Bộ lọc tìm kiếm

Tải văn bản

Lưu trữ Góp ý

  • Thuộc tính
  • Nội dung
  • Tiếng anh
  • Lược đồ

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /2017/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày     tháng    năm 2017

DỰ THẢO

 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ ĐƯA LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC TẠI MỘT SỐ THỊ TRƯỜNG

Căn cứ Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ các thỏa thuận ký kết giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận lao động Việt Nam ở nước ngoài;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại một số thị trường như sau

Chương I:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc tham gia cung ứng lao động của các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) và các điều kiện để đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản và Ả rập Xê út.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các doanh nghiệp dịch vụ có nguyện vọng tham gia cung ứng lao động sang các thị trường Đài Loan, Nhật Bản và cung ứng lao động giúp việc gia đình sang thị trường Ả rập Xê út.

2. Các doanh nghiệp dịch vụ đang cung ứng lao động sang các thị trường Đài Loan, Nhật Bản và cung ứng lao động giúp việc gia đình sang thị trường Ả rập Xê út.

Chương II:

ĐIỀU KIỆN ĐỂ DOANH NGHIỆP CUNG ỨNG LAO ĐỘNG SANG ĐÀI LOAN, NHẬT BẢN VÀ GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH SANG Ả RẬP XÊ ÚT

Điều 3: Điều kiện về nhân sự

Doanh nghiệp dịch vụ có nguyện vọng cung ứng lao động sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và cung ứng lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út có bộ máy hoạt động dịch vụ và bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết đáp ứng quy định của Luật người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn được cung ứng lao động sang các thị trường nêu trên khi đáp ứng yêu cầu sau:

1. Đối với doanh nghiệp dịch vụ cung ứng lao động sang Đài Loan

a)  Có tối thiểu 01 cán bộ chuyên trách thị trường và 01 cán bộ chuyên trách quản lý lao động. Các cán bộ chuyên trách này có chứng chỉ tiếng Trung trình độ tối thiểu SHK5 hoặc TOCFL 4 hoặc tương đương;

b) Có tối thiểu 01 cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết có ít nhất 01 năm kinh  nghiệm trong hoạt động đưa người lao động sang Đài Loan;

2. Đối với doanh nghiệp dịch vụ cung ứng thực tập sinh sang Nhật Bản

a) Có tối thiểu 01 cán bộ chuyên trách thị trường và 01 cán bộ chuyên trách quản lý lao động. Các cán bộ chuyên trách này có chứng chỉ tiếng Nhật trình độ tối thiểu N2 (chuẩn JLPT) hoặc tương đương;

b) Có tối thiểu 01 cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết có ít nhất 01 năm kinh  nghiệm trong hoạt động đưa thực tập sinh sang Nhật Bản;

3. Đối với doanh nghiệp dịch vụ cung ứng lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út

a) Có tối thiểu 01 giáo viên chuyên trách dạy tiếng Ả-rập, 01 giáo viên đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia đình và 01 cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Cán bộ chuyên trách bồi dưỡng kiến thức cần thiết có ít nhất 01 năm kinh  nghiệm trong hoạt động đưa người lao động sang các nước thuộc khu vực Trung Đông;

b) Có tối thiểu 01 cán bộ quản lý lao động thường trực tại Ả-rập Xê-út có chứng chỉ tiếng Anh trình độ tối thiểu B1 (Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu - CEFR) hoặc tương đương hoặc thông thạo tiếng Ả rập Xê út; có ít nhất 01 năm kinh nghiệm quản lý lao động ở nước ngoài và  ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 năm trở lên với doanh nghiệp.

Điều 4: Điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động

1. Doanh nghiệp dịch vụ có nguyện vọng cung ứng lao động sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản và cung ứng lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út có cơ sở đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết đáp ứng quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn được tham gia cung ứng lao động sau khi đã gửi tài liệu chứng minh về các cơ sở này sau khi được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

2. Riêng với doanh nghiệp cung ứng lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út: Ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ sở đào tạo lao động giúp việc gia đình phải có phòng thực hành với đủ trang thiết bị dạy kỹ năng nghề giúp việc gia đình.

