BỘ
GIÁO DỤC |
VIỆT
|
Số: 13-QC |
Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 1958 |
HƯỚNG DẪN VIỆC SẮP XẾP CẤP BẬC CHO CÁN BỘ, GIÁO VIÊN VÀO THANG LƯƠNG GIÁO DỤC 16 BẬC
Căn cứ nghị quyết Hội đồng
Chính phủ họp ngày 17, 18/3/1958 về việc cải tiến chế độ tiền lương và tăng
lương năm 1958, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 270-TTg ngày
30/5/1958 để thi hành đối với khu vực hành chính sự nghiệp từ 01/5/1958;
Bộ Nội vụ đã ra Thông tư số 46-NVCB ngày 03/7/1958 để hướng dẫn việc sắp xếp cấp
bậc cho cán bộ, công nhân viên, viên chức các cơ quan hành chính, sự nghiệp;
Trong Thông tư này Bộ hướng dẫn cụ thể việc sắp xếp cấp bậc cho cán bộ chuyên
môn ngành Giáo dục.
Để cho thích hợp với tình hình tổ chức hiện nay của ngành Giáo dục và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên trong ngành, thang lương giáo dục trước 11 bậc nay mở rộng ra 16 bậc.
Khung bậc các loại giáo viên và cán bộ được bố trí lại cho hợp lý hơn:
Khung giáo viên cấp I: từ bậc 1 đến bậc 9/16.
Khung giáo viên cấp II: từ bậc 5 đến bậc 11/16.
Khung giáo viên cấp III: từ bậc 12 đến bậc 13/16.
Tập sự trợ lý các trường:
Đại học : Bậc 6 và 7/16
Trợ lý và phụ giảng : từ bậc 8 đến bậc 13/16
Giảng viên và giáo sư : từ bậc 12 đến bậc 16/16.
Cán bộ Bình dân học vụ huyện, ty: từ bậc 2 đến bậc 9/16.
Cán bộ Bình dân học vụ khu, nha: từ bậc 3 đến bậc 11/16.
Cấp 1 - Bậc 2: Khởi điểm của giáo viên đào tạo ra để dạy lớp 1, 2.
Bậc 3: Tốt nghiệp sư phạm sơ cấp ra dạy toàn cấp 1.
Cấp 2 - Bậc 5: Tốt nghiệp trường sư phạm trung cấp ra dạy toàn cấp 2.
Cấp 3 - Bậc 7: Trình độ văn hóa lớp 10, học Đại học sư phạm ba năm và tốt nghiệp đại học, ra dạy toàn cấp 3.
Ở cấp 1 khi xếp vào bậc khởi điểm phải qua thời gian tập sự một năm, cấp 2 và 3 thời gian tập sự là hai năm. Sau thời gian tập sự sẽ xét để đưa lên bậc khởi điểm.
Trong thời gian tập sự giáo viên được hưởng mức lương tương đương với bậc dưới khởi điểm một bậc.
Tiêu chuẩn chung để sắp xếp cho giáo viên và cán bộ BDHV vẫn là “căn cứ vào chức vụ hiện tại xét đức tài mà xếp”.
Chức vụ hiện tại là cương vị công tác, nhiệm vụ mà người giáo viên hiện đang đảm nhận.
Tài của người giáo viên thể hiện trong việc thực hiện nhiệm vụ hiện nay tức là trong phương pháp, kinh nghiệm, kết quả giảng dạy, khả năng giảng dạy, khả năng tổ chức và lãnh đạo việc học tập của học sinh, thành tích cống hiến cho việc xây dựng nhà trường, xây dựng ngành.
Đức là phẩm chất chính trị của người giáo viên, là lập trường tư tưởng thể hiện trong việc giảng dạy, “thực hiện đúng đường lối, mục đích, phương châm giáo dục của Đảng và Chính phủ”, trong thái độ công tác, trong tinh thần phục vụ, trong tinh thần chấp hành chính sách, ý thức tổ chức và kỷ luật, trong tác phong liên hệ với quần chúng nhân dân và học sinh, trong tinh thần tham gia vào các đoàn thể như công đoàn, Đoàn thanh niên lao động.
Đức, tài của người giáo viên thể hiện trên một quá trình công tác nhất định. Ngành giáo dục là một ngành chuyên môn, sự tích lũy kinh nghiệm, quá trình được rèn luyện trong ngành là một yếu tố cần phải tính đến khi xét đức, tài của thầy giáo. Cho nên giáo viên mới ra trường 5, 3 năm chưa nên xếp vào những bậc trên của khung giáo viên cấp ấy vì lập trường tư tưởng chưa được thử thách lâu dài, thành tích công lao với ngành, kinh nghiệm tích lũy chưa được là bao nhiêu.
