Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN-BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ LỢI VÀ KIẾN TRÚC-BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-TT/LB

Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 1957

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - TÀI CHÍNH - Y TẾ - THỦY LỢI VÀ KIẾN TRÚC - GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN SỐ 18-TT/LB NGÀY 23 THÁNG 9 NĂM 1957 QUY ĐỊNH CHI TIẾT CÁC QUYỀN LỢI CỦA DÂN CÔNG ĐÃ ĐƯỢC GHI TRONG ĐIỀU LỆ SỐ 339-TTG NGÀY 27-7-1957

Căn cứ vào Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công trong thời bình của Thủ tướng phủ số 339-TTg ngày 27-7-1957, Liên bộ quy định chi tiết việc thi hành các điều 13 về bảo vệ sức khoẻ, 15 về tai nạn lao động và các điều 16, 17 về sinh hoạt tập thể như sau:

I. BẢO VỆ SỨC KHOẺ CHO DÂN CÔNG

Công tác bảo vệ sức khoẻ cho dân công trên công trường chủ yếu là công tác vệ sinh phòng bệnh.

1. Tổ chức phòng bệnh:

Ở công trường tổ chức ra các bộ phận vệ sinh an toàn lao động có nhiệm vụ:

Tổ chức và lãnh đạo an toàn lao động trong dân công.

Hướng dẫn công tác vệ sinh phòng bệnh trong dân công.

Thường xuyên kiểm soát việc thực hiện nội quy về vệ sinh an toàn lao động trong dân công.

Thành phần gồm có:

Chung cả công trường:

Đại biểu ban chỉ huy công trường (1 người).

Đại biểu y tế (1, 2 hay 3 người).

Trong mỗi Đại đội:

(Kể cả những đơn vị ngày đi làm việc, tối về gia đình) có một tổ vệ sinh an toàn lao động gồm có:

Ban chỉ huy Đại đội (1 người).

Cán bộ y tế (1 người)

Mỗi trung đội có một tổ vệ sinh an toàn lao động gồm có:

Một đại biểu ban chỉ huy Trung đội và các vệ sinh viên ở tiểu đội họp thành.

Mỗi tiểu đội có một vệ sinh viên do dân công cử ra.

2. Tổ chức chữa bệnh:

Mỗi công trường tập trung là 1.000 đến 1.500 dân công thành lập một Trạm xá để chữa bệnh đồng thời làm nhiệm vụ phát thuốc và cấp cứu cho dân công. Ty Y tế tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo cữa bệnh, cho mượn y dụng cụ, dự trù thuốc men và cử y tá phục vụ.

Công trường có dưới 1.000 dân công (kể cả dân công ở nhà đi làm tối về gia đình) thành lập trạm phát thuốc và làm nhiệm vụ cấp cứu. Do Ty Y tế tỉnh cử y tá phụ trách.

Mỗi đại đội (150 người) có 1 cán bộ y tế do xã cử đi học do Ty Y tế chọn lựa làm nhiệm vụ phát thuốc và cấp cứu ở đơn vị.

3. Thuốc men:

Tiêu chuẩn về thuốc men của công trường tập trung tính theo đầu người được 350đ một tháng cho một dân công miền xuôi làm việc ở đồng bằng, 600đ một tháng cho một dân công miền núi làm việc ở địa phương mình.

Tiền chi về thuốc men của công trường giao việc cho xã dân công ở nhà đi làm tối về gia đình được 175đ một tháng cho mỗi người ở đồng bằng, 300đ một tháng cho mỗi dân công ở miền núi.

Trường hợp dân công ở đồng bằng làm việc ở miền núi, được 900đ một tháng cho mỗi người.

Riêng các Trạm xá của công trường ngoài số tiền thuốc trên đây, còn được thêm mỗi giường bệnh 400đ tiền thuốc điều trị một ngày.

Dân công làm việc ở những vùng khí hậu xấu tuỳ theo khu vực được phát 9 viên hay 12 viên phòng bệnh sốt rét (kể cả những dân công sáng đi làm tối về gia đình).

