Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/KH-UBND

Lào Cai, ngày 30 tháng 03 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN NGƯỜI TỈNH LÀO CAI NĂM 2023

Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn và giám sát phòng chống bệnh dại trên người;

Căn cứ Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030;

Căn cứ Nghị quyết số 28/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh Lào Cai ban hành Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách ở địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh Lào Cai giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 28/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc triển khai chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2030;

Căn cứ Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 31/01/2023 của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh trên người năm 2023.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai xây dựng Kế hoạch phòng chống bệnh dại trên người tỉnh Lào Cai năm 2023, cụ thể như sau:

I. TÌNH HÌNH, DỰ BÁO DỊCH BỆNH DẠI

1. Tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh Lào Cai

- Trong năm 2022, Lào Cai ghi nhận 07 con chó có kết quả xét nghiệm dương tính thuộc 6/9 huyện, thành phố trong đó: TP Lào Cai 02, Bảo Thắng 01, Bắc Hà 01, Văn Bàn 01, Mường Khương 01, Si Ma Cai 01.

- Số người tiêm vắc xin dại từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2022: 1.316 trường hợp giảm 346 trường hợp so với năm 2021.

- Số người đến tiêm huyết thanh dại năm 2022: 222 trường hợp tăng 01 trường hợp so với năm 2021.

- Theo thống kê các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đã được tư vấn nhưng không đi tiêm phòng: 54 trường hợp.

- Không có trường hợp tử vong do dại.

2. Dự báo tình hình dịch bệnh dại năm 2023

Lào Cai là tỉnh có các ổ dịch bệnh dại trên súc vật, ghi nhận bệnh dại trên động vật tại 6/9 huyện, thị xã, thành phố. Nhận thức của người dân, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; việc vận động người dân nuôi chó, mèo thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nuôi và thả rông chó, mèo còn rất phổ biến, đặc biệt tại các thôn bản vùng cao. Bệnh dại có nguồn ổ chứa từ các loài động vật có trong tự nhiên cho nên việc kiểm soát nguồn lây bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Do đó nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại luôn hiện hữu và có nguy cơ bùng phát nếu không kiểm soát tốt.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chủ động phòng ngừa, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh dại; Tăng cường giám sát, nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh dại, từng bước quản lý và khống chế tử lệ tử vong do dại dưới 0,3/100.000 dân, góp phần bảo vệ sức khoẻ của người dân và cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp giữa ngành thú y và ngành Y tế trong công tác phòng chống bệnh dại

- 100% cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể tại các huyện, thành phố, thị xã tham gia, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác phòng, chống bệnh dại trên người.

- 100% các huyện, thị xã, thành phố được duyệt kinh phí để thực hiện điều trị dự phòng miễn phí sau phơi nhiễm cho các đối tượng thuộc diện người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, những người tham gia phòng, chống dịch trong vùng nguy cơ cao và các trường hợp đặc biệt khác.

- 100% các huyện có kế hoạch phối hợp giữa ngành y tế và ngành thú y trong công tác phòng chống bệnh dại.

b) Nâng cao nhận thức của người dân về bệnh dại và cách phòng chống

- 100% các huyện, thị xã, thành phố thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh dại cho cộng đồng. Đặc biệt thực hiện truyền thông, cung cấp các kiến thức và cách phòng, chống bệnh dại cho các hộ gia đình trong vùng trọng điểm, nguy cơ cao, đồng thời thực hiện truyền thông lồng ghép tại các trường học trên địa bàn.

- Tổ chức lễ phát động chiến dịch truyền thông phòng chống bệnh dại ít nhất 01 lần/năm.