Chương III:

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THAM GIA CUNG ỨNG LAO ĐỘNG SANG ĐÀI LOAN, NHẬT BẢN VÀ GIÚP VIỆC GIA ĐÌNH SANG Ả RẬP XÊ ÚT

Điều 5. Thủ tục đăng ký tham gia cung ứng lao động sang Đài Loan

Doanh nghiệp dịch vụ đáp ứng các quy định về nhân sự và cơ sở vật chất quy định tại Thông tư này gửi công văn đề nghị được tham gia cung ứng lao động sang Đài Loan. Cục Quản lý lao động ngoài nước căn cứ hồ sơ do doanh nghiệp báo cáo sau khi được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để giới thiệu doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền của Đài Loan. Trường hợp không giới thiệu phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Điều 5. Thủ tục đăng ký tham gia cung ứng thực tập sinh sang Nhật Bản

Doanh nghiệp dịch vụ đáp ứng các quy định về nhân sự và cơ sở vật chất quy định tại Thông tư này gửi công văn đề nghị được tham gia cung ứng thực tập sinh sang Nhật Bản kèm theo bản khai thông tin doanh nghiệp (mẫu theo yêu cầu của cơ quan chức năng Nhật Bản) và hợp đồng cung ứng thực tập sinh (mẫu theo yêu cầu của cơ quan chức năng Nhật Bản). Cục Quản lý lao động ngoài nước căn cứ hồ sơ do doanh nghiệp báo cáo sau khi được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và hồ sơ doanh nghiệp nộp để giới thiệu doanh nghiệp với cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản. Trường hợp không giới thiệu phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Điều 6. Thủ tục đăng ký tham gia cung ứng lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út

Doanh nghiệp dịch vụ đáp ứng các quy định về nhân sự và cơ sở vật chất quy định tại Thông tư này gửi công văn đề nghị được tham gia cung ứng lao động giúp việc gia đình sang Ả-rập Xê-út và Hợp đồng cung ứng lao động ký Công ty môi giới Ả-rập Xê-út. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý lao động ngoài nước căn cứ hồ sơ do doanh nghiệp báo cáo sau khi được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và hồ sơ Hợp đồng cung ứng lao động có văn bản chấp thuận để doanh nghiệp cung ứng lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út. Trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Chương IV:

ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG

Điều 7. Điều kiện cung ứng lao động sang làm việc tại Đài Loan

1.  Hợp đồng cung ứng lao động có/đáp ứng các điều kiện cơ bản sau:

a) Thời hạn hợp đồng lao động ký giữa chủ sử dụng và người lao động: 03 năm; trường hợp là hợp đồng bổ sung thì thời hạn tối thiểu là 1 năm 6 tháng.

b) Mức lương:

- Đối với người lao động là khán hộ công gia đình: Không thấp hơn 17.000 Đài tệ/tháng và điều chỉnh theo mức công bố của Bộ LĐTBXH phù hợp với từng thời kỳ.

- Đối với các đối tượng lao động khác: Không thấp hơn mức lương cơ bản theo quy định của Đài Loan và điều chỉnh theo mức tăng lương cơ bản của Đài Loan hàng năm;

c) Điều kiện ăn, ở: Người lao động là khán hộ công gia đình, thuyền viên tàu cá gần bờ được miễn phí

d)  Vé máy bay: Người lao động được người sử dụng lao động chi trả tối thiểu một lượt vé máy bay về nước khi kết thúc hợp đồng;

đ) Bảo hiểm rủi ro: Người lao động là khán hộ công gia đình được người sử dụng lao động mua bảo hiểm rủi ro với mức bồi thường tối thiểu 300.000 Đài tệ.

2. Doanh nghiệp dịch vụ được thu các khoản chi phí của người lao động trước khi đi làm việc tại Đài Loan như sau:

a) Tiền dịch vụ:

- Lao động làm công việc khán hộ công gia đình: Không quá 1.000 USD/người/hợp đồng 03 năm

- Lao động là thuyền viên tàu cá gần bờ: Không quá 620 USD/người/hợp đồng 03 năm;

- Lao động làm ngành nghề khác: không quá 1 tháng lương cơ bản/năm hợp đồng.

b) Tiền môi giới:

- Lao động làm công việc khán hộ công gia đình và thuyền viên tàu cá gần bờ: Không quá 400 USD/người/hợp đồng 03 năm;

- Lao động làm công việc chăm sóc người bệnh, người già tại các cơ sở y tế, dưỡng lão: Không quá 800 USD/ hợp đồng 3 năm.

