BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1311/CT-BNN-TT |
Hà Nội, ngày 04 tháng 05 năm 2012 |
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG THỰC HÀNH NÔNG NGHIỆP TỐT (GAP) TRONG SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT
Thực hiện Chỉ thị số 4136/CT-BNN-TT ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về phong trào thi đua áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), trong thời gian qua nhiều địa phương đã tổ chức triển khai tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ nông dân áp dụng VietGAP hoặc GAP khác, bước đầu hình thành cách thức sản xuất mới hướng tới chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động; góp phần quảng bá, nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam.
Đến năm 2011 tổng diện tích cây trồng sản xuất theo VietGAP hoặc GAP khác đạt trên 75 nghìn ha. Cụ thể khoảng 15 nghìn ha rau, quả, chè, lúa sản xuất theo VietGAP hoặc hướng VietGAP; trên 60 nghìn ha cà phê, ca cao được chứng nhận 4C, UTZ Certified; gần 2 nghìn ha chè được chứng nhận Rain Forest và trên 500 ha được chứng nhận GlobalGAP … Sản xuất theo GAP đang từng bước gắn với thị trường, có hiệu quả. Cụ thể như trên 5.000 ha/15.000 ha thanh long của Bình Thuận được chứng nhận VietGAP, trong đó hơn 500 ha được doanh nghiệp Mỹ kiểm tra thực địa và hợp đồng thu mua; hơn 3.500 ha vải thiều của Bắc Giang sản xuất an toàn theo hướng VietGAP được thương lái chọn mua với giá cao hơn; đặc biệt hàng chục nghìn ha cà phê, ca cao, chè chứng nhận 4C, UTZ Certified, Rain Forest được Công ty thu mua, chế biến bao tiêu với giá cao hơn sản phẩm không được chứng nhận.
Thực tiễn cho thấy, yếu tố hạn chế lớn nhất hiện nay đối với áp dụng GAP là thị trường tiêu thụ. Do thị trường xuất khẩu không ổn định, trong khi thị trường trong nước chưa minh bạch giữa sản phẩm an toàn được chứng nhận và sản phẩm không rõ nguồn gốc, dẫn đến một số cơ sở đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP nhưng bán sản phẩm với giá như sản phẩm bình thường, nên một số nông dân quay lại với cách sản xuất truyền thống như một số báo chí đưa tin gần đây.
Để việc áp dụng GAP dần thành thói quen, phổ biến trong sản xuất, khắc phục những hạn chế nêu trên, góp phần tăng giá trị gia tăng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hơn cho nông dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị về việc đẩy mạnh ứng dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất trồng trọt như sau:
1. Định hướng chỉ đạo áp dụng GAP
1.1. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào áp dụng GAP trong sản xuất trồng trọt, vì đây là xu thế phát triển, là yêu cầu của thị trường. Cần khẳng định muốn có sản phẩm chất lượng, an toàn thì phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong quá trình sản xuất. Vì vậy, cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng GAP trong quá trình sản xuất theo quy định của Luật An toàn thực phẩm năm 2011.
1.2. Định hướng áp dụng GAP
Đi lên từ một nền sản xuất nhỏ lẻ, nên áp dụng GAP là một quá trình khó khăn, cần kiên trì chỉ đạo áp dụng cho phù hợp với yêu cầu của thị trường và điều kiện cụ thể của từng địa phương với các cấp độ sau:
a) Mức độ tối thiểu bắt buộc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất và điều kiện bảo đảm ATTP đối với sản phẩm trong quá trình sản xuất. Các QCKT được xây dựng trên cơ sở các chỉ tiêu cơ bản của VietGAP nhằm bảo đảm ATTP và truy xuất nguồn gốc (sản xuất an toàn theo hướng VietGAP); người sản xuất có thể tự đánh giá phù hợp và công bố sản phẩm an toàn nhằm hướng tới thị trường trong nước theo Luật An toàn thực phẩm.
b) Mức độ cao khuyến khích áp dụng đầy đủ các chỉ tiêu của GAP với định hướng như sau:
- GlobalGAP áp dụng đối với các sản phẩm đặc thù, có giá trị kinh tế cao và có hợp đồng bao tiêu chắc chắn, trong đó yêu cầu phải đạt chứng nhận GlobalGAP;
- Các loại GAP khác (GlobalGAP, 4C, UTZ Certified, Rain Forest …) chủ yếu áp dụng cho cây công nghiệp xuất khẩu như chè, cà phê, ca cao, hồ tiêu thông qua các các dự án đối tác công tư (PPP), doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế lớn và nông dân phối hợp tổ chức sản xuất, chứng nhận GAP và tiêu thụ sản phẩm;
- VietGAP đối với các sản phẩm rau, quả, chè, lúa gạo tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu; từng bước nâng cấp VietGAP để được thừa nhận trên thị trường quốc tế.