- 100% các huyện/xã trọng điểm tổ chức chiến dịch truyền thông dưới nhiều hình thức như truyền thông trực tiếp hoặc các kênh truyền thông truyền thông đại chúng, loa truyền thanh xã, thôn...

c) Nâng cao năng lực của hệ thống giám sát

- 100% các cán bộ y tế từ tuyến tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn được cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành, xử trí vết thương khi bị động vật cắn, kỹ thuật tiêm vắc xin, huyết thanh dại cho người bị phơi nhiễm với bệnh dại, kỹ năng truyền thông và các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

- 100% các huyện, thị xã, thành phố thực hiện báo cáo số người tiêm vắc xin phòng bệnh dại do động vật cắn theo Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn và giám sát phòng chống bệnh dại trên người;

- 100% các ca bệnh nghi dại, các ổ dịch dại trên người được phát hiện, điều tra, giám sát, báo cáo kịp thời theo quy định.

- Thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ lồng ghép với giám sát dịch bệnh chung trên địa bàn.

d) Tăng cường hoạt động tiêm phòng vắc xin, huyết thanh dại cho những người bị phơi nhiễm bệnh dại

- 100% các huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 01 điểm tiêm phòng bệnh dại, đảm bảo đủ lượng vắc xin, huyết thanh tiêm phòng bệnh dại cho người phơi nhiễm.

- 100% số người bị phơi nhiễm với bệnh dại được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

- 100% các đối tượng thuộc diện người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, những người tham gia phòng, chống dịch trong vùng nguy cơ cao và các trường hợp đặc biệt khác được điều trị dự phòng miễn phí sau phơi nhiễm.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Các biện pháp chỉ đạo

1.1. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp tỉnh

- Tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh dại trên địa bàn toàn tỉnh. Chính quyền địa phương các cấp có vai trò chủ đạo trong công tác phòng chống bệnh dại.

- Giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cấp chịu trách nhiệm chính triển khai quyết liệt những biện pháp ngăn chặn sự lây lan bệnh dại từ động vật sang người.

- Phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc phòng, chống dịch bệnh dại ở người và động vật.

1.2. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cấp huyện, cấp xã

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, theo dõi giám sát tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, triển khai hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch bệnh dại trên người người và động vật.

- Quán triệt triển khai một số điều quy định về quản lý đàn chó, phòng chống bệnh dại theo quy định của Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 28/01/2022 của UBND tỉnh Lào Cai về việc triển khai chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2030.

2. Công tác chuyên môn

2.1. Công tác phòng phơi nhiễm và điều trị dự phòng bệnh dại

- Tổ chức giám sát chủ động phát hiện và báo cáo quản lý các trường hợp phơi nhiễm bệnh dại; tư vấn, vận động người dân đến điểm tiêm phòng gần nhất để được tư vấn và điều trị dự phòng.

- Tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về khám, tư vấn, giám sát, kỹ năng truyền thông về phòng chống bệnh dại.

- Tăng cường hoạt động của các điểm tiêm phòng bệnh dại trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ tốt nhất.

- Tuyên truyền và hướng dẫn người dân bị phơi nhiễm với dại đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc (bao gồm cả thuốc đông y, bài thuốc cổ truyền, gia truyền…) chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị động vật cắn...

2.2. Công tác truyền thông

- Tổ chức truyền thông về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; các biện pháp phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, huyện, xã được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt vào thời điểm trước mùa nắng nóng (mùa hè) nhất là ở các khu vực có nguy cơ cao về bệnh dại, khu vực có ổ dịch (có người tử vong do bệnh dại).

- Xây dựng, phát thanh thông điệp truyền thông qua phát thanh và truyền hình tỉnh, của các huyện, thị xã, thành phố; hệ thống loa cấp xã, bảng tin công cộng tại nơi đông người, các điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của người dân.

- Phát tờ rơi tại các trường học, gia đình trong khu vực trọng điểm, truyền thông trực tiếp tại, trường học, cộng đồng bằng tiếng Kinh, H’Mông và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

2.3. Công tác giám sát bệnh dại trên người

a) Giám sát người bị phơi nhiễm đi tiêm vắc xin phòng dại

- Người bị chó, mèo cắn phải rửa vết thương và đến các cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng dại. Các điểm tiêm đảm bảo đủ vắc xin về người dân có thể tiếp cận với việc điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm; trường hợp nhiều người bị chó, mèo cắn và có biểu hiện nghi mắc dại phải báo ngay cho cơ quan thú y địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý ổ dịch dại.

- Tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho người và báo cáo trên hệ thống theo quy định của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại trên người.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát bệnh dại trên người trên phạm vi toàn tỉnh; lập bản đồ dịch tễ người bị động vật cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại để dự đoán chiều hướng và đánh giá nhu cầu vắc xin.

b) Giám sát bệnh nhân tử vong để phát hiện sự lưu hành của vi rút dại

- Cán bộ y tế dự phòng có trách nhiệm phối hợp với bệnh viện tổ chức điều tra ngay khi nhận được thông tin, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm bệnh nhân lâm sàng lên cơn dại gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur để chẩn đoán xác định và tìm sự lưu hành của chủng vi rút dại.

- Tại khu vực có bệnh nhân tử vong do Dại, phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khử khuẩn và phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y điều tra xử lý ổ dịch Dại trên đàn chó, mèo tại địa phương (nếu có).

c) Nâng cao năng lực giám sát bệnh dại trên người

- Chuẩn hóa chương trình, tài liệu tập huấn phòng chống bệnh dại cho hệ thống y tế các cấp.

- Tập huấn các kỹ năng tư vấn, chỉ định và tiêm vắc xin Dại cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng Dại cho người; kỹ thuật bảo quản và vận chuyển vắc xin, theo dõi sau tiêm; kỹ thuật thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu của người nghi mắc bệnh dại, bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu và chất lượng của mẫu; kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh dại, phân tích tình hình dịch tễ, xác định vùng, nhóm người có nguy cơ lây truyền bệnh dại, tiêm phòng vắc xin Dại cho người có nguy cơ cao, xử trí vết cắn, điều trị dự phòng cho người bị chó, mèo cắn, xử lý ổ dịch; phối hợp liên ngành thú y trong việc giám sát, lấy mẫu bệnh dại trên động vật dựa vào người bị cắn đi tiêm phòng; kỹ năng truyền thông nguy cơ, cách hạn chế bị động vật cắn, truyền thông cộng đồng trước, trong và sau ổ dịch bệnh dại.

2.4. Công tác phối hợp liên ngành

- Phối hợp liên ngành giữa ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với ngành Y tế trong công tác giám sát, phòng chống bệnh dại ở người và động vật.

- Phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Y tế để thực hiện truyền thông phòng chống bệnh dại trong nhà trường.

- Ngành Y tế và cơ quan truyền thông phối hợp xây dựng, phát hành những thông điệp truyền thông phòng chống bệnh dại.

- Phối hợp giữa ngành Y tế với các cơ quan đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dại tại cộng đồng.

IV. Kinh phí thực hiện

- Ngân sách cấp huyện đảm bảo kinh phí để thực hiện điều trị dự phòng miễn phí sau phơi nhiễm cho các đối tượng thuộc diện người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, những người tham gia phòng, chống dịch trong vùng nguy cơ cao và các trường hợp đặc biệt khác.

- Kinh phí do người dân nằm ngoài nhóm đối tượng trên tự chi trả.

- Sở Y tế căn cứ tình hình thực tế tiêm điều trị dự phòng của địa phương, vùng có báo cáo ca tử vong về bệnh dại để xây dựng kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí triển khai giám sát tiêm vắc xin cho người bị phơi nhiễm dại do bị động vật cắn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên trên động vật.

- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan có liên quan tổ chức triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh dại.

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế để đề nghị hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai các hoạt động phòng chống bệnh dại có hiệu quả trên người đặc biệt là công tác truyền thông.