Công trường chỉ phụ trách chữa cho dân công mắc những bệnh xảy ra trong thời gian làm việc ở công trường do thời tiết hay mệt nhọc mà sinh ra như : cúm, đau bụng, kiết lỵ, cảm, tê liệt, ho, sốt rét, tai nạn lao động v.v...

Chỉ đưa dân công ốm vào bệnh viện tỉnh khi gặp những trường hợp bệnh nhân bị đau nặng, hoặc cấp cứu mà ở Trạm xá không thể cứu chữa được. Bệnh viện tỉnh cần bố trí giường để nhận bệnh nhân trong những trường hợp nói trên.

4. Bồi dưỡng, săn sóc khi dân công ốm đau:

Dân công ốm nặng nằm điều trị ở đơn vị, trạm xá của công trường hay bệnh viện tỉnh, ngoài tiền thù lao (600đ một ngày cho dân công thường và dân công thợ, 800đ một ngày cho dân công vận tải tiếp tế ở miền núi) còn được bồi dưỡng 150đ hay 300đ tùy theo bệnh trạng. Việc bồi dưỡng cho dân công nằm điều trị ở trạm xá và bệnh viện do người phụ trách những nơi đó quyết định.. Việc bồi dưỡng cho dân công ốm nằm ở đơn vị thì do y tá hay Ban chỉ huy đại đội dân công đề nghị và cơ quan y tế của công trường quyết định.

Ở những nơi dân công ngày đi làm việc, tối về gia đình được phát thuốc trong những trường hợp cấp cứu ngay trên công trường.

Dân công bị ốm đau xin về nhà điều trị được cấp cho một số thuốc dùng trong lúc đi đường và để chữa trong một hai ngày đầu mới về gia đình (nếu có đề nghị của y tá hay Ban chỉ huy đại đội và khả năng công trường có thể cấp được). Nếu dân công bị ốm nặng mà cũng xin về gia đình điều trị thì tuỳ theo tình hình bệnh trạng và khả năng thuốc men do y tá đề nghị được cấp một số thuốc, tiền bồi dưỡng, tiền lộ phí trong lúc đi đường.

Khi đưa dân công ốm từ công trường đến trạm xá, bệnh viện công trường phải sử dụng những phương tiện cần thiết như: cáng, đi xe, thuyền, tàu v.v... để đi nhanh đến nơi cứu chữa. Trong lúc đi đường, cắt đặt người đi theo chăm sóc. Trường hợp không có phương tiện phải cáng đi bộ thì công trường lấy ngay dân công ở đơn vị có người ốm cùng đi. Những dân công đi cùng người ốm được coi như dân công làm việc, những ngày đi và về được hưởng thù lao và tính công.

5. Tiền phí tổn về chôn cất:

Nếu người dân công bị ốm chết ở công trường thì công trường sẽ đài thọ tiền phí tổn về chôn cất gồm có:

Một áo quan loại thường.

Sáu thước vải diềm bâu loại trung bình để liệm.

Tiền thuê người chôn, hay thuê đất chôn (nếu có)

Hương thơm, nến thắp.

Ngoài ra công trường phải báo cho chính quyền, đoàn thể địa phương người chết và an ủi gia đình người chết chu đáo.

6. Tất cả những phí tổn về tiền thuốc, tiền bồi dưỡng, tiền chôn cất những dân công chết, thù lao cho dân công ốm nằm ở trạm xá, tiền thuê phương tiện chuyên chở bệnh nhân từ công trường đến trạm xá, bệnh viện và từ trạm xá, bệnh viện về nhà, đều do công trường đài thọ.

7. Cơ quan sử dụng dân công từng cấp phải báo cho cơ quan y tế cấp mình biết dự trù kế hoạch dân công hàng ba tháng, sáu tháng, một năm. Và trước khi mở công trường phải báo cho cơ quan y tế địa phương biết trước một tháng để có thời gian chuẩn bị mọi điều kiện về phòng và chữa bệnh cho dân công.

II. VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG TRONG DÂN CÔNG

1. Việc đề phòng tai nạn lao động:

Khi mở công trường, cơ quan sử dụng phải nghiên cứu va có nội quy đề phòng tai nạn lao động trong dân công và thường xuyên giáo dục ý thức đề phòng tai nạn lao động cho dân công.

Khi làm những công việc có tính cách nguy hiểm như: dốc cao, leo cầu, chặt cây, lội suối, bắn mìn, đào hầm lấy đất v.v... công trường phải có kế hoạch đề phòng tai nạn lao động và dụng cụ đề phòng như: dây, phao an toàn v.v...

Suốt thời gian làm việc phải thường xuyên phổ biến nội quy đề phòng tai nạn lao động.

Mỗi người dân công phải luôn luôn nghiêm chỉnh chấp hành nội quy đề phòng tai nạn lao động của công trường.

2. Việc trợ cấp tai nạn lao động cho dân công:

Trong khi làm việc dân công bị tai nạn lao động thì được trợ cấp tai nạn lao động. Việc trợ cấp tai nạn lao động cho dân công nhằm mục đích giúp đỡ cho người dân công và gia đình họ giải quyết một phần khó khăn lúc đầu sau khi bị tai nạn lao động (kể cả dân công tổ chức ăn ở tập trung và dân công ở nhà mình ngày đi làm việc trên công trường tối về gia đình).

A. NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC KỂ LÀ TAI NẠN LAO ĐỘNG:

Được kể là tai nạn lao động, những tai nạn xẩy ra trong khi làm việc, và tại nơi làm việc không phân biệt do dân công vô ý, công trường sơ suất trong việc đề phòng, hoặc do thiên tai gây nên.

Ví dụ: đào, cuốc, chặt, phát phải chân tay, chặt cây đổ phải người, khiêng, gánh, đội lên, xuống dốc trượt ngã sai khớp xương hay gẫy chân tay, cuốc đất bị đá bắn phải mặt, sụt núi, sụt đất đè phải người, cấp dưỡng bị bỏng khi nấu ăn, đốt mìn bị đất, đá bắn phải người v.v...

Cũng kể là tai nạn lao động những tai nạn xẩy ra ngoài công trường khi người dân công đang làm công tác, do cơ quan sử dụng cử đi.

Ví dụ: Dân công đi mua tiếp phẩm, đi vận chuyển vật liệu trong lúc làm công tác đó mà bị tai nạn như: bị tầu, xe đè, qua sông bị đắm thuyền, qua suối bị nước lũ cuốn đi, leo cầu bị ngã, dẫm phải mìn, bị thú giữ cắn v.v...

Những tai nạn xẩy đến cho dân công ngoài thì giờ làm việc không coi là tai nạn lao động.

Ví dụ: Dân công ở các lán trại của công trường ngoài thời giờ sản xuất, lúc đi từ địa phương đến công trường, từ công trường về địa phương, từ nơi làm việc về chỗ ở, hoặc từ chỗ ở đến nơi làm việc, những ngày nghỉ việc, những lúc vui chơi, đùa nghịch mà xẩy ra tai nạn đều không coi là tai nạn lao động, chỉ được được điều trị thuốc men không được trợ cấp.

Ngoài ra nếu có những trường hợp chưa phân biệt rõ rệt là tai nạn lao động thì đơn vị sử dụng dân công phải thỉnh thị ngành dọc và xin ý kiến của cơ quan lao động địa phương trước khi giải quyết.

B. PHÂN HẠNG TAI NẠN LAO ĐỘNG:

Thương tật của dân công bị tai nạn lao động chia làm sáu hạng như sau:

a) Hạng 1: Những nạn nhân bị một trong những trường hợp dưới đây, mất hết khả năng làm việc và cần phải có người săn sóc thì xếp vào thương tật hạng 1:

1- Bị mất ba chân tay trở lên hay bị thương ba chân tay trở lên mà các chân tay đó đều mất hết tác dụng.

2- Bị tê liệt ba chân tay trở lên.