Điểm này không trái với nguyên tắc phân phối theo lao động vì lao động của người giáo viên không phải chỉ tính vào công sức giảng dạy, khả năng thuần túy về chuyên môn mà điểm chính là phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm qua một quá trình giảng dạy lâu dài, thành tích xây dựng ngành.
Vì cũng lẽ ấy nên đối với những cán bộ đã có công tác trong các ngành khác, trong quân đội, tuy mới chuyển qua ngành khác, trong quân đội, tuy mới chuyển qua ngành Giáo dục, chuyên môn giáo dục còn non, nhưng không thể coi như học sinh mới ra trường mà phải cân nhắc sự trưởng thành rèn luyện của họ trong kháng chiến, trong công tác mà đánh giá đức tài cho đúng.
4) Đối tượng sắp xếp vào thang lương Giáo dục:
Được xếp vào thang lương Giáo dục:
- Những cán bộ, giáo viên đang trực tiếp làm công tác giảng dạy văn hóa, văn thể mỹ, kỹ thuật khoa học ngoại ngữ tại các trường thuộc Bộ Giáo dục hoặc chuyên trách công tác giảng dạy tại các trường thuộc các Bộ khác.
- Những cán bộ nghiên cứu đã xếp thang lương Giáo dục hiện làm công tác nghiên cứu về chuyên môn Giáo dục trực tiếp phục vụ cho việc giảng dạy.
- Những cán bộ Bình dân học vụ (nếu xếp thang lương 16 bậc chưa có cơ sở để xét thì xếp vào thang lương 21 bậc).
- Những cán bộ làm công tác giảng dạy chính trị ở các trường Phổ thông, Đại học và Chuyên nghiệp (trường hợp xếp ở thang lương 16 bậc chưa thỏa đáng thì có thể xếp ở thang lương 21 bậc).
- Những giáo viên vì nhu cầu công tác mới điều động về Khu, Ty hoặc Bộ làm công tác tổ chức hay cán bộ công tác kế hoạch, mà cần phải là giáo viên mới làm được, trước cũng đã xếp vào thang lương Giáo dục (nếu đã làm lâu năm: 3, 4, 5 năm trở lên thì nên xếp thang lương 21 bậc).
- Những giáo viên phụ trách các phòng thí nghiệm.
Các cán bộ lãnh đạo như Chánh, Phó Giám đốc Nha, Chánh, Phó Giám đốc Khu, Trưởng, Phó ty đều xếp vào thang lương 21 bậc. Nếu xếp vào thang lương 21 bậc chưa thỏa đáng thì xếp sang thang lương Giáo dục 16 bậc.
Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường Phổ thông đều xếp vào thang lương Giáo dục theo các khung dưới đây:
Hiệu trưởng cấp 1 từ bậc 4 đến bậc 9/16.
Hiệu trưởng cấp 2 từ bậc 6 đến bậc 11/16.
Hiệu trưởng và Hiệu phó cấp 3 từ bậc 8 đến bậc 13/16.
Giáo viên trong thời gian chưa được chính thức cử làm Hiệu trưởng, mới có quyết định quyền Hiệu trưởng thì vẫn giữ bậc của giáo viên.
Nói chung giáo viên mới tốt nghiệp ở trường ra chưa thể bố trí làm Hiệu trưởng, nhưng nếu ở một vài địa phương vì nhu cầu phải bố trí thì vẫn coi như quyền Hiệu trưởng và hưởng khung bậc của giáo viên.
Việc hướng dẫn học tập chính sách lương mới và việc sắp xếp bậc cho cán bộ, giáo viên ở mỗi cấp đều tập trung dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính ở mỗi cấp, Bộ chỉ xét duyệt ngạch bậc cho:
- Chánh, Phó Giám đốc Khu, Sở.
- Trưởng, Phó ty.
- Giáo viên ở địa phương xếp từ bậc 10/16 trở lên trong thang lương Giáo dục.
- Cán bộ, giáo viên, công nhân viên ở các cơ quan trung ương và trường trực thuộc Bộ.
Đính theo Thông tư này có bảng hướng dẫn về tiêu chuẩn cụ thể.