1.3. Với định hướng trên, trong thời gian tới các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương cần hướng dẫn các cơ sở sản xuất:
a) Cơ sở có hợp đồng tiêu thụ yêu cầu sản phẩm chứng nhận VietGAP hoặc GAP khác thì tiếp tục tổ chức sản xuất, chứng nhận sản phẩm phù hợp GAP theo yêu cầu của hợp đồng, thị trường tiêu thụ;
b) Những cơ sở đã và đang thực hiện VietGAP hoặc GAP khác, tuy nhiên chưa có thị trường đầy đủ hoặc tạm thời có khó khăn về thị trường thì cần hỗ trợ nông dân tiếp tục duy trì sản xuất theo GAP, không để nông dân quay về cách làm cũ, đồng thời tích cực chủ động tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm;
c) Những cơ sở chưa áp dụng, thì trước hết cần tổ chức sản xuất phù hợp QCKT theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường trong nước và Luật ATTP. Việc áp dụng GAP cần cân nhắc lựa chọn loại GAP, thời điểm và quy mô chứng nhận phải căn cứ theo yêu cầu của thị trường, trên cơ sở hợp đồng tiêu thụ.
2. Biện pháp chỉ đạo áp dụng GAP
2.1. Tiếp tục thực hiện các nội dung, giải pháp tại Chỉ thị số 4136/CT-BNN-TT ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phát động phong trào thi đua áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất rau, quả, chè an toàn gắn với những định hướng chỉ đạo tại Chỉ thị này.
2.2. Một số biện pháp trọng tâm cấp bách hiện nay là:
a) Tuyên truyền, tập huấn để cán bộ quản lý, người sản xuất hiểu biết về Luật an toàn thực phẩm; về QCKT, GAP và quy trình sản xuất an toàn; từ đó lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với thị trường trong nước và thế giới;
b) Khẩn trương rà soát, phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đủ điều kiện sản xuất an toàn, phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của từng địa phương và cả nước;
c) Ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, sơ chế và điều kiện bảo đảm ATTP đối với sản phẩm trong quá trình sản xuất nhằm bảo đảm ATTP và truy xuất nguồn gốc, theo hướng nông dân dễ áp dụng.
d) Khẩn trương hoàn thiện, ban hành các Thông tư hướng dẫn Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (thay thế Quyết định 107/2008/QĐ-TTg). Đề xuất cơ quan có thẩm quyền ưu tiên kinh phí từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn sản xuất theo GAP.
đ) Phối hợp với các cấp, các ngành, với doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm an toàn, gắn kết sản xuất và thị trường:
- Tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường thế giới thông qua tổ chức sản phẩm được chứng nhận GAP theo yêu cầu của từng ngành hàng và khu vực thị trường, đặc biệt đối với những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của nước ta;
- Hình thành, phát triển thị trường sản phẩm an toàn ở trong nước theo hướng minh bạch, giúp tiêu dùng biết địa chỉ bán sản phẩm an toàn, người sản xuất ra sản phẩm an toàn, có niềm tin thực sự vào sản phẩm an toàn, qua đó tăng sức mua nhằm thúc đẩy sản xuất an toàn theo GAP. Trước mắt, nghiên cứu đề xuất quy định bắt buộc một số khu vực của thị trường (siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, cửa hàng bán lẻ; tổ chức, cá nhân chế biến, xuất khẩu …) phải tiêu thụ sản phẩm an toàn, có địa chỉ, có nguồn gốc; tiến tới bắt buộc tất cả các đối tượng khác buôn bán, kinh doanh trên thị trường phải áp dụng.
- Tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chứng nhận GAP theo hợp đồng thông qua các hình thức tổ chức sản xuất như đối tác công tư (PPP) hay "cánh đồng mẫu lớn" gắn kết nông dân - doanh nghiệp - cơ quan quản lý trong chuỗi giá trị của sản phẩm an toàn.
e) Thường xuyên tổng kết, phát hiện nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chỉ rõ địa chỉ sản xuất, kinh doanh sản phẩm an toàn, có nguồn gốc với người làm không đúng, sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
3.1. Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức triển khai các nội dung, nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này báo cáo Bộ trưởng.
3.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế, chính sách, phê duyệt các dự án đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất tại địa phương; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất, kiến nghị gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt) để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Chỉ thị 1311/CT-BNN-TT năm 2012 đẩy mạnh ứng dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu: | 1311/CT-BNN-TT |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký: | Bùi Bá Bổng |
Ngày ban hành: | 04/05/2012 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 1311/CT-BNN-TT năm 2012 đẩy mạnh ứng dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chưa có Video