- Lao động là thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu hàng: 0

- Lao động làm ngành nghề khác: không quá 1.500USD/ hợp đồng 3 năm.

c) Đối với lao động làm khán hộ công gia đình: Doanh nghiệp dịch vụ phải tổ chức đào tạo đầy đủ các nội dung đào tạo lao động khán hộ công gia đình (xuất cảnh lần đầu) theo quy định của phía Đài Loan, bao gồm: 90 tiếng đào tạo nghiệp vụ, 100 tiếng đào tạo kiến thức pháp luật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết, 200 tiếng đào tạo ngoại ngữ.

Điều 8. Điều kiện để đưa thực tập sinh sang Nhật Bản

1. Hợp đồng phái cử và tiếp nhận thực tập sinh ký với Nghiệp đoàn tiếp nhận phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu sau đây:

a) Thời giờ làm việc: Không vượt quá 8h/ngày và 40 giờ/ tuần;

b) Mức trợ cấp đào tạo và thực tập kỹ thuật trong thời gian đào tạo: Tối thiểu là 30.000 Yên/tháng (đối với trường hợp được cung cấp miễn phí các bữa ăn) và tối thiểu là 50.000 Yên/tháng (đối với trường hợp không được cung cấp miễn phí các bữa ăn);

c) Điều kiện về nhà ở: Mức khấu trừ chi phí nhà ở (không áp dụng đối với thời gian đào tạo) từ tiền lương hàng tháng của thực tập sinh theo thực tế, nhưng không vượt quá 20.000 Yên/người/tháng (đối với các thành phố lớn: Tokyo, Osaka, Kyoto, Nagoya, mức khấu trừ không vượt quá 30.000 Yên/người/tháng);

d) Chi phí đi lại: Thực tập sinh được tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản chi trả vé máy bay tới Nhật Bản và trở về Việt Nam sau khi hoàn thành hợp đồng;

e) Bảo hiểm: Doanh nghiệp phái cử có trách nhiệm đàm phán với tổ chức tiếp nhận để mua bảo hiểm tổng hợp thực tập sinh người nước ngoài cho thực tập sinh trong suốt thời gian thực tập tại Nhật Bản;

g) Phí quản lý: tổ chức tiếp nhận chi trả cho doanh nghiệp phái cử phí quản lý phái cử với mức tối thiểu 5.000 Yên/người/tháng theo hình thức chuyển khoản vào tài khoản của doanh nghiệp phái cử;

h) Chi phí và thời gian đào tạo tại Việt Nam: tổ chức tiếp nhận chi trả vào tài khoản của doanh nghiệp phái cử chi phí đào tạo tại Việt Nam với mức tối thiểu 15.000 Yên/ người.

2. Hợp đồng dịch vụ đưa thực tập sinh sang Nhật Bản phải bảo đảm tuân thủ quy định về chi phí như sau:

a) Phí dịch vụ theo quy định với mức không quá 3.600 USD/ người/ hợp đồng 3 năm (không được thu thêm phí dịch vụ đối với thời gian thực tập sinh được chuyển sang thực tập năm thứ tư và năm thứ năm); không quá 1.200 USD/ người/ hợp đồng 1 năm

b) Người lao động tự chịu chi phí liên quan tới hộ chiếu, visa, lý lịch tư pháp (nếu có yêu cầu);

- Doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và doanh nghiệp đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản với thực tập sinh. Nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với thực tập sinh;

- Doanh nghiệp chỉ được phép ký quỹ đối với thực tập sinh nếu luật pháp của Nhật Bản cho phép, tuyệt đối không được thu các khoản phí trái với luật pháp của Nhật Bản liên quan tới Chương trình tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng;

3. Doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo tiếng Nhật với thời lượng tối thiểu 520 tiết, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho thực tập sinh theo quy định và cấp chứng chỉ cho thực tập sinh trước khi đi. Tài liệu liên quan đến công tác đào tạo lao động trước khi đi phải được lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ lưu của thực tập sinh tại doanh nghiệp cho tới khi thực tập sinh về nước và thanh lý hợp đồng.