3- Cả hai chân tay bị tê liệt vì dây thần kinh xương sống (tuỷ bộ) bị thương.

4- Mất hết hai tay hoặc hai chân mà không thể lắp được chân tay giả.

5- Vì bị thương mà loạn óc điên dại.

6- Có một vết thương trong hạng 2 và một vết thương trong hạng 3.

b) Hạng 2: Những nạn nhân bị một trong những trường hợp dưới đây mất hết khả năng làm việc nhưng không cần thiết có người săn sóc thì xếp vào thương tật hạng 2:

1- Hai chân tay bị cụt một phần hoặc vì bị thương mà mất hết tác dụng.

2- Mù cả hai mắt.

3- Dây thần kinh óc hay óc bị thương sinh ngớ ngẩn, không làm được việc gì.

4- Bị thương vào mồm không nhai và không nói được.

5- Có hai vết thương trong hạng 3 hoặc hai vết thương mà một vết trong hạng 3 và một vết trong hạng 4.

6- Các bộ phận nội tạng quan trọng hay các bộ phận khác bị thương tương đương với những điểm trên.

c) Hạng 3: Những nạn nhân bị một trong những trường hợp dưới đây xếp vào hạng 3:

1- Mất một chân hay một tay hoặc vì bị thương mà mất hết tác dụng.

2- Bị thương từ hai chân tay trở lên, có bộ phận cứng thẳng nhưng còn có thể miễn cưỡng làm việc được.

3- Cụt mất mười ngón tay.

4- Hai mắt vì bị thương hoặc hỏng nên chẩy máu hay có màng, sức nhìn rất kém, chỉ trông thấy trong khoảng một thước và không chữa được.

5- Bị thương vào mồm không nhai được.

6- Các bộ phận nội tạng quan trọng hay các bộ phận khác bị thương tương đương với những điều kiện trên.

7- Vết thương vào sọ não hoặc chấn động thần kinh gây nên những cơn động kinh (épilepsie).

8- Vết thương các dây thần kinh bị bỏng rát (causalgie) chỉ bị thương, tuy còn nhưng không làm việc được.

9- Có từ hai vết thương trở lên ở hạng 4.

d) Hạng 4: Những nạn nhân bị một trong những trường hợp dưới đây xếp vào thương tật hạng 4:

1- Mất một bàn chân hay một bàn tay.

2- Vết thương gẫy xương làm cứng một chân hay một tay hoặc khớp xương cử động rất khó khăn.

3- Mất cả hai ngón tay cái hay chỉ mất một ngón tay cái và các ngón khác từ ba ngón trở lên.

4- Mất hết mười ngón chân hay một phần bàn chân.

5- Mồm bị thương rụng gần hét răng, không thể lắp được răng giả, nhai khó khăn.

6- Một mắt mù và một mắt mờ, hoặc cả hai mắt cùng bị mờ, chỉ trông thấy những vật trong khoảng hai thước và phải lâu mới khỏi được.

7- Đầu hoặc ngang thắt lưng bị thương nhiều chỗ cử động khó khăn hoặc khó khỏi.

8- Các bộ phận nội tạng quan trọng hoặc các bộ phận khác bị thương tương đương với các điều trên.

9- Có từ hai vết thương trở lên ở hạng 5.

e) Hạng 5: Những nạn nhân bị một trong những trường hợp dưới đây được xếp vào thương tật hạng 5:

1- Mù một mắt hoặc hai mắt bị mờ, nhìn không rõ và khó chữa khỏi.

2- Mất một ngón tay cái hay cụt đốt thứ nhất và đồng thời cụt một ngón tay trỏ ở bàn tay kia, hay hai ngón tay khác ở bàn tay kia.

3- Mất năm ngón chân trở lên, hay bàn chân cứng đờ không cử động được.

4- Gân cốt bị thương, cử động không thuận tiện.

5- Những thương tích khách tương đương với các khoản trên.

6- Có từ hai vết thương trở lên ở hạng 6:

g) Hạng 6: Những nạn nhân bị một trong những trường hợp dưới đây xếp vào thương tật hạng 6.

