ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Trà Vinh, ngày 06 tháng 04 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, QUẢN LÝ NUÔI THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
Nuôi thủy sản của tỉnh trong những năm qua phát triển rất nhanh, đa dạng và đồng bộ trên cả 03 vùng sinh thái mặn, lợ, ngọt với diện tích 53.000 ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn/năm, là nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian qua việc quản lý nuôi thủy sản của tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế nhất định, việc chấp hành các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi thủy sản của một số tổ chức, cá nhân chưa nghiêm; công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp phục vụ nuôi thủy sản chưa đồng bộ, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, thuốc thú y thủy sản, hóa chất cấm sử dụng còn xuất hiện nhiều trên thị trường; chưa chấp hành nghiêm lịch thời vụ nuôi, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, con giống chưa được kiểm dịch chặt chẽ trước khi thả nuôi; việc xả nước thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản chưa được đầu tư đồng bộ.
Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, để nghề nuôi thủy sản của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và mang tính bền vững; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức và cá nhân nuôi thủy sản thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Các tổ chức và cá nhân nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh phải nghiêm túc chấp hành nuôi thủy sản theo đúng quy hoạch của địa phương; thực hiện đúng lịch thời vụ; không sử dụng hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương hướng dẫn; nâng cao ý thức cộng đồng bảo vệ môi trường vùng nuôi, khi có dịch bệnh tại ao nuôi, không xả nước thải ra môi trường khi chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, đồng thời phải thông báo cho cộng đồng xung quanh và chính quyền địa phương, cơ quan chức năng biết để ngăn chặn kịp thời nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong lĩnh vực thủy sản phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, không kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm lưu hành theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
3. Các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh phải thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT, ngày 22/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản; Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT, ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, lịch thời vụ nuôi, các quy trình kỹ thuật nuôi mới cho từng đối tượng trong lĩnh vực nuôi thủy sản. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế khác để tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
b) Phối hợp với chính quyền địa phương triển khai quy hoạch, quản lý quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 2649/QĐ-UBND, ngày 22/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi và chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 109/QĐ-UBND, ngày 18/01/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi tôm nước lợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Công văn số 6825/BNN-TCTS, ngày 16/8/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý nuôi tôm thẻ chân trắng vùng nước ngọt,
c) Chủ động phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, cơ quan quản lý tại địa phương tăng cường công tác quản lý giống, vật tư đầu vào trong lĩnh vực thủy sản. Khẩn trương hoàn thiện và tổ chức thực hiện phương án chợ đầu mối mua bán giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
d) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện việc kiểm tra, đánh giá điều kiện sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT, ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tuân thủ các quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT, ngày 07/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi; đồng thời tổ chức, triển khai xây dựng và phát triển các mô hình nuôi mới, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa đối tượng nuôi và nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả.
đ) Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản tập trung, nuôi tôm,,..đảm bảo nhu cầu về điện, cấp, thoát nước,...phục vụ nuôi thủy sản theo quy hoạch.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi thủy sản, đặc biệt là các vùng phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, vùng nuôi thủy sản tập trung, nuôi cá lóc,...
b) Kết hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn hồ sơ, thủ tục về công tác bảo vệ môi trường và các giải pháp thực hiện xử lý nước thải, chất thải trong hoạt động nuôi thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
a) Chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý giống, vật tư đầu vào trong nuôi thủy sản.
b) Phối hợp thực hiện các hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo và chính sách của Trung ương, Tỉnh về phát triển nuôi thủy sản; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác chỉ đạo nuôi thủy sản và phòng ngừa dịch bệnh tại địa phương.
c) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý, phát triển nuôi thủy sản theo quy hoạch, vùng nuôi thủy sản tập trung, giám sát việc thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường trong phát triển nuôi thủy sản nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
d) Triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi theo phân cấp, đôn đốc và hoàn thiện các dự án đã được đầu tư sớm đưa vào hoạt động để phát huy hiệu quả.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Trà Vinh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Chỉ thị này để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nắm và nghiêm chỉnh chấp hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý kịp thời./.
|
CHỦ TỊCH |
Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Số hiệu: | 02/CT-UBND |
---|---|
Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Trà Vinh |
Người ký: | Đồng Văn Lâm |
Ngày ban hành: | 06/04/2018 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2018 về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
Chưa có Video