BẢNG HƯỚNG DẪN TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỂ XẾP GIÁO VIÊN VÀ CÁN BỘ VÀO THANG LƯƠNG GIÁO DỤC 16 BẬC
(kèm theo Thông tư số 13-QC ngày 05/7/1958 của Bộ Giáo dục)
Dưới đây Bộ hướng dẫn một số tiêu chuẩn cụ thể để các địa phương sắp xếp khỏi chênh lệch nhau nhiều:
1) Đối với bậc khởi điểm ở mỗi cấp:
Đối với cấp 1 và cấp 2, những giáo viên đã có Nghị định xếp vào bậc khởi điểm thì nay chuyển qua bậc khởi điểm của thang lương 16 bậc. Đối với những giáo viên đã hết thời gian tập sự và đã xét đáng được đưa lên bậc khởi điểm nhưng vì sự chậm trễ của các cấp lãnh đạo chưa ra quyết định kịp thì bây giờ nên xét để chuyển qua bậc khởi điểm. Nhưng đối với những giáo viên tinh thần đạo đức trách nhiệm quá kém, tư cách đạo đức quá kém, ảnh hưởng đến uy tín của thầy giáo thì có thể xét để chuyển qua bậc dưới khởi điểm tuy đã có Nghị định chính thức xếp vào bậc khởi điểm.
Để tránh sự chênh lệch đối với giáo viên sắp ra trường phải áp dụng thời gian tập sự dài hơn, những giáo viên mới lên khởi điểm phải ở bậc khởi điểm ít nhất 2 năm mới xét để đưa lên bậc trên khởi điểm, trừ trường hợp đặc biệt.
Đối với giáo viên cấp 3: bậc 7/16 là bậc khởi điểm của giáo viên tốt nghiệp Đại học sư phạm; khi vào trình độ lớp 10 và học đúng ba năm Đại học. Trước khi xếp bậc 7/16 qua thời gian tập sự hai năm.
Đối với giáo viên ra trường niên khóa 1956 – 1957 có một số công tác mới được một năm tuy đã có Nghị định xếp vào bậc khởi điểm cũ nhưng nếu về lập trường tư tưởng và khả năng giảng dạy vào loại kém thì vẫn chuyển qua bậc 6/16; qua năm học 1958 – 1959 nếu có tiến bộ mới xét để đưa lên bậc 7/16, nhưng không nhất thiết phải chờ đủ hai năm kể từ khi mới ra trường. Đối với số sắp ra trường cuối niên khóa 1957 – 1958 thì sẽ áp dụng thời gian tập sự mới.
Dưới đây là những tiêu chuẩn để nghiên cứu xếp cho giáo viên cấp 1, 2 và 3, nhưng không phải đơn thuần căn cứ vào số năm đã công tác mà sắp xếp. Tiêu chuẩn chung vẫn “căn cứ vào chức vụ hiện nay xét đức tài mà xếp”, nhưng khi xét đức, tài phải nhìn cả quá trình của người giáo viên. Đối với một giáo viên đã phục vụ lâu năm hơn trong ngành thì sự cống hiến xây dựng ngành có nhiều hơn, kinh nghiệm giảng dạy nhiều hơn, lập trường tư tưởng được thử thách hơn. Nhưng tất cả những điều đó được thể hiện trên đức, tài hiện nay. Nếu lập trường tư tưởng sút kém, giảng dạy kém thì không thể dựa vào thời gian phục vụ lâu hơn trong ngành mà xếp cao.
Quan niệm “trung bình” phải là về mặt đức và tài bảo đảm mức trung bình không thuộc vào loại kém. Trên trung bình là loại khá, tốt và loại có nhiều thành tích trội hẳn. Quan niệm đúng như trên mới nghiên cứu vận dụng đúng những tiêu chuẩn cụ thể dưới đây:
Giáo viên cấp 1 gồm có giáo viên chỉ dạy được lớp 1, 2 gắng lắm là lớp 3 và giáo viên dạy được toàn cấp 1.
a) Giáo viên chỉ dạy được lớp 1, 2 tuyển từ hòa bình nay còn ở mức trung bình vẫn xếp 2, dạy khá có thể xếp 3. Từ hòa bình đến nay mà lập được nhiều thành tích có thể xếp đến 4/16.
Giáo viên chỉ dạy được lớp 1, 2 gắng lắm là 3, vào ngành từ năm 1950 trở lại đến 1953 dạy còn trung bình có thể xếp 3/16, dạy khá có thể xếp 4/16, dạy tốt có thể xếp 5/16. Loại này nếu dạy từ Cách mạng tháng 8 đến nay, dạy còn trung bình có thể xếp 4/16, dạy khá có thể xếp 5/16, dạy tốt có thể xếp 6/16, có nhiều thành tích uy tín có thể xếp đến 7/16.