1- Một ngón tay cái bị cụt đốt thứ nhất, hay mất một ngón tay trỏ hay mất cả hai ngón tay khác.

2- Mất từ hai ngón chân trở lên.

3- Những thương tích khác tương đương với các khoản trên.

4- Có nhiều vết thương nhẹ mà gộp lại có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ làm việc bằng hay hơn một trong những vết thương nói trên.

Trên đây đã quy định cụ thể từng hạng tai nạn lao động, trường hợp có những tai nạn khác xảy ra tương tự như các hạng trên thì do Hội đồng xếp thương tật ở địa phương xét và quyết định xếp vào một trong các hạng đó để trợ cấp.

C. MỨC TRỢ CẤP:

Tuỳ theo thương tật nặng hay nhẹ, giảm sức lao động nhiều hay ít mà định mức trợ cấp nhằm an ủi và giải quyết một phần khó khăn bước đầu về sinh hoạt cho người bị nạn hoặc gia đình họ.

Mức trợ cấp từng hạng thương tật cụ thể như sau:

a) Tai nạn làm chết người:

Do tai nạn lao động mà người dân công bị hy sinh thì được trợ cấp:

1- Tiền chôn cất gồm có:

- Một áo quan loại thường.

- Sáu thước vải diềm bâu loại trung bình để liệm.

- Tiền thuê người chôn cất hay thuê đất chôn (nếu có).

- Hương thơm và nến thắp.

2- Trợ cấp thân nhân người bị hy sinh:

a) Một số tiền bằng 15 tháng thù lao dân công cho thừa kế gia đình người bị hy sinh (vợ, con, bố mẹ hoặc người thân thích đã nuôi dưỡng người chết, hoặc người chết phải nuôi dưỡng).

b) Tai nạn hạng 1 được trợ cấp 12 tháng thù lao dân công.

c) Tai nạn hạng 2 được trợ cấp 11 tháng thù lao dân công.

d) Tai nạn hạng 3 được trợ cấp 9 tháng thù lao dân công.

e) Tai nạn hạng 4 được trợ cấp 7 tháng thù lao dân công.

g) Tai nạn hạng 5 được trợ cấp 5 tháng thù lao dân công.

h) Tai nạn hạng 6 được trợ cấp 3 tháng thù lao dân công.

Việc xếp hạng thương tật để trợ cấp sẽ do Hội đồng xét thương tật ở địa phương mà người nạn nhân nằm điều trị nhận xét và quyết định, sau khi nạn nhân điều trị lành vết thương và trước khi ra viện.

Trường hợp tai nạn nhẹ, chỉ cần điều trị một thời gian không đủ thương tật xếp vào hạng 6 thì không được trợ cấp.

3- Nhiệm vụ của cơ quan sử dụng dân công khi có dân công xảy ra tai nạn lao động:

Khi xảy ra tai nạn, công trường phải tổ chức ngay việc cấp cứu đầu tiên cho nạn nhân, nếu cần điều trị phải đưa ngay đi trạm xá hay bệnh viện tỉnh, phải dùng mọi phương tiện để đưa nạn nhân đến nơi cứu chữa được nhanh chóng.

Nếu tai nạn lao động nặng hoặc chết người phải báo ngay cho cơ quan Lao động, đồng thời báo ngay cho cơ quan ngành dọc cấp trên biết (chậm nhất là 48 giờ sau khi xảy ra tai nạn).

Lập biên bản ghi rõ trường hợp dân công bị tai nạn để tiện việc xét định trợ cấp thương tật sau khi nạn nhân điều trị lành vết thương. Biên bản phải do Ban chỉ huy công trường, y tá và đại biểu đơn vị dân công cùng ký. Biên bản này giao lên ngành dọc cấp trên một bản, đơn vị dân công một bản, cơ quan Lao động tỉnh một bản và cơ quan Y tế cứu chữa nạn nhân một bản.

