại dịch bệnh động vật để người dân biết, thực hiện.
6. Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải Quan, Cục Quản lý thị trường
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh đồng bộ, quyết liệt để nhanh chóng khống chế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan ra diện rộng.
- Tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh và từ nước ngoài vào Việt Nam nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật; trong đó đặc biệt chú trọng kiểm soát việc nhập, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật hoang dã vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác để định giá mua, giá bán hàng hóa và các hành vi gian lận thương mại khác theo quy định của pháp luật.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các hành vi liên quan đến vận chuyển, kinh doanh trái phép động vật, sản phẩm động vật đến các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ nội dung kế hoạch để triển khai thực hiện./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 2042/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023 do tỉnh Quảng Bình ban hành
Số hiệu: | 2042/KH-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Kế hoạch |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Bình |
Người ký: | Đoàn Ngọc Lâm |
Ngày ban hành: | 02/11/2022 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Kế hoạch 2042/KH-UBND năm 2022 về phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023 do tỉnh Quảng Bình ban hành
Chưa có Video