ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/CĐ-UBND |
Gia Lai, ngày 12 tháng 09 năm 2016 |
CÔNG ĐIỆN KHẨN
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CẤP BÁCH CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG, ỨNG PHÓ VỚI ẢNH HƯỞNG CỦA ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI MẠNH LÊN THÀNH BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN:
|
- Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên; |
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão mỗi giờ đi được 15 km, sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10 và đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đi vào vùng Biển từ tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Phú Yên (Đến chiều ngày 13/9/2016 bão sẽ đi vào đất liền từ Quảng Nam đến Phú Yên). Ảnh hưởng của Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão kết hợp gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh, trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời tiết chuyển xấu, nhiều mây, có mưa vừa đến mưa to bắt đầu từ ngày 12/9/2016 đến vài ngày tới, lượng mưa có nơi trên 50mm, gây ra lũ lớn, cần đề phòng lũ cô lập, lũ quét, sạt lở đất đá ở các sườn đồi, khu vực ven sông, suối.
Để chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó với áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão gây ra gió mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ cô lập, lũ quét, sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo như sau:
1. Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên: Tiếp tục dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão gây ra gió mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đá trên địa bàn tỉnh để các cấp, các ngành và nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão gây ra gió mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đá trên địa bàn và chủ động triển khai công tác phòng chống thiên tai, bão lũ trên địa bàn với phương châm “4 tại chỗ” theo cấp độ rủi ro thiên tai; rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và lực lượng để triển khai ứng phó kịp thời với mọi tình huống gió mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đá xảy ra; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ở các địa bàn xung yếu, vùng trũng thấp (ven sông, suối, hồ, đập), vùng dễ bị nước lũ cô lập, chia cắt và các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá để kịp thời di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
b) Cảnh báo cho nhân dân không ở lại nương rẫy vùng ven sông, suối; không được bơi lội qua sông, suối và vớt gỗ, củi trong lúc mưa lớn, nước lũ đang về để tránh thiệt hại về người.
c) Vận động nông dân tập trung thu hoạch cây trồng đã chín, nhất là lúa, rau, màu, đậu đỗ, ngô, v.v... ở các vùng dễ bị ngập lũ.
d) Chủ động sử dụng ngân sách huyện, thị xã, thành phố để triển khai công tác phòng chống, ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão gây ra.
e) Hàng ngày, báo cáo kịp thời tình hình mưa lũ, thiệt hại do mưa lũ gây ra về Sở Nông nghiệp và PTNT (trước 14 giờ) để tổng hợp báo cáo cho UBND tỉnh.
3. Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Ban Chỉ huy về công tác phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh):
a) Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian diễn ra áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, triển khai kịp thời các kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai.
b) Phối hợp với Sở Công Thương chỉ đạo các đơn vị quản lí, khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh triển khai phương án phòng chống lũ, điều tiết lũ hợp lí theo quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa để đảm bảo an toàn hồ chứa và cắt, giảm lũ vùng hạ lưu (lưu ý: khi xả lũ phải thông báo cho chính quyền ở hạ lưu kể cả các tỉnh bạn và nước bạn Campuchia); khi có sự cố vỡ đập xảy ra phải phối hợp với chính quyền địa phương khẩn cấp sơ tán dân để tránh thiệt hại.
c) Hàng ngày, tổng hợp báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra về UBND tỉnh (trước 16 giờ) để theo dõi, chỉ đạo.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: (Phụ trách về công tác cứu hộ, cứu nạn):
a) Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị lực lượng, phương tiện của đơn vị tham gia cùng chính quyền địa phương sẵn sàng triển khai công tác di dời dân, cứu hộ, cứu nạn khi có gió mạnh, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đá xảy ra, đảm bảo vai trò chủ lực của lực lượng quân đội trong công tác này.
b) Chuẩn bị tốt mọi điều kiện về nhân, vật lực để giúp địa phương, các đơn vị quản lí khai thác hồ chứa thủy điện, thủy lợi khi có lũ lớn, sạt lở đất đá, lũ quét, sự cố xảy ra.
5. Các Thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh:
Theo nhiệm vụ đã phân công phụ trách địa bàn, tiến hành kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở chính quyền địa phương triển khai công tác phòng chống, ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão gây ra, báo cáo kết quả cho Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (trước 15 giờ ngày 14/9/2016).
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Theo dõi tình hình thiệt hại do áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, bão lũ gây ra trên địa bàn tỉnh; tình hình thiếu đói của nhân dân vùng bão lũ; đề xuất cấp bách các biện pháp cứu trợ kịp thời nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân.
7. Sở Y tế: Theo dõi tình hình dịch bệnh ở người, ô nhiễm nguồn nước tại vùng thiên tai, bão lũ; kịp thời bố trí lực lượng y sỹ, bác sỹ, thuốc men để chữa trị cho nhân dân vùng thiên tai, bão lũ; hướng dẫn nhân dân xử lí nguồn nước uống đảm bảo vệ sinh và an toàn.
8. Các sở, ngành giao thông, điện lực, bưu điện: Chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng ứng cứu, tu sửa, sửa chữa kịp thời các sự cố hư hỏng về cầu đường, điện sáng, điện thoại khi có lũ lụt xảy ra.
9. Công an tỉnh: Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phối hợp với các đơn vị quân đội tham gia cứu hộ, cứu trợ khi có gió mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đá xảy ra.
10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai: Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Tây Nguyên và các sở ngành, chính quyền địa phương thông tin kịp thời và chính xác về diễn biến áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, tình hình gió mạnh, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất đá để Nhà nước và nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó, khắc phục.
Nhận được Công điện này, yêu cầu Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Ban Chỉ huy về công tác phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Phụ trách công tác cứu hộ, cứu nạn), các Thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, Điện lực tỉnh, Bưu điện tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai, các Đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh; các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Công điện 21/CĐ-UBND năm 2016 triển khai cấp bách biện pháp phòng chống, ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Số hiệu: | 21/CĐ-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Công điện |
Nơi ban hành: | Tỉnh Gia Lai |
Người ký: | Kpă Thuyên |
Ngày ban hành: | 12/09/2016 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Công điện 21/CĐ-UBND năm 2016 triển khai cấp bách biện pháp phòng chống, ứng phó với ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Chưa có Video