Giáo viên đào tạo ra dạy toàn cấp nhưng vì nhu cầu chỉ bố trí dạy lớp 1, 2 thì cần xét để xếp cho thỏa đáng.
b) Giáo viên dạy toàn cấp:
Giáo viên tốt nghiệp Sư phạm sơ cấp ra trường năm 1954 hoặc 1955 dạy còn mức trung bình có thể vẫn xếp 3/16, dạy khá có thể xếp 4/16. Từ hòa bình đến nay mà lập được nhiều thành tích có thể xếp 5/16.
Giáo viên tốt nghiệp Sư phạm sơ cấp ra trường năm 1952 – 1953 hoặc giáo viên trình độ tương đương cao đẳng tiểu học, trung học phổ thông dạy toàn cấp từ năm 1952 – 1953 dạy còn trung bình có thể xếp 4/16, dạy khá có thể xếp 5/16, dạy tốt có thể xếp 6/16.
Giáo viên có trình độ văn hóa dạy toàn cấp vào ngành từ năm 1950 hay trước một vài năm dạy còn trung bình cũng xếp 4/16, khá xếp 5/16, dạy tốt có thể xếp 6/16 và có nhiều thành tích có thể xếp đến 7/16.
Giáo viên có CAP, BAP hoặc có trình độ tương đương dạy toàn cấp dạy liên tục từ trước Cách mạng tháng 8 hoặc từ Cách mạng tháng 8 đến nay, trung bình có thể xếp 6/16, dạy tốt có thể xếp 7, 8/16; nếu có nhiều thành tích trội, có uy tín tỏ ra là một nhà giáo mẫu mực có thể xếp 9/16.
Giáo viên tốt nghiệp Sư phạm trung cấp từ năm 1956 xếp bậc 5/16 có số tuy mới tốt nghiệp nhưng trước là giáo viên cấp 1 đề bạt đi học hoặc có quá trình công tác nhất định, có thể xét để xếp 6/16.
Giáo viên tốt nghiệp Sư phạm trung cấp ra năm 1954 – 1955 dạy tốt có thể xếp 6/16.
Giáo viên tốt nghiệp Sư phạm trung cấp ra năm 1952 hoặc 1953 dạy trung bình xếp 6/16, dạy khá xếp 7/16.
Giáo viên cấp 1 có Cao đẳng tiểu học, BAP vào ngành từ trước Cách mạng tháng 8 hoặc từ Cách mạng tháng 8 hoặc sau đó một ít dạy kê lên cấp 2, dạy được toàn cấp, dạy trung bình có thể xếp 7/16, một số đã làm Hiệu trưởng, dạy tốt có thể xếp 8/16 và có nhiều thànht ích uy tín có thể xếp 9/16.
Giáo viên có bằng chuyên khoa, tú tài toàn phần, Cao đẳng sư phạm cũ, dạy từ trước Cách mạng tháng 8 hoặc từ Cách mạng tháng 8 dạy toàn cấp, dạy trung bình có thể xếp 8/16, dạy tốt có thể xếp 9/16, 10/16. Có nhiều thành tích nhiều uy tín có thể xếp 11/16.
Giáo viên Cao đẳng sư phạm cũ và giáo viên đào tạo ở trường Đại học sư phạm ra để dạy cấp 3 và khả năng dạy cấp 3 nhưng vì nhu cầu bố trí dạy cấp 2, xét để cấp bậc thỏa đáng.
Hiện nay giáo viên cấp 3 xếp từ 8/11 đến 5/11 trong thang lương 11 bậc, những cũng có giáo viên xếp vượt khung lên 4/11, nên khi chuyển sang thang lương 16 bậc có thể từ 6/16 đến 13/16..
Giáo viên có trình độ tương đương tú tài, hoặc giáo viên cấp 2 đề bạt dạy cấp 3 từ 1950 – 1951 trở đi, giáo viên tốt nghiệp Sư phạm cao cấp liên khu 4, Sư phạm cao cấp Khu học xá từ năm 1953, tốt nghiệp khoa học cơ bản năm 1953, giáo viên có cử nhân hoặc một bằng đại học dạy cấp 3 từ năm 1950 – 1951 dạy trung bình có thể xếp 8/16, dạy tốt có thể xếp 9, 10/16.