Sau mỗi vụ tai nạn xảy ra, công trường phải tổ cức kiểm thảo tìm ra nguyên nhân, quy trách nhiệm để nhằm giáo dục tinh thần trách nhiệm chung.

Thi hành mọi khoản quyền lợi của người dân công bị tai nạn được hưởng đã được quy định ở mục 2 (mức trợ cấp dân công bị tai nạn).

Báo cho gia đình người chết biết, giải thích an ủi chu đáo, vật dụng và tiền bạc của người chết phải giao cho Uỷ ban hành chính xã đã huy động người dân côngđi phục vụ hoặc anh em họ hàng cùng đi đợt dân công đó để giao lại cho gia đình người chết hoặc trực tiếp giao đến cho gia đình họ.

III. QUYỀN LỢI VỀ SINH HOẠT TẬP THỂ

Trong điều lệ, điều 16 quy định (tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh công tác, công trường có thể tổ chức dân công ăn, ở tập thể, hoặc sáng đi chiều về, nếu nhà ở gần). Căn cứ điều trên, công trường cần tổ chức như sau:

1. Tổ chức công trường tập trung.

Tuỳ theo kế hoạch sử dụng dân công của công trường nhiều hay ít, dài hay ngắn ngày, sử dụng một đợt hay nhiều đợt, dân công huy động ở gần hay xa, hoàn cảnh dân công sáng đi, chiều về nhà được hay không, mà tổ chức công trường tập trung hay phân tán, cụ thể:

Nếu dân công huy động trong phạm vi ba cây số trở lại, đường đi dễ dàng, không cách trở đò giang, thì tổ chức dân công sáng đi làm, chiều về gia đình.

Trường hợp dân công đi xa trên ba cây số không thể về được hoặc trường gần nhưng đi lại khó khăn, cách trở sông núi, dân công đi lại ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, mất nhiều thì giờ thì công trường tổ chức tập trung, ăn ở tập thể. Tuỳ từng tình hình, hoàn cảnh địa dư thực tế mỗi công trường có thể vừa tổ chức cho một số dân công ăn, ở tập trung vừa tổ chức cho một số dân công sáng đi làm, chiều về gia đình (đối với những đơn vị ở gần nhà).

2. Nhà ở.

Đối với những đơn vị dân công, ăn ở tập trung, nếu nơi làm việc gần thôn, xóm thì công trường bố trí dân công ở nhờ nhà dân hay nhà công cộng. Trường hợp thiếu hoặc không có thì tuỳ theo kế hoạch sử dụng dài hay ngắn ngày mà công trường tổ chức làm lán, làm lều, che bạt cho dân công ở.

Nhà hay lán đủ che mưa, nắng, không để dân công nằm đất, nằm ngoài trời, nằm qúa chật chội. Chỗ nằm tuỳ hoàn cảnh mà bố trí nằm giường, phản, ván gỗ, làm sàn, để bảo đảm được sức khoẻ cho dân công.

Nam nữ phải có nơi ngủ riêng biệt.

Cần cố gắng bố trí nơi ở không quá rải rác hoặc quá xa nơi làm việc, xa nhà bếp, hố xí, hố rác.

Đối với những đơn vị dân công làm việc sáng đi chiều về công trường phải bố trí nơi nghỉ trưa, tránh để anh em nghỉ ở ngoài trời.

3. Cấp dưỡng và tiếp phẩm.

Một cấp dưỡng phục vụ 25 người kể cả tiếp phẩm.

Gạo, muối, củi (nơi khan hiếm đắt đỏ) do công trường cung cấp tại chỗ, dân công lĩnh bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Nếu công trường lấy dân công vận chuyển các thứ trên, thì thời giờ dân công vận chuyển được tính vào thời gian làm việc.

Công trường phải tổ chức tiếp phẩm hoặc nhờ sự cung cấp của Công ty lương thực hay liên lạc với địa phương để có kế hoạch phân công mua bán, tiếp tế và cung cấp thực phẩm cần thiết cho dân công để giữ giá cả thị trường và đảm bảo sinh hoạt cho dân công (nhất là đối với công trường ở miền núi).