- Thường xuyên kiểm tra đánh giá các hoạt động phòng, chống bệnh dại của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

+ Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dại trên người, phối hợp với các cấp, các ngành trong việc vận động người dân thực hiện tiêm phòng vắc xin/huyết thanh phòng bệnh dại sau khi bị động vật nghi dại cắn/cào kịp thời;

+ Tăng cường năng lực về chuyên môn: tư vấn, xử lý vết thương tại các điểm tiêm trên địa bàn tỉnh. Theo dõi việc tiêm vắc xin, huyết thanh cho các đối tượng thuộc diện người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, những người tham gia phòng, chống dịch trong vùng nguy cơ cao và các trường hợp đặc biệt khác theo chỉ đạo của UBND tỉnh;

+ Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong giám sát, báo cáo, phát hiện, xử lý khi có dịch bệnh dại lây truyền từ động vật sang người; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về khám, tư vấn, xử lý vết thương, thực hiện thường quy phòng chống bệnh dại; thực hiện chế độ khai báo, theo đúng Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015;

+ Tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh dại: xây dựng tài liệu, thông điệp truyền thông, phát thanh rộng rãi trên 152 xã phường trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện truyền thông sâu rộng trong cộng đồng.

+ Phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng phóng sự về truyền thông phòng chống bệnh dại hàng tháng, quý.

- Chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tổ chức hưởng ứng ngày Ngày Thế giới Phòng chống bệnh dại và ngày 28/9 hàng năm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật và phối hợp phòng, chống bệnh dại trên người.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện tốt kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023; phối hợp tốt với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về tổ chức, giám sát và chia sẻ thông tin kịp thời về công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Y tế xây dựng nội dung truyền thông về các vấn đề liên quan để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường thông qua việc tích hợp vào một số môn học và hoạt động giáo dục, đảm bảo phù hợp, thiết thực.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí của tỉnh, các cổng/trang thông tin điện tử các cơ quan, đơn vị, hệ thống thông tin cơ sở triển khai tuyên truyền, phổ biến các nội dung nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống bệnh dại.

- Thẩm định, cấp giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh cho các cơ quan, đơn vị xin cấp phép xuất bản tài liệu tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại, bệnh dại trên người.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế xây dựng chuyên mục đưa tin hàng tháng về công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.

- Tăng cường thời lượng phát sóng, tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh dại trên người và động vật.

6. Sở Tài chính

Căn cứ vào nhu cầu thực tế về kinh phí của ngành Y tế để tiến hành thẩm định, báo cáo UBND tỉnh cấp kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh dại tại địa phương.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế, các sở ngành có liên quan các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên, đoàn viên, cộng đồng dân cư tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh dại; giám sát, vận động người nuôi chó phải thực hiện khai báo, nuôi nhốt, tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh dại theo quy định.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ vào kế phòng, chống dịch bệnh dại trên người của tỉnh, xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống bệnh dại cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tại các huyện, thị xã, thành phố và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, bố trí kinh phí địa phương cho công tác phòng, chống dịch bệnh dại, công tác mua vắc xin tiêm phòng miễn phí cho các đối tượng theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giám sát tình hình bệnh dại theo hệ thống từ huyện/ thị xã/ thành phố tới thôn, bản, tổ dân phố, tăng cường hoạt động các điểm tiêm chủng tại địa phương. Thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại cho các đối tượng phơi nhiễm với bệnh dại bị động vật nghi dại cắn/cào và các đối tượng chính sách; tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại. Đồng thời thực hiện nghiêm chế độ khai báo theo đúng Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.

- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn quản lý, bố trí kinh phí cho các hoạt động về phòng, chống dại theo đúng quy định.

Trên đây là Kế hoạch phòng chống bệnh dại tỉnh Lào Cai năm 2023. Căn cứ nội dung Kế hoạch yêu cầu các sở, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (Cục YTDP, Viện VSDTTW);
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- Báo Lào Cai, Đài PTTH tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- Trung tâm KSBT tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH3, VX2.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Dung

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Kế hoạch 179/KH-UBND về phòng, chống bệnh dại trên người tỉnh Lào Cai năm 2023

Số hiệu: 179/KH-UBND
Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
Người ký: Giàng Thị Dung
Ngày ban hành: 30/03/2023
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [4]
Văn bản được căn cứ - [4]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Kế hoạch 179/KH-UBND về phòng, chống bệnh dại trên người tỉnh Lào Cai năm 2023

Văn bản liên quan cùng nội dung - [8]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…