Giáo viên có tú tài toàn phần, một bằng đại học, cử nhân, cao đẳng sư phạm cũ dạy trung học từ trước Cách mạng tháng 8, dạy trung học chuyên khoa từ Cách mạng tháng 8, dạy trung học chuyên khoa từ Cách mạng tháng 8, sau dạy cấp 3 hiện nay dạy toàn cấp dạy trung bình có thể xếp 9/16, dạy tốt có thể xếp 10, 11/16, có nhiều thành tích, nhiều uy tín trong ngành có thể xếp 12/16.
Số giáo viên này có người trước đã xếp vượt khung lên đến bậc 4/11 hoặc đã đề bạt làm công tác ở Đại học và xếp 4/11 nay có thể chuyển sang 12/16 hoặc 13/16.
Trên đây là những loại giáo viên phổ biến, nơi nào cũng có thể có. Ngoài ra mỗi địa phương nếu có những loại giáo viên khác thì căn cứ vào tương quan chung mà xếp. Đối với Hiệu trưởng thì căn cứ vào khả năng hiện tại cộng thêm vào khả năng tổ chức, trách nhiệm lãnh đạo mà xét để xếp vào một bậc thỏa đáng trong khung bậc Hiệu trưởng.
Đối với cán bộ tốt nghiệp trường Trung cấp kỹ thuật trong hay ngoài nước và nhận công tác giảng dạy từ đầu niên học 1957 – 1958, nếu trước khi đi học là học sinh thì xếp bậc 5/16, nếu trước là cán bộ đã có quá trình công tác nhất định thì có thể xét để xếp vào bậc 6/16.
Đối với cán bộ tốt nghiệp trường Đại học 4 năm ở trong hay ngoài nước, hiện xếp 6/11 thì chuyển sang 8/16. Loại này trước khi đi học là cán bộ có nhiều thành tích, có thể xếp cao hơn.
Vì tính chất công tác khác nhau, khung bậc sắp xếp cho cán bộ Bình dân học vụ không chia dứt khoát ra từng cấp như giáo viên phổ thông cấp 1, 2 và 3, nên khi sắp xếp cần so sánh tương quan mà xếp, cần lấy mức sắp xếp cho cán bộ Bình dân học vụ huyện để sắp xếp cho cán bộ có trình độ trên công tác ở các cấp.
Bậc cao nhất có thể ngang với bậc của cán bộ điều khiển ở cấp đó. Ví dụ ở Ty có thể xếp ngang với Phó ty, ở Khu có thể xếp ngang với Phó phòng chuyên môn khu, ở Nha có thể xếp ngang với Phó phòng chuyên môn Nha.
Bậc khởi điểm của cán bộ Bình dân học vụ huyện, châu là 2/16, chỉ xếp cho những cán bộ mới vào ngành chưa có quá trình công tác thoát ly, cần phải kém cấp. Nếu cán bộ tuy còn kém cấp nhưng có quá trình công tác thoát ly thì xếp 3/16.
Cán bộ có khả năng phụ trách trung bình phong trào Bình dân học vụ huyện thì xếp 4, 5/16, khá, vững xếp 6/16. Nếu đã công tác lâu năm trong ngành có kinh nghiệm lãnh đạo phong trào xếp 7/16.
Các cán bộ đã qua kỳ thi kiểm soát viên cao cấp hoạt động lâu năm trong ngành, công tác tích cực, có kinh nghiệm lãnh đạo phong trào Bình dân học vụ trong tỉnh trung bình xếp 7/16, khá xếp 8, 9/16, và có nhiều kinh nghiệm thành tích xây dựng ngành có thể xếp 10/16. Cán bộ trên nữa thì xét tương quan với loại cán bộ này mà xếp, nguyên tắc là ở mỗi cán bộ nghiên cứu không vượt quá cán bộ lãnh đạo ở cấp ấy.
Cán bộ tốt nghiệp ở các trường Sư phạm ra chuyển sang công tác ngành Bình dân học vụ thì căn cứ theo tiêu chuẩn của giáo viên phổ thông mà xếp nếu thời gian ra trường chưa lâu, sau sẽ căn cứ vào khả năng công tác Bình dân học vụ mà xếp.
Những cán bộ trước là giáo viên phổ thông chuyển qua thì đối chiếu với giáo viên phổ thông và căn cứ vào đức tài hiện nay trên công tác Bình dân học vụ mà xếp.