Dụng cụ cấp dưỡng: dân công phải tự túc hoàn toàn về nồi nấu cơm, nấu nước uống, nấu thức ăn, bát đĩa, rổ rá v.v...

Riêng miền núi, công trường phải sắm sửa cho dân công mượn những nồi to, chảo, thùng nấu nước, vì đồng bào miền núi còn nhiều thiếu thốn và hoàn cảnh không mượn đâu được.

4. Các khoản chi phí tập thể.

150 dân công hàng tháng được công trường cấp hai lít rưỡi dầu thắp đèn (hoặc số tiền tương đương để dân công tự mua sắm dầu hoả, dầu lạc, dầu chẩu hay các thứ nhựa để dùng).

- Đèn thắp do dân công tự túc.

- Mỗi đại đội một ngày được cấp một tờ báo Nhân dân.

- Ban chỉ huy đại đội mỗi ngày được cấp một đến hai tờ giấy, và hàng tháng được cấp nửa lít dầu để làm việc.

- Riêng ban chỉ huy trung đội độc lập được cấp một tờ giấy, và hàng tháng nửa lít dầu làm việc.

- Những đơn vị dân công ngày đi làm tối về nhà thì được tiêu chuẩn một người nấu nước cho 100 người uống hàng ngày, và mỗi xã tuỳ theo số lượng dân công được cấp từ một đến hai tờ giấy một ngày để làm việc.

5. Các khoản chi phí về phương tiện đi lại của dân công:

Khi di chuyển công trường, khi tập trung và giải tán các đơn vị dân công, sự đi lại của dân công chủ yếu là đi bộ.

Tuỳ tình hình công tác nếu nhận thấy để dân công đi xe, tàu sẽ giảm ngày đi đường, tranh thủ thời gian làm việc hoặc ít tốm kén hơn, có lợi cho công quỹ thì công trường có thể tổ chức cho dân công đi bằng các phương tiện vận tải như ô-tô, xe lửa, thuyền, tầu thuỷ v.v...

Công trường phải thanh toán mọi khoản chi phí cho dân công trước khi chở dân công về và trước khi công trường giải tán, trừ những khoản bất đắc dĩ không thể thanh toán được thì phải bàn giao lại cho cơ quan trực tiếp phụ trách công trường đó chịu trách nhiệm thanh toán.

Ví dụ: công trường thuộc Ty Thuỷ lợi phụ trách thì do Ty Thuỷ lợi thanh toán, công trường thuộc Nha Giao thông phụ trách thì do Nha Giao thông thanh toán.

Thông tư này áp dụng kể từ ngày 27 tháng 7 năm 1957 ngày ban hành Điều lệ số 339-TTg của Thủ tướng phủ về huy động và sử dụng dân công trong thời kỳ kiến thiết hoà bình.

Trần Đăng Khoa

(Đã ký)

Nguyễn Văn Tạo;;

(Đã ký)

Nguyễn Hữu Mai;

(Đã ký)

 

Hoàng Tích Trí

(Đã ký)

Trịnh Văn Bính

(Đã ký)

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Thông tư liên bộ 18-TT/LB năm 1957 quy định quyền lợi của dân công đã được ghi trong Điều lệ 339-TTg do Bộ Lao động - Bộ Tài chính - Bộ Y tế - Bộ Thuỷ sản - Bộ Giao thông và bưu điện ban hành

Số hiệu: 18-TT/LB
Loại văn bản: Thông tư liên tịch
Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện, Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc, Bộ Y tế
Người ký: Hoàng Tích Trí, Nguyễn Hữu Mai, Nguyễn Văn Tạo, Trần Đăng Khoa, Trịnh Văn Bính
Ngày ban hành: 23/09/1957
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [0]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Thông tư liên bộ 18-TT/LB năm 1957 quy định quyền lợi của dân công đã được ghi trong Điều lệ 339-TTg do Bộ Lao động - Bộ Tài chính - Bộ Y tế - Bộ Thuỷ sản - Bộ Giao thông và bưu điện ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [0]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…