4. Doanh nghiệp đã đưa được trên 200 thực tập sinh tại Nhật Bản cần bố trí cán bộ đại diện để quản lý, hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh. Cán bộ đại diện phải đăng ký địa chỉ, số điện thoại liên lạc và chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản.

Điều 9. Điều kiện đưa lao động giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út

1. Hợp đồng cung ứng lao động giúp việc gia đình (bao gồm lao động giúp việc nhà, lao động trông trẻ, lao động làm vườn và lái xe gia đình) sang Ả-rập Xê-út bảo đảm các điều kiện sau:

a) Độ tuổi người lao động: từ đủ 21 đến 47 tuổi

b) Thời hạn hợp đồng lao động: 02 năm và có thể gia hạn.

c) Mức lương tối thiểu: 1.300 SR/tháng.

d) Thời gian làm việc và nghỉ ngơi: Người lao động được nghỉ tối thiểu 9h liên tục/ngày và 01 ngày/tuần. Nếu người lao động đồng ý làm việc vào ngày nghỉ theo yêu cầu của chủ sử dụng thì được nhận thêm tối thiểu 50 SR/ngày.

e) Người lao động chỉ làm việc tại hộ gia đình trực tiếp của chủ sử dụng theo địa chỉ đã đăng ký với cơ quan chức năng.

f) Người lao động được chủ sử dụng cung cấp miễn phí chỗ ở đảm bảo vệ sinh, riêng tư và ba bữa ăn đủ dưỡng chất mỗi ngày; được mua bảo hiểm y tế và được chữa trị y tế miễn phí trong thời gian làm việc tại Ả-rập Xê-út;

g) Người lao động được phép liên lạc với gia đình của mình và Đại sứ quán/Lãnh sự quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út.

h) Người lao động được mua bảo hiểm rủi ro trước khi đi làm việc tại Ả-rập Xê-út.

i) Hợp đồng cung ứng lao động phải quy định về điều kiện chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chi phí đưa lao động về nước.  Trường hợp chấm dứt hợp đồng trước hạn mà lý do từ phía người giúp việc gia đình thì người lao động phải trả cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương đương với 02 tháng lương trước khi về nước trừ phi người lao động có lí do chính đáng (bị tai nạn, bệnh tật có bệnh án,…) và chịu chi phí vé máy bay về nước.

2. Hợp đồng dịch vụ đưa lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út, ngoại trừ lao động lái xe gia đình, phải bảo đảm người lao động được chủ sử dụng đài thọ chi phí đào tạo và xuất cảnh (bao gồm phí visa, vé máy bay lượt đi và lượt về khi kết thúc hợp đồng, tiền dịch vụ trả cho doanh nghiệp Việt Nam và không phải trả tiền môi giới). Chi phí đối với lao động lái xe gia đình áp dụng như với lao động các ngành nghề khác.

3. Doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo người lao động tối thiểu là 45 ngày trước khi đi tại cơ sở đào tạo đã báo cáo và được Cục chấp thuận, cụ thể như sau:

a) Bồi dưỡng kiến thức cần thiết theo quy định (74 giờ), đảm bảo người lao động nắm vững quy định luật pháp liên quan của Ả-rập Xê-út, các điều kiện

hợp đồng lao động, phong tục tập quán và đặc điểm khí hậu tại Ả-rập Xê-út;

b) Đào tạo kỹ năng nghề giúp việc gia đình (tối thiểu là 100 giờ) trừ những lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út tại các nước Trung Đông;

c) Dạy tiếng Ả-rập cơ bản (tối thiểu là 100 giờ) trừ những lao động đã có kinh nghiệm làm giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út.

4. Trong vòng 05 ngày kể từ ngày doanh nghiệp tổ chức đào tạo, doanh nghiệp lập Danh sách lao động tham gia chương trình đào tạo giúp việc gia đình gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước (theo Phụ lục số 1 gửi kèm, đồng thời gửi bản mềm vào địa chỉ email: arapxeut.dolab@gmail.com).

5. Khi nộp hồ sơ xin visa cho người lao động ở Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Hà Nội thì doanh nghiệp đồng thời gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước để theo dõi (theo Phụ lục số 2 gửi kèm, đồng thời gửi bản mềm vào địa chỉ email: arapxeut.dolab@gmail.com).