Những cán bộ dùng tiếng nước ngoài để dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam hoặc từ tiếng Việt Nam sang tiếng nước ngoài bằng dịch viết hay dịch nói tức là làm công tác phiên dịch thì xếp vào thang lương phiên dịch chung.
Những người dùng tiếng nước ngoài vào việc nghiên cứu thì không xếp vào thang lương phiên dịch mà xếp vào thang lương 21 bậc.
Những cán bộ làm công tác giảng dạy ngoại văn ở các trường thì xếp vào thang lương Giáo dục theo những bậc dưới đây (có đối chiếu với thang lương phiên dịch chung và có so sánh tương quan với giáo viên).
Những cán bộ tốt nghiệp ở các lớp Hoa văn ở Nam Ninh:
Khóa 1952 – 1953 hiện đã xếp 13/17 hoặc 8/11 thì có thể xếp 5, 6/16.
Khóa 1952 – 1954 hiện đã xếp 8, 7/11 thì có thể xếp 6, 7/16.
Nếu là giáo viên cấp 2 đề bạt đi học, cán bộ thoát ly có thành tích hiện dạy trội hẳn có thể xếp 8/16.
Khóa 1953 – 1954 hoặc 1954 – 1956 hiện đã xếp 8, 7/11 có thể xếp 5, 6/16.
Nếu là giáo viên cấp 2 đề bạt đi học là cán bộ thoát ly, có một quá trình công tác nhất định có thành tích hiện dạy tốt có thể xếp 7/16.
Khóa 1954 – 1955 hiện xếp 9, 8/11 có thể xếp 5, 6/16.
Đối với giáo viên Hoa văn và Nga
văn ở trường Ngoại ngữ (Việt
Nếu tốt nghiệp đầu năm 1958 thì xếp lương bậc 4, sau thời gian tập sự 2 năm mới xét xếp vào bậc khởi điểm là 5/16.
Đối với lớp Nga văn ở Bắc Kinh:
Khóa 50 – 53 hiện đã xếp 10, 11/17 hoặc 6, 7/11 thì có thể xếp 7, 8, 9/16.
Đối với lớp Nga văn ở Mạc tư Khoa:
Khóa 1954 – 1956 hiện xếp 8/11 có thể xếp 5, 6/16.
Việc xếp một cán bộ nói trên vào bậc trên hay dưới là căn cứ vào công tác hiện tại xét các mặt đức, tài mà xếp.
Những giáo viên thể thao thể dục nguyên là giáo viên cấp 2 hoặc cấp 1 đề bạt đi học thì sẽ căn cứ vào quá trình công tác giáo viên và khả năng, tính chất công tác hiện nay mà xếp bậc.
Tính chất công tác hiện nay mà xếp vào bậc thoả đáng từ bậc 4 đến bậc 10 trong thang lương giáo dục.
Ban Thể thao thể dục trung ương sẽ nghiên cứu quy định tiêu chuẩn cụ thể.
Các giáo viên nhạc, họa ở các trường thì căn cứ vào bậc hiện nay mà chuyển sang bậc mới trong thang lương giáo dục.
Trên đây là một số hướng dẫn cụ thể, đề nghị các Ủy ban căn cứ tiêu chuẩn chung và tình hình cụ thể của địa phương hướng dẫn các cơ quan Giáo dục tiến hành việc sắp xếp giáo viên trong thang lương mới, cố gắng đảm bảo thực hiện đúng nhiều điểm đã nêu trong Thông tư này để tránh bớt sự chênh lệch giữa địa phương này và địa phương khác, giảm bớt tình hình sắp xếp bất hợp lý cũ đối với ngành Giáo dục, nhưng đồng thời cũng phù hợp với quan hệ sắp xếp của địa phương.
|
BỘ TRƯỞNG BỘ
GIÁO DỤC |
Thông tư 13-QC năm 1958 hướng dẫn việc sắp xếp cấp bậc cho cán bộ, giáo viên vào thang lương giáo dục 16 bậc do Bộ giáo dục ban hành.
Số hiệu: | 13-QC |
---|---|
Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục |
Người ký: | Nguyễn Văn Huyên |
Ngày ban hành: | 05/07/1958 |
Ngày hiệu lực: | Đã biết |
Tình trạng: | Đã biết |
Văn bản đang xem
Thông tư 13-QC năm 1958 hướng dẫn việc sắp xếp cấp bậc cho cán bộ, giáo viên vào thang lương giáo dục 16 bậc do Bộ giáo dục ban hành.
Chưa có Video