Chương IV:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Nguyên tắc hợp tác

1. Các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản theo nguyên tắc:

a) Tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản một năm tiếp nhận 99 thực tập sinh Việt Nam trở xuống hợp tác với không quá 03 doanh nghiệp phái cử Việt Nam;  Tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản một năm tiếp nhận từ 100 đến 199 thực tập sinh Việt Nam hợp tác với không quá 05 doanh nghiệp phái cử Việt Nam; Không hạn chế số lượng doanh nghiệp phái cử của Việt Nam hợp tác với tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản một năm tiếp nhận từ 200 thực tập sinh Việt Nam trở lên.

b) Số lượng thực tập sinh tiếp nhận trong năm của các tổ chức tiếp nhận của Nhật Bản được tính theo năm dương lịch (từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12) của năm trước thời điểm xem xét.

c) Trường hợp tổ chức tiếp nhận có kế hoạch tiếp nhận nhiều thực tập sinh hơn trong năm tới và cần tăng số lượng doanh nghiệp phái cử thì thông báo cho Cục Quản lý lao động ngoài nước về kế hoạch này (số lượng, thời gian tiếp nhận và xí nghiệp tiếp nhận), kèm theo các tài liệu chứng minh (thư yêu cầu của xí nghiệp tiếp nhận thể hiện số lượng, ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh) để được xem xét.

2. Các doanh nghiệp dịch vụ hợp tác với phía Ả-rập Xê-út theo nguyên tắc:

a) Mỗi doanh nghiệp dịch vụ chỉ được ký Hợp đồng cung ứng lao động giúp việc gia đình với tối đa 03 công ty môi giới Ả-rập Xê-út tại một thời điểm.

b) Một công ty môi giới Ả-rập Xê-út chỉ được ký Hợp đồng cung ứng lao động giúp việc gia đình với tối đa 03 doanh nghiệp Việt Nam tại một thời điểm.

3. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng các điều kiện về nhân sự quy định tại Điểm 3 và cơ sở vật chất quy định tại Điểm 4 hoặc không tổ chức đào tạo lao động theo quy định tại Khoản 3 Điểm 9 thì không cho phép tiếp tục đưa lao động giúp việc gia đình sang Ả-rập Xê-út.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày…. tháng….. năm 2017.

2. Bãi bỏ các văn bản số 1538/LĐTBXH -QLLĐNN ngày 09/5/2016; 1123/ LĐTBXH - QLLĐNN ngày 18/11/2015 và 4644/ LĐTBXH - QLLĐNN ngày 12/11/2015 và các công văn hướng dẫn các văn bản này.

3. Không áp dụng Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 04/9/2007 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội và Bộ Tài Chính quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với các quy định về tiền dịch vụ doanh nghiệp được thu của lao động làm công việc khán hộ công gia đình, thuyền viên tàu cá gần bờ, lao động làm công việc chăm sóc người bệnh, người già tại các cơ sở y tế, dưỡng lão.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
- Sở LĐTBXH, TP trực thuộc TƯ;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐTBXH,
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các đơn vị có liên quan;
- Lưu: VT, CQLLĐNN (350 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Doãn Mậu Diệp

 

 

Nội dung văn bản đang được cập nhật

Dự thảo Thông tư hướng dẫn đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại một số thị trường do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu: Khongso
Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký: Doãn Mậu Diệp
Ngày ban hành: 15/03/2017
Ngày hiệu lực: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Văn bản được hướng dẫn - [0]
Văn bản được hợp nhất - [0]
Văn bản bị sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản bị đính chính - [0]
Văn bản bị thay thế - [0]
Văn bản được dẫn chiếu - [0]
Văn bản được căn cứ - [3]
Văn bản liên quan ngôn ngữ - [0]

Văn bản đang xem

Dự thảo Thông tư hướng dẫn đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại một số thị trường do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Văn bản liên quan cùng nội dung - [3]
Văn bản hướng dẫn - [0]
Văn bản hợp nhất - [0]
Văn bản sửa đổi bổ sung - [0]
Văn bản đính chính - [0]
Văn bản thay thế - [0]
Hãy đăng nhập hoặc đăng ký Tài khoản để biết được tình trạng hiệu lực, tình trạng đã bị sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hay đã được hướng dẫn chưa của văn bản và thêm nhiều tiện ích khác
Loading…